G. Trần Đức Anh, O.P.
Trong bài huấn dụ ngắn trước khi đọc kinh, Đức Thánh cha nhắc đến bài Tin mừng theo thánh Mathêu (16,13-19), đọc trong thánh lễ: Chúa Giêsu đặt hai câu hỏi với các môn đệ: “Người ta nói Thầy là ai?”, và “Các con nói Thầy là ai?” và Đức Thánh cha nêu nhận xét:
Câu hỏi thứ nhất là một cuộc thăm dò để ghi những ý kiến của dân chúng về Chúa và danh tiếng về Ngài, nhưng Chúa Giêsu không quan tâm đến danh tiếng. Chúa đặt câu hỏi đó để nhấn mạnh một sự khác biệt cơ bản trong đời sống Kitô: “có những người chỉ dừng lại ở câu hỏi thứ nhất, các ý kiến nói về Chúa Giêsu; trái lại, có người nói với Chúa Giêsu, mang cuộc sống của mình cho Chúa, đi vào tương quan với Chúa, qua đó họ thực hiện một giai đoạn quyết định. Chúa quan tâm đến điều này: Ngài muốn ở trung tâm tư tưởng của chúng ta, trở thành điểm tham chiếu cho các tình cảm của chúng ta, nói tóm một lời, là Chúa muốn là tình yêu của cuộc sống chúng ta”.
Từ tiền đề trên đây, Đức Thánh cha áp dụng vào cuộc sống của hai vị thánh Giáo hội mừng kính hôm nay: “Hai vị không phải là những người ngưỡng mộ, nhưng là những người noi theo Chúa Giêsu. Họ không phải là khán giả, nhưng là những người giữ vai chính trong Tin mừng. Họ không phải chỉ tin bằng lời nói, nhưng bằng việc làm. Thánh Phêrô không nói về sứ vụ, nhưng là người đánh cá người; Phaolô không viết những sách thông thái, nhưng là những lá thư sống thực, trong khi du hành và làm chứng. Cả hai vị đã hiến mạng sống vì Chúa và vì anh chị em. Hai vị thúc bách chúng ta, vì chúng ta có nguy cơ chỉ ở lại câu hỏi thứ nhất: đưa ra những nhận xét và ý kiến, có những ý tưởng lớn và nói những lời hoa mỹ, nhưng không bao giờ thực sự dấn thân nhập cuộc. Ví dụ, bao nhiêu lần chúng ta nói rằng chúng ta muốn một Giáo hội trung thành hơn với Tin mừng, gần gũi hơn với dân chúng, mang tính chất ngôn sứ và thừa sai hơn, nhưng rồi trong cụ thể, chúng ta chẳng làm gì cả! Thật là buồn khi thấy bao nhiêu người nói, bình luận và thảo luận, nhưng ít người làm chứng tá. Các chứng nhân không mất hút trong những lời nói, nhưng mang lại hoa trái. Họ không than phiền về những người khác và về thế giới, nhưng bắt đầu từ chính mình. Các vị nhắc nhớ cho chúng ta rằng Thiên Chúa không cần chứng minh, nhưng cần được trình bày; không cần được loan báo với những tuyên ngôn, nhưng cần được làm chứng bằng gương sống”.
Đức Thánh cha nêu nhận xét: “Khi nhìn cuộc đời của thánh Phêrô và Phaolô, người ta có thể nêu lên vấn nạn: đồng ý là hai vị là chứng nhân, nhưng không luôn luôn là những người gương mẫu: Phêrô đã chối Chúa Giêsu và Phaolô đã bách hại các Kitô hữu. Nhưng điểm chính ở đây là hai vì cũng đã làm chứng mình sa ngã. Lẽ ra, thánh Phêrô có thể nói với các thánh sử Tin mừng: “Anh em đừng viết về những lầm lẫn của tôi”. Nhưng không phải vậy, lịch sử thánh nhân được trình bày rõ ràng với tất cả những lầm than trong các sách Tin mừng. Thánh Phaolô cũng làm như vậy, trong các thư, ngài kể lại những lầm lẫn và yếu đuối của mình. Điều này cho thấy chứng nhân bắt đầu từ đâu: từ sự thật về chính mình, về cuộc chiến đấu chống lại sự hai mặt và giả dối của mình. Chúa có thể làm điều cao trọng qua chúng ta khi chúng ta không quan tâm bảo vệ hình ảnh của mình, nhưng khi chúng ta minh bạch với Ngài và với tha nhân.”
Và Đức Thánh cha kết luận rằng: “Anh chị em thân mến, ngày hôm nay Chúa đang gọi hỏi chúng ta. Câu hỏi của Chúa là “Thầy là ai đối với con?, câu hỏi này đào sâu trong chúng ta. Qua hai chứng nhân Phêrô và Phaolô, Chúa thúc đẩy chúng ta hãy làm rơi những mặt nạ của chúng ta, hãy từ bỏ những biện pháp nước đôi, những lời biện hộ làm cho chúng ta trở nên nguội lạnh và tầm thường. Xin Mẹ Maria Nữ Vương các tông đồ giúp chúng con trong vấn đề này. Xin Mẹ đốt lên trong chúng con ước muốn làm chứng về Chúa Giêsu”.
Sau khi ban phép lành cho các tín hữu, Đức Thánh cha thông báo về việc ngài sẽ gặp gỡ và cầu nguyện, vào ngày 1/7 tới đây, tại Vatican với tất cả các vị lãnh đạo các cộng đoàn Kitô tại Liban để cầu nguyện cho hòa bình tại nước này. Đức Thánh cha nói: “Chúng tôi sẽ để cho Lời Kinh thánh soi sáng, “Thiên Chúa cho những dự phóng hòa bình”. Tôi mời gọi tất cả anh chị em hiệp với chúng tôi, cầu nguyện cho Liban được trỗi dậy từ cuộc khủng hoảng trầm trọng hiện nay và chứng tỏ cho thế giới thấy khuôn mặt hòa bình và hy vọng của mình”.
Đức Thánh cha cũng nói rằng ngày 1/7 tới đây là kỷ niệm đúng 160 năm ấn bản đầu tiên của báo Osservatore Romano, Quan sát viên Roma, là “báo đảng”, như tôi quen gọi. Xin chúc mừng và cám ơn rất nhều vì sự phục vụ của anh chị em. Hãy tiếp tục công việc trong trung thành và với tinh thần sáng tạo!”
Tiếp đến, Đức Thánh cha đặc biệt gửi lời chúc mừng vị tiền nhiệm của ngài, Đức nguyên Giáo hoàng Biển Đức XVI, nhân kỷ niệm đúng 70 năm thụ phong linh mục tại nhà thờ chính tòa Freising, 29/6 năm 1951 cùng với bào huynh của người, Đức ông Georg Ratzinger, nay đã quá cố.
Đức Thánh cha nói: “Hôm nay, đối với chúng ta có một kỷ niệm đánh động tâm hồn tất cả chúng ta: cách đây 70 năm, Đức Giáo hoàng Biển Đức được chịu chức linh mục (mọi người vỗ tay chúc mừng…). Hỡi người cha và người anh Biển Đức quí mến, chúng con yêu mến, biết ơn và gần gũi với ngài. Đức Biển Đức sống trong một đan viện, một nơi đã được thành lập để đón tiếp các cộng đoàn chiêm niệm tại Vatican này, để cầu nguyện cho Giáo hội. Hiện nay, chính Đức Biển Đức là người chiêm niệm tại Vatican, hiến thân cầu nguyện cho Giáo hội và cho giáo phận Roma, mà ngài là nguyên Giám mục. Xin cám ơn Đức Biển Đức, người cha và người anh quí mến, cám ơn vì chứng tá đáng tin cậy của ngài, cám ơn vì cái nhìn của ngài luôn hướng về chân trời của Chúa!
Sau hết, Đức Thánh cha chúc mọi người một ngày lễ an vui.
Ý kiến bạn đọc
Những tin mới hơn
Những tin cũ hơn