“Con Người ra đi như đã được ghi chép sẵn từ trước, nhưng khốn thay cho kẻ sẽ làm cho Ngài bị phản nộp”.
Tin Mừng Chúa Giêsu Kitô theo Thánh Matthêu.
Khi ấy, một trong nhóm Mười Hai tên là Giuđa Iscariô, đi gặp các thượng tế và thưa với họ: “Các ông cho tôi bao nhiêu, tôi nộp Người cho các ông?” Họ liền ấn định cho ba mươi đồng bạc. Và từ đó, hắn tìm dịp thuận tiện để nộp Người.
Ngày thứ nhất trong tuần lễ ăn Bánh không men, các môn đệ đến thưa Chúa Giêsu rằng: “Thầy muốn chúng con sửa soạn cho Thầy ăn Lễ Vượt Qua ở đâu?” Chúa Giêsu đáp: “Các con hãy vào thành đến với một người kia, và nói rằng: Thầy bảo, giờ Ta đã gần, Ta sẽ mừng Lễ Vượt Qua với các môn đệ tại nhà ông”. Các môn đệ làm như Chúa Giêsu đã truyền và sửa soạn Lễ Vượt Qua. Chiều đến, Người ngồi bàn ăn với mười hai môn đệ. Và khi các ông đang ăn, Người nói: “Thầy nói thật với các con: có một người trong các con sẽ nộp Thầy”. Môn đệ rất buồn rầu và từng người bắt đầu hỏi Người: “Thưa Thầy, có phải con không?” Người trả lời: “Kẻ giơ tay cùng chấm vào đĩa với Thầy, đó chính là kẻ sẽ nộp Thầy. Thật ra, Con Người sẽ ra đi như đã chép về Người, nhưng khốn cho kẻ nộp Con Người, thà kẻ đó đừng sinh ra thì hơn!” Giuđa kẻ phản bội cũng thưa Người rằng: “Thưa Thầy, có phải con chăng?” Chúa đáp: “Ðúng như con nói”.
Ðó là lời Chúa.
Suy niệm:
Các thượng tế muốn giết Đức Giêsu, nhưng không tìm được cơ hội. Nay cơ hội đã đến với sự tiếp tay của chính người môn đệ Đức Giêsu. Anh Giuđa đã đến gặp các thượng tế và đề nghị nộp Ngài cho họ. Chúng ta mãi mãi không biết hết và biết rõ những động cơ nào đã thúc đẩy Giuđa làm chuyện kinh khủng ấy. Giuđa, người được gọi, được chọn, được tuyển lựa, sau một đêm thức trắng cầu nguyện của Thầy Giêsu (Lc 6, 12). Và anh đã đáp lại, đã bỏ gia đình, nghề nghiệp, để đi theo. Giuđa đã rong ruổi theo Thầy ngay từ đầu, chia sẻ đói no, thành công thất bại…
Không yêu thì làm sao đi theo được lâu như thế. Giuđa, người được tin cậy và giao giữ quỹ cho cả nhóm (Ga 12, 6). Vì là người trong nhóm Mười Hai, thuộc nhóm môn đệ thân cận, Giuđa đã được nghe hầu hết các bài giảng hay nhất, được chứng kiến các phép lạ lớn lao nhất của Thầy Giêsu. Giữa anh và Thầy Giêsu hẳn đã có một sự thân thiết nào đó. Điều gì đã diễn ra nơi trái tim của Giuđa? Điều gì đã khiến tất cả phút chốc bị đổ vỡ không sao hàn gắn? Chắc không phải chỉ vì ba mươi đồng bạc, một số tiền. Phải chăng vì Giuđa thất vọng và nóng ruột khi thấy Thầy Giêsu quá hiền từ, cả trong lối sống lẫn lời giảng, chẳng có vẻ gì là một Đấng Mêsia sắp giải phóng dân tộc khỏi quân Rôma? Phải chăng khi Giuđa nộp Thầy cho các thượng tế, anh định cài Thầy vào thế phải hành động quyết liệt hơn, phải tự giải thoát mình? Dù gì đi nữa thì chuyện Giuđa làm là không thể biện minh được. Anh đã can dự vào cái chết của Thầy Giêsu. Không thể phong tặng anh hùng cho Giuđa vì bảo rằng nhờ anh mà chúng ta có được ơn cứu độ. Giuđa đã phạm tội nghiêm trọng đến nỗi Thầy Giêsu phải đau đớn nói: “Khốn cho kẻ nào nộp Con Người: thà kẻ đó đừng sinh ra thì hơn” (c.24).
Dầu vậy tội của Giuđa đã được Thiên Chúa dùng cho chương trình cứu độ. Thiên Chúa là Đấng có thể biến điều dữ thành điều lành. “Kẻ đã chấm chung một đĩa với Thầy là kẻ sẽ nộp Thầy” (c. 23). Kẻ đồng bàn thân thiết với Thầy lại là người phản bội. Ngay cả những môn đệ khác cũng hỏi Thầy Giêsu: “Có phải con không?” Có phải con là người đang phản bội Thầy không? Lúc nào chúng ta cũng có thể hỏi Chúa Giêsu cùng câu hỏi đó. Dù mỗi ngày chúng ta cùng chia sẻ một bàn tiệc với Chúa trong Thánh Lễ, chúng ta vẫn có thể rơi vào tội của Giuđa.
Cầu nguyện:
Lạy Chúa Giêsu, xin cho con dám hành động theo những đòi hỏi khắt khe nhất của Chúa. Xin dạy con biết theo Chúa vô điều kiện, vì xác tín rằng Chúa ngàn lần khôn ngoan hơn con, Chúa ngàn lần quảng đại hơn con, và Chúa yêu con hơn cả chính con yêu con. Lạy Chúa Giêsu trên thập giá, xin cho con dám liều theo Chúa mà không tính toán thiệt hơn, anh hùng vượt trên mọi nỗi sợ, can đảm lướt thắng sự yếu đuối của quả tim, và ném mình trọn vẹn cho sự quan phòng của Chúa. Ước gì khi dâng lên Chúa những hy sinh làm cho tim con rướm máu, con cảm nghiệm được niềm vui bất diệt của người một lòng theo Chúa.
Lm. Antôn Nguyễn Cao Siêu, S.J
Có một câu chuyện ngụ ngôn rằng: Một ngày kia, hoa hải đường với trái tim đầy vết đâm và rướm máu, đau khổ nói với Thượng đế:
– Thưa Ngài, người xa lạ làm tổn thương con, con có thể quên đi rất nhanh. Nhưng tại sao người càng thân cận, càng làm cho con không thể chịu đựng được?
Thượng đế trả lời:
– Thân cận không nhất định là thân mật, thân mật không nhất định là thân yêu. Người càng thân làm tổn thương cho nhau càng sâu. Vì đứng trước người chí thân, chí cận, chí ái, thì trong lòng mình không bố trí phòng thủ, cho đến nỗi bị vết thương đã sâu mà lại lớn.
Trong cuộc sống của chúng ta, có lẽ sự phản bội là điều đáng lên án và khó tha thứ nhất trong các lỗi lầm. Dù là trong tình yêu hay tình bạn vì nó làm tổn thương đến chính trái tim. Quả thật, càng yêu nhau lâu người ta càng hiểu nhau sâu, càng hiểu nhau sâu càng dễ làm nhau đau. Bởi khi đã yêu thương hết mình thì lòng chẳng hề bố trí phòng thủ, vì không phòng thủ nên khi bị đâm sẽ là nhát dao chí mạng. Như trong Tin mừng hôm nay, giữa giây phút thân thương nhất của tình cha-con, thầy-trò, khi giờ biệt ly đã gần kề, Chúa Giêsu đã phải xao xuyến vì không chỉ một nhát dao nhưng là hai nhát dao như thế từ chính những môn đệ thân tín của mình: “Thầy bảo thật anh em, một người trong anh em sẽ nộp Thầy”. Hôm nay, kẻ này tìm cách nộp Thầy, ngày mai người kia chối Chúa.
Bán đứng Thầy như Giuđa hay chối bỏ như Phêrô, dù hình thức nào cũng chỉ là một: Đó là phản bội Chúa. Nhưng điểm khác chính là lòng ăn năn thống hối: Giuđa đã nói không với điều này và tìm đến cái chết để giải quyết mối dằn vặt lương tâm. Phêrô thì lại tìm đến sự thống hối ăn năn quay trở lại đường ngay nẻo chính để trở thành vị tông đồ trưởng và là người bảo vệ đức tin cho anh em mình: “Phần con, một khi đã trở lại, hãy làm cho các anh em của con nên vững mạnh” (Lc 22,32-34). Một lỗi lầm, một tình yêu nhưng hai số phận.
Trong đời sống gia đình của chúng ta cũng vậy. Ông bà ta thường nói: “Đồng sàng dị mộng” (Nằm chung một giường nhưng không chung một giấc mơ). Quả thật, nhiều khi không sai. Các cặp vợ chồng trước khi ly hôn, chẳng phải họ đã từng có thời yêu nhau tha thiết? Các đôi bạn trẻ trước khi “đường ai nấy đi”, chẳng phải họ đã có những lần bất chấp sự cấm cản từ gia đình, những định kiến xã hội để đi theo tiếng gọi của con tim hay sao? Hai người bạn trước khi “thân ai nấy lo”, chẳng phải đã từng là “chí cốt” đó sao?… Họ đã có một thời bất chấp tất cả, vì nhau để làm tất cả, cốt chỉ để yêu và được yêu. Vì thế, chẳng bao giờ họ nghĩ lòng mình phải bố trí phòng thủ. Cho nên, điều đau khổ nhất đối với họ là bị phản bội, bởi càng tin tưởng bao nhiêu, càng yêu mến bao nhiêu thì khi tan vỡ, lòng oán hận, nỗi đớn đau càng nhân lên cho đủ bấy nhiêu.
Hình ảnh của Giuđa hôm nay cũng là những lỡ làng, yếu đuối khi là vợ là chồng mà không chung thủy, khi là con cái mà dối lừa cha mẹ, bội bạc vô ơn. Trong đời sống đạo, đôi khi chúng ta cũng là một Giuđa như thế, cũng từng cứng lòng, dửng dưng trước những lời cảnh tỉnh của Chúa. Chúng ta cũng từng bỏ ngoài tai trước những lời giảng dạy của Chúa, để cho những cám dỗ của tiền bạc, thú vui và danh vọng dẫn ta đến việc phản bội và lãng quên Chúa.
Lạy Chúa, xin ban thêm đức tin giúp chúng con không cậy sức riêng mình, nhưng sống một tình yêu mạnh mẽ, đầy bao dung và tha thứ trong gia đình, trong cộng đoàn và với tất cả như Chúa đã làm hôm nay. Amen.
Nguồn tin: www.giaophanbaria.org
Ý kiến bạn đọc
Những tin mới hơn
Những tin cũ hơn