LỄ SUY TÔN THÁNH GIÁ
Thứ tư - 13/09/2023 09:42
Lời Chúa: Ga 3, 13-17
Khi ấy, Chúa Giêsu phán cùng Nicôđêmô rằng: “Không ai lên trời được, ngoài người đã từ trời xuống, tức là Con Người vốn ở trên trời. Cũng như Môsê treo con rắn nơi hoang địa thế nào, thì Con Người cũng phải bị treo lên như vậy, để những ai tin vào Người, thì không bị tiêu diệt muôn đời.
“Quả thật, Thiên Chúa đã yêu thế gian đến nỗi đã ban Con Một Người, để tất cả những ai tin vào Con của Người, thì không phải hư mất, nhưng được sống đời đời, vì Thiên Chúa không sai Con của Người giáng trần để luận phạt thế gian, nhưng để thế gian nhờ Con của Người mà được cứu độ”.
SUY NIỆM 1: Phải được giương cao-- LM. ANTÔN NGUYỄN CAO SIÊU, SJ.
Nhiều người ngoài Kitô giáo cảm thấy sợ khi vào nhà thờ,
nhìn lên thánh giá, thấy một người bị đóng đinh, máu chảy đầm đìa.
Tại sao lại thờ một người khủng khiếp như vậy?
Một số nơi đã đặt tượng Chúa Phục Sinh trên thánh giá.
Hẳn nhà thờ sẽ tươi hơn, ít gây sốc hơn, mầu nhiệm phục sinh được nổi bật hơn...
Nhưng chúng ta vẫn không được quên Chúa chịu đóng đinh.
Không có cái chết ấy thì cũng chẳng có ơn cứu độ.
Không có thánh giá thì cũng chẳng có phục sinh.
Khi suy tôn thánh giá, chúng ta không suy tôn hai thanh gỗ xếp hình chữ thập.
Chúng ta suy tôn chính Đấng đi đóng đinh vào thánh giá.
Ngài là Đấng vô tội, là Con Thiên Chúa làm người,
là "Đấng đã yêu mến tôi và hiến mạng vì tôi" (Gl 2, 20).
Chúng ta cũng không suy tôn đau khổ và cái chết,
nhưng chúng ta suy tôn Tình Yêu:
Tình Yêu của Cha dám trao cho thế gian người Con Một,
Tình Yêu của Con dám sống hết mình cho Cha và anh em.
Đau khổ và cái chết là cái giá phải trả cho một tình yêu.
Tình yêu lớn nhất là tình yêu hiến mạng.
Thập giá là một thất bại của Tình Yêu.
Quà tặng của Cha bị loài người từ khước:
Người Con yêu dấu bị làm nhục và đóng đinh.
Quà tặng của Con bị loài người rẻ rúng:
Con chẳng đáng giá bằng tên sát nhân Baraba.
Thiên Chúa thất bại vì Ngài khiêm tốn.
Ngài để cho con người có tự do chối từ.
Ngài đau đớn lặng thinh khi Con Ngài hấp hối...
Nhưng thập giá lại là một thành công của Tình Yêu.
Nơi thập giá, tội ác con người lên đến cao điểm.
Cũng nơi thập giá, Tình Yêu Thiên Chúa lên đến tột cùng.
Và Tình Yêu đã thắng tội ác, sự sống thắng sự chết,
ánh sáng thắng bóng tối, tha thứ thắng hận thù.
Cha không đưa Đức Giêsu xuống khỏi thập giá,
nhưng đưa Ngài ra khỏi nấm mồ hiu quạnh.
Thất bại của thập giá đã biến thành chiến thắng.
Thập giá trở thành Thánh Giá đem lại sự sống đời đời.
Thánh Giá đã trở nên biểu tượng của Kitô giáo.
Thánh Giá có mặt cả trên nến phục sinh.
Thánh Giá ở trên thân xác ta, mỗi lần ta làm dấu,
nhưng Thánh Giá còn ở với người Kitô hữu suốt đời:
"Ai muốn theo Tôi hãy vác thánh giá mình mà theo Tôi".
Đừng sợ hãi tránh né dù đau đớn xót xa.
Đừng kéo lê, bạn sẽ thấy thánh giá nhẹ hơn và sinh trái.
Hãy hôn kính Thánh Giá của mình, của quê hương, của Giáo Hội,
dù chúng ta chẳng bao giờ hiểu hết được mầu nhiệm.
Ước gì chúng ta thấy được ý nghĩa của khổ đau nhờ tin tưởng nhìn lên Thánh Giá Chúa Giêsu.
Gợi Ý Chia Sẻ
Đứng trước những thất bại và khổ đau trong cuộc sống, bạn thường có thái độ nào (chán nản, bực tức, nổi loạn, đón nhận, phấn đấu vượt qua...)? Có khi nào nhờ thất bại và khổ đau mà bạn thấy mình lớn lên không?
Có khi nào bạn chấp nhận một chút hy sinh, một chút đau khổ, để người khác được hạnh phúc không?
Cầu Nguyện
Lạy Cha, xin ban cho con điều khó hơn cả,
đó là ơn nhận ra Thánh Giá của Con Cha trong mọi nỗi khổ đau của đời con,
và ơn bước theo Con Cha trên đường Thánh Giá, bao lâu tuỳ ý Cha định liệu.
Xin đừng để con trở nên chua chát
nhưng được trưởng thành nhờ đón nhận đau khổ với sự kiên nhẫn, quảng đại, nhân từ
và lòng khát khao nóng bỏng có ngày sẽ được ở nơi không còn khổ đau.
Ngày đó, Cha sẽ lau khô mọi giọt lệ của những người đã yêu mến Cha,
đã tin vào tình yêu Cha giữa nỗi thống khổ, tin vào ánh sáng của Cha giữa đêm đen.
Nhờ Cha, ước gì đau khổ của con nói lên lòng tin của con vào những lời hứa của Cha,
lòng cậy của con vào tình yêu trung tín của Cha, và lòng mến mà con dành cho Cha.
Lạy Cha, xin cho con yêu Cha hơn yêu bản thân, và yêu Cha chỉ vì Cha,
chứ không mong phần thưởng.
Ước gì Thánh Giá trở nên mẫu gương cho con, là ánh sáng cho đêm tăm tối,
nhờ đó con không còn coi khổ đau như một tai họa hay một điều vô lý,
nhưng như một dấu chỉ cho thấy con đang thuộc về Cha mãi mãi. (Karl Rahner)
SUY NIỆM 2: TÌNH YÊU CHỮA LÀNH-CỨU ĐỘ − LM. Giuse Nguyễn Trọng Sơn
Đối diện với thập giá, đôi khi không phân định rạch ròi, kitô hữu như thần thánh hoá đau khổ, dung túng cho sự dữ! Cần phải phân biệt rằng: thập giá vừa là tội ác của con người vừa là tình yêu cứu độ của Thiên Chúa.
Đó là tội ác của con người bởi vì người ta cứng lòng, thù hận, bảo vệ quyền lợi cá nhân và phe nhóm, giết người vô tội. Khi các môn đệ của Chúa Giêsu rao giảng sự phục sinh, những người lãnh đạo Do Thái nói với họ rằng: “Chúng tôi đã nghiêm cấm các ông không được giảng dạy về danh ấy nữa, thế mà các ông đã làm cho Giêrusalem ngập đầy giáo lý của các ông, lại còn muốn cho máu người ấy đổ trên đầu chúng tôi!”. “Máu đổ trên đầu”, đó là cách nói của Cựu Ước nguyền rủa kẻ giết người vô tội! Nếu Đức Giêsu được Thiên Chúa cho sống lại, thì có nghĩa Ngài là người vô tội, và những vị lãnh đạo là những kẻ giết người vô tội vì ghen ghét, thù hận!
Nhưng thập giá cũng là tình yêu chữa lành của Thiên Chúa. Trước tội ác của con người đối với Đấng Thiên Chúa sai đến, thì sự đáp trả của Thiên Chúa không phải là trừng phạt, giết chết những kẻ gây tội ác, nhưng lại là sự khiêm hạ và đầy lòng yêu mến. Đức Giêsu trên thập giá không nguyền rủa những kẻ giết hại Ngài, nhưng cầu xin ơn tha thứ. Ngài không chấp nhất anh trộm bất mãn nói lời ngạo mạn, nhưng lại ban Nước Trời cho anh trộm tin vào Ngài. Ngài quan tâm đến mẹ và môn đệ của mình. Đó là con người bình an nên tha thứ và ban ơn cứu độ.
Những bạo lực, thù hận thường được đáp lại bằng bạo lực và thù hận. Và thù hận cứ kéo theo thù hận. Đó là tình trạng của thế giới hôm nay. Qua Đức Giêsu, Thiên Chúa đi con đường khác, con đường của lòng yêu mến, của tha thứ, và thực sự điều đó mới mang lại sự chữa lành, mang lại ơn cứu độ. Chúng ta suy tôn thập giá không phải là suy tôn đau khổ, sự dữ, nhưng là suy tôn tình yêu kỳ diệu, một tình yêu hạ mình xuống và đầy bao dung.
Cứ nghiệm xem những cách đối đáp gọi là “sòng phẳng”, “công bằng”, “cho biết tay” của chúng ta trong đời sống hàng ngày đã mang lại điều gì?! Những cách xử lý đầy nóng giận nhằm thể hiện bản thân đã mang lại kết quả như thế nào?! Hãy nhìn vào thập giá và phục sinh để tin vào sự đổi mới kỳ diệu của tình yêu, để biết chọn lựa con đường thập giá của Thiên Chúa qua. Không có tình yêu, thập giá chỉ là đau khổ, nhưng với tình yêu, thập giá trở thành thánh giá mang đến sự chữa lành và ơn cứu độ.
SUY NIỆM 3: Suy tôn Thánh Giá--Lm Giuse Nguyễn Hữu An
Cô Ann Thomas có kể lại câu chuyện ý nghĩa.
Hôm đó, cô và Betty ghé một sạp bán đồ phế thải. Ann vừa lôi ra một khay đồ linh tinh, Betty bước tới hỏi:
– Có đồ gì đáng giá không?
Ann trả lời:
– Không, toàn là đồ năm vố thôi.
Đoạn cô bước sang bên cạnh nhường cho Betty vào xem. Betty chăm chú nhìn vào đống lặt vặt, nhặt lên một cây thánh giá cũ kỹ han rỉ và nói:
– Thật khó mà tin được. Tôi đã tìm được đồ quý: cây thánh giá này làm bằng chất bạc xưa.
Cô bạn của Ann bèn về nhà lau chùi và đánh bóng cây thánh giá. Đây quả là một vật quí. Về sau, đứa con trai bảy tuổi của Betty tên Bobby cầm cây thánh giá lên, cung kính ngắm nghía hồi lâu. Bỗng nhiên cậu bé oà lên khóc. Betty liền hỏi:
– Con sao vậy?
Bobby nói:
– Con không cầm lòng được khi thấy Chúa Giêsu bị treo trên thập giá.
******
Ba người nhìn vào cây thập giá, có ba thái độ khác nhau: một người dửng dưng cho là đồ ve chai, người khác thích thú vì khám phá ra vật quí báu, còn người khác nữa lại xúc động rơi lệ vì nhận ra Chúa Giêsu chịu đau đớn trên thập giá.
Thập giá là gì?
Thập giá (tức là cuộc khổ nạn của Chúa Giêsu) là khúc xương khó nuốt nhất đối với các môn đệ. Ba lần Chúa báo trước cuộc tử nạn. Cả ba lần họ đều không hiểu và không chấp nhận. Các môn đệ nghe nói đến thập giá thì nổi da gà. Thập giá gợi lên một cây khổ giá trần trụi. Thập giá gợi lên hình ảnh một con người quằn quại, tuyệt vọng trong đau đớn, nhục nhã nỗi ê chề, lơ lửng giữa trời và đất, hấp hối giữa sống và chết, bị nhiếc mắng trước những cái nhìn thù ghét và khinh khi, bị chê bai trước những con mắt tò mò và dửng dưng. Phêrô đã từng run rẩy can ngăn Chúa Giêsu đừng đi vào con đường thập giá. Các tông đồ rùng mình sợ hãi khi Chúa Giêsu nói đến thập giá.
Nếu thập giá là biểu tượng của đau khổ thì Đấng chịu đóng đinh đã chiến thắng đau khổ. Chúa Kitô đã tạo ra sự khác biệt hoàn toàn giữa thập giá và kẻ bị đóng đinh. Khi nhận lấy thập giá, Chúa Kitô đã dùng tình yêu biến đau khổ thành niềm vui. Tình yêu làm cho thập giá trở thành Thánh Giá.
Những lời dạy của Chúa Giêsu sau ba lần loan báo cuộc khổ nạn giải thích ý nghĩa của tình yêu Thánh Giá.
– Lần thứ nhất, Chúa phán: ” Ai muốn cứu mạng sống mình thì sẽ mất, còn ai liều mất mạng sống mình vì Ta và vì Tin Mừng, thì sẽ cứu được mạng sống ấy” (Mc 8,35).
– Lần thứ hai, Chúa dạy: “Ai muốn làm người đứng đầu thì phải làm người rốt hết và làm người phục vụ mọi người” (Mc 9,34).
– Lần thứ ba, Chúa dạy: “Con Người đến không phải để cho người ta phục vụ nhưng là để phục vụ và hiến mạng sống làm giá chuộc muôn người” ( Mc 10,45).
Thánh Giá biểu tượng cho cuộc chiến đấu của Chúa Giêsu và cũng là biểu tượng cho tình yêu mạnh hơn sự chết và cho sự Thiện sẽ giành chiến thắng cuối cùng trên sự Ác.
Thánh Giá là cánh cổng dẫn vào sự sống, thất bại chuyển thành chiến thắng, sự sống bị tước đoạt trở thành sự sống viên mãn, ai đánh mất mạng sống mình sẽ tìm gặp lại sự sống, ai can đảm chết cho Chúa Kitô sẽ được sống muôn đời.
Trong đêm Vọng Phục Sinh, Cây Nến Phục Sinh là tâm điểm của cử hành Phụng Vụ. Đức Giêsu Kitô đã ra khỏi mồ tối tăm, đã chiến thắng thần chết, và trở thành Nguồn Ánh Sáng, Sự Sống cho nhân loại. Để đánh mốc thời gian lịch sử cứu độ, trong đêm ấy, linh mục chủ tế khắc ghi trên nến với những dấu chỉ như sau:
– “Đức Kitô là một, (vẽ đường dọc)
– Hôm qua cũng như hôm nay, (Vẽ đường ngang)
– Là Alpha và là Omega, (Viết chữ Alpha trên cây Thánh Giá)
– Nghĩa là Khởi nguyên và tận cùng, (Viết chữ Omega ở phía dưới Thánh Giá)
– Người làm chủ thời gian, (Viết số đầu của năm đó bên góc trái phía trên Thánh Giá).
– Và muôn thế hệ, (Viết số thứ hai của năm nơi góc phải phía trên Thánh Giá).
– Vạn Tuế Đức Kitô, Đấng vinh hiển quyền năng, (Viết số thứ ba của năm góc trái phía dưới Thánh Giá).
– Vạn vạn tuế. Amen, (Viết số thứ tư của năm nơi góc trái phía dưới Thánh Giá).
Với năm hạt hương biểu thị năm dấu đinh của Chúa Giêsu khổ nạn được gắn trên cây nến Phục Sinh, gắn trên mỗi góc của Thánh Giá, vừa gắn vừa đọc:
– Vì năm vết thương
– Chí thánh và vinh hiển.
– Xin Chúa Kitô
– Gìn giữ
– Và bảo vệ chúng ta.” (Sách Lễ Roma).
Khi ghi dấu năm cứu độ chung quanh trục cây Thánh Giá, Giáo hội cũng ghi khắc vào đó cả khối tình tri ân của những năm hưởng nhờ hồng ân cứu độ trong lịch sử thời gian. Thánh Giá nối trời với đất trong không gian mênh mông. Thánh Giá là điểm thâu họp lịch sử dọc theo dòng thời gian. Thánh Gía bao gồm hai chiều kích ấy. Đức Kitô là trung tâm điểm của không gian và thời gian.
Hình Thánh Giá viết trên Cây Nến Đêm Vọng Phục Sinh, có ý nghĩa thâu họp vạn vật, mang ý nghĩa vũ trụ. Thánh Irénée viết: “Ngài đã đến dưới dạng hữu hình với những gì thuộc về Ngài, Ngài đã trở thành xác thịt và xác thịt ấy đã được treo lên cây Thập tự để bằng cách ấy thâu họp vào mình cả vũ trụ”. Thánh Giá trở thành trục thế giới. Thánh Cyrille ở Jérusalem viết: “Chúa Trời đã dang hai tay trên cây Thập Tự để ôm lấy bờ cõi Vũ trụ và vì vậy núi Golgotha là trục thế giới”. Trên trục vũ trụ ấy có treo lên một người Con của Thiên Chúa. Thánh Phaolô thì diễn tả trục này: “Đó là đưa thời gian tới hồi viên mãn là quy tụ muôn loài trong trời đất dưới quyền một thủ lãnh là Đức Kitô” (Ep 1, 10).
Là Trục của thế giới, Thánh Giá có trung tâm điểm là Đức Giêsu Kitô. Nhìn theo chiều kích cánh chung, thời gian sau cùng nhân loại sẽ chịu sự phân chia, bên tả hoặc bên hữu. Đó là thời gian của sự phán xét. Trục còn có nghĩa là mốc tuyển chọn, những người được tuyển chọn và những người tự mình đánh rơi. Thánh Phaolô nhìn trục này như sự phân chia Lề Luật và Đức Tin, phân chia tâm hồn con người thành hai phần, nhục thể và Thần Khí, để rồi cho thấy sự thống nhất của phân chia là việc hóan cải, tái sinh, công chính hóa, lề luật, nhờ vào niềm tin cuộc khổ nạn của Đức Giêsu trên Thánh Giá.
Là trục của thế giới, nhìn theo chiều kích cánh chung, Thánh Giá biểu trưng là chiếc thang, một chiếc thang đưa con người đi lên tham dự vào đời sống của Thiên Chúa. Một chiếc thang để đất trời không còn xa nhau. Chiếc thang nhiệm mầu mà thánh Nữ Perpétue thấy trong ngày chịu tử đạo: “Tôi nhìn thấy một cái thang bằng đồng thanh, cao khác thường, vươn tới tận trời, nhưng hẹp tới mức chỉ có thể đi lên từng người một: Hai bên thang tua tủa các khí giới: Kiếm, giáo, móc câu, gươm, như vậy mà nếu người nào lên mà lơ đãng, không chú ý nhìn lên trên cao, sẽ bị tan nát thịt da, để lại những mảng thịt mắc vào những khí giới đó. Và bên dưới cái thang có một con rồng to lớn dị thường, nằm đó chăng bẫy những ai đạp chân lên thang, làm cho họ khiếp sợ không dám trèo lên. Còn tôi, khi tôi đặt chân lên trên bậc thang thứ nhất, tôi đã đạp lên đầu con rồng đó, thế là tôi đi lên được và nhìn thấy một khu vườn rộng mênh mông”. Chiếc thang có những bậc của thử thách. Niềm an bình sẽ xuất hiện khi bước lên bậc thang thứ nhất. Và cứ thế theo từng bậc niềm an bình sẽ được gia tăng cho đến khi hòan tòan ở trên đỉnh thang. Muốn đi lên cao, cần rũ bỏ, rũ bỏ làm cho nhẹ nhàng thanh thóat trên đường đi lên. Đó cũng là thời gian dành cho việc cầu nguyện và ăn chay thực thi đức ái để trút bỏ mỗi ngày trong cuộc sống.
Thánh Giá là sự khôn ngoan và quyền năng của Thiên Chúa. Bởi vì “Sự điên rồ nơi Thiên Chúa thì khôn ngoan hơn loài người, và sự yếu đuối nơi Thiên Chúa thì mạnh sức hơn loài người” (1Cr 1, 24 -25).Thánh Giá đã trở thành dấu chỉ của tình yêu hy vọng và sự sống.
Thánh Phaolô có một ước muốn: “Ước chi tôi chẳng hãnh diện về điều gì, ngoài thập giá Đức Giêsu Kitô” (Gl 6,14).
Đức Cha Lambert de la Motte sáng lập Dòng Mến Thánh Giá. Chắc hẳn ngài đã cảm nghiệm sâu sắc về Cuộc Khổ Nạn của Đức Kitô nên mới có ý tưởng này! Dòng Mến Thánh Giá là Hội Dòng chọn Đức Kitô chịu đóng đinh là đối tượng duy nhất của tình yêu của lòng trí. Kể cũng thật lạ! Không chọn cái gì nhẹ nhàng mà lại chọn Đấng chịu đóng đinh trên Thánh Giá, phải vác phải mang ách nữa chứ! Ngài có thành công gì đâu trước mắt người đời! Có nhẹ nhàng gì đâu trước mắt trần thế! Thế nhưng, Đấng chịu đóng đinh là hồng ân cứu rỗi. Chọn con đường theo Chúa là đi vào con đường hẹp. Một chọn lựa khôn ngoan vì đã chọn chính Đấng Cứu Độ. Thánh Giá là đỉnh cao ơn cứu độ. Mến Thánh Giá là tình yêu cao nhất của đời dâng hiến. Từ đó nẻo đường cứu độ mở ra cho bản thân và có khả năng giúp cho những người khác tiến vào nẻo đường ấy.
Thánh Giá đã in sâu và gắn chặt với Chúa Giêsu Kitô. Ngay cả sau khi Chúa sống lại vinh quang, các vết thương khổ nạn thập giá vẫn hiển hiện vẫn không bị xóa nhòa. Thánh Giá Chúa Kitô xuyên qua thời gian và hiện diện trong mỗi giây phút cuộc đời chúng ta. Sự hiện diện ấy làm thay đổi tất cả.
Trong xã hội tiêu thụ và hưởng thụ ngày nay, bóng tối của quyền lực, tiền của, danh vọng, lạc thú đang che mờ bóng thánh giá. Con người đang lao mình vào bóng tối bằng mọi giá. Xã hội hôm nay cần phải được ánh sáng của Thánh Giá soi dẫn. Từ Thánh Giá Ðức Kitô, tình thương chúc phúc thế gian, sự sống chan chứa cho lòng người. Suy tôn Thánh Giá chính là suy tôn tình yêu, sự sống của Chúa Kitô.
SUY NIỆM 4: Vinh Quang Thánh Giá--Nữ tu Maria Madalena Phạm thị Huy, OP
Hôm nay Hội thánh cử hành lễ Suy tôn Thánh Giá. Thánh Anrê, giám mục Cơrêta, nói với chúng ta về lý do mừng lễ này: “Chúng ta mừng lễ Thánh Giá và cùng với Đấng chịu đóng đinh, chúng ta được đưa lên cao”. (Bài đọc 2, Kinh Sách).
Vì sao chúng ta mừng lễ Thánh giá và bởi đâu, chúng ta được đưa lên cao?
Nơi Thánh giá, Hội thánh gẫm suy và chiêm ngắm mầu nhiệm cứu độ mà Thiên Chúa đã thực hiện qua việc Chúa Con nhập thể. Trên thập giá, Người Con đã đi đến tận cùng thân phận con người trong sự vâng phục Thánh Ý Cha một cách toàn vẹn. Để bởi cái chết cứu độ và sự phục sinh vinh hiển của ngài, Người Con ấy, Đức Giêsu Kitô, đền tạ sự công bình của Thiên Chúa Cha và bày tỏ tình yêu nhân hậu của Thiên Chúa Cha cho con người. Trên Thánh giá, Đức Giêsu Kitô giang rộng đôi tay ôm lấy cả trần gian tội lụy này và đưa kiếp người hèn mọn của chúng ta vào trong cung lòng của Thiên Chúa Cha trong một đời sống mới.
Quả vậy, Lời Chúa nói với chúng ta hôm nay:
Không ai đã lên trời, ngoại trừ Con Người, Đấng từ trời xuống. Như ông Môsê đã giương cao con rắn trong sa mạc, Con Người cũng sẽ phải được giương cao như vậy, để ai tin vào Người, thì được sống muôn đời. Thiên Chúa đã yêu thế gian đến nỗi đã ban Con Một, để ai tin vào Con của Người thì khỏi phải chết, nhưng được sống muôn đời. Quả vậy, Thiên Chúa sai Con của Người đến thế gian không phải để lên án thế gian, nhưng là để thế gian, nhờ Con của Người, mà được cứu độ” (Ga 3:13-17).
Thánh Giá vừa là sự đau khổ nhưng cũng là chiến tích của Thiên Chúa. Vì chính từ Thánh Giá, nguồn ơn cứu độ được ban cho chúng ta. Thập giá đã chiến thắng thần chết, chiến thắng địa ngục. Nhưng nhìn ở một góc độ, thì thập giá quả là một nỗi kinh hoàng khiến chúng ta sợ hãi. Nỗi kinh hoàng mà chúng ta vẫn gặp đó đây trên hành trình cuộc đời: đau khổ, tội lỗi, sự ác, bất công, tàn bạo và tận cùng là cái chết. Tấm thân trần trụi của Đấng treo trên thập giá mãi mãi hằn sâu những dấu tích ấy. Nếu không nhìn bằng đôi mắt đức tin, đâu dễ gì để thấy nơi thập giá ấy, dấu tích một Thiên Chúa yêu thương, yêu đến cùng đồng thời cũng là lời tố cáo tội lỗi một cách mạnh mẽ nhất. Đức Thánh Cha Bênêđíctô XVI nói với chúng ta:
Hãy nhìn sâu hơn nữa vào dấu chỉ này (Thánh giá), đẩy mạnh ta hướng cái nhìn đến sự nguy hiểm cũng như mọi việc làm cực kỳ tàn ác mà con người có thể gây ra. Đồng thời, thánh giá khiến ta nhìn lên Thiên Chúa, Đấng mạnh mẽ hơn, mạnh mẽ trong chính sự yếu hèn của Người, và ta thấy mình được Thiên Chúa yêu thương. (Từng ngày với Đức Giáo Hoàng Bênêđíctô, ngày 1-4 tháng 9)
Lạy Chúa, từng ngày, rất nhiều lần chúng con làm dấu Thánh Giá như lời tuyên xưng vào mầu nhiệm Thánh Giá. Xin cho chúng con, nhất là những khi gặp đau khổ, càng thấu hiểu sâu xa mầu nhiệm cứu độ của Chúa trên cuộc đời chúng con. Và khi mang dấu Thánh Giá trên mình, chúng con biết để cho Thiên Chúa hiển thị qua đời sống trong sạch tránh xa tội lỗi, một lối sống can trường nhưng khiêm tốn, một cách sống liên đới, quảng đại, trung thành dấn bước trong yêu thương.
SUY NIỆM 5: Suy niệm về Thánh Giá--Jorathe Nắng Tím
Chẳng nói thì mọi người cũng biết: Thánh Giá là biểu tượng của niềm tin nơi người Kitô hữu, những người đi theo Đức Giêsu Kitô, Đấng đã chết trên Thánh Giá và sống lại sau ba ngày từ cõi chết. Bên cạnh những người môn đệ này, có nhiều người không tin Đức Giêsu, nhưng không ngại đeo Thánh Giá trên mình, vì họ gặp được ở Thánh Giá nét đẹp thanh cao của tình yêu quên mình, và dấu ấn hy sinh của một tình yêu dâng hiến. Nhiều ngưòi khác chỉ mang Thánh Giá như một đồ trang sức làm đẹp.
Mặc dù Thánh Giá được nhìn dưới những lăng kính khác nhau tùy theo sự đón nhận của trái tim mỗi người, nhưng tất cả đều gặp ở Thánh Giá một biểu tượng chung của thất bại, khổ đau, chết chóc, không khác những người Do Thái đã coi Thánh Giá là “ô nhục, không thể chấp nhận”, người Hy Lạp cho là ngu xuẩn, và dân ngoại cho là điên rồ ( x. 1Cr 1,22-23)
Thực vậy, Thập giá không có gì hấp dẫn, lôi cuốn, vì đó là dụng cụ để thi hành án tử hình: tử tội chịu hình phạt đóng đinh trên thập giá cho đến khi tắt thở. Thập giá cũng chẳng có gì đáng tìm, đáng nhớ, vì trên đó chỉ có nước mắt đớn đau, và hình phạt đẫm máu, nên thập giá rất buồn, rất tủi, rất nhục, vì treo thân phận người thất bại, khổ đau, chết chóc. Và thập giá chỉ trở nênThánh Giá từ khi Đức Giêsu chịu treo trên đó, “như ông Môsê đã giương cao con rắn trong sa mạc, Con Người cũng sẽ phải giương cao như vậy, để ai tin vào Người thì được sống muôn đời” (Ga 3,14 -15).
Quả thực, Thánh Giá là một mầu nhiệm mà chúng ta không thể hiểu nổi. Hiểu sao nổi một Thiên Chúa lại chọn Thánh Giá để cứu độ nhân loại, trong khi Ngài toàn năng có thể chọn một cách cứu độ hoàn toàn khác, không bạo lực cực hình, không kinh hoàng đẫm máu. Hiểu thế nào được hình phạt ô nhục dành cho tử tội bị nguyền rủa, khử trừ, vì nguy hại cho xã hội loài người lại trở nên phương cách Thiên Chúa dùng để đem cho loài người ơn cứu sống. Hiểu làm sao được khi Thiên Chúa chọn cái điên rồ, ngu xuẩn đối với con người để biểu lộ sư khôn ngoan của mình (x. 1 Cr 1,17-25). Chính vì không hiểu nổi, không hiểu thấu mà Thánh Giá trở thành cớ vấp phạm cho nhiều người. Người ta vấp phạm vì không chấp nhận Thiên Chúa yếu đuối như thế; vấp phạm vì phẫn nộ trước một Thiên Chúa hoàn toàn bất lực trước bạo lực của con người; vấp phạm vì tức giận Thiên Chúa đã không dùng quyền năng Thiên Chúa của mình mà xuống khỏi Thánh Giá; vấp phạm vì trách móc Thiên Chúa đã để con người đóng đinh mình; vấp phạm vì không thể chịu nổi một Thiên Chúa câm lặng dưới mũi giầy tàn ác của con người đang chà đạp, nghiền nát sức mạnh Thiên Chúa của mình. Vì vấp phạm, người ta từ chối nhận Đức Giêsu chịu đóng đinh là Thiên Chúa, Đấng Cứu Độ của họ.
Ở đây, chúng ta chỉ chiêm ngắm thái độ của Đức Giêsu trước Thánh Giá, thái độ của một Thiên Chúa trước mầu nhiệm khổ đau của con người.
1. Trước đau khổ, Đức Giêsu đã yên lặng cảm thương:
Trước những người đau khổ vì bệnh tật đủ loại, Đức Giêsu đã không lý giải nguồn gốc của đau khổ, nhưng yên lặng cảm thương, chạnh lòng trắc ẩn. Ngài yên lặng trước mầu nhiệm đau khổ hơn là trình bầy một cách giáo khoa về đau khổ, hay phân tích một cách lý thuyết nguồn gốc của bất hạnh, bởi với Ngài, đau khổ là một sự dữ đang làm khổ con người mà Ngài thương mến và sự dữ ấy là do tội lỗi, nhưng tội lỗi đã vào thế gian và con người bắt buộc phải chịu hậu qủa của tội lỗi ấy. Trước tình huống chẳng đặng đừng, một tình trạng sẵn có, không thể thay đổi, thái độ yên lặng cảm thương, xót xa chạnh lòng là thái độ xứng hợp và đem lại ủi an nhất cho người đau khổ trong cuộc.
Yên lặng của Đức Giêsu không là yên lặng đồng loã, ủng hộ, nhưng là yên lặng tích cực, vì trong yên lặng, Ngài cảm thương thân phận, chạnh lòng xót xa và chân tình chia sẻ tất cả thử thách của người đau khổ. Đức Giêsu đã yên lặng tỏ lòng kính trọng niềm đau, nỗi khổ của người mình yêu, bởi đau khổ với Ngài là một mầu nhiệm.
Là mầu nhiệm, nên người ta không thể lý giải dễ dàng, cũng không thể cắt nghiã rành mạch, nên mọi ngôn từ đều bất lực trước mầu nhiệm khổ đau, mọi lý thuyết đều bó tay trước bất hạnh, chỉ có yên lặng cảm thương của “Thiên Chúa làm người” trước con người đau khổ, bất hạnh mới nói hết được giá trị và ý nghiã mầu nhiệm Thánh Giá của con người. Đức Giêsu đã luôn chạnh lòng cảm thương trong yên lặng kính trọng mầu nhiệm đau khổ ấy, mầu nhiệm mà chính Ngài đã sẵn sàng chia sẻ, dự phần, vì đó chính là Thánh Giá sinh ơn cứu độ.
2 . Trước Đau Khổ, Đức Giêsu đã yên lặng chấp nhận:
Nếu trước đau khổ của người khác, Đức Giêsu đã yên lặng cảm thương, chạnh lòng, thì với đau khổ của mình, Ngài đã yên lặng chấp nhận. Trong suốt cuộc tử nạn, có ai đã nghe được tiếng Ngài than thân trách phận, ngoài lời cầu xin thống thiết với Chúa Cha ở vườn Cây Dầu và trên Thánh Giá: “Lậy Cha nếu được thì xin cất chén đắng này cho con” (Mt 26,39), “Lậy Cha, sao cha nỡ bỏ con?” (Mt 27, 46 ). Đức Giêsu đã yên lặng trước toà án, yên lặng vác Thánh Giá trên đường đến nơi hành quyết, yên lặng để bị lột trần truồng, yên lặng nằm cho lý hình đóng đinh, yên lặng chịu treo trên Thánh Giá, và yên lặng trút hơi thở trong niềm tín thác tuyệt đối ở Thiên Chúa Cha.
Qủa thực, Đức Giêsu đã không mồm loa mép giải tố cáo người này, lật tẩy người kia khi bị ức hiếp, hàm oan, cũng không lên án, nguyền rủa những người nguyền rủa, lên án mình, càng không trách móc Thiên Chúa đã để đau khổ hoành hành trong thế giới. Thái độ yên lặng ấy phát xuất từ ý thức đau khổ là mầu nhiệm sinh ơn cứu rỗi, và thái độ chấp nhận đau khổ là kết qủa của tinh thần vâng phục Thánh Ý mầu nhiệm của Chúa Cha. Vì biết mình đến để hiến mạng sống cho nhân loại được sống, Đức Giêsu đã hiểu Thánh Giá mang một giá trị cứu độ, và đau khổ là cái giá Ngài phải trả để mọi người được tha tội.
Như Đức Giêsu trước khổ đau của người khác đã yên lặng cảm thương, chúng ta cũng không thể làm khác những gì Chúa đã làm, bởi trước đau khổ của anh em, tất cả những lời hoa mỹ, ngôn ngữ ngoại giao, ngôn từ đắc nhân tâm đều vô hiệu, và chỉ còn ngôn ngữ của trái tim, ngôn từ của đồng cảm, chữ nghiã của sẻ chia được biểu hiện bằng yên lặng mới có thể làm nhẹ nỗi đau, làm tan tủi nhục, và cất bỏ gánh ưu phiền nặng trĩu trong tâm can người anh em bất hạnh. Chính yên lặng cảm thương mới giúp cả ta cả người đi sâu vào mầu nhiệm đau khổ như nguồn ơn đổi mới, trở về, cứu sống. Và cũng như Đức Giêsu đã yên lặng đón nhận khổ đau của chính mình, chúng ta cũng phải với Ngài cam chịu đau khổ trong yên lặng để nhận ra mầu nhiệm cứu độ trong chính đau khổ mình chịu.
Yên lặng cảm thương người đau khổ, yên lặng đón nhận đau khổ không phải thái độ hèn nhát đầu hàng đau khổ, nhưng là thái độ của người vượt qua đau khổ vì nhìn thấy ở đau khổ Thánh Giá của Đức Giêsu với giá trị của mầu nhiệm cứu độ. Họ yên lặng vì được hiệp thông với đau khổ của Con Thiên Chúa và xác tín Thánh Giá của đời họ được tháp nhập vào Thánh Giá Cứu Độ của Thiên Chúa làm người, để rồi đau khổ được tháp nhập vào cây Thánh Giá nguồn Sống, Tình yêu và Hy Vọng ấy sẽ sinh hoa trái là Hạnh Phúc đời đời trong Nước Chúa.
Tóm lại, đau khổ của người khác hay đau khổ của chính ta đều mang giá trị cứu độ, khi hiệp thông với đau khổ của Đức Giêsu, cũng như Thánh Giá của anh em cũng như của ta đều mang lại ơn cứu độ cho ta và mọi người, nếu các Thánh Giá to nhỏ đó được đặt trong Thánh Giá nguồn ơn Cứu Độ của Đức Giêsu.
Xin Chúa cho chúng con xác tín mầu nhiệm của đau khổ, và giá trị cứu độ của Thánh Giá, để chúng con hiểu rằng có những hiểu lầm, vô ơn, kể cả hình phạt chúng con phải chịu cách bất công, sẽ trở nên ơn phúc cho chúng con và anh em chúng con, trong mầu nhiệm Thánh Giá của Chúa; có những oan sai, vu khống chúng con bị người đời áp đặt lại là ơn bình an cho người khác và cho chúng con; có những vô ơn, phản bội hằng ngày chúng con phải gánh chịu do chính những người chúng con yêu thương, đùm bọc lại cần thiết cho hạnh phúc của nhiều người, trong đó luôn có chúng con.
Và trong mầu nhiệm Thánh Giá của Đức Giêsu, xin cho Thánh Giá chúng con mang vác, kéo lê mỗi ngày được trở nên ơn cứu rỗi cho tất cả mọi người, đặc biệt những người chúng con thương mến, thân quen, nhất là những người chúng con có bổn phận thảo hiếu, đền ơn, đáp nghiã.