Lời Chúa: Ga 10, 31-42
“Họ tìm bắt Người, nhưng Người thoát khỏi tay họ”.
Tin Mừng Chúa Giêsu Kitô theo Thánh Gioan.
Khi ấy, người Do Thái lượm đá để ném Chúa Giêsu. Người lên tiếng hỏi rằng: “Ta đã cho các ngươi thấy nhiều việc tốt lành bởi Cha Ta. Vậy vì việc nào mà các ngươi muốn ném đá Ta?” Người Do Thái trả lời: “Chúng tôi muốn ném đá ông không phải vì việc lành, nhưng vì một lời lộng ngôn, bởi vì ông chỉ là người mà lại tự cho mình là Thiên Chúa”. Chúa Giêsu đáp lại: “Nào trong sách luật của các ngươi không có chép câu này: “Ta đã nói: các ngươi là thần”? Vậy nếu sách luật gọi những kẻ được nghe lời Chúa là thần, mà Kinh Thánh không thể huỷ diệt được, thì tại sao các ngươi nói với Ðấng đã được Chúa Cha thánh hoá và sai đến trong trần gian rằng “Ông nói lộng ngôn”, vì Ta đã nói Ta là Con Thiên Chúa? Nếu Ta không làm những việc của Cha Ta, thì các ngươi đừng tin Ta. Nhưng nếu Ta làm những việc đó, thì dầu các ngươi không muốn tin Ta, cũng hãy tin vào các việc đó, để các ngươi biết và tin rằng: Cha ở trong Ta, và Ta ở trong Cha”. Bởi đó họ tìm cách bắt Người, nhưng Người thoát khỏi tay họ. Người lại qua bên kia sông Giođan, nơi trước kia Gioan đã làm phép rửa. Và Người ở lại đó. Có nhiều kẻ đến cùng Người. Họ nói: “Gioan đã không làm một phép lạ nào. Nhưng mọi điều Gioan nói về người này đều đúng cả”. Và có nhiều kẻ tin Người.
Ðó là lời Chúa.
Suy niệm:
Bài Tin Mừng hôm nay cũng giống bài hôm qua, Đức Giêsu lại bị ném đá vì bị kết tội phạm thượng. Có lần Ngài đã bị kết tội là tự coi mình ngang hàng với Thiên Chúa chỉ vì đã nói: “Cha tôi vẫn làm việc, thì tôi cũng làm việc” (Ga 5, 18). Bây giờ Ngài bị kết tội phạm thượng vì dám tự cho mình là Thiên Chúa (c. 33). Thực ra Đức Giêsu không bao giờ nhận mình như vậy, vì Thiên Chúa là Cha của Ngài, Ngài chỉ nhận mình là Con (c. 36). Nhận mình là Con Thiên Chúa không phải là một lời phạm thượng. Nhưng Đức Giêsu là Con Thiên Chúa theo một nghĩa độc nhất vô nhị. Ngài là Con Một hằng ở nơi cung lòng Cha (Ga 1, 18), đầy tràn ân sủng và sự thật (Ga 1, 14). Người Con Một ấy đã trở thành người phàm mang tên Giêsu (c. 33), trở thành quà tặng cứu độ của Thiên Chúa cho nhân loại. Đức Giêsu gắn bó với Chúa Cha đến nỗi Ngài có thể nói : “Chúa Cha ở trong tôi và tôi ở trong Chúa Cha” (c. 38).
Hơn nữa, Ngài còn dám nói: “Tôi và Chúa Cha là một” (c. 30). Con và Cha hiệp nhất làm một với nhau, Người được sai kết hiệp làm một với Đấng sai mình. Con không tự mình làm điều gì, không làm theo cách của mình, Con luôn sống như người được Cha sai. Đây không phải chỉ là sự hiệp nhất trong công việc, mà còn là sự hiệp nhất sâu thẳm giữa hai ngôi vị thần linh. Đức Giêsu đã làm nhiều việc tốt đẹp (c. 32). Các việc này không phải là việc của Ngài, mà là việc của Cha Ngài (c. 37). Suốt đời Đức Giêsu chỉ tận tụy với việc của Cha. Trên thập giá, trước khi lìa đời, Ngài nói: “Thế là đã hoàn tất” (Ga 19,30). Ngài đã vuông tròn mọi việc Cha giao. Những việc tốt đẹp này là một lời chứng hùng hồn cho con người của Ngài: “Nếu tôi làm các việc đó, thì dù các ông không tin tôi, ít ra cũng hãy tin các việc đó” (c. 38). Tin vào việc làm dẫn đến tin vào con người. “Tôi là người Chúa Cha đã thánh hiến và sai đến thế gian” (c. 36). Thiên Chúa Cha đã thánh hiến Chúa Con để Ngài thi hành sứ mạng. Chúng ta cũng là những người được thánh hiến qua bí tích Thánh Tẩy, được sai vào thế giới này để chia sẻ sứ mạng còn dang dở của Chúa Giêsu. Chúng ta còn nhiều điều tốt đẹp phải làm cho cuộc đời này trước khi có thể nói như Chúa: “Thế là đã hoàn tất”.
Cầu nguyện:
Lạy Chúa Giêsu, xin cho con dám hành động theo những đòi hỏi khắt khe nhất của Chúa. Xin dạy con biết theo Chúa vô điều kiện, vì xác tín rằng Chúa ngàn lần khôn ngoan hơn con, Chúa ngàn lần quảng đại hơn con, và Chúa yêu con hơn cả chính con yêu con. Lạy Chúa Giêsu trên thập giá, xin cho con dám liều theo Chúa mà không tính toán thiệt hơn, anh hùng vượt trên mọi nỗi sợ, can đảm lướt thắng sự yếu đuối của quả tim, và ném mình trọn vẹn cho sự quan phòng của Chúa. Ước gì khi dâng lên Chúa những hy sinh làm cho tim con rướm máu, con cảm nghiệm được niềm vui bất diệt của người một lòng theo Chúa.
Lm. Antôn Nguyễn Cao Siêu, S.J
Những lời này của Chúa Giêsu đã diễn ra trong lễ Cung hiến ở Giêrusalem. Chúa Giêsu đã nói rõ ràng về mối tương quan của Người với Cha trên trời, và điều này khiến một số người phẫn nộ đến mức tìm cách bắt Người ngay lúc đó. Nhưng Chúa Giêsu trốn thoát và trở lại nơi trước kia Người đã chịu phép rửa. Khi Chúa Giêsu đang ở đó, nhiều người đã đến với Người, ở với Người và lắng nghe lời Người.
Thật thú vị khi lưu ý đến sự tương phản trong các phản ứng trái chiều. Tại Giêrusalem trong khu vực đền thờ, giữa đám đông lớn tụ tập dự lễ Cung hiến, Chúa Giêsu ngày càng bị chối bỏ và bách hại. Nhưng khi Người trở lại sa mạc thì người ta đến gặp Người, họ đã lắng nghe và tin tưởng. Sự tương phản này giúp chúng ta dễ dàng phát triển hơn trong đức tin của mình và giúp người khác phát triển đức tin của họ. Cụ thể, chúng ta được mời gọi đi vào “sa mạc” để gặp gỡ Chúa, thoát khỏi sự bận rộn của cuộc sống, và chúng ta cũng phải mời gọi những người khác cùng tham gia với chúng ta trong một hành trình như vậy.
Quả thật, khi ở Giêrusalem, có nhiều người tình cờ gặp Chúa Giêsu khi Người đang giảng dạy và đã cảm động trước lời Người và tin theo. Nhưng cũng rõ ràng rằng, khi con người phải cam kết nỗ lực tìm kiếm Người ở nơi hoang mạc tâm hồn mình, lời Người có sức biến đổi chúng ta hơn.
Trong cuộc sống, trong những hoạt động bình thường của cuộc sống, chẳng hạn như thường xuyên tham dự thánh lễ, chúng ta sẽ có cơ hội được nghe Tin mừng và đào sâu đời sống đức tin của mình. Nhưng có thể nói, tất cả chúng ta cần dành thời gian tìm kiếm Chúa Giêsu “trong hoang địa”, để sẵn sàng lắng nghe và tin tưởng hơn. Những “trải nghiệm sa mạc” này có nhiều dạng. Có lẽ đó là một trải nghiệm đơn giản như việc vào phòng một mình để cầu nguyện và suy ngẫm Lời Chúa; hoặc có lẽ đó là việc tham gia vào một buổi học Kinh thánh, một buổi học giáo lý hay đọc kinh trong giáo xứ; hoặc có lẽ đó là sự lựa chọn đi xa một ngày cuối tuần hoặc lâu hơn để tham gia một khóa tĩnh tâm có người hướng dẫn, nơi đó tất cả những gì chúng ta làm đó là cầu nguyện và lắng nghe Lời Chúa.
Trong suốt lịch sử, các vị thánh đã cho chúng ta thấy giá trị của việc cầu nguyện để được ở bên Chúa, ở một nơi mà nhiều phiền nhiễu của cuộc sống và nhiều tiếng nói của thế giới bị im lặng, để Thiên Chúa có thể nói với trái tim mình.
Lạy Chúa Giêsu, Chúa đang kêu gọi con bước sâu hơn vào mối tương quan yêu thương với Chúa. Xin ban cho con ân sủng mà con cần, để con thưa “có” với Chúa mà bước vào sa mạc thinh lặng và cầu nguyện để con nghe được tiếng Chúa. Lạy Chúa, xin kéo con đến với Chúa và giúp con tin tưởng trọn vẹn hơn vào tất cả những gì Chúa muốn nói với con. Amen.
Nguồn tin: www.giaophanbaria.org
Ý kiến bạn đọc
Những tin mới hơn
Những tin cũ hơn