SUY NIỆM THỨ TƯ TUẦN VIII THƯỜNG NIÊN
Mc 10, 32-45
Tin Mừng Chúa Giê-su Ki-tô theo thánh Mác-cô.
32 Đức Giêsu và các môn đệ đang trên đường lên Giêrusalem, Người dẫn đầu các ông. Các ông kinh hoàng, còn những kẻ theo sau cũng sợ hãi. Người lại kéo riêng Nhóm Mười Hai ra, và bắt đầu nói với các ông về những điều sắp xảy đến cho mình:
33 “Này chúng ta lên Giêrusalem và Con Người sẽ bị nộp cho các thượng tế và kinh sư. Họ sẽ lên án xử tử Người và sẽ nộp Người cho dân ngoại. 34 Họ sẽ nhạo báng Người, khạc nhổ vào Người, họ sẽ đánh đòn và giết chết Người. Ba ngày sau, Người sẽ sống lại.”35 Hai người con ông Dêbêđê là Giacôbê và Gioan đến gần Đức Giêsu và nói: “Thưa Thầy, chúng con muốn Thầy thực hiện cho chúng con điều chúng con sắp xin đây.”
36 Người hỏi: “Các anh muốn Thầy thực hiện cho các anh điều gì?” 37 Các ông thưa: “Xin cho hai anh em chúng con, một người được ngồi bên hữu, một người được ngồi bên tả Thầy, khi Thầy được vinh quang.”38 Đức Giêsu bảo: “Các anh không biết các anh xin gì! Các anh có uống nổi chén Thầy sắp uống, hay chịu được phép rửa Thầy sắp chịu không?” 39 Các ông đáp: “Thưa được.” Đức Giêsu bảo: “Chén Thầy sắp uống, anh em cũng sẽ uống; phép rửa Thầy sắp chịu, anh em cũng sẽ chịu.40 Còn việc ngồi bên hữu hay bên tả Thầy, thì Thầy không có quyền cho, nhưng Thiên Chúa đã chuẩn bị cho ai thì kẻ ấy mới được.”
41 Nghe vậy, mười môn đệ kia đâm ra tức tối với ông Giacôbê và ông Gioan. 42 Đức Giêsu gọi các ông lại và nói: “Anh em biết: những người được coi là thủ lãnh các dân thì dùng uy mà thống trị dân, những người làm lớn thì lấy quyền mà cai quản dân.
43 Nhưng giữa anh em thì không được như vậy: ai muốn làm lớn giữa anh em thì phải làm người phục vụ anh em; 44 ai muốn làm đầu anh em thì phải làm đầy tớ mọi người.
45 Vì Con Người đến không phải để được người ta phục vụ, nhưng là để phục vụ, và hiến mạng sống làm giá chuộc muôn người.”
SUY NIỆM 1: BIẾT ĐIỀU MÌNH XIN
Theo những gì mà bài Tin mừng hôm nay thuật lại, ta thấy 2 tông đồ Giacôbê và Gioan khá là liều lĩnh. Liều lĩnh vì khi các ông chưa hiểu hết điều Chúa Giêsu muốn nói, chưa biết được vương quốc của Chúa Giêsu là ở đâu; mà lại dám mở miệng xin rằng: “Xin cho 2 anh em chúng con, một người được ngồi bên hữu và một người được ngồi bên tả Thầy, khi Thầy được vinh quang” (Mc 10,37). Họ cũng chẳng hiểu giờ vinh quang của Chúa là giờ nào. Và khi được Chúa Giêsu hỏi: “Các anh có uống nổi chén Thầy sắp uống không?”, các ông đã mạnh miệng đáp lại: “Thưa được!”.
Cũng may là Chúa Giêsu không nhậm lời, chứ nếu Chúa đồng ý thì hai người cùng chịu đóng đinh với Chúa Giêsu không phải là hai tên trộm, mà là chính Giacôbê và Gioan. Bởi giờ vinh quang của Chúa Giêsu là giờ Ngài chịu treo trên thập giá, và vị trí bên tả bên hữu chính là cùng chịu đóng đinh với Ngài.
Chúa Giêsu nói với hai anh em Giacôbê và Gioan, và cả chúng ta hôm nay rằng: “Anh em chẳng biết anh em xin gì”. Thật vậy, có những điều chúng ta xin mà chúng ta không biết hậu quả kèm theo. Tự nhiên thấy bạn bè thân hữu, thấy hàng xóm láng giềng làm ăn lên vùn vụt; tự nhiên mình thấy tủi thân, thấy ao ước, thấy đố kị… Nhiều người hỏi Chúa: Tại sao nhà người ta cứ liên tục trúng đất trúng đai, buôn may bán đắt; còn nhà con thì cứ tà tà, hằng ngày dùng đủ?
Cái gì cũng có cái giá của nó thưa anh chị em. Đôi lúc chúng ta chỉ thấy cái lợi trước mắt, mà không thấy cái hại phía sau lưng. Hãy nhìn vào thế hệ trẻ là con em chúng ta là chúng ta sẽ thấy rõ. Nhiều người trẻ trong giáo xứ chúng ta cũng vì ỉ lại gia đình có tiền của nên tiêu xài phung phí, ăn chơi vô độ, không biết điểm dừng. Kết quả là gì, lao đầu vào các tệ nạn, tự mình hủy diệt tương lai đời mình. Có người lý luận rằng, con họ khác còn con tôi khác, nó có bản lĩnh sống của riêng nó. Về điều này Thánh Phaolô từng cảnh giác chúng ta như sau: “Ai tưởng mình đứng vững, coi chừng kẻo ngã”.
Chúng ta hãy tạ ơn Chúa vì có những điều chúng ta xin mà Chúa không nhận lời. Bởi những lần như thế đức tin của chúng ta được tôi luyện, con cái chúng ta không ỷ lại và né tránh được những cạm bẫy của thế gian, chúng ta không bị tiền của làm cho mờ mắt…
Trong mọi sự:“Trước hết hãy lo tìm kiếm nước Thiên Chúa. Còn những thứ khác Ngài sẽ ban cho”. Amen.
Lm. Antôn
SUY NIỆM 2:
Khi ấy, Đức Giê-su và các môn đệ đang trên đường lên Giê-ru-sa-lem, Người dẫn đầu các ông. Các ông kinh hoàng, còn những kẻ theo sau cũng sợ hãi.
• Sau khi Đức Giêsu nói với Phêrô về những điều ông sẽ lãnh nhận, Đức Giêsu tiếp tục lên Giê-ru-sa-lem. Đường đi lần này không đơn giản nên Đức Giêsu dẫn đầu các ông. Sự dễ thương của Giêsu là thế, Ngài luôn là người đi bước trước và dẫn dắt các môn đệ theo sau mình.
• Bầu không khí lần đi này khá căng thẳng: các môn đệ kinh hoàng còn những kẻ theo sau cũng sợ hãi. Điều gì đã khiến cho những người theo Chúa lại trở nên bất an như vậy? Khi con người quá tập trung vào chính mình thì họ sẽ bất an. Việc đi theo Chúa chỉ có lệ mà thôi.
• Lời mời gọi tiếp tục hành trình lên Giê-ru-sa-lem vẫn là một thách đố cho con người ngày hôm nay. Lên Giê-ru-sa-lem là gắn bó đời mình với Thiên Chúa và đi trọn hành trình sống trong ân sủng.
→ Tôi sẽ bước theo hành trình này như thế nào? Tôi có quá tập trung và bận tâm vào chính mình không?
→ Lạy Chúa, xin tiếp tục dẫn con trên hành trình về quê Trời.
Br. Vincent SJ
SUY NIỆM 3: KHIÊM NHƯỜNG PHỤC VỤ
Đối với Chúa Giêsu, người làm lớn là người phục vụ mọi người như một đầy tớ. Như thế, người làm lớn không có quyền thống trị, nhưng chăm sóc người thuộc về mình cho đến chết. Chúa Giêsu muốn nhắc nhở những người làm lớn luôn sống khiêm nhường và dùng tình yêu để phục vụ.
Thiên Chúa không dùng quyền lực để thống trị con người, nên chúng ta cũng đừng lạm quyền và kiêu căng trong nhiệm vụ Chúa trao. Hãy noi gương Thầy Giêsu luôn khiêm nhường trong phục vụ và yêu thương hiến dâng mạng sống mình vì mọi người. Mỗi người cố gắng khiêm nhường phục vụ trong bổn phận của mình.
Lạy Chúa, chúng con thường thích quyền lực hơn phục vụ. Xin cho chúng con đừng bao giờ chạy theo danh vọng, nhưng âm thầm phục vụ Chúa và tha nhân trong khiêm tốn và yêu thương. Amen.
Lm. Laurenso Quốc Huy
SUY NIỆM 4:
Thời xưa, có vị tướng quyết tấn công địch dẫu quân địch mạnh hơn gấp nhiều lần. Trên đường tiến quân, ông dừng chân ở một đền thờ cầu nguyện, xin giúp đỡ. Sau đó, ông rút ra một đồng xu và nói lớn với quân sĩ:
- Bây giờ, ta sẽ lấy đồng xu để xin keo.Nếu là sấp, quân ta sẽ thắng còn ngửa thì quân ta sẽ bại.
Chúng ta phó mặc mạng sống cho định mệnh. Đồng xu bay lên, xoay mấy vòng và rơi xuống đất.
- Sấp rồi ! Chúng ta sẽ thắng ! Hãy xông lên chà nát quân thù ! – Ba quân reo hò phấn khởi.
Sau trận chiến, toàn bộ quân địch hùng hậu đông đảo bị đánh bại hoàn toàn. Vị phó tướng vui vẻ nói với tướng quân:
- Không ai có thể thay đổi được bàn tay định mệnh.
Tướng quân chỉ mỉm cười không đáp. Ông xoè tay đưa đồng tiền ra. Cả hai mặt đồng xu đều là mặt sấp.
Cuộc sống luôn đòi con người phải phấn đấu. Phấn đấu vươn lên để tồn tại. Phấn đấu vươn lên để thăng tiến. Phấn đấu vươn lên để chiến thắng sự yếu đuối bản thân và chiến thắng cám dỗ. Là người ky-tô chúng ta không cho rằng có phận số. Phận số tuỳ thuộc cuộc sống của chúng ta đã hành động như thế nào? Hèn nhát? Lười biếng? Hay can trường phấn đấu vươn lên? Điều này sẽ mang lại cho chúng ta vinh quang hay tủi nhục. Hạnh phúc hay lầm than . . . Phận số tuỳ thuộc vào chính chọn lựa cách sống của chúng ta.
Chúa Giê-su trong thân phận con người cũng trải qua những gian truân đắng cay của cuộc đời. Thế nhưng, Ngài đã “lên Giê-ru-sa-lem”, nghĩa là dám đối diện với sự dữ. Ngài không chùn bước. Ngài hiên ngang đi trước để dẫn dắt các môn đệ theo sau. Ngài đã chu toàn thiên ý Chúa Cha khi chọn sống yêu thương và phục vụ như người tôi tớ. Ngài đã chọn sống hiến dâng mạng sống cho người mình yêu được hạnh phúc. Ngài đã sống tôn vinh Chúa Cha để hôm nay Ngài cùng được ân thưởng vinh quang với Cha trên trời.
Người Kitô luôn phải đối diện trước biết bao khó khăn cuộc đời. Người Kitô hữu phải làm chứng cho Chúa khi dám nói không với tội lỗi, nói không với đam mê bất chính. Người Kitô hữu phải sống yêu thương phục vụ cho dẫu có nghèo đói, có thua thiệt nhưng được phần thưởng vinh quang thiên đàng.
Xin Chúa giúp chúng ta luôn biết chọn Chúa để nói không với tội lỗi, biết phục vụ Chúa để sẵn lòng cúi xuống phục vụ tha nhân như người tôi tớ. Và biết khiêm tốn để trở nên tôi tớ cho mọi người, biết sống mình vì mọi người nhưng không đòi mọi người vì mình. Amen
Cầu nguyện: Lạy Chúa Giê-su Thánh Thể, Chúng con cảm tạ Chúa đã thương ngự đến viếng thăm linh hồn chúng con. Chúng con thật diễm phúc vì được Chúa làm bạn đồng hành với chúng con trong cuộc sống. Xin Mình và Máu Thánh Chúa tưới gội linh hồn chúng con bằng ân sủng và tình thương của Chúa. Xin uốn lòng chúng con nên giống trái tim đầy yêu thương của Chúa.
Lạy Chúa Giê-su mến yêu, làm người ai cũng mong có kẻ yêu người mến. Ai cũng mong trở thành người có danh có phận giữa đời. Nhưng Chúa ơi, chúng con lại quá đòi hỏi nơi tha nhân. Chúng con đòi được phục vụ. Chúng con đòi quyền lợi. Chúng con thường tham lam ích kỷ. Thế nên, người thương thì ít, kẻ ghét thì nhiều. Xin giúp chúng con biết sửa đổi cách nghĩ, cách hành động giống như Chúa đã nghĩ và hành động. Xin cho chúng con biết sống vì người khác. Xin giúp chúng con biết tìm niềm vui trong sự khiêm tốn phục vụ mọi người. Xin cho chúng con luôn nhớ rằng: người cao trọng không phải là kẻ có chức có quyền mà là người cống hiến cuộc đời để phục vụ tha nhân trong bổn phận của mình.
Lạy Chúa, Chúa đã đi bước trước trong tình yêu dâng hiến phục vụ, xin giúp chúng con biết mặc lấy tâm tình của Chúa để sống hy sinh vì lợi ích của tha nhân. Amen.
Lm. Jos Tạ Duy Tuyền
SUY NIỆM 5: QUA SỰ CHẾT MỚI ĐẾN VINH QUANG
Câu chuyện Tin Mừng hôm nay có thể ví như nước thủy triều dâng. Tại sao thế? Thưa! Vì Đức Giêsu đang tiến dần đến cái chết của Ngài. Ngài tiến gần cả về địa lý lẫn thời gian cũng như khung cảnh bề ngoài.
Về mặt địa lý, Ngài đang lên gần đến thành Giêrusalem;
Về thời gian, đây là thời điểm thuận lợi để những người Pharisêu, Kinh Sư và những kẻ không ưa Ngài dễ dàng thực hiện ý định giết Ngài;
Về tâm lý, việc Ngài giảng dạy hấp dẫn và những việc Ngài làm thu hút dân chúng, nên người ta không ngớt lời khen ngợi, đây là dịp châm ngòi cho sự ghen tương sẵn có nơi giới lãnh đạo Dothái.
Vì thế, Ngài đã loan báo lần cuối cùng về số phận của Người Tôi Trung: “Con Người sẽ bị nộp vào tay người đời, sẽ bị đánh đòn và bị giết chết”.
Chết là quy luật không thể bỏ qua cho những ai muốn sống. Không có sự chết, không có phục sinh. Nhưng điều quan trọng là chết như thế nào và làm sao phải chết? Đây mới là điều cốt lõi.
Sứ điệp Lời Chúa hôm nay mời gọi chúng ta noi gương Đức Giêsu, đó là vì yêu thương mà không chịu xã hội mua chuộc; không chấp nhận sợ tiếng chửi và ăn mày tiếng khen mà đánh mất tinh thần vâng phục cũng như sứ vụ cứu rỗi nhân loại… Vì thế, Đức Giêsu đã chấp nhận chết vì yêu, vì sứ vụ.
Mỗi người Kitô hữu cần phải xác định rõ quy luật tất yếu này là: nếu ta thuộc về Đức Kitô, ấy là chúng ta chấp nhận đi cùng Ngài để lội ngược dòng. Khi lội ngược dòng như thế, chúng ta sẽ không tránh khỏi sự thù nghịch, khinh khi, và ngay cả mạng sống.
Như Đức Giêsu, chúng ta chỉ có được sự sống viên mãn khi chấp nhận quy luật ngược đời như vậy mà thôi.
Lạy Chúa Giêsu, tin và theo Chúa thật không dễ! Nhưng xin cho con hiểu rằng, vinh quang và hạnh phúc vĩnh cửu chỉ có được nơi những tâm hồn trung thành đến cùng. Amen.
Giuse Vinhsơn Ngọc Biển SSP
SUY NIỆM 6: TIÊN BÁO CUỘC TỬ NẠN
Dù không có ghi lại những chỉ dẫn địa lý chính xác, người ta cũng biết rằng Chúa Giêsu đang tiến đến gần các biến cố trọng yếu của định mệnh Ngài. Ngài đã băng ngang vùng Galilê từ Bắc tới Nam. Thánh sử Marcô đã nhấn mạnh hành trình lên Yêrusalem này qua ba lần loan báo về cuộc khổ nạn của Chúa Giêsu, và đây là lần loan báo thứ ba.
Thật vậy, trong bài Tin Mừng hôm nay, Chúa Giêsu đề cập đến cái chết của Ngài như một con đường tất yếu phải đi qua. Giữa lúc mọi người đang thán phục về những lời rao giảng và các phép lạ của Ngài, giữa lúc mọi người đang chờ những điều phi thường hơn nữa, thì Chúa Giêsu lại tuyên bố: “Con Người sẽ bị nộp vào tay người đời, sẽ bị đánh đòn và bị giết chết”.
Chết là điều tất yếu của thân phận làm người. Ðã nhập thể làm người, Chúa Giêsu cũng không thoát khỏi định luật ấy. Thế nhưng, khi loan báo về cái chết của mình, Chúa Giêsu muốn nối kết nó với sứ mệnh của Ngài. Sứ mệnh của Ngài chỉ được thực hiện bằng con đường sự chết. Người ta chống đối Ngài, người ta giết chết Ngài vì cuộc sống, lời nói và việc làm của Ngài là một tố cáo tội ác của con người; Ngài bị chống đối đến cùng, vì cuộc sống và sứ mệnh của Ngài là một hành trình đi ngược dòng đời.
Người Kitô hữu đích thực cũng không thể tránh được số phận ấy. Là chứng nhân của Ðấng đã đi ngược dòng đời, họ cũng không thể thoát khỏi những chống đối. Cái chết âm thầm, cái chết từng giây phút chống lại tội lỗi và sự dữ là điều tất yếu trong cuộc sống người môn đệ Chúa Kitô; có chết như thế, họ mới biết rằng mình đang đi đúng con đường của Chúa Kitô, con đường dẫn đến sự sống đích thực.
Dù sống trong nghèo nàn, dù sống trong cơ cực, khổ đau, xin cho chúng ta luôn vững tin vào Ðấng đã đi qua con đường sự chết để dẫn đưa chúng ta vào cõi trường sinh.
(Mỗi Ngày Một Tin Vui)
SUY NIỆM 7:
Theo thứ tự tường thuật các Tin Mừng, thì đây là lần thứ ba Chúa Giêsu tiên báo về cuộc thương khó và phục sinh của Người. Lời tiên báo được thốt ra khi thầy trò đang tiến lên Giê-ru-sa-lem và các môn đệ hí hửng mang trong mình mong muốn thầy xưng hùng lập quốc để các ông được chia sẻ quyền lực, nên Chúa Giêsu một lần nữa lặp lại cho các môn đệ biết con đường Người sẽ đi để hoàn tất chương trình cứu độ, con đường: “qua thập giá đến vinh quang”.
* Con đường qua thập giá tới vinh quang.
Có thể nói, tội nguyên tổ như một quả bom nguyên tử được làm bằng thuốc nổ kiêu ngạo và bất tuân đã rơi xuống cắt đứt con đường nối con người với Thiên Chúa, con đường nối dương gian với quê trời, sức công phá của nó đã tạo nên một hố sâu lớn khiến cho không ai từ bên nhân loại có thể qua với Thiên Chúa được nữa. Bây giờ, Chúa Giêsu đến, Người bắc cây cầu qua cái hố sâu tội lỗi đó là thập giá, được làm bằng chất liệu gỗ khiêm nhường và vâng phục. Để từ đây, con người muốn qua gặp gỡ Thiên Chúa, muốn vào nước trời thì phải đi trên cây cầu thập giá này, bởi: “Không ai đến được với Chúa Cha mà không qua Thầy”
Chúa Giêsu không những đã nói mà còn đi bước trước trong con đường thập giá đó. Chúa Giêsu tự vác lấy thánh giá mình để đi trọn con đường cứu độ, nên Chúa cũng muốn mọi người vác lấy thập giá mình chứ không buộc vác giùm ai. Vác thập giá của mình, chính là việc chu toàn bổn phận công dân, bổn phận đối với Chúa và Giáo Hội trong đấng bậc mình. Vui nhận những trái ý nghịch lòng làm của lễ dâng Chúa. Đường thập giá thực ra không có gì xa thực tế, nhưng đúng với cả nghĩa tôn giáo lẫn xã hội. Thật vậy, có ai đạt được vinh quang mà không khổ luyện, muốn thi đậu phải miệt mài đèn sách, muốn chiến thắng trong các cuộc thi phải đòi hỏi khổ luyện… và đặc biệt, muốn hưởng phúc Nước Trời phải biết hy sinh và chịu thử thách.
* Muốn làm đầu phải hầu thiên hạ.
Tin Mừng tiếp tục kể câu chuyện chẳng mấy tốt đẹp của anh em con nhà ông Giê-bê-đê xúi mẹ “đi đêm” với Chúa Giêsu để được quyền cao chức trọng. Thật ra, không phải để nói xấu quý ngài mà là nói lên bản tính của con người vốn ham mê quyền lực, nhưng điều quan trọng là sự biến đổi thành thánh nhân bằng con đường phục vụ và hiến mạng sống mình vì Chúa và tha nhân như thánh Gia-cô-bê và Gio-an.
Đâu chỉ riêng gì hai vị Gia-cô-bê và Gio-an, mà cả nhóm các tông đồ cũng tỏ ra tức tối về chuyện xin xỏ quyền lực này (x. Mt 20,24). Thật vậy, từ ngày theo Chúa Giêsu, các môn đệ luôn mang trong mình tư tưởng quyền lực, mong đến ngày Thầy Giêsu lên ngôi để các ông được chia sẻ tước này chức nọ, các ông tranh luận ai sẽ được Thầy Giêsu cho làm quan to nhất trong Nước Trời. Các môn đệ thực sự chưa hiểu được mầu nhiệm Nước Trời mà Chúa Giêsu sẽ thiết lập không phải chuyện chức này tước nọ như nước trần thế, mà là Vương Quốc của những tâm hồn đơn sơ, khiêm tốn và hi sinh phục vụ.
Một trong những cám dỗ lớn nhất của con người, đó là đam mê quyền lực, ai cũng mong muốn được ăn trên ngồi trốc, được mọi người tung hô kính trọng… để rồi từ đó làm mọi cách (cho dù là đê tiện thấp hèn) để đạt được mục đích chức quyền…
Các môn đệ Chúa Giêsu trước Phục Sinh cũng thế, các ngài mang trong mình tư tưởng quyền lực, các ngài từng hỏi khéoThầy Giêsu xem ai được làm quan to nhất trong Nước Ngài. Còn “hai vị kia” thì lo lót chạy trước hai cái ghế nhị tam ở bên tả và bên hữu Thầy.
Làm to ai cũng muốn, nhưng lại ngại phải hi sinh. Vì thế, Chúa Giêsu không trả lời trực tiếp, nhưng Người đưa ra điều kiện để vào Nước Trời trước đã: "Các người có uống nổi chén Thầy sắp uống không?”. Chén Thầy sắp uống chính là con đường thập giá và hi sinh để cứu độ. Kế đến Người mới đưa ra điều kiện để trở nên lớn trong Nước Trời chính là: “Ai muốn làm lớn giữa anh em, thì phải làm người phục vụ anh em. Và ai muốn làm đầu anh em thì phải làm đầy tớ anh em”. Như vậy, chức quyền để phục vụ chứ không phải để cai trị.
Khi nói kẻ lớn nhất trong Nước Trời phải trở nên như bé nhỏ nơi nước trần thế, không có nghĩa là bây giờ làm Giáo Hoàng rồi sau này trở thành kẻ rốt hết, nhưng Chúa nhắm đến một tinh thần khiêm tốn và phục vụ, sự phục vụ đó tuỳ theo bậc sống của chúng ta nơi thế gian này.
Noi gương Chúa Giêsu đến không phải để được người ta phục vụ, nhưng phục vụ và hi sinh vì con người, chúng ta cũng thế, hãy sống tinh thần khiêm tốn và phục vụ anh chị em trong phận vụ riêng Chúa ban cho từng người.
Lạy Chúa Giêsu, là những môn đệ được mời Chúa mời gọi bước theo Ngài, xin chúng con không ngại khó ngại khổ và can đảm bước trên con đường Chúa đã đi qua, là hi sinh vác thập giá với Chúa để cứu độ các linh hồn. Amen.
Hiền Lâm
SUY NIỆM 8: THAM VỌNG CỦA GIA-CÔ-BÊ và GIO-AN
“Chúa đã đến không phải để được người ta phục vụ, nhưng là để phục vụ, và hiến mạng sống làm giá chuộc muôn người.” (Mc 10, 45). Khi chứng kiến cảnh mẹ Tê-rê-sa Calcutta chăm sóc những người hấp hối, lau chùi những vết thương lở loét hôi thối, một nhà báo đã nhận xét: thậm chí ai cho tôi một triệu đô-la tôi cũng không làm được như vậy! Mẹ Tê-rê-sa Calcutta đã tiếp lời, tôi cũng không làm với giá một triệu đô-la nhưng tôi làm điều này vì tình yêu Thiên Chúa.
Tông đồ Gia-cô-bê và Gio-an trong Tin Mừng hôm nay, xin Chúa Giêsu cho một người ngồi bên hữu và một người ngôi bên tả Thầy, khi Thầy được vinh quang. Nhưng trong Tin Mừng theo Thánh Mát-thêu 20, 20 chỉnh sửa câu chuyện; và người nói hộ hai ông đó chính là bà mẹ đã đến để xin Thầy cho hai con của mình. Mười tông đồ khác nổi giận với hai anh em ông này (c.41) có lẽ vì họ có tham vọng tương tự, mà hai anh em ông này đã vượt lên trước họ. Nhân đây, Chúa Giêsu gọi tất cả họ lại và dạy cho họ một bài học về tham vọng và vĩ đại. Bởi vì họ tập trung sự chú ý của mình vào quyền lực mà họ nghĩ mình sẽ sở hữu trong vương quốc mới chứ không phải là những thống khổ sẽ đi kèm cùng với việc phục vụ mà họ sẽ mang đến cho người khác. Thước đo về sự vĩ đại của Chúa Giêsu rất đơn giản: “Ai muốn làm lớn giữa anh em thì phải làm người phục vụ anh em; ai muốn làm đầu anh em thì phải làm đầy tớ phục vụ mọi người.” (c.43-44). Và Chúa Giêsu là mẫu mực của các môn đệ Ngài là chúng ta (c.45).
Có nhiều chính trị gia khi kêu gọi lá phiếu, họ hứa hẹn đủ điều, họ nêu lên khẩu hiệu mà Chúa Giêsu đưa ra hôm nay, họ muốn là người phục vụ cho dân, là tôi tớ của dân. Nhưng khi họ đắc cử rồi thì chuyện gì xẩy ra ai cũng rõ, thường họ là những con sâu mọt đục khoét của dân và ngồi lên đầu lên cổ dân. Còn bạn và tôi, những người đi theo Chúa Giêsu, liệu chúng ta có thấm nhuần được lời dạy và gương lành của Ngài không?
Người môn đệ thực sự của Chúa Ki-tô thì không phải ở vị trí nào, chỗ ngồi nào, mà là ở việc người ta dám dấn thân phục vụ và cho đi. Trong gia đình ở Việt Nam, ta thường bắt gặp người mẹ cặm cụi hy sinh lam lũ, từ trên nhà cho đến xó bếp, việc gì bà cũng làm một cách vui vẻ, và quả thật mặc dù người cha có vẻ oai phong một chút nhưng ở trong nhà, thực sự người phụ nữ mới là người có quyền hành nhất, bà không cần đao to búa lớn nhưng từ cha đến con đều dễ dàng nghe theo sự xếp đặt của bà đó mới là quyền lực thực sự, vì bà đã phục vụ nhiều với tất cả trái tim của người vợ và người mẹ.
Tại thành phố Calcutta, một người nữ tu nhỏ bé nhăn nheo, trong một nơi rất kỳ thị người Công Giáo, nhưng bà đã được mọi người tôn kính gọi là Mẹ không kể họ là tôn giáo nào, và khi bà nằm xuống, hai mươi mốt quả đại bác vang lên để tạm biệt bà trong nghi thức quốc tang của các nguyên thủ quốc gia. Bà thật vĩ đại vì bà đã phục vụ những kẻ bé mọn và tầm thường nhất và cũng bởi vì bà đã yêu mến và nhìn thấy Chúa Giêsu trong mọi tạo vật của Ngài.
Cuối cùng, chúng ta cùng suy ngẫm một công thức mà ai đó đã tải lên mạng như với tựa đề: Công thức cuộc sống lành mạnh:
CỘNG (+) Chúa Giêsu vào cuộc sống của bạn; TRỪ (–) tất cả nỗi sợ hãi của bạn;
NHÂN (X) những hành động tốt của bạn lên; CHIA (:) phước lành của bạn với người khác;
KẾT QUẢ (=) một CUỘC SỐNG TUYỆT VỜI.
Lạy Chúa xin giúp chúng con luôn có khát vọng vươn lên để được ở bên hữu bên tả Chúa bằng đời sống yêu thương, dấn thân phục vụ. Amen.
Lm M. Basilio Nguyễn Văn Phán