SUY NIỆM THỨ SÁU TUẦN XVI THƯỜNG NIÊN THÁNH GIOAKIM VÀ THÁNH ANNA

Thứ năm - 25/07/2024 05:50
c3e6ec51 95f9 4b0e 983e 0297bc85f3f3
 
 
SUY NIỆM THỨ SÁU TUẦN XVI THƯỜNG NIÊN
THÁNH GIOAKIM VÀ THÁNH ANNA
Mt 13,16-17

Tin Mừng Chúa Giê-su Ki-tô theo thánh Mát-thêu.
16 Khi ấy, Chúa Giêsu phán cùng các môn đệ rằng: “Phúc cho mắt các con vì được thấy; và phúc cho tai các con vì được nghe.
17 Quả thật, Thầy bảo các con: Nhiều vị tiên tri và nhiều đấng công chính đã ao ước trông thấy điều các con thấy, mà không được thấy; mong ước nghe điều các con nghe, mà không được nghe”.

SUY NIỆM 1: LỄ THÁNH GIOAKIM VÀ THÁNH ANNA
Thật đẹp khi trong ngày lễ kính nhớ 2 Thánh Gioakim và Anna, song thân của Đức Maria, tác giả sách Huấn ca lại cho chúng ta biết, những người có  đời sống công đức và đạo hạnh thì sẽ mang lại được phúc lộc gì cho chính mình và cho con cháu.
Đối với chính mình thì những người công đức và đạo hạnh sẽ không bị chìm vào quên lãng. Vinh quang của họ sẽ chẳng phai mờ. Những người đó sẽ được mồ yên m đẹp và danh thơm lưu truyền hậu thế. Dân dân sẽ kể lại công đức của họ và cộng đoàn vang tiếng ngợi khen. Ở đời người ta vẫn quan niệm như thế thưa anh chị em: “Cọp chết để da, người ta chết để tiếng”. Tiếng tốt hay tiếng xấu đều tùy thuộc vào lối sống của chúng ta khi còn ở đời này. Và cũng đừng ai quên rằng: “Tiếng tốt thì đồn gần, nhưng tiếng xấu thì đồn rất xa.
Đó là đối với chính mình, còn đối với con cháu thì sao? Tác giả sách Huấn ca cho biết thêm, những người công đức và đạo hạnh thì dòng dõi họ muôn đời tồn tại. Và nhờ họ, con cháu cũng một mực trung thành với đời sống đức tin và giữ vững các điều giao ước. Đó chính là gia tài và là phần thưởng quý báu Chúa dành cho những người công chính.
Cuộc đời của 2 Thánh Gioakim và Anna chính là bằng chứng cho những gì vừa nói trên thưa anh chị em. Tuy Kinh Thánh không nói gì về các ngài, nhưng chúng ta dám khẳng định rằng các ngài là những con người có một đời sống công đức và đạo hạnh. Bởi Chúa Giêsu từng nói: “Cứ xem quả thì sẽ biết cây: cây tốt thì sinh quả tốt, còn cây sâu thì sinh quả xấu”.
Chính con người và cuộc đời của Đức Maria giúp ta dám chắc chắn như thế. Và việc các ngài được Giáo Hội tuyên phong lên bậc hiển thánh và mời gọi các kitô hữu bày tỏ lòng tôn kính, cũng như noi theo gương nhân đức của các ngài, càng giúp chúng ta xác tín điều hơn vào chân lý ấy.
Chính vì thế mà trong bài Tin mừng hôm nay, Chúa Giêsu khen chúng ta là những người có phúc, bởi chúng ta được nghe tác giả sách Huấn ca nói cho biết giá trị của một đời sống công đức và đạo hạnh là như thế nào. Chúng ta là những người có phúc vì chúng ta được thấy những người sống công đức và đạo hạnh như 2 Thánh Gioakim và Anna đã sinh hoa kết trái ra sao mà học đòi bắt chước.
Phần chúng ta, mỗi người cũng được mời gọi sống công đức và đạo hạnh như thế.
Là những người làm cha làm mẹ, chúng ta phải sống làm sao để trở thành niềm tự hào của con cái. Để khi nhắc đến ba mẹ, con cái cảm thấy hãnh diện với chúng bạn, chứ đừng để chúng cảm thấy mặc cảm tự ti khi phải nói về bố về mẹ của mình cho người khác.
Là những người làm cha làm mẹ, chúng ta phải sống làm sao để trở thành một tấm gương sáng cho con cái cả về đời sống đức tin lẫn những đức tính nhân bản: từ đời sống đạo đức, đến lời ăn tiếng nói và cung cách ứng xử giữa đời.
Là những người làm cha làm mẹ, chúng ta phải sống làm sao “để đức cho con cháu”. Chứ đừng để “cha mẹ ăn mặn mà con cái phải khát nước”.
Ước gì những giáo huấn của lời Chúa hôm nay sẽ khắc ghi thật sâu trong suy nghĩ và trái tim của mỗi chúng ta, để trong thiên chức của một người làm cha làm mẹ, chúng ta biết phải chu toàn làm sao để không h thẹn với Chúa và với bản thân mình.
Còn quý cụ ông và cụ bà kính mến, ngày 28/7 là ngày Giáo Hội mời gọi các kitô hữu cầu nguyện cách đặc biệt cho các cụ, để các cụ mãi là những cây cao bóng cả về đàng nhân đức cho con cháu. Các cụ hãy dâng lên Chúa những đau đớn bệnh tật, dâng cả tuổi già sức yếu cùng với giọt lệ lời kinh làm hy lễ, để cầu nguyện cho con cho cháu để chúng có thể đứng vững trước 3 thù: thế gian, ma quỉ và xác thịt.
Nhờ lời chuyển cầu của 2 Thánh Gioakim và Anna, xin cho mỗi người chúng ta trở nên những người ông người bà người cha người mẹ công đức và đạo hạnh, để được người người ca ngợi và để cho con cháu được hưởng nhờ. Amen.
Lm. Antôn
SUY NIỆM 2: SỐNG MẪU MỰC NHƯ THÁNH GIOAKIM VÀ ANNA
Hôm nay, cùng với Giáo Hội, ta mừng kính song thân Đức Mẹ là thánh Gioakim và Anna. Các ngài là ông bà ngoại của Đức Giêsu. Cuộc đời của các ngài rất âm thầm đến nỗi không có một trang Tin Mừng nào nhắc đến.
Trải qua dòng lịch sử của Giáo Hội, thánh Anna cũng có những lúc thăng trầm trong phụng vụ, tức là ngài được Giáo Hội thiết lập ngày lễ mừng nhưng rồi lại bỏ và cuối cùng, Đức Lêo XIII (+ 1903) cho tái lập lại. Đến thời Đức Giáo Hoàng Phaolô thứ VI (+ 1978), khi canh tân phụng vụ, ngài mới cho phép mừng chung với thánh Gioakim vào ngày 26-7 như hiện nay.
Thánh Gioakim và bà thánh Anna đã sống những giây phút tuyệt vời trong lịch sử làm người. Các Ðấng đã biến giây phút hiện tại trở thành niềm vui, ân sủng và hạnh phúc. Giây phút hiện tại, hai Ðấng đã góp tay với Thiên Chúa trong việc đản sinh Mẹ Ðấng Cứu Thế. Chính cái hồng phúc hiện tại của đời hai Ðấng, đã biến đổi tất cả, thay đổi mọi sự, để lịch sử cứu độ của Chúa được rạng sáng. Lịch sử nhân loại mà trong Luca 1, 32a đã viết: "Chúa là Thiên Chúa sẽ ban cho Người ngôi báu Ðavít tổ phụ Người".

Thánh Gioakim và thánh Anna là người cha và người mẹ của con cái, là người chồng người vợ trong gia đình như tất cả những đôi vợ chồng khác trên thế gian, nhưng các ngài đã trở nên những người có phúc, có phúc vì đã sống đẹp lòng Thiên Chúa, có phúc vì các ngài đã nuôi nấng và dạy dỗ con cái theo như ý muốn của Thiên Chúa, hạnh phúc vì các ngài đã không tiếc công lao nuôi dưỡng để rồi đem con yêu quý của mình dâng cho Thiên Chúa để Ngài làm theo như thánh ý của Ngài.
Mỗi lần nhắc đến song thân Đức Maria, chúng ta có quyền hiểu rằng: các ngài là người công chính, được Thiên Chúa yêu thương, bởi lẽ các ngài là người sinh hạ Đức Trinh Nữ Maria, Mẹ Đấng Cứu Thế là Mặt Trời Công Chính.
Nhân loại như được hoàn toàn đổi mới vì chính Mẹ Maria, con một duy nhất của hai Ðấng thánh đã được Thiên Chúa tuyển chọn với muôn vàn hồng ân và muôn vàn tước hiệu. Những đặc ân Mẹ Maria, con của Hai Ðấng đã được Thiên Chúa trao ban, không một con người nào ở trần thế này đã được những ân huệ cao quí ấy, đã chỉ cho nhân loại hay lời Chúa luôn có sức mạnh, luôn biến đổi con người, nhân loại, thế giới vì cái phúc mà Chúa đã ban cho hai Ðấng, cũng như đã trao tặng cho các môn đệ là những người con ưu tuyển của Ngài, phúc ấy Chúa chỉ trao cho những tâm hồn hiền lành, khiêm nhượng, những tâm hồn luôn biết đặt cả sinh mạng và cuộc sống của mình nơi bàn tay uy quyền của Chúa. "Phúc cho mắt các con, vì được thấy; và phúc cho tai các con, vì được nghe. Quả thật, Thầy bảo các con: Nhiều vị tiên tri và nhiều Ðấng công chính đã ao ước trông thấy điều các con thấy, mà không được thấy; mong ước nghe điều các con nghe, mà không được nghe" (Mt 13, 16-17).

Thánh Gioakim và thánh Anna là những con người bình dân giản dị, thế nhưng đã dâng lên Thiên Chúa một lễ vật cao trọng đó chính là Đức Trinh Nữ Maria, cao trọng vì trước hết các ngài không đòi hỏi cô con gái cưng của mình phải lập gia đình để sinh con cái và để được Thiên Chúa chúc phúc, cao trọng là vì các ngài đã biết nhìn ra ý Thiên Chúa trong đời sống của cô con gái nhỏ của mình : cuộc sống thánh hiến cách đặc biệt giữa một dân tộc mà truyền thống “ở một mình” thì coi như bị Thiên Chúa chúc dữ bỏ rơi, các ngài đã can đảm và (có lẽ) cũng đã nghe những tiếng bàn tán xì xào về cách sống đồng trinh thánh thiện của con gái mình nơi người hàng xóm, những lời bàn tán ấy sẽ là những lời ca ngợi trước mặt Thiên Chúa của các tổ tông và các thánh tiên tri.
Hai thánh Gioakim và thánh Anna có một đời sống đạo đức thánh thiện, hết lòng yêu mến Thiên Chúa và thực thi theo ý Ngài. Các ngài luôn mong ước được gặp Chúa và được nghe tiếng Ngài. Trong bài Tin Mừng hôm nay, Chúa Giêsu giúp chúng ta hiểu rõ hơn điều ấy. Người nói với các Tông đồ: “Mắt anh em thật có phúc vì được thấy, tai anh em thật có phúc vì được nghe”.
 Hai thánh Gioakim và Anna đã cảm nghiệm sâu xa lời của Chúa “Phúc cho mắt các con vì được thấy; và phúc cho tai các con, vì được nghe. Quả thực Thầy bảo các con: nhiều vị ngôn sứ và nhiều Đấng công chính đã ao ước trông thấy điều các con thấy; mong ước nghe điều các con nghe, mà không được nghe( Mt 13, 16-17 ). Thánh Gioakim và thánh Anna đã có phúc thật sự, các Ngài đã lãnh nhận biến cố làm Cha làm Mẹ của Đức Trinh nữ Maria như một ân sủng tuyệt vời và các Ngài đã biến giây phút ân sủng ấy như một hồng ân cứu độ mà chỉ có Thiên Chúa mới có thể ban tặng cho các Ngài và qua các Ngài trao ban cho nhân loại. Các Ngài hạnh phúc vì đã xem thấy những điều và đón nhận điều quí trọng vô giá mà không người nào trên trần gian đã có thể lãnh nhận: hồng ân làm mẹ làm cha của người nữ tử Sion: Maria.
Ta thấy các Tông đồ được trực tiếp nhìn thấy Chúa Giêsu và nghe tiếng nói của Người. Ngày nay, Kitô hữu gián tiếp thấy Chúa và nghe tiếng Người qua các bí tích và Lời Chúa. Họ không nhìn thấy Chúa theo thể lý nhưng thấy Chúa bằng đức tin. Chính qua bí tích Thánh Thể, Chúa Giêsu hiện diện trong tâm hồn các tín hữu. Họ được củng cố đức tin nhờ biết chuyên cần đọc và lắng nghe Lời Chúa. Có được những điều ấy, Kitô hữu đón nhận được hạnh phúc thực sự mà họ không ngừng tìm kiếm. Từ đó, họ ngày càng yêu mến Chúa và yêu thương mọi người và trở nên tông đồ nhiệt thành rao giảng Tin Mừng.
Mọi thụ tạo đều cám ơn các ngài vì thánh Gioakim và thánh Anna không làm những gì vĩ đại để Thiên Chúa chọn, các ngài chỉ lo chu toàn bổn phận hàng ngày của mình -một linh đạo đơn sơ mà hiệu quả- cách can đảm và là một mẫu gương cho loài người noi theo. Cám ơn vì những việc làm nhỏ mà con người phải làm đã đánh động đến tình yêu Thiên Chúa, cám ơn là vì Thiên Chúa cũng không “kén chọn” cái vĩ đại của con người để thực hiện ý định của mình, nhưng đã chọn cái thấp hèn để làm nên việc vĩ đại của mình như lời Đức Trinh Nữ Maria đã tán dương qua bài Magnificat (Lc 1, 46-49).
Mặc dù không nhìn thấy và không được gặp Chúa, nhưng thánh Gioakim và thánh Anna luôn tin tưởng, yêu mến và sống theo lề luật cùa Ngài. Vì thế, Chúa đã ban cho các ngài hạnh phúc lớn lao là được làm song thân của Đức Maria, Mẹ Thiên Chúa. Mừng lễ hai thánh Gioakim và thánh Anna, nhân loại phải biết ơn các Ngài vì qua hai Ngài mà nhân loại lãnh nhận được ơn cứu độ qua cháu của hai Ngài là Chúa Giêsu, Đấng Cứu Thế mà muôn dân hằng mong đợi. 

Và, chuyện quan trọng là ta hãy noi gương các Ngài để lại đời sống mẫu mực cho con cái noi theo.
Lm. Huệ Minh

SUY NIỆM 3:
Ca dao Việt Nam có câu: “Con người có cố có ông
                                Như cây có cội như sông có nguồn”.
Trong tinh thần ấy, hôm nay, phụng vụ Giáo Hội mừng lễ hai thánh Gioakim và Anna là thân phụ mẫu của Đức Maria và là ông bà ngoại của Đức Giêsu - Ngôi Hai Thiên Chúa làm người.
Hai ngài, tuy âm thầm, nhưng lại là mắt xích không thể thiếu trong lịch sử cứu độ và góp phần làm cho dòng chảy ân sủng cứu độ của Thiên Chúa tuôn đổ trên loài người. Hai ngài đã sống cuộc đời thánh thiện và trung kiên trong niềm tin vào Thiên Chúa.
Mừng lễ 2 thánh Gioakim và Anna cũng là dịp để mọi Kitô hữu -nhất là Giới Cao Niên- tìm hiểu về cuộc đời cũng như nhân đức của hai ngài mà noi gương bắt chước.
Một số người cho rằng: người ta không thể biết chắc được điều gì về cha mẹ của Đức Maria vì kinh thánh không ghi lại. Những điều liên quan tới cuộc đời của các ngài được ghi lại trong các ngụy thư.
Tuy nhiên, chúng ta tin rằng: các ngụy thư này cũng hoàn toàn có cơ sở, bởi vì:
- Chắc chắn Đức Maria có cha có mẹ.
“Xem quả thì biết cây”. Đức Maria là đấng ‘đầy ân sủng’, tuyệt vời về mọi nhân đức thì chắc hẳn hai đấng sinh thành dưỡng dục ngài cũng phải là hai bậc đạo đức, thánh thiện.
- Hơn nữa, cuốn “Phúc âm thánh Giacôbê”, một văn nguồn thuộc thế kỷ thứ II, có nhiều chỉ dẫn liên quan đến cha mẹ và cuộc đời thơ ấu của Đức Maria. Nguồn văn này cho biết ông bà Gioakim và Anna son sẻ; nghĩa là già rồi mà vẫn không có con. Nhưng một thiên thần đã báo cho biết họ sẽ sinh một người con, đặt tên là Maria và dâng hiến cho Thiên Chúa. Sự son sẻ của bà Anna gợi lên chủ đề quen thuộc trong Cựu ước, theo đó con trẻ là quà tặng của Thiên Chúa. Điều này được nhấn mạnh đặc biệt trong truyền thống về các tổ phụ Isaac, về thủ lãnh Samson và tiên tri Samuel... Thật vậy, các Ngài đều sinh ra bởi các bà mẹ không có hy vọng sinh con. Truyền thống đặt cuộc sinh hạ của Đức Maria vào dòng tư tưởng này như cao điểm của chủ đề về sự bất lực của con người trước uy quyền và hồng ân nhưng không của Thiên Chúa.
Do đâu mà hai ngài lại đón nhận được hồng ân cao quý như vậy?
- Trước hết, do ý định và hồng ân của Thiên Chúa.
- Tiếp theo, đoạn Tin Mừng hôm nay phần nào giải đáp thắc mắc cho chúng ta khi ghi lại lời Chúa Giêsu: “Phần các con, mắt các con thật có phúc vì được thấy, tai các con thật có phúc vì được nghe”. Mối phúc ấy, Chúa dành cho những người đơn sơ, bé mọn như có lần Ngài đã thưa cùng Chúa Cha: “Lạy Cha, con cảm tạ Cha đã mạc khải mầu nhiệm nước trời cho những kẻ bé mọn”.
Kẻ bé mọn ở đây không phải là người nhỏ bé về thể lý hay nhỏ tuổi mà là người đơn sơ, chân thành, khiêm hạ. Thật vậy, khi Chúa Giêsu dùng dụ ngôn mà nói về nước trời thì những người khôn ngoan, thông thái như các luật sĩ và biệt phái không những không hiểu mà còn tìm cách bắt lỗi Chúa; trong khi những người nghèo khó, đơn sơ, chất phác lại đón nhận và tin theo Ngài. Chính Chúa Giêsu đã khẳng định điều đó khi nói với các tông đồ: “Nếu Thầy dùng dụ ngôn mà nói với họ, là vì họ nhìn mà không thấy, lắng tai mà không nghe. Còn các con, mắt các con thật có phúc vì được thấy, tai các con thật có phúc vì được nghe”.
Lời của Chúa Giêsu làm chúng ta nhớ đến ông già Simêon trong biến cố Giuse và Maria dâng Hài Nhi Giêsu trong đền thờ. Trong khi bao nhiêu người cũng ‘nhìn’ mà không ‘thấy’, thì cụ già Simêon, nhờ lòng đơn sơ, trông cậy khao khát Chúa, ông được diễm phúc ‘thấy’ Hài Nhi Giêsu là Đấng Cứu độ muôn dân. Không những thế, ông còn được bồng ẵm Hài Nhi trên tay mà dâng lời chúc tụng Chúa.
Mới chỉ được bồng ẵm Hài Nhi Giêsu có một lần mà ông già Simêon đã hạnh phúc, thỏa mãn thì hai thánh Gioakim và Anna còn hạnh phúc biết là dường nào vì hai ông bà -trong vai trò là ông bà ngoại- không chỉ được bồng ẵm cháu Giêsu một lần mà hẳn còn có cơ hội được bồng ẵm, chăm sóc cháu Giêsu suốt thời thơ ấu.
[Thực tế cho thấy: ông bà ngoại là những người bồng ẵm, gần gũi cháu nhiều nhất, như người ta vẫn ví von: “Cháu bà nội, tội bà ngoại”.]
Cầu nguyện:
Lạy hai thánh Gioakim và Anna, xin cho chúng con học nơi các ngài lòng cậy trông tin tưởng vào Chúa; đồng thời biết noi gương hai ngài về đời sống đơn sơ, khiêm nhường. Nhờ thế, chúng con có thể đón nhận mối phúc mà Chúa Giêsu ban cho các tông đồ và những người bình dân, đơn sơ, bé mọn. Amen.
Lm. Đaminh Nguyễn Thành Tiến

SUY NIỆM 4:

Kitô giáo là đạo từ trời xuống, vì những giáo lý và niềm tin Kitô do chính Thiên Chúa truyền xuống. Chúa Giêsu Kitô, Ngôi Lời Thiên Chúa chính là mạc khải về Thiên Chúa cho con người.
Trong lời rao giảng của Ngài, Chúa Giêsu thường dùng dụ ngôn để nói về Nước Trời, một thực tại không thể diễn tả được bằng ngôn ngữ loài người, và nếu có diễn tả được, thì con người cũng không thể hiểu nổi vì nó vượt khỏi thế giới khả giác này, hay nói như thánh Phaolô, đó là thực tại mà mắt con người chưa từng thấy, tai chưa từng nghe, lòng người chưa từng cảm nghiệm được. Thực tại ấy không thể thu hẹp trong một vài câu định nghĩa, mà phải diễn tả bằng dụ ngôn, vì cách diễn tả này không giới hạn, nhưng tạo thuận lợi cho việc tìm hiểu sâu xa hơn.
Dụ ngôn là một thứ ngôn ngữ nói với những người trong cuộc, những người sống trong tình thân với nhau. Để hiểu được dụ ngôn, cần phải có hai đức tính quan trọng, đó là tâm hồn rộng mở và ước muốn tìm hiểu. Trong Tin mừng hôm nay, Chúa Giêsu đã nói với các môn đệ: “Về phần các con đã được ơn hiểu biết các mầu nhiệm Nước Trời, còn họ thì không”. Nói khác đi, các môn đệ đã được chấp nhận vào cộng đoàn của những kẻ tin vào Chúa Giêsu, vì thế, các ông có thể hiểu rõ những mầu nhiệm. Còn những kẻ ở bên ngoài, nhất là những kẻ ở bên ngoài vì kiêu hãnh, vì khép kín, vì định kiến, như các Luật sĩ và Biệt phái, thì khi nhìn vào các mầu nhiệm họ chỉ thấy bí ẩn và khó hiểu. Chính cách trả lời của Chúa là tiêu chuẩn để biết được ai là người thuộc về Chúa và là ai người ngoài cuộc: “Nếu Thầy dùng dụ ngôn mà nói với họ, là vì họ nhìn mà không thấy, lắng tai mà không nghe. Còn các con, mắt các con thật có phúc vì được nghe.”
Lm. Carôlô Hồ Bạc Xái

SUY NIỆM 5: CHA MẸ TUYỆT VỜI  
Cây thấy xanh tươi chưa chắc là đã tốt, nhưng phải là cây cho sinh nhiều hoa trái xinh tươi. Mẹ Maria là hoa trái quí hóa, tuyệt vời của ông bà thánh Gio-a-kim và Anna…
Dù rằng Tin Mừng không ghi lại điều gì về cha mẹ của Đức Trinh Nữ Maria, nhưng thánh truyền đã đề cập đến vai trò của hai ông bà Gio-a-kim và Anna. Ta đi ngược dòng lịch sử cứu độ để hiểu hơn vai trò của thánh Gio-a-kim và thánh Anna. Thánh Gio-a-kim và thánh Anna có thể là cầu nối giữa Cựu Ước và Tân ước, giữa Israen cũ và Israen mới. Hai vị thánh này đã được Thiên Chúa tuyển chọn, chúc phúc và ban nhiều ân huệ quí giá, qua đó, các Ngài sinh ra Đức Trinh Nữ Maria là Mẹ Đức Giêsu…
Tin Mừng trong thánh lễ hôm nay đề cập đến người gieo giống. Gieo giống là dấu hiệu của hy vọng. Nước Trời như mầm non đang chồi lên từ mặt đất khắp đó đây mà hạt giống ở dưới đất ta đâu có thấy được chúng, ta đâu có nghe được tiếng khi chúng đang tí tách vươn mình lên khỏi đất. Đức Hồng y Etchaygaray đã nói một câu rất chí lý:”Người ta dễ nghe tiếng cây đổ, nhưng có hàng triệu triệu hạt mầm đang tí tách vươn mình khỏi đất, nào ta có nghe được tiếng kêu. Thánh Gio-akim và thánh Anna là những cây tươi tốt, đã từng là những hạt giống tốt xinh, đã hiện diện ở cuộc đời này và sinh ra hoa trái rất tốt tươi là Đức Trinh Nữ Maria, Mẹ Con Thiên Chúa. Quả thực, chính hạt giống là hai thánh Gio-a-kim và Anna đã chịu thối đi trong lòng đất, nên đã sinh ra hoa trái xinh tươi là Đức Giêsu Kitô.
Thánh Gio-a-kim tượng trưng cho người gia trưởng mẫu mực đạo đức, thánh thiện và luôn sẵn sàng bảo vệ, nâng đỡ bà thánh Anna, còn bà thánh Anna được tôn sùng như mẫu gương của các bà mẹ, đồng thời Hội Thánh tặng cho bà danh hiệu Mẹ của Đức Trinh Nữ Maria. Sách ngụy thư của thánh Giacôbê có ghi: “Hai ông bà đã già mà không có con, đây là một thử thách lớn lao của hai ông bà, nhưng cuối cùng thiên thần Chúa đã hiện ra loan báo cho hai ông bà một tin vui mừng: bà sẽ thụ thai và sinh ra Đức Trinh Nữ Maria và hai ông bà đã dâng Đức Mẹ trong đền thờ cho Thiên Chúa’’.
Hội Thánh đã chọn ngày 26/7 hằng năm kính nhớ hai thánh Gio-a-kim và Anna. Lòng sùng hai vị thánh này đã có từ cổ xưa và ngày nay đã lan tràn khắp thế giới.
‘‘Lạy thánh Gioakim và thánh Anna, đôi bạn hạnh phúc, tất cả mọi tạo vật đều mang ơn các Ngài, vì nhờ các Ngài mà tạo vật đã dâng lên cho Đấng Hóa Công một lễ vật cao trọng, đó chính là Đức Mẹ, Mẹ Thiên Chúa’’ (lời cầu của thánh Đamascênô).
Xin cho mỗi người chúng con luôn noi gương bắt chứoc hai thánh Gioakim và thánh Anna luôn hết lòng tôn vinh tình yêu tuyệt vời của Thiên Chúa. Amen.
 Lm Nguyễn Hưng Lợi

SUY NIỆM 6:
Trong bài Tin Mừng của Thánh Lễ hôm nay, Đức Giê-su nói: “Còn anh em, mắt anh em thật có phúc vì được thấy, tai anh em thật có phúc, vì được nghe.” Trong bối cảnh phụng vụ, lời này của Đức Giê-su được ứng nghiệm cho đôi mắt và đôi tai của “ông bà ngoại” của Người, nghĩa là của hai thánh Gioakim và Anna. Tuy nhiên, lời này của Đức Giê-su cũng liên quan đến đôi mắt và đôi tai của chúng ta.
Thực vậy, qua kinh nghiệm cuộc sống, nhất là khi chúng ta có dịp đến phục vụ những người tàn tật, những người mù, những người câm điếc, chúng ta mới nhận ra rằng sự kiện chúng ta thấy được và nghe được, là một ơn huệ; và khi nhận ra đôi mắt và đôi tai của chúng ta là một ơn huệ, chúng ta được mời gọi nhận ra Đấng ban ơn để tạ ơn và ca tụng, và chia sẻ ơn huệ mà chúng ta có cho người khác, nhất là cho những người tàn tật, không có cùng một ơn huệ như chúng ta.
Tuy nhiên, ngay trước đó, Đức Giê-su còn nói tới một bệnh mù khác, một bệnh điếc khác: “họ nhìn mà không nhìn, nghe mà không nghe, không hiểu” (c. 13). Như thế, mối phúc mà Đức Giê-su nói tới, không chỉ là khả năng thể lý nhìn thấy sự vật và nghe được âm thanh.
1. Phúc vì được thấy
Thật vậy, đôi mắt của chúng ta được dựng nên, có “ơn gọi” không phải là nhìn thấy những điều hữu hình, nhưng qua những điều hữu hình, nhận ra những thực tại vô hình. Thực vậy, chúng ta được mời gọi nhìn thấy sự vật không chỉ như là sự vật, nhưng còn là những quà tặng, những ơn huệ, những dấu chỉ, nói lên sự hiện diện của ai đó, của tình thương, nói lên Đấng ban ơn, nói lên chính Đấng tạo dựng.
Và nhất là khi nhìn thấy một người, đôi mắt của chúng ta không được dừng lại ở vẻ bề ngoài, ở ngoại hình, ở trang phục, không được coi người người này là đối tượng để mình thỏa mãn nhu cầu, thỏa mãn lòng ham muốn; nhưng đôi mắt của chúng ta được mời gọi nhìn người khác trong sự thật, nghĩa là người đó là một ngôi vị tự do và có lòng ước ao, có ơn gọi riêng, có quá khứ và những vấn đề riêng, có hành trình riêng cần tôn trọng; nếu sự thật là người ấy có những hành vi phạm lỗi đáng lên án, thì chúng ta được mời gọi nhận ra một sự thật khác lớn hơn: người ấy còn là một ngôi vị bất hạnh đang đau khổ, và có khi người này ở trong bất hạnh mà không biết. Đó cái nhìn của Người Cha nhân hậu đối với người con hoang đàng, đó là cái nhìn của Đức Giê-su về người phụ nữ ngoại tình, đó là cái nhìn của Ba Ngôi Thiên Chúa đối với loài người chúng ta, với từng người chúng ta.
Đôi mắt của thánh Gioakim và thánh Anna, đôi mắt của các môn đệ và đôi mắt của chúng ta thật là có phúc, như Đức Giê-su nói: “Còn anh em, mắt anh em thật có phúc vì được thấy”, bởi vì chúng ta được ơn nhận biết Đức Giê-su Nazareth là Đức Ki-tô, Con Thiên Hằng Sống và Ngôi Lời nhập thể. Đôi mắt có phúc là đôi mắt nhận biết Đức Giê-su Ki-tô; và đôi mắt nhận biết Đức Giê-su Ki-tô là đôi mắt sống đúng với ơn gọi của mình.
2. Phúc vì được nghe
Cũng vậy đối với đôi tai của chúng ta: đôi tai của chúng ta được ban cho, có ơn gọi không phải là nghe tiếng động hay âm thanh, nhưng là nghe ra sự hài hòa của âm thanh, nghe được giai điệu, kết cấu của âm thanh, truyền đạt cho chúng ta một ý nghĩa, một sứ điệp, truyền đạt cho chúng ta Ngôi Lời, bởi vì « Nhờ Ngôi Lời vạn vật được tạo thành » (Ga 1, 3 và St 1):
Trời xanh tường thuật vinh quang Thiên Chúa,
không trung loan báo việc tay Người làm. (Tv 19, 2).
Thế mà ý nghĩa và sứ điệp, được tạo ra bởi sự liên kết hài hòa theo quy luật giữa các âm thanh, thì hoàn toàn thinh lặng, không có tiếng động. Thiên Chúa nói với con người qua rất nhiều lời nói: lời trong Kinh Thánh, lời từ các chứng nhân của Thiên Chúa, nhưng chính Đức Giêsu Nazareth, Ngôi Lời Thiên Chúa làm nên sự hợp nhất của những lời nói cụ thể này. Như thế, Ngôi Lời không làm cho bất cứ đôi tai nào rung lên, Ngôi Lời chỉ được thốt lên và chỉ được nghe trong thinh lặng. Thiên Chúa ngỏ sự thinh lặng của Ngôi Lời cho người biết lắng nghe:
Không trung loan báo việc tay Người làm.
Ngày qua mách bảo cho ngày tới,
đêm này kể lại với đêm kia.
Chẳng một lời một lẽ, chẳng nghe thấy âm thanh,
mà tiếng vang đã dội khắp hoàn cầu
và thông điệp loan đi tới chân trời góc biển. (Tv 19, 4-5)

3. Đức Giê-su Ki-tô, Ngôi Lời Thiên Chúa
Thánh Phao-lô trong thư gởi Tín Hữu Roma đã trích Tv 19, nhưng một cách rất lạ lùng. Bởi vì, đối với thánh nhân “Tiếng vang đã dội khắp hoàn cầu và thông điệp loan đi tới chân trời góc biển.” (Tv 19, 5) không là gì khác hơn là việc rao giảng Tin Mừng Đức Giê-su Ki-tô! Thật vậy, ngài đã viết trong thư gởi các tín hữu Roma:
Có đức tin là nhờ nghe giảng, mà nghe giảng là nghe công bố lời Đức Ki-tô. Nhưng tôi xin hỏi: Phải chăng họ đã không được nghe giảng? Có chứ!
“Tiếng các ngài đã dội khắp hoàn cầu,
và thông điệp loan đi tới chân trời góc biển” (Rm 10, 17-18)

Theo thánh Phao-lô, sứ điệp của công trình tạo dựng và sứ điệp của các tác viên Tin Mừng là cùng một sứ điệp, đó là sứ điệp “Đức Giê-su Ki-tô, Ngôi Lời Thiên Chúa”. Như thế, điều mà thánh Phaolô cảm nhận thì thật là lạ lùng! Trình thuật, lời công bố và sứ điệp, vốn là lời sáng tạo như là chúng ta nghe được trong sự thinh lặng của Ngôi Lời, nay bỗng dưng vang vọng trong miệng của thánh nhân, cũng như trong miệng của mọi tác viên loan báo Tin Mừng, trong đó có chúng ta hôm nay.
Như thế, nếu chúng ta nghe ra sứ điệp được truyền đạt “ngày này cho ngày kia” và “đêm này cho đêm kia” kể từ khởi nguyên của thế giới sáng tạo, chúng ta sẽ nghe được sứ điệp Tin Mừng của Đức Giê-su Ki-tô. Và ngược lại, nếu chúng ta đón nhận sứ điệp Tin Mừng Đức Giê-su Ki-tô, chúng ta sẽ nghe được sứ điệp của ngày và đêm. Bởi lẽ, cả hai, công trình sáng tạo và Tin Mừng Đức Giê-su Ki-tô, có cùng một nội dung, đó là
Ngôi Lời Thiên Chúa; và
Nhờ Ngôi Lời, vạn vật được tạo thành,
và không có Người,
thì chẳng có gì được tạo thành. (Ga 1, 3)

Lm. Giuse Nguyễn Văn Lộc
SUY NIỆM 7: Ý NGHĨA DỤ NGÔN NGƯỜI GIEO GIỐNG (Mt 13,18-23)
  1. Bài Tin mừng là ý nghĩa dụ ngôn người gieo hạt giống, chính Chúa Giêsu đã giải thích cho các môn đệ. Qua dụ ngôn này, Chúa Giêsu đưa ra bốn mẫu người khi đón nhận Lời Chúa:
  • Đón nhận một cách ơ hờ, lãnh đạm, không tha thiết với Lời Chúa.
  • Đón nhận, nhưng nhất thời và hay thay đổi.
  • Có lòng tha thiết nghe Lời Chúa nhưng tâm hồn lo toan trăm mối nên cuối cùng cũng không sinh hoa kết quả
  • Còn người chăm chú lắng nghe, tìm hiểu, và ra sức đem ra thực hành thì sinh hoa kết quả gấp trăm, sáu mươi hay ba mươi.
Vậy mỗi người chúng ta hãy tự xét xem mình thuộc loại người nào khi đón nhận Lời Chúa.
  1. Nhận xét của chúng ta qua bài Tin mừng này là dụ ngôn này trực tiếp dạy chúng ta: số phận khác nhau hay kết quả khác nhau của Lời Chúa là tuỳ thuộc vào tâm hồn hay thái độ của thính giả. Bởi vì hạt giống là Lời Chúa thì bao giờ cũng tốt, không bao giờ có hạt giống xấu, cũng như hạt giống, dù được gieo vào chỗ đất nào thì cũng mọc lên, nhưng kết quả khác nhau. Vì thế, đồng ruộng hay đất đai có một vai trò quan trọng không kém cho kết quả thu hoạch, nghĩa là kết quả của Lời Chúa hoàn toàn tuỳ thuộc vào ruộng đất là tâm hồn hay thái độ của người nghe.
  2. Nên lưu ý, những hình ảnh gieo giống mà Chúa Giêsu dùng trong Tin mừng hôm nay không giống với kỹ thuật canh tác hiện nay. Thật thế, vào thời Chúa Giêsu, đất Palestine vốn khô cằn, người nông dân thời Chúa Giêsu không cầy bừa dọn đất trước khi gieo trồng, nhưng gieo vãi trước, rồi sau đó mới cầy đất xới bón. Thành ra, có hạt rơi xuống đất tốt, có hạt rơi trên về đường, có hạt rơi vào bụi gai. Dù kỹ thuật có khác, dù tiến trình canh tác có khác, người nông dân ở bất cứ thời đại nào cũng giống nhau ở chỗ họ có tinh thần lạc quan. Đất đai có tươi tốt hay khô cằn, thiên nhiên có ngược đãi hay thuận lợi, mùa gặt tươi tốt vẫn luôn là lòng hy vọng của kẻ gieo trồng (Mỗi ngày một tin vui).
  3. Chúa Giêsu xếp thính giả vào bốn hạng người theo những tâm trạng khác nhau. Bốn hạng người này thì có ba hạng người làm cho Lời Chúa thất bại, và chỉ có một hạng người để Lời Chúa được thành công.
Ba hạng làm cho Lời Chúa thất bại vì những lý do khác nhau:
Hạng đường đi: lý do khách quan, vì do ma quỉ đến cướp đi bằng cách quyến rũ người ta chạy theo thú vui xác thịt, những vẻ đẹp của văn minh hưởng thụ, những tiến bộ của khoa học kỹ thuật làm cho người ta trở nên chai đá đối với những thực tại siêu nhiên.
Hạng đá sỏi: lý do chủ quan, đó là những người nông nổi, bồng bột, nhất thời, cho nên thiếu kiên nhẫn. Khi nghe lời giảng thì thích thú (bén rễ) và có khi đưa ra những quyết định canh tân rất là vĩ đại. Nhưng họ chỉ sốt sắng theo tình cảm nhất thời, nên khi gặp khó khăn là bỏ cuộc, chán nản; lòng mến Chúa của họ dễ tan biến như sương buổi sáng, như nắng về chiều.
Hạng bụi gai: lý do chủ quan, vì khi nghe Lời Chúa, người ta lại lo lắng việc đời: như lo ăn, lo làm, lo giải trí, xã giao.., và những ham mê sự đời như vật chất, danh vọng, địa vị và thú vui xác thịt... khiến cho Lời Chúa bị chết nghẹt.
Hạng đất tốt: thành công vì hạt được một trăm, hạt sáu mươi và hạt ba mươi. Đây là những người nhiệt thành chăm chỉ nghe Lời Chúa và nỗ lực cách kiên trì trong việc tìm hiểu và đem ra thực hành để thánh hóa bản thân.
Lời Chúa được gieo vào lòng tín hữu tốt sẽ tuỳ ơn kêu gọi và thiện chí của từng người mà đem lại những kết quả khác nhau: một trăm, sáu mươi ba mươi (Giải thích của Trần Hữu Thành).
  1. Lời Chúa hôm nay mời gọi chúng ta mở rộng tâm hồn đón nhận Lời Chúa. Nếu mảnh đất tâm hồn chúng ta luôn mở ra, Lời Chúa sẽ thấm nhập chúng ta và cuộc sống chúng ta sẽ trở nên tươi tốt. Qua miệng tiên tri Isaia Chúa đã đảm bảo với chúng ta: “Như mưa tuyết rơi từ trên trời không trở về trời, nếu chưa thấm xuống đất, chưa làm cho đất phì nhiêu và đâm chồi nảy lộc”. Cũng thế: “Lời Ta một khi xuất phát từ miệng Ta, nếu chưa đạt kết quả, chưa thực hiện ý muốn của Ta, chưa chu toàn sứ mệnh Ta giao phó”.
  2. Truyện: Nước làm sạch rổ rau
Bà vợ đi lễ về làm cơm sáng hơi muộn làm cho người chồng khó chịu. Người chồng thì khô khan, thỉnh thoảng mới đến nhà thờ. Vợ thì siêng năng đi lễ để nghe Lời Chúa.
Bụng đang đói, chồng tức bực hỏi vợ:
  • Em đi lễ hằng ngày như vậy để được cái gì?
Bà vợ trả lời:
  • Được nhiều lắm, anh ạ.
Chồng hỏi tiếp:
  • Được cái gì?
Vợ thản nhiên đáp:
  • Được nghe Lời Chúa. Được Lời Chúa soi dẫn và rửa sạch tâm hồn em!
Chồng trợn mắt:
  • Rửa sạch?
Vợ chỉ vào rổ rau mới rửa, trả lời:
     - Vâng, nước đã làm cho bụi bặm rổ rau này sạch trơn!
     Người chồng hiểu, lặng thinh và suy nghĩ!

(Lm. Giuse Đinh Lập Liễm)

SUY NIỆM 8: BỐN LOẠI ĐẤT (Mt 13,18-23)

Chúa Giêsu giải thích có 4 loại đất tương ứng với 4 hạng người. Trước hết, đất vệ đường là người nghe Lời mà không hiểu nên ma quỷ cướp mất. Thứ hai, đất sỏi đá là người nghe Lời mà không sâu nên gặp khốn khó thì bỏ cuộc. Thứ ba, đất bụi gai là người nghe Lời mà không để tâm nên những lo lắng khác chiếm hết tâm trí. Cuối cùng, đất tốt là người nghe, hiểu và làm theo Lời nên sinh hoa kết trái.
Chúng ta cần dành thời gian để tự vấn lương tâm xem mình thuộc loại đất nào. Điều này rất quan trọng vì khi biết mình thuộc loại đất nào, chúng ta sẽ tiến lên bước kế tiếp là cải tạo đất, nghĩa là thay đổi đời sống từ loại đất xấu thành đất tốt. Ngoài ơn Chúa và nỗ lực của bản thân, không ai có thể giúp cải tạo mảnh đất tâm hồn chúng ta được. Có 3 điều kiện để trở thành đất tốt là nghe, hiểu và làm theo Lời Chúa dạy. Nếu chưa có 3 điều này trong tâm hồn thì chắc chắn chúng ta chưa thể sinh hoa trái được.
Lạy Chúa, chúng con là những kẻ tội lỗi nên mảnh đất tâm hồn còn nhiều vấn đề cần thay đổi. Xin Chúa ban ơn soi sáng để chúng con nhận ra được tình trạng mảnh đất tâm hồn mình đang nhiễm bẩn bởi điều gì, ngõ hầu nhờ ơn Chúa giúp, chúng con can đảm nhổ bỏ và tẩy sạch những gì đang cản trở chúng con sinh hoa trái thánh thiện theo ý Chúa. Amen.
Lm. Laurenso Quốc Huy

SUY NIỆM 9: (Mt 13,18-23)

19. Hễ ai nghe lời rao giảng Nước Trời mà không hiểu, thì quỷ dữ đến cướp đi điều đã gieo trong lòng người ấy: đó là kẻ đã được gieo bên vệ đường.
• Đức Giêsu đang giải thích cho các môn đệ về dụ ngôn người gieo giống và ý nghĩa của từng hạt rơi vào những mảnh đất. Hạt giống tượng trưng cho từng con người. Mỗi người đều có tự do để chọn chỗ cho mình.
• Hạt gieo bên vệ đường là người nghe lời rao giảng Nước Trời mà không hiểu, thì quỷ dữ đến cướp đi điều đã gieo trong lòng người ấy. Đức Giêsu gọi quỷ là cướp vì nó rất trơ tráo, trắng trợn lấy cái không thuộc về nó. Lời Chúa vẫn cứ được rao giảng. Con người có quyền để đón nhận. Có những người chỉ nghe cho có nghe bởi đó không phải là điều ưu tiên của họ.
• Ma quỉ luôn là kẻ cơ hội và mời mọc con người rất quyết liệt bằng nhiều hình thức như có lợi nhuận mà không cần mất nhiều tiền, việc nhẹ lương cao… những hình thức này chính là vệ đường với những hào nhoáng của mặt tiền nhưng lại không có tiền mặt.
Chúa vẫn cho chúng ta cơ hội để thay đổi cuộc sống. Tôi sẽ chọn cho mình mảnh đất nào?
Lạy Chúa, xin Chúa hãy làm chủ mảnh vườn đời con.
Br. Vincent SJ

  Ý kiến bạn đọc

Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây