Một vị diễn giả nọ giơ lên miếng vải trắng, và hỏi các thính giả về chiếc khăn. Cả mười người được hỏi đều trả lời cùng một đáp án: Có một chấm mực đen trên tấm vải.
Vị diễn giả vẫn tiếp tục hỏi, nhưng không ai khám phá ra thêm được điều gì mới mẻ. Cuối cùng, vị diễn giả kết luận: Thưa quý vị, tôi trình cho quý vị cả một vải lớn như thế mà chẳng ai trong quý vị nhận ra, thế mà chấm mực bé tí xíu lại bị phát hiện ngay tức thì. Qua bài kiểm tra nhỏ này, tôi xin mạo muội kết luận là quý vị thuộc lớp người bi quan!
Cả khán phòng yên ắng! Có lẽ mọi người ngỡ ngàng trước sự thật mà không mấy ai nhận biết được này.
Bạn lạc quan hay bi quan?
Thông thường, trước mỗi sự kiện, con người luôn có những phản ứng và những phản ứng này không luôn như nhau. Ta có thể dùng hình ảnh của một nửa ly nước để minh họa. Đứng trước một nửa ly nước, có những người cảm thấy buồn, không hài lòng, lo lắng vì nước chỉ còn có nửa ly. Nhưng có những người thấy vui quá vì còn tới nửa ly nước! Cớ sao cùng là nửa ly nước mà để lại hai tâm trạng khác nhau?
Sâu bên trong của mỗi phản ứng này chứa đựng những nếp suy nghĩ khác nhau, hay nói đúng hơn, mỗi người được lập trình do những cung cách giáo dục khác nhau. Có những người lại luôn lo lắng, luôn rầu rĩ vì chỉ thấy toàn những tiêu cực, hoặc ngay khi đang thưởng thức sự vui mừng thì họ lại vội buồn vì nghĩ rằng sẽ hết. Ngược lại, có những người được huấn luyện để luôn sống vui và khám phá ra những nét tích cực, họ thấy những điều tươi đẹp ngay cả trong tối tăm của cuộc sống.
Bi quan hay lạc quan, những tâm trạng này có tác dụng điều hướng trên lối ứng xử và hiệu quả hoạt động của con người. Theo những nhà tâm lý, những người bi quan thường là người thiếu tự tin, thiếu niềm tin vào hiện tại và tương lai. Mọi sự đều được nhìn qua lăng kính tiêu cực, khiến họ trở nên ủ rũ, mất hết nhuệ khí, không có một sáng kiến nào ngoài việc than vãn, bảo vệ, và lo lắng. Trong khi những người lạc quan lại như mang trong mình một “động cơ” giúp tăng thêm nghị lực, có khả năng nhìn ra những cơ may trong những lúc khó khăn. Tâm trạng vui tươi của người lạc quan đặt nền trên niềm tin vào bản thân, vào người khác, vào tương lai, đặc biệt niềm tin đó được song hành bởi niềm hy vọng. Chính niềm tin và hy vọng làm cho người lạc quan có những sáng kiến bất ngờ, họ khám phá ra những con đường hẹp ẩn sau tấm bình phong của khó khăn và bế tắc. Họ có thể vừa đi vừa hát.
Qua một chút phân tích, chắc chắn không ai trong chúng ta lại chọn cho mình trở thành người bi quan, nhưng trở thành người lạc quan. Tuy nhiên, như đã nói: phần đa chúng ta mang tâm trạng bi quan. Như thế, lạc quan là một nhân đức cần được luyện tập.
Làm thế nào để lạc quan vui sống?
Không có con đường ngắn. Có một người trẻ hỏi một ẩn sĩ thánh thiện: “Xin làm ơn chỉ cho tôi con đường nhanh nhất để đến với Chúa”. Vị ẩn sĩ già cười trả lời: “Hãy ăn một trong những cây nấm này!” Chàng thanh niên ngạc nhiên nói: “Nhưng đây là nấm độc mà, thưa thầy!”. Vị ẩn sĩ nói: “Đúng thế!”. Câu chuyện này đơn giản cho bạn thấy rằng, không có con đường tắt để đắc thủ được sự lạc quan, nhưng đó là con đường dài của luyện tập kiên trì và tỉnh thức.
Tin vào tình yêu nơi con người và trong cuộc sống
Cuộc sống là một quà tặng. Xác quyết này cần được ý thức cách mạnh mẽ. Bởi quả thật sự, cuộc sống của chúng ta là quà tặng yêu thương mà Thiên Chúa ban tặng, và không chi có sự sống, mà trong suốt hành trình dài của đời người, ta đã nhận biết bao quà tặng dưới nhiều hình thức khác nhau. Người sống thái độ bi quan thì dù đời ban tặng nhiều sự, họ cũng chẳng nhận ra và cũng không hạnh phúc, trong khi người lạc quan nhìn thấy đâu đâu cũng là tình thương mến và quà tặng dành cho họ. Để có thể sống niềm tin vào tình thương, chúng ta được mời gọi không bao giờ than vãn.
Nhưng than vãn hầu như đã trở thành cố tật của con người, nên bạn lưu ý trong lối phát biểu của mình. Nội dung ta nói ra giờ đây phải tích cực, không bao giờ ca thán hay đổ lỗi. Nếu không nói được điều hay, điều tích cực thì thà không nói. Đừng để người khác ấn tượng về bạn là một “mỏ than nhiều tiềm năng!”
Tin vào bản thân. Biết mình là độc nhất vô nhị, biết mình là quà tặng yêu thương được Tạo Hóa ban cho thế giới là tư tưởng chống đỡ quan trọng, để bạn trân trọng những gì mình có. Trong giáo dục, phụ huynh nên tạo cho trẻ thái độ tự tin bằng những lời khen ngợi đúng lúc, đúng mức và khích lệ thường xuyên. “Cố lên” đã một thời trở thành khẩu hiệu thời thượng mà các nhà giáo dục hay dùng để động viên trẻ. Có lẽ khó ai quên được hình ảnh của nhân vật Osin trong bộ phim Nhật hay tự động viên mình mỗi lúc đứng trước khó khăn: “Cố lên!”.
Tin vào ngày mai trời lại sáng. Người lạc quan có khả năng nhìn thấy mặt trời ngay trong mưa bão. Họ đối diện với khổ đau buồn bã trong niềm hy vọng vì tin buồn chỉ là khách trọ, còn vui mới là người nhà. William Arthur Ward nói: “Người lạc quan làm giàu hiện tại, gia cố tương lai, thách thức điều không chắc chắn và vươn tới điều không thể”. Trong ứng xử, thái độ lạc quan của cha mẹ trong lối nhìn nhận vấn đề và đánh giá sự kiện rất quan trọng để củng cố niềm tin của trẻ về một tương lai rạng sáng.
Chuyên gia khám phá điều tích cực
Nhìn ra điều hay chung quanh cuộc sống, khám phá mặt tích cực của người khác. Tâm tình này chỉ có được nơi con người rất tự tin về bản thân và cuộc sống. Thường người ta có cảm giác thành công của người khác tố cáo sự thất bại của bản thân mình, nên hay có thái độ gièm pha, loại trừ. Họ không có khả năng “ vui với người vui!”. Trường hợp này, nhà giáo dục hãy tập cho trẻ thói quen khám phá ra thành công, cái hay của người khác và chia vui. Chẳng hạn, chuẩn bị quà và giúp con mừng sinh nhật của bạn, gọi điện chúc mừng hay tặng quà cho người bạn thân của con trong những dịp bạn đạt kết quả tốt, hay có chuyện vui. Dạy trẻ biết khen ngợi hơn là chê trách người khác.
Biết hài hước, nhưng không lạc quan thái quá. Thái độ tích cực, sống tốt luôn là điều đáng khích lệ, tuy nhiên trong thực tế có những trường hợp sai lệch, đó là sự thái quá trong lạc quan. Quả thực, lạc quan không có nghĩa là không biết đến những khiếm khuyết hay khó khăn, ngược lại, ta phải nhận diện vấn đề rất rõ như Dutour nói: “Lạc quan thật sự không có nghĩa là tin rằng mọi sự sẽ tốt đẹp, mà tin rằng không phải mọi việc rồi sẽ tồi tệ”. Sự thái quá xảy ra khi ta tin cách ngây ngô vào sự việc hay dùng suy nghĩ này để ngụy biện cho những điều xấu xa đang diễn ra, khiến ta biến mình thành kẻ u mê, thiếu thực tế, chủ quan.
Nuôi dưỡng tâm hồn lớn – ước mơ lớn
Một người nọ tìm kiếm sự khôn ngoan đã quyết định leo lên một ngọn núi, nơi mà cứ hai năm Thiên Chúa xuất hiện một lần. Năm đầu tiên, ông ăn tất cả những gì mà đất đai cống hiến. Nhưng sau đó, do không còn gì ăn nên ông bắt buộc phải trở về thành phố. Ông thốt lên: “Thiên Chúa thật bất công! Ngài không nhận ra tôi đã ở đây suốt năm để lắng nghe tiếng của Ngài. Giờ đây, tôi phải trở về mà không được nghe thấy tiếng Ngài”. Ngay lúc ấy một thiên thần xuất hiện, ngài nói: “Thiên Chúa rất muốn nói chuyện với ông. Ngài đã nuôi dưỡng ông suốt năm. Ngài hy vọng rằng ông sẽ dự phòng về những thứ cần thiết cho năm kế tiếp. Nhưng cả năm qua ông đã trồng tỉa thứ gì?”.
Không trồng tỉa thứ gì! Đó là thái độ thụ động của người bi quan. Martin Luther nói: “Cho dù tôi biết ngày mai thế giới này sẽ tan thành mảnh vụn, tôi vẫn sẽ trồng cây táo của mình”. Hãy trồng cây táo của bạn bằng việc luôn nhìn thấy những cơ hội, những khả thể thành công, nhất là biết ươm mơ – những giấc mơ lớn và cao đẹp.
Một lý do khiến bạn nên lạc quan đó là “bạn có thể đếm được số hạt táo trong một trái táo, nhưng bạn không thể đếm những trái sẽ sinh ra từ những hạt đó”. Trong khi nhân loại đang ‘vừa đi vừa khóc’, bạn chạy vừa hát với niềm tin vào cái đẹp và niềm hy vọng vào sự tất thắng của sự thiện. May mắn chỉ đợi chờ những ai dám lạc quan tin rằng “có một ngày thế giới đẹp”, để cho cố trồng lên cây táo của mình, để vừa chạy vừa hát giữa những quay cuồng của nhân loại.
“Đừng đếm những gì bạn đã mất, hãy quý trọng những gì bạn đang có và lên kế hoạch cho những gì sẽ đạt được bởi quá khứ không bao giờ trở lại, nhưng tương lai có thể bù đắp cho mất mát”. (Khuyết danh)
Ngọc Yến, FMA
Nguồn tin: donboscoviet.info
Ý kiến bạn đọc
Những tin mới hơn
Những tin cũ hơn