Suy niệm - Lễ trái tim vô nhiễm Đức Mẹ

Thứ sáu - 16/06/2023 09:25
Lời Chúa: Lc 2, 41-52

Hằng năm cha mẹ Chúa Giêsu có thói quen lên Giêrusalem để mừng lễ Vượt Qua. Lúc bấy giờ Chúa Giêsu lên mười hai tuổi, cha mẹ Người đã lên Giêrusalem, theo tục lệ mừng ngày lễ Vượt Qua. Và khi những ngày lễ đã hoàn tất, hai ông bà ra về, trẻ Giêsu đã ở lại Giêrusalem mà cha mẹ Người không hay biết. Tưởng rằng Người ở trong nhóm các khách đồng hành, hai ông bà đi được một ngày đàng mới tìm kiếm Người trong nhóm bà con và những kẻ quen biết. Nhưng không gặp thấy Người, nên hai ông bà trở lại Giêrsalem để tìm Người.
Sau ba ngày, hai ông bà gặp thấy Người trong đền thờ đang ngồi giữa các thầy tiến sĩ, nghe và hỏi các ông. Tất cả những ai nghe Người nói, đều ngạc nhiên trước sự hiểu biết và những câu Người đáp lại. Nhìn thấy Người, hai ông bà đã ngạc nhiên, và mẹ Người bảo Người rằng: "Con ơi, sao Con làm cho chúng ta như thế? Kìa cha Con và mẹ đây đã đau khổ tìm Con".
Người thưa với hai ông bà rằng: "Mà tại sao cha mẹ tìm con? Cha mẹ không biết rằng con phải lo công việc của Cha con ư?" Nhưng hai ông bà không hiểu lời Người nói. Bấy giờ Người theo hai ông bà trở về Nadarét, và Người vâng phục hai ông bà.


Suy niệm 1:  Nhóm Bạn Đường Linh Thao biên dịch

Nguồn: https://interruptingthesilence.com/2011/01/03/growing-up-and-moving-home-a-sermon-on-luke-241-52/

Kinh Thánh hôm nay thuật lại việc Cha Giu-se và Mẹ Maria tìm con trong đền thờ. Thật sự chẳng có gì đáng ngạc nhiên khi Mẹ Maria rơi vào hoảng loạn khi Mẹ phát hiện con mình, Giêsu, không ở trong đoàn lữ hành. Cả Mẹ Maria và Bố Giuse đã vô cùng vội vã đi tìm Ngài. Và ba ngày sau, khi gặp lại đứa con thất lạc, những lời đầu tiên Mẹ Maria đã thốt lên là: “Con ơi, sao con lại xử với cha mẹ như vậy?” Có lẽ, những lời của Đức Mẹ thật sự là: “Con đã ở đâu suốt mấy ngày nay? Cha và mẹ đây đã vâng theo lời sứ thần, hạ sinh con trong máng cỏ bò lừa, và sống như những người tị nạn ở Ai cập, nay chẳng phải chỉ để lạc mất con ở Giêrusalem!” Nhưng Chúa Giêsu không phải là người bị lạc. Ngài biết Ngài là ai, và thuộc về nơi nào. Chỉ có Maria và Giuse là người đang bị lạc.

Bài Tin Mừng hôm nay là câu chuyện về sự trưởng thành, nhưng không phải về sự trưởng thành của cậu bé Giêsu, mà là của Maria và Giuse, của bạn và của tôi. Lớn lên không phải là về vấn đề tuổi tác. Trái lại, là về sự thăng tiến sâu sắc hơn, chân thật hơn trong mối tương quan của chúng ta với Thiên Chúa, với thế giới, với mỗi người xung quanh và với cả chính mình.

Chúa Giêsu là Đấng làm cho chúng ta lớn lên. Ngài là Đấng làm cho Maria và Giuse lớn lên. Ở một mức độ nào đó, trẻ con làm cho cha mẹ của chúng lớn lên. Chúng làm cho chúng ta phải nhìn vào thế giới, cuộc sống, và con người của chính chúng ta theo một cách mới, hoàn toàn khác, và đôi khi khá đau đớn. Và đó chính là lý do mà Chúa Giêsu đã đặt câu hỏi cho Mẹ Maria. Mẹ đã đặt mình và thánh Giuse làm trung tâm thế giới của Chúa Giêsu.

“Sao cha mẹ lại tìm con? Cha mẹ không biết là con có bổn phận ở nhà của Cha con sao?” Chúa Giêsu đang có ý nói với Mẹ Maria rằng Mẹ hẳn phải biết rõ Ngài ở nơi nào. Câu hỏi ấy như thể Ngài đang nói với Mẹ rằng: “Mẹ nhớ không, sứ thần đã báo với mẹ rằng con là Con Thiên Chúa. Mẹ có nhớ đêm ấy tại Bê-lem, các thiên thần ca ngợi Chúa, các mục đồng chúc tụng Chúa, 3 vị đạo sĩ, các lễ vật của họ, và cả sự kính thờ. Mẹ còn nhớ giấc mơ của bố Giuse, giấc mơ đã đưa chúng ta đến Ai Cập và trở lại nơi đây chăng? Như vậy, con có thể ở đâu ngoài nơi này được chứ?” Chúa Giêsu đặt Chúa Cha làm trung tâm thế giới của mình, và mong muốn Mẹ Maria, và cả chúng ta hãy làm như vậy, hãy đi đến Nhà Cha.

Hành trình lớn lên đích thực luôn bao gồm việc từ bỏ. Sự lớn lên của Mẹ Maria bao hàm Mẹ phải từ bỏ hình ảnh “con trai Giêsu” của mình. Mẹ đã hạ sinh Chúa Giêsu, nhưng Ngài là Con của Chúa Cha. Ngài ở với Mẹ, nhưng không thuộc về Mẹ. Mẹ có thể trao tình yêu cho Ngài, nhưng không thể buộc các suy nghĩ hay cách làm của Mẹ cho Ngài. Ngài phải làm những công việc của Chúa Cha. Nói tóm lại, Mẹ phải cố gắng để trở nên giống Chúa Giê-su, và không được buộc Giê-su phải nên giống Mẹ.

Chúa Giêsu đã di chuyển từ ngôi nhà của mẹ Maria và bố Giuse để đến nhà của Cha. Đây không phải là Chúa Giêsu chối bỏ cha mẹ phàm trần của mình, nhưng là đặt lại mức độ ưu tiên trong các mối quan hệ. Đó là điều Ngài hỏi Simon và An-rê, Gia-cô-bê và Gioan. “Hãy theo Thầy” là lời mời gọi họ bỏ lại nhà cửa, gia đình, cha mẹ và đi đến một nơi khác, sống một cuộc đời khác, nhìn mọi sự với một đôi mắt khác. Và đó cũng là điều Ngài đang mời gọi chúng ta hôm nay.

Lớn lên về mặt thiêng liêng là mời gọi chúng ta phải bước ra khỏi vùng an toàn của mình, bỏ lại những gì là bảo đảm và quen thuộc, để đi đến một nơi rộng lớn hơn, để đến Nhà Cha. Việc từ bỏ này là điều cần thiết nếu chúng ta muốn lớn lên trong tình yêu và trở nên giống Chúa Giêsu Ki-tô. Nó có nghĩa là chúng ta phải bỏ lại ngôi nhà chật hẹp của mình.

Tất cả chúng ta đều đang sống trong nhiều ngôi nhà khác nhau. Đó là những ngôi nhà của sợ hãi, giận giữ và thành kiến, của đau khổ và mất mát. Là những ngôi nhà mà ở đó, chúng ta bị thuyết phục rằng chúng ta chẳng là gì cả, rằng chúng ta không đủ tốt, không được đón nhận, hoặc không được yêu thương. Là những ngôi nhà mà chúng ta đã, hoặc đang bị tổn thương, tan nát. Là những ngôi nhà mà chúng ta tổn thương người khác. Là những ngôi nhà của thờ ơ, vô cảm và lãnh đạm. Là những ngôi nhà của tội lỗi và sai quấy. Là những ngôi nhà của ngồi lê đôi mách, ghen ghét và cao ngạo.

Bất cứ ai trong chúng ta cũng đều có thể gọi tên những ngôi nhà mà chúng ta đang cư ngụ, những ngôi nhà làm cho cuộc sống ta nên chật hẹp, tầm nhìn ta nên nông cạn và thế giới ta nên trống rỗng. Vấn đề là đôi khi chúng ta lại thấy thoải mái, yên ổn trong những ngôi nhà này. Nhưng chúng không phải là nhà thực sự của ta, không phải là ngôi nhà mà Thiên Chúa dành cho ta. Chúng ta có thể sẽ phải trải qua những ngôi nhà ấy, nhưng không phải là ở mãi nơi đó.

Chúa Giêsu không chỉ nói cho chúng ta biết về một ngôi nhà mới, nhưng còn mời gọi, hướng dẫn và làm cho chúng ta lớn lên trong ngôi nhà ấy. Đó là một nơi mà Ngài biết rất rõ, là Nhà Cha, nơi mà chúng ta có thể biết được rằng chính mình, và từng người, đều là những đứa con rất yêu dấu của Thiên Chúa, được dựng nên theo hình ảnh của Ngài và được mời gọi để trở nên giống Ngài. Vì thế, tại sao chúng ta lại phải tiếp tục thuê một nơi chỉ làm chúng ta trở nên bần cùng khốn khó trong khi chúng ta có thể đến ở Nhà Cha miễn phí nhỉ? Trong Nhà Cha, chỗ ngồi nơi bàn tiệc của ta đã sẵn sàng. Đó là nơi mà ta có thể sống trong những căn phòng của lòng thương xót, thứ tha và niềm vui, của vẻ đẹp, quảng đại và trắc ẩn.

Rời bỏ nhà mình không nhất thiết có nghĩa là chúng ta phải rời khỏi ngôi nhà chúng ta đang sinh sống về mặt vật lý hoặc địa lý, dù có đôi khi chúng ta cũng phải làm như thế. Nhưng rời bỏ nhà mình có nghĩa là kiểm tra, xem xét và ưu tiên lại những giá trị, niềm tin và các mối quan hệ có vai trò định hình con người ta, làm cho cuộc sống của ta có giá trị và ý nghĩa.

Nó có nghĩa là phải bỏ đi những nhận diện giới hạn trong phạm vi gia đình sinh học của chúng ta, của công việc, danh tiếng cộng đồng, dân tộc, hoặc một đảng phái chính trị. Nó có nghĩa là chúng ta phải dừng việc liên quan đến nhau qua so sánh, cạnh tranh và phán xét, mà phải bắt đầu thông qua tình yêu, từ bỏ mình và sự yếu đuối. Nó có nghĩa là chúng ta phải buông bỏ nỗi sợ hãi tương lai và khám phá ra rằng Thiên Chúa đang ở đây, trong hiện tại này, và mọi sự sẽ ổn. Chúng ta phải thôi nghĩ về những sai lầm, hối tiếc và tội lỗi trong quá khứ, mà hãy đón nhận lòng thương xót và sự tha thứ của Thiên Chúa và của nhau. Chúng ta phải nhìn cuộc sống mình không đối lập với người khác, nhưng liên đới cách mật thiết và phụ thuộc lẫn nhau.

Những ngôi nhà chật hẹp mà bạn đang trú ngụ là gì? Chúng đã kìm hãm cuộc sống của bạn, sự phát triển của bạn, và kéo bạn khỏi Nhà Cha như thế nào? Bạn phải bỏ lại điều gì phía sau để lớn lên và đi đến một nơi tốt hơn? Đây có thể là những câu hỏi khó khăn, và có lẽ cả đau đớn nữa. Tuy nhiên, đó là những câu hỏi dựa trên tình yêu, và bạn hãy cố gắng dành thời gian để kiếm tìm câu trả lời. 

Suy niệm 2:  Trái tim người Mẹ--Lm Antôn Nguyễn Cao Siêu, SJ

Nếu ai hỏi Mẹ Maria điều gì quý nhất trong đời Mẹ,
hẳn Mẹ sẽ trả lời đó là Giêsu, con của Mẹ.
Người con này Mẹ đã cưu mang, dưỡng dục, và bảo vệ giữ gìn.
Người con này đã đem lại cho Mẹ biết bao niềm vui và hãnh diện.
Nhưng Mẹ cũng chịu nhiều đau khổ vì người con ấy.
Bài Tin Mừng hôm nay vén mở một chút nỗi đau của Mẹ,
cho thấy một chút trái tim của Mẹ khi sống bên Giêsu.
Cậu Giêsu, mười hai tuổi, cùng với cha mẹ lên Đền thờ mừng lễ Vượt qua.
Kể cũng lạ khi cậu ở lại Giêrusalem mà không báo cho cha mẹ biết.
Hai ông bà đi một ngày đường mới nhận ra mình mất con,
vội vã đi tìm trong đám bà con thân thuộc,
nhưng không thấy, nên trở lại Giêrusalem mà tìm.
Phải qua ba ngày đầy lo âu và nước mắt mới tìm thấy con trong Đền thờ.
Kinh nghiệm mất- tìm kiếm- tìm thấy này thật đau đớn đối với người mẹ.
Mẹ Maria sợ mất con, mất điều rất quý đã được Thiên Chúa trao cho mình.
Nhưng khi thấy con mình ngồi giữa các vị thầy, rất bình an trò chuyện với họ,
thì Mẹ lại sửng sốt, ngỡ ngàng, thay vì vui sướng.
Như vậy là con không bị lạc, nhưng đã cố ý ở lại Đền thờ mà không báo.
Mẹ không nén được một lời trách móc: “Tại sao con làm thế với cha mẹ?
Cha con và mẹ đã khắc khoải tìm con” (c. 48).
Chuyện không ngờ là cậu Giêsu đã đáp lại câu hỏi của Mẹ bằng hai câu hỏi,
đầy vẻ sửng sốt và cũng là một lời trách: “Tại sao cha mẹ lại tìm con?
Cha mẹ không biết là con phải ở nhà của Cha con sao?” (c.49).
Cũng có thể hiểu là: cha mẹ không biết con phải lo việc của Cha con sao?
Đức Giêsu, khi lên mười hai tuổi, đã bắt đầu có ý thức mình thuộc về Cha.
Người Cha trên trời này khác với người cha mà Ngài đang chung sống.
Ngài phải ở với và lo việc cho người Cha này, lẽ ra cha mẹ phải biết chuyện đó.
Dĩ nhiên hai ông bà chưng hửng, không hiểu được câu nói của cậu Giêsu (c.50).
Riêng Mẹ Maria có thói quen nghiền ngẫm về các biến cố khó hiểu.
Mẹ giữ kỹ trong trái tim mình những chuyện xảy ra (Lc 2, 19. 51b).
Chúng ta tưởng Mẹ Maria luôn luôn hiểu Con mình, hiểu ngay, hiểu trọn vẹn.
Chúng ta tưởng ai sống thánh thiện thì lúc nào cũng vui, chẳng bao giờ lo sợ.
Nhìn Mẹ Maria, chúng ta hiểu theo Chúa là bước vào một cuộc hành trình.
Có những lúc như đang chơi ú tim với Chúa, mất rồi lại tìm, tìm thấy rồi lại mất.
Chúng ta chẳng bao giờ nắm được Chúa, giữ chặt Chúa trong tay.
Chúa vẫn là Đấng không thể thấu hiểu được, và vẫn làm chúng ta sững sờ.
Mẹ Maria đã chứng kiến Đức Giêsu lớn dần về mọi mặt (Lc 2, 40),
từ khi sinh ra đến khi mười hai tuổi,
và từ mười hai tuổi đến lúc trưởng thành (Lc 2, 52).

Suy niệm 3: Lễ Trái Tim Vô Nhiễm Nguyên Tội Mẹ Maria-- Linh Tiến Khải

Trong các lễ nhớ dành riêng cho Mẹ Maria liên quan tới lễ Đức Mẹ Lộ Đức, có lễ Trái Tim Vô Nhiễm Nguyên Tội Mẹ Maria.
Kiểu nói ”trái tim vô nhiễm” mới có sau này, và trở thành thông dụng sau khi Đức Giáo Hoàng Pio IX công bố tín lý Đức Mẹ Vô Nhiễm Nguyên Tội năm 1854. Trước đó có các kiểu nói thông dụng như ”trái tim rất thanh sạch”, hay ”trái tim rất vẹn tuyền”, hoặc ”trái tim rất thánh” Đức Mẹ Maria, hoặc các kiểu nói tương tự.
Nhưng nhầt là sau khi Đức Mẹ hiện ra tại Fatima bên Bồ Đào Nha năm 1917 với ba trẻ mục đồng Lucia, Phanxicô và Giacinta, và viêc phát hành các bút tích của chị Lucia, kiểu nói ”trái tim vô nhiễm nguyên tội” Mẹ Maria chiếm ưu thế trong thói quen của Giáo Hội và trong phụng vụ. Nó đạt tột đỉnh giữa các năm 1942-1952, vì ảnh hưởng của các biến cố tại Fatima đã xác định việc thánh hiến thế giới cho Trái tim vô nhiễm nguyên tội Đức Mẹ và nhiều cuộc thánh hiến từ phía các cơ cấu giáo hội, và đôi khi cả từ các tổ chức dân sự. Phong trào tôn sùng Trái Tim vô nhiễm nguyên tội Đức Mẹ đạt tột đỉnh vào năm 1944 với việc cử hành lễ kính trong toàn Giáo Hội Latinh. Các năm đó cũng là thời điểm lòng sùng kính Đức Mẹ nở hoa, và việc tôn sùng Trái Tim vô nhiễm Mẹ Maria đạt cường độ mạnh mẽ chưa từng thấy.
Tuy nhiên, rất tiếc các năm trước khi Công Đồng Chung Vaticăng II khai mạc, và nhất là thời gian hậu Công Đồng, lòng tôn sùng Trái Tim vô nhiễm nguyên tội Mẹ Maria gặp khủng hoảng, cũng giống như lòng tôn sùng Thánh Tâm Chúa Giêsu. Trong Thông điệp ”Haurietis aquas” ”Các con sẽ kín múc nước” về lòng tôn sùng Thánh Tâm Chúa Giêsu, công bố ngày 15 tháng 5 năm 1956, Đức Giáo Hoàng Pio XII đã viết rằng: ”Thật đáng than phiền rằng trong qúa khứ cũng như trong ngày nay, việc phụng tự rất cao qúy này đã không có được vinh dự và sự trân trọng nơi một số Kitô hữu, và đôi khi cả nơi một số người nói rẳng họ được linh hoạt bởi sự nồng nhiệt chân thành đối với các lợi ích của đạo công giáo và việc thánh hóa chính mình”.
Ngay trong năm 1956 Thông điệp đã duyệt xét các lý do qua đó, theo ý kiến của vài tác giả, việc tôn sùng Thánh Tâm Chúa Giêsu đã gặp khủng hoảng. Đối với họ việc tôn sùng Thánh Tâm là điều không thời sự và không thích hợp, là ”ít đáp ứng, nếu không nói là làm hại cho các nhu cầu tinh thần cấp thiết nhất của Giáo Hội và của nhân loại trong giờ phút hiện tại này”; là ”siêu tưới gội, vô ích và nguy hại” đặc biệt đối với những chiến sĩ của Nước Thiên Chúa, lo lắng thánh hiến điều tốt nhất trong các năng lực tinh thần của họ để gia tăng các thực hành và các việc đạo đức, mà họ coi là cần thiết hơn cho thời đại ngày nay”; là ”suy tàn và tình cảm”, nghĩa là ”một hình thức tôn sùng thấm nhuần tình cảm hơn là các tư tưởng cao qúy và các trìu mến, và vì thế phù hợp với phái nữ hơn là với các người có học thức”; là có dấu vết ”yếu đuối thụ động”, bởi vì họ cho rằng ”việc tôn sùng này qúa bị cột buộc vào các hành động hãm mình, đền tội và các nhân đức mang dấu vết thụ động, vì thiếu các hoa trái rõ ràng bề ngoài, và do đó ít thích hợp với việc củng cố tinh thần tu đức tân tiến, mà bổn phận hoạt động công khai phải có”.
Đây là các thành kiến đích thật được nuôi dưỡng bởi chủ thuyết duy tự nhiên và khuynh hướng tình cảm gia tăng. Để giải thích chúng một vài tác giả đã đưa ra các lý do sau đây. Chẳng hạn như sự không chính xác của nền thần học liên quan tới việc tôn sùng Thánh Tâm Chúa Giêsu; việc ”đền bù” bị hiểu sai và thực hành lại còn sai hơn nữa; tinh thần tu đức suy đồi được khích lệ trong một vài hiệp hội đạo đức; biểu tượng bị áp dụng lệch lạc và được giới thiệu như là một bức màn chắn giữa Chúa Kitô và tín hữu; một vài sự không hài hòa giữa các hình thái việc tôn sùng Thánh Tâm Chúa Giêsu và các hình thức sâu xa hơn của lòng đạo đức trong thời đại chúng ta; các hình thức được gợi hứng bởi giáo hội học, bởi giáo thuyết về thân mình mầu nhiệm, kinh nghiệm về cuộc sống của Thiên Thúa Ba Ngôi. Thế rồi còn có sự vỡ mộng và cụt hứng không thể biệm minh, nhưng thực sự đối với vài ”lời hứa” vén mở cho thấy chúng vô ích, khi nhằm bảo đảm cho các cá nhân và xã hội chống lại các tai ương: thí dụ như ”Ta sẽ thống trị bên Tây Ban Nha với nhiều tôn sùng hơn các nơi khác”; khuynh hướng tôn sùng ích kỷ và duy lợi ích xem ra xúi dục sự tôn sùng này, trong khi nó bị hiểu sai; nghệ thuật các ảnh tượng chưa gặp được các hình thái diễn tả giá trị, vì nó đã không thành công trong việc cống hiến nhiều hơn là vài kiểu mẫu gợi hứng mòn mỏi hay một sở thích gây chán nản. Và những nhận xét đại loại kéo dài vô tận, trong các nguyệt san đạo đức, trong các sách báo tôn giáo, các bài giảng vô vị và tuyệt đối, trái nghịch với các khuynh hướng tân tiến ngày càng đòi hỏi sự đơn sơ và chân thật.
Ở đây không phải là chỗ để bênh vực lòng sùng kính Trái Tim Đức Mẹ, cũng đã chịu cuộc khủng hoảng như lòng tôn sùng Thánh Tâm Chúa Giêsu, tuy trong các tỷ lệ ít hơn. Các phương thức giúp ra khỏi cuộc khủng hoảng này trước hết thuộc trật tự tổng quát, và cũng là những phương thức cho phép thoát khỏi cuộc khủng hoảng gọi là ”cuộc khủng hoảng thời hậu công đồng”. Tuy nhiên, không thể coi Công Đồng Chung Vaticăng II là nguyên do của cuộc khủng hoảng này. Nó đã chỉ là dịp, vì các văn bản giáo huấn tuyệt hảo của Công Đồng đã chỉ được đọc và áp dụng bởi một vài lãnh vực trong Giáo Hội. Nói cách khác, chính sự kiện đại đa số Kitô hữu đã không đọc, không hiểu biết, thấm nhuần, áp dụng và sống các giáo huấn của Công Đồng nên mới có các lệch lạc gây ra cuộc khủng hoảng đó.
Bởi vì, nếu thực sự Công Đồng Chung Vaticăng II đã hướng lòng đạo đức của tín hữu tới việc thờ phượng có tính cách phụng vụ, thì Công Đồng đã không hề lơ là trong việc nhắn nhủ họ về các cung cách sống đạo bình dân chân thực. Bằng chứng là số 67 Hiến chế về Giáo Hội viết rõ ràng như sau: ”Giáo Hội khuyến khích hết mọi con cái hãy nhiệt tâm phát huy lòng sùng kính Đức Nữ Trinh, nhất là trong phụng vụ, hãy coi trọng những việc thực hành và việc đạo đức nhằm suy tôn Mẹ và đã được Huấn Quyền Giáo Hội cổ võ qua các thế kỷ, cũng như hãy kính cẩn tuân giữ những quyết định của các thời đại trước liên quan đến việc tôn kính ảnh tượng Chúa Kitô, Đức Nữ Trinh và các Thánh.
Công Đồng cũng hết lòng khuyến khích các nhà thần học và những người rao giảng lời Chúa, khi xét đến phẩm giá phi thường của Mẹ Thiên Chúa, hãy cẩn thận tránh mọi tư tưởng phóng đại sai lầm, cũng như mọi tư tưởng hẹp hòi qúa đáng... nhưng hãy làm sáng tỏ đúng mức những vai trò và đặc ân của Đức Trinh Nữ; những chức vụ và đặc ân này luôn luôn quy hướng về Chúa Kitô là nguồn mạch toàn thể chân lý, thánh thiện và đạo đức. Họ phải cẩn thận tránh xa mọi lời nói hay việc làm có thể làm cho các anh em ly khai hay bất cứ ai khác hiểu sai giáo lý đích thực của Giáo Hội. Phần các tín hữu, hãy nhớ rằng, lòng tôn sùng chân chính không hệ tại tình cảm chóng qua và vô bổ, cũng không hệ tại một sự đễ tin phù phiếm, nhưng phát sinh từ một đức tin chân thật. Đức tin dẫn chúng ta đến chỗ nhìn nhận địa vị cao cả của Mẹ Thiên Chúa và thúc đẩy chúng ta lấy tình con thảo yêu mến và noi gương các nhân đức của Mẹ chúng ta” (LG 67).
Như thế, chúng ta phải công nhận rằng cần canh tân việc tôn sùng Thánh Tâm Chúa Giêsu và Trái Tim Đức Mẹ theo các tiêu chuẩn sau đây.
Thứ nhất, trở về với các nguồn mạch đích thật của việc tôn sùng là Thánh Kinh, Truyền Thống, Huấn Quyền và suy tư thần học được cập nhật. Dĩ nhiên, không thể bỏ qua vài ”nguồn mạch” có tính cách thần bí và đặc sủng, khi chúng chân thực như các mạc khải trong các lần Đức Mẹ hiện ra ở Helfta, Paray-le-Monial, Fatima vv... Tuy nhiên, các nguồn mạch có tính cách đặc sủng này phải được minh giải và đặt để dưới các nguồn mạch chính của lòng đạo đức Kitô.
Thứ hai, canh tân các thực hành ”cổ điển” sùng kính Trái Tim Mẹ Maria và các cơ cấu đã mất tính thời sự. Điều này đòi hỏi phải duyệt xét nền tảng phê bình lịch sử các ”lời hứa”, bằng cách nhận ra nơi chúng ý nghĩa sâu xa, mà chúng có trong lãnh vực thần học về ơn thánh, và tránh đừng để bị lôi kéo bởi cơ chế của các công thức.
Thứ ba, cần có giải thích thần học ý niệm nền tảng về việc đền tạ để thiết lập một mối dây sâu xa giữa các việc sùng kính này và các mầu nhiệm cao cả nhập thể và cứu chuộc như lời thánh Jean Eudes đã nói: ”Tôi muốn cho thấy một cách rõ ràng rằng việc tôn sùng này không phải là không có nền tảng cũng như lý do, mà nó dựa trên các nền tảng vững vàng và chắc chắn đến độ tất cả mọi quyền lực của trái đất và của hỏa ngục cũng không có khả năng phá hủy... và điều này để khơi dậy một sự trân qúy khác đối với việc tôn sùng Trái Tim rất thánh của Mẹ Thiên Chúa, như là việc tôn sùng rất vững chắc và rất có nền tảng...” (x. S. De Fiores, Maria presenza viva nel popolo di Dio, Roma 1980, 86-88).
Tóm lại, có thể nói lòng tôn sùng Thánh Tâm Chúa Giêsu và lòng sùng kính Trái Tim Vô Nhiễm của Mẹ Maria luôn đi song song với nhau. Bởi vì trong gia đình nhân loại đã không hề có hai trái tim nào và sẽ không bao giờ có hai trái tim nào khác đập cùng nhịp yêu thương cứu chuộc như Thánh Tâm Chúa Giêsu và Trái Tim vô nhiễm nguyên tội Mẹ Maria. Phúc cho các Kitô hữu nào có lòng yêu mến và tôn sùng Hai Trái Tim Cực Thánh ấy, vì Chúa Giêsu Kitô và Mẹ Maria sẽ đặc biệt che chở và không bao giờ để cho họ bị hư mất đời đời.
Ngài càng lúc càng ý thức mình thuộc về Cha và ý thức về sứ mạng.
Con của Mẹ là một mầu nhiệm khôn dò mà Mẹ phải tìm hiểu mỗi ngày.
Mẹ để cho Con tự do sống theo Ý Cha, dù điều đó đem lại nhiều đau khổ.
Chuyện mất Con hôm nay chuẩn bị cho việc Con sẽ chia tay Mẹ đi sứ vụ,
và chuẩn bị cho cuộc chia tay kinh hoàng trên thập giá.
Chúng ta cầu cho các bà mẹ đang đau khổ vì con.
Mong sự vâng phục của con cái làm tươi trái tim người mẹ.


Suy niệm 4: TỪ TRÁI TIM ĐẾN TRÁI TIM - Giuse Nguyễn Trọng Sơn

Sau khi dân Chúa ca tụng tình yêu của Thiên Chúa qua phụng vụ lễ Thánh Tâm Chúa Giêsu, hôm nay dân Chúa lại ca tụng Thiên Chúa qua phụng vụ lễ Trái Tim Vô Nhiễm Đức Mẹ. Từ trái tim đến trái tim. Luôn luôn là tình yêu, với tình yêu khởi nguồn của Thiên Chúa đến tình yêu thần linh được thể hiện qua người này hoặc người nọ dọc theo dòng thời gian.
Bài trích sách tiên Isaia chương 61 nói với dân từ cuộc lưu đày Babilon trở về, đang nỗ lực tái thiết đất nước, rằng họ hãy vui lên vì là dân được Chúa chúc phúc, rằng đất nước họ sẽ được phì nhiêu với hoa màu ruộng đất. Bài Sách Thánh này được chọn cho lễ Đức Maria hôm nay nói lên rằng Mẹ chính là hình ảnh tiêu biểu cho dân Chúa, dân được Chúa chọn và chúc phúc. Trong lời ca tụng Magnificat, Đức Maria nói lên tâm tình được chọn gọi vì được Thiên Chúa yêu thương và đồng thời Mẹ cũng nối kết hạnh phúc của mình với sự trung thành trong lời hứa cứu độ của Thiên Chúa.
Bài Tin Mừng về việc gia đình thánh lên Giêrusalem và dường như là Trẻ Giêsu bị thất lạc ở đó. Nơi biến cố này, người ta nhìn thấy tình yêu của cha mẹ nơi Đức Maria và ông Giuse lo lắng đi tìm con. Tuy nhiên, Đức Giêsu ở lại Giêrusalem là có chủ ý. Đức Giêsu cho thấy một Thiên Chúa vẫn tiếp tục chăm sóc cho dân Ngài. Cuộc gặp đầu tiên của Đấng Cứu Độ với dân là khi Ngài được ẵm đến để hiến dâng trong Đền Thánh. Còn đây là lần thứ hai, khi Đức Giêsu đã lớn khôn và Ngài trao đổi với các bậc thầy trong dân. Đây là bước đầu của sứ mạng giảng dạy chân lý của Thiên Chúa sau này, của việc sửa lại cách hiểu về Lề Luật cho đúng. Với Đức Giêsu và với sự cộng tác của Đức Maria, Thiên Chúa tiếp tục chăm sóc cho Dân Ngài. Trái tim Đức Maria được gọi là “vô nhiễm” vì Mẹ không để cho những đam mê hướng dẫn, nhưng luôn luôn cảm nhận tình yêu Thiên Chúa và thể hiện tình yêu ấy cho con người.
Từ trái tim Thiên Chúa đi đến trái tim của Chúa Giêsu, rồi trái tim của Đức Maria. Thế còn trái tim của bạn? Thiên Chúa đang mời gọi bạn nối dài, mở rộng trái tim của Thiên Chúa trong cuộc sống của bạn. Đừng để cho những đam mê, ganh ghét làm méo mó cái gọi là tình yêu, nhưng thực ra chỉ là sự quy ngã (quy về bản thân). Tình yêu thực sự mở ra với tình yêu Thiên Chúa nơi mình và nơi anh chị em, đồng thời biết chuyển thông tình yêu ấy đến cho mọi người chung quanh.

 

Tác giả: Truc Ho Si

  Ý kiến bạn đọc

Những tin mới hơn

Những tin cũ hơn

Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây