Suy niệm -Thứ Hai tuần 15 thường niên

Chủ nhật - 16/07/2023 10:02
Lời Chúa: Mt 10,34 - 11,1

Khi ấy, Chúa Giêsu phán cùng các Tông đồ rằng: "Các con chớ tưởng rằng Thầy đến để mang hoà bình cho thế gian: Thầy không đến để đem hoà bình, nhưng đem gươm giáo. Vì chưng, Thầy đến để gây chia rẽ con trai với cha mình, con gái với mẹ mình, nàng dâu với mẹ chồng mình: và thù địch của người ta lại là chính người nhà mình. Kẻ nào yêu mến cha mẹ hơn Thầy, thì chẳng xứng đáng với Thầy. Kẻ nào yêu con trai con gái hơn Thầy, thì chẳng xứng đáng với Thầy.
Kẻ nào không vác thập giá mình mà theo Thầy, thì không xứng đáng với Thầy. Kẻ nào cố tìm mạng sống mình thì sẽ mất, và kẻ nào đành mất mạng sống mình vì Thầy, thì sẽ tìm lại được nó.
Kẻ nào đón tiếp các con là đón tiếp Thầy, và kẻ nào đón tiếp Thầy, là đón tiếp Đấng đã sai Thầy. Kẻ nào đón tiếp một tiên tri với danh nghĩa là tiên tri, thì sẽ lãnh phần thưởng của tiên tri; và kẻ nào đón tiếp người công chính với danh nghĩa người công chính, thì sẽ lãnh phần thưởng của người công chính. Kẻ nào cho một trong những người bé mọn này uống chỉ một bát nước lã mà thôi với danh nghĩa là môn đệ, thì quả thật, Thầy nói với các con: người ấy không mất phần thưởng đâu".
Sau khi Chúa Giêsu truyền dạy xong các điều ấy cho mười hai tông đồ, Người rời khỏi đó để đi dạy dỗ và rao giảng trong các thành phố của các ông.


Suy Niệm 1: Không xứng với Thầy
(Lm. Ant. Nguyễn Cao Siêu SJ.)


Văn Cao là một nhạc sĩ có tài với bản Tiến Quân Ca bất hủ.
Nhưng ông cũng là một thi sĩ ít được ai biết đến.
Ông có làm một bài thơ ngắn Không Đề như sau:
“Con thuyền đi qua để lại sóng.
Đoàn tàu đi qua để lại tiếng.
Đoàn người đi qua để lại bóng.
Tôi không đi qua tôi để lại gì?”
Ông muốn để lại chút gì cho đời của kẻ đã mang tiếng ở trong trời đất.
Và ông hiểu rằng mình không thể để lại gì, nếu không vượt qua chính mình.
Cái tôi và tất cả những gì thuộc về nó, đều là đối tượng phải vượt qua.
Vượt qua cái tôi không làm tôi mất nó, nhưng lại được một cái tôi viên mãn.
Phải chăng đó là điều Văn Cao, một Kitô hữu ẩn danh đến lúc chết,
muốn gửi gấm qua những vần thơ này?
Có những giá trị hầu như được mọi người nhìn nhận.
Có những giá trị thiêng liêng máu mủ như cha mẹ, con cái.
Đặc biệt trong xã hội Do thái, hiếu thảo với cha mẹ là điều được đề cao.
Đức Giêsu cũng đã phê phán thái độ bất hiếu đối với cha mẹ (Mt 15, 3-6).
Mạng sống của con người cũng là một giá trị cao quý.
Đụng đến mạng sống con người là xúc phạm đến chính Thiên Chúa,
như ta thấy trong chuyện Cain giết em là Aben (St 4, 9-10).
Trước những giá trị thiêng liêng như thế, ta cần yêu mến, giữ gìn.
Yêu cha, yêu mẹ, yêu con trai, con gái, là những điều hợp đạo lý.
Giữ gìn mạng sống của mình là điều phải làm.
Tuy nhiên, Đức Giêsu đã đưa ra một đòi hỏi mới mẻ và đáng sợ.
Ngài không cấm các môn đệ yêu cha mẹ, con cái, hay mạng sống,
vì đó là những giá trị thiêng liêng cao quý.
Nhưng Ngài không chấp nhận họ yêu những giá trị này hơn Ngài.
Ngài không muốn họ đặt Ngài ở dưới những giá trị đó.
Đơn giản Ngài muốn họ coi Ngài là một Giá Trị hơn hẳn, Giá Trị viết hoa.
Khi cần chọn lựa giữa các giá trị, Ngài đòi họ ưu tiên chọn Ngài.
Cụm từ “không xứng đáng với Thầy” được nhắc đến ba lần (cc. 37-38).
Chỉ ai dám yêu Ngài hơn người thân yêu, dám vác thập giá mình mà theo,
người ấy mới xứng đáng với Thầy.
Chỉ ai dám mất mạng sống của mình vì Thầy,
người ấy mới lấy lại được sự sống tròn đầy ở đời sau (c. 39).
Đức Kitô là ai mà đòi chúng ta phải đặt Ngài lên trên các thụ tạo như vậy,
nếu Ngài không phải là hiện thân của chính Thiên Chúa?
Đừng quên chính Ngài đã mất mạng sống mình vì tôi trước.
Chỉ khi tôi đi qua tôi, nhờ đặt tôi và mọi sự thuộc về tôi dưới Đức Kitô,
tôi mới có gì để lại cho đời, tôi mới giữ lại được mọi giá trị khác.
Xin làm được điều thánh Biển Đức dạy:
“Phải tuyệt đối không coi gì trọng hơn Đức Kitô.”
 
Cầu nguyện:
Lạy Chúa Giêsu,
xin cho con thấy Chúa thật lớn lao,
để đối với con, mọi sự khác trở thành bé nhỏ.
Xin cho con thấy Chúa thật bao la,
để cả mặt đất cũng chưa vừa cho con sống.
Xin cho con thấy Chúa thật thẳm sâu,
để con dễ đón nhận nỗi khổ đau sâu thẳm nhất.
Lạy Chúa Giêsu,
xin làm cho con thật mạnh mẽ,
để không nỗi thất vọng nào
còn chạm được tới con.
Xin làm cho con thật đầy ắp,
để ngay cả một ước muốn nhỏ
cũng không còn có chỗ trong con.
Xin làm cho con thật lặng lẽ,
để con chỉ còn loan báo Chúa mà thôi.
Xin Chúa ngự trong con thật sống động,
để không phải là con,
mà là chính Ngài đang sống.
 
Suy Niệm 2: Bình an của Chúa
(TGM Giuse Ngô Quang Kiệt)


Chúa Giêsu đến khiến người ta phải dứt khoát chọn lựa. Hoặc Chúa hoặc ma quỉ. Hoặc trần gian hoặc Nước Trời. Chọn lựa đó dẫn đến hai con đường khác nhau.
Trần gian tìm thu tích vun quén cho mình. Vì thế nên áp bức bóc lột người khác. Mạnh được yếu thua. Trần gian được thể hiện rõ nét trong toan tính của Pha-ra-ô. Để bảo vệ quyền lực và để làm giầu cho mình, Pha-ra-ô ra lệnh giết con trai của người Do thái. Và bắt người Do thái làm nô lệ (năm lẻ).
Trần gian trở thành tinh vi hơn khi ngụy trang dưới lớp vỏ đạo đức. Người Do thái một mặt thờ kính Chúa rất sốt sắng. Dâng rất nhiều lễ vật. Nhưng mặt khác lại không ngừng phạm tội ác, áp bức bóc lột đồng loại. Chúa dùng I-sa-i-a cảnh báo họ đó là lối sống đạo không đẹp lòng Chúa (năm chẵn).
Trái lại người đi theo Chúa phải luôn từ bỏ tất cả những gì ngăn cản ta đến với Chúa. Dù đó là cha mẹ, anh em, con cái. Thậm chí phải bỏ chính mình, bỏ cả mạng sống mình nữa.
Nhưng kết quả thật khác xa. Kết quả trước mắt là bình an. Người chỉ lo chiếm đoạt và ức hiếp bóc lột sẽ tạo ra chiến tranh, bất bình. Bản thân người chỉ lo tính toán để hại người cũng không được bình an. Những nhà độc tài luôn lo sợ và nghi ngờ. Dục vọng làm cho tâm hồn con người không bao giờ an nghỉ.
Trái lại những người theo Chúa, từ bỏ mình lại luôn được bình an. Một niềm bình an sâu thảm vì đã thoát được tất cả những dục vọng, thèm muốn, chiếm đoạt. Và nhất là vì đã được chính Chúa làm phần thưởng.
Trong tầm nhìn cánh chung, những người chỉ lo thu tích, chiếm đoạt bằng áp bức bóc lột người khác sẽ mất tất cả khi bước vào đời sau. Tệ hơn thế, họ còn bị xét xử, kết án và bị trừng phạt.
Trái lại những người đã biết cho đi, quên mình sẽ được phần thưởng trọng hậu. Ngay cả những cử chỉ bác ái quên mình bé nhỏ như cho một ly nước lã thôi, Chúa cũng ghi nhớ và thưởng công xứng đáng. Khi sống quên mình và biết nghĩ đến người khác, người môn đệ kiến tạo hòa bình trên thế giới. Đó là nền hòa bình chân thực phát xuất từ tâm hồn. Đó là bình an của Chúa.

SUY NIỆM 3: COI NHAU LÀ THÙ ĐỊCH ! Giuse Nguyễn Trọng Sơn

Khi đọc câu chuyện ông Giuse bên Ai Cập, sự quý trọng nhau giữa Pharaô và ông Giuse, sự đón tiếp của người Ai Cập đối với gia đình ông Giuse, tôi cảm thấy vui, thấy thú vị lắm! Nhưng đọc tiếp sau đó, với sự lo lắng của các vua Ai Cập sau đó đưa đến âm mưu trấn át và tiêu diệt dòng dõi của dân này và do đó mà sinh ra thù hận, tôi cảm thấy hụt hẫng và lấy làm tiếc nuối! Có lần tôi hỏi một linh mục người Ai Cập: anh cảm thấy thế nào khi nghe những bản văn nói về chiến thắng của dân Do Thái trên dân Ai Cập, ngài đáp: đó là chuyện của lịch sử!
Mong ước thế, nhưng lại không được như thế! Khi Kitô Giáo xuất hiện, cũng lại nẩy sinh sự thù hằn, nghi kỵ đến từ nhiều người ngoài Kitô Giáo! Cũng có khi do sai lỗi của các kitô hữu, nhưng cũng không ít khi điều đó xuất phát từ sự nghi ngờ, kỳ thị nhau của những người thuộc các niềm tin khác! Cả hai bên, người ta không đón nhận những khác biệt của nhau, những suy tư-xác tín, những lối sống khác biệt của nhau, và nhìn nhau bằng cái nhìn đối kháng! Sự đối kháng này có khi từ cách nhìn của một số kitô hữu, họ không đủ tôn trọng những niềm tin khác nên sinh ra phỉ báng nhau!
Gần hơn, tâm tư đối kháng hiện diện thường xuyên trong đời sống hàng ngày của con người. Cha mẹ và con cái, người già và người trẻ không chấp nhận những khác biệt giữa các thế hệ. Những quan niệm sống khác nhau, những yêu thích khác nhau khiến người ta không tôn trọng và đón nhận nhau khi sống chung, khi làm việc chung. Người ta dễ có cảm tưởng người khác là “sự đe doạ” đối với mình bởi những lời dèm pha, phê phán, chỉ trích. Trong thực tế của cuộc sống, người ta không phân biệt được giữa khác biệt và đối kháng nên coi mọi thứ khác mình đều nguy hiểm! Phải chăng khi chưa đủ tự tin nơi giá trị của bản thân, của con đường mình chọn lựa, nên người ta lo sợ cái khác biệt đe doạ mình và cũng không thấy được giá trị của khác biệt là bổ túc cho mình?! 
Mong sao có một thế giới mà nơi đó người ta tự tin nơi giá trị của mình và tôn trọng những giá trị khác.

SUY NIỆM 4: VÌ NƯỚC TRỜI - ĐGM. PHAOLÔ NGUYỄN THANH HOAN

“Anh em đừng tưởng Thầy đem bình an cho trái đất; Thầy đến không phải đem bình an, nhưng để đem gươm giáo” (Mt 10:34).
Nghe qua lời công bố này, người ta không khỏi bỡ ngỡ. Các tiên tri loan báo Ngài là Hoàng Tử Hòa Bình. Ngài cũng mời gọi người ta hãy học với Ngài vì Ngài hiền lành và khiêm nhường trong lòng. Vậy Ngài muốn nói gì khi công bố : “Thầy đến không phải đem bình an…” “Thầy để chia rẽ người ta với cha, con gái với mẹ mình…”.
Đạo tình yêu Ngài rao giảng không thể đảo ngược. Người ta cũng không được chuẩn trong các nghĩa vụ yêu mến tôn kính cha mẹ, sự hiệp thông gia đình.
Điều trước tiên Ngài muốn nhấn mạnh, trước hết là phải đi vào đời sống thực hành cụ thể ngay trong cuộc sống gia đình, nghề nghiệp, trong bổn phận hằng ngày.
Thứ hai là trong mọi tình huống, khi có những quyết đình, phải đặt thành ưu tiên hàng đầu những đòi hỏi của Thiên Chúa. Nói một cách khác : muốn theo Chúa Giêsu, muốn trở thành tín hữu chân chính phải từ bỏ chính mình, từ bỏ mọi tính toán ích kỷ, cục bộ để thượng tôn ý định của Thiên Chúa.
“Ai yêu mến cha hay mẹ mình hơn Thầy, thì không xứng với Thầy…”
Một thanh niên tỏ ý muốn theo Chúa, nhưng xin về chôn cất cha, Chúa bảo : “Hãy để kẻ chết chôn kẻ chết, con hãy theo Thầy”.
Bước sang một lãnh vực cốt yếu của con người là “sự  sống”, cuộc sống với bao nhiêu khát vọng, tất cả cũng phải nhường bước cho khát vọng Nước Trời.
“Ai yêu mến sự sống mình thì sẽ mất. Ai liều mất mạng sống mình vì Thầy thì sẽ tìm thấy được”. Mạng sống đây là tất cả.
“Sự sống” còn gì cao quý hơn. Nhưng sự sống đó không cởi mở, không vươn tới hòa đồng, chia sẻ tận hiến, mà chỉ quay về chính mình cách ích kỷ, đó là sự sống tồi tệ nhất.
“Liều mạng sống” có nghĩa thấy hạnh mình nơi hạnh phúc tha nhân. Chính Chúa tự hiến mình để làm của lễ cứu độ thế giới. Hạnh phúc Ngài là như thế.

Cầu nguyện :
Lạy Chúa, khi Chúa đặt con người sống trên mặt đất với bao điều ưu việt hơn mọi tạo vật, Chúa đã cho con người tham dự vào bản tính kỳ diệu và sự sống của Chúa. Rời khỏi Chúa, xa mất đi tình yêu của Chúa là con người mất đi tất cả. Tội Adam vẫn còn mãi, nếu chúng con chưa tìm về với Chúa, đặt hết niềm tin vào Chúa, hết lòng yêu mến Chúa.
Nguyện xin Chúa cho chúng con biết lắng nghe tiếng gọi đầy tình thương của Chúa, biết nhìn lên cuộc sống tuyệt đối vâng theo thánh ý Chúa, vì Chúa chính là Đường, Chân lý, là cuộc sống của chúng con.
“Lạy Chúa, Chúa đã dựng nên chúng con, và chúng con hằng phải thao thức mãi cho đến khi được nghỉ an trong Chúa mới thôi” ( Augustinô). Ước chi cuộc đời con, suốt đời con là cuộc tìm gặp Chúa không ngừng, vì luôn luôn có những quyến rũ của trần thế đeo đẳng cuộc sống này.Và ma quỷ vẫn sàng sảy chúng con  như sàng gạo. Nếu Chúa không lôi cuốn thu hút con, con lám sao đứng vững được. Lạy Chúa là nguồn mạch bình an, con trông cậy Chúa. Amen.

Tác giả: Truc Ho Si

  Ý kiến bạn đọc

Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây