Lễ Chúa Hiển Dung

Thứ năm - 03/08/2023 04:46
Tin Mừng: Mt 17,1-9
✠Tin Mừng Chúa Giê-su Ki-tô theo thánh Mát-thêu.

1 Khi ấy, Đức Giê-su đem các ông Phê-rô, Gia-cô-bê và Gio-an là em ông Gia-cô-bê đi theo. Người đưa các ông đi riêng với mình lên một ngọn núi cao. 2 Rồi Người biến đổi hình dạng trước mặt các ông. Dung nhan Người chói lọi như mặt trời, và y phục Người trở nên trắng tinh như ánh sáng. 3 Và bỗng các ông thấy ông Mô-sê và ông Ê-li-a hiện ra đàm đạo với Người. 4 Bấy giờ ông Phê-rô thưa với Đức Giê-su rằng : “Lạy Ngài, chúng con ở đây, thật là hay ! Nếu Ngài muốn, con xin dựng tại đây ba cái lều, một cho Ngài, một cho ông Mô-sê, và một cho ông Ê-li-a.” 5 Ông còn đang nói, chợt có đám mây sáng ngời bao phủ các ông, và có tiếng từ đám mây phán rằng : “Đây là Con yêu dấu của Ta, Ta hài lòng về Người. Các ngươi hãy vâng nghe lời Người !” 6 Nghe vậy, các môn đệ kinh hoàng, ngã sấp mặt xuống đất. 7 Bấy giờ Đức Giê-su lại gần, chạm vào các ông và bảo : “Trỗi dậy đi, đừng sợ !” 8 Các ông ngước mắt lên, không thấy ai nữa, chỉ thấy một mình Đức Giê-su mà thôi.
9 Đang khi thầy trò từ trên núi xuống, Đức Giê-su truyền cho các ông rằng : “Đừng nói cho ai hay thị kiến ấy, cho đến khi Con Người từ cõi chết trỗi dậy.”

hiendung 4

 SUY NIỆM 1: CHÚA GIÊSU CHIẾU TỎA VINH QUANG THIÊN CHÚA - PHÊRÔ NGUYỄN TRỌNG CHỨC


“Đức Giêsu biến đổi hình dạng trước mặt các ông. Dung nhan Người chói lọi như mặt trời, và y phục Người trở nên trắng tinh như ánh sáng” (Mt 17,2).
Kính thưa quý ông bà anh chị em thân mến trong Đức Kitô.
Tại sao người Kitô hữu chưa tham dự việc cử hành phụng vụ cách trọn vẹn, ý thức, thành kính và chủ động? Tại sao người Kitô hữu tham dự Thánh Lễ lại cảm thấy khô khan, buồn chán và mệt mỏi? Tại sao người Kitô hữu tham dự Thánh Lễ chỉ ở mức tối thiểu là Chúa Nhật và cảm thấy như thế là đủ? Khoảng khắc Chúa biến đổi hình dạng như là câu trả lời cho chúng ta về những câu hỏi vừa rồi. Chúng ta hãy mở rộng tâm hồn để đón nhận thông điệp thần linh có sức mạnh biến đổi mà những đoạn văn Kinh Thánh của ngày lễ Chúa Hiển Dung truyền tải. 
1. Thánh Lễ là việc tham dự trước vào vinh quang thiên quốc.
Trong sách Đaniên, chúng ta bắt gặp các thị kiến trong đó vị tiên tri chứng kiến Đấng Lão Thành: đó là Thiên Chúa, với áo trắng như tuyết chỉ sự trong trắng, siêu việt và thánh thiện của Người (x. Đn 7,9), mà chúng ta cũng bắt gặp trong biến cố hiển dung của Chúa Giêsu: “Y phục Người trở nên trắng tinh như ánh sáng” (Mt 17,2). Vị tiên tri còn thấy một hình ảnh thật ấn tượng: “Ngàn ngàn hầu hạ Người, vạn vạn túc trực trước Thánh Nhan” (Đn 7,10). Thánh Gioan trong sách Khải Huyền cũng miêu tả: “Kìa một đoàn người thật đông không tài nào đếm nổi, thuộc mọi dân, mọi chi tộc, mọi nước và mọi ngôn ngữ. Họ đứng trước ngai và trước Con Chiên, mình mặc áo trắng, tay cầm nhành lá thiên tuế” (Kh 7,9). Đoàn người đông đảo này là những người đang ở trong phụng vụ thiên quốc, ở đó, họ ca ngợi Thiên Chúa và chu toàn kế hoạch của Người. 
Sau đó, Đanien còn thấy ai đó mang những nét tương tự con người: “Con Người đang ngự giá mây trời mà đến” (Đn 7,13). Lời này chính Chúa Giêsu cũng sẽ dùng để nói về tư cách Con Thiên Chúa của mình, Đấng Kitô. Trước Thượng Hội Đồng khi vị thượng tế lại hỏi Người: “Ông có phải là Đấng Kitô, Con của Đấng Đáng Chúc Tụng không?, Chúa Giêsu trả lời: “Phải, chính thế. Rồi các ông sẽ thấy Con Người ngự bên hữu Đấng Toàn Năng và ngự giá mây trời mà đến” (Mc 14,61-62). Qua thị kiến của mình, Đaniên tiên báo sự xuất hiện của Con Người, Đấng sẽ nhận được vương quyền đời đời từ Thiên Chúa và vương quốc của Người vĩnh cửu. Quyền thống trị của Thiên Chúa và kế hoạch cứu độ của Người được bày tỏ nơi Chúa Giêsu qua cái chết và sự sống lại của Người.
Khi chúng ta tham dự thánh lễ, tức là tưởng niệm cuộc Vượt Qua của Chúa Giêsu, thì chúng ta cũng được tham dự vào phụng vụ thiên quốc. Chúng ta luôn mong đợi được cùng nhau tận hưởng vinh quang Chúa muôn đời, nhưng trong thực tế chúng ta chưa xem thánh lễ như là một biến cố trọng đại. “Trong một thánh lễ ban bí tích Thêm Sức, Đức Cha hỏi một cậu bé xem cậu có sẵn sàng đi lễ mỗi Chúa Nhật không. Cậu bé đã trả lời: “Thế Đức Cha sẽ đi xem cùng một bộ phim mỗi tuần chứ?”  Chúng ta cảm thấy chán ngắt khi đi tham dự thánh lễ bởi vì chúng ta cảm thấy thánh lễ như là một bộ phim mà chúng ta đã biết kết phim như thế nào. Thế nên, chúng ta đi tham dự thánh lễ như là những khán giả bàng quan, câm lặng chỉ để xem linh mục cử hành, chỉ để nghe ca đoàn hát. Tuy nhiên, chúng ta cần nhớ rằng khi cử hành thánh lễ, vị linh mục và cộng đoàn phụng vụ không phải là trung tâm, mà chính Chúa Giêsu mới là trung tâm. 
2. Thánh lễ là việc gặp gỡ thật sự với Chúa Giêsu. 
Đến với bài đọc thứ hai được trích từ thư thứ hai của thánh Phêrô, thánh nhân nói về kinh nghiệm cá nhân của mình với tư cách là nhân chứng của biến cố Chúa Hiển Dung: “Chúng tôi đã được thấy tận mắt vẻ uy phong lẫm liệt của Người… Chính chúng tôi đã nghe thấy từ trời phán ra, khi chúng tôi ở trên núi thánh với Người” (2 Pr 1,16.18). Nếu như thánh Phêrô chứng kiến biến cố Chúa Giêsu hiển dung trong lịch sử, thì chúng ta chứng kiến biến cố ấy trong bí tích. 
Thánh Thể là trung tâm và tột đỉnh của đời sống Hội Thánh, nên khi chúng ta tham dự thánh lễ, thì chúng ta được Chúa Giêsu đưa lên một ngọn núi cao như Người đã đưa ba môn đệ Phêrô, Giacôbê và Gioan (x. Mt 17,1). Cùng với các ngài, chúng ta chiêm ngưỡng dung mạo Chúa Giêsu chiếu tỏa vinh quang của Thiên Chúa, vì “Người là phản ánh vẻ huy hoàng, là hình ảnh trung thực của bản thể Thiên Chúa” (x. Dt 1,3). 
Thánh Gioan Kim khẩu tự hỏi “Ngài biến hình nghĩa là gì?” và thánh nhân đã trả lời: “Ngài đã mạc khải điều gì đó về thần tính của mình và đã cho các tông đồ thấy Thiên Chúa ngự trong xác thịt Ngài”.  Trên ngọn núi cao thánh lễ, chúng ta cũng sẽ chứng kiến một cuộc biến hình bí tích là “Chúa Giêsu hiện diện nhờ biến đổi bánh bánh và rượu thành Mình và Máu Người” ( GLHTCG 1375). Chúng ta biết rằng giờ đây Chúa Giêsu đã đến trong bí tích Thánh Thể của Người, và Người ở đó giữa chúng ta (x. GLHTCG 1404).
Trong cuộc biến hình, Chúa Giêsu không đóng vai trò diễn viên trước sự chứng kiến của các môn đệ. Ở đó mọi sự đều thật. Cũng thế, trong thánh lễ, vị linh mục không là diễn viên đóng vai Chúa Giêsu, mà là Chúa Giêsu hiện diện trong con người của linh mục và nhất là Người hiện diện dưới cách đích thực, thật sự dưới hình bánh và rượu (x. GLHTCG 1373). Vì vậy, chúng ta đi lễ để gặp gỡ thật sự Chúa Giêsu, để nghe Lời Người và để ăn Mình và uống Máu Người. 
Điều gì đó đã biến đổi ba môn đệ Phêrô, Giacôbê và Gioan, cũng đã biến đổi cuộc đời chúng ta, một gì đó tương tự khi một chàng trai đem lòng yêu một cô gái. Ban đầu hai con người này xa lạ với nhau, chẳng để ý gì đến nhau, chỉ là một người trong thế giới này. Một ngày nào đó họ bất ngờ gặp ánh mắt của nhau và yêu nhau. Bây giờ, họ trở thành người duy nhất của nhau trong thế giới này mà họ quan tâm. Có người từng nói: “Khi người ta hoàn toàn bước vào vương quốc của tình yêu, thế giới - dù không hoàn hảo đến thế nào - trở nên đẹp đẽ và phong phú, chỉ còn lại toàn những cơ hội để yêu thương”.  Khi đã leo lên ngọn núi tình yêu, mọi sự thuộc về cô gái, kể cả những khuyết điểm, đều trở nên đẹp đẽ, và đối với cô gái cũng như thế. Một cuộc hiển dung thật sự cho những người yêu nhau.
Chúng ta thấy và chạm đến Chúa Giêsu, không phải với đôi mắt và đôi tay thể lý, mà là với đôi mắt và đôi tay của niềm tin yêu và hy vọng. Chúng ta sẽ thấy được Chúa Giêsu hằng sống ở trong cuộc đời của mình, sẽ háo hức đến gặp gỡ Chúa như một người háo hức muốn gặp người yêu, sẽ cảm thấy ngỡ ngàng thán phục trước chương trình cứu độ của Thiên Chúa trong mầu nhiệm Vượt Qua của Chúa Giêsu vẫn đang diễn ra trong thánh lễ, nếu chúng ta thật tâm yêu Chúa. Chúng ta hãy đến Nhà của Người là Hội Thánh để gặp gỡ Người, hãy đọc những tác phẩm của Người là Kinh Thánh để lắng nghe Người, hãy tham dự thánh lễ để thấy Người biến hình chính mình.
Lạy Chúa Giêsu, xin cho chúng con gặp gỡ Chúa trong sâu thẳm tâm hồn mình, để cho vinh quang thần linh của Chúa biến đổi cuộc đời chúng ta. Xin cho chúng con biết lắng nghe Chúa, chiêm ngưỡng vinh quang của Chúa và trở thành những người mang ánh sáng của Chúa trong một thế giới khao khát tình yêu của Chúa. Nhờ lời chuyển cầu của những chứng nhân ở trên núi thánh với Chúa, xin cho chúng con được vững mạnh trên hành trình đức tin. Amen.


SUY NIỆM 2: HÃY VÂNG NGHE LỜI NGƯỜI - Emmanuel Nguyễn Thanh Hiền, OSB

Qua Lời Tổng Nguyện của Lễ Chúa Hiển Dung, các nhà phụng vụ muốn chúng ta ý thức rằng: Chúa Cha đã dùng hai chứng nhân Cựu Ước là ông Môsê và ông Êlia để củng cố niềm tin của các Tông Đồ vào mầu nhiệm cứu độ, và báo trước hồng ân lạ lùng Chúa Cha sẽ ban cho chúng ta là: nhận chúng ta làm nghĩa tử. Xin cho chúng ta biết nghe lời Con của Người, để mai sau, chúng ta được chung hưởng gia nghiệp với Con của Người.

Chúa Cha đã nhận chúng ta làm nghĩa tử, và cho chúng ta được đồng thừa kế với Con của Người. Trong bài đọc một, ngôn sứ Đanien cho thấy: Chúa Cha đã ban cho Đức Kitô quyền thống trị, vinh quang và vương vị, quyền thống trị vĩnh cửu, không bao giờ bị mai một, chẳng bao giờ bị suy vong. Chúng ta sẽ được chung hưởng gia nghiệp đó với Đức Kitô với một điều kiện duy nhất là: hãy vâng nghe Lời Người.

Bài Đáp Ca, với Thánh Vịnh 96, vịnh gia cũng cho thấy: gia nghiệp mà chúng ta sẽ được thừa hưởng đó chính là ơn cứu độ, mà chúng ta phải hát mừng và loan báo cho muôn dân biết, chỉ có một mình Chúa là Đấng Cứu Độ Duy Nhất: uy phong rực rỡ, dũng lực huy hoàng, toàn thể địa cầu phải run sợ.

Trong bài đọc hai, thánh Phêrô khẳng quyết rằng: quyền năng và cuộc quang lâm của Đức Kitô được các Tông Đồ loan báo không phải dựa trên những chuyện hoang đường, nhưng, dựa trên vẻ uy phong lẫm liệt mà chính các ngài đã tận mắt nhìn thấy, và đã tận tai nghe tiếng từ trời phán. Chính vì đã tận mắt nhìn thấy, và đã tận tai lắng nghe, nên thánh Phêrô cực kỳ chắc chắn và ngài muốn chúng ta cũng phải hết lòng tin tưởng vào lời ấy, bởi vì, lời ấy như chiếc đèn tỏ rạng và như sao mai: soi chiếu cho chúng ta biết đường để tiến tới ơn cứu độ, gia nghiệp đời đời của chúng ta. 

Trong bài Tin Mừng Lễ Chúa Hiển Dung, năm A này, thánh Mátthêu cho chúng ta thấy: Đức Kitô chính là Đấng Cứu Độ mà Chúa Cha đã hứa ban cho nhân loại, qua Dung Nhan chói lọi như mặt trời và y phục trắng tinh như ánh sáng, mà hai chứng nhân của Cựu Ước là Môsê và Êlia, được sai đến để củng cố niềm tin cho các Tông Đồ về mầu nhiệm cứu độ. Điều mà Chúa Cha muốn các Tông Đồ thực hiện, để trở nên nghĩa tử và đồng thừa kế với Đức Kitô là: hãy vâng nghe Lời Con của Người.

Nhiệm cục mặc khải có khởi nguyên và nguồn cội nơi Chúa Cha, bởi vì, một lời Chúa phán ra làm ra chín tầng trời, một hơi Chúa thở tạo thành muôn tinh tú (x. Tv 33,6). Mọi lời Thiên Chúa hứa đều trở thành “có” nơi Đức Giêsu Kitô (x. 2 Cr 1,20). Đức Giêsu chính là “Lời Chung Cục” của Thiên Chúa. Người “vừa là Đầu vừa là Cuối” (x. Kh 1,17). Từ khi ban cho chúng ta: Con của Người, tức Ngôi Lời, Lời độc nhất và chung quyết, Chúa Cha đã nói với chúng ta cùng một trật và chỉ trong một lần: tất cả mọi sự trong Lời Duy Nhất ấy, và Người không còn gì để nói nữa. Vì thế, nếu chúng ta muốn tra vấn Thiên Chúa để xin Người ban cho chúng ta: những thị kiến hay mặc khải mới nào đó, thì sự tra vấn đó không những là một chuyện điên rồ, mà còn là một sự xúc phạm đến Thiên Chúa.

Qua biến cố Biến Hình, Chúa Cha muốn chúng ta: hãy vâng nghe Lời của Con Người, nhưng, Lời đó là Lời nào? Thưa, Lời đó chính là Ngôi Lời Nhập Thể, Lời Hằng Hữu đã trở nên nhỏ bé, đến nỗi, có thể nằm gọn trong một máng cỏ, để con người có thể đụng chạm, sờ mó, và kinh nghiệm được. Với ý chí nhân loại của mình, Đức Giêsu đã hoàn toàn vâng phục thánh ý Chúa Cha. Trong Mầu Nhiệm Vượt Qua, với “ngôn ngữ điên rồ của thập giá” (x. 1 Cr 1,18), Ngôi Lời đã trở nên im tiếng, Người đã nói lời yêu thương cho mức cùng kiệt, không giữ lại bất cứ điều gì, không còn gì để nói, Người đã “cạn lời”, khi đã “trút cạn” tình yêu cho nhân loại đến giọt nước giọt máu cuối cùng trong sự thinh lặng hoàn toàn vâng phục thánh ý Chúa Cha. 

Mầu Nhiệm Thập Giá đã cho thấy: Chúa Cha đã nói qua sự thinh lặng của Người. Kinh nghiệm về sự xa cách với Cha, là kinh nghiệm “đêm tối” trong hành trình trần thế của Con Thiên Chúa,  đến nỗi, Người phải thốt lên: “Lạy Thiên Chúa, Thiên Chúa của con, sao Ngài bỏ rơi con?” (Mc 15,34; Mt 27,46). Sự thinh lặng trao nộp chính Con Một của mình để cứu độ nhân loại, kết hợp sự thinh lặng tự hiến hoàn toàn không còn lời nào để nói của Ngôi Lời, đã trở thành Lời Hằng Sống, Lời Cứu Độ cho tất cả những ai biết lắng nghe và thông dự vào Lời của Con Thiên Chúa: “Lạy Cha, con xin phó hồn con trong tay Cha” (Lc 23,46). “Lời thinh lặng” của Thiên Chúa nối dài những Lời, mà Người đã nói trước đó. Trong những khoảnh khắc đen tối nhất của cuộc đời chúng ta, Thiên Chúa nói với chúng ta qua “lời thinh lặng” của Người. Ước gì khi suy niệm Lời Chúa, trong bối cảnh của ngày Lễ Chúa Biến Hình hôm nay, chúng ta quyết phải xin cho bằng được ơn mà các nhà phụng vụ muốn chúng ta xin là: biết lắng nghe Lời của Con Chúa, nhất là, Lời thinh lặng, Lời “không lời” của thập giá, để chúng ta cũng có được kinh nghiệm như Đức Giêsu: trút cạn lời tình yêu, trút cạn cả con người mình, để thánh ý Chúa Cha được thể hiện trong cuộc đời chúng ta.

Từ “Lời” thinh lặng, không lời, vô hình đầu tiên, Thiên Chúa đã sáng tạo ra thế giới hữu hình với muôn loài muôn vật, và từ “Lời” thinh lặng, không lời cuối cùng của Đấng chịu treo trên thập giá và “lời” im tiếng đầy can đảm của Đấng đứng kề bên thập giá, mà một nhân loại mới được sinh ra. Do bởi, tiếng “không” ồn ào, chát chúa, đầy cao ngạo của Ađam và Eva, mà cửa thiên đàng đã đóng lại, thì nay, do bởi tiếng “vâng” lắng dịu, ngoan ngùy, đầy khiêm cung của Đức Giêsu và của Đức Maria, mà cửa thiên đàng lại khai mở cho tất cả những ai biết lắng nghe và thông dự vào tiếng nói lặng thinh, không lời của thập giá, để trở nên nghĩa tử, đồng thừa kế, và đồng hình đồng dạng với Đấng đã yêu thương và thí mạng vì mình.

Mầu Nhiệm Biến Hình là biến cố, mà Đức Giêsu đã chuẩn bị trước cho các môn đệ, để các ông vững tin: khi bước vào Mầu Nhiệm Thập Giá. Ước gì khi mừng Lễ Chúa Biến Hình hôm nay, chúng ta cũng hãy để cho Chúa: dẫn chúng ta đến dưới chân thập giá như Mẹ Maria, để chúng ta cũng nghe được một tiếng nói lặng thinh, một tiếng nói “không lời” của Đấng, đứng kề bên thập giá, một sự thinh lặng đầy can đảm thấu tận trời cao, xuất phát từ con tim ngoan ngùy, tĩnh lặng hoàn toàn vâng phục thánh ý Chúa, để như Mẹ, chúng ta cũng có thể cưu mang, và sinh hạ Lời Hằng Sống, Lời Cứu Độ cho thế giới hôm nay. Ước gì được như thế!


SUY NIỆM 3: Suy niệm của Lm Giuse Nguyễn Hữu An

Tin mừng Nhất Lãm tường thuật lời loan báo về cuộc tử nạn. Đức Giêsu đưa Nhóm Mười Hai đi lên Giêrusalem, dọc đường, Người nói với các ông: “Này chúng ta lên Giêrusalem, và Con Người sẽ bị nộp cho các thượng tế và kinh sư. Họ sẽ kết án xử tử Người, sẽ nộp Người cho dân ngoại nhạo báng, đánh đòn và đóng đinh vào thập giá và ngày thứ ba, Người sẽ chỗi dậy” (Mt, 17-19).
Theo tin mừng Luca và Marcô thì các môn đệ không hiểu và sợ hãi khi nghe Thầy loan báo về cuộc thương khó. “Nhưng các ông không hiểu gì cả; đối với các ông, lời ấy còn bí ẩn, nên các ông không rõ những điều Người nói” (Lc 18,34); “Người dẫn đầu các ông. Các ông kinh hoàng, còn những kẻ theo sau cũng sợ hãi. Người lại kéo riêng Nhóm Mười Hai ra, và bắt đầu nói với các ông về những điều sắp xảy đến cho mình” (Mc 10,32).
Vì không hiểu nên sợ. Sợ nên không muốn đi. Phêrô kéo riêng Chúa ra mà ngăn cản và trách móc nên bị Chúa mắng cho là satan.
Chúa đưa ba môn đệ lên núi Tabor. Biến Hình rực rỡ nhằm củng cố tinh thần cho các môn đệ sau khi Chúa loan báo cuộc khổ nạn.
Tôi được diễm phúc lên Núi Tabor. Từ khách sạn ở Nazareth xe đi qua những thung lũng với nhiều vườn cây ôliu, vườn chuối, vườn cam xanh tươi ngút mắt. Tabor là ngọn núi rất đẹp, nó đưa mình lên êm ả từ một cánh đồng cỏ xanh. Xe buýt chỉ đến chân núi, sau đó phải đổi xe chuyên leo núi. Lên dốc cao, đường ngoằn ngoèo theo vòng xoáy trôn ốc như đường Đèo Ngoạn Mục. Trời thật lạnh khoảng 40c, gió thổi rét buốt trên đỉnh có độ cao 600m làm ai nấy run lên vì lạnh. Núi Tabor có một ngoại hình rất cân đối. Núi mọc lên giữa cánh đồng như một bàn thờ giữa trời đất, giống như lễ đàn của các bộ lạc để tế thần minh. Lúc Chúa Giêsu đem ba môn đệ yêu quý lên đây, không gian phải rất im vắng. Chỉ có gió vi vu và mây nắng với rừng cây thắm một màu xanh hùng vĩ.
Núi tiêu biểu cho quyền năng và vinh quang của Thiên Chúa. Núi là nơi mặc khải những điều trọng đại như khi xưa Thiên Chúa hiển linh trên núi Sinai với Môisê, núi Khoreb với Êlia, núi Tabor với ba môn đệ. Từ đỉnh núi, nhìn về hướng nam là làng Naim, một thành cổ hiện tại người Ảrập sinh sống, nơi đây Chúa cho con trai bà goá sống lại.Nazareth, một thị trấn sầm uất về hướng tây và Biển hồ Galilê mênh mang phía đông. Tabor, ngọn núi thiêng tạo thành một tam giác đều. Cả ba nơi đều gắn liền với cuộc đời Chúa Giêsu: lớn lên, truyền đạo và hiển dung. Bên ngoài, phía trái Nhà thờ vẫn còn dấu vết tường đá tu viện các cha dòng Bênêđictô một thời Trung cổ huy hoàng.
Theo sử gia Josephus thì nhóm Nhiệt Thành (Zelot) đã chiến đấu với quân Roma tại đây vào năm 66 tcn. Năm 1634 các thầy Phanxicô mới dành lại được ngọn núi này từ tay quân Thổ. Nhưng mãi gần 300 năm sau mới xây đựơc Nhà thờ. Nhà Thờ Hiển Dung xây dựng từ năm 1925 do các cha dòng Phanxicô phụ trách. Mặt tiền nhà thờ đựơc kiến trúc nổi bật với hai ngọn tháp vuông cao vút. Bên trong hai ngọn tháp này là hai nguyện đường nhỏ kính tổ phụ Môisen và Êlia. Một bức tranh tuyệt đẹp theo nghệ thuật mosaic phía trên bàn thờ vòm cung thánh. Chúa biến hình trong hào quang rực sáng. Hai bên có Môisen trên núi Sinai và Êlia trên núi Carmel. Phía dưới là ba môn đệ Phêrô, Gioan và Giacôbê.
Tường thuật biến cố biến hình, cả ba Phúc âm đều nhấn mạnh đến thái độ hoảng sợ của các môn đệ. “Thực ra, ông không biết phải nói gì, vì các ông hoảng sợ” (Mc 9,6); “Khi thấy mình vào trong đám mây, các ông hoảng sợ” (Lc 9,34); “Nghe vậy, các môn đệ kinh hoàng ngã sấp mặt xuống đất” (Mt 17,6). Và khi Phêrô “ngã sấp mặt xuống đất” thì Chúa đến chạm vào ông và bảo: “Chỗi dậy đi, đừng sợ”. Các môn đệ không thể hiểu được hành trình của Đấng Cứu Thế sao lắm gian nan; kẻ theo Ngài làm sao không ngại ngùng sợ hãi cho được! (x. Mt 17,13-14; Mc 8,34; Mt 8,18; Mc 13,9; Lc 9,26). Nếu người ta làm an toàn những viên thuốc đắng bằng vỏ bọc kẹo ngọt, thì Chúa Giêsu cũng hoá giải tin cuộc khổ nạn bằng cuộc Biến hình rực rỡ. Bọc kẹo chứ không bọc thuốc ngủ. Hoá giải chứ không gây mê. Chúa cho các môn đệ thấy trước một thoáng Phục Sinh trước Phục Sinh. Chúa cho cảm nếm một chút Thiên đàng. Các ông đã tưởng là Thiên Đàng nên Phêrô xin làm ba lều để an nhàn trên núi cao, ngũ yên trong hào quang, quên đi các bạn và các cuộc truyền giáo dưới chân núi. Các ông không biết rằng Thầy Giêsu chỉ lên đỉnh Tabor trong chốt lát rồi xuống núi chuẩn bị vác thập giá bước vào cuộc thương khó. Hai đỉnh núi Tabor và Calvariô không xa nhau lắm về mặt địa lý, nhưng lại là con đường vạn lý. Chúa Giêsu đã nối kết hai đỉnh núi bằng con đường tình yêu cứu độ.
Biến cố Chúa biến hình trên núi Tabor là một trong những biến cố đặc biệt. Nó trở nên như một ngôi sao sáng cho các môn đệ trong đêm tối của những gian nan thử thách. Biến cố ấy vẫn luôn ghi đậm trong ký ức của các môn đệ. Nó là một điểm tựa, là một trợ lực cho đức tin của các ngài trong suốt tiến trình theo Chúa Giêsu.
Câu chuyện Chúa Biến hình trên núi Tabor được đặt làm sườn cho cả văn kiện “Tông Huấn Vita Consecrata” (đời sống thánh hiến). Đức Thánh Cha Gioan Phaolô II ban hành ngày 25.3.1996, đúc kết những thành quả của Thượng Hội Đồng Giám Mục tháng 10.1994. Tông Huấn trình bày vẻ đẹp của đời tu. Con đường tu đức được ví như một cuộc đi tìm cái đẹp (số 19), hướng tới sự chiêm ngưỡng nhan Chúa, chân phúc dành cho các tâm hồn trong trắng. Các tu sĩ đã bị thu hút bởi vẻ đẹp của Chúa; họ mê say chiêm ngưỡng Chúa, để rồi phản chiếu khuôn mặt rạng rỡ của Ngài (số 27) sau khi lên núi chiêm ngắm Chúa Biến hình, các môn đệ được mời hãy đi xuống núi để phục vụ (số 75); họ còn phải trèo lên một núi khác đó là núi Calvariô (Số 14;40). Từ chỗ đi theo Đức Kitô (số 15;18), hoạ lại nếp sống của Ngài, đời tận hiến tiến tới chỗ “Lắng nghe tiếng Chúa, ở kề bên Chúa”, “Đồng hoá hiện thân” ( số 16) với Ngài. Ngoài việc hoạ lại nếp sống khiết tịnh, khó nghèo và vâng phục của Đức Kitô, đời thánh hiến còn diễn tả mầu nhiệm Thập giá và Phục sinh của Ngài nữa (số 23-24). Đức Kitô cần phải qua núi Calvariô để vào vinh quang thiên quốc.Trước đây, đời tu trì quen được ví với việc khắc kỷ tu thân, vác thập giá để đi theo Chúa. Nhưng đó mới chỉ là cái nhìn của truyền thống Latinh; còn truyền thống Đông phương thì muốn nêu bật sự biến dạng đổi hình từ con người phàm tục sang con người thần thiêng khi đi theo Chúa. Đức Gioan Phaolô II đã kết hợp cả hai cái nhìn về đời tu trong quang cảnh Chúa Biến hình: chủ đề thập giá và vinh quang gắn liền với nhau trong mầu nhiệm vượt qua của Đức Kitô. Đức Thánh Cha còn gọi đời Thánh hiến là một Đoàn Sủng đặc biệt trong Giáo hội,phát xuất và duy trì bởi Chúa Thánh Thần.Tu sĩ là món quà Chúa Thánh Thần ban cho Giáo hội và là một kho báu mà Giáo hội trân trọng giữ gìn.
Người sống đời tận hiến cũng như người tín hữu, muốn được “biến hình” trong đời sống cũng như muốn được trở nên “con yêu dấu” của Thiên Chúa cần phải “vâng nghe lời Người”.
Cả ba Phúc âm đều tường trình tiếng nói từ trời cao. Lời Chúa Cha như giới thiệu, chuẩn nhận Chúa Con và là lệnh truyền cho chúng ta. “Đây là Con yêu dấu của Ta, Ta hài lòng về Người. Các ngươi hãy vâng nghe lời Người” (Mt 17,5); “Đây là Con yêu dấu của Ta. Ta hài lòng về Người. Các ngươi hãy vâng nghe lời Người” (Mc 9,6); “Đây là Con Ta, Người đã được Ta tuyển chọn, hãy vâng nghe lời Người” (Lc 9,35).
“Các ngươi hãy vâng nghe lời Người”. Đó là lệnh truyền của Chúa Cha, là điệp khúc kết luận của tiếng nói từ trời cao. Điệp khúc quan trọng vì cả ba Phúc âm đều nói đến. Lời của Chúa Kitô chính là chuẩn mực, là lề luật tuyệt đối mang lại ơn cứu độ cho nhân loại. Lời của Chúa Kitô là Lời Giao Ước vĩnh cửu cho con người được tham dự vào sự sống thần linh của Thiên Chúa Ba Ngôi.
“Các ngươi hãy vâng nghe lời Người”, một phán quyết long trọng và công khai của Chúa Cha. Từ nay, vâng nghe Lời Chúa Kitô, chúng ta sẽ được biến hình với Chúa Kitô, cùng được hưởng vinh quang Phục sinh với Chúa Kitô.
Chúa Kitô biến hình một khoảnh khắc thoáng qua. Cuộc biến hình trọn vẹn qua mầu nhiệm Phục sinh, đây là cuộc biến hình ngàn thu. Cuộc biến hình này là căn tính niềm tin của những người theo Chúa. Hãy để hồng ân của Chúa chiếu rực trong cuộc đời của chúng ta ngỏ hầu nhân loại thấy chúng ta biến hình, nghĩa là có thể thấy Chúa Kitô nơi khuôn mặt và đời sống chúng ta.


SUY NIỆM 4: Đức Giêsu – Con đường cứu độ duy nhất
(Suy niệm của Lm. Bùi Quang Tuấn)

“Ngước mắt lên, các ông thấy chẳng còn ai, trừ ai một mình Chúa Giêsu” (Mt 17:8).
Trong cuốn sách tựa đề “Gương Hiếu Thảo”, tác giả Phan Như Huyên có thuật lại gương chí hiếu của Công Chúa An Thường như sau: An Thường là con gái thứ tư của vua Minh Mạng. Nàng rất thông minh và thảo hiếu. Năm lên 9 tuổi, mẹ của công chúa bị bịnh. Lúc đó vào dịp lễ Vạn Thọ, các hoàng tử công chúa đều được triệu vào cung để chúc tuổi vua cha. Nhà vua cho các hoàng tử được ăn thịt dê. An Thường chỉ ngậm thịt trong miệng chứ không nuốt. Vua thấy lạ mới hỏi nguyên do, cô trả lời: “Con nghe nói thịt dê bổ lắm, nên con ngậm về cho mẹ đang bị bịnh ăn cho mau khỏe”. Nghe vậy, vua cảm động quá, mới truyền đem khay lấy thêm thịt để An Thường đưa về cho Mẹ. Đến khi Vua Minh Mạng chết, nàng để tang ba năm, sống bên lăng cha cho trọn đạo hiếu.
Khi đề cập đến đạo hiếu trong văn hoá Việt Nam, Đức TGM Stephanô Nguyễn Như Thể của TGP Huế tại Thượng Hội Đồng Giám Mục Á Châu, đã phát biểu: Người Việt Nam chịu ảnh hưởng sâu đậm của Khổng giáo, Lão giáo, Phật giáo. Cả ba tôn giáo đó đều cho lòng hiếu thảo là nhân đức căn bản của gia đình và xã hội. Việc sốt sắng tôn kính và phục vụ cha mẹ khi còn sống cũng như lúc qua đời là một bổn phận ưu tiên. Luân lý và văn minh đều tùy thuộc vào bổn phận này.
Có lẽ trong những quốc gia mà đạo hiếu bám rễ sâu vào lòng người như Việt Nam, Trung Quốc, Thái Lan, Ấn Độ…, nơi mà “tứ đại đồng đường”, ba bốn đời vẫn ở chung nhau dưới một mái nhà, thì việc rao giảng hay đón nhận Kitô giáo sẽ không phải là một chuyện dễ dàng. Tại sao thế?
Lý do là vì nhiều người cảm thấy băn khoăn muốn phải kháng khi nghe Đức Giêsu nói: “Ai đến với Ta mà không bỏ cha mẹ, vợ con, anh chị em và cả mạng sống mình thì không thể làm môn đệ của Ta” (Lc 14:26).
Vấn đề được đặt ra là: “Trên thế gian này có gì cao đẹp cho bằng tình cảm cha mẹ con cái, vợ chồng, anh em, và có gì quí giá cho bằng sự sống, ấy thế mà Đức Giêsu nào đó lại bảo người ta phải hy sinh từ bỏ để có thế gắn bó với Ngài. Thử hỏi Đức Giêsu là ai mà đòi hỏi người ta một việc làm quá đáng như vậy? Phải chăng Đức Giêsu đang dạy con người sống bất hiếu?”
Điều cần xác minh trước hết, ấy là Chúa Giêsu không hề dạy người ta bất hiếu hay bất nghĩa. Ngài đã từng nhắc đi nhắc lại điều răn thứ 4 là giới răn dạy người ta thảo kính với mẹ cha. Khi một chàng thanh niên đến hỏi Chúa Giêsu làm thế nào để được hạnh phúc đời đời, câu trả lời của Ngài đã có phần: “ngươi phải thảo kính cha mẹ”. Ngay khi trên thập giá, trước lúc tắt hơi, Ngài vẫn quan tâm đến Mẹ Maria và lo liệu để Gioan đón Mẹ về nhà chăm nom. Thế nên không thể nào nói Chúa Giêsu bất hiếu hay dạy người ta sống bất hiếu được.
Vậy thì làm sao để lý giải được câu nói trên đây của Chúa Giêsu?
Thật ra có gì khó hiểu đâu nếu như có những con người đã vì một đất nước trần thế, một đất nước nay còn mai mất, nay vào tay chế độ này mai vào tay chế độ khác, mà họ còn dám dấn thân và hy sinh cha mẹ anh em cùng sự sống, thì với một đất nước vĩnh hằng, một đất nước được thống trị bởi Đức Giêsu, vua tình yêu và chân lý, thì có gì là khó hiểu khi có những con người dám liều bỏ hết tất cả để đi theo vị vua đó và xây dựng đất nước đó.
Mấy ai lại không biết một Thomas More dám bỏ vua Henry VIII, chấp nhận xa vợ con, và cuối cùng là mất mạng sống để bênh vực cho chân lý trung tín yêu thương, một vợ một chồng, mà Vua Giêsu đã truyền dạy.
Mấy ai lại không biết một Giêrađô Majella trốn nhà ra đi sau khi ghi vội cho mẹ mấy lời: “Mẹ ở nhà con đi làm thánh”. Hay một Charles Cornay đã can đảm bước qua mình song thân, lên đường đi rao truyền chân lý Nước Trời cho Việt Nam, chấp nhận biết bao khốn khó nghèo khổ, và rồi cuối cùng chấp nhận cái chết lăng trì vì con người có tên Giêsu.
Nhưng không phải là ai cũng hiểu rõ được bản chất thực sự của Đức Giêsu để dám bước theo Ngài cách can đảm và quyết liệt. Lắm khi người ta lại cho Ngài chỉ giống như một hiền triết, hay một vĩ nhân, hoặc một nhà sáng lập tôn giáo nào đó. Nhưng một hiền triết, một vĩ nhân, hay một người sáng lập tôn giáo như Đức Khổng, hay Đức Lão, hoặc Đức Phật, thì cũng chỉ là những con người nói về yêu thương và dạy về chân lý, khuyên bảo chúng sinh làm lành lánh dữ, chứ các ngài không là yêu thương, hay là chân lý. Nhưng Đức Giêsu thì trái lại, Ngài là yêu thương, là Đường, là Sự Thật, và là Sự Sống. Quan trọng là chỗ đó! (ĐC Fulton J. Sheen).
Thế thì, một khi nhận thức và xác tín Đức Giêsu chính là chân lý soi sáng đường đi cho con người, là tình yêu đưa đến một sự sống phong phú tràn đầy, thì việc bước theo Ngài, làm môn đệ của Ngài sẽ là bước đi tất yếu cho những ai muốn sống sự thật, muốn sống yêu thương, và muốn trở nên con người toàn vẹn. Ngoài Đức Giêsu Kitô, sẽ không còn ai có thể lấp đầy khát vọng đó.
“Ngước mắt lên, các ông thấy chẳng còn ai, chỉ trừ một mình Chúa Giêsu”. Hai nhà đại tiên tri và lãnh đạo tôn giáo là Êlia và Môisen biến mất. “Chỉ còn một mình Chúa Giêsu”. Theo nhận định của một nhà chú giải: rồi đây “mọi chủ thuyết triết học, mọi ý thức hệ vang bóng một thời rồi cũng sẽ bị lãng quên”. Các tinh hoa của mọi nẻo đường cũng chỉ qui về một mối trong Đức Giêsu, Đấng là Đường duy nhất dẫn đến Chân Thiện Mỹ của muôn vật muôn loài.
Thật chí lý thay niềm xác tín của Giáo hội: “Không có ơn Cứu Độ ngoài Đức Giêsu”.

Tác giả: Truc Ho Si

  Ý kiến bạn đọc

Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây