![3796c002 66cd 4998 8a7e 0e0b28b18aaa](/uploads/news/3796c002-66cd-4998-8a7e-0e0b28b18aaa.jpg)
CHÚA NHẬT VI THƯỜNG NIÊN – NĂM C
Gr 17,5-8; 1Cr 15,12.16-20; Lc 6,17.20-26
Tin Mừng Chúa Giêsu Kitô theo Thánh Luca.
17 Đức Giêsu đi xuống cùng với các ông, Người dừng lại ở một chỗ đất bằng. Tại đó, đông đảo môn đệ của Người, và đoàn lũ dân chúng từ khắp miền Giuđê, Giêrusalem cũng như từ miền duyên hải Tia và Xiđôn.
20 Đức Giêsu ngước mắt lên nhìn các môn đệ và nói:
“Phúc cho anh em là những kẻ nghèo khó,
vì Nước Thiên Chúa là của anh em.
21 “Phúc cho anh em là những kẻ bây giờ đang phải đói,
vì Thiên Chúa sẽ cho anh em được no lòng.
“Phúc cho anh em là những kẻ bây giờ đang phải khóc,
vì anh em sẽ được vui cười.
22 “Phúc cho anh em khi vì Con Người mà bị người ta oán ghét, khai trừ, sỉ vả
và bị xoá tên như đồ xấu xa.
23 Ngày đó, anh em hãy vui mừng nhảy múa, vì này đây phần thưởng dành cho anh em ở trên trời thật lớn lao. Bởi lẽ các ngôn sứ cũng đã từng bị cha ông họ đối xử như thế.
24 “Nhưng khốn cho các ngươi là những kẻ giàu có, vì các ngươi đã được phần an ủi của mình rồi.
25 “Khốn cho các ngươi, hỡi những kẻ bây giờ đang được no nê, vì các ngươi sẽ phải đói.
“Khốn cho các ngươi, hỡi những kẻ bây giờ đang được vui cười, vì các ngươi sẽ phải sầu khổ khóc than.
26 “Khốn cho các ngươi khi được mọi người ca tụng, vì các ngôn sứ giả cũng đã từng được cha ông họ đối xử như thế.
SUY NIỆM: CHÚC LÀNH VÀ NGUYỀN RỦA
Lời Chúa: “Phúc cho các người là những kẻ nghèo khó … nhưng khốn cho các người là kẻ giàu có …” (Lc 6, 20.24)
Nhập lễ:
Kính thưa cộng đoàn phụng vụ,
Phụng vụ Lời Chúa hôm nay mở ra cho chúng ta một cái nhìn mới mẻ và đầy thách đố về phúc và họa. Chúa Giêsu chúc lành cho những ai nghèo khó, đói khát, bị khinh miệt và bách hại, bởi họ biết đặt niềm tin cậy vào Thiên Chúa. Ngược lại, Người cảnh báo về hiểm họa cho những kẻ giàu có, no say, vui cười và được người đời ca tụng, vì họ dễ rơi vào cạm bẫy tự mãn và xa lìa Thiên Chúa:
Sống đời nghèo khó, bình an,
Giàu sang phú quý, lo toan suốt đời.
Lắng nghe Lời Chúa kêu mời,
Dám liều mạng sống muôn đời vinh quang.
Thế nên ta hãy sẵn sàng,
Hiến thân phục vụ, thiên đàng thưởng công.
Hiệp dâng thánh lễ hôm nay, xin Chúa giúp chúng ta nhận ra ý định yêu thương của Chúa để chúng ta sống siêu thoát đối với những cạm bẫy của trần gian, chỉ khao khát tìm kiếm Chúa là bến bờ hạnh phúc đích thực. Tâm tình đó, giờ đây chúng ta hãy thành tâm sám hối.
Sám hối:
X. Lạy Chúa, Chúa chúc phúc cho những người nghèo khó và phần hưởng là Nước trời làm gia nghiệp. Xin Chúa thương xót chúng con.
Đ. Xin Chúa thương xót chúng con.
X. Lạy Chúa Kitô, Chúa mời gọi chúng con hãy nên hoàn thiện như Cha trên trời là Đấng hoàn thiện. Xin Chúa Kitô thương xót chúng con.
Đ. Xin Chúa Kitô thương xót chúng con.
X. Lạy Chúa, Chúa chúc phúc cho những ai biết đặt niềm tin cậy vào Chúa. Xin Chúa thương xót chúng con.
Đ. Xin Chúa thương xót chúng con.
Kết: Xin Thiên Chúa toàn năng thương xót, tha tội và dẫn đưa chúng ta đến sự sống muôn đời.
CĐ: Amen.
Suy niệm:
Kính thưa quý ông bà anh chị em,
Sống ở đời, niềm khát vọng của con người là được sống trong an bình, được ấm no và hạnh phúc. Thế nhưng, trong xã hội hằng ngày vẫn diễn ra những bất công. Bất công giữa những người quyền thế và những người thấp cổ bé họng, giữa những người giàu có và những người nghèo khổ: cơm không đủ ăn, mặc không đủ ấm.
Thưa anh chị em, điều đó cho thấy trong thời Cựu ước, ngôn sứ Giêrêmia sống trong một hoàn cảnh xã hội nhiễu nhương, người ta cậy dựa vào quyền thế, của cải trần gian mà bỏ quên Thiên Chúa, nên ông đã đưa lời nguyền rủa: Khốn thay cho kẻ tin tưởng vào người đời, họ giống như cỏ trong hoang địa sẽ chết khô, chết cháy, không phát sinh và tồn tại được; Giêrêmia cũng đưa lời chúc lành: Phúc thay cho người tin tưởng vào Thiên Chúa, họ như cây trồng bên bờ suối, đâm rễ vào nơi ẩm ướt, không lo gì khi mùa hè đến, lá vẫn xanh tươi giữa nắng hạn mà vẫn sinh hoa kết trái. Bằng những hình ảnh nông nghiệp quen thuộc của người dân, ngôn sứ Giêrêmia đã nêu bật sự đối chọi khác biệt giữa hai thái độ sống: tin vào trần thế và tin vào Thiên Chúa. Trang Tin Mừng hôm nay thánh Luca cũng lần lượt nêu lên sự đối chọi giữa chúc lành và nguyền rủa.
Trước hết, phúc và họa trong cái nhìn của Chúa Giêsu. Người đã đảo lộn hoàn toàn cách nhìn thông thường về phúc và họa. Người chúc lành cho những người nghèo khó, đói khát, khóc than và bị bách hại, trong khi lại cảnh báo về họa cho những kẻ giàu có, no nê, vui cười và được ca tụng.
Phúc cho ai nghèo khó... Khốn cho kẻ giàu có! Nghèo khó ở đây không chỉ đơn thuần là thiếu thốn về vật chất mà còn là thái độ khiêm nhường, cậy trông vào Thiên Chúa. Người nghèo khó được chúc phúc vì họ biết đặt niềm tin vào Chúa, không cậy dựa vào của cải trần gian. Ngược lại, những kẻ giàu có dễ bị cám dỗ tự mãn và quên đi sự lệ thuộc vào Thiên Chúa.
Phúc cho ai khóc than... Khốn cho kẻ vui cười! Chúa Giêsu không cổ vũ cho sự đau khổ, nhưng Người nhìn thấy giá trị của những giọt nước mắt trong cuộc hành trình thiêng liêng. Đó là nước mắt của sự hoán cải, của lòng sám hối và khát khao công lý. Trái lại, những kẻ vui cười trong sự tự mãn và vô cảm với đau khổ của tha nhân sẽ phải đối diện với hậu quả cay đắng.
Phúc cho ai bị bách hại... Khốn cho kẻ được ca tụng! Chúa Giêsu khuyến khích chúng ta đón nhận sự hiểu lầm và chống đối khi sống theo Tin Mừng. Đó là dấu chỉ của sự trung thành và tình yêu dành cho Thiên Chúa. Ngược lại, khi mọi người ca tụng chúng ta một cách dễ dãi, có thể đó là dấu hiệu của sự thỏa hiệp và đánh mất giá trị đích thực.
Thứ đến, phúc và họa trong đời sống hôm nay. Trong xã hội hiện đại, quan niệm về phúc và họa thường gắn liền với tiền bạc, địa vị, danh vọng và sự tiện nghi. Tuy nhiên, Tin Mừng hôm nay mời gọi chúng ta xem lại tiêu chuẩn hạnh phúc và thành công của mình. Chúng ta đang tìm kiếm điều gì? Có phải sự giàu có, tiện nghi hay là sự bình an nội tâm và mối tương quan thân tình với Chúa? Chúng ta đang đặt niềm tin vào ai? Vào của cải trần gian hay vào Thiên Chúa giàu lòng thương xót? Chúng ta đang sống vì ai? Vì bản thân hay vì tha nhân, đặc biệt là những người nghèo khổ, đau khổ và bị bỏ rơi?
Kính thưa quý ông bà và anh chị em,
Tự bản chất, giàu không phải là xấu. Nghèo cũng không phải là nhân đức. Giàu có mà biết chia sẻ, biết trao ban là hạnh phúc thật. Hạnh phúc thật không phải do sự giàu có mà là sự trao ban như thánh Phaolô viết: “cho thì có phúc hơn nhận lãnh”. Nghèo khó nhưng biết phó thác, tin tưởng, cậy trông, không ham lợi lộc thế gian, biết cam lòng với số phận, biết bám chặt vào Chúa là hạnh phúc thật. Người ta sinh ra ở đời là để được sống hạnh phúc. Cả cuộc sống trần gian của con người là tìm kiếm hạnh phúc. Hạnh phúc đích thực là chính Chúa mà con người phải tìm kiếm. “Phúc thay người đặt niềm tin cậy vào Chúa”. Chính vì thế, Chúa Giêsu mời gọi chúng ta sống các mối phúc bằng cách: Sống đơn sơ, khiêm nhường và biết chia sẻ: Đừng để của cải làm chủ cuộc sống của mình, nhưng hãy sử dụng chúng để phục vụ và yêu thương. Biết cảm thông và liên đới với người đau khổ: Hãy khóc với những người đang khóc, an ủi và giúp đỡ họ bằng tình yêu chân thành. Kiên vững trong đức tin khi gặp khó khăn: Đừng sợ hãi khi phải đối diện với sự hiểu lầm và bách hại vì danh Chúa.
Nguyện xin Chúa giúp chúng ta luôn biết tìm kiếm Chúa là nguồn hạnh phúc đích thực và biết sẻ chia niềm vui với tha nhân. Amen.
Lm. Phêrô Nguyễn Văn Quang.
SUY NIỆM: HẠNH PHÚC VĨNH CỬU
Người ta thường ví đời người như một chuyến đi, đi tìm hạnh phúc, đi tìm bình an. Mà đúng là như vậy, hạnh phúc chính là khát vọng sâu thẳm mà mỗi người luôn tìm kiếm cho chính mình. Mỗi người một cách thức, mỗi người một con đường tìm kiếm khác nhau. Nhưng như thế nào mới được xem là hạnh phúc? Đâu là thước đo cho cái gọi là hạnh phúc thực sự?
Người đời cho rằng, người hạnh phúc là người phải đạt được 5 tiêu chuẩn sau: một là, tìm được 1 người vợ, 1 người chồng môn đăng hộ đối, yêu thương và chung thủy với mình, để cùng nhau xây dựng tổ ấm; hai là 2 con, tức là có trai có gái, 1 sự tròn đầy trong tình nghĩa phu thê, hoa trái của tình yêu vợ chồng; ba là nhà 3 lầu, tức là yên bề gia thất, an cư để lạc nghiệp; bốn là xe 4 bánh, tức là những phương tiện cần và đủ cho cuộc sống mưu sinh, và những nhu cầu thiết yếu thường ngày; và năm là 5 châu, tức đi du lịch đó đây để tận hưởng những nhu cầu thuộc về đời sống tinh thần.
Thế nhưng, trong bài Tin mừng hôm nay, Chúa Giêsu lại có một cái nhìn hoàn toàn khác về “hạnh phúc”.
Trong khi người ta đang đi tìm hạnh phúc trong sự giàu sang sung túc, thì Chúa Giêsu lại bảo: “Phúc cho những ai có tinh thần nghèo khó”. Trong khi người đời tìm kiếm hạnh phúc trong sự no cơm ấm áo, thì Chúa Giêsu lại nói: “Phúc cho anh em là những kẻ đang phải đói khát”. Trong khi người ta đi tìm niềm vui tiếng cười, thì Chúa Giêsu lại chúc phúc cho người khóc lóc thở than. Cũng vậy, trong khi người ta đi tìm sự bình an, thì Chúa Giêsu lại bảo: “Phúc cho những người chịu bách hại”.
Không phải vô lý mà Chúa Giêsu khẳng định như thế đâu thưa anh chị em. Chúa Giêsu không phủ nhận niềm hạnh phúc mà đời này mang lại. Nhưng Ngài lưu ý rằng, đó chỉ là niềm hạnh phúc nay còn mai mất.
Cưới được 1 người chồng người vợ đẹp trai sinh gái thì hạnh phúc thật, nhưng khi lời qua tiếng lại, bội nghĩa bất trung; thì hạnh phúc sẽ không còn. Sinh được 5-7 người con thì hạnh phúc thật, nhưng khi chúng ngỗ nghịch, lầm đường lạc lối thì thử hỏi hạnh phúc còn không? Nhà cao cửa rộng thì ai mà chẳng muốn, nhưng nhà không phòng trống thì có ích gì! Mua xe đẹp xe sang nhưng luật lệ thì gắt gao phạt nặng, nên chẳng dám đi đâu thì hạnh phúc ở chỗ nào. Có tiền đi du lịch rồi mang dịch bệnh vào người, chưa chết đã là may!
Hạnh phúc ở đời này là thế đó thưa anh chị em: nay còn mai mất. Hôm nay, Chúa Giêsu mời gọi chúng ta hãy tìm kiếm cho mình nguồn hạnh phúc đích thực, hạnh phúc đời đời, và hạnh phúc ấy chỉ có nơi Thiên Chúa.
Như vậy, những ai kết hợp cuộc đời mình với Chúa thì dù là giàu có hay khó khăn, dù là ấm no hay đói khát, dù là mừng vui hay sầu khổ, và dù được yêu thương hay bị thù ghét; vẫn luôn tìm được sự bình an và hạnh phúc trong tâm hồn. Vì chính Chúa sẽ bù đắp cho chúng ta tất cả. Hay tin tưởng vào điều đó thưa cộng đoàn.
Cho nên đừng có ai mặc cảm và tuyệt vọng về sự nghèo khổ, thiếu thốn và u sầu mà mình đang gặp phải; cũng đừng ai tự hào về sự giàu có, ấm no và sung túc mà mình đang có; vì một cơn gió thoảng cũng đủ làm nó biến đi.
Bắt đầu 1 năm mới chắc ai cũng có những dự định và hoạch tính cho con đường hạnh phúc của riêng mình. Các bạn trẻ thì đang cố gắng tìm kiếm một nửa còn lại của cuộc đời để nên vợ nên chồng. Các cặp vợ chồng mới cưới thì hướng đến việc sinh con đẻ cái. Người thì xây nhà xây cửa, người thì mua xe mua cộ, người thì an hưởng tuổi già.
Đó là những điều chính đáng mà mỗi người nên có và phải có cho riêng mình. Nhưng đừng quên tìm kiếm hạnh phúc Nước Trời, tìm kiếm hạnh phúc đời đời làm gia nghiệp. Vì nếu được cả thế gian này mà mất phần linh hồn thì nào có ích gì!
Ước gì không có 1 ai cảm thấy thỏa mãn và chấp nhận dừng lại ở những giá trị đời này. Nhưng tất cả đều cùng nhau hướng đến và đạt đến nguồn hạnh phúc Nước Trời, hạnh phúc đích thực của người kitô hữu chúng ta. Amen.
Lm. Antôn
SUY NIỆM: LỐI SỐNG CÓ PHÚC
Lời Chúa trong hai Chúa nhật VI và VII trình bày những giáo huấn cốt lõi nhất trong sứ điệp Tin Mừng theo thánh Luca. Đó là giáo huấn của Chúa Giêsu về những người thực sự có lòng tin. Người có lòng tin thì sống theo bốn mối phúc (Chúa nhật VI) và thực hành bác ái mà đỉnh cao là biết yêu thương kẻ thù (Chúa nhật VII). Đây chính là bài giảng khai mạc sứ vụ của Chúa Giêsu, được trình bày trước một cử toạ đông đảo đến từ khắp miền Giuđê, Giêrusalem cũng như từ miền duyên hải Tia và Xiđôn. Họ là những người sống triền miên trong cảnh nghèo đói, bệnh tật và bị các thần ô uế quấy nhiễu. Họ tìm gặp Chúa Giêsu, mong được Người chữa lành mọi bệnh tật, xua trừ ma quỷ và đem lại bình an cho tâm hồn.
Chính trong bối cảnh này, Chúa Giêsu không chỉ chữa lành các bệnh nhân, xua ma đuổi quỷ, mà còn biết họ đang mong được Người giúp họ khám phá bản thân và ý nghĩa cuộc sống nên Chúa đã chia sẻ những điều cốt yếu nhất để họ biết cách sống hạnh phúc. Chúa khẳng định sống nghèo khổ, đói khát, phải khóc lóc và bị oán ghét, khai trừ, sỉ vả…là cuộc sống có phúc. Bởi vì nếm trải những bất hạnh tột cùng này là đang nắm trong tay Nước Trời, có Thiên Chúa ở cùng và được lành phần thưởng lớn lao trên trời. Còn đáng buồn là cuộc sống giàu có, no nê, tươi cười hớn hở và được ca tụng. Bởi vì tất cả những thành đạt này không đưa vào Nước Trời. (Khổng thành Ngọc)
Trước một cử toạ nghèo khổ, bị bệnh tật giày vò và những bất hạnh không ngừng theo đuổi, Chúa Giêsu lên tiếng nói về hạnh phúc. Bốn mối phúc: khó nghèo, đói khát, khóc lóc, chịu bách hại nêu bật rằng hạnh phúc của người theo Chúa khi chấp nhận điều kiện khó nghèo với đức tin, hy vọng và yêu mến, thì trở thành công dân của vương quốc Thiên Chúa. Khó nghèo, đói khát và nước mắt, chịu ngược đãi, là những tình trạng ưu tiên để vào Nước Trời. Hạnh phúc thay ai chấp nhận những sự dữ ấy vì Đức Kitô và với Đức Kitô.
- Phúc và hoạ
Rõ ràng bài giảng về các mối phúc của Chúa Giêsu có vẻ đi ngược lại với suy nghĩ của nhân loại. Những gì người ta cho là hạnh phúc như “giàu có, no nê, đầy đủ, vui cười, được ca tụng…” đến ngày mọi giá trị đều bị đảo ngược, sẽ phải “đói khát, khóc lóc, bị thù ghét…”. Những người mà Chúa Giêsu kể là có phúc thì thế gian cho là vô phúc. Những người Chúa Giêsu coi là vô phúc thì thế gian lại cho là có phúc. Có nhiều thứ người đời cho là hạnh phúc, nhưng thực chất là nguồn đau khổ, và ngược lại, hạnh phúc vẫn có thể có nơi những người ở trong tình cảnh mà người đời cho là bất hạnh. Bởi vì, các mối phúc Chúa Giêsu công bố không lệ thuộc một cách tất yếu vào hoàn cảnh sống hiện tại, nhưng được đặt trong viễn tượng Nước Trời.
Trong khi thánh Matthêu ghi lại 8 lời chúc phúc của Chúa Giêsu, thì thánh Luca chỉ ghi lại có 4 lời “Phúc cho” và còn kèm theo 4 lời quở trách “Khốn cho”. Chẳng ai biết được phúc thật hay hoạ thật, nhưng người ta tin rằng trong phúc có hoạ và trong hoạ có phúc. Chỉ một điều chắc chắn trong Chúa mới có phúc thật.
Thánh Luca trình bày bốn mối phúc và bốn mối hoạ, đối chiếu nhau gần như hoàn toàn: nghèo khó đối lại với giàu có, đói khát đối lại với no đầy, khóc lóc đối lại với vui cười, bị ghét bỏ đối lại với được ca tụng.
Ba mối phúc đầu và ba mối hoạ đầu đi với nhau: nghèo, đói và khóc đối lại với giàu, no và cười. Đói và khóc là hậu quả của nghèo. No và cười là biểu hiệu của giàu. Hai hình ảnh nổi bật lên trong một thế tương phản: người nghèo, đói, khóc và người giàu, no, cười.
Còn mối phúc thứ tư là những người bị ghét bỏ, bị loại trừ và bách hại vì Chúa, là những môn đệ của Chúa, họ chung số phận với các ngôn sứ. Mối hoạ thứ tư là những người được thế gian trọng vọng, là giới Kinh sư, Pharisiêu.
Đối tượng của phúc là người nghèo và người bị ghét bỏ vì Chúa. Đối tượng của hoạ là người giàu và người được thế gian ca tụng.
Giàu và nghèo, phúc và hoạ ở đâu? Không nên hiểu rằng giàu có ở đời này là không được hạnh phúc ở đời sau; nghèo khó ở đời này tất nhiên được hạnh phúc đời sau. Giàu có là phúc nếu đó là thành quả do con người cố gắng chuyên cần lao động cách chân chính. Nghèo khó tự nó chẳng bao giờ là phúc. Phúc của người nghèo chính là tinh thần của họ, một tấm lòng phó thác, không phàn nàn, không kêu trách, không bất mãn.
Cái hoạ của người giàu là khi họ tự mãn, tự kiêu, tự đắc về tài sức của mình mà quên mất Thiên Chúa. Cái hoạ cho người giàu là họ ích kỷ, keo kiệt, không biết dùng của cải chia sẻ cho người nghèo hay không biết dùng sự giàu có của mình mà mua sắm của cải Nước Trời. Cái hoạ của người nghèo là ghen tương, đố kỵ, tham lam.
Tục ngữ Việt Nam có câu “Họa vô đơn chí,phước bất trùng lai”. Câu này có nghĩa “họa” đến với con người nhiều hơn “phúc”, vì họa không đi một mình, mà kéo theo dây chuyền. Khi “họa“ đến thì có dây chuyền, nhưng khi “phước” đã qua thì không trở lại.
Phúc hay hoạ cho người giàu cũng như người nghèo, không phải là chính sự giàu có hay nghèo khổ của họ, nhưng là tinh thần của họ biết đánh giá đúng và hành động đúng với cái giàu hay cái nghèo của mình.
Có bốn mối phúc thì cũng có bốn mối họa. Tục ngữ Việt Nam cũng có câu “Họa phúc khôn lường”, không ai có thể biết trước họa hay phúc của mình. Nếu mình sống có đức, mặc nhiên sẽ có phúc, nếu ngược lại chắc chắn sẽ mang họa. Lời Chúa phân định rõ ràng phúc họa không phải là mơ hồ mà là một sự trả lẽ rạch ròi không thể lẫn lộn, một sự công bằng không thiên vị.
Ngay sau bốn mối phúc và bốn mối hoạ, Chúa Giêsu dạy: “Yêu thương kẻ thù và làm ơn cho kẻ ghét anh em” (Lc 6,27) và hãy có: “lòng nhân từ như Cha là Đấng nhân từ” (Lc 6,36). Với những điều dạy đó khi thực hiện trong đời, mối hoạ luôn sẽ được chuyển hoá thành phúc, và mối phúc này được ngay ở đời này và đời sau. Đời này được nối tiếp bằng đời sau, và chỉ có một con đường duy nhất cho mỗi người.Cả người giàu và người nghèo cùng đi, ai biết dùng cái giàu cái nghèo của mình để đạt được Nước Trời thì đó là hạnh phúc.
- Phúc cho ai tin cậy vào Chúa
Trong bài đọc 1, tiên tri Giêrêmia xác tín: phúc thay cho người tin tưởng vào Thiên Chúa. Con đường hạnh phúc thật là “biết đặt mọi niềm tin tưởng nơi Chúa, lấy Chúa làm tất cả, lấy Chúa làm nơi tựa nương tuyệt đối. Họ giống như cây được trồng bên bờ suối, đâm rễ sâu vào đất ẩm ướt; không sợ gì, khi mùa hè đến, lá vẫn xanh tươi; không sợ gì, khi nắng hạn, vẫn sinh hoa kết trái”.
Trải dài trong Tân ước, các lời giảng của Chúa Giêsu, chúng ta thấy Người công bố hạnh phúc cho nhiều người. “Phúc cho ai không thấy mà tin”; “Phúc cho bà là người đã tin”; “Phúc cho ai nghe và giữ lời Thiên Chúa” (Lc 11,28), những kẻ tin tuy không thấy (Ga 20,29), những kẻ không vấp ngã vì Đức Giêsu (Lc 7,23; Mt 11,6). Phúc cho những cặp mắt đã nhìn thấy Đức Kitô (Mt 13,16); Phúc cho thân mẫu của Đấng Mêsia vì đã sinh hạ Đấng Cứu độ thế gian (Lc 1,48; 11,27), và đã tin vào những lời Thiên Chúa hứa (Lc 1,45); Phúc cho ông Simon Phêrô, bởi vì ông được Chúa Cha mặc khải cho biết Đức Giêsu là Con Thiên Chúa (Mt 16,17); Phúc cho những kẻ tỉnh thức trông chờ Chúa đến (Lc 12,37-38; Kh 16,15); Phúc cho những tôi tớ trung thành và khôn ngoan (Mt 24,46; Lc 12,43); Phúc cho những kẻ thực hành việc thương xót tha nhân (Lc 14,14), khiêm tốn phục vụ anh em (Ga 13,17); Phúc cho ai kiên nhẫn chịu đựng những thử thách và chiến đấu cho đức tin (Gc 1,12.25; 5,11; 1 Pr 3,14; 4,14)…
- Hạnh phúc theo lời dạy của Chúa Giêsu
Hạnh phúc Chúa Giêsu nói đến dựa trên kinh nghiệm cứu độ. Người đời xem nghèo khó, khóc lóc, bị bách hại là bất hạnh, còn Chúa Giêsu dạy đó là hạnh phúc. Thế gian coi mệt nhọc, hiền hoà, công chính là vất vả, còn Chúa Giêsu lại gọi đích danh đó cũng là hạnh phúc. Chúa Giêsu công bố bằng lời và còn bằng chính đời sống của Người. Nếu mối phúc thứ nhất là nghèo khó thì Chúa đã khởi đầu đời sống bằng mối phúc ấy đến nỗi khi mệt mỏi “không có chỗ tựa đầu”. Và mối phúc thứ tư bị ghét bỏ bị sỉ nhục thì chính Chúa đã bị ghen ghét bị bách hại bị đóng đinh vào thập giá. Người nói bằng kinh nghiệm cuộc đời đi liền với ơn cứu độ.
Hạnh phúc Chúa Giêsu nói đến mở sang đời sống mai sau. Kết thúc mỗi mối phúc đều là một lời hứa, một phần phúc không thuộc trật tự trần thế mà thuộc trật tự khác. Đó là Nước Trời, là Đất Hứa, là phần thưởng, là xót thương, là hưởng kiến, là thoả lòng, là an ủi. Vế sau của mỗi phúc đều được khởi đầu bằng chữ “vì” khiến ta tự nhiên hình dung các mối phúc Chúa dạy vừa như một khởi điểm vừa như một đích điểm. Động từ dùng trong vế sau của các mối phúc hầu như đều ở thì tương lai. Tất cả các Mối Phúc đều có hai vế: vế thứ nhất là nhân, vế thứ hai là quả; vế thứ nhất là gieo, vế thứ hai là gặt; vế thứ nhất là mình vì người khác, vế thứ hai là người khác vì mình; vế thứ nhất là đau khổ, vế thứ hai là hạnh phúc. Các mệnh đề trong vế một phải hiểu ngầm là vì Chúa, vì tha nhân, nghèo vì tha nhân, hiền lành đau khổ vì tha nhân. Nếu không do tự nguyện vì Chúa, vì tha nhân thì sự nghèo, sự hiền lành, sự đau khổ, bách hại ta phải chịu đều là đau khổ chứ không phải là phúc đức.
Hạnh phúc Chúa Giêsu nói đến phải nỗ lực thực thi. Hạnh phúc đi liền với hồng phúc nên mỗi người phải nỗ lực thực hiện sao cho hạnh phúc trở thành hiện thực trong mỗi cuộc đời. Hạnh phúc là công ơn của Thiên Chúa nhưng lại là công khó của con người. Hạnh phúc là công trình của Thiên Chúa nhưng cũng là công trường còn dang dỡ mở ra cho sự đóng góp tiếp tay tiếp sức của tất cả mọi người. Hạnh phúc không như bông hoa có thể dễ dàng hái được ở bên đường, không giống như chiếc áo, chiếc xe đạp hay cái nhà có thể vẽ ra thành hình hài màu sắc có thể mua bán. Hạnh phúc là điều cảm thấy được trong tâm hồn, nó thuộc chiều sâu cõi lòng tuỳ thuộc thái độ sống đối với cuộc đời. Con người phải ra công chăm sóc vun trồng thì cây hạnh phúc mới đơm hoa kết trái. Hạnh phúc chính là khát khao được sống, được hiện diện, được yêu thương. Đi tìm hạnh phúc cũng là đi tìm sự sống. Sống là tồn tại, có tồn tại mới có yêu thương, có tương quan, có sinh trưởng. Đi tìm hạnh phúc cũng như đi tìm tình yêu. Khi người ta yêu nhau, mọi sự đều trở nên nhẹ nhàng, tốt đẹp: “yêu nhau yêu cả đường đi; yêu nhau trăm sự chẳng nề, một trăm chỗ lệch cũng kê cho bằng; yêu nhau mấy núi cũng trèo mấy sông cũng lội mấy đèo cũng qua”. Hạnh phúc là tình yêu. Tình yêu nối dài những ước mơ, ước mơ thường hướng con người về hạnh phúc.Hạnh phúc chính là sự sống và là tình yêu. Tình yêu và sự sống như đôi cánh đưa con người bay vào khung trời hạnh phúc.
Lối sống có phúc được Chúa Giêsu trình bày trong bài giảng khai mạc cũng đã được các đấng công chính và các vị tiên tri chọn lựa và Giáo hội cũng đã không ngừng trung thành theo đuổi nhằm thực hiện hoá giáo huấn cốt lõi nhất trong sứ điệp Tin mừng của Chúa Giêsu.Thực hành lối sống có phúc, người tín hữu đang mở rộng biên cương của Nước Thiên Chúa trên trần gian.
Ngôi Lời Thiên Chúa làm người để giúp con người sống hạnh phúc. Sau khi sống lại, Người mở đường dẫn lối cho chúng ta đi về hạnh phúc viên mãn trong Thiên Chúa Tình Yêu và Sự Sống.Tin và yêu mến Chúa Giêsu là được sống hạnh phúc mỗi ngày trong niềm vui.
Lm Giuse Nguyễn Hữu An
SUY NIỆM : “PHÚC CHO NHỮNG KẺ NGHÈO KHÓ!”
“Phúc cho những ai có tinh thần nghèo khó, vì Nước Trời là của họ.” Chúng ta thường nghe các mối phúc thật này trong Tin Mừng theo thánh Mátthêu (5,1-12a) vào các dịp lễ Các Thánh; Chúa nhật IV Thường Niên, năm A; lễ an táng và cầu cho tín hữu đã qua đời. Nhưng các Mối Phúc Thật trong Tin Mừng theo thánh Luca hôm nay không nói về những người có “tinh thần nghèo khó”, mà về những người nghèo đói thật sự, những người đau khổ về thể xác và tâm hồn: “Phúc cho các ngươi là những kẻ nghèo khó, vì nước Thiên Chúa là của các ngươi. Phúc cho các ngươi là những kẻ bây giờ đói khát, vì các ngươi sẽ được no đầy.”
Khi nghe Chúa Giêsu đối chiếu hoàn cảnh hiện tại với thực tế tương lai, chúng ta không khỏi thắc mắc: “Như vậy, không có hạnh phúc thật trên trần gian này hay sao?” Hoặc: “Thôi, mình ráng chịu khổ, kiên nhẫn, ráng sống nghèo để đời sau được sung sướng, hạnh phúc.” Vậy ra, tôn giáo chỉ là “thuốc phiện ru ngủ quần chúng” như Karl Marx đã nói hay sao? Thực ra, Tin Mừng không bao giờ cổ võ việc sống nghèo theo kiểu này. Sự nghèo khổ, bần cùng là một điều xấu, và phải bị loại trừ bằng mọi giá.
Vậy tại sao Chúa Giêsu lại nói những người nghèo thì có “phúc”? Vì người nghèo là người biết rằng thế giới không thể làm thỏa mãn hết mọi ước muốn của con người nên họ hướng về Chúa, và chỉ còn biết trông cậy vào Người mà thôi. Họ cũng là người ý thức rằng, họ được Thiên Chúa yêu thương che chở không phải vì công trạng của họ, nhưng vì Người là Thiên Chúa tình yêu, Người yêu thương vì chính hoàn cảnh của họ: nghèo đói, đau khổ, bị áp bức, chịu bất công,...
Tuy nhiên, Tin Mừng không gán cho những người nghèo mọi đức tính tốt, cũng không đổ mọi tội lỗi lên đầu những người giàu có! Tuy nhiên, nhiều lần Chúa Giêsu lên tiếng cảnh giác chúng ta về sự giàu có. Sự giàu sang không phải là điều xấu, nhưng nguy hiểm! Nguy hiểm vì nó có thể gây ra sự thỏa mãn giả tạo. Những người được thỏa mãn về của cải vật chất dần dần nghĩ rằng họ không cần đến Thiên Chúa. Nhưng họ quên rằng chỉ có Chúa là Ðấng làm no thỏa mọi khát vọng, mọi ước mơ hạnh phúc nơi con người.
Thiên Chúa luôn muốn con người được hạnh phúc. Và hạnh phúc đích thật được xây dựng không phải nơi của cải vật chất, nhưng trong đời sống hướng về Chúa với niềm cậy trông, và hướng về tha nhân trong tình thương và liên đới. Chúa Giêsu không giải thích về điều ác và đau khổ, nhưng trong suốt ba năm đi rao giảng, Người luôn tranh đấu chống lại nó, chữa lành, xoa dịu, tha thứ và ủi an. Người xác định ở đây rằng sự đau khổ không ngăn cản chúng ta sống bình an trong tâm hồn. Giữa những bách hại và thử thách, Người ban bình an cho chúng ta “Thầy để lại bình an cho các con, Thầy ban bình an của Thầy cho các con. Thầy ban cho các con không như thế gian ban tặng” (Ga 14,27).
Khi chúng ta đã dồn mọi nỗ lực trong việc chiến đấu với bệnh tật và đau khổ, nếu chúng ta đang phải sống trong lầm than, trong buồn rầu và thất vọng, chúng ta hãy nhớ lại các “Mối Phúc Thật” mà Chúa Giêsu đã công bố khi nhìn những người nghèo đang vây quanh Người. Người cũng nói với chúng ta hôm nay: “Các con là những người kém may mắn trong cuộc đời; các con không có tiền cũng chẳng có địa vị, các con đau khổ vì phải sống trong cảnh chia ly; các con không thể gọi Chúa là ‘Cha’ vì người cha của các con hung bạo, luôn say sưa và đánh đập vợ con; các con khóc than vì người thân yêu của các con ra đi quá sớm; các con đang phải vật lộn với cuộc sống, vất vả hơn những người khác. Tuy thế, các con vẫn có phúc. Không phải vì Chúa sẽ đảo ngược mọi vai trò, mọi hoàn cảnh, nhưng vì Chúa yêu thương các con. Chúa yêu thương các con hơn những người khác. Chúa không muốn các con đau khổ, nhưng nếu điều đó xảy ra, các con hãy biết rằng, Chúa ở với các con và ôm ấp các con trong tay Người.”
Chúa luôn ở với chúng ta, khuyến khích chúng ta chiến đấu chống lại điều ác. Chỉ có Chúa mới mang đến cho chúng ta các “Mối Phúc Thật” này. Ước mong rằng chúng ta biết khám phá ra hạnh phúc đích thật trên con đường theo Chúa Giêsu, là Ðấng sẽ làm no thỏa mọi khát vọng trong tâm hồn của mọi người. Amen.
Lm. Giuse Vũ Thái Hòa
SUY NIỆM: PHÚC THẬT VÀ PHÚC ẢO
Có những điều người đời cho là phúc nhưng cũng là mầm mống sinh ra tai họa. Đó không phải là phúc thật mà là phúc ảo.
Nhiều người khao khát tiền bạc, tài sản, của cải trần gian… và tìm mọi cách chiếm hữu cho bằng được, càng nhiều càng tốt. Người ta hy vọng khi chiếm hữu được nhiều tiền bạc, trở nên phú quý giàu sang thì họ sẽ được hạnh phúc hơn. Tuy nhiên, tiền bạc cũng gây ra nhiều tai họa cho con người; như ta thấy sau đây:
– Thứ nhất, đồng tiền cuốn hút rất nhiều người vào con đường tội lỗi như cướp của giết người, tham ô, chiếm đoạt, làm đủ điều xấu xa và tàn ác để thu lợi cho mình; hậu quả là nhiều người vô tội trở thành nạn nhân của họ và bản thân họ phải chịu tù tội, chịu án phạt đời nầy và đời sau.
– Thứ hai, người sở hữu nhiều tiền bạc dễ bị người đời ganh ghét, gièm pha, trở thành đối tượng cho trộm cướp rình rập và nếu không chia sẻ tài sản mình cho người nghèo thiếu thì mai sau sẽ bị án phạt nặng nề.
Chính vì thế, Chúa Giê-su nói: “Khốn cho các ngươi là những người giàu có…”
Ngược lại, có những thứ người đời cho là họa như nghèo túng, đói khát… thì Chúa Giê-su cho rằng đó là hồng phúc. Ngài nói:
“Phúc cho anh em là những kẻ nghèo khó, vì Nước Thiên Chúa là của anh em.” Tại sao như thế?
Khi tuyên bố những lời này, Chúa Giê-su vừa ngước mắt nhìn các môn đệ vừa nói. Vậy thì đây là những lời Chúa Giê-su nói trực tiếp với các môn đệ. Các môn đệ là đối tượng của những lời chúc phúc nầy.
Trước đây, trong số các môn đệ của Chúa có người làm nghề chài lưới, có thuyền có lưới, có thu nhập hằng ngày ổn định; cũng có người làm nghề thu thuế như Lê-vi, cuộc sống sung túc chẳng thiếu thốn gì…
Thế rồi, khi lên đường theo Chúa, các ngài bỏ hết thuyền bè, nhà cửa, công việc làm ăn… nên trở thành những người nghèo thiếu… Nghèo khó vì từ bỏ mọi sự để đi loan báo Tin mừng như thế thì sẽ được nhiều hồng phúc, chứ không phải bất cứ ai nghèo khó đều có phúc.
Rồi Chúa Giê-su nói tiếp với các môn đệ: “Phúc cho anh em là những kẻ bây giờ đang đói vì Thiên Chúa sẽ cho anh em được no lòng.”
Với nghề chài lưới trên biển hồ nhiều tôm cá hoặc nghề thu thuế như Lê-vi đã làm… các môn đệ chưa biết đói khát là gì. Vậy mà từ ngày theo Chúa Giê-su, lang bạt từ làng quê lên phố thị, từ bờ biển đến nơi hoang địa… các ngài phải chịu đói khát; thậm chí có ngày đi qua đồng lúa, các ông đã bứt những gié lúa, vò xát trong tay rồi ăn để dằn cơn đói… Đói khát vì ra đi xây dựng Nước Trời như các môn đệ ắt sẽ được Thiên Chúa ban nhiều hồng phúc lớn lao.
Qua Tin mừng hôm nay, Chúa Giê-su cho chúng ta thấy hạnh phúc do tiền bạc, của cải và sự giàu sang đời nầy mang lại không phải là hạnh phúc thật vì có thể mang lại tai họa và án phạt đau thương. Đồng thời, Ngài cũng cho chúng ta thấy rằng “nghèo khó” vì Tin mừng, chịu “đói” vì chia sẻ cơm áo cho nhau, chịu buồn phiền “khóc lóc” vì đạo Chúa, chịu “oán ghét, khai trừ, sỉ vả” vì Nước Trời là phúc thật vì mang lại hạnh phúc đời đời.
Lạy Chúa Giê-su, Xin dạy chúng con nhớ rằng: Của cải đời này chỉ là phù du, mau tan biến như sương mai, như làn khói, chỉ có hạnh phúc thiên đàng mới vĩnh viễn thiên thu.
Xin giúp chúng con biết phấn đấu đạt cho được Nước Trời dù phải hy sinh thời giờ, công sức, tiền bạc và chấp nhận gian lao khó nhọc… để góp phần loan báo Tin mừng và phục vụ anh chị em chung quanh, nhờ đó chúng con đạt được những mối phúc mà Chúa công bố trong Tin mừng hôm nay.
Lm. Inhaxiô Trần Ngà
SUY NIỆM: PHÚC CHO NHỮNG AI SỐNG VÌ TIN MỪNG
Nhìn lại “Năm Con Trâu” với hàng loạt các drama về từ thiện khiến cho những người có lòng tốt cũng bị tổn thương. Có khi dư luận đẩy lên cao trào những xì xào, ngờ vực và quy kết tội mà không cần chứng cứ hay tòa án!
Người ta nghi ngờ tất cả, mặc dầu chuyện từ thiện vốn tốt đẹp đầy ý nghĩa nhân văn. Tình yêu thương đùm bọc lẫn nhau có thể xem là sức mạnh là một truyền thống quý báu của dân tộc Việt Nam. Tinh thần liên đới ấy đã được cha ông ta gửi gắm trong câu ca dao :
“Nhiễu điều phủ lấy giá gương
Người trong một nước phải thương nhau cùng”
Và rồi đến phút 89 của những ngày cuối năm 2021 mới được công bố những Drama này không “ăn chặn từ thiện”! Nhưng lòng tốt bị tổn thương làm sao hàn gắn? Và liệu rằng lòng tin về người làm từ thiện có dễ dàng quay trở lại như xưa ?
Ở đời thường lạ vậy. Những người sống vì công chúng lại dễ bị làm tổn thương vì bị nghi ngờ về lòng tốt. Những người sống bảo vệ công lý và làm chứng cho sự thật càng dễ bị tổn thương do bị chụp mũ , bị quy kết tội , bị vu khống . . .
Ngày 29/01/2022 dường như khắp các trang mạng xã hội đều đau xót khi cha Giuse Trần Ngọc Thanh OP bị sát hại ngay lúc đang ngồi giải tội. Cái chết của cha Giuse gây bàng hoàng cho mọi người và là nỗi hoang mang cho những ngôn sứ của Chúa.
Theo Fides, một cơ quan truyền thông thuộc bộ Truyền bá và Phúc Âm hóa các Dân tộc cho biết, trong năm 2021 vừa qua có 22 nhà truyền giáo đã bị giết trên toàn thế giới, nhiều hơn 2 người so với năm 2020 và một nửa trong số đó là các linh mục.
Bài phúc âm hôm nay Chúa Giê-su nói nói: “Phúc cho anh em là những kẻ nghèo khó, phúc cho anh em là những kẻ đói khát”? . “Phúc cho các ngươi, nếu vì Con Người mà người ta thù ghét, trục xuất và phỉ báng các ngươi, và loại trừ tên các ngươi như kẻ bất lương. Ngày ấy, các ngươi hãy hân hoan và reo mừng, vì như thế, phần thưởng các ngươi sẽ bội hậu trên trời”.
Thánh Luca ghi rõ: “Đức Giê-su ngước mắt nhìn các môn đệ và nói…”. Vậy thì đây là những lời Đức Giê-su trực tiếp nói với các môn đệ và đối tượng đầu tiên của các mối phúc nầy chính là những môn đệ của Chúa Giê-su.
Nghèo khó, đói khát, bị bách hại là những thứ tai hoạ mà người đời tìm cách vượt qua hết sức có thể. Nhưng đối với những ai sống vì tin mừng thì những điều này lại là một mối phúc.
“Phúc cho anh em là những người nghèo khó, vì Nước Thiên Chúa là của anh em”. Như các môn đệ Phê-rô, An-rê, Gioan, Giacôbê là những những khá giả có ghe, có thuyền, có lưới… ngày ngày đánh bắt được tôm cá để nuôi sống gia đình và bản thân. Nay vì theo tiếng gọi của Chúa Giê-su, các vị từ bỏ ghe thuyền, nhà cửa, nghề nghiệp, bỏ lại cả vợ con, ra đi với hai bàn tay trắng, lên đường phục vụ cho Tin Mừng. Thế nên các ngài sẽ được Chúa Giê-su trọng thưởng. Lòng quảng đại của Thiên Chúa đâu có thua lòng quảng đại của con người.
Phúc cho anh em khi vì Con Người mà bị người ta oán ghét, khai trừ, sỉ vả và bị xoá tên như đồ xấu xa. Nhưng hãy vui lên vì phần thưởng dành cho anh em ở trên trời thật lớn lao.
Các môn đệ của Chúa Giê-su là những người đã dốc hết cuộc đời cho Chúa Giê-su và cho việc rao giảng Tin Mừng, đến nỗi các ngài trở nên nghèo thiếu, và bị bách hại vì Chúa Giê-su, thế nên các ngài sẽ được Thiên Chúa đổ đầy hồng ân. Nước Thiên Chúa thuộc về các ngài. Hạnh phúc thiên đàng đang ở trong tầm tay.
Hôm nay Chúa vẫn đang chúc phúc cho những ai biết rộng lượng cống hiến cho Chúa khả năng, thời giờ, sức lực, trí tuệ… để làm sáng danh Chúa và loan báo Tin Mừng. Mỗi việc chúng ta làm cho Chúa đều được Chúa trả công bội hậu cho chúng ta ngay ở đời này và nhất là được thừa hưởng Nước Trời mai sai.
Xin Chúa giúp chúng ta biết sống vì tin mừng. Xin Chúa ban thêm ơn khôn ngoan và can đảm để chúng ta vượt qua tính sợ hãi và ích kỷ để sống và làm chứng cho tin mừng cho dẫu bị thiệt thòi ở đời này, có khi bị hàm oan, bị bách hại . . . Nhưng luôn vui tươi hân hoan vì chúng ta hiến dâng cho Chúa một, Chúa sẽ ban thưởng gấp trăm gấp ngàn lần ở đời này và cả đời sau. Amen
Lm.Jos Tạ Duy Tuyền
SUY NIỆM: CHÚA MUỐN CHÚNG TA LÀ NHỮNG NGƯỜI CÓ PHÚC
Trong Tin mừng thánh Luca hôm nay dìu chúng ta về với các Mối Phúc để sống và các mối họa để mà tránh. Trước khi nói đến phúc thì Chúa Giêsu nói đến họa “Khốn cho các ngươi là những kẻ giàu có!” Quả thật, nghèo khó là trung tâm của Tin Mừng: “Phúc cho những ai có tình thần nghèo khó” là mối phúc đầu tiên trong các mối phúc và là sứ mạng khi Chúa Giêsu tự giới thiệu về mình với dân làng Nagiaret tại hội đường: “Thánh Thần Chúa ngự trên tôi, sai tôi đem Tin Mừng cho người nghèo, tin vui cho người nghèo”.
Vấn nạn từ mối phúc
Người đời thường coi hạnh phúc bắt nguồn từ giàu sang, no đủ, từ danh thơm tiếng tốt. Khi công bố trong đoạn Tin Mừng (Lc), Chúa Giêsu đưa chúng ta đi vào một thế giới khác, với sự đánh giá khác. Người cho các môn đệ biết rằng: họ là những người có phúc, khi phải chịu nghèo đói, đau khổ, bách hại vì Người, khiến người nghe những mối họa và phúc không khỏi thắc mắc: Thế nào là giàu, thế nào là nghèo? Phải chăng Đức Giêsu là người cổ hủ, lỗi thời khi cổ súy cái nghèo? Hơn nữa, Người lại còn mời gọi những ai muốn đi theo và làm môn đệ cũng phải sống một cuộc sống bần cùng, cơ cực?
Nếu Chúa Giêsu tuyên bố: “Phúc cho anh em là những người bây giờ đang phải đói, vì Thiên Chúa sẽ cho anh em được no lòng” (Lc 6,21). Vậy ai là người đói khát và ai là người no thỏa?
Chẳng những Chúa Giêsu từ ngàn xưa đã công bố như thế, mà ngay chính Đức Giáo hoàng Phanxicô trong thời hiện đại khi kể chuyện về giây phút cái danh hiệu PHANXICÔ đi vào lòng ngài, ngài diễn tả chương trình hành động của ngài, không phải bằng một lời tuyên bố long trọng, nhưng bằng cách bộc lộ một nỗi khao khát: “Ôi, tôi mong ước biết bao có được một Hội Thánh nghèo và vì người nghèo”. Nhưng khi nghe đến “một Hội Thánh nghèo và vì người nghèo”, có người hỏi: “Thế còn người giàu thì sao?” Phải chăng một “Hội Thánh nghèo” là một Hội Thánh gồm toàn những người nghèo?
Phúc cho kẻ nghèo
Câu chuyện về một vị ẩn tu sống rất nghèo do Đức Cố Hồng Y Carôlô Maria Martini viết trong một cuốn sách, giúp chúng ta hiểu phần nào về người giàu nhưng vẫn có thể có tâm hồn nghèo khó, còn người nghèo lại không.
Chuyện kể rằng, vị ẩn sĩ này chỉ có một tấm áo rách trên mình và một cái vò đựng nước đã bể… Một hôm ông hỏi Chúa: “Lạy Chúa, con có phải là người nghèo nhất trên thế gian này chưa?” Chúa sai thiên thần đưa ông đến trước một lâu đài sang trọng và bảo: “Người sống trong lâu đài này mới là người nghèo nhất trên thế gian”. Vị ẩn sĩ rách rưới ngẩn người hỏi Chúa: “Sao lại như thế được?” Chúa trả lời: “Người sống trong lâu đài sang trọng này có đủ mọi thứ, nhưng lòng không dính bén chút gì, còn con, con dính bén với chính cái áo rách và cái vò đã bể của con”.
Khi tuyên bố: “Phúc cho những kẻ nghèo khó”, Chúa Giêsu không hề có ý muốn biến thế giới thành một thế giới nghèo đói, bần cùng. Của cải vật chất thật cần thiết để cho con người được sống xứng phẩm giá con người; Thiên Chúa đã tạo dựng con người đặt con người làm chủ và hưởng dùng mọi sự trong vũ trụ. Nhưng của cải vật chất là phương tiện, chứ không phải là cứu cánh. Người nghèo là người biết sống cho những giá trị ấy, cho dù giữa những vất vả lo toan, miếng cơm, manh áo, họ vẫn luôn tìm kiếm Nước Trời, họ sẽ là người hạnh phúc nhất, vì biết mình sống để làm gì và sẽ đi về đâu.
Khốn cho người giầu
Tại sao Chúa Giêsu lại nặng lời với những người giầu? Có lẽ vì của cải là ngẫu tượng hấp dẫn, nó cuốn hút chúng ta và đẩy xa Thiên Chúa ra khỏi lòng chúng ta. Chính Chúa Giêsu đã từng tuyên bố: “Anh em không thể làm tôi hai chủ, hoặc ghét chủ này yêu chủ nọ”. Liên hệ trực tiếp, chúng ta chỉ có thể làm tôi Thiên Chúa, hoặc làm tôi tiền của, chứ không thể làm tôi cả hai được. Vì thế, nếu xem tiền của là chủ đời ta, thì tiền của sẽ túm lấy ta, phá vỡ sự hòa hợp giữ con người với nhau, hủy hoại cuộc sống và linh hồn khiến ta không còn yêu mến Thiên Chúa hết lòng, hết sức và hết trí khôn nữa, và như thế là đối nghịch lại với điều răn thứ nhất là thờ phượng Một Đức Chúa Trời và kính mến người trên hết mọi sự.
Nếu Chúa ban cho ta của cải giàu có thì chính là để trao tặng cho người khác, để nhân danh Chúa làm nhiều điều tốt cho tha nhân. Nhưng của cải có khả năng cám dỗ chúng ta và chúng ta bị sa ngã, trở thành nô lệ của sự giàu có. Đã có lần Đức Thánh Cha Phanxicô kêu gọi chúng ta cầu nguyện một tí và hy sinh một tí, không phải cho người nghèo, nhưng cho người giàu. (REI 24/05/2018)
Một Hội Thánh nghèo và vì người nghèo
Một Hội Thánh nghèo không phải là một Hội Thánh gồm toàn người nghèo. Hội Thánh không phải là Bang Hội của Cái Bang (ăn mày). Hội Thánh gồm tất cả những ai tìm kiếm và tin nhận Thiên Chúa là hạnh phúc duy nhất và vĩnh cửu và “Đức Giêsu là Đấng khai mở và kiện toàn lòng tin” (Dt 12,2). Chính khi kêu gọi các tín hữu quyên góp để chia sẻ với cộng đoàn Giêrusalem đang lâm cảnh khó khăn mà thánh Phaolô nại đến gương Chúa Giêsu: “Quả thật anh em biết Đức Giêsu Kitô Chúa chúng ta đã có lòng quảng đại như thế nào: Người vốn giàu sang phú quý, nhưng đã tự ý trở nên nghèo khó vì anh em, để lấy cái nghèo của minh mà làm cho anh em trở nên giàu có” (2 Cor 8,9). “Ngài đã hoàn toàn trút bỏ vinh quang, mặc lấy thân nô lệ, trở nên giống phàm nhân…”(Pl 2,7) để cho chúng ta được trở nên con cái Thiên Chúa. Như vậy, Một Hội Thánh nghèo là một Hội Thánh sống tinh thần nghèo khó của Tin Mừng, không dính bén với của cải vật chất, không chạy theo thói thế gian, không đặt của trọng hơn người.
Sống lời Chúa dạy
Việc đầu tiên phải làm cho người nghèo, là chiến thắng sự lãnh đạm, vô cảm, những viện cớ này khác để xa tránh những con người này, biết quan tâm đến những cảnh ngộ lầm than, đáng thương quanh ta. Giảm thiểu khoảng cách bất công giữa người giầu và người nghèo một vùng miền nào đó.
Chúng ta hãy xin Chúa giúp chúng ta trở nên những khí cụ tình thương hải hà của Chúa đối với anh em. Amen.
Lm. Antôn Nguyễn Văn Độ
SUY NIỆM: CHÚA HỨA BAN HẠNH PHÚC
Thế kỷ ta đang sống là một thế kỷ tiến bộ lạ lùng trong mọi cố gắng của loài người. Loài người đã khống chế được không gian và thời gian: du lịch mau lẹ hơn tiếng động. Loài người còn được hưởng những dịch vụ nhanh chóng bằng cách chỉ cần bấm nút là có món hàng mình muốn, và có thể nói với người ở xa cả hàng ngàn dậm. Muốn mua bao thuốc lá, bỏ tiền vào máy, bấm nút, có liền; muốn mua lon nước ngọt cũng vậy. Người ta có thể thu gọn cả thế giới vào trong cái màn ảnh vô tuyến truyền hình trong phòng. Loài người đã lên cung trăng, đã đi vào thế giới nguyên tử, đã khám phá ra những bí mật của bệnh truyền sinh. Loài người tiến quá lẹ đến nỗi một món hàng sản xuất vừa ra khỏi khuôn đã trở thành lỗi thời. Chẳng hạn như đồ vi tính, vừa mua máy này, đã nghe có máy tốt hơn sắp ra.
Tất cả những tiến bộ đó có được là nhờ sự hiểu biết về khoa học của loài người. Du lịch, truyền thông, y tế, canh nông, giải trí, hầu như tất cả mọi lãnh vực trong cuộc sống con người đều được phát triển nhờ khoa học kỹ thuật. Khi gặp nguy hiểm, người ta xây hầm trú ẩn, hay có quân đội bảo vệ an ninh. Người ta lái xe có thắt giây an toàn. Người ta giữ giấy tờ quan trọng trong hộp an toàn trong nhà băng. Người ta mua bảo hiểm sức khoẻ, bảo hiểm sinh mạng, đóng tiền an sinh xã hội cho tuổi già…
Tuy nhiên mặc dầu với những tiến bộ về khoa học, cũng như những tiện ích người ta được hưởng dùng, người ta vẫn không có hạnh phúc thực sự ở đời này. Vậy làm sao để giải quyết vấn đề thiếu hạnh phúc? Tiên tri I-sai-a trong bài trích sách Cựu ước hôm nay cho ta một giải pháp: Phúc cho người đặt tin tưởng vào Chúa vì có Chúa làm nơi nương thân (Gr 17: 7). Thánh Phao-lô trong thư gửi tín hữu Cô-rin-tô vọng thêm: Nếu chúng ta đặt hi vọng vào Đức Ki-tô chỉ ở đời này mà thôi, thì chúng ta là những kẻ đáng thương hại nhất trần gian (1Cr: 15:19). Trong bài Phúc âm, Chúa Giêsu chúc phúc cho những người mà trước mặt người đời là những người đáng thương hại: người nghèo khó, đói khát, khóc lóc và bị thù ghét. Chúa bảo ta những người được Chúa chúc phúc không phải là những người được người đời ưu đãi. Những đau khổ và bất hạnh của những người bất hạnh trước mặt thế gian, không phải là dấu hiệu Chúa bỏ rơi họ.
Tại sao những người này được chúc phúc và làm sao để được Chúa chúc phúc? Thường những người nghèo khó, đói khát, khóc lóc và bị thù ghét không có gì để bám víu, không có tài năng để làm nên sự nghiệp, không có thế lực để tự bênh đỡ mình, không có bạn bè để nương tựa. Trong trường hợp này họ có thể nảy sinh ra hai phản ứng khác nhau. Phản ứng thứ nhất là họ có thể trở nên thất vọng, sinh ra hận Chúa và hận đời nên dễ làm càn. Cái phản ứng thứ hai là họ tìm đến cậy trông, nương tựa vào Chúa khi không còn gì để bám víu và nương tựa. Họ ý thức về sự hiện diện của Chúa trong đời sống. Và ý thức về sự hiện diện của Chúa là dấu hiệu sơ khởi được Chúa chúc phúc. Khi ý thức được sự hiện diện của Chúa trong đời sống, họ nảy sinh ra cái lòng kính sợ Chúa, không dám làm mất lòng Chúa. Họ cũng nảy sinh ra cái lòng cậy trông vào quyền năng Chúa, tin rằng Chúa sẽ bênh đỡ họ, ở bên họ và trợ giúp họ. Họ tin rằng Chúa sẽ bù đắp cho họ những thiếu sót của họ về của cải, bạn bè, và tài năng mà họ không có, nếu không được ở đời này, thì đời sau họ sẽ được bù đắp. Khi mà cái cùng đích, cái chủ thể, cái lẽ sống của họ là Chúa, thì mặc dù họ không có của cải, bạn hữu, quyền thế, sự nghiệp, họ vẫn không bị sụp ngã, thất vọng, nhưng vẫn còn gì để bám víu. Và cái nơi họ nương tựa bám víu là chính Chúa. Và đó là hạnh phúc của họ.
Lm. Trần Bình Trọng