02.04.2024 – Thứ Ba Trong Tuần Bát Nhật Phục Sinh

Thứ hai - 01/04/2024 07:10

02.04.2024 – Thứ Ba Trong Tuần Bát Nhật Phục Sinh

Lời Chúa: Ga 20, 11-18

“Tôi đã trông thấy và Người đã phán với tôi những điều ấy”.

Tin Mừng Chúa Giêsu Kitô theo Thánh Gioan.

Khi ấy, bà Maria đang còn đứng gần mồ Chúa mà than khóc. Nhìn vào trong mồ, bà thấy hai thiên thần mặc áo trắng đang ngồi nơi đã đặt xác Chúa Giêsu, một vị ngồi phía đàng đầu, một vị ngồi phía đàng chân. Hai vị hỏi: “Tại sao bà khóc?” Bà trả lời: “Người ta đã lấy mất xác Chúa tôi và tôi không biết người ta đã để Người ở đâu?” Vừa nói xong, bà quay mặt lại, thì thấy Chúa Giêsu đã đứng đó, nhưng bà chưa biết là Chúa Giêsu. Chúa Giêsu hỏi: “Bà kia, sao mà khóc, bà tìm ai?” Tưởng là người giữ vườn, Maria thưa: “Thưa ông, nếu ông đã mang xác Người đi, thì xin cho tôi biết ông đã đặt Người ở đâu, để tôi đến lấy xác Người”. Chúa Giêsu gọi: “Maria”. Quay mặt lại, bà thưa Người: “Rabboni!” (nghĩa là “Lạy Thầy!”). Chúa Giêsu bảo bà: “Ðừng động đến Ta, vì Ta chưa về cùng Cha Ta. Nhưng hãy đi báo tin cho các anh em Ta hay và bảo họ rằng: Ta về cùng Cha Ta, cũng là Cha các con; về cùng Thiên Chúa Ta, cũng là Thiên Chúa các con”. Maria Mađalêna đi báo tin cho các môn đệ rằng: “Tôi đã trông thấy Chúa và Chúa đã phán với tôi những điều ấy”.

Ðó là lời Chúa.

Suy niệm:
Chị bật lên tiếng kêu “Rap-bu-ni” và muốn giữ Thầy lại vì sợ mất. Chúa Giê-su phục sinh nhắc nhớ chị: Người phục sinh không để trở lại với cuộc sống trước đây nhưng là trở về nhà Cha để dọn chỗ cho những người thuộc về Người. Người cũng trao cho chị sứ mạng loan báo tin vui phục sinh. Tôi đã thấy Thầy – tin vui phục sinh từ Maria Madalena tuy ngắn ngọn nhưng có sức thuyết phục và lan toả tới mọi nơi và mọi người bởi kinh nghiệm gặp gỡ của chị.
                Chúa đã phục sinh Halleluia! Đó là lời công bố của Hội Thánh qua dòng thời gian. Tuy nhiên, Chúa có thực sự phục sinh trong tâm hồn và nơi cuộc đời chúng ta không mới là điều quan trọng. Nếu niềm tin Chúa Phục Sinh chỉ được chúng ta tiếp nhận cách dễ dãi bằng việc tuyên xưng trên môi miệng trong các nghi lễ thì e rằng, nó cũng sớm lụi tàn như hạt giống rơi trên sỏi đá hay bên vệ đường. Niềm tin phục sinh phải là một khám phá cá nhân của mỗi chúng ta qua việc đọc lại kinh nghiệm đức tin phục sinh của các chứng nhân trong Tin Mừng và nơi Hội Thánh buổi đầu. Nhưng trên tất cả, vì Chúa Phục Sinh vẫn đang sống, hiện diện cùng chúng ta mọi ngày cho đến tận thế, nên niềm tin phục sinh của chúng ta phải đến từ kinh nghiệm gặp gỡ với Chúa như Maria Madalena. “Chúa đã phục sinh! Tôi đã thấy Người, gặp Người và ở lại với Người trong cuộc sống, trong cử hành phụng vụ thậm chí trong bóng tối của nghi nan, đau khổ và tuyệt vọng. Chính Người đã gọi tên tôi và tôi đã nhận ra Người. Xin giúp chúng con, lạy Chúa Phục Sinh, để chúng con không chỉ tin dựa trên loan báo của Hội Thánh nhưng cảm nhận được sự đồng hành của Chúa trong hành trình tiến về nhà Cha của Chúa. Amen
SUY NIỆM LỜI CHÚA
                Tôi đã thấy Chúa, anh chị em thân mến, đó là niềm xác tin của Maria Madalena. Thấy Người đang sống sau khi Người được chôn táng trong mồ có thể nói là một chứng cớ quan trọng về sự phục sinh của Đức Giê-su thành Nagiaret. “Tôi đã thấy Chúa” nghe rất đơn giản nhưng với Maria Madalena là một hành trình, mà theo cách diễn tả của tác giả Tin Mừng thứ tư, từ bóng tối đến ánh sáng. Bóng tối thứ nhất khi xác thầy Giê-su được mai táng trong huyệt đá và tảng đá to lấp cửa mồ. Vâng! Bóng tối của đau khổ, mất mát và tuyệt vọng; tiếng khóc nức nở ai oán vì cái chết oan ức của Thầy. Bóng tối thứ hai khi phát hiện tảng đá đã lăn ra khỏi mồ, rồi nghĩ rằng xác thầy bị ai lấy cắp; khi nhìn vào trong mồ, thì quả thật ngôi mồ trống rỗng. Nghi nan thành hiện thực khiến tiếng khóc của Maria Madalena càng nức nở hơn. Chúa Giê-su xuất hiện trước mặt của cô nhưng cô không thấy Người. Cô không nhận ra Người cũng đúng thôi vì cô đâu được chuẩn bị cho niềm tin phục sinh. Sự phục sinh từ trong cõi chết của Chúa Giê-su là sự kiện duy nhất, có một không hai và do đó, làm sao cô có thể tưởng tượng được người cô gặp và trò chuyện là thầy mình. Và có lẽ, cô cũng không quan tâm lắm tới người trò chuyện với mình là ai. Cái mà cô quan tâm bây giờ là tìm được xác thầy về để an táng. Cuộc chiến tranh giữa người Mỹ và Việt Nam đã qua đi hơn nửa thế kỷ thế nhưng cả hai bên vẫn cố gắng tìm kiếm những hài cốt của binh sĩ mất tích để mang về cho người thân của họ. Bao nhiêu cựu chiến binh còn sống vẫn canh cánh bên lòng vì chưa tìm được xác đồng đội nơi rừng sâu núi cao. Họ ước mong tìm được xác đồng đội đem về cho gia đình trước khi họ nhắm mắt xuôi tay. Vào những dịp kỷ niệm, họ vẫn đến những nơi đồng đội mất tích hay những nơi đầy ắp kỷ niệm đời lính để hát cho người đã khuất. Vâng! Có hiểu như vậy mới thấu được phần nào nỗi đau của việc mất xác người thân. Họ lấy xác thầy để làm gì? Họ có xúc phạm đến không? Càng nghĩ, Maria Madalena  càng đau. Chúa Giê-su hiểu được cảm giác đau ấy đã biến Maria Madalena như không còn là mình nữa. Người phải cứu chị để mang chị về với sự thật đang diễn ra trước mắt chị bằng tiếng gọi “Maria” – Maria chợt tỉnh và nhận ra ngay lập tức sự quen thuộc không thể nhầm lẫn vào đâu được.

Lm Augustino Nguyễn Đức Lợi

 

  Ý kiến bạn đọc

Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây