Suy niệm - Thứ Bảy Tuần 1 Mùa Chay

Thứ sáu - 03/03/2023 10:05
thu bay tuan i mua chay




Tin Mừng: Mt 5,43-48

43 Khi ấy, Đức Giê-su nói với các môn đệ rằng : “Anh em đã nghe Luật dạy rằng : Hãy yêu đồng loại và hãy ghét kẻ thù. 44 Còn Thầy, Thầy bảo anh em : hãy yêu kẻ thù và cầu nguyện cho những kẻ ngược đãi anh em. 45 Như vậy, anh em mới được trở nên con cái của Cha anh em, Đấng ngự trên trời, vì Người cho mặt trời của Người mọc lên soi sáng kẻ xấu cũng như người tốt, và cho mưa xuống trên người công chính cũng như kẻ bất chính. 46 Vì nếu anh em yêu thương kẻ yêu thương mình, thì anh em nào có công chi ? Ngay cả những người thu thuế cũng chẳng làm như thế sao ? 47 Nếu anh em chỉ chào hỏi anh em mình thôi, thì anh em có làm gì lạ thường đâu ? Ngay cả người ngoại cũng chẳng làm như thế sao ? 48 Vậy anh em hãy nên hoàn thiện, như Cha anh em trên trời là Đấng hoàn thiện.”


MỤC LỤC

Suy niệm 1 - Lm. Augustinô
Suy niệm 2: TỪ DÂN TỘC GIỚI HẠN ĐẾN GIA ĐÌNH VÔ HẠN − Lm. Giuse Nguyễn Trọng Sơn​​​​​​​

Suy niệm 3: YÊU MÃI NHƯ CHA YÊU - ĐGM. Phaolô Nguyễn Thanh Hoan
Suy niệm 4 - Lm. Phêrô Nguyễn Thiên Cung


Suy niệm 1 - Lm. Augustinô

Mùa chay là mùa sám hối canh tân - đó là điều ai trong chúng ta cũng biết. Tuy nhiên sám hối canh tân cái gì và như thế nào, đôi khi lại khiến không ít người bối rôi để có một câu trả lời chính xác. Thiết nghĩ các bài đọc hôm nay cho chúng ta những chỉ dẫn rất tuyệt vời.

Trong bài đọc thứ nhất trích từ sách Đệ Nhị Luật, Mô-sê đã nói với dân chúng rằng: “Hôm nay, Đức Chúa, Thiên Chúa của anh em, truyền cho anh em đem ra thực hành các thánh chỉ và quyết định này. Anh em phải hết lòng hết dạ tuân giữ và đem ra thực hành các điều ấy.” Để ý, chúng ta nhận ra 2 cụm từ rất quan trong liên quan đến việc tuân giữ thánh chỉ và quyết định của Thiên Chúa: hết lòng hết dạ tuân giữ và đem ra thực hành

Chúng ta thường dừng lại ở những mức độ khác nhau trong việc tuân giữ luật Chúa. Trước hết chúng ta giữ đạo mà không sống đạo. Giữ đạo ở đây muốn nói đến việc thâm dự các sinh hoạt hay các quy định trong các nghi thức thuần túy tôn giáo. Chúng ta giữ ở mức độ không vi phạm nó và bằng lòng với cách giữ đạo như thế. Dân Do Thái cũng giống như chúng ta, họ giữ luật vì luật, giữ cách máy móc, giữ vì sợ. Họ đến với Thiên Chúa vì luật quy định như vậy. Thiên Chúa qua miệng các ngôn sứ đã phải hô to lên “Ta muốn tình yêu chứ chẳng muốn hy lễ; thích được nhận biết nghĩa là được yêu hơn là được lễ vật. Ta không muốn chúng thờ Ta trên môi miệng nhưng lòng chúng thì cách xa Ta. Mô-sê nhắc lại lời Chúa cho dân “Thiên Chúa muốn họ tuân giữ thánh chỉ và quy định cuả Người hết lòng hêt dạ.” Thiên Chúa muốn những kẻ thuộc về Người, đến với Người với cả trái tim, linh hồn và toàn thể con người. Chính Chúa Giê-su cũng nhắc lại và làm mới lại lệnh truyền của Thiên Chúa bằng giới răn yêu thương của Người “Hãy yêu thương nhau như Thầy đã yêu thương anh em.” Như Thầy chính là yêu anh em bằng tình yêu của Chúa Ki-tô và theo gương của Chúa Ki-tô. Chúa Ki-tô yêu thương chúng ta bằng tình yêu đến từ Cha. Người yêu Cha trước cả khi yêu nhân loại. Chính vì yêu Cha mà Chúa đến trần gian và theo ý Cha, Chúa đến không để luận phạt thế gian nhưng để thế gian nhờ Chúa mà được sống

Giữ đạo hết lòng hết sức chưa đủ, chúng ta còn được mời goi thực hành đạo, biến điều ta tin ta giữ thành cuộc sống hàng ngày. Chúng ta có nhiệm vụ làm cho đạo không phải thành một mớ chữ ghi khắc trên bia đá hay trong những tâm hồn đã chết nhưng thành cuộc sống.  Các ngôn sứ luôn liên kết việc giữ chay với việc xóa bỏ bất công tham tàn, từ bỏ thờ ngẫu tượng, chăm lo cho người nghèo. Chúa Giê-su không chỉ mời gọi chúng ta thực hành tình yêu với tha nhân theo cách chúng ta muốn mà theo cách Chúa muốn. Một tình yêu vượt lên trên những thứ tình yêu nhân loại; một tình yêu đạt tới sự hoàn thiên như Cha trên trời là Đấng Hoàn Thiện. Bởi đó, mùa chay này chúng ta cần sám hối và canh tân việc tuân giữ luật của Chúa và cung cách sống mệnh lệnh yêu thương như Chúa

Có người nói nhưng chắc còn bao người nghĩ: họ tin Chúa và giới răn của Chúa tốt đẹp nhưng không tin người có đạo tốt như Chúa dạy. Thậm chí có người khẳng định rằng: nếu mọi người có đạo đều sống những gì Chúa dạy, nhất là giới răn yêu thương của Người, thì không còn ai ở ngoài Ki-tô giáo nữa. Nhưng tiếc thay điều đó còn quá xa vời. Người tin Chúa vẫn đang làm xấu, làm hoen ố đạo mình bằng cách giữ đạo và sống đạo của họ. Những cách đi lễ của người Công Giáo thật đáng xấu hổ: đi lễ từ xa, đi lễ ôm, lễ ngồi vất vưỡng trên xe, lễ mà ngồi lướt wed, nhắn tin, lễ ngoài nhà thờ, lễ trễ và còn biết bao nhiêu kiểu cách khác nữa khiến mầu nhiệm thiêng thánh của Thánh Lễ bị người ngoài coi thương. Một niềm tin mà chính người trong cuộc coi thường xúc phạm đủ thấy giá trị như thế nào? Người ngoại sẽ nghĩ như thế dù thực chất của nó không như vậy. Rồi bao gương mù gương xấu của người có đạo, thậm chí những người lãnh đạo tôn giáo, có chức thánh…. Tất cả đang làm cho sức mạnh của Hội Thánh cũng như công cuộc truyền giáo suy giảm và thất bại ê chề. Nhu cầu sám hối canh tân việc giữ và sống đạo quả thật vô cùng cấp bách nếu không nói là tính sống còn của Hội Thánh

Lạy Chúa Giê-su xin giúp mọi người và từng người trong tư cách là môn đệ Chúa nhận ra tình trang sống và giữ đạo nơi mình, để can đảm thực hiện cuộc sám hối và canh tân cách triệt để. Xin ban cho chúng con những ngôn sứ đích thực, những chủ chăn can đảm để vạch trần những nguy cơ hay thậm chí những khối ung trong cơ thể thiêng liêng của mỗi chúng con và toàn thể Hội Thánh, đưa đến Chúa để được chữa lành và phục hồi trong thời gian thánh này. Amen




Suy niệm 2: TỪ DÂN TỘC GIỚI HẠN ĐẾN GIA ĐÌNH VÔ HẠN − Lm. Giuse Nguyễn Trọng Sơn​​​​​​​
 

Sau khi nhắc lại cho dân những lời dạy của Thiên Chúa, ông Môsê nói rằng nếu họ tuân giữ những lời ấy, thì Thiên Chúa sẽ tự coi mình là Chúa của họ và sẽ nhận họ là dân của Người. Điều này đưa dân Do Thái đi vào vòng tương quan thân thiết với Thiên Chúa, được Người che chở và chăm sóc cách đặc biệt trước những dân xung quanh.“Người sẽ cho anh em vượt mọi dân tộc Người đã tạo dựng, xét về vinh dự, danh tiếng và vinh quang” (Đnl 26,19). Mọi dân tộc đều do Người tạo dựng, nhưng dân Do Thái được Chúa coi là “số một”, hơn hẳn mọi dân khác về mọi mặt! Tuy nhiên, đứng trước điều này, người Do Thái lại trở nên khép kín, tự tôn, và loại trừ các dân tộc khác!

Chúa Giêsu đã mở ra một giai đoạn mới, đi xa hơn nhiều. Thiên Chúa được Chúa Giêsu trình bày như Người Cha và con cái của Người là mọi người. Tương quan Chúa và dân được đưa đến tương quan mới là gia đình.

“Khi ấy, Đức Giêsu nói với các môn đệ rằng: ‘Anh em đã nghe Luật dạy rằng: Hãy yêu đồng loại và hãy ghét kẻ thù’.” (Mt 5,43)

Người Do Thái hiểu yêu người đồng loại có nghĩa là yêu những người cùng chủng tộc Do Thái; và ghét kẻ thù là ghét những dân tộc chung quanh, nhất là những dân đã từng là mối tai họa cho dân Do Thái. Bây giờ Chúa Giêsu nói: yêu người yêu mình thì dân ngoại cũng làm thế, và Người dạy yêu thương cả kẻ thù nữa! Điều này có nghĩa là tương quan gia đình khiến cho không còn ý niệm kẻ thù như trước nữa, vì trong gia đình, mọi người đều là anh chị em với nhau. Người kia có sai lỗi gì chăng nữa thì họ vẫn là người thuộc về mình! Và chúng ta được mời gọi hãy yêu thương không đòi điều kiện nơi người khác, mà nhưng yêu thương như Thiên Chúa là Cha đã cư xử với các con cái của Người.

 

Suy niệm 3: YÊU MÃI NHƯ CHA YÊU - ĐGM. Phaolô Nguyễn Thanh Hoan
 

Người xưa nói: “Hãy yêu bạn ghét thù”, nhưng Chúa không đặt vấn đề loại bỏ bất cứ ai trên mặt đất này. Tất cả họ đều là con Cha, đều đáng được hưởng ơn Cứu độ. Bàn tiệc Nước Trời đón nhận toàn thể nhân loại. Đó là công trình lớn lao của Thiên Chúa, ta chỉ biết ngưỡng mộ và nâng lòng lên để đón nhận thánh ý đầy yêu thương của Ngài.

Ở đây Chúa đem ra một nguyên tắc: Cần phá đổ mọi thứ biên giới ngăn cách giữa con người với nhau. Tại mỗi nơi, những ai đã đón nhận Tin Mừng đều phải có tinh thần đại kết, toàn thể nhân loại cùng chung một mái nhà. Mái nhà ấy đang được xây dựng rộng lớn mãi, đó là Giáo Hội. Giáo Hội từ hạt cải quá ư bé nhỏ, nhưng khi phát triển sẽ trở thành đại thụ.

Một gia đình, một cộng đoàn là khuôn mẫu Chúa Giê-su được thu nhỏ, là những chi thể gắn kết trong một thân thể là Chúa Ki-tô. Vì thế không còn ai là bạn, ai là thù mà tất cả trở nên một. Điều đó ta thấy đã là một điều khó khăn, huống chi cả thế giới trở thành một gia đình, có phải là ảo tưởng không? Chúng ta đừng đặt vấn đề khó khăn với Thiên Chúa. Ngài muốn sao nên vậy.

Mỗi người chúng ta cứ thi hành ý Cha dưới đất cũng như trên trời, đó là lời cầu nguyện hằng ngày của chúng ta. Chỉ tiếc ta không đi vào thực tiễn của Tin Mừng. Sống, hành động như lời mình cầu xin. Nếu chỉ đọc cho qua, đó không phải là cầu nguyện, mà tiếng phát ra của cái máy ghi âm đó thôi.

Chúa cho chúng ta thấy đâu là lý do để Ngài rao giảng một niềm tin phổ quát, một tình yêu quy tụ muôn dân, ấy là vì chính Thiên Chúa Cha đang quy tụ, đang hành động nơi chúng ta và toàn thể thế giới. Cha muốn mọi người làm con Ngài, Cha muốn kẻ dữ người lành đừng có mặc cảm được Chúa thương hay không – Một mặt trời tỏa sáng cho cả thế giới. Khi ta ghét bỏ loại trừ ai đó, ta phản lại ý Cha.

Cho nên Chúa kêu gọi ta hãy “Trở nên hoàn hảo tốt lành như Cha trên trời là Đấng hoàn hảo” (Mt 5,48). Mỗi thành viên chúng ta đêm ngày phải biết say sưa quang tỏa tình yêu, say sưa phục vụ, say sưa đem Tin Mừng đến cho kẻ khác, say sưa biến cộng đoàn ta thành tổ ấm Tin Mừng. Nghĩa là một tổ ấm cùng chia sẻ, cùng đồng hành với nhau về lý tưởng bác ái và quyết tâm hiệp nhất tình huynh đệ thật vững bền. Tránh mọi bất hòa chia rẽ, tránh mọi ghen ghét giận hờn. Nhưng hãy sống vì nhau và cho nhau.


Suy niệm 4 - Lm. Phêrô Nguyễn Thiên Cung

1-      Sứ điệp nguyên thủy :

(1) Khi mời gọi “đọc” Đnl 26, 16-19 qua lăng kính Mt 5, 43-48, Phụng vụ Lời Chúa hôm nay cho thấy đòi hỏi kiểu CƯ phản ảnh một thứ “tình yêu” tiêu cực, vị kỷ (yêu tha nhân vì bản thân mình); còn đòi hỏi của TƯ là đòi hỏi phản ảnh một thứ tình yêu đích thực, vị tha  (yêu tha nhân vì tha nhân, yêu Thiên Chúa vì Thiên Chúa, chứ không phải vì bản thân mình), như được phản ảnh, trước tiên, trong Mt 5, 43-48 : ở đây, Đức Giêsu cho thấy rõ điều đó [“Khi ấy, Đức Giêsu nói với các môn đệ rằng : ‘Anh em đã nghe Luật dạy rằng : Hãy yêu đồng loại và hãy ghét kẻ thù. Còn Thầy, Thầy bảo anh em : hãy yêu kẻ thù và cầu nguyện cho những kẻ ngược đãi anh em’.” (5, 43-44)]…

(2) Thứ đến, trong Đnl 26, 16-19 : ở đây, cho thấy tình yêu đích thực là tình yêu như của Thiên Chúa, vô vị lợi, vô điều kiện và vô biên giới; yêu, vì thế, đồng nghĩa với thánh hiến, cho đi, thuộc về ai đó : đó cũng chính là một thứ giao ước tình yêu [“Ông Môsê nói với dân rằng : ‘…rằng anh em sẽ là một dân thánh hiến cho Đức Chúa, Thiên Chúa của anh em.” (26, 16a.19b)]…

 

2-      Sứ điệp cho ngày hôm nay :

Một thế giới vị kỷ, khép kín mà tiêu chuẩn đánh giá con người và sự việc tùy theo lợi ích của chính bản thân mình và phe nhóm của mình, hẳn chỉ yêu, giao du, bè bạn với những ai có lợi cho mình, cùng phe nhóm và quyền lợi với mình mà thôi…

 

Tác giả: Truc Ho Si

  Ý kiến bạn đọc

Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây