SUY NIỆM THỨ BẢY TUẦN XXII THƯỜNG NIÊN
Lc 6,1-5
Tin Mừng Chúa Giê-su Ki-tô theo thánh Luca.
1 Vào một ngày sa-bát, Đức Giê-su đi băng qua một cánh đồng lúa ; các môn đệ bứt lúa, vò trong tay mà ăn. 2 Nhưng có mấy người Pha-ri-sêu nói: “Tại sao các ông làm điều không được phép làm ngày sa-bát ?”
3 Đức Giê-su trả lời: “Các ông chưa đọc chuyện này trong Sách sao ? Ông Đa-vít đã làm gì khi ông và thuộc hạ đói bụng? 4 Ông vào nhà Thiên Chúa lấy bánh tiến mà ăn và cho thuộc hạ ăn. Thứ bánh này, chỉ có tư tế mới được ăn mà thôi.”
5 Rồi Người nói: “Con Người làm chủ ngày sa-bát.”
SUY NIỆM: LĂNG KÍNH TÌNH YÊU.
Có một lần Khổng tử bị vây khốn nơi đất Trần Tề, trong bảy ngày không ăn được hột cơm nào cả.
Một buổi trưa nọ, đệ tử của ông là Nhan Hồi xin được gạo về nấu. Khi cơm sắp chín, Khổng tử nhìn thấy Nhan Hồi dùng tay bốc cơm trong nồi mà ăn. Khổng tử cố ý làm bộ không thấy, nên khi Nhan Hồi đến mời ông ta ăn cơm, thì ông ta đứng dậy nói: “Ta muốn dâng một chén cơm để cúng tổ tiên, nhưng e rằng cơm hôm nay không được sạch”
Nhan Hồi vừa nghe xong thị vội vàng đáp: “Dạ đúng rồi, lúc con mở để đảo cơm, vô tình một cơn gió làm ít tro tàn bay vào, con đã mạn phép ăn phần cơm bám tro đó coi như phần cơm của mình trưa nay”.
Khổng tử nghe nói thế thì thở dài nói: “Cái con người có thể tin là con mắt, mà con mắt thì cũng có lúc không thể đáng tin được, cho nên có thể tin được là cái tâm, nhưng cái tâm cũng có lúc không đủ để tin. Các đệ tử phải nhớ lấy, biết người thật không phải là chuyện dễ dàng đâu nhé”.
Cùng một sự việc khi chúng ta nhìn dưới lăng kính tình yêu thì sẽ tốt, nếu chúng ta nhìn bằng lăng kính soi mói thì sẽ xấu.
1/ Nhìn theo lăng kính sự sống
Khi những người Kinh sư và Biệt phái không bắt lỗi Chúa Giêsu được, họ quay qua rình mò các một đệ của Ngài, và cơ hội hôm nay đã đến, họ bắt lỗi các môn đệ không giữ luật sabát, khi các ông gắt bông lúa ăn trong một buổi trưa đói bụng đi ngang qua đồng lúa.
Đức Giêsu trả lời họ bằng việc nhắc nhở họ biến cố được ghi chép lại trong I Sam 21:1-6. " Ông Đavid đã làm gì khi ông và thuộc hạ đói bụng? Ông vào nhà Thiên Chúa lấy Bánh Tiến mà ăn và cho thuộc hạ ăn. Thứ bánh này, chỉ có tư tế mới được ăn mà thôi." Ở đây Chúa Giêsu muốn nói: Luật nào cũng có luật trừ. Luật ăn Bánh Tiến được vi phạm để bảo vệ sự sống cho Đavid và thuộc hạ của ông.
Chính những Rabbi cũng công nhận “Ngày Sabbath được làm ra cho con người, chứ không phải con người cho ngày Sabbath.” Điều này chứng tỏ khi sự sống bị đe dọa, con người có thể vi phạm các luật ngày Sabbath.
Chúa Giêsu nhìn lăng kính sự sống, còn những kinh sư và biệt phái nhìn lăng kính lề luật.
2/ Lăng kính tình yêu
Trong bài đọc một, thánh Phaolô đưa ra lộ trình sống lề luật: “Nhờ Đức Giê-su là con người bằng xương bằng thịt đã chịu chết, Thiên Chúa cho anh em được hoà giải với Người, để anh em trở nên thánh thiện tinh tuyền và không có gì đáng trách trước mặt Người”. Như thế sống để khỏi bị chê trách là sống theo giáo huấn của Chúa Giêsu, sức sống của Chúa Giêsu, xả thân đến anh em nên thánh, chứ không phải soi mói để anh em nên thánh.
Lm. Tam Thái
SUY NIỆM: CON NGƯỜI LÀM CHỦ NGÀY SA-BAT
1. Tại sao các ông làm điều không được phép
Vào một ngày sa-bát, Đức Giê-su đi băng qua một cánh đồng lúa; các môn đệ bứt lúa, vò trong tay mà ăn . Thấy vậy, những người Pha-ri-sêu chất vấn : « Tại sao các ông làm điều không được phép làm ngày sa-bát? » Thánh Luca không nói rõ lí do tại sao các môn đệ bứt lúa, nhưng khi nghe lời giải thích của Đức Giê-su, chúng ta có thể đoán ra, đó là vì các ông đói bụng :
Các ông chưa đọc chuyện này trong Sách sao?
Ông Đa-vít đã làm gì khi ông và thuộc hạ đói bụng?(c. 3)
Trước hết, chúng ta cần cảm thương Đức Giê-su, vì trò phạm lỗi, nhưng chính Thầy lên tiếng bảo vệ, nghĩa là đứng ra chịu trách nhiệm. Sau này, Đức Giê-su sẽ nhận vào mình tất cả mọi tội lỗi, nhân danh Lề Luật, không chỉ của các môn đệ, nhưng là của cả loài người chúng ta.
Xét về luật, những người Pha-ri-sêu thật có lý để lên án các môn đệ, vì, để ăn hạt lúa, họ phải gặt và xay cây lúa. Như thế, họ đã phạm luật cấm lao động trong ngày sa-bát ! Tuy nhiên, lỗi này là chuyện nhỏ, không nghiêm trọng gì mấy ; có lẽ Chúa chỉ cần nhắc nhở các môn đệ là xong chuyện. Nhưng có điều gì đó thật nghiêm trọng và không hề là chuyện nhỏ ; Đức Giê-su sẽ mặc khải cho chúng ta điều này.
2. Dò xét và tố cáo
Thật vậy, chúng ta cần tự hỏi : làm sao, ở ngoài đồng bao la như thế, những người Pha-ri-sêu lại biết được việc này ? Chắc họ đã phải kín đáo đi theo, rình mò, theo dõi và quan sát thật kĩ nhóm của Đức Giê-su. Hành động này hàm chứa thái độ không tin tưởng, thậm chí thái độ lên án, và chỉ cần chờ dịp thôi. Và, như chúng ta thấy, khi không có dịp, chính họ sẽ tạo ra dịp để Đức Giê-su và các môn đệ phạm luật ; các Tin Mừng gọi hành động này là thử hay giăng bẫy. Thế mà, hành động này là hành động đặc trưng của ma quỉ :
Vì kẻ tố cáo anh em của ta, ngày đêm tố cáo họ trước tòa Thiên Chúa, nay bị tống ra ngoài.(Kh 12, 10)
Thế mà, một cách rất chắc chắn, “Kẻ Tố Cáo” là một tên gọi được thêm vào những tên gọi có sẵn của Satan (x. Kh 12, 9). Cách gọi này có nguồn gốc xa xưa hơn. Thật vậy, trong một thị kiến được ban cho ngôn sứ Dacaria, vị thượng tế đứng trước thiên thần của Đức Chúa, “còn Xa-tan đứng bên phải ông để tố cáo ông” (Dcr 3, 1). Hành động dò xét và tố cáo dựa vào lề luật không phải là hiếm thấy trong cuộc sống của chúng ta, nhưng chúng ta lại không nhận ra, đó là hành vi đặc trưng của Sa-tan !
Hơn nữa, và điều này còn nghiêm trọng hơn, ngày sa-bát là ngày được lập ra để tưởng nhớ sự sống được cứu khỏi sự chết, nhờ lòng thương xót của Thiên Chúa (x. Đnl 5, 12.15). Nhưng trong thực tế, ngày sa-bát đã biến thành một bộ luật phức tạp bao gồm những qui định chi li, dùng để dò xét và lên án. Ngày sa-bát là ngày được lập ra để tưởng nhớ sự sống, nhưng đã biến thành phương tiện để lên án và giết chết chính Đấng Ban Sự Sống, là Đức Giê-su Ki-tô, Ngôi Lời Thiên Chúa. Điều này sẽ được khởi động rất sớm : « Họ thì giận điên lên, và bàn nhau xem có làm gì được Đức Giê-su không » (Lc 6, 11 ; là bài Tin Mừng của ngày thứ hai tuần tới). Khi kể lại chuyện này, thánh Mác-cô nói rõ ra ý định giết người : « Ra khỏi đó, nhóm Pha-ri-sêu lập tức bàn tính với phe Hê-rô-đê, để tìm cách giết Đức Giê-su » (Mc 3, 6). Và ý định này sẽ đi đến cùng trong cuộc thương khó, khi người ta nhân danh Lề Luật để giết Đấng Vô Tội tuyệt đối.
3. Con Người làm chủ ngày sa-bát
Như các môn đệ, không ai trong chúng ta không vi phạm luật ; và như những người Pha-ri-sêu, không ai trong chúng ta tránh được sức mạnh của Sự Dữ thúc đẩy chúng ta dùng lề luật để dò xét và tố cáo bản thân mình và người khác. Vì vậy, thánh Phao-lô tuyên xưng : « Tôi thật là một người khốn nạn! Ai sẽ giải thoát tôi khỏi thân xác phải chết này? Tạ ơn Thiên Chúa, nhờ Đức Giê-su Ki-tô, Chúa chúng ta! » (Rm 7, 24-25). Thật vậy, Đức Giê-su đã đứng về phía các môn đệ, những « bị cáo », và qua các môn đệ, Ngài đứng về phía chúng ta. Ngài biện minh cho họ bằng những lời mạc khải có tầm mức hết sức rộng lớn.
Trước hết, Ngài dựa vào Lời Chúa trong Sách Thánh. Trong sách Samuel quyển 1, chương 21, kể lại chuyện vua Đa-vít và những người tùy tùng của ông, lúc đói đã vào nhà Thiên Chúa ăn bánh dùng để dâng tiến, thứ bánh chỉ có tư tế mới được ăn. Khi nêu ra một biến cố lịch sử, được kể lại trong Sách Thánh, Đức Giêsu muốn nói cho người Pha-ri-sêu, và qua họ, cho chúng ta về chính khuôn mặt đích thật của Thiên Chúa :
- Sự sống là nguồn gốc, vì Thiên Chúa là nguồn sống và Người thông truyền sự sống trước khi ban lề luật (x. St 2-3). Do đó, sự sống ưu tiên hơn lề luật.
- Sự sống là cùng đích, vì xét cho tận cùng, mọi lề luật được đặt ra để phục vụ cho sự sống. Sự sống chính là « tinh thần » và là điểm tới của mọi lề luật.
- Luật đúng là thánh, như thánh Phao-lô nói trong thư Roma (x. Rm 7, 12). Nhưng ngôi vị cũng là thánh, vì vốn được dựng nên theo hình ảnh của Thiên Chúa. Vì thế, trong hành vi phạm luật, phải chú ý đến hoàn cảnh, quá khứ, giáo dục, môi trường, những vấn đề và vết thương của nội tâm… Như Đức Chúa nói với ngôn sứ Samuen : « Thiên Chúa không nhìn theo kiểu người phàm: người phàm chỉ thấy điều mắt thấy, còn ĐỨC CHÚA thì thấy tận đáy lòng » (1Sm 16, 1)
Và hơn thế nữa, Thiên Chúa ban lề luật, nhưng đồng thời, Người cũng là Đấng thương xót, bao dung, không lên án, nhưng cứu vớt (x. Tv 19 ; Mt 20, 1-16). Chính vì thế, Đức Giê-su tuyên bố :
Con Người là chủ ngày sa-bát.(c. 5)
Đức Giê-su, Ngôi Lời nhập thể, là nguồn sự sống, là chủ ngày sa-bát, vốn là trung tâm của Lề Luật (x. Xh 20; Đnl 5)[1]. Mặc khải này của Đức Giê-su phải làm cho chúng ta tin tưởng và bình an. Không phải Chúa bao che chúng ta, nhưng đó là vì kết án không phải là cùng đích của lề luật, vì dùng luật để kết án và hủy diệt là hành vi đặc trưng của Sa-tan, và nhất là vì tha thứ và tin tưởng mới có sức mạnh biến đổi và chữa lành tận căn con tim của chúng ta. Vẫn còn một lý do nữa, lý do tuyệt đối : Thiên Chúa là Tình Yêu. Chính vì thế :
Muôn ngàn đời Chúa vẫn trọn tình thương »(Tv 136)
Lm Giuse Nguyễn Văn Lộc
SUY NIỆM:
Ngày kia, một Kinh sư Do-thái chết, lúc sắp hạ huyệt, những người khiêng thấy tiếng động, họ mở nắp quan tài ra thì thấy người chết hồi sinh. Thế rồi, vị Kinh sư chủ trì lễ tang xem xét mọi khoản luật về an táng trong Bộ luật Do-thái, xem xong ông tuyên bố: “Theo những gì quy định về luật, thì người này đã chết đúng theo nghi thức, vì thế hãy đóng quan tài lại và chôn cất theo luật”.
Khi ban bố lề luật, Thiên Chúa muốn sự yêu mến và tự nguyện, nhưng dần già, được giải thích quá tỉ mỉ đến cả những chi tiết nhỏ nhặt. Để rồi, các tiến sĩ – Kinh sư – Biệt phái thì sinh ra vụ luật và dùng luật làm thứ bình phong che chắn và làm lợi cho họ, còn dân chúng thì cảm thấy nặng nề, để rồi thay vì yêu mến và tự nguyện, họ chỉ giữ vì buộc phải giữ và luật trở thành gánh nặng đè trên vai họ.
Hôm nay, họ bắt bẻ Chúa Giê-su về luật sa-bát vì ba lý do:
Người Pharisiêu chú tâm đến hình thức của luật đến nỗi quên đi bản chất của luật là bác ái yêu thương, họ sẵn sàng để người khác đói khát chứ không thà lỗi luật, trong khi luật là cứu sống chứ không phải giết chết.
Người Pharisiêu vốn chủ trương là hassidim, nghĩa là giữ luật cách khắt khe, nên khi bắt bẻ Chúa Giê-su là một ngầm ý đề cao về mình và che giấu sự giả hình của mình.
Người Pharisiêu xem luật như cứu cánh và bắt buộc Thiên Chúa phải theo ý họ mà thưởng công cho họ. Trong khi luật chỉ là dẫn đường, còn cùng đích phải là Thiên Chúa.
Còn chúng ta là người Công giáo, ngày sa-bát (Thiên Chúa nghỉ ngơi – sau sáng tạo) của người Do-thái đã được thay thế bằng Ngày Chúa Nhật (Chúa Giê-su Phục Sinh – sáng tạo mới), chúng ta đã tuân giữ Ngày Chúa Nhật như thế nào:
– Tham dự Thánh Lễ vì lòng yêu mến hay vì bắt buộc phải đi lễ?
– Làm việc bác ái hay là dửng dưng với những hoàn cảnh khó khăn của đồng loại mà ta gặp thấy? Chúng ta có nhân danh ngày nghỉ, lấy cớ việc đi lễ… để rồi không đếm xỉa đến những người gặp hoạn nạn đang cần đến sự giúp đỡ của chúng ta?
– Chúng ta giữ luật Ngày Chúa Nhật cốt để phô trương chính mình và lên án người khác không?
Lạy Chúa Giê-su, xin cho mọi người chúng biết giữ luật vì lòng yêu mến Chúa và quảng đại với tha nhân, hơn là giữ lề luật chỉ vì luật mà lỗi đến đức bác ái công bình đối với tha nhân. Amen.
Hiền Lâm
SUY NIỆM: LÀM CHỦ NGÀY SABÁT
Chi tiết “bứt lúa chín” giúp ta biết câu chuyện hôm nay giữa Chúa Giêsu và biệt phái xảy ra vào đầu mùa hạ (cuối tháng tư). Đây là đầu mùa hạ thứ hai trong sứ vụ công khai của Chúa Giêsu, lúc các đụng độ giữa Ngài và đối thủ đã đến mức căng thẳng, một va chạm nhỏ có thể thành cớ làm bùng nổ lòng ghen tức của đối thủ đến mức họ bàn định giết Ngài.
Chủ đích của những người Biệt phái là cảnh cáo việc nhóm Ngài vi phạm luật Sabát: một là đi qua đồng lúa, tức vi phạm luật chỉ được đi 100 mét ngoài thành vào ngày Sabát; hai là bứt lúa rồi chà trấu trong tay để ăn, một việc tương đương với viêc gặt lúa, vậy là vi phạm luật cấm làm việc xác. Đáp lại, Chúa Giêsu đã đánh thẳng vào nguyên tắc của luật nói chung và luật Sabát nói riêng. Ngài đặt vấn đề: có trường hợp người ta được miễn giữ luật vì một lý do chính đáng. Ví dụ vua Đavit ăn bánh hiến trong đền thờ khi đang đói. Khi hưu lễ trùng với một đại lễ, các tư tế và các phụ tá phục dịch phải giết chiên cừu nhiều hơn, thế mà vẫn không bị buộc tội vi phạm hưu lễ.
Chúa Giêsu đã đến trần gian để giải thoát con người chúng ta không chỉ khỏi tội lỗi, ma quỉ mà còn giải thoát khỏi những quan niệm lệch lạc về luân lý, về luật lệ, nói chung về hết mọi vấn đề. Hôm nay Chúa Giêsu giải quyết vấn đề giữ ngày Sabát. Trong việc giữ ngày Sabát, quan niệm Chúa Giêsu và biệt phái đã có nhiều dị bịêt. Biệt phái thủ cựu và hẹp hòi. Họ tỉ mỉ giữ luật, và nếu cần, họ sẵn sàng hy sinh giá trị con người cho một khía cạnh lề luật nào đó. Rõ ràng họ quá sai lầm trong việc đánh giá đâu là chính yếu và đâu là tùy phụ: lấy cái phụ làm cái chính, lấy cái chính làm cái phụ. Chúa Giêsu thì không như thế. Ngay từ đầu, Ngài đã quan niệm ngày Sabát được lập ra vì loài người, chứ đâu phải con người vì ngày Sabát.
Tại sao những người biệt phái có quan niệm lệch lạc như thế? Bởi vì họ đã không hiểu ý nghĩa sâu xa của ngày Sabát: ngày đó không phải là ngày để làm cho con người thêm vất vả, trái lại để giải thoát con người khỏi sự vất vả. Qua sự nghỉ ngơi ngày Sabát, con người nhận biết được uy quyền tuyệt đối của Thiên Chúa giải thoát con người ra khỏi sự nô lệ của sự vật và tiền bạc. Luật Sabát nhằm giữ gìn, bảo vệ một phần tự do trong cuộc sống con người. Luật tuân giữ ngày Sabát không thể lại đưa con người đến một hình thức nô lệ khác, tức là thi hành những điều luật quá tỉ mỉ và vô nhân đạo.
Chúa Giêsu muốn giải thoát chúng ta khỏi một thứ ý thức hệ vụ hình thức, chuộng cơ cấu, cứng nhắc làm tê liệt tình yêu đối với Chúa và lòng nhân ái đối với tha nhân. Chúng ta hãy học cách hành xử của Chúa Giêsu trong việc dung hòa sự tuân cứ lề luật với một quả tim biết yêu thương nhậy bén.
CẦU NGUYỆN
Lạy Chúa Giêsu, Chúa đến chính là để giải phóng con người chúng con khỏi những lầm lạc, khỏi ách nặng nề của lề luật do biệt phái luật sĩ tạo ra và đưa chúng con vào sống tình con thảo với Thiên Chúa là Cha. Xin Chúa giúp chúng con hết lòng tin cậy nơi Chúa và yêu mến Chúa trên hết mọi sự.Amen.
Lm.J.P
SUY NIỆM:Ý NGHĨA CỦA LUẬT
Sợi dây làm cho con diều bay cao thế nào, thì luật cũng nâng cao giá trị con người như vậy. Điều mà ta tưởng là dây kéo ghì con diều xuống, nhưng kỳ thực là nó đang giữ cho diều bay cao. Cuộc đời con người cũng cần có những điều luật để cuộc sống đi vào khuôn khổ. Bản chất và ý nghĩa của luật chính là tình yêu thương.
Tin Mừng hôm nay thuật lại, nhóm Pharisêu lên án các môn đệ Chúa Giêsu vi phạm Lề Luật, khi họ thấy các ngài đi qua cánh đồng và đã bứt vài bông lúa ăn cho đỡ đói trong ngày hưu lễ. “Tại sao các ông làm điều không được phép làm ngày sabát?” (Lc 6,2). Trước thái độ chất vấn của những người Pharisêu, Chúa Giêsu giải thích cho họ hiểu tinh thần của luật không phụ thuộc vào hành động bên ngoài, nhưng là ở trong tâm con người. Mục đích của luật ngày Sabát là đem lại sự tự do cho con người, hướng đến lòng yêu thương. Luật sẽ trở nên trọn hảo khi luật đó giúp đời sống con người thăng tiến. Luật sinh ra là để phục vụ con người. Vì thế, Chúa Giêsu đã khẳng định “Con Người làm chủ ngày sabát” (Lc 6,5).
Trong cuộc sống, nhiều lúc chúng ta cũng có thái độ như những người Pharisêu. Khi thấy người khác sai phạm, chúng ta dễ dàng lên án mà không quan tâm đến lòng nhân và thương xót. Chúa Giêsu đã lấy dẫn chứng cụ thể trong Cựu Ước khi vua Đavít đã “vào nhà Thiên Chúa lấy bánh tiến mà ăn và cho thuộc hạ ăn. Thứ bánh này, chỉ có tư tế mới được ăn mà thôi” (Lc 6,4). Như vậy, “luật vị nhân sinh”, luật giải thoát và làm cho con người được tự do. Ý nghĩa đích thực của luật là làm cho con người được gắn kết, biết chia sẻ và yêu thương. Giữ luật nhiệm nhặt, khắt khe làm cho con người phải đau khổ, chất thêm gánh nặng trên đôi vai của tha nhân, thì luật đó chẳng có ý nghĩa gì.
Lạy Chúa Giêsu, xin cho chúng con hết lòng tuân giữ luật Chúa: đó là luật mến Chúa và yêu người. Xin Chúa giúp chúng con thoát khỏi thói ghen ghét, ích kỷ để tự do tiến bước trong luật Chúa. Amen.
Tu sĩ Phêrô Trần Văn Diệm, SVD
SUY NIỆM: YÊU THƯƠNG LÀ CHU TOÀN LỀ LUẬT
Tin mừng hôm nay thuật lại một cuộc tranh luận giữa Chúa Giêsu và những người biệt phái về đề tài: Lề luật và tình yêu. Những người biệt phái tố cáo các môn đệ của Chúa Giêsu vi phạm lề luật, vì họ đã bứt lúa ăn trong ngày sabat. Thực ra hành động này của các môn đệ không vi phạm luật Môsê, nhưng nó lại đụng đến 1 trong 39 điều cấm làm theo giải thích các Rabbi Do Thái về ngày hưu lễ.
Dù sao những người biệt phái cũng có cái lý của họ. Nhưng đối với Chúa Giêsu, một trăm cái lý không bằng một tý của cái tình. Qua sự việc này, Chúa Giêsu muốn khẳng định lại cho những người Do Thái xưa và cả chúng ta hôm nay chân lý này: Lề luật vì con người chứ không phải con người vì lề luật.
Khi nói như thế, không phải Chúa Giêsu là 1 người sống ngoài lề luật vì Ngài đã từng khẳng định: Dù trời đất có qua đi nhưng 1 chấm 1 phết trong lề luật cũng không thể bỏ qua (x.Mt 5,18). Nhưng khi luật pháp chối bỏ hoặc chà đạp những quyền cơ bản của con người, thì Chúa Giêsu lại muốn chúng ta phải có một tinh thần thép như Phêrô và Gioan trước công nghị Do Thái giáo năm xưa: “Thà vâng lời Thiên Chúa còn hơn vâng lời người phàm”.
Là những tín hữu, chúng ta được mời gọi sống theo những giá trị của Tin mừng và đòi hỏi của các giới răn, vì đây là những phương thế giúp chúng ta nên thánh. Tuy nhiên, nếu ai đó giữ ngày Chúa nhật, thực hành các việc đạo đức, hay thực thi bác ái chỉ vì muốn đáp trả những đòi hỏi của Chúa và Giáo Hội, mà thiếu vắng tình yêu dành cho Chúa và tha nhân, thì quả thật là một điều đáng buồn, và sẽ trở nên vô nghĩa. Bởi Chúa chỉ cần lòng nhân chứ không cần hy lễ.
Quốc có quốc pháp, gia có gia quy. Trong đời sống gia đình cũng cần có những nguyên tắc để thống nhất và cân nhắc mọi sinh hoạt, hầu gia đình được hạnh phúc và ấm êm. Thế nhưng, chúng ta được mời gọi đừng đặt ra những nguyên tắc quá khắc khe, để những người thân yêu trong gia đình mình cảm thấy nặng nề mệt mỏi. Cũng đừng lấy quyền làm cha làm mẹ, làm vợ làm chồng để áp đặt lên nhau những chuyện phải làm phải giữ. Khi vì những nguyên tắc làm cho bầu khí gia đình trở nên xung khắc, hãy can đảm gạt bỏ nguyên tắc và dùng tình yêu để xoa dịu tổ ấm đời mình.
Tóm lại, ta giữ luật thì luật giữ ta, nhưng đừng quên đặt lề luật trên nền tảng của tình yêu. Vì Thánh phaolô đã từng nói: “Yêu thương là chu toàn lề luật” (Rm 13,10). Amen.
Lm. Anton