THỨ TƯ TUẦN XXVIII THƯỜNG NIÊN

Thứ ba - 15/10/2024 22:09

THỨ TƯ TUẦN XXVIII THƯỜNG NIÊN

Lc 11,42-46

 

Tin Mừng Chúa Giê-su Ki-tô theo thánh Luca.

42Khi ấy, Chúa phán rằng: "Khốn cho các ngươi, hỡi những người biệt phái! Vì các ngươi nộp thuế thập phân, bạc hà, vân hương, và các thứ rau, mà lại bỏ qua đức công bình và lòng yêu mến Thiên Chúa: Phải thi hành những điều này, và không được bỏ những điều kia. 43Khốn cho các ngươi, hỡi những người biệt phái! Vì các ngươi ưa thích ngồi ghế nhất trong các hội đường, và ưa thích được chào hỏi ngoài phố chợ. 44Khốn cho các ngươi, vì các ngươi giống những mồ mả không rõ rệt, người ta bước đi ở trên mà không hay biết!" 45Có một tiến sĩ luật trả lời Người rằng: "Thưa Thầy, Thầy nói như thế là Thầy sỉ nhục cả chúng tôi nữa".

46Người đáp lại rằng: "Hỡi những tiến sĩ luật, khốn cho các ngươi nữa! Vì các ngươi chất lên người ta những gánh nặng không thể vác được, mà chính các ngươi dù một ngón tay cũng không động tới".

 

SUY NIỆM: “KHỐN CHO CÁC NGƯỜI !”

1. “Khốn cho các người”

Trong bài Tin Mừng hôm nay và ngày mai, Đức Giê-su nói tới sáu lần “Khốn cho các người”: ba lần đầu nhắm đến những người Pha-ri-sêu, như chúng ta vừa nghe (c. 42, 43 và 44). Lẽ ra Người dừng lại đây, nhưng những thầy thông luật cũng nghe thấy, và cảm thấy đụng chạm, vì thế họ lên tiếng:

Thưa thầy, thầy nói như thế là nhục mạ cả chúng tôi nữa (c. 45)

Thế là, Đức Giê-su nói thêm ba lần nữa: “Khốn cho các người, hỡi những nhà thông luật” (c. 46). Chúng ta vừa nghe lần thứ nhất, dành cho các nhà thông luật, trong bài Tin Mừng hôm nay. Trong bài Tin Mừng ngày mai, thánh sử Luca sẽ tường thuật hai lần còn lại.

Ở mức độ nào đó, chúng ta cũng hãy để cho mình được đánh động bởi những lời này của Đức Giê-su: “Khốn cho các người !” và nhất là cũng cảm thấy bị đụng chạm.

Khi nói “Khốn cho các người”, Đức Giê-su có vẻ rất nặng lời, nếu chúng ta hiểu đó lời chúc dữ, theo đó họ sẽ chuốc lấy lời kết án nặng nề hay sẽ gặp nhiều tai họa, như án phạt. Tuy nhiên, chúng ta có thể hiểu lời trách mắng nặng nề của Đức Giê-su theo một nghĩa khác. Đó là, Đức Giê-su muốn mặc khải cho những người Pha-ri-sêu và những nhà thông luật, rằng lối suy nghĩ và hành động của họ, là một thứ bệnh; và vì là bệnh, giống như bệnh thể lý, phải có người khám bệnh và cho biết đó là bệnh gì; ngoài ra, như chúng ta đều biết và chắc chắn chúng ta đã có hãy sẽ có kinh nghiệm, bệnh tật, tự nó là một bất hạnh, làm cho mình và người khác đau khổ. Hiểu theo nghĩa này, chúng ta có thể diễn đạt lại lời của Đức Giê-su như sau: “Bất hạnh cho các người !”.

2. Bệnh sống theo vẻ bề ngoài

Trong bài Tin Mừng, Đức Giê-su mặc khải cho những người Pha-ri-sêu biết, họ có ba điều bất hạnh, hay nói cách khác ba thứ bệnh :

Ø Bệnh thứ nhất: làm tròn bổn phận nộp mọi thứ thuế, nhưng lại bỏ qua lẽ công bình, nghĩa là tương quan với tha nhân, và lòng yêu mến Chúa. Nghĩa là họ chỉ làm tròn những bổn phận đem lại cho mình vinh quang, danh dự, tiếng tốt với nhưng người có quyền có thế. Trong khi khởi đầu, cùng đích, tâm điểm và ý nghĩa của Lề Luật là lòng mến Chúa và yêu người, thì họ không quan tâm. Sống lệ thuộc vào lời khen tiếng chê, như chúng ta đều biết, quả là một bất hạnh !

Ø Bệnh thứ hai : thích ngồi ghế đầu trong hội đường, thích được người ta chào hỏi nơi công cộng. Một người có chức có quyền, thì đương nhiên được ngồi ở trên và được chào hỏi. Điều trở nên bệnh hoạn ở đây, theo lời Chúa, là lấy đó làm vui thích, nguồn của tính kiêu căng. Bất hạnh ở đây là tự mình cô lập, tách rời khỏi tương quan đơn sơ, huynh đệ và tình bạn, vốn đem lại niềm vui đích thật.

Ø Bệnh thứ ba: các người giống như mồ mả không có gì làm dấu, người ta giẫm lên mà không hay. Có lẽ đây là lời nặng nề nhất của Đức Giê-su dành cho người Pha-ri-sêu, để mặc khải cho họ căn bệnh hiểm nghèo và chết người. Theo đó, họ chỉ có vẻ bề ngoài, nhưng không ai biết, bên trong toàn là chết chóc, ô uế, thối tha; giống Người nói trong bài Tin Mừng hôm qua: “Bên ngoài chén dĩa, thì các người rửa sạch, nhưng bên trong các người thì đầy những chuyện cướp bóc gian tà” (Lc 11, 39). Lời này sẽ ứng nghiệm, khi họ căm giận Đức Giê-su, gài bẫy, lập mưu để tố cáo, bắt giữ và loại trừ Người.

Ba căn bệnh của người Pha-ri-sêu, mà Đức Giê-su công bố, có thể qui về một căn băn duy nhất, đó là “bệnh sống theo vẻ bề ngoài”. Thế mà, sống theo vẻ bề ngoài là một căn bệnh vừa phổ biến và vừa khó chữa lành của loài người, và của mỗi người chúng ta[1].

3. Chữa lành bằng Thập Giá

Nhưng Đức Giêsu, với tư cách là thầy thuốc, Người không chỉ chuẩn bệnh, nhưng con chữa bệnh nữa. Ngài chữa lành căn bệnh sống theo vẻ bề ngoài của chúng ta không chỉ bằng lời mặc khải, nhưng còn bằng chính cách sống của ngài với con người và Thiên Chúa Cha.

Như con rắn đồng xưa, ai nhìn lên Đấng chịu đóng đinh trên Thánh Giá, thì sẽ được chữa lành, chữa lành khỏi sức mê hoặc của vẻ bề ngoài (x. Ds 21, 4-9 và Ga 3, 13-17). Bởi vì, thập giá là biểu tượng của công lí hay công chính của loài người, nhưng hoàn toàn chỉ có vẻ bề ngoài. Nơi Thập Gía, Đức Kitô muốn giải thoát chúng ta khỏi sự công chính, đến từ chính chúng ta, dựa vào việc giữ Luật; bởi vì sự công chính này, xét cho cùng chỉ có vẻ bề ngoài, không đụng chạm và không thể đụng chạm đến chốn sâu thẳm và thầm kín của đời người và của nội tâm (x. Gl 5, 1-6). Và Ngài muốn trao ban cho chúng ta sự công chính của chính Ngài, sự công chính đích thật của con Thiên Chúa. Như thánh Phao-lô đã xác tín trong thư gởi Tín Hữu Ga-lát mà Giáo Hội cho chúng ta nghe lại trong những ngày vừa qua:

Tôi sống, nhưng không còn phải là tôi, mà là Đức Ki-tô sống trong tôi. Hiện nay tôi sống kiếp phàm nhân trong niềm tin vào Con Thiên Chúa, Đấng đã yêu mến tôi và hiến mạng vì tôi. Tôi không làm cho ân huệ của Thiên Chúa ra vô hiệu, vì nếu người ta được nên công chính do Lề Luật, thì hoá ra Đức Ki-tô đã chết vô ích.

(Gl 2, 20-21)

Như thế, phương thuốc tận cùng của Ngài để chữa lành chúng ta, chính là Thập Giá, nơi đó, vẻ bề ngoài của Người không còn là gì nữa: thân xác, y phục, danh dự, sự nghiệp, sự sống… Nhưng chính lúc đó đức công chính thần linh, căn tính và chân dung đích thật của Người lại rạng ngời nhất.

Lm. Giuse Nguyễn Văn Lộc

 

SUY NIỆM: CẦN TRÁNH THÓI GIẢ HÌNH

Sau khi Đức Giêsu lên tiếng khiển trách các biệt phái về tội vụ luật, hình thức, bây giờ Người vạch ra tội giả hình của họ. Đọc bài Tin mừng hôm nay, chúng ta phải suy nghĩ: có lẽ chúng ta đang sống cách sống của người biệt phái xưa. Lối sống mà Đức Giêsu chê trách là chỉ giữ cặn kẽ những điều luật dạy một cách giả hình mà không theo tinh thần của lề luật, đó là mến Chúa và yêu thương anh em. Đức Giêsu không bác bỏ việc giữ luật, nhưng phải giữ với lòng yêu mến chứ đừng hình thức. Người cũng lên án tính huênh hoang tự cao tự đại chỉ biết hưởng thụ, còn gánh nặng và khó khăn thì trút tất cả cho người khác. 

Đối với sự gian dối và bất lương của những người biệt phái và các nhà thông luật Đức Giêsu đã không ngần ngại lên tiếng khiển trách họ. Thái độ khoe khoang và cái bề ngoài công chính, giả tạo, nhưng bên trong lòng thì chứa đầy những gian xảo của những người biệt phái hay như hành động chèn ép và áp bức của các nhà thông luật đối với người dân bần cùng là cội rễ của các bất công xã hội. Đức Giêsu không có chủ ý kết án những người biệt phái và những nhà thông luật, ngược lại Người chỉ muốn khiển trách để cảnh tỉnh lương tâm của họ, để họ lắng nghe lời Người là Con Thiên Chúa mà trở về con đường ngay thẳng (R.Veritas). 

Đức Giêsu vạch rõ thói giả hình của họ. Giống như mồ mả tô vôi, các người biệt phái với áo vàng mũ miện đai nịt màu mè, nhưng trong tâm hồn đầy những đam mê và suy nghĩ xấu xa. Đó là lối sống đóng kịch và khoe khoang khi muốn tỏ ra cho những người chung quanh những việc làm của họ để được ca tụng. Đó cũng là thái độ của không ít người trong chúng ta, tìm cách che giấu sự thật về con người của mình khi không khiêm tốn nhận những khuyết điểm của mình, không đón nhận sự thật về con người của mình. Lời Chúa mời gọi chúng ta trong khi lo trang điểm cho mình vẻ đẹp bề ngoài, thì cũng lo trang sức cho tâm hồn những nhân đức thánh thiện, lo cải hoá đời sống để được đổi mới trong mọi sự.

Chúa phê bình người biệt phái như vậy mà họ vẫn không tự ái, vẫn im lặng không lên tiếng. Trong lúc đó, có một người thông luật không chịu nổi nữa nên đã phản ứng lại: 

- Thưa Thầy, Thầy nói như vậy là nhục mạ cả chúng tôi nữa! (Lc 11,45)

Đang ngon trớn, với giọng phẫn nộ, Đức Giêsu phê bình luôn cả những người thông luật: “Khốn cho các ngươi nữa, hỡi các nhà thông luật. Các ngươi chất lên vai kẻ khác những gánh nặng không thể gánh nổi, còn các ngươi thì, dù một ngón tay cũng không động vào” (Lc 11,46). Bắt người khác làm mà mình không làm... đó cũng là cách sống giả hình, ích kỷ.

Thánh Giacôbê khẳng định: “Đức tin không có việc làm là đức tin chết” (Gc 2,26).

Đức Giêsu không bao giờ rao giảng những gì mà Người đã không thực hiện trước. Người dạy các môn đệ tránh xa thứ men giả hình của biệt phái, tránh thái độ “ngôn hành bất nhất”, nói mà không làm. Đã có lần Chúa tuyên bố: “Không phải mọi kẻ nói với Thầy: Lạy Chúa, Lạy Chúa, là sẽ được vào Nước trời, nhưng là kẻ làm theo ý Cha Thầy” (Mt 7,21).

 Có người nói: “Trời cho những cái bên ngoài, để che những cái sơ sài bên trong”. Những thứ bên ngoài lắm khi được chú ý một cách thật tỉ mỉ, nhưng thực chất chỉ nhằm che giấu thực trạng tồi tàn trống rỗng nội tâm. Tình trạng đó xảy ra trong đủ mọi lãnh vực từ việc quan hệ giao tiếp giữa người với nhau cho đến việc thờ phượng Thiên Chúa. Ngược lại có người phản ứng lại thái độ đó bằng cách phủ nhận mọi hình thức biểu dương bên ngoài, họ cho rằng chỉ cần giữ “đạo tại tâm” và không cần bất cứ hình thức thể hiện nào khác.

Đức Giêsu dạy chúng ta một đường lối trung dung: “Phải làm các điều này mà không được bỏ các điều kia”. Hãy bắt đầu sống “công bình và nhân ái” và rồi việc bên ngoài như “nộp thuế thập phân về bạc hà, vân hương và đủ thứ rau cỏ” sẽ là một trong những cách thể hiện “lẽ công bình và lòng nhân ái” đó (5 phút Lời Chúa).

Truyện: Người buôn cam ở Hàng Châu 

Ngày xưa ở Hàng Châu, có người chuyên đi buôn cam. Anh ta có tài để dành cam lâu ngày mà không ung, không thối, để lâu ngày mà vỏ vẫn đỏ hồng, vẫn tốt, vẫn đẹp như cam mới hái. Anh đem ra chợ bán. Thiên hạ tranh nhau mua. Ai thấy cam như vậy cũng ham!

Nhưng rồi có một người tên Lưu Cơ cũng mua một quả. Đem về nhà bóc ra thì ôi, hơi thối xông lên mặt, múi thì xác xơ như bông nát. Lưu Cơ liền chạy ra chợ tìm gặp người bán cam và trách móc:

- Anh bán cam cho người ta để làm của cúng của lễ, đãi tân khách hay là chỉ để làm choáng mắt bên ngoài, đánh lừa thiên hạ ? Tệ thật! Anh giả dối lắm!

Người buôn cam mỉm cười:

- Tôi làm nghề này đã lâu lắm để kiếm tiền nuôi thân. Tôi bán thì người ta mua, chẳng ai nói năng gì cả. Chỉ có ông là kêu ca thôi. Thiên hạ giả dối nhiều, chẳng riêng gì một mình tôi. Thật ông chẳng nghĩ cho đến nơi đến chốn. Hãy thử xem, người đeo hộ phù, da hổ hùng dũng trông ra dáng quan võ lắm. Kỳ thực họ có được như Ngô Khởi, Tôn Tẫn thuở xưa không ? Người đội mũ cao, đóng đai vàng, trông ra dáng quan văn lắm. Kỳ thực họ có được giỏi như Cao Dao, Y Doãn không ? Giặc nổi lên, không biết dẹp, dân khổ, không biết kêu vào đâu. Quan lại thì tham nhũng, không biết trừng trị. Pháp đồ hỏng không biết sửa đổi, ngồi không, ăn lương chẳng biết xấu hổ... thế mà lúc ra ngồi công đường, đi xe ngựa, uống rượu ngon, ăn của lạ, hách dịch vô cùng!... Đó, bề ngoài họ chẳng như vàng ngọc, mà bề trong chẳng hôi xác xơ như bông nát là gì ? Sao ông không chịu xét những hạng người như thế mà lại đi xét quả cam tôi ?

 Lm. Giuse Đinh Lập Liễm

 

 

SUY NIỆM : BIẾT PHÂN BIỆT ĐÚNG SAI THEO Ý CHÚA

Câu chuyện

Để diễn tả nỗ lực của mỗi người qua phần thưởng Chúa sẽ ban, thánh Têrêsa Hài Đồng đã dùng một hình ảnh hết sức đơn sơ để so sánh về phần thưởng nước Trời với sự cố gắng của con người như sau: Nếu ta đặt trên bàn một số những chiếc ly lớn nhỏ khác nhau rồi đổ đầy nước vào từng ly ấy, chúng ta sẽ nhận thấy rằng tất cả mọi ly đều đầy nước, có nghĩa là không ly nào có thể chứa thêm được nữa. Nhưng không phải là không có sự khác nhau vì những ly lớn sẽ chứa được nhiều nước hơn những ly nhỏ.

Suy niệm

Trong Tin Mừng hôm nay có thể hiểu rộng ra là tất cả mọi người đều được trao những nén bạc, đều tận tâm tận lực làm cho sinh lời. Có người mặc cảm với số vốn ít ỏi, nên không tận lực làm lời, hình ảnh đó phác họa mặc cảm tự ti của con người. Tâm lý học có nói mặc cảm là một thứ bệnh khó trị. Nó sinh ra nhiều biến chứng tệ hại. Người mang mặc cảm luôn tự cho mình thua kém người khác, tự ti về khả năng, nên họ muốn buông xuôi chôn vùi cuộc đời mình trong sự thất vọng. Mặc cảm làm mình thu lại trong “vỏ ốc tự ti”...

Hãy chui ra khỏi vỏ ốc của sự tự ti, phá bỏ bức tường mặc cảm yếu kém hơn người để tiến vào cuộc sống trong an vui và trách nhiệm. Chúng ta hãy tùy theo khả năng sống mà phục vụ hết mình, thánh Phaolô mời gọi chúng ta: “Mỗi người hãy xem xét việc làm của chính mình (...) chứ đừng so sánh với người khác” (Gl 6,4). Làm việc tận khả, Ngài nhấn mạnh giá trị của thời giờ, con người phải biết trân trọng, vì đó là thời gian Chúa ban. Ngài kêu gọi đừng ngủ mê, nhưng phải luôn làm việc (x. 1Tx 5,1-6). 

Thiên Chúa luôn mời gọi sự cố gắng của con người, dù đó là việc bình thường nhưng tận lực trong phi thường, con người sẽ làm nên những kỳ tích cho cuộc đời mình và cho xã hội. William Barclay đã viết: “Thiên Chúa không muốn những con người phi thường làm những việc phi thường, nhưng Ngài rất muốn những con người bình thường làm những việc bình thường một cách phi thường”.

Thật thế, trong ngày phán xét chung. Thiên Chúa sẽ phán xét mỗi người, mỗi hành vi tùy theo ân huệ Người ban và người đó đã sử dụng sinh lợi cho Chúa như thế nào trong cuộc đời. Mỗi chúng ta cũng đều là một người quản lý ân huệ và tài năng của Chúa ban. Chúng ta có bổn phận phải khiêm tốn nỗ lực làm lời cho Chúa để phục vụ Chúa và anh em đồng loại.

Ý lực sống

“Ai có sẽ cho thêm, và người đó sẽ được dư dật;

còn ai không có, người ta sẽ lấy đi cả cái nó đang có…” (Lc 19,26).

Lm Nguyễn Vinh Sơn SCJ

 

SUY NIỆM: THIÊN CHÚA LÀ TÌNH YÊU

Ðối diện với sự gian dối và bất lương của những người pharisiêu và các nhà thông luật, Chúa Giêsu đã không ngần ngại lên tiếng khiển trách họ. Thái độ thích khoe khoang và cái bề ngoài công chính, giả tạo nhưng bên trong lòng thì chứa đầy những gian xảo của những người pharisiêu hay như hành động chèn ép và áp bức của các nhà thông luật đối với người dân bần cùng là cội rễ của các bất công xã hội. Chúa Giêsu không có chủ ý kết án những người pharisiêu và những nhà thông luật, ngược lại, Ngài chỉ muốn khiển trách để cảnh tỉnh lương tâm của họ, để họ lắng nghe lời Ngài là Con Thiên Chúa mà trở về con đường ngay thẳng.

Chúa Giêsu dạy cho họ biết rằng chỉ có một điều luật lớn nhất vượt lên trên mọi Lề Luật khác đó là luật mến Chúa yêu người. Những ai sống theo luật yêu thương này là thực hành ý muốn của Thiên Chúa. Thánh Phaolô tông đồ trong thư gởi các tín hữu Rôma nhắc nhở rằng: "Tất cả chúng ta cần đến lòng thương xót của Thiên Chúa, vì chúng ta không thể tự mình trở nên công chính trước mặt Người". Thánh Phaolô cũng lên tiếng cảnh giác những người tự cho mình là công chính mà không cần tới lòng thương xót của Thiên Chúa, và từ đó nảy sinh ra thái độ xét đoán người khác. Người nói: "Còn bạn, hỡi người xét đoán những kẻ làm điều đó trong khi chính mình cũng làm như vậy. Bạn tưởng mình khỏi sẽ bị Thiên Chúa xét xử sao?"

Vì thế, ai phán xét và kết án những người khác là lòng bị bất công vì chính mình cũng thuộc vào cùng một lỗi lầm, hay nói cách khác, tất cả chúng ta đều là những người tội lỗi như nhau. Mặt khác, thái độ lên án người khác gây ra sự chia rẽ giữa chúng ta với những người khác. Ngay cả trường hợp chúng ta có làm được những công nghiệp tốt lành đi nữa thì hành động này của chúng ta cũng không làm cho Thiên Chúa hài lòng. Một công nghiệp tốt lành có tác động làm cho mọi người được hiệp nhất với nhau chứ không tạo nên sự chia rẽ.

Thiên Chúa chính là sự hiệp nhất và tình yêu. Những ai sống theo tinh thần này là sống theo thánh ý của Thiên Chúa. Chúng ta cần đặt mình trước sự thương xót và lòng bác ái của Thiên Chúa, đó là con đường duy nhất dẫn đến sự cứu rỗi. Chúng ta cần hướng về Thiên Chúa để xin Người ban cho hồng ân cứu rỗi mà Người đã hứa ban cho toàn thể nhân loại, không kể đó là người Kitô hay dân ngoại, người công chính hay người tội lỗi. Vì tất cả chúng ta đều cần tới tình yêu thương và sự thương xót của Thiên Chúa, là vị Cha chung của tất cả chúng ta ở trên trời.

Lạy Chúa,

Chúa là cội nguồn của sự công chính và bác ái. Xin soi sáng và hướng dẫn lương tâm chúng con để chúng con biết sống một cách lương thiện và công bằng mà không xúc phạm hay làm tổn thương đến những người anh em khác. Qua thái độ sống lương thiện và chân thật đó chúng con làm chứng tá cho tình yêu và sự hiện diện của Chúa trên trần gian này.

(Trích trong ‘Mỗi Ngày Một Tin Vui’)

 

SUY NIỆM: KHỐN CHO CÁC NGƯỜI

“Khốn cho các người” (Lc 11,42), đó là lời quở trách của Đức Giêsu đối với những người Pharisêu và các nhà thông luật khi xưa. Hôm nay, lời quở trách đó cũng là lời nhắc nhở tôi cần nhìn lại thái độ của bản thân trong cuộc sống hằng ngày.

Đức Giêsu đã dùng từ rất nặng để chỉ trích những người Pharisêu và các nhà thông luật. Người tố cáo họ vì thái độ bám vào lề luật một cách khắt khe, máy móc nhưng lại không có tinh thần sống lề luật đó. Họ tỏ vẻ bên ngoài rất đạo đức để thiên hạ thấy và ca tụng mà thôi. Hơn nữa, họ là những người biết luật, nhưng lại không sống với lề luật. Trái lại, họ dùng những lề luật đó để áp đặt người khác và bắt người khác phải thực thi những luật lệ mà họ đề ra.

Biết bao lần tôi chỉ chú trọng hình thức bên ngoài mà xao lãng đời sống nội tâm. Biết bao lần tôi chỉ làm những việc cốt để được lời khen ngợi chứ không vì lòng yêu mến Chúa và tha nhân. Biết bao lần tôi chỉ chu toàn bổn phận cách miễn cưỡng mà thiếu lòng nhiệt thành, chê bai người khác mà không thật tình xây dựng tình huynh đệ. Còn bao nhiêu điều “biết bao lần” nữa … mà tôi phải trả lẽ trước mặt Chúa?

Lời Chúa hôm nay mời gọi tôi phải biết sống thật với con người của mình. Đặc biệt, biết quan tâm và chăm lo cho đời sống nội tâm hơn là những hình thức bên ngoài, biết sống tình liên đới với anh em trong cộng đoàn, với tất cả mọi người mà tôi gặp gỡ bằng sự đơn sơ và bằng tình yêu thương thật sự.

Lạy Chúa Giêsu, xin giúp con luôn ý thức được rằng Chúa cần lòng nhân hơn là của lễ, cũng như Chúa cần những gì thật sự là của con hơn là hình thức.

Antôn A Bảo, SVD

  Ý kiến bạn đọc

Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây