Suy niệm - Thứ Năm Tuần 14 thường niên

Thứ tư - 12/07/2023 05:02
Lời Chúa: Mt 10, 7-15

Khi ấy, Chúa Giêsu phán cùng các Tông đồ rằng:
"Các con hãy đi rao giảng rằng "Nước Trời đã gần đến". Hãy chữa những bệnh nhân, hãy làm cho kẻ chết sống lại, hãy làm cho những kẻ phong cùi được sạch và hãy trừ quỷ. Các con đã lãnh nhận nhưng không thì hãy cho nhưng không. Các con chớ mang vàng bạc, tiền nong trong đai lưng, chớ mang bị đi đường, chớ đem theo hai áo choàng, chớ mang giày dép và gậy gộc, vì thợ thì đáng được nuôi ăn.
"Khi các con vào thành hay làng nào, hãy hỏi ở đó ai là người xứng đáng, thì ở lại đó cho tới lúc ra đi. Khi vào nhà nào, các con hãy chào rằng: "Bình an cho nhà này". Nếu nhà ấy xứng đáng thì sự bình an của các con sẽ đến với nhà ấy. Nhưng nếu ai không tiếp rước các con và không nghe lời các con, thì hãy ra khỏi nhà hay thành ấy và giũ bụi chân các con lại. Thật, Thầy bảo các con: Trong ngày phán xét, đất Sôđôma và Gômôra sẽ được xét xử khoan dung hơn thành ấy".


Suy Niệm 1: Chúc bình an
(Lm. Ant. Nguyễn Cao Siêu SJ.)


Trước khi sai các Tông Đồ lên đường truyền giáo,
Thầy Giêsu đã dặn dò họ nhiều điều.
Họ được sai đến với ai: với những đồng bào của họ là người Israel.
Sau này họ mới được sai đến với dân ngoại, với mọi dân tộc (Mt 28, 20).
Họ đến để làm gì: rao giảng về Nước Trời gần đến,
chữa bệnh, hoàn sinh kẻ chết, khử trừ ma quỷ ra khỏi lòng người (c. 8).
Họ đến để đem lời chúc bình an cho những ai mở lòng lãnh nhận (c. 12).
Họ không nên mang theo những gì: tiền vàng, bạc hay đồng để giắt lưng,
bao bị để đựng đồ, hai áo để thay đổi, giày dép để bảo vệ đôi chân,
cả chiếc gậy vừa để đi đường xa, vừa đề phòng nguy hiểm (cc. 9-10).
Cách hành xử của họ cũng được Thầy nói rõ.
Họ làm mọi việc mà không đòi bất cứ điều gì để trả công.
“Anh em đã được cho không, thì cũng phải cho không như vậy” (c. 8).
Họ đã nhận được Nước Trời như một món quà,
họ cũng muốn trao đi như một quà tặng.
Điều duy nhất họ mong là được người ta lo cho thức ăn, chỗ ở.
“Vì thợ thì đáng được nuôi ăn” (c. 10).
Khi nghe lời dặn dò của Thầy Giêsu,
chúng ta thấy ngay mẫu người tông đồ mà Thầy mơ ước.
Đó là con người bị cuốn hút bởi những bận tâm về Nước Trời,
nên siêu thoát khỏi mọi vướng bận trần tục.
Nước Trời phong phú và giàu có đủ làm họ mãn nguyện,
nên họ coi nhẹ chuyện ở, chuyện mặc, chuyện ăn.
Chính lối sống đơn sơ giản dị, thậm chí thiếu thốn của họ,
là một lời chứng về những gì trên cao.
Họ cũng phải chấp nhận mình có thể bị từ chối, không được đón tiếp.
Một thành, một làng hay một nhà có thể không chấp nhận Tin Mừng,
và họ phải khiêm tốn tìm đến nơi thuận lợi hơn (c. 14).
Các tông đồ thế kỷ 21 hẳn không thể sống theo nghĩa đen những lời trên đây,
nhưng cũng không được gạt bỏ tinh thần mà Đức Giêsu vẫn muốn ta giữ mãi.
Nhẹ nhàng, thanh thoát, khó nghèo, phó thác, không tính toán lợi danh,
gieo rắc niềm vui và an bình, chữa lành và giải phóng con người khỏi nô lệ.
Và trên hết là một lòng yêu mến Thiên Chúa nồng nàn,
và một lòng yêu thương cháy bỏng đối với đoàn chiên vất vưởng bơ vơ.
Đó vẫn là hành trang muôn thuở của người tông đồ qua mọi thời đại.
Thời nay người tông đồ được trang bị nhiều phương tiện hiện đại,
với những cơ sở vững vàng, với số vốn ổn định, với tri thức bằng cấp đầy đủ.
Những điều đó vẫn không khiến chúng ta bỏ rơi tinh thần của Thầy Giêsu.
Bởi lẽ mất tinh thần của Thầy, chúng ta chẳng còn là tông đồ nữa.
Thánh Phanxicô Assisi đã bị đánh động khi đọc đoạn Tin Mừng này.
Và ngài đã muốn đưa Giáo hội trở lại với lối sống nghèo khó.
Rất có thể việc truyền giáo của chúng ta ở châu Á chưa có kết quả
chỉ vì chưa có những tông đồ dám sống triệt để lời dặn dò của Thầy Giêsu.
Mà lời dặn dò của Thầy lại rất hợp với tinh thần của người châu Á.
 
Cầu nguyện:
Lạy Chúa,
xin ban cho chúng con ánh sáng đức tin
để nhận ra Chúa hôm nay và hằng ngày,
nơi khuôn mặt khốn khổ
của tất cả những người bị thử thách:
những kẻ đói, không chỉ vì thiếu của ăn,
nhưng vì thiếu Lời Chúa;
những kẻ khát, không chỉ vì thiếu nước,
nhưng còn vì thiếu bình an, sự thật, công bằng và tình thương;
những kẻ vô gia cư,
không chỉ tìm kiếm một mái nhà,
nhưng còn tìm một con tim hiểu biết, yêu thương;
những kẻ bệnh hoạn và hấp hối,
không chỉ trong thân xác,
nhưng còn trong tinh thần nữa,
bằng cách thực thi lời hy vọng này:
“Điều mà ngươi làm
cho người bé mọn nhất trong anh em
là làm cho chính Ta” (Chân phước Têrêxa Calcutta)
 
Suy Niệm 2: Trái tim Thiên Chúa
(TGM Giuse Ngô Quang Kiệt)


Thiên Chúa có trái tim dễ rung động. Đó là điều Hô-sê khám phá. Người yêu Ít-ra-en bằng tình yêu dịu dàng, tha thiết và trìu mến. “Khi Ít-ra-en còn non trẻ, Ta đã yêu nó…Ta đã tập đi cho Ép-ra-im, đã đỡ cánh tay nó…Ta xử với chúng như người nựng trẻ thơ, nâng lên áp vào má”. Tuy Ép-ra-im từ chối, nhưng Chúa không thể không yêu: “Hỡi Ép-ra-im, Ta từ chối ngươi sao nổi! Hỡi Ít-ra-en, Ta trao nộp ngươi sao đành! Trái tim Ta thổn thức, ruột gan Ta bồi hồi”. Thật là một trái tim yêu thương tha thiết. Không thể từ bỏ dù bị phản bội (năm chẵn).
Giu-se là người của Chúa. Ông hiểu chương trình của Chúa. Nên ông cũng mang trái tim của Chúa. Vì thế, tuy bị anh em ghen ghét bán sang Ai-cập nhưng ông không hề oán hận. Trái lại khi gặp anh em, ông xúc động không cầm được nước mắt. Tha thứ hết mọi tội lỗi của anh em. An ủi anh em vì đây là kế hoạch của Chúa. Và chủ động làm hoà, để anh em sống trong tình huynh đệ chan hoà: “Ông Giu-se không thể cầm lòng trước mặt tất cả những người đứng bên ông…Ông oà lên khóc…nói với anh em: ‘Tôi là Giu-se, đứa em mà các anh đã bán sang Ai-cập. Nhưng bây giờ, các anh đừng buồn phiền, đừng hối hận vì đã bán tôi sang đây: chính là để duy trì sự sống mà Theien Chúa đã gửi tôi đi trước anh em”. Thật là một trái tim quảng đại, yêu thương, tha thứ (năm lẻ).
Chúa Giê-su mong ước người môn đệ của Chúa cũng có trái tim của Chúa. Một trái tim tràn đầy yêu thương. Đi cứu vớt những con chiên lạc: “Anh em hãy đến với các con chiên lạc nhà Ít-ra-en”. Một trái tim nhân hậu thương xót. Cúi xuống những lầm than khốn khổ của con người. Để chữa lành. Để giải phóng. Để vỗ về: “Anh em hãy chữa lành người đau yếu, làm cho kẻ chết trỗi dậy, cho người mắc bệnh phong được sạch, và khử trừ ma quỷ”. Một trái tim yêu thương vô vị lợi không đòi đền đáp: “Anh em đã được cho không, thì cũng phải cho không như vậy”. Một trái tim trong sạch, không vướng mùi tiền bạc vật chất: “Đừng kiếm vàng bạc hay tiền đồng để giắt lưng. Đi đường, đừng mang bao bị, đừng mặc hai áo, đừng đi giày dép hay cầm gậy”. Người môn đệ đi rao giảng Nước Trời. Không cậy dựa và càng không tìm kiếm hay bám víu vào những giá trị trần gian. Hành trang duy nhất chỉ mang theo trái tim của Chúa. Đi đến đâu đem bình an đến đấy: “Vào nhà nào, anh em hãy chào chúc bình an cho nhà ấy”.
Chỉ cần có trái tim của Chúa người môn đệ giới thiệu Nước Thiên Chúa đã đến. Vì khi mang trái tim của Chúa các ngài đã ở thiên đàng rồi.


SUY NIỆM 3: SỨ MẠNG CỦA BÌNH AN − Giuse Nguyễn Trọng Sơn

Cuộc đời của ông Giuse gặp nhiều oán thù. Trước hết là bị anh em ghen ghét và loại trừ. Khi bị bán qua Ai Cập, ông đã làm rất tốt công việc trong nhà chủ, nhưng lại bị bà chủ nhà làm hại vì không thoả mãn dục vọng của bà. Thế nhưng, ông Giuse không hề oán hận, luôn sống tinh thần tha thứ và luôn làm điều tốt lành cho người khác. Khi các anh em của ông đến xin mua lương thực và nhận ra viên tể tướng đầy quyền lực đứng trước mặt họ chính là ông Giuse, thì họ thực sự hoảng sợ vì nghĩ sẽ bị trả thù! Nhưng với lòng quảng đại và nhân ái, ông nhìn chuyện mình bị bán với con mắt của đức tin: “Các anh đừng buồn phiền, đừng hối hận vì đã bán tôi sang đây: chính là để duy trì sự sống mà Thiên Chúa đã gửi tôi đi trước anh em.” (St 45,5). Người thù hận luôn có đủ lý do để trả thù, còn người rộng lượng thì cũng có lý do để tha thứ cho người khác.
Chúa Giêsu sai các môn đệ đi chữa lành và loan báo Tin Mừng bình an. Để làm được điều đó, Ngài muốn các ông phải thanh thoát trong việc sở hữu lợi lộc và cả với sự ủng hộ của người khác nữa. Dù người ta có phản đối, các môn đệ vẫn một mực mang lại bình an. Việc xét xử những điều xấu người ta làm cho các ông là việc của Chúa vào thời cánh chung.
Ghen ghét, oán thù, tính toán hơn thua, bực mình... làm khổ sở chính mình và làm khổ người khác nữa. Thế nhưng, người ta không đủ ý thức để ra khỏi đó! Thế là cả đời phải khổ! Ý thức mình là món quà của Chúa, là sự hiện diện do từ tình thương của Thiên Chúa, làm cho bản thân được hạnh phúc, và từ đó, cũng trở thành món quà cho tha nhân. Chúa Giêsu chỉ cho cách thức để đạt được điều đó: đừng khát vọng sở hữu lợi lộc hay chiếm đoạt tình cảm của người khác. Thanh thoát sẽ làm cho chúng ta trở nên món quà!


SUY NIỆM 4: TRÊN ĐƯỜNG TRUYỀN GIÁO - ĐGM. PHAOLÔ NGUYỄN THANH HOAN

Trước khi các tông đồ ra đi, Chúa đã ban cho họ những quyền năng đặc biệt như chữa lành người đau yếu, làm cho kẻ chết sống lại, kẻ mắc bệnh nan y được lành mạnh và xua trừ trục xuất ma quỷ.
 Những quyền năng này là những việc Chúa đã thực hiện và Chúa cho các tông đồ hiểu rằng công trình của họ cũng là công trình của Ngài. Mặt khác những ơn lành thể xác theo sau lời loan báo : “Triều đại Nước Thiên Chúa đang đến gần”. Điều này có nghĩa là Nước Thiên Chúa là ơn lành, là niềm vui, là sự sống cho con người. Nước Thiên Chúa là chính tình yêu thương của Chúa chuẩn bị chan hòa đầy mặt đất. Những ơn lành thể xác mà người ta thấy được đó là dấu hiệu của Nước Thiên Chúa.
Những cử chỉ từ thiện bác ái Chúa truyền cho các tông đồ cho thấy người tông đồ là sứ giả của Tin mừng tình yêu. Người tông đồ phải là người ân nhân phục vụ, gieo rắc các ơn lành, nâng đỡ và thăng tiến anh em đồng loại, đem đến cho họ ánh sáng, niềm vui và bình an đôi phần hồn xác.
Ngoài chỉ thị cho công trình phục vụ Tin mừng Chúa còn muốn cho các tông đồ không phải quan tâm nhiều đời sống cá nhân : “cho thì có phúc hơn là nhận”. Thế rồi phó thác mọi sự cho Chúa, vui buồn trong Chúa, thành công thất bại trong Chúa. Nói thất bại là cảm nhận của chúng ta thôi, thế nào mà Thiên Chúa thất bại được.
Cầu nguyện : 
Lạy Chúa, ngày xưa Chúa sai các tông đồ ra đi, Chúa đã cho họ thấy giá trị cầu nguyện.
Lạy Chúa, ngày xưa Chúa đã sai các tông đồ ra đi, Chúa đã cho họ thấy giá trị của con người là hồn xác bất phân. Cả hai phần đều là công trình kỳ diệu của Chúa tạo dựng cho con người để cho con người con thể tham dự vào đời sống hạnh phúc vô biên của Chúa.
Cho nên loan báo Tin mưng là Tin mừng cho cả đôi phần hồn xác. Thế giới tương lai là trời mới đất mới, con người mới. Chúa dạy các tông đồ rao giảng “Triều đại Thiên Chúa đã đên gần” và Chúa lấy việc phục hồi sự sống, phục hồi con người toàn diện để tỏ rõ hình ảnh Nước trời là hình ảnh của Tình yêu.
Lạy Chúa xin cho con trở lên người tôi tớ của Tin mừng đem con người trở về thế giới hạnh phúc Chúa đã dành sẵn cho nhân loại từ ngày tạo dựng. Xin Chúa ban cho con một con tim quảng đại, một tâm tình biết chia sẻ niềm vui nỗi buồn với tất cả mọi người. Nhất là con biết học đòi tình thương Chúa, phục vụ đến quên mình, phục vụ đến hy sinh cả mạng sống. Ước chi Thần Khí Chúa tái tạo con nên con người mới, con người biết cho nhưng không, con người biết say sưa gieo rắc tình yêu thương bác ái, con người khiêm tốn quỳ xuống rửa chân cho anh em mà không bị mặc cảm tự ti. “Vì khi con hạ mình là con được Chúa nâng lên, khi con hiến thân là khi con nhận lãnh, khi con quên mình là lúc gặp lại bản thân, chính khi con chết đi là khi con vui sống muôn đời”. Amen.

Tác giả: Truc Ho Si

  Ý kiến bạn đọc

Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây