Suy niệm - Thứ Ba Tuần 14 thường niên

Thứ hai - 10/07/2023 03:55
Lời Chúa: Mt 9, 32-38

Khi ấy, người ta đem đến Chúa Giêsu một người câm bị quỷ ám. Khi đã trừ quỷ, thì người câm nói được, đám đông dân chúng kinh ngạc và nói rằng: "Chưa bao giờ thấy xảy ra như vậy trong dân Israel". Nhưng các người biệt phái nói rằng: "Ông ta đã nhờ tướng quỷ mà trừ quỷ".
Và Chúa Giêsu đi rảo khắp các thành phố làng mạc, dạy dỗ trong các hội đường, rao giảng Tin Mừng Nước Trời, và chữa lành mọi bệnh hoạn tật nguyền. Thấy đoàn lũ dân chúng, Người động lòng xót thương họ, vì họ tất tưởi bơ vơ như những con chiên không có người chăn.
Người liền bảo môn đệ rằng: "Lúa chín đầy đồng, mà thợ gặt thì ít. Các con hãy xin chủ ruộng sai thợ đi gặt lúa".

Suy Niệm 1: Sai thợ ra gặt lúa
(Lm. Ant. Nguyễn Cao Siêu SJ.)


Phép lạ Đức Giêsu chữa người câm là phép lạ cuối
của chuỗi mười phép lạ trong hai chương 8 và 9 của Tin Mừng Mátthêu.
Mátthêu đã kể lại phép lạ này với rất ít chi tiết.
Người ta coi bệnh câm của anh này là do quỷ ám.
Khi quỷ bị trục xuất thì người câm nói được.
Không thấy Đức Giêsu đã làm gì hay nói gì để trừ quỷ.
Nhưng quyền năng của Ngài được lộ ra khi người câm cất tiếng nói.
Có hai phản ứng ngược nhau trước phép lạ.
Đám đông thì kinh ngạc và nói: “Ở Israel, chưa hề thấy thế bao giờ.”
Họ đứng trước một điều hết sức mới mẻ khiến họ ngỡ ngàng (c. 33).
Người câm nói được là một dấu chỉ cho thấy Nước Trời đã gần,
thời đại thiên sai đã đến, Đấng Thiên sai đã ở kề bên.
Đức Giêsu đã làm ứng nghiệm lời ngôn sứ Isaia tiên báo:
“miệng lưỡi người câm sẽ reo hò” (35, 6).
Nhưng những người Pharisêu lại nghĩ khác.
Họ không phủ nhận quyền năng trừ quỷ của Đức Giêsu,
nhưng họ lại cho rằng Ngài đã bắt tay với quỷ vương để trừ quỷ (c. 34).
Đây là phản ứng đầu tiên có tính thù nghịch công khai của người Pharisêu.
Phần còn lại của bài Tin Mừng là một bản tóm lược
về các hoạt động của Đức Giêsu: dạy dỗ, rao giảng, và chữa bệnh (c. 35).
Tất cả cuộc sống của Ngài như dành trọn cho đám đông.
Đôi chân Ngài đi khắp các thành thị, làng mạc và hội đường.
Đôi môi Ngài không ngớt đem tin vui đến cho những người mong đợi.
Đôi tay Ngài chạm đến những bệnh tật yếu đau của con người.
Nhưng trên hết vẫn là chuyện Đức Giêsu chạnh lòng thương (c. 36).
Chạnh lòng thương là nhói đau ở chỗ sâu bên trong của ruột gan mình.
Thấy thì thương: đó luôn là cái nhìn của Đức Giêsu trước đám đông.
Ngài thấy họ như chiên không có người chăn dắt, lãnh đạo.
Chính vì thế họ bị rơi vào tình cảnh vất vưởng lầm than.
Đức Giêsu không đau xót về chuyện bệnh tật thân xác của đám đông.
Ngài quan tâm nhiều hơn đến nhu cầu tâm linh của con người.
Con người đánh mất ý nghĩa cuộc sống, thấy bơ vơ, cô độc, tuyệt vọng.
Con người loại trừ Thiên Chúa, để rồi rơi vào sa đọa, chán chường.
Đức Giêsu đến như người mục tử chăm sóc mọi mặt cho đoàn dân.
Cách đây hai ngàn năm, Đức Giêsu đã than về chuyện ơn gọi.
Đồng lúa thì bao la mênh mông, mà thợ gặt thì ít.
Ngài mời các môn đệ của mình cầu nguyện nài xin với Thiên Chúa.
Đồng lúa là của Thiên Chúa, thợ gặt cũng là của Thiên Chúa sai đến.
Nước Việt Nam chúng ta cũng cần bao thợ gặt.
Có bao nhiêu tỉnh thành làng mạc còn thiếu linh mục, thiếu nữ tu.
Số linh mục mới chịu chức không đủ bù cho các vị về hưu và qua đời.
Làm sao để các bạn trẻ thấy con người hôm nay và chạnh lòng thương?
Làm sao để họ muốn dấn bước lo cho đám đông như Giêsu?
 
Cầu nguyện:
Lạy Cha là người chủ ruộng tốt lành,
đồng lúa đã chín vàng chờ ngày gặt hái.
Xin Cha sai những người thợ lành nghề và tận tụy
đến làm việc trong cánh đồng bao la của Cha.
Xin Cha gieo vào lòng các bạn trẻ hôm nay
những ước mơ lớn lao, những lý tưởng cao cả.
Xin cho họ
biết quên hạnh phúc và tương lai của mình
để yêu tha nhân bằng trái tim rộng mở.
Ước gì họ nghe được tiếng kêu của người bị áp bức,
cảm được cơn đói khát Lời Chúa và tình thương,
thấy được những mất mát của bao người đau khổ,
và chạm đến sự trống vắng của tâm hồn lạc hướng.
Xin Cha sai Thánh Thần đến với các bạn trẻ
để họ quảng đại đáp lại tiếng gọi của Chúa Giêsu,
sống như Ngài đã sống
và tiếp tục làm những gì
Ngài đã làm trên trần gian.
Cũng xin Cha
gìn giữ gia đình và giáo xứ chúng con,
thanh lọc bầu khí của trường học và xã hội,
để tất cả trở thành những môi trường tốt
giúp các bạn trẻ dễ dàng tìm gặp ý Cha. Amen.
 
Suy Niệm 2: Lúa chín đầy đồng
(TGM Giuse Ngô Quang Kiệt)

Thế gian đau khổ vì chống lại Thiên Chúa. Dân Ít-ra-en có nhiều kinh nghiệm về điều này. Khi vâng nghe Lời Chúa, họ được hạnh phúc. Khi phản bội Chúa, họ lâm vào cảnh nô lệ lầm than khốn khổ. “Con cái Ít-ra-en phong vương người mà Ta không chọn, tôn làm lãnh tụ kẻ Ta không biết, dùng bạc vàng làm ra ngẫu tượng, để rồi bị đập tan”. Từ bỏ Chúa thì họ sẽ phải chịu nô lệ các thế lực ma quỉ, xác thịt, thế gian: “Giờ đây, Người sẽ nhớ lại sự gian ác của chúng, chúng đã phạm tội, thì chúng sẽ phải đền: chúng sẽ phải trở về Ai-cập” (năm chẵn).
Chúa Giê-su xuống trần để giải thoát con người khỏi ách nô lệ. Chúa xua trừ ma quỷ để con người được sống tự do: “Khi ấy, người ta đem đến cho Đức Giê-su một người câm bị quỷ ám. Khi quỷ bị trục xuất rồi, thì người câm nói được”. Chúa rao giảng cho mọi người biết Nước Trời. Chúa cứu họ khỏi mọi bệnh hoạn tật nguyền: “Đức Giê-su…rao giảng Tin Mừng Nước Trời và chữa hết các bệnh hoạn tật nguyền”. Chúa đến để đưa mọi người vào Nước Trời. Toàn dân là những bông lúa chín cần được đưa vào kho Nước Trời: “Lúa chín đầy đồng, mà thợ gựt lại ít. Vậy anh em hãy xin chủ mùa gặt sai thợ ra gặt lúa về”.
Chúa muốn có người cộng tác vào việc xây dựng Nước Trời. Nhưng việc xây dựng Nước Trời là của Chúa. Vì thế người cộng tác phải có lòng khiêm tốn. Phải cầu nguyện và được sai đi. Đó chính là thái độ của tổ phụ Gia-cóp. Khi từ nơi lưu lạc trở về, ông đắc thắng như một người thành công nhờ sức mình. Có hai bà vợ. Mười một đứa con trai. Còn gia súc thì hàng ngàn hàng vạn. Nhưng đêm trước khi bước vào Đất Hứa, ông phải trải qua một cuộc chiến đấu với Thiên Chúa. Ông phải cầu nguyện xin Chúa chúc phúc: “Tôi sẽ không buông ngài ra, nếu ngài không chúc phúc cho tôi…Và người đó chúc phúc cho ông tại đấy”. Để tổ phụ Gia-cóp khiêm tốn, Chúa đã cho ngài bị thọt chân: “người đó bèn đánh vào khớp xương hông của ông, và khớp xương hông của ông Gia-cóp bị trật”. Nhờ đó ông được đổi tên và trở tổ phụ dân riêng được Chúa chọn: “Người ta sẽ không gọi tên ngươi là Gia-cóp nữa, nhưng là Ít-ra-en”. Đó chính là tên của dân tộc mới được Chúa thành lập (năm lẻ).
Xin cho con biết khiêm tốn cầu nguyện để được Chúa sai đến nơi Chúa muốn và làm việc Chúa cần.


SUY NIỆM 3:  “ĐẤU VẬT”  VỚI THIÊN CHÚA − Giuse Nguyễn Trọng Sơn

Ông Giacóp trên đường trở về với người anh là Êsau, ông lo lắng người anh không tha thứ cho mình tội đã lừa dối cha để chiếm đoạt phúc lành đáng lẽ là dành cho anh mình. Trong bối cảnh ấy, ông đã có thị kiến đánh vật với một người xa lạ là thiên sứ, nhưng theo các nhà chuyên môn, đó là chính Thiên Chúa. Ông tỏ ra mạnh thế, nhưng cũng không chịu buông người lạ ra cho đến khi người ấy chúc lành cho ông. Thị kiến cho thấy ông vẫn ở thế mạnh so với anh mình, và nhất là, theo truyền thống Kitô Giáo, đó là cuộc chiến đấu thiêng liêng của người tín hữu trước mầu nhiệm Thiên Chúa.
Quả là có một cuộc chiến đấu giữa con người với mầu nhiệm Thiên Chúa. Ngay từ đầu, Adam-Eva đã không hiểu được rằng phẩm giá và sự sung mãn của họ là ở nơi Thiên Chúa, nên đã vùng vẫy muốn tách ra khỏi Ngài. Cuối cùng là thất bại và thất vọng ê chề! Trong suốt dòng lịch sử kitô giáo, chính Giáo Hội cũng phải chiến đấu với mầu nhiệm Thiên Chúa khi tìm kiếm chỗ đứng của mình nơi quyền bính trần thế, khi tìm kiếm sự thể hiện mình trong thái độ đấu tranh giữa các tôn giáo, nhất là giữa các kitô giáo với nhau!!! Đó không hề là thái độ của Tin Mừng mà Giáo Hội mang trách nhiệm phải loan báo! Thế giới tục hoá hôm nay, trong khi nỗ lực loại bỏ Thiên Chúa và Giáo Hội ra khỏi đời sống trần thế, thì như vẫn không tìm thấy phẩm giá và hạnh phúc sâu xa của mình bên ngoài Thiên Chúa! Vẫn là những thứ “bánh ảo” khiến người ta điên cuồng tìm kiếm. “Thế giới mạng” được gọi là “thế giới ảo” (virtual world). Thế giới ấy vừa thật (các giao dịch tài chánh trên mạng là thật), nhưng vẫn là điều không nắm được cụ thể trong tay. 
Ý niệm đó mang nhiều ý nghĩa đáng nghiền ngẫm lắm, bởi vì trong đời sống cụ thể của mỗi người, chúng ta vẫn đi tìm kiếm những thứ mà mình coi là thiết thực lắm, nhưng lại rất ảo! Tìm kiếm danh dự trong tập thể, tìm kiếm chỗ đứng trong lòng người khác, tìm kiếm quyền lực... Có khi cả đời, ngay cả đời tu, người ta đi tìm kiếm, đấu đá, giành giựt cho bằng được, nhưng cuối cùng thì vẫn là ảo, vẫn tan biến đâu mất! Cuối cùng thì điều mà chúng ta cảm nhận được là: Thiên Chúa và tư tưởng của Ngài vẫn là điều khó hiểu, khó cảm nhận, nhưng trớ trêu thay, hạnh phúc thực sự và sâu xa lại ở nơi chính Ngài. Đời người là một cuộc đấu tranh với mầu nhiệm Thiên Chúa là như thế đó!
Thánh Bênêđictô (thế kỷ 5) là ông tổ của đời sống đan tu Phương Tây đã dành cả cuộc đời để tìm kiếm Thiên Chúa. Đó là lời mời gọi  cho thế giới, cho mỗi người, biết đi tìm Thiên Chúa là hạnh phúc đích thực và sâu xa.


SUY NIỆM 4:  KHÔNG ƯA ĐỔ THỪA CHO XẤU - ĐGM. PHAOLÔ NGUYỄN THANH HOAN

Lại thêm một giai thoại Chúa chữa lành, một thứ bệnh làm ta phải  ngạc nhiên, quỷ ám và làm cho người ta phải câm, khi Chúa trừ quỷ thì người câm lại nói được.
Quả thực lời nói là hồng ân của Chúa, con người câm chỉ  biết mình, không làm sao để thông cảm chia sẻ được với mọi người. Nỗi khổ này không phải nhỏ.
Nhưng đây cũng là một biểu tượng rõ rệt là ma quỷ có mặt khắp nơi. Ngay nơi miệng lưỡi chúng ta satan cũng can thiệp vào để gây đau khổ cũng có, mà gây tội lỗi cũng nhiều. Vì biết bao tội lỗi xuất phát từ lời ăn tiếng nói của chúng ta. Nói xấu, nói hành, nói tục tĩu, nói lời phê phán chê trách, nói dối, xúi dục người khác phạm tội.
Lạy Chúa xin chữa lành miệng lưỡi đầy tội lỗi của chúng con.
Ngay trong phép lạ Chúa chữa lành người bệnh này, thì cũng từ miệng lưỡi sinh ra hai đều trái ngược. Người dân chất phác ngời khen Thiên Chúa, người  biệt phái lại xuyên tặc quyền năng ma quỉ. Thật nguy hiểm cho miệng lưỡi. Cho nên có câu tục ngữ “người khôn trước khi nói uốn lưỡi bảy lần”. Có nghĩa là người ta phải  biết thận trọng, khôn ngoan trong lời nói.
Đối với Chúa Giêsu, Ngài không sợ gì những lời dèm pha của kẻ thù. Chúa cứ tiếp tục làm hai công tác nối tiếp nhau : Chúa rao giảng và chữa lành bệnh tật. Đó là tình yêu dạt dào của Người. Và Ngài tạo nên một kiểu mẫu loan báo tin mừng cho Giáo hội mọi thời đại.
Cầu nguyện :
Lạy Chúa Giêsu yêu mến ! ba năm rao giảng của chúa như một mùa ươm gieo hạt giống Nước Trời. Chúa không ngừng rao giảng khi thì trong hội đường Do thái, khi trên núi, khi ở đồng bằng, khi trên bờ biển, khi dưới bóng cây, khi ở trong các tư gia.
Chúa cũng không ngừng ban phát ơn lành cho bao  người đau khổ, kẻ câm được nói, kẻ què được đi, kẻ điếc được nghe, người chết sống lại…
Con nhìn ngắm dung nhan hiền từ của Chúa với cặp mắt dịu dàng, với đôi bàn tay êm ái. Chúa không ngừng xoa dịu vết thương đau của nhân loại.
Chúa còn tỏ nỗi xót xa khi thấy đám  người khổ không ai bệnh vực, không ai giúp đỡ. Chúa thấy họ và cảm thương họ như đàn chiên không người chăn dắt.
Cho nên dù các tông đồ còn là những người mới mẻ, giáo lý chưa có  bao nhiêu, kỹ thuật truyền bá Tin mừng không thể lưu loát, Chúa vẫn sai họ đi để họ phục vụ Tin mừng. Họ không đi về thành phố nhưng họ đến với dân nghèo trong các làng mạc nông thôn.
Nỗi niềm yêu thương của Chúa gói ghém lại trong lời kêu gọi : “Lúa chín đầy đồng mà thợ gặt thì ít, các con hãy xin chủ ruộng là Chúa Cha sai nhiều thợ gặt ra đi”.
Lạy Chúa con hoàn toàn chia sẻ với Chúa những tâm tình bức xúc trước nhu cầu loan báo Tin mừng qua mọi thời đại. Xin Chúa gọi con, xin Chúa sai con đi, xin Chúa tăng cường cho con niềm tin và quyết tâm tận hiến mạnh mẽ để con trở thành người chiến sĩ Tin mừng. Luôn luôn con trông cậy Chúa. Vì không có Chúa con không thể làm được việc gì. Amen.

Tác giả: Truc Ho Si

  Ý kiến bạn đọc

Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây