Đức Thánh cha: Trên thập giá, Chúa Giêsu cầu nguyện cho mỗi người chúng ta

Thứ tư - 16/06/2021 18:44
 

Lúc 9 giờ 30, sáng thứ Tư 16/6/2021, Đức Thánh cha Phanxicô đã tiếp kiến hơn 550 tín hữu hành hương, ngồi chật trong khu vực sân thánh Damaso thuộc khuôn viên dinh Tông tòa. Đây là buổi tiếp kiến chung thứ 19 tính từ đầu năm nay.


G. Trần Đức Anh, O.P.

Như thói quen, Đức Thánh cha đến trước giờ bắt đầu buổi tiếp kiến để gặp gỡ và chào thăm các tín hữu.

Lắng nghe Lời Chúa

Buổi buổi tiếp kiến mở đầu với phần lắng nghe Lời Chúa. Bài đọc ngắn trích từ Tin mừng theo thánh Marco (14,32-36):

“Họ tới một nơi gọi là vườn Giệtsimani và Ngài nói với các môn đệ: “Các con hãy ngồi lại đây trong khi Thầy cầu nguyện. [...] Rồi Ngài đi xa hơn một chút, sấp mình xuống đất và cầu nguyện: nếu có thể, xin giờ này đi qua khỏi con”. Và Ngài nói: “Abbà, Lạy Cha! Mọi sự đều có thể với Cha; xin cất xa chén này khỏi con! Nhưng xin đừng theo ý con, một theo ý Cha mà thôi”.

Bài huấn giáo

Trong bài giáo lý tiếp đó, Đức Thánh cha tiếp tục nói về việc cầu nguyện và ngài trình bày về “Kinh nguyện tư tế của Chúa Giêsu”. Đây là bài cuối cùng trong loạt này.

Đức Thánh cha nói: Anh chị em thân mến, chào anh chị em!

Trong loạt bài giáo lý này, chúng ta đã nhiều lần nhắc nhớ rằng cầu nguyện là một trong những đặc tính rõ rệt nhất trong cuộc đời của Chúa Giêsu. Trong sứ vụ của Ngài, Chúa Giêsu chìm đắm trong kinh nguyện, vì việc đối thoại với Chúa Cha là điểm nòng cốt rạng ngời trong trọn cuộc sống của Ngài.

Kinh nguyện của Chúa Giêsu trong cuộc khổ nạn

Các sách Tin mừng làm chứng kinh nguyện của Chúa Giêsu càng trở nên khẩn trương và dồn dập hơn trong cuộc khổ nạn và cái chết của Ngài. Thực vậy, những biến cố tột đỉnh này họp thành trọng tâm việc rao giảng của Kitô giáo, gọi là kerygma: những giờ cuối cùng Chúa Giêsu trải qua tại Jerusalem là tâm điểm của Tin mừng không những vì các thánh sử Phúc âm dành cho trình thuật này một phần tương đối dài hơn, nhưng còn vì biến cố sự chết và sống lại của Chúa Giêsu - giống như một ngọn đèn chiếu rọi ánh sáng trên toàn thể cuộc đời của Chúa Giêsu. Ngài không phải là một nhà “mạnh thường quân” chăm sóc đau khổ và bệnh tật của con người nhưng còn hơn thế nhiều. Nơi Ngài, không phải chỉ có lòng từ nhân: nhưng là ơn cứu độ, và không phải là một ơn cứu độ nhất thời - một sự cứu thoát tôi khỏi một cơn bệnh hay một lúc sầu muộn - nhưng là sự cứu thoát hoàn toàn, ơn cứu độ của Đấng Cứu Thế, làm cho ta hy vọng nơi chiến thắng chung cục của sự sống trên sự chết.

Chúa Giêsu cầu nguyện trong biến cố Vượt qua

Vì thế, trong những ngày lễ Vượt qua cuối cùng của Chúa Giêsu, chúng ta thấy Ngài hoàn toàn chìm đắm trong kinh nguyện.

Chúa cầu nguyện thảm thiết trong Vườn Giệtsimani, bị lo âu chết chóc vây bủa. Nhưng chính trong lúc ấy, Chúa Giêsu ngỏ lời cùng Thiên Chúa, gọi Chúa là “Abbà”, Cha ơi! (Xc Mc 14,36). Từ này trong tiếng Aramaico, ngôn ngữ của Chúa Giêsu, biểu lộ sự thân mật và lòng tín thác. Chính trong lúc Ngài cảm thấy bóng đen dày đặc vây quanh, Chúa Giêsu tiến qua bằng một lời bé nhỏ: Abbà!

Chúa Giêsu cầu nguyện trên thập giá

Chúa Giêsu cũng cầu nguyện trên thập giá, trong sự im lặng bao phủ của Thiên Chúa. Nhưng trên môi Ngài vẫn thốt lên một lần nữa lời “Lạy Cha”. Đó là kinh nguyện táo bạo nhất, vì trên thập giá Chúa Giêsu là vị chuyển cầu tuyệt đối: Ngài cầu nguyện cho người khác, cho mọi người, cho cả những kẻ kết án Ngài, dù chẳng ai đứng về phía Ngài, trừ một tội nhân. “Lạy Cha, xin tha cho chúng, vì chúng không biết việc chúng làm” (Lc 23,34). Giữa thảm trạng đó, giữa đau khổ khốc liệt trong tâm hồn và thân xác, Chúa Giêsu cầu nguyện với những lời thánh vịnh; với những người nghèo của trần thế, đặc biệt những người bị mọi người quên lãng, Chúa thốt lên những lời bi thảm của thánh vịnh thứ 22: “Lạy Thiên Chúa của con, lạy Thiên Chúa của con, sao Chúa bỏ con?” (v.2). Trên thập giá hoàn tất việc hiến thân cho Chúa Cha, Đấng trao ban tình thương không chút dè dặt của Chúa Con như giá cứu độ chúng ta: Chúa Giêsu, mang lấy tất cả tội lỗi của trần thế, đi xuống vực thẳm của sự chia cách với Thiên Chúa. Dầu vậy, Ngài vẫn ngỏ lời với Chúa Cha và khẩn cầu “Lạy Thiên Chúa của con!”. Chúa Giêsu ngụp lặn trong tình con thảo, cả trong lúc cùng cực, cho đến khi trút hơi thở cuối cùng, khi Ngài nói: “Lạy Cha, con xin phó linh hồn con trong tay Cha” (Lc 23,46).

Vì thế, Chúa Giêsu cầu nguyện trong những giờ quyết định của cuộc khổ nạn và cái chết. Với sự phục sinh, Chúa Cha sẽ lắng nghe lời nguyện cầu của Người. Chúa Giêsu cầu nguyện một cách rất nhân trần, tự do bộc lộ nỗi lo âu trong tâm hồn Ngài. Ngài cầu nguyện không bao giờ từ bỏ lòng tín thác nơi Thiên Chúa là Cha.

Kinh nguyện tư tế

Để chìm đắm trong mầu nhiệm cầu nguyện của Chúa Giêsu, rất nồng nhiệt trong những ngày khổ nạn, chúng ta có thể dừng lại kinh nguyện dài nhất ta thấy trong các Sách Phúc âm và được gọi là “kinh nguyện tư tế của Chúa Giêsu”, được thuật lại trong chương thứ 17 của Tin mừng theo thánh Gioan. Bối cảnh vẫn luôn là lễ Vượt qua: chúng ta ở cuối Bữa Tiệc Ly, trong đó Chúa Giêsu lập phép Thánh Thể. Sách Giáo lý giải thích rằng, kinh nguyện này “bao trùm toàn thể nhiệm cục sáng tạo và cứu độ, như cái chết và sự phục sinh của Ngài” (n. 2746). Trong lúc giờ đã điểm, và Chúa Giêsu đi vào giai đoạn chót trong đường đời của Ngài, kinh nguyện của Ngài càng trở nên sốt sắng hơn và cả sự chuyển cầu của Ngài cho chúng ta. Sách Giáo lý giải thích rằng tất cả được tóm gọn trong kinh nguyện này: “Thiên Chúa và trần thế, Ngôi Lời và xác thể, sự sống vĩnh cửu và thời gian, tình yêu trao hiến và tội lỗi phản bội Ngài, các môn đệ hiện diện và những người, nhờ lời họ sẽ tin vào Ngài, sự hủy diệt và vinh quang” (n. 2748). Các vách tường nhà Tiệc Ly được mở rộng và bao trùm toàn thế giới; và cái nhìn của Chúa Giêsu không chỉ đặt trên các môn đệ đồng bàn với Ngài, nhưng còn thấy tất cả chúng ta, như thế muốn nói với mỗi người rằng: “Thầy đã cầu nguyện cho con, trong Bữa Tiệc Ly và trên thập giá”. Cả trong đau đớn nhất, chúng ta không bao giờ đơn độc.

Kết thúc loạt bài về sự cầu nguyện

Đức Thánh cha nói: “Tôi thấy đó là điều đẹp nhất cần nhớ, khi kết thúc chu kỳ các bài huấn giáo này về đề tài cầu nguyện: ân phúc mà chúng ta không chỉ cầu xin, nhưng có thể nói chúng ta “được kêu thỉnh cầu”, chúng ta đã được đón nhận trong cuộc đối thoại của Chúa Giêsu với Chúa Cha, trong tình hiệp thông của Chúa Thánh Linh. Cả trong lúc đen tối nhất, chúng ta đã được đón nhận vào cuộc đối thoại của Chúa Giêsu với Chúa Cha trong niềm hiệp thông của Thánh Linh. Chúng ta được mong muốn trong Chúa Giêsu Kitô và cả trong giờ khổ nạn, cái chết và phục sinh tất cả đều được trao tặng cho chúng ta. Và như thế, với kinh nguyện và cuộc sống, chúng ta chỉ cần nói: “Sáng danh Chúa Cha và Chúa Con cùng với Chúa Thánh Linh, như đã có trước vô cùng và bây giờ và hằng có và đời đời chẳng cùng. Amen.”

Chào thăm và nhắn nhủ

Nối tiếp bài giáo lý bằng tiếng Ý trên đây, tám linh mục thông dịch viên lần lượt chuyển ý tóm tắt bài giáo lý của Đức Thánh cha, kèm theo lời chào thăm của ngài.

Bằng tiếng Ba Lan, Đức Thánh cha nhắc nhở các tín hữu rằng: “Thánh Phaolô khích lệ chúng ta không ngừng cầu nguyện (Xc 1 Ts 5,17). Kinh nguyện là một nhu cầu sinh tử, vì là hơi thở của linh hồn; tất cả trong cuộc sống là thành quả của cầu nguyện, Cũng như kinh nguyện như thế là sự sống: là trạng thái linh hồn và hoạt động của chúng ta. Ước gì cuộc đối thoại bản thân và thân mật với Chúa Kitô giúp chúng ta luôn gần gũi Thiên Chúa, và tìm được câu trả lời cho mọi câu hỏi và các vấn đề đang vây bủa chúng ta.

Bằng tiếng Ý, Đức Thánh cha đặc biệt chào thăm các tín hữu thuộc giáo phận Forlì-Bertinoro, do Đức giám mục bản quyền hướng dẫn, hiệp hội các nữ cộng tác gia đình thuộc Phong trào Công giáo tiến hành Italia và hiệp hội toàn quốc những người bán rong.

Sau cùng, như thường lệ, - Đức Thánh cha nói - “tôi nghĩ đến những người già, người trẻ, các bệnh nhân và các đôi tân hôn. Ngài cầu chúc tất cả mọi người một kỳ hè thanh thản và là cơ hội tốt đẹp để chiêm ngắm Thiên Chúa trong tuyệt tác sáng tạo của Chúa.

Buổi tiếp kiến kết thúc lúc 10 giờ 15, với kinh Lạy Cha và phép lành của Đức Thánh cha.

  Ý kiến bạn đọc

Những tin mới hơn

Những tin cũ hơn

Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây