SUY NIỆM THỨ NĂM TUẦN XXIII THƯỜNG NIÊN
Lc 6,27-38
Tin Mừng Chúa Giê-su Ki-tô theo thánh Luca.
27 “Thầy nói với anh em là những người đang nghe Thầy đây: hãy yêu kẻ thù và làm ơn cho kẻ ghét anh em, 28 hãy chúc lành cho kẻ nguyền rủa anh em và cầu nguyện cho kẻ vu khống anh em.
29 Ai vả anh má bên này, thì hãy giơ cả má bên kia nữa. Ai đoạt áo ngoài của anh, thì cũng đừng cản nó lấy áo trong. 30 Ai xin, thì hãy cho, ai lấy cái gì của anh, thì đừng đòi lại.
31 Anh em muốn người ta làm gì cho mình, thì cũng hãy làm cho người ta như vậy. 32 Nếu anh em yêu thương kẻ yêu thương mình, thì có gì là ân với nghĩa? Ngay cả người tội lỗi cũng yêu thương kẻ yêu thương họ.
33 Và nếu anh em làm ơn cho kẻ làm ơn cho mình, thì còn gì là ân với nghĩa? Ngay cả người tội lỗi cũng làm như thế. 34 Nếu anh em cho vay mà hy vọng đòi lại được, thì còn gì là ân với nghĩa? Cả người tội lỗi cũng cho kẻ tội lỗi vay mượn để được trả lại sòng phẳng.
35 Trái lại, anh em hãy yêu kẻ thù, hãy làm ơn và cho vay mà chẳng hề hy vọng được đền trả. Như vậy, phần thưởng dành cho anh em sẽ lớn lao, và anh em sẽ là con Đấng Tối Cao, vì Người vẫn nhân hậu với cả phường vô ân và quân độc ác.
36 “Anh em hãy có lòng nhân từ, như Cha anh em là Đấng nhân từ. 37 Anh em đừng xét đoán, thì anh em sẽ không bị Thiên Chúa xét đoán. Anh em đừng lên án, thì sẽ không bị Thiên Chúa lên án. Anh em hãy tha thứ, thì sẽ được Thiên Chúa thứ tha.
38 Anh em hãy cho, thì sẽ được Thiên Chúa cho lại. Người sẽ đong cho anh em đấu đủ lượng đã dằn, đã lắc và đầy tràn, mà đổ vào vạt áo anh em. Vì anh em đong bằng đấu nào, thì Thiên Chúa sẽ đong lại cho anh em bằng đấu ấy”.
SUY NIỆM 1: HÃY YÊU KẺ THÙ
Bài Tin mừng hôm nay là một viên ngoc, vì nó cho thấy nét đặc trưng của người Kitô hữu. Nó vén mở một lý tưởng mà ta phải vươn tới.
Đức Giêsu không dạy ta bao che cho kẻ ác, hay đòi hủy bỏ luật hình sự để phạt các phạm nhân. Ngài không cổ vũ việc ăn xin khi nói: “Ai xin, con hãy cho”. Ngài cũng không biến chúng ta thành người bạc nhược.
Chúng ta cần vượt lên trên nghĩa đen của mặt chữ để cảm được tinh thần mà Chúa muốn ta sống không giống Lời Ngài ta vẫn là kẻ đứng ngoài Kitô giáo hãy yêu kẻ thù câu này được nhắc lại hai lần.
Theo bài tin mừng này thì kẻ thù của tôi là ai đó là kẻ ghét tôi kẻ nguyền rủa tôi và vu khống .Đó là kẻ tát vào mặt tôi và đoạt áo ngoài của tôi như thế kẻ thù Tôi chẳng đâu xa ngày ngày tôi vẫn gặp họ là những người hay làm phiền và lợi dụng tôi là những kẻ xúc phạm đến danh dự và quyền lợi của tôi. Họ là những người tự nhiên tôi không ưa hay không ưa tôi.
Đức Giêsu không đòi tôi yêu kẻ thù như yêu người thân về mặt tình cảm chuyện đó khó thực hiện. Nhưng ngài mời tôi yêu bằng hành động yêu là cảm là làm ơn và chúc lành, là cho vay, yêu là cầu nguyện điều lành cho kẻ thù.
Khi làm điều tốt cho kẻ thù, tôi được giải phóng khỏi cái tôi ăn miếng trả miếng và nhờ đó chính kẻ thù Tôi cũng có thể được giải phóng khỏi cái tôi ích kỷ của họ.
Khi yêu kẻ thù bằng những hành động tử tế tôi không còn coi họ là kẻ thù của tôi nữa dần dần tình cảm của tôi đối với họ cũng biến đổi cần can đảm biết bao khi chào hỏi bắt tay một người làm tôi vô cùng đau khổ đó chẳng phải là một hành động giả hình nhưng là một nỗ lực thắng vượt tình cảm tự nhiên. Đó chẳng phải là một hành vi của kẻ yếu, nhưng là dấu hiệu của tính quả cảm anh hùng. Kitô Hữu Được mời gọi vượt lên chính cái tự nhiên. Suy nghĩ tự nhiên tình cảm tự nhiên phản ứng tự nhiên… Phải ra khỏi cái tự nhiên thường tình mới vào được thế giới siêu nhiên thế giới của những con người người con sống nhân hậu nhưng cha. Sống nhân hậu như cha là trở nên hoàn thiện thế giới văn minh không chỉ nhờ tiến bộ của khoa học nhưng chủ yếu nhờ những chiến thắng trên lòng ích kỷ của từng người cũng như của mọi vật thể lớn nhỏ trái đất chỉ tồn tại nhờ tha thứ yêu thương. Kitô giáo chỉ sống còn nhờ tình yêu thương tha thứ.
Lời nguyện
Lạy Chúa,
Xin cho con quả tim của Chúa.
Xin cho con đừng khép lại trên chính mình, nhưng xin cho quả tim con quảng đại như Chúa vươn lên cao, vượt mọi tình cảm tầm thường để mặc lấy tâm tình bao dung tha thứ.
Xin cho con vượt qua mọi oán hờn nhỏ nhen, mọi trả thù ti tiện. xin cho con cứ luôn bình an trong sáng không một biến cố nào làm xáo trộn, không một đam mê nào khuấy động hồn con.
Xin cho con đừng quá vui khi thành công cũng đừng quá bối rối khi gặp lời chỉ trích xin cho quả tim con đủ lớn để yêu người con không yêu. xin cho vòng tay con luôn rộng mở để có thể ôm cả những người thù ghét con. A men.
Lm. Nguyễn Cao Siêu SJ
SUY NIỆM 2: HÃY THƯƠNG XÓT NHƯ CHÚA CHA
Nỗi sợ hãi của con người trong cuộc sống là sợ bị trả thù. Người ta ngại đụng chạm đến người khác, làm mất lòng người khác. Nhất là người ta sợ bị vu khống, sợ bạo lực, và sợ báo thù. Đó là tinh thần của thế gian.
Cũng thế, khi chúng ta bị ai chỉ trích, làm hại, chúng ta cũng dễ nảy sinh trả thù, tỏ thái độ giận dữ hay loại trừ người làm hại đến mình. Đó là tinh thần thế gian.
Đi ngược lại tinh thần thế gian, Chúa Giêsu kêu gọi người Kitô hữu hãy có lòng thương xót, tha thứ, như Chúa Cha.
1.Lòng thương xót của Thiên Chúa
Chúa Giêsu dạy chúng ta thương xót như Chúa Cha: "Các con hãy tỏ lòng thương xót như Cha các con hay thương xót".
Chúa Giêsu chính là hiện thân lòng thương xót của Chúa Cha. Ngài kêu gọi những người thu thuế, các cô gái điếm trở về cùng Thiên Chúa để nhận ơn tha thứ của Thiên Chúa nhân từ, hay thương xót. Trên thập giá, Chúa Giêsu xin Ðức Chúa Cha tha tội cho những kẻ giết mình.
Noi gương Chúa Giêsu, chúng ta sống lòng thương xót, tha thứ cho nhau, và làm điều tốt cho người khác.
2.Thương xót và tha thứ cho người khác
Hôm nay, Chúa Giêsu đã dạy chúng ta về lòng yêu thương vô vị lợi, tha thứ vô điều kiện và không xét đoán người khác. Ðó là những việc thường trái với tính tự nhiên của con người.
Đời sống của người Kitô hữu không dễ dàng khi học sống lòng thương xót của Chúa Cha, yêu thương và tha thứ theo gương của Chúa Giêsu. Tuy nhiên, Chúa Giêsu đã chỉ cho chúng ta con đường mà Cha trên trời mong muốn, là con đường của lòng thương xót, qua bốn điều:
"Các con hãy yêu kẻ thù, hãy làm ơn cho những kẻ ghét mình, hãy chúc phúc cho những kẻ nguyền rủa mình, hãy cầu nguyện cho những kẻ vu khống mình.”
Sống lòng thương xót có nghĩa là chúng ta được trở nên dụng cụ của lòng xót thương.
Chúng ta cần đến lòng thương xót của Chúa Giêsu, cần ơn tha thứ, cần sự ủi an, cần được ơn chữa lành, và khi đó, chúng ta học thương xót người khác.
3.Một vài gơi ý thực hành đế sống lòng thương xót.
Sống lòng thương xót là cố gắng tỏ ra tình yêu thương cách chân thành, giúp đỡ những người xung quanh.
Chú ý đến cách cư xử của mình có làm gì để tự đề cao mình… mà làm cho người khác buồn. Tránh cãi cọ nhau, phê bình, chỉ trích nặng nề mà làm chạm tự ái đến những người trong gia đình, bè bạn, hoặc những người ta gặp gỡ.
Hãy chống lại cám dỗ chế nhạo, mỉa mai người khác, vì nó đi ngược lại với lòng nhân từ. “Ôi, lạy Thiên Chúa, hãy bảo vệ môi miệng con; hãy canh giữ miệng lưỡi con!” (Tv 141,3)
Cuối cùng, hãy học cách xét mình của Thánh Inhaxiô mỗi tối. Việc nhớ lại lòng Thương Xót của Chúa hằng ngày giúp ta học cách sống nhân từ hơn.
Lạy Chúa Giêsu, xin Chúa dạy chúng biết nhìn vào mẫu gương của Chúa Cha để biết thương xót, tha thứ cho nhau những khi có lầm lỗi, bất hòa. Xin Chúa làm cho chúng con giống như Chúa và làm theo Chúa, để chúng con gieo rắc tình thương, xây dựng sự hiệp nhất và tinh thần hòa bình, hầu mang lại niềm vui, hạnh phúc và bình an cho mọi người. Amen.
Lm. Duy Khang
SUY NIỆM 3: YÊU THƯƠNG KẺ THÙ
Trong cuộc sống hằng ngày, chúng ta thấy ngay trong gia đình đã có những tranh chấp, hàng xóm cũng có những vụ kiện tụng, thế giới thì không ngừng chiến tranh, khủng bố… thời sự cho biết những cuộc trà thù thật dã man…
Đâu là nguyên nhân và đâu là phương thế có thể hòa giải thế giới và đem lại bình an cho con người? Kinh thánh cho biết: từ khi nguyên tổ phạm tội thì sự dữ đã nhập vào thế gian. Sự ghen tương, thù hận, giết chóc đã xảy ra ngay sau đó giữa hai anh em Cain và Abel. Và cứ thế, lịch sử con người tiếp diễn với các cuộc tàn phá, và … tàn sát. Sự thù hận không thể chấm dứt nếu con người muốn lấy máu trả nợ máu.
Trước Chúa Giêsu 6 thế kỷ, Đức Phật đã dạy “lấy oán báo oán, oán oán chất chồng; lấy đức báo oán, oán ấy tiêu tan”. Khổng Tử cũng dạy môn đệ: ‘Kỷ sở bất dục, vật thi ư nhân! Điều gì ta không muốn người khác làm cho mình thì mình đừng làm cho người ta’.
Tin Mừng theo thánh Luca hôm nay, Chúa Giêsu dạy ta yêu thương, tha thứ cho kẻ thù không đơn thuần là một phương kế nhưng là một đòi hỏi bắt buộc đối với những ai muốn làm môn đệ của Ngài và làm con Đấng Tối Cao là Chúa Cha. Với Chúa Giêsu, tình yêu bắt nguồn từ Thiên Chúa Cha và những ai được mời gọi làm con Thiên Chúa phải yêu người như Thiên Chúa đã yêu.
Chúa Giêsu cho biết Chúa Cha yêu thương ban mưa thuận gió hòa cho cả người công chính cũng như kẻ bất lương. Ngài còn dạy các môn đệ phải biết yêu thương kẻ thù. Yêu kẻ thù là chúc phúc cho kẻ nguyền rủa mình, và cầu nguyện cho những kẻ vu khống mình.
Chúa Giêsu đã dạy yêu thương và Ngài đã sống điều Ngài dạy. Trên thập giá, Ngài xin Chúa Cha tha thứ cho những kẻ giết Ngài: “Lạy Cha, xin tha cho họ…”
Yêu thương, tha thứ quả là điều vô cùng khó. Chỉ nguyên việc không tìm cách trả đũa kẻ gây ra những đau thương bất hạnh cho mình đã là khó, nói chi đến việc làm ơn, cầu nguyện cũng như chúc phúc cho những kẻ thù nghịch với mình.
Khó nhưng đó lại là tiêu chuẩn thực hành của người Kitô Hữu. Khó nhưng không phải là không làm được. Trong Giáo Hội đã từng có biết bao vị thánh làm được điều mà Chúa đã dạy. Đó là thày phó tế Stêphanô. Trước giờ chết, thày đã lớn tiếng cầu nguyện rằng: “Lạy Chúa Giêsu xin nhận lấy linh hồn con”; và “xin đừng chấp tội họ”. Thánh tử đạo Việt Nam Emmanuel Lê Văn Phụng đã nói với các con của mình rằng: “Các con đừng tìm cách báo thù”; quay sang các bạn hữu, ngài nói: “Các bạn hãy tha thứ vì chính tôi đã tha thứ”...
Cầu nguyện:
Lạy Chúa Giêsu! Khi bị người khác xúc phạm, gây tổn thương, chúng con thường có khuynh hướng trả thù. Qua lời Chúa hôm nay, xin cho chúng con ghi khắc bài học Chúa dạy và mẫu gương Chúa sống; để nhờ biết sống quảng đại, thứ tha, chúng con có thể hóa giải hận thù, góp phần kiến tạo bình an cho những người xung quanh và cho thế giới hôm nay; và đó cũng là cách thế để vương quốc tình yêu của Chúa lan rộng và hiển trị. Amen.
Lm. Dom Nguyễn Thành Tiến
SUY NIỆM 4:
Bài Tin Mừng hôm nay khá dài, nhưng điều chính yếu vẫn xoay quanh chủ đề: Hãy yêu thương kẻ thù, tha thứ và hãy cầu nguyện cho họ.
Đây quả là một lời dạy khó thực hiện nhất, nhưng là những môn đệ Chúa lại phải cố gắng thực hiện vì nếu không, Ki-tô hữu cũng chẳng hơn gì những người ngoại.
1. Yêu thương kẻ thù.
Nếu chúng ta chỉ yêu những người yêu mình thì cũng có hơn gì dân ngoại và những người tội lỗi, họ cũng làm được và làm tốt hơn nữa là khác. Chúa Giê-su trên thập giá đã kêu xin Chúa Cha tha thứ cho người đóng đinh mình, thánh Têphanô khi bị ném đá cũng cầu xin Chúa tha thứ cho những kẻ bách hại… Đến lượt chúng ta là những Ki-tô hữu, chúng ta giống Chúa và khác với người ngoại chính là việc yêu thương kẻ thù và cầu nguyện cho họ.
Cá tính của con người thật khó để yêu kẻ thù, ngay việc tha thứ và không trả thù đã là cao thượng lắm rồi, đàng này Chúa còn đòi hỏi chúng ta bước thêm một bước cao hơn nữa lên đỉnh hoàn thiện là YÊU KẺ THÙ và CẦU NGUYỆN CHO HỌ. Thật ra, dù khó, nhưng lại là một phương thế tuyệt hảo nhất có thể hoá giải được những mâu thuẫn giữa người với người. Vì khi, cứ tìm cách trả thù nhau thì thù hận càng ngày càng chồng chất từ đời cha sang đời con cháu và cả những dòng tộc trả thù đến trường kỳ. Nếu tôi trả thù được anh thì con anh tìm cách trả thù tôi và cứ như thế mãi mãi. Còn khi lấy ân để trả thù thì không những thù được hoá giải mà còn dễ nên bạn hữu của nhau và làm gương cho hậu thế.
2. Khi tha thứ là lúc được thứ tha.
Mang trong mình sự hận thù, thì chính ta khổ trước, ăn không ngon ngủ không yên vì tức giận ấm ức, trằn trọc nghĩ kế trả đũa… Nhưng khi ta tha thứ thì không phải lo nghĩ gì và tâm hồn thanh thản, nhất là khi ta tha thứ thì ta không còn kẻ thù mà lại được bạn hữu. Tha thứ lại là một cách trả thù ngọt ngào nhất mà đối phương không ngờ, và làm cho chính đối phương dằn vặt vì nhận ra chính họ sai khi xúc phạm đến một người tốt, cuối cùng làm cho đối phương cảm kích và thay đổi thái độ.
Lại nữa, khi sự tha thứ trong tương quan giữa người với người được thực hiện, lại chính là tiêu chuẩn Chúa xét công trạng cho chúng ta đáng được ân thưởng Nước Trời. Vì: “Anh em đừng xét đoán để khỏi bị đoán xét, đừng kết án để khỏi bị Thiên Chúa tuyên án…” Lỗi lầm giữa chúng ta với nhau chẳng là gì so với lỗi phạm giữa chúng ta với Thiên Chúa, nhưng Thiên Chúa đã ngàn lần tha thứ cho chúng ta thì đến lượt chúng ta cũng phải tha thứ cho nhau. Chúa cho mưa xuống trên người lành cũng như kẻ dữ, thì tại sao chúng ta phải phân biệt thương ai ghét ai?
Lạy Chúa Giê-su, xin cho chúng con biết khiêm tốn nhận ra mình cũng đầy yếu đuối và giới hạn, để từ đó dễ cảm thông và không lên án tha nhân. Xin cũng cho chúng con luôn biết sẵn sàng tha thứ cho những ai xúc phạm đến mình, để chúng con cũng được Chúa thứ tha tội lỗi. Amen
Hiền Lâm
SUY NIỆM 5: ANH EM HÃY CHO ĐI
Con người đang sống trong thời đại của công nghệ và kỹ thuật số. Mọi thứ đều được lập trình và mọi việc luôn được giải quyết cách nhanh chóng nhất có thể. Nhịp sống vội vàng và toan tính đang dần bào mòn những giá trị về tinh thần, làm cho sợi dây liên kết giữa người với người ngày càng nhạt nhòa. Vì vậy, việc thực hiện theo lời mời gọi của Đức Giêsu “hãy cho đi” là phương cách tốt để cứu vãn tình trạng này.
Cho là sự san sẻ, giúp đỡ lẫn nhau. Nhưng tại sao lại phải cho đi? Hành động này thể hiện sâu sắc tinh thần đồng loại, tình tương thân tương ái, lá lành đùm lá rách, lá rách ít đùm lá rách nhiều. Cho đi yêu thương thì tình yêu đó sẽ được nhân rộng ra; cho niềm vui để hương thơm của niềm vui trìu mến được lan tỏa khắp muôn nơi. Thực vậy, thật là hạnh phúc khi được sắm vai người cho, bởi lẽ “cho thì có phúc hơn là nhận”(Cv 20,35). Dòng sông Giođan nhận nước từ nguồn, nó chia sẻ nguồn nước xuống hạ nguồn. Điều đó làm cho động thực vật tự do sinh sôi nảy nở, đơm hoa kết trái, đông đảo dân chúng sinh sống. Trái ngược là biển Chết; nó nhận nước cho đầy ắp rồi khư khư giữ lại cho riêng nó, nên trở thành môi trường chết không loài nào có thể sinh sống được.
Và tôi phải cho như thế nào mới phải lẽ? Tục ngữ có câu “của cho không bằng cách cho”. Cho ai một thứ gì đó thực sự là một nghĩa cử cao đẹp đáng được hoan nghênh. Nhưng bạn nghĩ thế nào khi bạn nhìn thấy ai đó tươi cười trao cho người khác một món đồ? Với tôi, đó là một hình ảnh tuyệt vời. Hành động cho cùng với lễ vật là đáng quý, đáng trân trọng. Nhưng không phải cho suông mà với cả tấc lòng, cho phải dùng tâm. Tức là hiểu và thấy rõ việc mình đang làm, cho với lòng hoan hỷ vui tươi.
Thế giới này sẽ tốt đẹp biết mấy nếu như mỗi người chúng ta biết san sẻ, giúp đỡ lẫn nhau một cách vô vụ lợi.
Lạy Chúa, xin cho chúng con biết ghi nhớ và thực hiện lời khuyên của Ngài là “hãy cho đi”.
Tu sĩ Gioan Trần Văn Vinh, SVD