CHÚA NHẬT II THƯỜNG NIÊN NĂM C
Is 62, 1-5; 1Cr 12, 4-11; Ga 2, 1-12
Tin Mừng Chúa Giêsu Kitô theo Thánh Gioan.
1Khi ấy, có tiệc cưới tại Cana xứ Galilêa. Và có mẹ của Chúa Giêsu ở đó. 2Chúa Giêsu và các môn đệ Người cũng được mời dự tiệc cưới. 3Và bỗng thiếu rượu, mẹ Chúa Giêsu nói với Người: “Họ hết rượu rồi”. 4Chúa Giêsu nói với mẹ: “Hỡi bà, Con với bà có can chi đâu, giờ Con chưa đến”. 5Mẹ Người nói với những người giúp việc: “Hễ Người bảo gì, thì phải làm theo”. 6Ở đó có sáu chum đá, dùng vào việc thanh tẩy của người Do-thái, mỗi chum đựng được hai hoặc ba thùng nước. 7Chúa Giêsu bảo họ: “Hãy đổ nước đầy các chum”. Họ đổ đầy tới miệng. 8Và Chúa Giêsu bảo họ: “Bây giờ hãy múc đem cho người quản tiệc!” Và họ đã đem đi. 9Khi người quản tiệc nếm thử nước đã hoá thành rượu, ông không biết tự đâu ra, nhưng những người giúp việc đã múc nước thì biết, 10ông mới gọi tân lang mà nói: “Ai cũng đem rượu ngon ra trước, khi khách ngà ngà thì mới đem rượu xoàng hơn. Còn ông, ông lại giữ rượu ngon tới giờ này”. 11Chúa Giêsu đã làm phép lạ đầu tiên này tại Cana xứ Galilêa, và đã tỏ vinh quang Người và các môn đệ Người tin Người.
SUY NIỆM: LOAN BÁO TIN VUI
Lời Chúa: “Hễ Người bảo gì, thì phải làm theo” (Ga 2,5).
Nhập lễ:
Kính thưa cộng đoàn phụng vụ,
Phụng vụ Lời Chúa Chúa Nhật II thường niên hôm nay cho chúng ta thấy, sự hiện diện của Chúa Giêsu và Mẹ Maria tại tiệc cưới Cana không những đem niềm vinh dự, mà còn đem lại niềm vui và hạnh phúc cho gia đình chủ tiệc khi bữa tiệc bất ngờ hết rượu:
I-Sai loan báo Tin vui,
Vua bình an đến, đất còi nở hoa.
Kìa trong tiệc cưới Ca-na,
Tin vui đã điểm, hoan ca chúc mừng.
Hôm nay tiệc trọng vô cùng,
Chúa ban Thịt Máu, tiệc chung muôn người.
Hiệp dâng thánh lễ hôm nay, xin Chúa giúp chúng ta biết đem lại niềm vui và hạnh phúc nơi những người chúng ta gặp gỡ, nhờ biết yêu thương quan tâm giúp đỡ người khác để cùng nhau vào hưởng bàn tiệc thiên quốc muôn đời. Trong tâm tình đó, giờ đây chúng ta hãy thành tâm sám hối.
Sám hối:
X. Lạy Chúa, Chúa đã hiện diện trong tiệc cưới Cana để chúc phúc cho tình yêu đôi bạn. Xin Chúa thương xót chúng con.
Đ. Xin Chúa thương xót chúng con.
X. Lạy Chúa Kitô, Chúa đã tỏ quyền năng Lòng Thương Xót Chúa "nước hoá thành rượu ngon". Xin Chúa Kitô thương xót chúng con.
Đ. Xin Chúa Kitô thương xót chúng con.
X. Lạy Chúa, Chúa cho Đức Maria cộng tác vào sứ vụ loan báo Tin Mừng của Chúa. Xin Chúa thương xót chúng con.
Đ. Xin Chúa thương xót chúng con.
Kết: Xin Thiên Chúa toàn năng thương xót, tha tội và dẫn đưa chúng ta đến sự sống muôn đời.
CĐ: Amen.
Suy niệm:
Kính thưa quý ông bà anh chị em,
Thiên Chúa giáng sinh làm người và ở giữa chúng ta. Ngài không chỉ đến để tỏ mình ra cho các mục đồng, cho các nhà đạo sĩ mà Ngài còn tỏ mình ra qua các dấu chỉ Ngài làm để nói lên tình thương của Thiên Chúa đối với nhân loại.
Thưa anh chị em, ngôn sứ Isaia trong bài đọc I hôm nay loan báo, Thiên Chúa sẽ cất đi những tủi nhục của dân Do Thái và đưa họ từ chốn lưu đày trở về xây dựng lại thành thánh, và tương lai của thành sẽ rực rỡ vinh quang. Thiên Chúa sẽ làm cho dân được đầy hoan lạc: đất đai sẽ phì nhiêu, phú túc, thanh niên sẽ sánh duyên cùng trinh nữ, người chồng sẽ vui mừng vì vợ và cả Thiên Chúa cũng sẽ vui mừng vì danh Ngài. Niềm vui mừng đó của dân Israel trở nên tột cùng khi họ cảm nghiệm rằng: có Chúa luôn hiện diện, sánh vai cùng đồng hành và gìn giữ che chở dân Ngài. Có Chúa là có tất cả. Có sự hiện diện của Chúa là niềm hạnh phúc. Thực thi thánh ý Chúa là niềm an vui.
Điều đó làm cho chúng ta xác tín hơn nữa qua trang Tin Mừng hôm nay. Thánh Gioan thuật lại, trong tiệc cưới Cana, có mẹ của Chúa Giêsu ở đó. Chúa Giêsu và các môn đệ Người cũng được mời dự tiệc cưới. Đám cưới là một dịp vui mừng. Với người Do thái, thay vì tuần trăng mật thì họ tổ chức tiệc tùng kéo dài cả tuần lễ. Tiệc rượu đang diễn ra êm xuôi. Mọi người đều vui vẻ với chén rượu, với nụ cười hân hoan. Bổng chốc, tiệc thiếu rượu. Thiếu rượu là một bất trắc không ngờ. Điều này làm cho gia chủ và những người phục vụ rất lo lắng vì đang bữa tiệc mà hết rượu thì quả là một sự xấu hổ và nhục nhã cho gia đình. Đứng trước cảnh lúng túng của gia chủ, mẹ Maria đã động lòng trắc ẩn và mẹ đã thỉnh cầu nhờ Chúa Giêsu giúp đỡ. Mẹ đã ghé vào tai Chúa Giêsu mà nói nhỏ: “Họ hết rượu rồi”. Một lời gợi ý có tính cách van xin và đầy tin tưởng. Mẹ Maria nói với những người giúp việc: “Hễ Người bảo gì, thì phải làm theo”. Nghe lời mẹ dặn những người giúp việc phải tuân theo lệnh Chúa. Chúa Giêsu bảo họ: “Hãy đổ nước đầy các chum”. Chúa Giêsu đã làm phép lạ “nước hoá thành rượu” ngon để tiệc rượu diễn ra bình thường. Rượu mới không chỉ phong nhiêu mà nó còn tuyệt hảo nữa. Xem ra ai cũng thoả mãn với chén rượu nồng nàn. Ngày hôn lễ được diễn ra một cách êm xuôi. Ðôi tân hôn hôm nay đã có một niềm vui trọn vẹn. Gia đình họ thật hạnh phúc. Hạnh phúc vì nhờ có sự hiện diện của Chúa Giêsu và mẹ Maria. Sự hiện diện đó không những đem niềm vinh dự, mà còn đem lại cho gia chủ một niềm vui trọn vẹn khi bữa tiệc bất ngờ thiếu rượu.
Kính thưa quý ông bà anh chị em,
Nếu như tiệc cưới Cana không có sự hiện diện của Chúa Giêsu và mẹ Maria thì quả là một sự xấu hổ và nhục nhã cho gia chủ. Cũng thế, gia đình Kitô giáo không có sự hiện diện của Chúa, Mẹ Maria thì đời sống vợ chồng khó lòng trung thành với nhau trọn tình vẹn nghĩa thủy chung được, nhất là những khi thiếu rượu nồng tình yêu. Thiếu rượu nồng của tình yêu nên dẫn đến đổ vỡ, nghi kỵ, hiểu lầm và ghen tương. Thiếu rượu nồng của tình yêu đã gây nên biết bao xáo trộn trong gia đình, không thể cảm thông và tha thứ. Ngày nay, có biết bao gia đình đang bị xáo trộn bởi cơm chẳng lành canh chẳng ngọt. Nhiều gia đình đang bất hoà vì đói nghèo, túng cực. Nhiều gia đình đang thất vọng bởi công việc làm ăn chẳng thuận buồm xuôi gió. Tình yêu là một cuộc phiêu lưu khó khăn. Bước vào hôn nhân là bước vào một trường học tình yêu, ở đó mọi người đều là những học viên chậm chạp. Chính vì thế, chúng ta cần có sự hiện diện của Chúa Kitô và mẹ Người.
Nguyện xin tình yêu của Chúa Kitô cư ngụ trong mỗi gia đình giáo xứ chúng ta. Xin cho gia đình chúng ta êm ấm thuận hoà, biết noi gương mẹ Maria loan báo tin vui đến cho người khác, để cùng nhau vào hưởng bàn tiệc thiên quốc muôn đời. Amen.
Lm. Phêrô Nguyễn Văn Quang.
SUY NIỆM: XIN NGỰ VÀO NHÀ CON
Câu chuyện về tiệc cưới tại Cana được kể lại trong bài Tin mừng hôm nay, chắc đã quá quen thuộc với nhiều người, thậm chí có người thuộc nằm lòng về nội dung đến tình tiết lẫn lời thoại. Vậy đâu là yếu tố để lại cho anh chị em nhiều ấn tượng nhất? Và anh chị em rút ra được bài học gì cho đời sống đức tin của mình qua câu chuyện này?
Như chúng ta đã biết, Chúa Giêsu là một trong những thực khách được mời đến dự tiệc cưới. Người ta mời Chúa Giêsu đến để cùng chia sẻ niềm vui với họ trong ngày thành hôn. Và niềm vui ấy được nhân đôi, khi Chúa Giêsu đã hóa nước thành rượu ngon, để giúp họ giải quyết được khó khăn bất ngờ xảy đến trong ngày tiệc. Thánh Gioan cho biết, đây là phép lạ đầu tiên Chúa Giêsu đã làm tại Cana, và nó diễn ra trong khung cảnh của một gia đình, hơn nữa là một gia đình mới.
Mà dường như Chúa Giêsu rất hay làm phép lạ trong các gia đình thì phải! Khi đến thăm nhà của Thánh Phêrô, tại đây, Chúa Giêsu đã chữa lành cho bà mẹ vợ của ông đang lên cơn sốt (x.Mc 1, 29-31). Khi đến dùng bữa tại nhà ông Giakêu, Ngài đã làm cho cả nhà ông được ơn biến đổi hoàn toàn (x.Lc 9,18). Rồi trong câu chuyện 2 môn đệ trên đường Emmau cũng vậy, khi được mời vào nhà, Chúa Giêsu đã làm phép lạ nhãn tiền, giúp 2 các ông nhận ra Ngài đã phục sinh (x.Lc 24,30). Chúa Giêsu cũng đã chữa lành con gái ông Gai-ô, trưởng hội đường (x.Mc 5,41), và tên đầy tớ của người biệt phái (x.Lc 4.14), ngay chính trong căn nhà của họ…
Vậy những chi tiết ấy muốn nói với chúng ta điều gì? Hãy mời Chúa đến trong gia đình mình thưa anh chị em, rồi Chúa cũng sẽ làm những phép lạ trong chính ngôi nhà của chúng ta. Ngài sẽ nâng đỡ và giúp sức cho gia đình chúng ta trong mọi cơn gian nan khốn khó.
Đó là bài học đức tin đầu tiên gởi đến mỗi người chúng ta dưới ánh sáng lời Chúa hôm nay.
Bài học thứ hai, ta có thể rút ra từ hình ảnh của Mẹ Maria. Chính Mẹ là người đã nói cho Chúa Giêsu biết về khó khăn mà đôi tân hôn đang gặp phải: “Họ hết rượu rồi”. Tuy phản ứng của Chúa Giêsu có chút lạnh nhạt, nhưng Ngài không thể nào từ chối Mẹ của mình.
Điều này cũng rất dễ hiểu, trong thân phận của những người làm con, khi được cha mẹ yêu cầu thực hiện một điều gì, dù có lấn cấn hay có gượng gạo đến đâu, nhưng rồi chúng ta cũng khó mà từ chối đề nghị của các ngài. Chúa Giêsu cũng thế, Ngài có thể từ chối ai, chứ làm sao Ngài có thể từ chối chính mẹ ruột của mình.
Đừng quên chạy đến với Mẹ Maria và xin Mẹ chuyển cầu cùng Chúa cho chúng ta thưa anh chị em.
Và bài học thứ ba. Sở dĩ phép lạ được thực hiện, sở dĩ khó khăn của ngày cưới được giải quyết êm lẹ, là vì các gia nhân đã làm theo những gì mà Chúa Giêsu chỉ dạy.
Thưa anh chị em, nếu chúng ta đã mời Chúa đến trong nhà mình, thì hãy coi Chúa như là một thành viên chính thức của gia đình, nghĩa là cho Chúa có tiếng nói trong mọi chuyện lớn nhỏ của gia đình mình; nếu đã trao đổi với nhau, thì cũng hãy trao đổi với Chúa, để xem Chúa muốn ta làm gì.
Nếu anh chị em đã xem Chúa là một thành viên trong nhà, thì hãy ngày ngày trò chuyện với Chúa qua các giờ kinh gia đình, qua việc cầu nguyện, và làm theo những gì Chúa chỉ bảo.
Khi đến thăm bất kì một gia đình nào, nhìn lên bàn thờ là sẽ biết gia đình đó có thường xuyên trò chuyện với Chúa, có thường xuyên đọc kinh gia đình hay không. Bàn thờ gia đình nào mà sạch sẽ gọn gàng và hoa nến đầy đủ, thì chứng tỏ gia đình đó có cầu nguyện; còn bàn thờ nhà nào toàn là bồ hóng và bụi bặm, thì chắc anh chị em đã đoán được vấn đề!
Hãy nhớ rằng, rước Chúa về nhà, treo tưởng ảnh Chúa trong gia đình là để cầu nguyện, chứ không phải để trang trí. Đừng mua tượng ảnh thật to, thật đắt tiền, chỉ với mục đích là để làm đẹp căn phòng khách nhà mình, mà chưa 1 lần cầu nguyện, chưa 1 lần lắng nghe lời Chúa chỉ dạy.
Tóm lại, qua trình thuật về tiệc cưới tại Cana hôm nay, chúng ta được mời gọi lưu tâm đến 3 điều: Một là, hãy mời Chúa đến và và để Chúa ở lại trong nhà mình như 1 thành viên chính thức của gia đình. Hai là, hãy tìm đến với Mẹ Maria, và xin Mẹ chuyển cầu cùng Chúa cho chúng ta. Và ba là, đừng quên lắng nghe và thực hành điều Chúa truyền dạy.
Cả 3 việc làm ấy tuy cũ nhưng lại là mới: cũ về hình thức nhưng cần phải mới về tâm tình. Nếu mỗi người thực hiện những việc đạo đức quen thuộc ấy với lòng tin tưởng và chân thành, thì chắc chắn, Chúa cũng sẽ thực hiện nơi gia đình của mỗi chúng ta những điều vĩ đại. Amen.
Lm Antôn
SUY NIỆM: CÓ MẸ ĐỒNG HÀNH
Theo Phúc Âm Thánh Gioan thì hành động đầu tiên của Chúa Giêsu sau khi chịu phép rửa là quy tụ các môn đệ. Hành động thứ hai là đi dự tiệc cưới. Có lẽ đây là tiệc cưới của người bà con nên cả Đức Mẹ, Chúa Giêsu và các môn đệ cùng đi dự. Khi một Linh mục hay một Giám mục đi dự một đám cưới, chẳng qua là vì tình nghĩa, chứ không phải vì thích ăn uống. Chúa Giêsu đến dự đám cưới này cũng vì tình nghĩa, vì yêu thương, vì đây có lẽ là một đám cưới nhà nghèo nên thiếu rượu nữa chừng.
Tại Palestine tiệc cưới kéo dài hơn một ngày, lễ cưới chính thức cử hành vào buổi xế chiều sau khi dự tiệc. Sau buổi tiệc, đôi tân hôn được đưa về nhà mới. Bấy giờ trời đã tối, họ được đưa đi qua các con đường càng dài càng tốt để có thể gặp được nhiều người chúc mừng. Vợ chồng mới cưới không đi hưởng tuần trăng mật. Họ ở tại nhà mở cửa suốt tuần để tiếp khách. Họ đội vương miện và mặc y phục hôn lễ. Nếu suốt đời người ta phải sống cơ cực vất vả, thì được một tuần tiệc tùng, vui vẻ, quả thực là cơ hội vô cùng đặc biệt trong đời người. Như vậy, theo tập tục Do thái, đám cưới kéo dài suốt bảy ngày. Đám cưới Cana này mới đến ‘ngày thứ ba’ thì đã hết rượu rồi. Thật là một tai hoạ bất ngờ, chủ tiệc vô cùng bối rối, khó xử. Các rabbi vẫn nói: Không rượu thì không vui, hay người Việt nói: Vô tửu bất thành lễ. Không phải vì mọi người nghiện rượu, nhưng ở Đông Phương, món rượu rất quan trọng. Sự thật, đối với họ say rượu là một điều xấu hổ, nên họ uống rượu pha hai phần rượu và ba phần nước lã. Lúc nào thiếu thức ăn, thức uống là có vấn đề, vì ở Đông Phương tiếp khách là một nhiệm vụ thiêng liêng; thiếu thức ăn thức uống trong một tiệc cưới là điều xấu hổ, nhục nhã cho cả cô dâu lẫn chú rể.
Chúa Giêsu làm phép lạ đầu tiên tại tiệc cưới Cana này. Sáu chum nước thành rượu ngon. Sáu chum đầy chứa khoảng 700 lít. Một lượng rượu khổng lồ.
Chúa Giêsu đi ăn cưới. Người không mang quà cáp hay phong bì. Chúa Giêsu chia sẽ cho cô dâu chú rễ, cho họ hàng đôi bên và mọi người niềm vui của Chúa mà rượu là biểu tượng như lời thánh vịnh 109: Rượu ngon làm phấn khởi lòng người.
Ơn cứu độ là niềm vui. Tiệc cưới được dùng làm hình ảnh Nước Trời. Hôn nhân là hình ảnh Thiên Chúa và Dân Người.
Trong Phúc Âm Gioan chỉ có 7 phép lạ được kể lại. Pháp lạ Cana có một giá trị nổi bật vì đó là dấu lạ đầu tiên của Chúa Giêsu làm trong cuộc đời công khai. Các phép lạ trong Phúc âm Gioan không chỉ biểu lộ quyền năng Thiên Chúa mà còn mạc khải về mầu nhiệm Chúa Giêsu. Các phép lạ có tính biểu tượng cao. Các phép lạ là những dấu chỉ cho biết về con người Chúa Giêsu.
Sau mỗi phép lạ thường có một bài giảng nhằm vén mở ý nghĩa sâu xa của phép lạ đó.
Chẳng hạn:
– Sau khi làm phép lạ hoá bánh ra nhiều, Chúa Giêsu tự giới thiệu: Ta là bánh hằng sống.(Ga 6)
– Sau khi chữa người mù được thấy ánh sáng, Chúa nói: Ta là ánh sáng thế gian.(Ga 9)
– Sau khi cho Lazarô sống lại, Chúa tự nhận: Ta là sự sống lại và là sự sống.(Ga 11)
Vậy phép lạ Cana mang một ý nghĩa nào?
– Phép lạ xảy ra trong một tiệc cưới. Trong Cựu ước, để diễn tả tình yêu Thiên Chúa đối với dân Israel, các Ngôn sứ đã dùng hình ảnh hôn lễ, Thiên Chúa làm đám cưới vời dân mình, Thiên Chúa là chú rễ. Đoạn văn (Is 54, 4-8) là một minh hoạ rất lý thú phối hợp đề tài xuất hành với một đề tài trong sách Hôsê, đó là Yuđa được coi như người bạn trăm năm của Thiên Chúa. Vì yêu thương người bạn trăm năm của mình bị bỏ rơi, Thiên Chúa sẽ đem những người lưu đày trở về quê nhà.
– Phép lạ Cana diễn ra trong một bữa tiệc: Bữa tiệc là hình ảnh đựơc dùng để diễn tả niềm vui vào ngày Đấng Messia đến. Bữa tiệc này dồi dào rượu ngon “Ngày ấy trên núi này, Đức Chúa các đạo binh sẽ thiết đãi muôn dân một bữa tiệc, thịt thì béo, rượu thì ngon. Chúa Giêsu nhiều lần dùng hình ảnh bữa tiệc để nói về Nước Trời. Người vì mình là chú rễ, là tân lang. Người coi giáo huấn của Người là rượu mới không thể chứa trong bầu da cũ.
Đọc Tin mừng Chúa nhật hôm nay, chúng ta bắt gặp một chú rễ lúng túng và bất lực vì hết rượu đãi khách. Gia đình chỉ có nước dùng để thanh tẩy theo luật Môisen. Chúa Giêsu xuất hiện như Chú Rễ thực sự của nhân loại. Người biến nước thành rượu, biến nước Cựu ước thành rượu Tân ước. Rượu của Người vừa ngon vừa nhiều, có cả phẩm lẫn lượng. Hình ảnh này cho thấy ơn cứu độ do Chúa Giêsu mang đến thật là nguồn ơn quý giá và dư đầy.
– Tiệc cưới Cana là biểu tượng tiệc cưới Con Thiên Chúa và loài người. Phép lạ nước hoá thành rượu đem lại niềm vui cho người dự tiệc loan báo về mầu nhiệm Thánh Thể; Bánh và rượu trở nên Mình và Máu Chúa Kitô đem lại nguồn vui ơn cứu độ cho con người.
Mỗi lần dự lễ là một lần dự tiệc. Tiệc Lời Chúa và tiệc Thánh Thể. Bí tích Thánh Thể là một phép lạ xảy ra hàng ngày trên bàn thờ, bánh và rượu nên Mính Máu Thánh Chúa. Chúng ta tin vào mầu nhiệm Thánh Thể, vì biết rằng Chúa yêu chúng ta, Người trở nên Bánh hằng sống nuôi chúng ta. Cả hai bàn tiệc nuôi dưỡng cuộc đời chúng ta sống trong niềm tin yêu vào Chúa.
Phép lạ Cana do Chúa thực hiện, nhưng Đức Mẹ cũng đóng vai trò quan trọng. Sự can thiệp của một người mẹ nhạy cảm và từ ái góp phần làm nên phép lạ hoá nước thành rượu.
Phúc âm Gioan chỉ nhắc đến Đức Mẹ hai lần: lần đầu ở Cana và lần cuối ở Núi Sọ. Mẹ chứng kiến cái chết của con, và từ đây Mẹ trở nên Mẹ của các tín hữu (Ga 19,25-27). Cả hai lần đều có sự hiện diện của Chúa Giêsu và sự hiện diện của con người. Mẹ đã đưa con người đến với Chúa Giêsu ở Cana, và Chúa Giêsu cũng đã đưa Thánh Gioan, đại diện cho các tín hữu đến với Mẹ “Này là Mẹ con”. Mẹ đã hiện diện ở tiệc vui Cana, Mẹ cũng hiện diện ở núi Sọ. Mẹ đã đi từ bước đầu cho đến cao điểm của sứ vụ Chúa Giêsu. Mẹ vẫn đi mãi, đồng hành với Giáo hội, với người chúng ta trong cuộc lữ hành trần thế. Mẹ vẫn chia sẽ niềm vui và âu lo, nâng đỡ và ban ơn cho mỗi con người trong cuộc đời này.
Cuộc sống thường ngày có những trắc trở, những lúng túng, những khó khăn. Hãy đến với Mẹ. Lời cầu bàu của Mẹ có giá trị lớn lao trước nhan thánh Chúa. Mẹ vẫn thường nói với Chúa Giêsu: họ hết rượu rồi và Mẹ cũng hay nói với mỗi người chúng ta: Hãy làm mọi điều Chúa bảo.
Lm Giuse Nguyễn Hữu An
SUY NIỆM: TIỆC CƯỚI TẠI CANA TIÊN BÁO BỮA TIỆC THÁNH THỂ
Ðể hiểu rõ bài Tin Mừng hôm nay về tiệc cưới tại Cana, chúng ta cần biết rằng trong Cựu Ước, giao ước của Thiên Chúa với dân của Người được ví như một hôn ước, như đã được đề cập trong bài đọc I. Chúa là vị hôn phu của dân riêng Israel (x. Is 54,5-6; 62,4-5). Các ngôn sứ loan báo rằng: dù vị hôn thê của Người có bất trung, Chúa vẫn sẽ trung thành với lời giao ước, và Người sẽ làm cho hôn ước đó trở nên vĩnh cửu (x. Hs 2,18-22) khi hứa ban đấng Mêsia đến để giải thoát dân Người khỏi ách nô lệ và thiết lập triều đại vĩnh cửu của Người. Tiệc cưới là hình ảnh được dùng để mô tả niềm vui vào ngày Ðấng Mêsia đến.Vì thế, dân Do Thái mong chờ Ðấng Mêsia, Ðấng Cứu Tinh đến để khai mở hôn ước này.
Trong ý nghĩa này, chúng ta sẽ hiểu rõ hơn câu chuyện tiệc cưới tại Cana. Hơn nữa, Tin Mừng Gioan thường dùng ngôn ngữ biểu tượng, cô đọng và giàu ý nghĩa. Vì thế, câu chuyện tiệc cưới Cana không có ý kể lại cho chúng ta về một đám cưới đơn thuần vào thời đó, nhưng qua câu chuyện, thánh sử Gioan muốn chúng ta “chạm” được Chúa Giêsu và những mầu nhiệm của Người.
Thánh sử Gioan gọi việc Chúa Giêsu hóa nước thành rượu ngon tại tiệc cưới Cana là một “dấu lạ” (mà chúng ta thường gọi là “phép lạ”). Khi nói đó là một dấu lạ, thì điều quan trọng không phải ở việc nước hóa thành rượu, mà là dấu lạ đó muốn diễn tả cho chúng ta điều gì. Đối với thánh Gioan, dấu lạ này nói về đức tin và cho đức tin. Người quản tiệc dường như không hiểu gì về hành động của Chúa Giêsu, nhưng các môn đệ sau khi thấy dấu lạ thì đã hiểu và tin vào Người. Chúng ta hãy đọc lại câu cuối của đoạn Tin Mừng này: “Đức Giêsu đã làm dấu lạ đầu tiên này tại Cana miền Galilê và bày tỏ vinh quang của Người. Các môn đệ đã tin vào Người.” Dấu lạ này chỉ biểu lộ thần tính của Chúa Giêsu khi được nhìn bằng con mắt đức tin. Đây chính là chìa khóa của bài Tin Mừng.
Khi kể về biến cố thiếu rượu tại tiệc cưới Cana, Thánh sử Gioan không quan tâm đến nguyên nhân tại sao thiếu rượu, nhưng người nhấn mạnh đến ý nghĩa tượng trưng của nó, đó là sự nguy khốn của dân Do Thái và sự mong đợi ơn Chúa.
Khi Mẹ Maria nói với Chúa Giêsu: “Họ hết rượu rồi”, Chúa Giêsu liền đáp: “Thưa bà, chuyện đó can gì đến bà và tôi? Giờ của tôi chưa đến.” Chúng ta đừng cho rằng Chúa Giêsu không tôn trọng mẹ mình hoặc do tâm trạng bực bội của Người. Trong Tin Mừng theo thánh Gioan, Đức Maria chỉ được nhắc đến hai lần: trong tiệc cưới Cana và dưới chân thập giá (Ga 19, 25-26). Cả hai lần, Chúa Giêsu đều gọi mẹ Người là “Bà”. Việc Đức Maria được gọi là “Bà” cho thấy Mẹ được mời gọi để chuyển từ một mối quan hệ ruột thịt sang một mối quan hệ mà kể từ đây được đặt trên một chiều kích khác, đó là chiều kích của đức tin. Thật vậy, ở đây, Đức Maria được giới thiệu như một gương mẫu của các tín hữu về lòng tin. Đức Maria đã tin trước khi Chúa Giêsu làm phép lạ khi Mẹ nói với các gia nhân: “Người bảo gì, các anh cứ việc làm theo”; còn các môn đệ thì chỉ tin sau khi phép lạ xảy ra.
Sự can thiệp của Đức Maria trong tiệc cưới không chỉ cho thấy sự hiện diện ân cần, sự quan tâm tinh tế và nhạy bén của Mẹ trước nhu cầu của người khác, nhưng nhất là vai trò trung gian chuyển cầu của Mẹ. Truyền thống Giáo Hội muốn nhấn mạnh đến vai trò trung gian này khi tôn kính Mẹ là Đấng trung gian tuyệt hảo, bên cạnh Đức Giêsu con Mẹ, Đấng Trung Gian duy nhất giữa Thiên Chúa và nhân loại.
“Giờ của tôi chưa đến.” Toàn bộ Tin Mừng của thánh Gioan đều hướng đến sự tỏ hiện của “Giờ”, đó là giờ Đức Giêsu được tôn vinh khi Ngài bị treo trên thập giá để hoàn tất chương trình cứu độ. Tại Cana, tuy chưa tới “Giờ” ấy, nhưng Chúa Giêsu đã cho một dấu hiệu về “giờ” ấy: tiệc cưới tại Cana tiên báo tiệc cưới vĩnh cửu, bữa tiệc của Nước Trời dành cho tất cả những ai sẽ được cứu độ.
Có một chi tiết khá quan trọng trong bài Tin Mừng mà chúng ta cũng cần lưu ý, đó là ý nghĩa của con số 6 trong “sáu chum đá dùng vào việc thanh tẩy theo thói tục người Do Thái.” Trong Kinh Thánh, số 7 nói lên sự hoàn hảo, sự trọn vẹn. Vì thế số 6 ở đây là còn thiếu, chưa được hoàn hảo, tượng trưng cho sự bất toàn. Nhưng Chúa Giêsu đã dùng chính sự bất toàn đó, và làm cho nó trở nên hoàn hảo khi Người biến nước lã trong 6 chum đá thành rượu ngon để phục vụ cho tiệc cưới. Nếu mỗi người chúng ta cũng biết dâng cho Chúa những thiếu sót, để Chúa chạm đến những bất toàn của chúng ta, thì chắc chắn Chúa sẽ làm cho nó trở thành hữu dụng cho anh chị em và cho chính chúng ta nữa.Vì nơi Tin Mừng Gioan, Chúa Giêsu được mạc khải là Ðấng khai mở một thời kỳ hoan lạc mới. Nơi Người, Giao Ước mới thay thế Giao Ước cũ, Luật mới thay thế Luật cũ, rượu ngon và dồi dào của Tân Ước thay thế “nước lã” chưa trọn hảo của Cựu Ước. Chính Người cũng sẽ biến đổi những cũ kỹ nhạt nhẽo và giới hạn của “nước lã” nơi cuộc đời chúng ta thành “rượu ngon” dồi dào đem lại niềm vui và hạnh phúc cho người khác.
Để kết thúc, xin được nêu một chi tiết tượng trưng khác: sau khi hóa nước thành rượu, Chúa Giêsu nói với gia nhân: “Bây giờ các anh múc và đem cho ông quản tiệc.” Phó từ “bây giờ” cho thấy Chúa Giêsu đến để hiện tại hóa lời hứa trong Cựu Ước về hôn lễ vĩnh cửu. Tiệc cưới Cana tiên báo bữa tiệc Thánh Thể, sẽ được diễn ra mỗi ngày trên khắp thế giới và cho mọi người theo lệnh truyền của Chúa Giêsu: “Các con hãy làm việc này mà nhớ đến Thầy.”
Còn chúng ta, mỗi khi đến tham dự thánh lễ, chúng ta có thấy mình thật có phúc vì được mời đến dự tiệc Chiên Thiên Chúa không?
Lm. Giuse Vũ Thái Hòa
SUY NIỆM: GIA ĐÌNH CÓ MẸ
Trời có lúc mưa lúc nắng, lúc trong lúc mờ. Đời có lúc thăng lúc trầm, lúc buồn lúc vui. Tình có lúc nồng lúc nhạt, lúc thắm lúc phai.
Nghe sao có vẻ cải lương quá! Ấy thế mà tính chất cải lương kia lại cứ xuất hiện trong cuộc sống con người, nhất là trong cuộc đời hôn nhân. Không hiểu sao người ta hay ngâm nga: “Tình chỉ đẹp khi tình còn dang dở. Đời mất vui khi đã vẹn câu thề.” Phải chăng bắt đầu thề ước là bắt đầu xót xa? Ngày lên xe hoa thì cũng chính là ngày ra chiến trận? Mà trong trận chiến này, nếu không khéo, có ngày sẽ bị thương vong.
Đám cưới tại làng Cana mới bắt đầu mà đã có chuyện. Tiệc chưa tàn nhưng rượu lại hết. Nguy quá! Thế thì còn đâu mặt mũi tân gia. Không chừng cô dâu chú rể sẽ phải lục đục với nhau vì nhà anh đã không khéo chuẩn bị, còn nhà em thì cứ mời cho đông vào mà không cho biết trước. Không chừng vết thương trong ngày thành hôn sẽ để lại cơn đau khó tàn cho đôi uyên ương.
Thiếu rượu thì mất vui. Đám cưới mà không vui thì có hơn gì đám ma. Với lại truyền thống xưa nay của dân tộc là “vui lòng khách đến, vừa lòng khách đi.” Vậy mà khi khách chưa say, chất cay đã cạn. Bao nhiêu choé rượu sắm sẵn đều hết sạch. Bẽ mặt mất thôi! Chắc hẳn gia chủ lẫn tân lang và tân nương đang trải qua một phen bối rối, hốt hoảng ghê lắm. Biết tìm đâu ra rượu bây giờ?
Thấy được tình cảnh oái oăm của tân gia, Mẹ Maria đến gặp Con mình và nói: “Họ hết rượu rồi.” Đây là lời cầu cứu hay câu mẹ trách con vì đã đem theo mấy ông môn đệ nên mới làm cho người ta hết rượu? Nhưng nếu là câu trách thì tại sao Mẹ lại bảo các người hầu: “Ngài có bảo gì, hãy làm theo”? Câu này hàm chứa một cái nhìn tiên tri là Chúa Giêsu sẽ ra tay để làm một điều gì đó.
Chắc rằng trong suốt 30 năm sống bên Đức Giêsu, Mẹ đã thấy rõ quyền năng và tình nhân ái bao la của con mình đối với những kẻ sa cơ hoạn nạn. Thế nên hôm nay, khi thấy gia đình tân hôn bị rơi vào trường hợp éo le nan giải, Mẹ đã tìm đến với Chúa để xin Ngài ra tay. Nhưng, có một vấn đề khác: nếu như trước đó Đức Giêsu đã từng cứu giúp những người khốn khó thì tại sao vị Thánh Sử lại bảo đây là “dấu lạ đầu tiên”?
Theo văn mạch của Thánh Gioan thì đó là phép lạ đầu tiên mà “Chúa Giêsu đã làm tại Cana xứ Galilê.” Thế ra, có thể Ngài đã từng làm dấu lạ ở nơi khác, ví dụ như tại Nazaret, nhưng tại Cana thì đó là lần đầu. Ngoài ra Thánh sử Gioan cũng nhấn mạnh trong câu kết luận rằng Chúa Giêsu đã làm dấu lạ này “để tỏ vinh quang của Ngài cho các môn đệ,” những người vừa mới đáp trả lời mời gọi bước theo Ngài được mấy hôm.
Như vậy trước đó, có thể Đức Giêsu đã từng làm dấu lạ, không phải để tỏ vinh quang, nhưng chắc là âm thầm và qua tay Mẹ Maria. Phải chăng Chúa Giêsu đã từng nhờ Đức Mẹ làm trung gian để đem cái này, chuyển cái kia cho những người cùng khốn gian nan, nên Mẹ biết rõ quyền năng và tình thương của Chúa mà chạy đến cầu cứu? Phải chăng, dù là mẹ, Đức Maria vẫn từng làm theo ý Con, và đã thấy người ta nhận được biết bao ân phúc phi thường.
Cho nên trong giờ phút cam go của gia đình có đám, Mẹ đã kêu cầu Đức Giêsu. Và sau đó, Mẹ đã nhắn nhủ các lời khuyên phát xuất từ một lòng tin tưởng vững vàng vào tình yêu tha nhân nơi Con mình. Ngài không thể không chạnh lòng thương xót trước nỗi thống khổ của con người. Và đây cũng là lời nhắn nhủ đầy kinh nghiệm của Đức Maria, người đã từng làm theo lời Chúa và thấy bao kết quả tươi đẹp trong đời.
Ngài có bảo gì thì cứ làm theo. Lời nói biểu lộ lòng xác tín Đức Giêsu sẽ ra tay can thiệp. Mẹ Maria biết chắc Ngài sẽ đáp lời Mẹ xin. Thế mới thấy quyền phép nơi lời cầu bầu của Đức Mẹ hiệu năng dường nào. Không phải là Chúa Giêsu đã từng nói: “Giờ con chưa đến” sao? Vậy mà “Giờ con đã đến” vì lời Mẹ xin. Giáo hội đã có lý khi đưa vào kinh Cầu Đức Bà lời nguyện: “Đức Bà có tài có phép. Cầu cho chúng con” là vậy.
Các Thánh cũng công nhận rằng chẳng có sự gì Mẹ xin cùng Thiên Chúa mà không được. Thánh Antôn từng nói: “Vì Đức Maria là Mẹ, nên lời cầu xin như có sức truyền dạy trước toà Chúa Giêsu. Do đó, khi Mẹ xin gì thì không lẽ Chúa Giêsu lại không nhậm lời.” Thánh Ricarđê viết rằng: “Hễ Con quyền phép vô cùng thì Con cũng làm cho Mẹ vô cùng quyền phép. Đó là lẽ đương nhiên. Nhưng Con của Mẹ quyền phép vì bản tính Ngài là Thiên Chúa. Còn Đức Mẹ có quyền phép là nhờ ơn Chúa ban; nghĩa là Thiên Chúa quyền phép vô cùng, phán một lời liền có hết mọi sự. Còn Đức Mẹ quyền phép vô cùng, xin một tiếng liền được hết mọi sự.”
Nhờ có Mẹ can thiệp mà Chúa Giêsu đã cứu tiệc cưới tại làng Cana khỏi cảnh bẽ mặt ê chề. Nhờ lời cầu xin của Đức Mẹ mà giờ giải cứu con người khỏi kiếp khổ đau của Chúa Giêsu đã điểm. Nhờ sự khích lệ bảo ban của Mẹ mà con người biết cộng tác với Con Thiên Chúa để mang lại niềm vui của ơn phúc đầy tràn đến muôn tâm hồn.
Hôm nay, giữa trần thế, có biết bao gia đình “sắp hết rượu.” Lắm cõi lòng đã mất hẳn niềm vui. Nhiều cuộc tình đã rơi vào bế tắc. “Cái thuở ban đầu lưu luyến ấy” không còn nữa. Làm sao cứu vãn đây?
Nếu đời có Mẹ, người ta sẽ gặp được ơn Chúa. Mời Mẹ đến với gia đình, chẳng bao giờ Mẹ để cho rượu nồng tình thắm bị cạn khô.
Thế nên, hỡi tất cả các gia đình, mới hay cũ, đang an hoà hạnh phúc hay trắc trở lao đao, hãy cậy nhờ và phó thác cho Mẹ Maria. Chắc chắn với Mẹ và qua Mẹ, Chúa Giêsu sẽ tỏ mình ra nơi gia đình anh chị em.
Không phải tình cờ mà Đấng Cứu Thế lại tỏ vinh quang của mình trong một cuộc hôn nhân. Không phải tình cờ mà vinh quang đó lại liên kết âm hưởng với sự hiện diện của Đức Maria. Trái lại, tất cả đã diễn ra trong cùng một mạc khải của Tin Mừng: gia đình có Mẹ là gia đình có Chúa; gia đình có Chúa là gia đình luôn có tình yêu tràn đầy và niềm vui dạt dào.
Lm Phêrô Bùi Quang Tuấn
SUY NIỆM: CUỘC SỐNG LUÔN CẦN SỰ QUAN TÂM
Sau khi chịu phép rửa của Thánh Gioan, Chúa Giêsu bắt đầu cuộc sống công khai. Ngài rao giảng Tin mừng. Đi liền với lời rao giảng là các phép lạ. Bài Tin mừng hôm nay tường thuật phép lạ Ngài biến nước thành rượu ngon theo lời thỉnh cầu của Đức Mẹ. Đây là phép lạ đầu tiên của Ngài. Qua phép lạ này, chúng ta thấy được những bài học về sự quan tâm: Sự quan tâm của Đức Mẹ; sự quan tâm của Chúa Giêsu và sự quan tâm của các gia nhân.
- Sự quan tâm của Đức Mẹ
Đi dự đám cưới để chúc mừng hạnh phúc của đôi tân hôn là chuyện bình thường trong cuộc sống. Đặc biệt khi con người có những mối liên hệ: Ruột thịt, họ hàng, bạn bè, làng xóm láng giềng với nhau. Bài Tin Mừng hôm nay cho chúng ta biết Chúa Giêsu và Mẹ Maria đi dự tiệc cưới. Chắc chắn gia đình chủ tiệc có liên hệ gì đó với Mẹ Maria và Chúa Giêsu. Thông thường, những người được mời đến dự tiệc sẽ được sắp xếp ngồi vào chỗ đã chuận bị trước và được gia chủ tiếp đón một cách chu đáo. Đức Mẹ và Chúa Giêsu là khách mời, và có lẽ là khách mời danh dự nên sẽ được sắp xếp vào chỗ ngồi đặc biệt. Nhưng tại sao Đức Mẹ lại biết chủ tiệc hết rượu? Vì Mẹ quan tâm đến gia chủ. Mẹ quan sát và thấy gia chủ bối rối. Mẹ tìm hiểu và thấy họ hết rượu. Đúng như người ta nói: Bác ái là tìm tòi. Tìm sự thiếu thốn của người khác để quan tâm, để giúp đỡ. Giúp đỡ như thế nào đây? Đức Mẹ đã nghĩ đến Chúa Giêsu. Vì Mẹ tin tưởng chỉ có Con của Mẹ mới có thể giải quyết được chuyện này. Thế là Mẹ đã mạnh dạn đặt vấn đề với Chúa Giêsu, Con của Mẹ: “Họ hết rượu rồi”(x. Ga 2,3). Vai trò của Mẹ là như thế: Cầu bầu. Việc còn lại là của Chúa Giêsu. Mặc dầu, câu trả lời của Chúa Giêsu có vẻ lạnh nhạt: “Thưa bà, chuyện đó can gì đến bà và tôi? Giờ của tôi chưa đến”(x. Ga 2,4). Nhưng Mẹ vẫn tin tưởng Chúa Giêsu sẽ làm gì đó để giúp đỡ chủ tiệc. Bằng chứng là Mẹ đã bảo những người giúp việc “Người bảo gì, các anh cứ việc làm theo”(x. Ga 2,5).
Mẹ Maria có mặt ở tiệc cưới Cana là do lời mời của gia chủ, và cũng là do sự quan phòng kỳ diệu của Thiên Chúa. Ngày hôm nay, nhiều gia đình đang thiếu thốn cách này cách khác: Thiếu thốn sự quan tâm, thiếu thốn tình yêu, thiếu thốn miếng cơm manh áo, bị bệnh tật…Hãy mời Mẹ về với gia đình, hãy dâng những nỗi khổ, những sự thiếu thốn của gia đình chúng ta cho Mẹ. Mẹ sẽ sẵn sàng cầu bầu cùng Chúa giúp đỡ gia đình chúng ta như xưa Mẹ đã cầu bầu cùng Chúa giúp đỡ gia đình tiệc cưới tại Cana.
- Sự quan tâm của Đức Giêsu
Trong suốt 3 năm rao giảng Tin mừng, Chúa Giêsu hằng luôn quan tâm đến mọi hạng người để giúp đỡ, để biến đổi, để chữa lành. Riêng trong đoạn Tin mừng hôm nay, chúng ta thấy Ngài quan tâm đến lời yêu cầu của Đức Mẹ. Khi Mẹ Maria đề nghị Ngài cứu giúp gia tiệc, Chúa Giêsu trả lời cho Mẹ biết “Giờ Ngài chưa đến”(x. Ga 2,4). Mặc dầu giờ chưa đến nhưng do lời thỉnh cầu của Mẹ, Chúa Giêsu đã làm phép lạ hoá nước thành rượu ngon. Điều đó chứng tỏ Ngài quan tâm đến Mẹ. Sự quan tâm đó còn được thể hiện qua việc Ngài lối Đức Mẹ cho Thánh Gioan và lối Thánh Gioan cho Đức Mẹ. Từ đó, Mẹ trở thành mẹ của mỗi người chúng ta. Mẹ hằng yêu thương giúp đỡ chúng ta khi còn sống cũng như khi đã về trời. Vì vậy, Giáo hội thường gán cho Mẹ các tước hiệu như: Đấng bênh vực, Mẹ Phù hộ, Mẹ cứu giúp, Đấng làm trung gian (x. LG 62).
Chúa Giêsu không những quan tâm đến Đức Mẹ mà Ngài còn quan tâm đến chủ tiệc và đôi tân hôn, tức là quan tâm đến đời sống gia đình. Đám cưới là niềm vui lớn nhất trong đời của đôi tân hôn. Chính vì vậy, cả đôi tân hôn và cả gia đình chủ tiệc đều mong muốn có một niềm vui trọn vẹn. Thế mà, không hiểu sao giữa tiệc vui lại hết rượu. Đây là sự cố xảy ra ngoài ý muốn của gia đình và cô dâu chú rể. Vì không muốn họ mất đi niềm vui trọn vẹn, nên Chúa Giêsu đã làm phép lạ hoá nước thành rượu ngon để cứu giúp họ. Việc Chúa Giêsu đi dự tiệc cưới và làm phép lạ hoá nước thành rượu ngon nói lên sự quan tâm của Ngài đối với gia đình. Đó lá dấu chỉ Ngài sẽ lập Bí tích hôn phối sau này. Bí tích hôn phối được Chúa thiết lập kết hợp người nam và người nữ thành vợ chồng. Đặc tính của bí tích này là đơn hôn và vĩnh hôn. Nghĩa là phải một vợ một chồng và phải sống với nhau cho đến chết.
- Sự quan tâm của các gia nhân
Thông thường trong các đám cưới, ngoài cha mẹ anh em họ hàng ra còn có những người làng xóm, bạn bè…Họ không phải là khách mời, nhưng là những người đến để giúp đỡ. Họ giúp gia chủ những công việc như: Dựng rạp, sắp đặt bàn ghé, trang trí, nấu nướng, bưng bê mâm cỗ…Tại đám cưới ở Cana, vai trò của những người này hết sức quan trọng. Không những họ làm những công việc trên, mà họ còn đóng góp phần mình trong phép lạ hoá nước thành rượu ngon. Sau khi đề nghị với Chúa Giêsu, Mẹ Maria bảo họ: “Người bảo gì, các anh cứ việc làm theo” (x. Ga 2,5). Và khi nghe Chúa Giêsu bảo đổ đầy nước vào các chum. Họ liền làm đúng như vậy. Sau đó, Chúa Giêsu bảo họ: “Bây giờ các anh múc và đem cho ông quản tiệc” (x. Ga 2,8). Họ cũng làm theo như vậy, và phép lạ đã được thực hiện.
Như vậy, phép lạ hoá nước thành rượu ngon do Chúa Giêsu làm nhưng nhờ lời thỉnh cầu của Mẹ Maria và sự cộng tác tích cực của các gia nhân.
Trong mọi biến cố vui buồn của cuộc sống gia đình, cần có sự quan tâm, giúp đỡ, cộng tác của những người xung quanh. Đó là sự cộng tác: giữa vợ chồng với nhau; giữa cha mẹ và con cái; giữa anh em ruột thịt; giữa bạn bè; giữa làng xóm láng giềng. Mỗi người Chúa ban cho mỗi khả năng, nếu biết quan tâm, giúp đỡ, cộng tác với nhau chắc chắn sẽ đem lại lợi ích to lớn. Thánh Phaolô trong bài đọc II đã nói: “Kẻ thì được Thần Khí ban cho lòng tin; kẻ thì cũng được chính Thần Khí duy nhất ấy ban cho những đặc sủng để chữa bệnh. Người thì được ơn làm phép lạ, người thì được ơn nói tiên tri; kẻ thì được ơn phân định thần khí; kẻ khác thì được ơn nói các thứ tiếng lạ; kẻ khác nữa lại được ơn giải thích các tiếng lạ. Nhưng chính Thần Khí duy nhất ấy làm ra tất cả những điều đó và phân chia cho mỗi người mỗi cách, tuỳ theo ý của Người”(1 Cr 12, 9-11).
Cuộc sống cần sự quan tâm. Noi gương Chúa Giêsu, Đức Mẹ và các gia nhân trong bài Tin Mừng, mỗi chúng ta hãy thể hiện sự quan tâm của chúng ta đối với những người xung quanh. Mình giúp người, người giúp mình đó là quy luật của cuộc sống. Để thấy rõ hơn điều đó, chúng ta hãy nghe câu chuyện cảm động sau đây: Một nữ công nhân làm việc tại nhà máy chế biến thịt đông lạnh. Ngày hôm ấy, sau khi hoàn thành công việc, như thường lệ cô đi vào kho đông lạnh để kiểm tra một chút. Đột nhiên, cửa phòng bị đóng và khóa lại, cô bị nhốt ở bên trong mà không một ai biết.
Cô vừa hét khản cổ họng vừa đập cửa với hy vọng có người nghe được tiếng mình mà đến cứu, nhưng vẫn không có ai nghe thấy. Lúc này tất cả công nhân đã tan ca, toàn bộ nhà máy đều yên tĩnh.
Sau 6 giờ chiều hôm ấy, nữ công nhân lạnh cóng người, tuyệt vọng và đau khổ… Đang lúc cô tưởng như không chịu đựng được nữa thì bất ngờ được người bảo vệ đến mở cửa cứu ra ngoài.
Hôm sau, cô gái hỏi người bảo vệ tại sao lại biết mình ở trong đó để đến mở cửa, mặc dù đây không phải khu vực mà ông ấy quản lý.
Người bảo vệ trả lời: “Tôi làm việc ở nhà máy này đã 35 năm rồi. Mỗi ngày đều có mấy trăm công nhân ra ra vào vào. Nhưng cô là người duy nhất mà ngày nào sáng sớm đi làm cũng chào hỏi tôi và buổi tối tan làm lại chào tạm biệt tôi trong khi có rất nhiều người xem như không nhìn thấy tôi vậy! Hôm nay, tôi biết rõ ràng buổi sáng cô có đi làm bởi vì sáng sớm cô còn nói “cháu chào bác!” Nhưng sau khi tan làm buổi chiều, tôi lại không nghe thấy tiếng cô chào: “Tạm biệt bác, hẹn ngày mai gặp lại!” Thế là tôi quyết định đi vào trong nhà xưởng tìm xem xem thế nào. Tôi đi đến những chỗ góc hẻo lánh tìm cô và cuối cùng lại nghe thấy tiếng khóc và tìm thấy cô ở trong kho đông lạnh…”
Hãy luôn khiêm tốn nhã nhặn, yêu thương và tôn trọng những người xung quanh mình bởi vì bạn không thể biết được sự tình gì sẽ xuất hiện vào ngày mai!
(Theo NTDTV, Mai Trà biên dịch)
Lạy Chúa Giêsu, xưa Chúa đến tham dự tiệc cưới ở Cana và Chúa đã cứu gia đình chủ tiệc một bàn thua trông thấy khi làm phép lạ hoá nước thành rượu ngon. Ngày hôm nay, nhiều gia đình đang tan nát vì họ thiếu thố đủ thứ: Thiếu tình thương, thiếu sự kính trọng, thiếu sự quan tâm, thiếu niềm tin, thiếu lòng chung thuỷ…Xin Chúa hãy đến với họ để giúp họ như xưa Chúa đã giúp gia chủ và đôi tân hôn tại tiệc cưới Cana. Amen.
Lm. Anthony Trung Thành
SUY NIỆM: ĐỂ CHO TÌNH MẶN NỒNG
Trăm năm hạnh phúc là lời chúc không thể thiếu trong các tiệc cưới. Tình duyên mãi sắt son và mặn nồng là điều ai cũng ước mong khi bước vào đời sống hôn nhân – gia đình. Nói về chữ tình thì có lẽ tình hôn nhân đứng hàng đầu so với các thứ tình nhân loại khác như tình mẫu tử, phụ tử, bằng hữu… Đức Bênêđictô XVI đã nhận định: “Tình yêu này, tình yêu giữa người nam và người nữ, trong đó hồn xác kết hợp bất khả phân ly và mở ra cho con người một lời hứa hạnh phúc dường như không cưỡng lại được, có vẻ là kiểu mẫu của tình yêu; bên cạnh tình yêu này, thoạt nhìn mọi hình thức khác của tình yêu hầu như mờ nhạt đi” (TĐ Thiên Chúa Là Tình Yêu số 2).
Tình yêu hôn nhân được đề cao không nguyên chỉ vì người ta thoáng nhận ra nét đẹp là sự hết lòng và tính vô cầu nơi tình yêu này mà còn thấy được tầm quan trọng của nó là làm nên gia đình vốn là tế bào của xã hội. Quả thật lịch sử minh chứng rằng ở đâu mà tình yêu hôn nhân bị hạ giá thì ở đó đời sống xã hội dễ bị xuống cấp, bất ổn và nền đạo đức dễ bị băng hoại. Thánh Tông đồ dân ngoại đã dùng tình yêu đôi lứa làm dấu chỉ cho tình yêu của Đức Kitô dành cho Hội Thánh. Nhiều Ngôn sứ như Hôsê, Isaia cũng dùng hình ảnh tình yêu hôn nhân để diễn tả tình yêu của Thiên Chúa dành cho dân Người. “Như trai tài sánh duyên cùng thục nữ, Đấng tác tạo người sẽ cưới ngươi về. Như cô dâu là niềm vui cho chú rể, ngươi cũng là niềm vui cho Chúa ngươi thờ” (Is 62,5).
Con Thiên Chúa đã làm người, chào đời trong một mái gia đình. Khởi đầu công cuộc rao giảng tin mừng và trong lần đầu tiên thể hiện quyền năng, Chúa Giêsu đã cứu giúp một đôi tân hôn khỏi bẽ mặt trước quan khách trong một tiệc cưới. Qua bài tường thuật của tin mừng thánh Luca về phép lạ hóa nước thành rượu ngon của Chúa Giêsu tại tiệc cưới Cana chúng ta có thể rút ra đôi điều nhận định về đời sống hôn nhân gia đình:
– Luôn có đó nhiều sự kiện hay biến cố dù không mong vẫn cứ đến, dù chẳng muốn vẫn cứ xảy ra. Đã tổ chức tiệc cưới thì việc chuẩn bị rượu cách đủ đầy và có dư là điều như tất yếu. Với người Do Thái thời bấy giờ thì đây là chuyện hẳn nhiên, vì theo phong tục tập quán thì tiệc cưới có thể kéo dài từ ba đến bảy ngày. Tiệc cưới tại Cana có thể nói là đám tiệc không nhỏ. Chúng ta có thể luận suy điều này vì có người quản tiệc và số lượng chum nước dùng cho việc thanh tẩy (sáu chum nước, mỗi chum khoảng tử 80 dến 120 lit nước). Tiệc lớn, ắt gia đình phải khá giả. Nhà khá giả thì chuyện chuẩn bị rượu cho khách không phải là chuyện quá sức và dĩ nhiên ít khi bị xao lãng. Thế mà tiệc chưa tàn thì rượu đã hết!
Từng hỏi nhiều đôi hôn nhân chung sống từ muời, hai muơi năm trở lên rằng các bạn đã bất hòa với nhau bao nhiêu lần, thì được câu trả lời là đếm không hết. Lại hỏi tần suất những lần mà những chuyện không như ý lớn nhỏ xảy ra là bao nhiêu, thì được trả lời là khoảng trên dưới một tuần một lần. Quả thật khi đã chung sống, chung mâm, chung nhà, chung… thì khó tránh được sự “chung đụng” do nhiều nguyên nhân khách quan hay chủ quan từ phía này hoặc phía kia. Nhìn nhận hiện thực cuộc sống để rồi chủ động tìm cách giải quyết, khắc phục, nghĩa là để duy trì và phát triển sự mặn nồng của tình yêu.
– Ngoài nỗ lực của bản thân người trong cuộc là đôi bạn thì rất cần đến sự giúp đỡ của người thân và cả những người hữu quan miễn là họ vốn có tầm lòng và sự bén nhạy với các tình huống. Tấm lòng và sự nhạy bén của Mẹ Maria trong tiệc cưới Cana thì chúng ta đã rõ. Không kể Chúa Giêsu, có lẽ khách dự tiệc hôm ấy đang ở cao trào của tiệc vui vì tình trạng “ngà ngà say”, nên dường như chẳng có ai phát hiện sự cố thiếu rượu. Với tấm lòng nhạy bén, Mẹ Maria đã nhận ra sự cố này để rồi đến xin Chúa Giêsu ra tay can thiệp, cứu giúp.
“Chuyện mình thì quáng, chuyện người thì sáng“. Sự thường người ngoài cuộc thì dễ có sự bình tâm để nhìn nhận vấn đề hơn. Tuy nhiên người ở ngoài này phải có cái tâm, cái tình và cái nhìn cách nào đó như tình người trong cuộc, nghĩa là xem như chuyện của mình. Để cho tình yêu hôn nhân vững vàng trước những sóng gió bễ đời, thì sự góp phần của mẹ cha, ông bà, thân bằng quyến thuộc là điều đáng trân trọng và đáng cầu mong. Xin đừng quên vai trò thiết yếu và hữu hiệu của người Mẹ đã nhận nhân loại chúng ta làm con khi Người đứng dưới chân thập giá năm nào (x.Ga 19,26-27). Đến với Mẹ thì chắc chắn chúng ta sẽ được Mẹ dẫn đến với Giêsu, Con của Mẹ là Đấng mà không có sự gì là không thể làm được.
– Đã yêu thì không chờ cơ hội cũng chẳng đợi đến thời đến buổi. Dù chưa đến giờ bày tỏ vinh quang, nhưng vì yêu thương Chúa Giêsu đã ra tay giáng phúc cho đôi tân hôn hôm ấy. Dù đã cùng với các môn đệ lánh riêng một nơi để nghỉ ngơi thế mà trước đoàn lũ dân chúng đông đảo như chiên không người chăn thì Chúa Giêsu đã tiếp tục giảng dạy họ nhiều điều (x. Mc 6,30-34). Tình yêu đòi hỏi chúng ta phải làm ngay hôm nay những gì ở trong tầm tay. Thiên Chúa là Tình Yêu và với Người thì mọi sự đều là hiện tại. Đã yêu hay sẽ yêu thì chưa hẳn là yêu. Động từ yêu cần phải luôn ở trong thì hiện tại.
– Sự kiện Chúa Giêsu làm cho sáu chum nước tức là khoảng sáu đến bảy trăm lít nước lã hóa thành rượu ngon hảo hạng khiến chúng ta nhận ra một quy luật của tình yêu đó là phải nhiều và mặn nồng hơn mãi. Có lẽ nhiều đôi bạn như chưa nhận thức đủ quy luật này. Tương tự như sự học, chuyện tình yêu như con thuyền đi dòng nước ngược. Không tiến thì ắt lùi.
– Để mặn nồng trong tình yêu thì lời căn dặn của Mẹ Maria quả là rất đáng lắng nghe và tuân giữ: “Người bảo gì thì hãy làm theo”. Thực thi lời Chúa dạy là điều tất yếu, nếu muốn vẹn chữ tình. Xin chớ dong dài luận lý trước mệnh lệnh Chúa truyền nếu chúng ta đã tin nhận Người là Đấng toàn tri và nhân hậu vô cùng. Vẫn có đó nhiều lứa đôi than vãn rằng con cầu xin mãi mà Chúa chưa ban cho gia đình ấm êm, thuận hòa. Trong nhiều lý do thì thường có lý do này là họ vẫn mãi cố chấp biện minh cho mình mà không thực thi điều Chúa phán trong lương tâm hay qua sự hướng dẫn của các mục tử hay qua sự khuyên bảo của những người khôn ngoan và đầy thiện ý.
– “Hãy đổ nước đầy các chum!” Đây là nước dùng cho việc thanh tẩy theo tục lệ của người Do Thái thời bấy giờ. Tập tục lúc bấy giờ, khi dùng bữa người Do Thái không ngồi trên ghế mà nằm nghiêng giữa sàn nhà. Vì thế việc rửa chân tay không chỉ mang tính lễ nghi thanh tẩy theo truyền thống mà còn để giữ vệ sinh cho sàn nhà, nơi các thực khách nằm mà dùng bữa. Để giữ sự mặn nồng tình yêu thì Chúa Giêsu lại ra lệnh làm một việc của sự thanh tẩy. Điều này nhắc nhớ chúng ta sự thật này: những bất hòa, bất ổn trong tình yêu hôn nhân gia đình thường có nguyên nhân là lỗi hay tội của ai đó hay của cả đôi bên. Thanh tẩy tâm hồn là điều cần thực hiện liên lĩ. Thanh tẩy không nguyên chỉ để cho tâm hồn mình trong sáng, tinh sạch mà còn vì hạnh phúc của người mình yêu thương.
Tu thân -Tề gia – Trị quốc – Bình thiên hạ. Cái nhìn của người xưa vẫn chưa hề lỗi vậy.
Lm. Giuse Nguyễn Văn Nghĩa
SUY NIỆM: CHÚA GIÊSU LÀ LỜI THIÊN CHÚA
Thời nay, đài truyền hình làm chương trình “chìa khóa thành công” hướng người trẻ khám phá và phát triển những khả năng của bản thân, hầu thành công trên đường đời.
Sáng kiến của đài truyền hình thật đáng trân trọng. Tuy nhiên, đối với người tín hữu, mọi hoạt động của cuộc sống con người phải bắt đầu từ việc sống lời Chúa.
Trình thuật Tin Mừng tiệc cưới Ca-na (Ga 2, 1-11) sẽ soi sáng điều này.
1. Tiệc Cưới
Rất tự nhiên, để sống đời hôn nhân, đôi nam nữ chính thức tuyên bố cho mọi người biết về sự chung sống của họ nơi bữa ăn mà người đời thường quen gọi là tiệc cưới.
Ngày hôn lễ, đôi tân hôn hạnh phúc tràn ngập; khách dự tiệc, họ hàng thân hữu hân hoan chúc tụng… và mong ước cho đôi tân hôn được trăm năm hạnh phúc, vẹn nghĩa thủy chung… Tại tiệc cứơi Ca-na, Đức Ma-ri-a, Đức Giê-su và các môn đệ cũng được mời tham dự để chia sẻ niềm vui với nhà cưới.
Ngày cưới, khởi đầu cuộc sống hôn nhân, mọi người và nhất là đôi tân hôn mong ước mọi sự diễn ra tốt đẹp, bởi đầu có xuôi thì đuôi mới lọt.
Vậy mà, tại tiệc cưới Ca-na, đang khi mọi người vui say hào hứng, thì nào có ai biết, nhà cưới lại đứng trước nguy cơ tắc trách. Hết rượu!
Ai đã phát hiện ra điều này? Mẹ Ma-ri- a.
Với tất cả tấm lòng nhậy cảm của một người mẹ lo toan chăm sóc trong gia đình, Mẹ đã sớm phát hiện ra nguy cơ lúng túng của nhà cưới và nói với Đức Giê-su con của Mẹ: “họ hết rượu rồi” (Ga 2, 3).
Bây giờ, xử lý giải pháp này ra sao? Mẹ dặn: “Người bảo gì, các anh cứ việc làm theo” (Ga 2, 5).
2. Chúa Giêsu Là Lời Thiên Chúa
Bằng lời quyền năng: “đổ nước vào các chum” (Ga 2, 7) Đức Giê-su đã cứu nguy cho nhà cưới một bàn thua trông thấy. Dấu lạ đã xảy ra, nước lã đã hóa rượu ngon, nhà cưới đã thoát hiểm, niềm vui tiếp tục dâng cao.
Từ dấu lạ đầu tiên tại Ca-na, các môn đệ đã nhận ra vinh quang của Thiên Chúa và “tin vào Người” (Ga 2, 11) và sau này xác tín mạnh mẽ: chỉ nơi Chúa Giê-su ” mới có những lời mang lại sự sống đời đời” (Ga 6, 68).
Thì ra, sau khi tội nguyên tổ ập xuống trên con cháu, cuộc sống của con người không hoàn toàn tuyệt mỹ. Dầu người ta có mong ước mọi chuyện tốt đẹp nhưng sự tắc trách vẫn luôn rình rập và tai họa có thể ấp đến bất cứ lúc nào.
Đến nay, trong Chúa Giê-su, không chỉ mọi khó khăn trong sinh hoạt thường ngày của đời người sẽ được giải gỡ, mà sâu xa hơn, nơi Người, Thiên Chúa thông đạt thiện ý nhiệm mầu (Dt 1, 1) “Thiên ý này là kế hoạch yêu thương. Người đã định từ trước trong Đức Ki-tô” (Ep 1, 9).
Lắng nghe lời Chúa Giê-su, người ta biết được Thiên Chúa là Cha, biết Chúa Thánh Thần là Đấng thánh hóa, biết được sự sống đời đời “sự sống đời đời là được nhận biết Cha Thiên Chúa duy nhất chân thật và nhận biết Đấng Cha đã sai đến, là Giê-su Ki-tô” (Ga 17, 3).
Qua nhiều cách, Chúa vẫn đang ban lời của Người cho nhân loại để giải thoát con người mọi bế tắc, giúp họ tìm lại nguồn hạnh phúc, hướng dẫn họ tìm được giải pháp để thành công. Nhờ vậy, họ không còn phải đi trong bóng tối mà bước đi trong ánh sáng. Lời Chúa tiếp tục vang lên nơi Hội Thánh.
3. Lời Chúa Nơi Hội Thánh
Trước khi về trời Chúa Giê-su đã ban cho Hội Thánh nhiệm vụ công bố lời Người. (Mt 28, 18-20).
Hội Thánh không thể quên dấu lạ nước lã hóa rượu ngon ở tiệc cưới Ca-na được gợi lên từ sự quan tâm của Mẹ Ma-ri-a, từ tình yêu tuyệt đối của Đức Giê-su.
Dầu là người mẹ của Con Thiên Chúa quyền năng những Mẹ Ma-ri-a chưa hề xin cho bản thân hay cho Thánh Gia một dấu lạ nào. Có chăng, Mẹ chỉ âm thầm hy sinh và suy gẫm những kỷ niệm Chúa ban cho gia đình (x. Lc 2, 19). Vậy mà, nơi tiệc cưới Ca-na, vì hạnh phúc của nhà cưới, Mẹ Ma-ri-a đã lên tiếng khẩn cầu Chúa “họ hết rượu rồi” (Ga 2, 3).
Rõ ràng chính tình yêu và lòng quảng đại và sự quan tâm của Mẹ Ma-ri-a đến đồng loại đã làm nên sự biến đổi diệu kỳ: nước lã được biến đổi thành rượu hảo hạng. Trong ân sủng và tình thương, mọi bế tắc sẽ được giải gỡ, những khó khăn sẽ không còn, mọi lo lắng sẽ thành niềm vui và hoan lạc.
Nối tiếp sứ vụ của Chúa, và gương sáng của Mẹ Ma-ri-a, Hội Thánh sẽ mang trọng trách không ngừng loan báo lời Chúa cho muôn người, thể hiện qua những sinh hoạt của Hội Thánh (cụ thể nơi những thành phần như: Đức Giáo Hoàng – các Đức Giám Mục nhất là Đức Giám Mục giáo phận – các linh mục – giáo dân – các vị thừa sai khắp nơi…) bằng lời rao giảng, bằng sự quan tâm trách nhiệm dấn thân, bằng tình yêu và bằng chính mạng sống của mình.
Đứợc Chúa Thánh Thần hướng dẫn (x Ga 14, 17), Hội Thánh xác tín mọi ơn ban đều là quà tặng của Chúa Thánh Thần “có nhiều đặc sủng khác nhau nhưng chỉ có một Thần Khí” (1Cr 12, 4) được ban cho nhiều người khác nhau không phải để mưu ích cho cá nhân mà là ” vì ích chung” (1Cr 12, 7).
Từ đó, Hội Thánh vững vàng tin tưởng chính Chúa Thánh Thần sẽ nhắc cho người tín hữu nhớ việc làm và lời dạy của Chúa Giê-su (Ga 14, 26). Trời đất dẫu qua đi nhưng lời Chúa thì sẽ tồn tại mãi (x.Mt 24, 35).
Kết
Thành công là mong ước chính đáng của mọi người. Cách riêng thành công của người tín hữu được xây trên nền tảng lời Thiên Chúa, trong sự nguyện cầu của Mẹ Ma-ri-a.
Thế nên, người tín hữu tôn thờ Chúa Giê-su và tin tưởng Người chính là Ngôi Lời của Thiên Chúa đã làm người (x. Ga 1, 1. 14), ban lời sự sống vĩnh cửu cho con người (x. Ga 6, 68).
Với tâm hồn vui mừng, tạ ơn, người tín hữu đón nhận Lời Chúa là ngọn đèn, là ánh sáng soi sáng chỉ đường (Tv 118), biến đổi thành họ thành những người con đích thực của Chúa, hầu lãnh nhận “phúc trường sinh bất tử” (2Tm 1, 10).
Lm Jb Nguyễn Minh Phương, C.Ss.R