Lời Chúa: Ga 13, 21-33.36-38
“Một người trong các con sẽ nộp Thầy… Trước khi gà gáy con đã chối Thầy ba lần”.
Tin Mừng Chúa Giêsu Kitô theo Thánh Gioan.
Khi ấy, (Chúa Giêsu đang ngồi ăn với các môn đệ), tâm hồn Người bị xao xuyến, nên Người tuyên bố: “Thật, Thầy nói thật cho các con biết, một người trong các con sẽ nộp Thầy”. Các môn đệ nhìn nhau phân vân không biết Người nói về ai. Có một môn đệ được Chúa Giêsu yêu quý, đang ở bàn ăn gần lòng Chúa Giêsu. Vậy Phêrô làm hiệu cho môn đệ ấy và nói: “Hỏi xem Thầy nói về ai đó”. Môn đệ ấy nghiêng mình sát ngực Chúa Giêsu và hỏi Người: “Thưa Thầy, ai vậy?” Chúa Giêsu trả lời: “Thầy chấm miếng bánh trao cho ai là người đó”. Và Người chấm một miếng bánh trao cho Giuđa, con Simon Iscariô. Ăn miếng bánh rồi, Satan nhập vào hắn. Chúa Giêsu nói với hắn: “Con tính làm gì thì làm mau đi”. Nhưng những người đang ngồi ăn không một ai hiểu được vì sao Người lại nói với hắn như vậy. Có nhiều người tưởng tại Giuđa giữ túi tiền, nên Chúa Giêsu bảo hắn: Hãy mua những gì chúng ta cần dùng trong dịp lễ, hoặc Người bảo hắn bố thí cho người nghèo. Vậy sau khi nhận miếng bánh đó, Giuđa liền đi ra. Bấy giờ là đêm tối. Khi Giuđa đi rồi, Chúa Giêsu phán: “Bây giờ Con Người được vinh hiển, và Thiên Chúa đã được vinh hiển nơi Người. Nếu Thiên Chúa được vinh hiển nơi Người, thì Thiên Chúa lại cho Người được vinh hiển nơi chính Mình, và Thiên Chúa sẽ cho Người được vinh hiển! Các con yêu quý, Thầy chỉ còn ở với các con một ít nữa. Các con sẽ tìm Thầy, và như Thầy đã nói với người Do Thái: “Nơi Ta đi, các ngươi không thể đến được”, nay Thầy cũng nói với các con như vậy”. Simon Phêrô hỏi Người: “Thưa Thầy, Thầy đi đâu?” Chúa Giêsu trả lời: “Nơi Thầy đi, nay con chưa thể theo tới đó được, nhưng sau này con sẽ theo Thầy”.
Phêrô thưa lại: “Tại sao con lại không theo Thầy ngay bây giờ được! Con sẽ liều mạng sống con vì Thầy”. Chúa Giêsu nói: “Con liều mạng sống vì Thầy ư? Thật, Thầy nói thật cho con biết: trước khi gà gáy, con đã chối Thầy ba lần”.
Ðó là lời Chúa.
Suy niệm:
Làm người ở đời ai chẳng có lúc xao xuyến. Đức Giêsu hai lần nhắc các môn đệ đừng xao xuyến trước sự ra đi được báo trước của Thầy (Ga 14, 1. 27). Nhưng Ngài đã xao xuyến khi thấy người ta khóc thương Ladarô (Ga 11, 33). Ngài cũng đã xao xuyến khi giờ đã đến và cái chết gần kề (Ga 12, 27). Trong bữa tối này, Đức Giêsu không tránh khỏi xao xuyến khi nói đến sự phản bội sắp đến của một người môn đệ (c. 21). Vậy vấn đề không phải là cố tránh xao xuyến, mà là đừng để nó làm chủ mình. Trong bốn sách Tin Mừng, Thầy Giêsu không bao giờ nói rõ Giuđa là kẻ phản bội. Thầy muốn giữ thể diện thậm chí cho kẻ sắp phản bội mình. Vì thế nói chung các môn đệ không rõ ai là kẻ sẽ nộp Thầy (c. 22). Ông Phêrô có lẽ nằm trên giường tiệc xa với Thầy, nên đã làm hiệu cho anh môn đệ được Thầy thương, để nhờ anh hỏi xem là ai.
Thầy Giêsu đã không nói tên kẻ phản bội. Ngài chỉ tế nhị dùng một dấu hiệu để cho anh môn đệ mình thương nhận ra. Dấu hiệu đó là chấm một miếng bánh trao cho Giuđa. Đây là một cử chỉ quý mến của chủ tiệc dành cho một vị khách đặc biệt. Việc trao miếng bánh cho Giuđa cho thấy anh nằm gần với chủ tiệc là Thầy, như thế Giuđa, người thủ quỹ kiêm quản lý, có một chỗ khá cao trong bữa tiệc. Giuđa đã nhận miếng bánh ân tình của Thầy và anh có thể chọn lại. Anh có dám từ bỏ kế hoạch phản bội của anh không? Tiếc là không, cử chỉ ưu ái của Thầy chẳng làm anh thay đổi. “Khi anh vừa ăn xong miếng bánh, thì Satan nhập vào anh” (c. 27). Chúng ta ngạc nhiên khi Thầy Giêsu không hề phân biệt đối xử với Giuđa. Thầy đã rửa chân cho anh và còn cho anh tham dự Bí tích Thánh Thể (Mt 26, 27). Khi biết lòng anh chai đá, Thầy lại hối thúc: “Anh làm gì thì làm mau đi” (c. 27). Giuđa ra đi lúc trời đã tối. Cũng trong bữa tiệc này, Thầy Giêsu nói về việc Phêrô sẽ chối Thầy ba lần. Thầy chỉ nói sau khi Phêrô tuyên bố mình sẽ thí mạng để cứu Thầy (c. 37).
Phêrô tỏ ra quá tự tin vào tình yêu và sức mạnh của mình. Anh coi thường cuộc chiến đấu ác liệt sắp tới nên đã dễ dàng ngã quỵ. “Thầy đi đâu?”, tiếng Latin là “Quo vadis?” (c. 36). Ta lại thấy câu hỏi này của Phêrô trong một sách ngụy thư ở cuối thế kỷ thứ hai. Lúc Phêrô chạy trốn khỏi sự bách hại ở Rôma, anh lại gặp Thầy Giêsu và hỏi Thầy: “Thầy đi đâu vậy?” Thầy trả lời Thầy đang vào thành Rôma để chịu đóng đinh một lần nữa. Phêrô hiểu ra nên trở lại Rôma để chết tử đạo ở đó.
Cầu nguyện:
Lạy Chúa, xin cho con quả tim của Chúa. Xin cho con đừng khép lại trên chính mình, nhưng xin cho quả tim con quảng đại như Chúa vươn lên cao, vượt mọi tình cảm tầm thường để mặc lấy tâm tình bao dung tha thứ. Xin cho con vượt qua mọi hờn oán nhỏ nhen, mọi trả thù ti tiện. Xin cho con cứ luôn bình an, trong sáng, không một biến cố nào làm xáo trộn, không một đam mê nào khuấy động hồn con. Xin cho con đừng quá vui khi thành công, cũng đừng quá bối rối khi gặp lời chỉ trích. Xin cho quả tim con đủ lớn để yêu người con không ưa. Xin cho vòng tay con luôn rộng mở để có thể ôm cả những người thù ghét con.
Lm. Antôn Nguyễn Cao Siêu, S.J
Tin mừng hôm nay mở ra với hình ảnh của Chúa Giêsu đang “xao xuyến”. Đó là tình trạng của một con người lo âu vì đang phải đối diện với cuộc khổ nạn và cái chết sắp tới. Sự lo âu ấy giờ đây còn hòa quyện với sự buồn sầu. Mà có lẽ cái buồn lớn hơn cả, chính là sự phản bội của những người môn đệ rất thân tín của Người. Vì tin tưởng nên Người đã đặt Giuđa làm quản lý, vì tin tưởng nên đã đặt Phêrô làm tông đồ trưởng. Ấy thế mà bây giờ, dù đã được cảnh báo như thế mà Giuđa vẫn quyết tâm đi vào bóng đen của màn đêm để tìm cách nộp Thầy. Tệ hơn nữa, Người còn biết gà chưa kịp gáy ba lần thì vị tông đồ trưởng ấy sẽ chối bỏ mình ba lần. Đau thật!
Ngày hôm nay, Chúa vẫn nói với mỗi người chúng ta qua Lời của Người. Lời Chúa có sức biến đổi giúp mỗi người chúng ta trở nên người môn đệ hoàn thiện hơn mỗi ngày. Lời Chúa còn là lương thực để dưỡng nuôi tâm hồn của chúng ta, giúp chúng ta lớn lên trong ơn nghĩa với Chúa. Thế nhưng, nhiều khi ai đó cũng chẳng khác gì Giuđa, chẳng khác gì Phêrô hay các môn đệ khác, vì lo cho đời sống của mình sao cho sung túc, an toàn và được trọng vọng mà nhiều lần cũng đã từng quay lưng với Chúa mà đi vào những thứ bóng đêm của cuộc đời.
Trước sự bội bạc của con người, Thiên Chúa vẫn không trách mắng, không kết án mà Người vẫn tiếp tục tiến bước vào đau khổ để con người bớt khổ đau. Chúa Giêsu đã chấp nhận gánh chịu nhiều đau khổ và đỉnh điểm là cái chết thật đau đớn trên thập giá để sinh ơn cứu độ cho con người. Như vậy, ơn cứu độ, giá chuộc cho con người đã có sẵn, điều quan trọng là con người có mở lòng ra để đón nhận ân ban cao quý đó không!
Chúa luôn yêu thương con người, Ngài muốn tất cả đều được ơn cứu độ. Nhưng đồng thời, vì tạo dựng con người giống hình ảnh Thiên Chúa, nghĩa là con người có tự do, và Thiên Chúa tôn trọng tự do đó của con người, cho nên, Ngài không thúc ép, Ngài không bó buộc mà Ngài chỉ mời gọi để con người tự do bước đi trong ân sủng, tự do đón nhận hay từ chối ơn cứu độ của Ngài.
Xin Chúa cho mỗi người chúng ta luôn có được sự tỉnh thức và khôn ngoan của Ngài. Tỉnh thức để nhận ra những lời mời gọi của Chúa qua việc sống Lời Chúa hằng ngày. Khôn ngoan để chúng ta biến sửa đổi những gì chưa hợp ý Chúa, hầu có thể đón nhận ơn cứu chuộc bởi chính giá máu của Con Thiên Chúa.
Nguồn tin: www.giaophanbaria.org
Ý kiến bạn đọc
Những tin mới hơn
Những tin cũ hơn