suy niệm - Thứ Ba Tuần 11 thường niên

Thứ hai - 19/06/2023 09:16

Lời Chúa: Mt. 5, 43-48

Khi ấy, Chúa phán cùng các môn đệ rằng: "Các con đã nghe dạy: "Ngươi hãy yêu thân nhân, và hãy thù ghét địch thù". Còn Ta, Ta bảo các con: Hãy yêu thương thù địch và làm ơn cho những kẻ ghét các con, hãy cầu nguyện cho những ai bắt bớ và nguyền rủa các con: để như vậy các con nên con cái Cha các con, Đấng ngự trên trời: Người khiến mặt trời mọc lên cho người lành kẻ dữ, và cho mưa xuống trên người liêm khiết và kẻ bất lương.
Vì nếu các con yêu thương những ai mến trọng các con, thì các con được công phúc gì? Các người thu thuế không làm thế ư? Nếu các con chỉ chào hỏi anh em các con thôi, thì các con đâu có làm chi hơn? Những người ngoại giáo không làm như thế ư?
Vậy các con hãy nên hoàn hảo như Cha các con trên trời là Đấng hoàn hảo".

Suy Niệm 1: Như Cha trên trời
(Lm Antôn Nguyễn Cao Siêu, SJ)


Bí tích Thánh Tẩy làm chúng ta được trở nên con cái Thiên Chúa.
Nhưng bí tích Thánh Tẩy không phải chỉ là bí tích để lãnh nhận,
mà còn là bí tích để sống.
Trở nên con cái Thiên Chúa là tiến trình dài một đời người.
Kitô hữu trở nên con Cha trên trời nhờ bí tích Thánh Tẩy,
và cũng nhờ cố gắng liên tục sống như Cha của mình.
Thiếu cố gắng này, người ta chỉ còn là Kitô hữu có tên trong sổ Rửa tội.
Bài Tin Mừng hôm nay thật là đỉnh cao của Kitô giáo.
Đức Giêsu dạy ta nẻo đường để trở nên con cái Cha trên trời (c. 45).
Đó là: “Hãy yêu kẻ thù và cầu nguyện cho những kẻ ngược đãi anh em”.
Cựu Ước dạy ta yêu người thân cận (Lv 19, 18).
Còn Đức Giêsu dạy ta yêu kẻ thù và cầu nguyện cho họ (c. 44).
Yêu ở đây không phải là chuyện của cảm xúc hay thích thú.
Dĩ nhiên chúng ta không thể yêu kẻ thù tha thiết như yêu cha mẹ mình được.
Yêu ở đây là chuyện của ý chí và hành động.
Chúng ta yêu kẻ thù, vì kẻ thù cũng là thụ tạo của Cha như ta.
Dù kẻ thù của ta có là kẻ xấu xa và bất chính, nhưng họ vẫn được Cha trên trời dấu yêu.
Ngài cho mặt trời mọc lên mỗi sáng để nắng ấm đem lại sự sống cho họ.
Ngài cho mưa rơi xuống luống cày của họ để họ có của nuôi thân (c. 45).
Thiên Chúa không dành nắng hay mưa cho riêng người tử tế đạo đức.
Ngài bao dung và rộng rãi khi đối xử với mọi người.
Trở nên con cái Cha là mang những tâm tình sâu kín ấy của trái tim Cha.
Khi trái tim ta giống trái tim Cha,
ta sẽ nhìn kẻ thù bằng cặp mắt mới,
sẽ cư xử với họ theo cung cách mới.
Lúc đó họ sẽ chẳng còn là kẻ thù nữa, mà là bạn.
Đức Giêsu mời gọi các môn đệ của mình bước lên,
lên cao hơn cái tự nhiên, bình thường của người đời.
Dù là kẻ xấu, người thu thuế vẫn yêu kẻ yêu thương ông ta.
Người dân ngoại chưa biết Chúa vẫn chào hỏi anh em của họ (c. 46).
Điều mà Đức Giêsu đòi các Kitô hữu phải làm hơn người khác,
đó là yêu kẻ thù ghét mình, cầu nguyện cho kẻ làm khổ mình,
và chào những kẻ chẳng bao giờ chào hỏi mình.
Làm thế là vượt lên trên tình cảm tự nhiên đang kéo trì mình xuống,
là giải thoát mình khỏi sức nặng của cái tôi nhỏ mọn, tự ái, kiêu căng.
Làm thế là bắt đầu đi vào trong nơi sâu nhất của trái tim Thiên Chúa.
“Hãy nên hoàn thiện như Cha trên trời” (c. 48).
Lý tưởng này thật là cao xa, sức người không vươn tới được.
Nhưng nếu ta tập quen yêu kẻ thù chung quanh ta,
- mà ai trong chúng ta lại không có kẻ thù -
thì chúng ta dần dần sẽ trở nên hoàn thiện.
 
Cầu nguyện:
Lạy Chúa Giêsu,
xin cho con trở nên đơn sơ bé nhỏ,
nhờ đó con dễ nghe được tiếng Chúa nói,
dễ thấy Chúa hiện diện và hoạt động trong đời con.
Sống giữa một thế giới đầy lọc lừa và đe dọa,
xin cho con đừng trở nên cứng cỏi, khép kín và nghi ngờ.
Xin dạy con sự hiền hậu,
để con biết cảm thông và bao dung với tha nhân.
Xin dạy con sự khiêm nhu,
để con dám buông đời con cho Chúa.
Cuối cùng, xin cho con sự bình an sâu thẳm,
vui tươi đi trên con đường hẹp với Ngài,
hạnh phúc vì được cùng Ngài chịu khổ đau. Amen.
 
Suy Niệm 2: Yêu kẻ thù
(TGM Giuse Ngô Quang Kiệt)


Yêu kẻ thù. Ai cũng bảo là không thể. Đó là vì ta theo thói quen. Để đối tượng qui định tình cảm. Gặp người tốt thì ta quý. Gặp người dễ thương thì ta thương. Người làm ơn cho ta thì ta biết ơn và quý trọng. Gặp người xấu thì ta tránh xa. Gặp người khó thương thì ta chối từ. Đó chẳng có gì lạ. Nhưng đó là để cho đối tượng qui định tình cảm của mình. Ta đâu có chủ động. Vì ta không có nền tảng. Phải có nền tảng tình yêu ở nơi Chúa. Phải có tình yêu từ trong trái tim mình. Khi đó ta sẽ yêu bất chấp ngoại cảnh thế nào. Vẫn yêu bất chấp người đối diện là thế nào. Vẫn yêu bất chấp người khác có làm gì cho ta, dù tốt, dù xấu. Như thế yêu kẻ thù là có thể. Ta không yêu để đáp lại kẻ thù. Nhưng ta yêu vì tình yêu đầy trong trái tim ta. Đó chính là tình yêu của Thiên Chúa. Thiên Chúa là Tình Yêu. Trong Người chỉ có yêu thương. Như mặt trời. Như cơn mưa. Không phân biệt.
Chính vì thế Chúa luôn tha thứ. Luôn chạnh lòng thương. A-kháp phạm tội tầy đình. Nhưng khi nghe Chúa tuyên án, ông khóc lóc ăn năn. Chúa liền tha thứ. “Khi nghe những lời ấy, vua A-kháp xé áo mỉnha, khoác áo vải bố bám sát vào thịt, ăn chay, nằm ngủ với bao bì và bước đi thiểu não. Bấy giờ có lời Đức Chúa phán với ông Ê-li-a, người Tít-be rằng: “Ngươi có thấy A-kháp đã hạ mình trước mặt Ta thế nào không?...nên Ta sẽ không giáng hoạ trong buổi sinh thời của nó”. Quả thật là tình yêu nguyên tuyền. Chỉ có yêu thương (năm chẵn).
Thánh Phao-lô khen ngợi tín hữu Ma-kê-đô-ni-a. Vì họ đã có tình yêu của Chúa. Trong mọi gian nan thử thách họ vẫn vui tươi. Vì họ có Chúa ở cùng. “Trải qua bao nỗi gian truân, họ vẫn được chan chứa niềm vui; giữa cảnh khó nghèo cùng cực, họ lại trở nên những người giàu lòng quảng đại. Họ đã tự nguyện theo sức họ, và tôi xin làm chứng là quá sức họ nữa; họ khẩn khoản nài xin chúng tôi cho họ được phúc tham dự vào việc phục vụ các người trong dân thánh”. Yêu thương. Quảng đại. Họ đã nên hoàn thiện như Cha trên trời.
Thánh Phao-lô dùng tấm gương đó mà khích lệ tín hữu Cô-rin-tô. Và cả chúng ta nữa. Hãy nên hoàn thiện như Cha trên trời. Có Chúa trong ta sẽ có tình yêu trong ta. Có tình yêu ta sẽ tràn đầy niềm vui. Và tình yêu sẽ lan toả đến khắp mọi người. Kể cả kẻ thù. Vì bấy giờ tim ta không có gì khác ngoài tình yêu. Nó không còn bị qui định bởi đối tượng bên ngoài. Chỉ biết toả lan tình yêu. Như Chúa Giê-su “Chúa chúng ta,…Người vốn giầu sang phú quý, nhưng đã tự ý trở nên nghèo khó vì anh em, để lấy cái nghèo của mình mà làm cho anh em trở nên giàu có” (năm lẻ).

Suy niệm 3: 
ĐỂ TRỞ NÊN GIÀU CÓ − Giuse Nguyễn Trọng Sơn


Để nên giàu có. Tôi không bàn về cách thức để làm giàu, nhưng để trở nên phong phú. Thánh Phaolô nói đến những người nhường bớt phần mình để trợ giúp vật chất cho người nghèo hơn, và ngài cũng nói về sự hạ mình như là làm nghèo chính mình để làm cho người khác nên phong phú. Hội Thánh ở Makêđônia đã trợ giúp cho Hội Thánh ở Giêrusalem đang lâm cảnh túng thiếu. Những người ở Makêđônia tuy không giàu, họ nghèo là đàng khác, nhưng họ vẫn thấy mình có thể nhường bớt cho anh chị em mình. Đó là những người trở nên nghèo để chia sẻ cho người khác. Chúng ta cũng có thể nói đến những người làm ăn khá giả, giàu có và có lòng quảng đại, đã trợ giúp, đã chia sẻ cho người nghèo, cho những công trình của Giáo Hội và xã hội. Đó là phương diện vật chất.
 Còn một phương diện khác nữa, là chính bản thân trở nên hèn kém để làm cho người khác trở nên phong phú. Không dừng lại ở việc chia sẻ điều gì đó bên ngoài mình, nhưng là chính bản thân mình. Thánh Phaolô nói đến Chúa Giêsu Kitô, vốn là Thiên Chúa, Ngài có tất cả, nhưng đã làm người trong kiếp sống của những người thấp bé trong xã hội. Nhờ thế, Ngài lại làm cho con người trở nên phong phú nhờ sự khiêm hạ của Ngài. 
Chúa Giêsu nói: nếu yêu người yêu mến mình, cho người cho mình, chào người chào mình... thì có gì hay! Đó chỉ là có qua có lại, là sòng phẳng! Điều nghịch lý là: chính khi cho đi lại là lúc mình trở nên “giàu có”, khi giảm bớt cái tôi của mình để sống cho người khác thì mình lại trở nên phong phú, dồi dào. Chúng ta chú ý đến sự hạ mình. Tự ái làm người ta “nổi đoá”, tìm cách đề cao bản thân thì gây ra thương tổn nơi người khác... Cuối cùng thì mọi sự bị phá đổ, ngay chính bản thân. Còn khi hạ mình, lúc tưởng rằng mình bị xem thường, nhưng thực ra người ta bình an nơi bản thân, và làm cho người khác được tôn trọng, được lớn lên. Và chính lúc đó, bản thân cũng trở nên lớn lao, có thể đón nhận người khác. Tính chất xây dựng và sự phong phú thật là kỳ diệu khi người ta hạ mình xuống!


Suy niệm 4:
HÃY LÀ CON CHA TRÊN TRỜI - ĐGM. Phaolô Nguyễn Thanh Hoan


Người xưa dạy: “Hãy yêu đồng bào và hãy ghét kẻ thù”. Trong Cựu Ước không nói rõ ghét bỏ kẻ thù, nhưng ở đây Chúa ám chỉ cách sống loại trừ những người không phải là Do thái. Nói chung thì ai cũng ghét kẻ thù mình.
Mặt khác, tình yêu thương an bình vốn là một ao ước sâu xa của con người. Thỉnh thoảng mới có những người có tâm tư thâm độc, thích làm hại người khác.
Nhưng trong thực tế, chúng ta có những người không mến, không thương được. Những người có ác cảm với ta. Những người không thiện cảm với ta và bao giờ cũng chỉ có thái độ lạnh lùng. Những người tính tình rất khác biệt với ta và tự nhiên ta không muốn chấp nhận họ trong tình cảm của mình. Những người hay phê phán, nói xấu mà chính họ không tốt gì.v.v…
Những người như vậy hẳn không làm cho ta cảm được, không làm quen làm thân được. Một cách nào đó, dù không phải là kẻ thù thì ta cũng không thể nhận là anh em để mến thân với họ. Chúa muốn chúng ta hãy cầu nguyện cho họ, và đó là “yêu thương kẻ thù”.
Tại sao Chúa đòi ta yêu như vậy? Chúa Giê-su muốn ta hãy nên giống với Cha chúng ta Đấng chỉ có yêu thương, khoan dung nhân từ với mọi người kể cả người tội lỗi, người độc ác. Trên Thập giá, Chúa đã xin Cha tha thứ cho những kẻ giết hại mình. Đức Gio-an Phao-lô II đã đi thăm kẻ sát nhân bắn ngài trọng thương để tỏ dấu ngài tha thứ cho họ.
Chính tình yêu là dấu chỉ ta là môn đệ của Chúa, cũng là con Cha trên trời với Ngài.

Cầu Nguyện: 
Lạy Chúa Giê-su yêu mến, con thờ lạy Chúa là vua thái bình, Đấng đã đứng ra làm trung gian hòa giải bằng cái chết vì tình yêu, để hàn gắn sự phản bội tình yêu Chúa do loài người gây ra nơi vườn địa đàng.
Hôm nay, trong Bí tích Thánh Thể Chúa, vẫn để lại dấu tích tình yêu để chúng con được thấy: bất cứ ai, kẻ xấu người tốt, kẻ dữ người lành cũng được mời gọi để đến với Chúa, để họ đưa về trời mới đất mới. Lòng khoan dung tha thứ được Chúa nói lên bằng những lời kêu mời thống thiết: “Hỡi những ai đang mang gánh nặng nề, hãy đến cùng tôi, tôi sẽ cho nghỉ ngơi bồi dưỡng. Anh em hãy mang lấy ách của tôi, hãy học cùng tôi vì tôi hiền lành và khiêm nhường. Tâm hồn anh em sẽ được bồi dưỡng , vì ách của tôi êm ái, gánh tôi nhẹ nhàng” (Mt 11 :25-27).
Lạy Chúa, xin cho thấm nhuần sâu xa tư tưởng yêu thương hiền từ của Chúa để con biết nhận ra con phải có lời nói, tư tưởng và việc làm nào để phù hợp với lý tưởng yêu thương mà Chúa đang gọi con đi tới. Vì Lời Chúa là ánh sáng cho cuộc sống con, Ý Chúa là hạnh phúc của con, Tình yêu Chúa là niềm hy vọng của con.
Chúa gọi con sống hoàn hảo theo gương Cha trên trời, Chúa lại nêu gương cho con nếp sống đó. Lạy Chúa, xin Chúa giúp cho con biết sống khoan dung vì con quá trần tục, quá yếu hèn. Amen!

Tác giả: Truc Ho Si

  Ý kiến bạn đọc

Những tin mới hơn

Những tin cũ hơn

Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây