Đức Thánh cha: Chúng ta hãy vượt qua thành kiến và cảm thông với người khác

Thứ ba - 16/02/2021 08:05
Đức Thánh cha Phanxicô chủ sự buổi đọc kinh Truyền tin | Vatican Media

Trưa Chúa nhật 14/2/2021, Đức Thánh cha Phanxicô đã chủ sự buổi đọc kinh Truyền tin với hơn 200 tín hữu, tại Quảng trường thánh Phêrô. Tại Italia, tuy việc đi lại có phần nới rộng, nhưng vì đại dịch, dân chúng vẫn còn bị cấm đi từ miền này sang miền khác. Ngoài ra, tại Roma, Chúa nhật 14/2 gọi là “Chúa nhật bảo vệ môi trường”. Để tránh ô nhiễm không khí, chính quyền địa phương cấm dân chúng không được sử dụng xe cộ từ 7 giờ 30 sáng đến 12 giờ 30 trưa, và từ 4 giờ 30 chiều đến 8 giờ 30 tối. Những hạn chế này cũng là một cản trở đối với những người ở xa muốn đến tham dự buổi đọc kinh Truyền tin với Đức Thánh cha.


G. Trần Đức Anh, O.P.

Huấn dụ của Đức Thánh cha

Trong bài huấn dụ ngắn trước khi đọc kinh, Đức Thánh cha diễn giải ý nghĩa bài Tin mừng Chúa nhật thứ VI mùa thường niên năm B, kể lại sự kiện Chúa Giêsu gặp gỡ, tiếp xúc và chữa lành một người bệnh phong đến xin Chúa cứu chữa.

Đức Thánh cha nói: Anh chị em thân mến, chào anh chị em!

Chúa gặp gỡ và động chạm đến người phong

Tin mừng hôm nay (xc. Mc 1,40-45) trình bày cho chúng ta cuộc gặp gỡ giữa Chúa Giêsu và một người bị bệnh phong. Những người phong cùi bị coi là những người ô uế và theo các qui định của luật, họ phải ở ngoài các trung tâm dân cư. Họ bị loại khỏi mọi liên lạc về mặt nhân bản, xã hội và tôn giáo. Trái lại, Chúa Giêsu để cho người phong ấy đến gần. Ngài xúc động và thậm chí còn giơ tay động chạm đến người ấy. Thế là Chúa thực hiện Tin mừng mà Ngài loan báo: Thiên Chúa trở nên gần gũi với cuộc sống của chúng ta, Chúa cảm thương số phận của nhân loại bị thương tổn và Chúa đến để phá đổ mọi hàng rào ngăn cản chúng ta sống tương quan với Ngài, với tha nhân và với chính bản thân chúng ta. Trong giai thoại này, chúng ta có thể thấy hai sự “vi phạm” gặp nhau: người phong đến gần Chúa Giêsu và Chúa động lòng cảm thương chạm đến và chữa lành người bệnh phong.

Vi phạm của người phong

Vi phạm thứ nhất là của người phong: mặc dù những qui định của luật, ông ta vẫn ra khỏi tình trạng cô lập và đến gặp Chúa Giêsu. Bệnh của ông bị coi là một hình phạt của Thiên Chúa, nhưng trong Chúa Giêsu, ông có thể thấy một khuôn mặt khác của Thiên Chúa: không phải vị Thiên Chúa trừng phạt, nhưng là Người Cha cảm thông và yêu thương, giải thoát chúng ta khỏi tội lỗi và không bao giờ loại trừ chúng ta ra khỏi lòng thương xót của Ngài. Thế là người ấy có thể ra khỏi sự cô lập, vì trong Chúa Giêsu ông tìm thấy Thiên Chúa chia sẻ đau thương của ông. Thái độ của Chúa Giêsu thu hút ông, thúc đẩy ông ra khỏi chính mình và phó thác cho Ngài tình cảnh đau thương của ông.

Vi phạm của Chúa Giêsu

Vi phạm thứ hai là của Chúa Giêsu: trong khi luật cấm không được động chạm đến những người phong cùi, Chúa xúc động, giơ tay và chạm đến người bệnh để chữa lành cho ông. Chúa không giới hạn vào những lời nói, nhưng chạm đến ông ấy. Chạm đến trong tình yêu thương có nghĩa là thiết lập một tương quan, đi vào tình hiệp thông, can dự vào cuộc sống của người khác đến độ chia sẻ cả những vết thương của họ. Với cử chỉ ấy, Chúa Giêsu chứng tỏ rằng Thiên Chúa không dửng dưng, không giữ khoảng cách an toàn, trái lại, Ngài đến gần với lòng cảm thương và chạm đến cuộc sống của chúng ta để chữa lành.

Cảm thông với người đau khổ thời nay

Đức Thánh cha nói rằng: Anh chị em thân mến, ngày nay trên thế giới cũng có bao nhiêu anh em, chị em của chúng ta đang đau khổ vì bệnh này, hoặc các bệnh khác và những hoàn cảnh rất tiếc là gắn liền với một thành kiến xã hội. Trong một số trường hợp, cũng có một sự kỳ thị tôn giáo. Nhưng mỗi người chúng ta có thể cảm nghiệm những vết thương, những thất bại, đau khổ, ích kỷ khép kín chúng ta với Thiên Chúa và tha nhân. Đứng trước tất cả những điều ấy, Chúa Giêsu loan báo cho chúng ta rằng Thiên Chúa không phải là một ý tưởng hoặc một đạo lý trừu tượng, nhưng là Đấng “lây nhiễm” với nhân tính bị thương tổn của chúng ta và không sợ đến, chạm tới những vết thương của chúng ta.

Từ bỏ những thái độ ngụy trang

Để tôn trọng các qui luật về thanh danh và những tập tục xã hội, chúng ta thường im lặng về đau khổ hoặc chúng ta đeo mặt nạ ngụy trang nó. Để cân bằng những tính toán ích kỷ của chúng ta hoặc những luật lệ nội tâm vì sợ hãi của chúng ta, chúng ta không quá can dự vào những đau khổ của người khác. Trái lại, chúng ta hãy cầu xin Chúa ơn được sống hai “vi phạm” của Tin mừng. Vi phạm của người phong, để chúng ta có can đảm ra khỏi tình trạng cô lập của chúng ta, và thay vì đứng đó để thương thân hoặc than khóc những thất bại của mình, chúng ta hãy đến cùng Chúa Giêsu với thực tại của chúng ta. Và tiếp đến là sự vi phạm của Chúa Giêsu: một tình thương làm cho chúng ta đi xa những qui ước, giúp vượt lên trên những thành kiến và sợ hãi dấn mình với cuộc sống của người khác.

Và Đức Thánh cha kết luận: Xin Đức Trinh Nữ Maria đồng hành với chúng con trên hành trình này, mà giờ đây chúng con khẩn cầu Mẹ trong kinh Truyền tin.

Chào thăm và mời gọi

Sau khi đọc kinh truyền tin và ban phép lành Tòa Thánh cho các tín hữu, Đức Thánh cha nói: “Với lòng biết ơn, tôi nhìn sự dấn thân của những người đang cộng tác để giúp những người di dân. Tôi cám ơn tất cả những gì họ đang làm cho người di dân. Đặc biệt hôm nay, tôi hiệp với các giám mục Colombia để bày tỏ lòng biết ơn vì chính quyền Colombia áp dụng qui chế bảo vệ tạm thời cho những người di dân Venezuela đang ở trên lãnh thổ đất nước Colombia, giúp tiếp đón, bảo vệ, và hội nhập họ. Đó không phải một nước rất giàu có, siêu phát triển thực hiện, nhưng là một nước có bao nhiêu vấn đề, phát triển, nghèo đói, hòa bình, gần 70 năm chiến tranh du kích. Colombia đã có can đảm nhìn đến những người di dân và lập ra qui chế ấy. Cám ơn Colombia.”

Đức Thánh cha cũng nói rằng: “Hôm nay là lễ kính thánh Cirillo và Metodio, những vị loan báo Tin mừng cho các dân tộc Slave, được thánh Gioan Phaolô II tôn làm đồng bổn mạng của Âu châu. Tôi thân ái chào thăm tất cả các cộng đoàn đang sống trong các lãnh thổ được hai thánh anh em loan báo Tin mừng. Ước gì sự chuyển cầu của các ngài giúp tìm ra những con đường mới để thông truyền Tin mừng. Hai vị thánh đã không sợ tìm ra những con đường mới để loan báo Tin mừng. Ước gì sự chuyển cầu của các ngài làm gia tăng nơi các Giáo hội Kitô ước muốn tiến về sự hiệp nhất trọn vẹn, trong niềm tôn trọng các khác biệt.

Và hôm nay, tôi cũng không thể quên nói đến ngày thánh Valentino, và gửi một tư tưởng, một lời cầu chúc đến các cặp đính hôn, những cặp yêu nhau. Tôi cầu nguyện và chúc lành cho họ.”

Tiếp đó, Đức Thánh cha chào thăm tất cả những người dân Roma và tín hữu hành hương, và nói: “tôi thấy có những người Pháp, Mêhicô, Ba Lan…”.

Sau cùng, Đức Thánh cha nhắc nhở: Thứ tư tới đây là bắt đầu Mùa chay. Đây sẽ là mùa thuận tiện để mang lại một cảm thức đức tin và hy vọng cho cuộc khủng hoảng chúng ta đang trải qua.

Và tôi không muốn quên ba lời giúp hiểu đường lối của Thiên Chúa: sự gần gũi, cảm thông, dịu dàng.

Đức Thánh cha cầu chúc mọi người một Chúa nhật tốt đẹp và xin mọi người đừng quên cầu nguyện cho ngài.

  • email
  • facebook
  • twitter

  Ý kiến bạn đọc

Những tin mới hơn

Những tin cũ hơn

Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây