Lời Chúa: Mt 6, 7-15
Khi ấy, Chúa Giêsu phán cùng các môn đệ rằng: "Khi cầu nguyện, các con đừng nhiều lời như dân ngoại: họ nghĩ là phải nói nhiều mới được chấp nhận. Ðừng làm như họ, vì Cha các con biết rõ điều các con cần, ngay cả trước khi các con xin. Vậy các con hãy cầu nguyện như thế này:
"Lạy Cha chúng con ở trên trời, chúng con nguyện danh Cha cả sáng, nước Cha trị đến, ý Cha thể hiện dưới đất cũng như trên trời. Xin Cha cho chúng con hôm nay lương thực hằng ngày, và tha nợ chúng con, như chúng tôi cũng tha kẻ có nợ chúng con, xin chớ để chúng con sa chước cám dỗ, nhưng cứu chúng con cho khỏi sự dữ. Amen.
"Vì nếu các con có tha thứ cho người ta những lầm lỗi của họ, thì Cha các con, Ðấng ngự trên trời, mới tha thứ cho các con. Nếu các con không tha thứ cho người ta, thì Cha các con cũng chẳng tha thứ lỗi lầm cho các con".
Suy Niệm 1: Lạy Cha chúng con
(Lm. Ant. Nguyễn Cao Siêu SJ.)
Chúng ta không thể lèo lái hay ép buộc Thiên Chúa
bằng những lải nhải dài dòng hay bằng những câu thần chú.
Cầu nguyện không phải là thông báo cho Chúa biết nhu cầu của ta (c. 8).
Cha Teilhard de Chardin đã viết:
“Chúng ta phải cầu xin Chúa không phải vì lề luật buộc như thế,
cũng không phải vì Chúa không biết ta cần gì.
Không, kinh nguyện là tình yêu, là cách diễn tả tình yêu.”
Thiên Chúa thích nghe miệng chúng ta nói lên nhu cầu của mình.
Đức Giêsu dạy chúng ta gọi Thiên Chúa là Cha, Abba, như Ngài đã gọi.
Abba là tiếng gọi âu yếm thân thương của đứa con đối với người cha.
Khi gọi Thiên Chúa là Cha, chúng ta thấy mình hết sợ hãi và xa cách.
Cha siêu việt và quyền uy, nhưng Cha không áp bức và bắt con làm nô lệ,
Cha cao sang ở trên trời nhưng Cha lại gần gũi với nhu cầu của con cái.
Ba lời cầu xin đầu tiên đều hướng về Cha: Danh Cha, Nước Cha, và Ý Cha.
Danh Cha được vinh hiển khi Nước Cha được thành tựu, Ý Cha được thể hiện.
Nước Cha đã đến rồi với sự hiện diện và hoạt động của Đức Giêsu,
nhưng chúng ta vẫn phải cầu xin cho Nước ấy mau đến cách viên mãn.
Ý Cha và quyền tối cao của Cha đã được thể hiện trọn vẹn trên trời rồi,
nhưng còn phải được thể hiện dưới đất nữa, nơi mọi người và nơi từng người.
Ba lời cầu đầu tiên, là những lời trực tiếp nài xin Cha.
Làm cho Danh Cha được biết đến, Nước Cha được nhìn nhận,
Ý Cha được tuân hành: đó là công việc của Cha cho đến tận thế.
Nhưng việc đó cũng cần sự cộng tác hằng ngày của mỗi Kitô hữu
qua việc họ sống tận căn những đòi hỏi gai góc của Nước Trời,
để cho thấy Nước Trời đã đến trên mặt đất.
Bốn lời cầu xin sau nhắm đến nhu cầu cụ thể của các môn đệ.
Xin lương thực hàng ngày là điều cần thiết cho họ,
những người nay đây mai đó, sống nhờ lòng tốt của người nghe.
Xin ơn tha thứ là điều ta cần mỗi ngày từ Chúa, sau bao sai lỗi,
mà cũng là điều ta phải trao lại cho anh em.
Xin Chúa đừng đưa chúng ta vào cơn thử thách quá sức chịu đựng
đến mức mất đức tin và quỵ ngã.
Nhưng xin Chúa gìn giữ và giải thoát chúng ta khỏi Ác Thần.
Kinh Lạy Cha giúp chúng ta trò chuyện với chính Thiên Chúa là Cha.
Chúng ta được mở ra trước thế giới trên trời nơi Cha ngự trị,
những cũng được mở ra trước thế giới dưới đất của con người.
Một thế giới có bao người thiếu bánh ăn, cần được chia sẻ.
Một thế giới có nhiều xung đột và hận thù, cần sự bao dung thứ tha.
Một thế giới hỗn loạn với bao điều phải chấn chỉnh cho hợp Ý Chúa.
Một thế giới không biết mình là anh em, con cùng một Cha.
Kinh Lạy Cha bao giờ cũng nhắc chúng ta về những điều dang dở…
Cầu nguyện:
Lạy Chúa Giêsu, xin hãy đến.
Xin đừng mỉm cười mà nói rằng
Chúa đã ở bên chúng con rồi.
Có cả triệu người chưa biết Chúa.
Nhưng biết Chúa thì được cái gì?
Chúa đến để làm gì
nếu đời sống con cái của Chúa
cứ tiếp tục y như cũ?
Xin hoán cải chúng con.
Xin lay chuyển chúng con.
Ước gì sứ điệp của Chúa
trở nên máu thịt của chúng con,
trở nên lẽ sống của cuộc đời chúng con.
Ước gì sứ điệp đó
lôi chúng con ra khỏi sự an nhiên tự tại,
và đòi buộc chúng con,
làm chúng con không yên.
Bởi lẽ chỉ như thế,
sứ điệp đó mới mang lại cho chúng con bình an sâu xa,
thứ bình an khác hẳn,
đó là Bình An của Chúa. Amen. (Hélder Câmara)
Suy Niệm 2: Như người con hiếu thảo
(TGM Giuse Ngô Quang Kiệt)
Cầu nguyện là hành vi cao đẹp. Vì nâng con người lên. Chúa Giê-su dạy ta cầu nguyện. Đừng lải nhải nhiều lời như người dân ngoại. Đừng biến mình thành kẻ ăn mày. Nhưng nâng tâm hồn lên. Như người con hiếu thảo. Người con hiếu thảo quan tâm đến việc nhà. Đến chương trình của cha. Cầu nguyện đầu tiên là tha thiết với chương trình của Cha. Cộng tác với chương trình của Cha. “Nguyện Danh Cha cả sáng. Nước Cha trị đến. Ý Cha thể hiện dưới đất cũng như trên trời”. Hiến thân thực hiện chương trình của Cha. Vì trong chương trình đó có hạnh phúc của ta. Vì Cha nên yêu thương anh em. Cầu nguyện cho tha nhân. Tha thứ cho anh em. Để nên một trong Cha. Chúa Giê-su là người đầu tiên. Là Con Một Yêu Dấu. Hiếu thảo. Đã hoàn toàn huỷ mình ra không. Để thánh ý Cha được thể hiện.
Ê-li-a là người con hiếu thảo. Hoàn toàn quên mình vì Chúa. Vì Chúa ông chịu thiệt thòi. Bị săn đuổi. Phải chạy trốn. Bị bỏ rơi. Nhưng ở trong Chúa, ông được đầy uy lực. “Ông dùng lời Thiên Chúa mà đóng cửa trời, và ba lần cũng cho lửa đổ xuống… Ông dùng lời của Đấng Tối Cao mà làm cho một kẻ chết trỗi dậy”. Sau đó lại đến Ê-li-sa. Người đã bỏ hết gia đình, ruộng vườn, bò bê. Để thực hiện chương trình của Thiên Chúa. “Lúc sinh thời, ông đã làm nhiều dấu lạ, sau khi chết, ông vẫn còn thực hiện những điềm thiêng”. Các ngài đến với Chúa như những người con hiếu thảo. Nên Chúa dùng các ngài thực hiện chương trình của Chúa. Vì kết hợp với Chúa, các ngài được quyền năng. Và Lời Chúa ở với các ngài (năm chẵn).
Thánh Phao-lô cũng là một người con hiếu thảo. Ngài yêu mến Chúa Giê-su. Chết cho bản thân. Để chỉ sống cho Chúa. Ngài yêu thương dân bằng tình yêu của Chúa. Nên ngài mong ước dân thuộc về Chúa. Nên một với Chúa. Trung tín với Chúa. Đừng thay lòng đổi dạ. “Thật thế, vì anh em, tôi ghen cái ghen của Thiên Chúa, bởi tôi đã đính hôn anh em với một người độc nhất là Đức Ki-tô, để tiến dâng anh em cho Người như một trinh nữ thanh khiết”. Nên một với Chúa. Để cộng tác với Chúa. Trở thành cánh tay nối dài. Thực hiện chương trình của Chúa trên trần gian. Như thánh Phao-lô. Làm hết sức mình để chương trình của Chúa được thực hiện: “Tôi đã hạ mình xuống để tôn anh em lên, khi rao giảng không công cho anh em Tin Mừng của Thiên Chúa. Tôi đã bóc lột các Hội Thánh khác, ăn lương của họ, để phục vụ anh em”.
Xin cho con trở thành người con hiếu thảo. Để khi cầu nguyện con gặp người Cha quyền năng và yêu thương. Và không mong gì hơn là hiến mình cho công trình của Cha được thực hiện. Đó là hạnh phúc của con.
Suy niệm 3: KITÔ HỮU “NGOẠI TÌNH”! − Giuse Nguyễn Trọng Sơn
“Ngoại tình” là cách nói truyền thống của các tiên tri chỉ dân của Chúa nhưng lại đi thờ các thần tượng khác. Ông Phaolô dùng lại niệm đó đối với các kitô hữu ở Côrintô: “Thật thế, vì anh em, tôi ghen cái ghen của Thiên Chúa, bởi tôi đã đính hôn anh em với một người độc nhất là Đức Kitô, để tiến dâng anh em cho Người như một trinh nữ thanh khiết.” (2Cr 11,2). Ông Phaolô nói đến việc dân này tin theo “một Tin Mừng khác” (x. 11,4) chứ không phải là Tin Mừng do ông rao giảng, là Tin Mừng đặt trên niềm tin vào Chúa Kitô. Ông Phaolô nói đến các tông đồ giả đã rao giảng Tin Mừng giả; và để cho các kitô hữu tin vào Tin Mừng do mình rao giảng, ông đã nói rằng ông vượt trội các tông đồ giả danh kia. Nội dung của những lời khẳng định về mình cho thấy có lẽ ông muốn nói đến những kitô hữu gốc Do Thái muốn thuyết phục các kitô hữu gốc dân ngoại ở Côrintô tuân giữ luật Môsê thì bảo đảm hơn là chỉ tin vào Chúa Kitô.
“Họ là người Hípri ư? Tôi cũng vậy! Họ là người Israel ư? Tôi cũng vậy! Họ là dòng giống Ápraham ư? Tôi cũng vậy! Họ là người phục vụ Đức Kitô ư? Tôi nói như người điên: tôi còn hơn họ nữa!” (2Cr 11,22-23)
Và ông Phaolô kể về những gian nan mình đã trải qua để cho thấy ông rao giảng cách vô vị lợi, chỉ vì lòng yêu mến đối với Chúa Kitô và các tín hữu mà thôi; còn những tông đồ giả kia thì tìm lợi ích cá nhân và phe nhóm!
Trong Tin Mừng, Chúa Giêsu nói đến một lối sống giống dân ngoại, đó là khi cầu nguyện cứ lải nhải, nói nhiều, và Ngài chỉ cho thấy điều cốt lõi là đi vào mối tương giao với Thiên Chúa là Cha và với người khác như anh chị em. Lời kinh Lạy Cha với lời nhắn nhủ hãy tha thứ như Thiên Chúa làm cho chúng ta, đó là cốt lõi của đời sống kitô giáo mà Chúa Kitô mời gọi đi vào. Không phải là hình thức, không phải là chỉ mong đạt được điều gì đó cho mình, nhưng là đi vào các mối tương giao, tương giao với lòng yêu mến. Đó mới thực sự là Kitô Giáo. Thiên Chúa không chỉ ban cho ta một số luật lệ để giữ, nhưng chính Ngài đi vào tương giao với con người và mời gọi con người sống tương giao yêu mến với Ngài và với anh chị em. Đó mới thực sự là Kitô Giáo, bằng không, vẫn có những kitô hữu ngoại tình, mà chuyện đó lại rất phổ biến!!! Trong đời sống Giáo Hội, người ta vẫn tìm kiếm danh dự, chỗ đứng, lợi lộc. Trong đời sống thánh hiến cũng thế. Người ta tìm điều gì khác, dâng hiến cuộc đời mình cho điều gì khác chứ không phải là cho Chúa Kitô! Xem ra chuyện “ngoại tình” trở nên phổ biến quá!
Suy niệm 4: CẦU NGUYỆN - ĐGM. Phaolô Nguyễn Thanh Hoan
Cầu nguyện là nhịp cầu nối từ ta tới Thiên Chúa, thường ta có cảm tưởng Thiên Chúa muôn trùng cao cả, lời ta cầu nguyện phải vượt một quãng đường dài, cao sâu đến ngàn vạn dặm như chiếc phi thuyền không gian.
Không ! Thiên Chúa là Cha, là Đấng gần gủi thân thương với ta như người cha trần gian với đứa con bé thơ của mình. Bởi vì thế giới của ta là thế giới hữu hình có khoảng cách, có chiều cao sâu…thế giới Thiên Chúa thì thiêng liêng vô hình và khắp mọi nơi. Ta chỉ cần tạm quên mọi hình ảnh vật chất và tĩnh tâm lại một chút: Ngài ở đó rồi, Ngài giơ tay ôm hôn ta, Ngài âu yếm nhìn ta.
Vì thế Chúa Giê-su dạy ta cầu nguyện: « còn anh khi cầu nguyện hãy vào phòng đóng cửa lại và cầu nguyện cùng cha của anh em, Đấng hiện diện nơi kín đáo. Và cha của anh em, đấng thấu hiểu những gì kín đáo, sẽ trả công cho anh em » (Mt 6 : 6). Nơi kín đáo tức cõi nhiệm mầu ta đã nói đến.
Cần lưu ý điều này là có hai cách cầu nguyện: cầu nguyện tập thể, công khai theo sách nguyện hay các lời kinh chung. Cách thứ hai là cầu nguyện riêng mình với Chúa, Chúa với mình. Và Chúa Giê-su đang nhấn mạnh đến cách cầu nguyện quan trọng này mà Chúa thường thực hiện nơi vắng vẻ hay trên núi, giữa đêm khuya hay sáng sớm.
Có thể nói, nếu không quen cách cầu nguyện tự phát mình với Chúa, Chúa với mình- thì cách cầu nguyện chung cũng dễ dàng chia trí bay theo gió. Đọc xong cũng chẳng biết đọc gì.
Cầu nguyện:
Lạy Chúa,Chúa vừa chia sẻ với chúng con lời kinh của Chúa,lời kinh xuất phát từ ánh sáng của chân lý và tình yêu, lời kinh mà chúng con, thần khí Chúa chuyển lời cho chúng con và Chúa Cha giơ tay đón nhận.
Lời kinh của Chúa còn là lời mặc khải cho chúng con thấy tấm lòng Chúa Cha đầy nhân ái hằng sẵn lắng nghe tiếng kêu van của đoàn con cái trên đường hành trình về quê hương muôn thưở. Thật hạnh phúc cho chúng con được gọi Thiên Chúa cao sang, Cha muôn thưở của Chúa cùng là Cha của chúng con. Xin tạ ơn Chúa vì lời kinh tuyệt vời và đầy an ủi cho chúng con giữa cuộc đời gian truân này.
Xin Chúa giúp chúng con vừa nhận biết Cha, vừa biết cầu xin, vừa nhận ra nhiệm vụ thảo hiếu của mình, biết khao khát làm cho Danh Cha Cả sáng, Nước Cha trị đến và thi hành Thánh ý Cha ngay trong cuộc đời của mình.
Xin Chúa cho chúng con cũng biết nhận ra mọi người là anh em con Cha,trong gia đình của Cha, trong thân thể nhiệm mầu của Chúa là Giáo Hội. Và cuộc sống của con không còn sống cho chính mình nữa, mà sống cho thánh ý Cha, phó thác cuộc đời cho Cha.
Chúng con biết lòng thương Cha thì vô ngần nhưng chính chúng con cũng phải biết thương anh em để sẽ được thương lại, biết tha thứ cho anh em sẽ được Cha tha thứ, biết quảng đại với anh em sẽ được Chúa Cha ban phát gấp trăm lần. Lạy Chúa ,xin tạo cho con tấm long trong trắng để dám cầu xin. Amen.