Lễ thánh Stêphanô tử đạo - ngày 26 tháng 12
Chủ nhật - 25/12/2022 19:23
Tin Mừng: Mt 10,17-22
"Hãy coi chừng người đời. Họ sẽ nộp anh em cho các hội đồng, và sẽ đánh đập anh em trong các hội đường của họ. Và anh em sẽ bị điệu ra trước mặt vua chúa quan quyền vì Thầy để làm chứng cho họ và các dân ngoại được biết. Khi người ta nộp anh em, thì anh em đừng lo phải nói làm sao hay phải nói gì, vì trong giờ đó, Thiên Chúa sẽ cho anh em biết phải nói gì: thật vậy, không phải chính anh em nói, mà là Thần Khí của Cha anh em nói trong anh em.
"Anh sẽ nộp em, em sẽ nộp anh cho người ta giết; cha sẽ nộp con, con cái sẽ đứng lên chống lại cha mẹ và làm cho cha mẹ phải chết. Vì danh Thầy, anh em sẽ bị mọi người thù ghét. Nhưng kẻ nào bền chí đến cùng, kẻ ấy sẽ được cứu thoát.
MỤC LỤC CÁC BÀI SUY NIỆM
Suy niệm 1: Nhóm Bạn Đường Linh Thao biên dịch
Suy niệm 2 - Lm. Augustinô
Suy niệm 3 - Lm. Phêrô Nguyễn Thiên Cung
Suy niệm 4: Tác tạo bình an bằng lòng tha thứ - Lm. Giuse Nguyễn Trọng Sơn
Suy niệm 1: Nhóm Bạn Đường Linh Thao biên dịch
Nguồn:
https://livingspace.sacredspace.ie/c1226g/
https://mycatholic.life/books/catholic-daily-reflections-series/advent-and-christmas-reflections/christmas-octave/
Hôm qua, Giáo hội hân hoan kỷ niệm biến cố Giáng sinh của Đấng cứu độ nhân loại. Hôm nay chúng ta mừng kính vị thánh tử đạo đầu tiên đó là Stêphanô. Hôm qua, cả thế giới đổ dồn tâm trí về hình ảnh của một hài nhi nghèo nàn nhưng tuyệt đẹp nằm trong máng cỏ. Thì hôm nay chúng ta được chiêm ngưỡng tấm gương dám hy sinh đổ máu cho niềm tin mãnh liệt vào Đấng “hài nhi” đó của thánh Stêphanô.
Một vài trong số chúng ta có thể sẽ thấy hơi kì lạ khi Giáo Hội lại cho chúng ta nghe đoạn Tin Mừng về những điều đầy đau khổ, gian nan và có vẻ thê lương khi mừng kính tấm gương tử đạo của thánh Stêphanô đang trong không khí hân hoan vui mừng của ngày Con Thiên Chúa giáng trần này. Nếu nghĩ như thế, nghĩa là chúng ta chưa thực sự hiểu được ý nghĩa và mục đích của việc Chúa Giêsu xuống thế làm người. Chúng ta có xu hướng vẽ nên khung cảnh Giáng Sinh với những điều đẹp đẽ, lãng mạn. Thế nhưng, sự thật là chẳng có gì lãng mạn, đẹp đẽ trong khung cảnh giáng sinh khi ấy của Con Thiên Chúa cả: xa quê hương, bị khước từ, sinh ra giữa trời đêm lạnh lẽo nơi hang lừa hôi hám, khách viếng thăm cũng chỉ toàn những người nghèo hèn bên lề xã hội và một nhóm đạo sĩ bí ẩn đến từ vùng “dân ngoại” nào đó. Tương lai chờ đợi phía trước của Hài Nhi là một cuộc sống phục vụ hết mình, kết thúc bằng hy sinh trả giá chính sinh mạng trong nhục nhã ê chề, hòng cho chúng ta được tự do và chia sẻ sự sống với Ngài. Giáng Sinh chính là khởi đầu của tất cả những điều này, những lời Ngài tiên đoán dành cho những kẻ muốn theo Ngài, và thánh Stêphanô là biểu trưng tương ứng của điều đó. Tấm gương tử đạo của thánh nhân nhắc cho chúng ta nhớ rằng chúng ta phải luôn sẵn sàng trong tâm thế dâng Chúa tất cả mọi thứ. Nghĩa là chúng ta phải đặt lại các mối ưu tiên trong cuộc sống của mình mà chọn Chúa trên tất cả mọi sự, bao gồm cả chính mạng sống mình.
Hôm nay, chúng ta hãy ngẫm nghĩ về những đòi hỏi ẩn chứa trong sự giáng trần của Hài Nhi Giêsu, Đấng cứu độ thế giới. Trong bối cảnh trần tục, những đòi hỏi này có vẻ quá đáng. Thế nhưng trong viễn cảnh của đức tin, chúng ta nhận ra rằng Con Chúa giáng sinh làm người là một cơ hội vô cùng quý giá để cho chúng ta được dự phần vào sự sống mới của Ngài, và chẳng điều gì ở trần gian này có thể sánh nổi. Chính nhờ vào đức tin như vậy mà Đức Maria, thánh Giuse và thánh Stêphanô đã chẳng ngần ngại từ bỏ tất cả để xin vâng theo kế hoạch cứu độ của Thiên Chúa. Và chúng ta cũng được mời gọi để làm theo như thế. Đó có thể là một sự từ bỏ quá khó khăn, nhưng hy sinh đó là đáng giá!
Lạy Chúa Giê-su, trong bầu khí hân hoan vui mừng của mầu nhiệm Giáng Sinh, xin giúp con nhận biết một cách rõ ràng hơn nữa lời mời gọi của Chúa để con dám dâng hiến hoàn toàn con người của con cho vinh quang thánh ý của Chúa. Ước gì con có thể hiểu và thấu cảm được mầu nhiệm giáng sinh làm người của Chúa, nhờ đó con được tái sinh vào một sự sống mới, một sự sống của tự nguyện hiến dâng và trao ban. Ước chi con có thể bắt chước tình yêu mà thánh Stêphanô đã dành cho Chúa và sống với tình yêu đó trong cả cuộc đời con. Amen.
MỤC LỤC CÁC BÀI SUY NIỆM
Suy niệm 2 - Lm. Augustinô
Hôm qua, trong lời tự ngôn của thánh Gioan Tông Đồ, chúng ta đã được nghe rằng: Ngôi Lời đã đến nhà của Người, nhưng các gia nhân của Người đã không nhận ra Người. Những ai tiếp nhận Người thì Người ban cho họ quyền làm con Thiên Chúa. Người là Ánh Sáng Thật, ánh sáng chiếu soi mọi người trong bóng tối và bóng tối đã không diệt được sự sáng. Hành trình giải cứu thế khỏi bóng tối sự chết và đưa con người thành con Thiên Chúa của Ngôi Lời như thế không dễ dàng. Ngôi Lời và những ai đón nhận Người sẽ phải đối diện với những khước từ chống đối từ các thế lực của bóng tối.
Thánh Matthew trong trình thuật thời thơ ấu cho thấy: trong khi các nhà chiêm tinh từ Phương Đông theo ánh sao lạ đến với vua người Do Thái mới sinh; các mục đồng cũng theo lời loan báo của các thiên sứ lên đường đến với Đấng Ki-tô Đức Chúa theo các dấu chỉ được cho biết; thì Hê-rô-đê và cả Giê-ru-sa-lem bối rối. Các nhà nghiên cứu Kinh Thánh Do Thái ở Giê-ru-sa-lem trong khi biết rõ vua người Do Thái phải sinh ra ở đâu, nhưng lại không dám lên đường. Hê-rô-đê còn định dùng chính những nhà chiêm tinh để thực hiện kế hoạch triệt tiêu đối thủ tiềm năng. Thất bại trong kế hoạch, ông công khai ra lênh giết tất cả các trẻ sơ sinh từ hai tuổi trở xuống để hòng loại trừ vua dân Do Thái. Thánh Matthew cũng cho thấy phận kiếp long đong của thánh gia Nagiaret để bảo vệ trẻ sơ sinh Giê-su Thánh Luca cũng ghi lại những lời ngôn sứ của cụ già Simeon khi bồng ẵm Hài Nhi Giê-su trên tay “Thiên Chúa đã đặt cháu bé này làm duyên cớ cho nhiều người Israel ngã xuống hay đứng lên. Cháu còn là dấu hiệu cho người ta chống báng; và như vậy những ý nghĩ từ thâm tâm nhiều người sẽ được lộ ra. Còn chính bà một lưỡi gươm sẽ đâm thấu tâm hồn bà.” (Lc 2, 34 – 35). Đối diện với Chúa Giê-su, con người chỉ có thể chọn hoặc theo hoặc chống đối; hoặc được sống hoặc phải chết; được cứu hay bị hủy diệt. Chúa Giê-su trong thời công khai rao giảng đã trải nghiệm những lời ngôn sứ này. Người cũng báo trước cho những ai bước theo Người cũng phải chịu chung sự chống đối như Người “Thầy mà họ còn đối xử tệ bạc huống hồ chi là trò.” Trang Tin Mừng theo thánh Matthew vừa nghe ghi lại lời cảnh báo của Chúa Giê-su: vì danh Thầy. anh em sẽ bị điệu đến trước Chúa Chúa quan quyền...vì danh Thầy, anh em sẽ bị mọi người ghen ghét. Không chỉ là người xa lạ bên ngoài mà có khi là người thân yêu trong cùng một gia đình. Sách Công Vụ Tông Đồ cho thấy phần nào những khó khăn, chống đối mà Hội Thánh buổi đầu phải chịu. Bài đọc thứ nhất ghi lại cái chết của thánh Stephano, vị tử đạo đầu tiên trong Hội Thánh
Anh chị em thân mến! đặt lễ thánh Stephano ngay sau lễ Chúa Giáng sinh không đơn thuần vì thánh nhân là vì tử đạo đầu tiên; cũng không chỉ vì muốn cho thấy, những gian nan bách hại mà người môn đệ Chúa Giê-su phải chịu mà còn là, đây là điều quan trọng, chỉ ra cách đón nhận và sống tin vui giáng sinh cách tốt nhất: NÊN ĐỒNG DẠNG VỚI CHÚA KI-TÔ TRONG LỜI RAO GIẢNG, CUỘC SỐNG VÀ CÁI CHẾT CỦA NGƯỜI. Hai chi tiết nổi bật trong trình thuật khổ nạn của thánh Stephano gợi lên cái chết của CGS chính là: lời cầu nguyện tín thác vào Chúa Giê-su và lời xin tha thứ cho những kẻ giết hại mình
Lạy Chúa Giê-su Hài Đồng! Tin vui Giáng Sinh sẽ chẳng tồn tại cho đến hôm nay nếu Chúa đã không biến cuộc sống, cái chết và sựu phục sinh của Chúa thành Tin Mừng cứu độ và giải thoát. Cũng thế, tin vui giáng sinh chỉ có giá trị với chúng con khi chính chúng con cũng biến cuộc sống của chúng con thành Tin Mừng hạnh phúc, bình an và niềm vui cho những người thân yêu trong gia đình, họ hàng, lối xóm của chúng con và tất cả những người chúng con gặp gỡ trong đời. Xin giúp chúng con nhớ rằng Tin Mừng Giáng Sinh không chỉ đến, ở lại, chiêm ngắm Chúa sinh ra đời mà phải ra đi, lên đường cùng với Chúa đến với mọi người, nhất là những người còn đang sống trong bóng tối tội lỗi để họ cùng được hưởng ánh sáng của Chúa như chúng con. Amen
MỤC LỤC CÁC BÀI SUY NIỆM
Suy niệm 3 - Lm. Phêrô Nguyễn Thiên Cung
1- Sứ điệp nguyên thủy :
(1) Khi mời gọi “đọc” Cv 6, 8-10; 7, 54-60 qua lăng kính Mt 10, 17-22, Phụng vụ Lời Chúa hôm nay cho thấy những “hoa trái đầu mùa” của Biến cố Giáng sinh của Đức Giêsu-Kitô, Con và là Ngôi Lời Thiên Chúa làm người, đặc biệt, ân sủng được trở nên giống như Đức Giêsu-Kitô, Hình Ảnh hữu hình của Thiên Chúa-Tình Yêu, tức là yêu đến độ thí cả mạng sống mình vì người mình yêu, như được phản ảnh, trước tiên, trong Cv 6, 8-10; 7, 54-60: ở đây, cho thấy Têphanô đã trở nên giống như Thầy mình trong tình yêu, lúc sống cũng như lúc chết [“Họ ném đá ông Têphanô, đang lúc ông cầu xin rằng : ‘Lạy Chúa Giêsu, xin nhận lấy hồn con.’ Rồi ông quỳ gối xuống, kêu lớn tiếng : ‘Lạy Chúa, xin đừng chấp họ tội nầy.’ Nói thế rồi, ông an nghỉ.” (Cv 7, 59-60; đối chiếu với Lc 23, 46 và 34)]…
(2) Thứ đến, trong Mt 10, 17-22 : ở đây, cho thấy tất cả những ai vì Đức Giêsu-Kitô [“vì Thầy’ (10, 18)] mà bị bắt bớ, tra khảo, tù đày, đều trở nên con Thiên Chúa trong Ngài, vì thế, luôn có sự hiện diện của Thiên Chúa-Ba Ngôi nơi mình, đặc biệt Thần Khí Sự Thật của Cha, nên không phải sợ gì ai và cái gì, khi phải bị điệu ra toà án thế gian…
2- Sứ điệp cho ngày hôm nay :
(1) Trở nên giống Đức Giêsu-Kitô là trở nên người, trở nên Con Người…
(2) Điều làm nên căn tính con người là tình yêu vị tha…
MỤC LỤC CÁC BÀI SUY NIỆM
Suy niệm 4: Tác tạo bình an bằng lòng tha thứ - Lm. Giuse Nguyễn Trọng Sơn
Lễ thánh Stêphanô tử đạo được đặt ngay sau lễ Giáng Sinh, trong tuần bát nhật. Sau thê thảm vậy?! Niềm vui Giáng Sinh mới hé mở thì đã có đổ máu! Nhưng đó là lời ông cụ Simêon đã nói trước với Đức Maria:
“Thiên Chúa đã đặt cháu bé này làm duyên cớ cho nhiều người Israel ngã xuống hay đứng lên. Cháu còn là dấu hiệu cho người đời chống báng; và như vậy, những ý nghĩ từ thâm tâm nhiều người sẽ lộ ra.” (Lc 2,34-35)
Chúa Giêsu tiên báo chính Người trở thành cái cớ cho những tố cáo nhau ngay trong gia đình ruột thịt! Thật là thê thảm! Các kitô hữu gây nên những chia rẽ ấy chăng? Không phải, những người chung quanh thù ghét các kitô hữu nên gây ra những cuộc tàn sát, loại trừ nhau như thế! Đứng trước Chúa Giêsu, có những người đã “đứng lên”, nhưng cũng có những người “ngã quỵ”. Những người “ngã quỵ” vì không “mang nổi” giáo huấn của Chúa Giêsu, lại trở thành người quật ngã người chung quanh bằng cách bách hại, loại trừ họ!
Các kitô hữu được dạy bằng chính gương sống của Thầy Giêsu: tha thứ cho những người giết hại mình: “Lạy Cha, xin tha cho họ, vì họ không biết việc họ làm.” (Lc 22,34). Tác giả Luca lưu ý điều này, nên ông ghi lại trong sách Công Vụ về cuộc tử đạo của ông Stêphanô với những lời tương tự của ông này: “Lạy Chúa, xin đừng chấp họ tội này.” (Cv 7,60)
Các kitô hữu được dạy phải sống như Thầy Giêsu, phải trở nên người tác tạo hoà bình bằng sự tha thứ. Tại sao nói rằng sự tha thứ mang lại hoà bình? Bởi vì khi tha thứ thực tâm, tâm hồn người ta được bình an, và vì thế, họ trở thành người mang lại hoà bình, mang lại bình an cho người khác. Người ta tưởng rằng lời dạy hãy tha thứ cho kẻ thù là điều quá sức con người, nhưng thực ra không phải. Lòng tha thứ là điều căn bản cần có để người ta có thể sống sự bình an nơi chính cuộc đời mình, và từ đó mới có thể mang lại bình an cho môi trường sống của mình. Không có sự tha thứ thật lòng, cuộc sống người ta bất an và do đó cũng gây bất an cho những người chung quanh. Và điều này trở lại phá huỷ cuộc sống của chính người ấy. Hãy tha thứ để trở nên người tác tạo sự bình an cho môi trường, cho gia đình, cho cộng đoàn của mình.
MỤC LỤC CÁC BÀI SUY NIỆM