Hôm Chúa Nhật 28 tháng Hai, Giáo Hội trên toàn thế giới cử hành Chúa Nhật thứ 2 Mùa Chay, bài Tin Mừng thuật lại cho chúng ta câu chuyện Chúa Giêsu biến hình trên núi Tabor.
Tin Mừng Chúa Giêsu Kitô theo Thánh Marcô.
Khi ấy, Chúa Giêsu đưa Phêrô, Giacôbê, và Gioan đi riêng với Người lên núi cao, và Người biến hình trước mặt các ông, và áo Người trở nên chói lọi, trắng tinh như tuyết, không thợ giặt nào trên trần gian có thể giặt trắng đến thế.
Rồi Êlia và Môsê hiện ra và đàm đạo với Chúa Giêsu. Bấy giờ Phêrô lên tiếng thưa Chúa Giêsu rằng: “Lạy Thầy, chúng con được ở đây thì tốt lắm. Chúng con xin làm ba lều, một cho Thầy, một cho Môsê, và một cho Êlia”. Phêrô không rõ mình nói gì, vì các ông đều hoảng sợ.
Lúc đó có một đám mây bao phủ các Ngài, và từ đám mây có tiếng phán rằng: “Đây là Con Ta rất yêu dấu, các ngươi hãy nghe lời Người”.
Bỗng nhìn chung quanh, các ông không còn thấy ai khác, chỉ còn một mình Chúa Giêsu với các ông. Và trong lúc từ trên núi đi xuống, Chúa Giêsu ra lệnh cho các ông đừng thuật lại cho ai những điều vừa xem thấy, trước khi Con Người từ cõi chết sống lại. Các ông tuân lời căn dặn đó, nhưng vẫn tự hỏi nhau: “Từ trong cõi chết sống lại nghĩa là gì?”
Trong bài huấn dụ ngắn trước khi đọc kinh Truyền Tin, Đức Thánh Cha nói:
Anh chị em thân mến,
Chào anh chị em!
Chúa Nhật II Mùa Chay này mời gọi chúng ta chiêm ngắm việc Chúa Giêsu biến hình trên núi, trước ba môn đệ của Người (x. Mc 9: 2-10). Ngay trước đó, Chúa Giêsu đã loan báo rằng tại Giêrusalem, Ngài sẽ phải chịu đựng rất nhiều, bị chống đối và bị xử tử. Chúng ta có thể tưởng tượng những gì đã xảy ra trong lòng bạn bè của Ngài, những người bạn thân thiết, các môn đệ của Ngài: hình ảnh của Đấng Mêsia mạnh mẽ và khải hoàn bị rơi vào khủng hoảng, ước mơ của họ tan tành, và họ bị bao vây bởi nỗi thống khổ khi nghĩ rằng người Thầy mà họ tin tưởng sẽ bị giết như những kẻ gây ra những chuyện gian ác tồi tệ nhất. Và ngay trong giây phút đó, với tâm hồn sầu khổ, Chúa Giêsu gọi Phêrô, Giacôbê và Gioan và đưa họ lên núi cùng với Ngài.
Phúc âm cho biết: Ngài đã “dẫn họ lên một ngọn núi cao” (câu 2). Trong Kinh thánh, ngọn núi luôn có một ý nghĩa đặc biệt: nó là nơi được nâng lên, nơi trời và đất tiếp xúc với nhau, nơi mà Môisê và các tiên tri đã có trải nghiệm phi thường khi gặp Chúa. Leo lên ngọn núi là phần nào đến gần với Chúa. Chúa Giêsu cùng ba môn đệ leo lên và họ dừng lại ở đỉnh núi. Tại đây, ngài biến hình trước mặt họ. Gương mặt rạng rỡ và trang phục lấp lánh, cho họ hình dung ra trước hình ảnh Đấng Phục sinh, cung cấp cho những người sợ hãi đó ánh sáng, ánh sáng của hy vọng, ánh sáng xuyên qua bóng tối: cái chết sẽ không phải là kết thúc của mọi thứ, bởi vì nó sẽ mở ra cho vinh quang của Đấng Phục sinh. Như vậy, khi Chúa Giêsu loan báo về cái chết của Người; Người đưa họ lên núi và cho họ thấy điều gì sẽ xảy ra sau đó, là sự Phục sinh.
Như Tông đồ Phêrô đã thốt lên (x. câu 5), thật tốt khi tạm dừng với Chúa trên núi, để sống “bản xem trước” đầy ánh sáng này ngay giữa Mùa Chay. Điều cần ghi nhớ, đặc biệt khi chúng ta trải qua một thử thách khó khăn - và rất nhiều người trong anh chị em biết ý nghĩa của việc vượt qua một thử thách khó khăn – là Chúa Phục sinh không cho phép bóng tối có tiếng nói cuối cùng.
Đôi khi chúng ta phải trải qua những khoảnh khắc tăm tối trong cuộc sống cá nhân, gia đình hay xã hội và sợ hãi rằng không có lối thoát. Chúng ta cảm thấy sợ hãi trước những bí ẩn lớn như bệnh tật, nỗi đau vô cớ hay mầu nhiệm của cái chết. Trên hành trình đức tin, chúng ta thường vấp ngã khi đối diện với tai tiếng của thập giá và những đòi hỏi của Tin Mừng, là những điều kêu gọi chúng ta dành cuộc đời mình để phục vụ và sẵn sàng đánh mất mạng sống mình vì tình yêu, hơn là giữ gìn và bảo vệ nó. Vì thế, chúng ta cần một cái nhìn khác, hướng đến một ánh sáng soi rọi sâu sắc mầu nhiệm của cuộc sống và giúp chúng ta vượt ra ngoài khuôn mẫu của mình, cũng như vượt ra ngoài những tiêu chí của thế giới này. Chúng ta cũng được mời gọi leo lên núi, để chiêm ngưỡng vẻ đẹp của Đấng Phục Sinh, Đấng đã thắp lên những tia sáng lấp lánh trong mọi mảnh vỡ của cuộc đời chúng ta và giúp chúng ta giải thích lịch sử bắt đầu bằng chiến thắng vượt qua của Người.
Tuy nhiên, chúng ta hãy cẩn thận: cảm giác của Phêrô rằng “thật tốt khi chúng ta ở đây” không được trở thành sự lười biếng tâm linh. Chúng ta không thể ở trên núi và tận hưởng vẻ đẹp của cuộc gặp gỡ này một mình. Chính Chúa Giêsu đưa chúng ta trở lại thung lũng, giữa anh chị em của chúng ta và vào cuộc sống hàng ngày. Chúng ta phải đề phòng sự lười biếng tâm linh: chúng ta hài lòng, với những lời cầu nguyện và phụng vụ của chúng ta, và điều này là đủ đối với chúng ta. Không! Lên núi không có nghĩa là quên đi thực tại; cầu nguyện không bao giờ có nghĩa là trốn tránh những khó khăn của cuộc sống; ánh sáng của đức tin không phải để mang lại những cảm giác tâm linh đẹp đẽ. Không, đây không phải là thông điệp của Chúa Giêsu. Chúng ta được mời gọi trải nghiệm cuộc gặp gỡ với Chúa Kitô để được ánh sáng của Người soi sáng, để chúng ta có thể mang ánh sáng ấy đi và làm cho nó tỏa sáng khắp mọi nơi. Thắp ngọn đèn nhỏ trong lòng người; trở thành những ngọn đèn nhỏ của Tin Mừng mang theo một chút tình yêu và hy vọng: đây là sứ mệnh của một Kitô hữu.
Chúng ta hãy cầu nguyện với Mẹ Maria Rất Thánh, để Mẹ có thể giúp chúng ta đón nhận ánh sáng của Chúa Kitô với sự kinh ngạc, bảo vệ và chia sẻ ánh sáng đó.
Sau khi đọc kinh Truyền Tin, Đức Thánh Cha nói tiếp:
Anh chị em thân mến! Tôi hợp tiếng với các Giám mục Nigeria lên án vụ bắt cóc tồi tệ đến 317 nữ sinh, đưa họ ra khỏi trường học, đến Jangebe, ở phía tây bắc của đất nước. Tôi cầu nguyện cho những cô gái này, để họ có thể sớm trở về nhà. Tôi gần gũi với gia đình của họ và với chính các cô gái. Chúng ta hãy cầu nguyện với Đức Mẹ xin Mẹ bảo vệ họ. Kính mừng Maria đầy ơn phúc Đức Chúa Trời ở cùng Bà, Bà có phúc lạ hơn mọi người nữ, và Giêsu con lòng Bà gồm phúc lạ.Thánh Maria Đức Mẹ Chúa Trời cầu cho chúng con là kẻ có tội khi này và trong giờ lâm tử, Amen.
Hôm nay là Ngày Thế giới các Bệnh Hiếm. Anh chị em đang ở đây. Tôi chào mừng các thành viên của một số hiệp hội dấn thân trong lĩnh vực này, những người đã đến Quảng trường này. Trong trường hợp bệnh hiếm gặp, mạng lưới hỗ trợ giữa các thành viên trong gia đình, được các hiệp hội ủng hộ, quan trọng hơn bao giờ hết. Nó giúp các bệnh nhân không cảm thấy đơn độc và có cơ hội trao đổi kinh nghiệm và lời khuyên. Tôi khuyến khích các sáng kiến hỗ trợ nghiên cứu và điều trị, và tôi bày tỏ sự gần gũi của mình với người bệnh, với gia đình, đặc biệt là với trẻ em. Hãy gần gũi với trẻ em bệnh tật, trẻ em đau khổ, cầu nguyện cho họ, giúp họ cảm nhận được sự âu yếm của Chúa. Hãy chăm sóc trẻ em cùng với lời cầu nguyện. Khi xảy ra những căn bệnh mà không ai biết những bệnh ấy là gì, hoặc khi đối diện với một chẩn đoán tàn bạo, chúng ta hãy cầu nguyện cho tất cả những người mắc những căn bệnh hiếm gặp này; chúng ta hãy cầu nguyện đặc biệt cho những trẻ em đang đau khổ.
Tôi hết lòng chào đón tất cả anh chị em, những tín hữu Rôma và những người hành hương từ nhiều quốc gia khác nhau. Chúc mọi người có một hành trình Mùa Chay tốt đẹp. Và tôi khuyên anh chị em chay tịnh, một thứ chay tịnh không khiến anh chị em đói: đó là chay tịnh để tránh những lời đàm tiếu và vu khống. Đó là một cách chay tịnh đặc biệt. Trong Mùa Chay này, tôi sẽ không nói xấu người khác; tôi sẽ không nói chuyện phiếm. Và tất cả chúng ta đều có thể làm được điều này, tất cả mọi người. Đây là một cách giữ chay tốt. Và đừng quên rằng sẽ rất hữu ích khi đọc một đoạn Tin Mừng, hãy mang theo một cuốn Tin Mừng nhỏ trong túi, trong ví của bạn và cầm lên đọc khi có thể, bất kỳ đoạn nào. Điều này sẽ làm cho lòng chúng ta rộng mở đối với Chúa.
Và xin đừng quên cầu nguyện cho tôi. Chúc ngày Chúa Nhật vui vẻ và một bữa trưa ngon miệng. Xin tạm biệt!
Source:Holy See Press Office
Le parole del Papa alla recita dell’Angelus, 28.02.2021