Lễ đêm Giáng Sinh - 24.12

Thứ sáu - 23/12/2022 19:33
ngay chua jesus ra doi 9983


Lời Chúa: Is 9, 2-4. 6-7; Tt 2, 11-14; Lc 2, 1-14.

MỤC LỤC CÁC BÀI SUY NIỆM

Suy niệm 1 - Lm. Augustinô
Suy niệm 2: Một Hài Nhi đã sinh ra cho chúng ta - Lm. Giacôbê Tạ Chúc
Suy niệm 3: Nhận ra nơi Chúa Giêsu sinh ra - Lm. Phêrô Nguyễn Trọng Chức
Suy niệm 4: Máng cỏ - Lm. Giuse Nguyễn Hữu An




Suy niệm 1 - Lm. Augustinô

Anh chị em thân mến! Trong bài suy niệm đêm nay, tôi muốn cùng anh chị em đọc, suy niệm để trải nghiệm Tin Mừng giáng sinh mà các thiên sứ loan báo cho các mục đồng: NÀY TÔI LOAN BÁO CHO ANH EM MỘT TIN MỪNG TRONG ĐẠI, CŨNG SẼ LÀ NIỀM VUI CHO TOÀN DÂN, HÔM NAY MỘT ĐẤNG CỨU ĐỘ ĐÃ SINH RA CHO ANH EM TRONG THÀNH VUA ĐA-VIT. NGƯỜI LÀ ĐỨC KI-TÔ, NGƯỜI LÀ ĐỨC CHUA. CHÚNG TA CÙNG DỪNG LẠI SUY NIỆM CHIÊM NGẮM NHỮNG LỜI NÀY, ĐẶC BIỆT NHỮNG CỤM TỪ: TIN MỪNG TRỌNG ĐẠI, HÔM NAY, ĐÁNG CỨU THẾ, ĐẤNG KI-TÔ ĐỨC CHÚA
Này tôi báo cho anh em một Tin Mừng trọng đại.
 Trong thế giới Kinh Thánh cũng trong các nền văn hóa xưa, khi một vị vua được sinh ra đời hay đăng quang – điều này được coi là một Tin Mừng vì vua được coi như con của Thần Linh. Từ ngữ Tin Mừng cũng được dùng để loan tin thắng trận hay một tin vui nào đó. Tuy nhiên, Tin Mừng giáng sinh được các thiên sứ loan báo cho các mục đồng là Tin Mừng khác xa và vượt hăn tất cả các Tin Mừng trước đây cũng như mãi về sau. Thánh Luca nhấn mạnh đây là một Tin Mừng có tầm mức trọng đại và được loan báo không chỉ cho các mục đồng những kẻ nghèo khó, bị loại ra bên lề xã hội, nhưng là cho toàn dân. Tin Mừng này không phải là một sứ điệp, một thực tại sẽ đến trong tương lại nhưng là tập trung vào một con người đã đến và mang theo niềm vui cứu thoát. Thánh Mac-cô khởi đầu đàu sách Tin Mừng của mình “Tin Mừng Chúa Giê-su Ki-tô Con Thiên Chúa.” Chúa Giê-su chính là Tin Mừng Cứu Độ
Hôm nay,
Từ hôm nay vừa mang ý nghĩa thời gian vừa mang ý nghĩa thần học ơn cứu độ
Ơn cứu độ trong Tin Mừng Luca, không chỉ mang tính tương lai mà còn có tính hiện tại. Ơn cứu độ là sự giải phóng con người khỏi những ràng buộc (bệnh hoạn tật nguyền, quỷ ám, những áp bức bất công, những cơ cấu xã hội và tôn giáo) khiến con người không được trải nghiệm cuộc sống như Thiên Chúa dự định cho họ.  Khi loan báo Tin Mừng về một vị vua mới sinh ra hay đăng quang, thường thì Tin Mừng này vẫn mang tính một hy vọng vào một tương lại tốt đẹp của vương quốc mà vị vua có thể mang lại. Tin Mừng giáng sinh không chỉ có chiều kích tương lại, một sứ điệp của hy vọng nhưng là một thực tại đang hiện diện mà Đấng Cứu Thế mang lại. Chúng ta có thể nhìn vào những gì Tin Mừng mang đến và đổi thay phận số các mục đồng như thế nào. Từ chỗ bị loại ra bên lề xã hội, thậm chí ngay cả đến “cuộc kiểm ta dân số” họ cũng chẳng được quan tâm hay chẳng có quê hương để mà về. Họ quanh quẩn với đàn chiên và sống trong bóng tối của sự tách biệt và xa lánh. Tin Mừng giáng sinh thực sự lôi họ ra khỏi bóng tối vào nơi đầy ánh sáng và tiếng hòa ca và đến gặp chính Đấng được loan báo. Họ giờ về trong hân hoan vui sương ngâng cao đầu ngợi khen Thiên Chúa. Họ sẽ còn được nhớ mãi bao lâu mầu nhiệm giáng sinh còn được cử hành trong thế giới này. Sau này, chính trong ngôi nhà của Gia-kêu, CGS cũng tuyên bố “hôm nay nhà này được ơn cứu độ.” Gia-kêu được cứu khỏi những ràng buộc của tiền bạc để tự do theo Chúa. Trên thánh giá Chúa cũng tuyên bố với người trộm lành “hôm nay, anh sẽ được ở trên thiên đàng với Tôi.”
  Trong ngôn ngữ của Luca, chữ “hôm nay” còn mang một ý nghĩa đặc biệt hơn. Trong Hội Đường Caphanaum, những người sau khi nghe Chúa đọc đoạn sách Isaia đã chờ đợi để được nghe những lời hay ý đẹp từ nơi Chúa, nhưng Chúa Giê-su chỉ ngắn gọn tuyên bố “Hôm nay, ứng nghiệm lời kinh thánh mà tai các ngươi vừa nghe.” Hôm nay vì thế là thời điểm viên mãn, là thời điểm chấm dứt những ngày tháng trông đợi và hy vọng vào lời Thiên Chúa ban cho nhân loại, cách đặc biệt qua các tổ phụ và ngôn sứ, một Đấng giải thoát Nhân Loại khỏi tội và dẫn đưa họ vào Đất Hứa muôn đời.
Một Đấng Cứu Thế đã sinh ra trong thành của Vua Đa-vit
Một trong những yếu tố quan trọng của ý niệm cứu độ rút ra từ biến cố xuất hành chính là Thiên Chúa hành động qua những tác nhân của Người. Người Do Thái vẫn dùng danh xưng đấng cứu thế để gọi những vị anh hùng có công đối với dân tộc quốc gia của họ, những người được Thiên Chúa tuyển chọn để cứu dân của Người khỏi những tình huống nguy khôn. Ví dụ như Mô-sê, người dẫn dân thoát ách nô lệ của người Ai-cập và suốt hành trình 40 năm trong sa mạc; hay như Giosuê, người kế vị Mô-sê dẫn dân tiến chiếm đất hứa; rồi các thủ lãnh trong thời kỳ đầu dân định cư trong Đất Hứa….Chắc chắn, Tước hiệu Đấng Cứu Thế được các thiên sứ loan báo không có cùng một ý nghĩa trên, nhưng mang một ý nghĩa đặc biệt mà Luca thêm vào cụm từ “thành của Vua Đa-vit”
Sinh ra trong thành vua Đa-vit nhằm muốn xác định Người thuộc dòng dõi vua Đa-vit mà theo lời Thiên Chúa hứa, Đấng Cứu Thế mà thiết lập ngai vàng Đa-vit vững bền qua muôn thế hệ sẽ gọi Thiên Chúa là Cha và Thiên Chúa sẽ gọi Đấng ấy là Con. Cứu thế sẽ là nhiệm vụ của Người, nhưng không phải chỉ cho dân Israel mà cho toàn dân. Nhiệm vụ này được thiên thần cho Giu-se biết “Này ông Giu-se, con cháu Đa-vit, đừng ngại đón bà Maria vợ ông về, vì người con bà cưu mang là do quyền năng Chúa Thánh Thần. Bà sẽ sinh con trai và ông phải đặt tên cho con trẻ là Giê-su vì chính Người sẽ cứu dân mình khỏi tội lỗi của họ” (Mt 2, 20 – 21). Với Maria, sứ thần Gabrien tỏ lộ về đứa con bà sẽ thụ thai và sinh hạ “Người sẽ nên cao cả và sẽ được gọi là Con Đấng Tối Cao. Đức Chúa là Thiên Chúa sẽ ban cho Người ngai vàng vua Đa-vit tổ tiên Người. Người sẽ trị vì nhà Gia-cop đến muôn đời và triều đai Người sẽ vô cùng vô tận.” (Lc 1, 32 – 33).
Đấng Cứu Thế là Đức Ki-tô, là Đức Chúa
Chưa dừng lại ở đây, lời ngôn sứ tiếp tục với hai tước hiệu quan trọng mà trong đó, tước hiệu Đức Chúa làm cho “Đấng đã được sinh ra” trở nên độc nhất vô nhị, vượt lên trên tất cả và thành chung cuộc để từ đó, nhân loại không còn phải đợi trông bất cứ một Đấng nào khác nữa. Thật vậy, Ki-tô là Đấng được xức dầu. Kinh thánh cho thấy, các thượng tế, vua chúa và các ngôn sứ cũng được gọi là Đấng được xức dầu. Như thế, nếu chỉ dừng lại ở những tước hiệu ở trên là chưa đủ để có một sự phân biệt rỏ ràng. Tuy nhiên, khi thêm vào danh xưng Đức Chúa, Luca cho thấy Đấng được sinh ra vượt xa những người được được gọi là Đấng Cứu Độ và xức dầu trong lịch sử dân Chúa. Tất cả những người được xức dầu là những người được Thiên Chúa chọn từ giữa thế giới nhân loại, có nguồn gốc nhân loại, còn Đấng được loan báo ở đây là Đức Chúa, Danh xưng mà người Do Thái chỉ dành cho một mình Thiên Chúa mà thội. Bởi đó, Tin Mừng Giáng Sinh trơ thành Tin Mừng của một Thiên Chúa đến sinh làm người, đến hoàn tất lời hứa cứu độ nhân loại, đến chung sống, ở lại, sát cánh, đồng hành, sẻ chia với con người cho đến tận thế. Đây mới đích thực là Tin Mừng trọng đại mà mọi người Do Thái qua các thế hệ đợi trông. Nhìn như thế, chúng ta mới hiểu được niềm vui của Cụ già Simeon khi được Thánh Thần báo cho biết trước “ông sẽ không chết trước khi thấy Đức Ki-tô xuất hiện.” Niềm vui và hạnh phúc vỡ òa khi Simeon được biết hài nhi Giê-su ông đang bồng trên tay chính là Đấng Cứu Thê muôn dân mong chờ. Ông chỉ biết thốt lên “muôn lạy Chúa, giờ đây, xin để tôi tớ này được an bình ra đi, vì chính mắt con đã được thấy ơn cứu độ mà Chúa dành sẵn cho muôn dân, đó là ánh sáng soi đường cho dân ngoại, là vinh quang cuả Israel dân Người.”  Những niềm vui sẽ là dang dỡ nếu các mục đồng không được cho những dấu chỉ để nhận biết
“Anh em cứ dấu này mà nhận ra Người: anh em sẽ gặp thấy một hài nhi mới sinh bọc tã, nằm trong máng cỏ”
Vâng! Cũng như bao dân tộc xung quanh, người Do Thái quan niệm về một Thiên Chúa siêu việt thánh thiện đến độ không được kêu danh thánh Người cách vô cớ và cũng chăng ai giáp mặt Đức Chúa mà còn sống. Thiên Chúa đã cảnh báo Mô-sê khi ông tiến đến gần bụi gai bốc cháy:“hãy cởi giép ra vì nơi người đang đứng là nơi thánh.” Nay Thiên Chúa buớc vào trần gian để cứu con người thật là một niềm vui trọng đại. Nhưng làm thế nào những người bé nhỏ yếu đuối tội lỗi, những con người nghèo khó khôn cùng như các mục đồng đến được với Người. Thiên Chúa biết điều đó nên chính Người đã xóa bỏ ranh giới này qua việc làm người trong thân phận bé sơ sinh nghèo hèn. Bởi đó, ngay trước khi loan báo Tin Mừng giáng sinh cho các mục đồng, các thiên sứ đã trấn an họ “đừng sợ.” Không chỉ đừng sợ trước sự xuất hiện của các thiên sứ từ trời mà còn là đừng sợ đến gần Đức Chúa mới sinh. Người xuất hiện trong dáng vẻ bé nhỏ thậm chí tầm thường, để muốn trở nên gần gũi với mọi người, để mong mọi người đến với Người hầu được thứ tha và hưởng niềm vui cứu độ. Như thế, từ hôm nay, con người, bất cứ ai, không phân biệt địa vị, giai cấp ngôn ngữ chủng tộc, đều có thể đến với Thiên Chúa để được hưởng niềm vui cứu độ do Thiên Chúa tặng bạn ngay hôm nay và mãi về sau
Lạy Chúa Giê-su, lắng nghe và suy niệm lời loan báo Tin Mừng Giáng Sinh của các thiên sứ và theo chân các mục đồng quỳ bên hang đá Chúa, chúng con nhớ lại lời ca của nhạc sĩ Mai Nguyên Vũ “Con đang quỳ bên hang đá, rưng rưng thương kiếp không nhà, bơ vơ giữa chốn xa lạ, gió sương mù xa. Thương thay giờ Chúa giáng trần, hang chiên làm nơi trú thân. Chịu muôn khó khăn, vì yêu thế nhân, hiến thân. Emmanuen, một chuyện tình kỳ lạ nhất trần thế, một chuyện tình say đắm muôn thế hệ, làm nhỏ bao châu lệ, làm đui muôn lý trí. Emmanuen, một chuyện tình chẳng môn đăng hộ đối, một chuyện tình gây chấn động đất trời, Thiên Chúa yêu con người hạ sinh xuống cõi đời.” Nhưng chúng con biết rằng, nếu chỉ dừng lại ở những tình cảm là chưa đủ. Điều Chúa muôn nơi chúng con chính là để Chúa được cứu chúng con, để ơn cứu độ từ cuộc giáng sinh của Chúa thành “ơn cứu độ nơi mỗi chúng con” ngay trong hiện tại; Chúa mong muốn chúng con nhờ và trong Chúa thành Tin Mừng cho anh chị em chúng con; nghĩa là cuộc giáng sinh của Chúa thành ngày sinh cứu độ của chúng con, để anh em chung quanh chúng con nhận ra hiệu quả cưu độ của mầu nhiệm giáng sinh nơi chính cuộc sống mới của chúng con – đó là một cuộc sống từ bỏ lối sống vô luân và những đam mê trần tục, để sống chừng mực, công chính và đạo đức ở đời này, một cuộc sống hang say làm việc thiện. Amen

MỤC LỤC CÁC BÀI SUY NIỆM

Suy niệm 2: Một Hài Nhi đã sinh ra cho chúng ta - Lm. Giacôbê Tạ Chúc

Tiếng khóc chào đời của một em bé, là tiếng cười rộn vui của biết bao người xung quanh. Cha mẹ thật hạnh phúc, khi một đứa con sinh ra. Dòng họ vui mừng vì có một thành viên mới, trong gia đình. Một đêm sương gió lạnh, trong nơi góc khuất của thành đô Bê-lem, một đôi vợ chồng trẻ, mắt rưng rưng những giọt lệ, đón chào đứa con bé bỏng của họ, cất tiếng khóc chào đời. Quả thật một niềm vui khôn kể xiết, một sinh linh bé bỏng đã phá tan giấc ngủ của màn đêm, khi bật lên tiếng khóc của một con người.
Những ngày tháng bụng mang dạ chửa, những đêm mất ngủ bởi những cơn chuyển mình của bào thai. Người mẹ nào không khỏi ngậm ngùi khi được ngắm nhìn, ẵm bồng đứa con thơ bé nhỏ của mình, trong vòng tay. Cơn đau đã qua đi, niềm sung sướng dấy lên tận đáy lòng. Con thơ khóc để hít thở, mẹ khóc vì hạnh phúc khi thiên chức của người mẹ được rõ nét qua từng đứa con. Cái thời ấy thiếu thốn đủ điều, nào có đâu trạm xá, hay bệnh viện, cũng chẳng có những Y, Bác sĩ gì. Thuốc men đương nhiên cũng chỉ là những loài thảo mộc, được truyền tụng trong nhân gian. Một hành trình của một gia đình trên đường trở về quê quán, để đăng kiểm hộ khẩu theo lệnh vua ban hành. Phương tiện di chuyển, cũng chỉ là lưng con lạc đà, mà người thời đó thường hay dùng. Bạn mình chuyển bụng, Giuse chỉ biết tìm một nơi cho mẹ tròn con vuông, chớ tính làm sao được khi trong lưng không một đồng xu giắt túi. Cảnh ra đời của một em bé như một giọt nước trong sa mạc, giữa đêm đông chỉ có bò, lừa, và lũ mục đồng canh gác đàn gia súc. Không có gì, mà chỉ có ánh sáng từ bi của Đấng là Thiên Chúa, trong phận người bé thơ. Và môt Hài Nhi đã sinh ra như lời tiên tri Isai-a, đã loan báo trước đó hơn 700 năm. Bé thơ Giê-su xuống thế trong thân phận của một con người, giống như những em bé sinh ra mỗi ngày, trong cõi đời này. May mắn cho một trẻ thơ khi được sinh ra, và lớn lên. Bất hạnh thay khi có rất nhiều những trẻ thơ vô tội, không có những phút giây chào đời, trong sự ân cần và thương yêu của cha mẹ, và những người xung quanh. Con người đã không tiếp nhận Con Thiên Chúa, Ngài đến trong nhà mình mà những người nhà lại chối từ. Thảm họa của những bậc làm cha mẹ là khi từ chối những đứa con, mà đúng ra chúng phải được sinh ra. Đó đây, những hang đá đã lên đèn, những cây thông đủ mọi hình dáng, với ngàn vạn đèn điện muôn màu tỏa lan. Không khí Giáng sinh nô nức và hối hả,  rộn vang những cung bậc cảm xúc của đêm giáng sinh đã nhuốm màu khắp không gian. Thời tiết đã ấm dần lên khi những đám mây cũng dần lùi về phía cuối chân trời, để nhường lại cho một khoảng khắc rất gần của No-el.
Đêm nay ta say men nồng tình Giáng sinh. Đêm nay lung linh ngàn muôn tinh tú, hợp với lời ca của chín phẩm Thiên Thần. Và đêm nay, những chú mục đồng đi tìm những khúc củi khô, đốt lên sưởi ấm Chúa Hài Đồng. Cứ thế câu chuyện cổ tích hôm nay, có một bé thơ cất tiếng chào đời, lại  râm ran bên những chiếc nôi ru con của những bà mẹ, mỗi ngày được vang lên, và tỏa lan trong thế giới của nhân loại, qua muôn ngàn thế hệ, khi mỗi độ Giáng sinh về.

MỤC LỤC CÁC BÀI SUY NIỆM

Suy niệm 3: Nhận ra nơi Chúa Giêsu sinh ra - Lm. Phêrô Nguyễn Trọng Chức

“Bà Maria sinh con trai đầu lòng, lấy tã bọc con, rồi đặt nằm trong máng cỏ, vì hai ông bà không tìm được chỗ trong nhà trọ” (Lc 2,7)
Kính thưa Cộng đoàn Phụng vụ.
1.  Câu truyện cổ tích nổi tiếng trên thế giới của tác giả người Đan Mạch Hans Christian Andersen là“Cô bé bán diêm”. Truyện kể về một cô bé nghèo khổ phải đi bán diêm giữa mùa đông giá lạnh và từ giã cõi đời trong đêm giao thừa, có bản khác ghi là trong đêm Giáng sinh.[1] Tưởng chừng “Cô bé bán diêm” của Andersen đưa chúng ta lạc vào truyện cổ tích, nhưng thực ra lại dẫn chúng ta xích lại gần với một mầu nhiệm cao cả là Hài Nhi Giêsu.
2.  Nếu như cô bé phải đi lang thang bán diêm ngoài trời đông giá rét, thì Hài Nhi Giêsu cũng “chẳng tìm được một chỗ trong nhà trọ” (Lc 2,7). Nếu như cô bé phải ngồi nép mình vào góc tường giữa hai ngôi nhà, thì Hài Nhi Giêsu đã được đặt nằm trong máng cỏ (x. Lc 2,7). Nếu như cô bé thường bi người bố rất tàn nhẫn đánh đập, mắng chửi em, thì Hài Nhi Giêsu cũng “đã đến nhà mình, nhưng người nhà chẳng chịu đón nhận” (Ga 1,11). Nếu như cô bé ở chốn đông người mà chẳng ai để ý, chỉ đi lướt qua em, thì Hài Nhi Giêsu “ở giữa thế gian, và thế gian đã nhờ Người mà có, nhưng lại không nhận biết Người” (Ga 1,10). Nếu như cô bé thắp lên ánh sáng nhỏ nhoi của que diêm, thì Hài Nhi Giêsu cũng đã đem đến cho trần gian ánh sáng: “Dân đang lần bước giữa tối tăm đã thấy một ánh sáng huy hoàng; đám người sống trong vùng bóng tối, nay được ánh sáng bừng lên chiếu rọi” (Is 9,1). Nếu như cô bé đã thấy trong ánh sáng của những que diêm: nào là lò sưởi; nào là bàn ăn; nào là cây thông noel, nào là người bà yêu quý của mình, thì Hài Nhi Giêsu cho trần gian thấy chân lý, ân sủng, niềm vui và ơn cứu độ: “Hôm nay, một Đấng Cứu Độ đã sinh ra cho anh em trong thành vua Đa-vít, Người là Đấng Ki-tô Đức Chúa” (Lc 2,11). Nếu cô bé đã chết bên những que diêm, nhưng đôi má em vẫn ửng hồng và đôi môi em đang mỉm cười, thì sau này Hài Nhi Giêsu đã chết trên thập giá, nhưng đã sống lại và nói: “Bình an cho anh em!” (Ga 20,19).
3.  Quả thật, Chúa Giêsu ra đời và chịu chết trong một nghịch lý. Ngài đến thế giới loài người như lời đáp của Thiên Chúa cho khao khát thâm sâu nhất của chúng ta là được thấy Thiên Chúa: “Thiên Chúa, chưa bao giờ có ai thấy cả; nhưng Con Một vốn là Thiên Chúa và là Đấng hằng ở nơi cung lòng Chúa Cha, chính Người đã tỏ cho chúng ta biết” (Ga 1,18), thế mà lại sinh ra và chết đi như một kẻ ngoài cuộc. Hãy để ý mà xem Chúa Giêsu sinh ra ở ngoại vi thành phố và cũng chết ở ngoại vi thành phố. Đây không phải chuyện tình cờ. Chúa là một đứa trẻ không “được chờ đợi”, không “được chấp nhận” và cũng không “được kỳ vọng”, chỉ trừ Đức Mẹ đã cưu mang với tình yêu khôn tả và “những ai đón nhận, tức là những ai tin vào danh Người” (Ga 1,12), nhưng thế giới thì không. Hài Nhi Giêsu, Ngôi Lời Thiên Chúa, không đến trần gian như một siêu sao trong tiếng reo hò vang dậy của vạn người, như một người quyền thế khiến mọi đầu gối phải bái quỳ. Ngài không đến trần gian như một Đấng Thiên sai theo kiểu chúng ta kỳ vọng, như một Đấng mà mọi nhà đều rộng cửa đón chào. Dù không được chào đón, không được kỳ vọng, không được chấp nhận, không phải chỉ lúc Chúa sinh ra mà là trong suốt cả cuộc đời của Ngài, nhưng Chúa đã đến như một hài nhi sơ sinh vô lực, vô danh, vô địa vị.
4.  Đứng trước một hài nhi như thế, chúng ta có phản ứng gì? “Một người ngoại giáo có học thức sống vào thế kỷ thứ hai, đã kinh hoàng và kêu lên rằng: ‘Con của Chúa – mà lại là một người chỉ sống cách đây vài năm thôi à?’ Ngôi Lời hằng sống – là một người chỉ mới ở đây “hôm qua hay hôm kia” thôi sao? là một người đàn ông “được sinh ra từ một người quay tơ nghèo, trong một ngôi làng của xứ Giuđêa” sao?”[2] Phản ứng ấy khá dễ hiểu: việc Con Thiên Chúa xuống trần và làm người là điều mới lạ vĩ đại nhất có thể tưởng tượng được, “điều mới mẻ duy nhất dưới ánh sáng mặt trời”, như lời Thánh Gioan thành Đamát (676-749) chú giải về câu nổi tiếng của sách Giảng Viên: “Không có gì mới dưới ánh sáng mặt trời” (Gv 1,9).[3] Hài Nhi Giêsu vẫn là và mãi là điều mới mẻ vĩ đại duy nhất trên thế gian này cho những ai luôn biết mở lòng đón nhận.
5.  Trong mùa Giáng Sinh, Giáo hội hướng mắt nhìn lên Hài Nhi Giêsu. Ngài là Đấng các tiên tri hằng loan báo: “Một trẻ thơ đã chào đời để cứu ta, một người con đã được ban tặng cho ta” (Is 9,5); là Đấng muôn dân hằng hy vọng: “Chúng ta trông chờ ngày hồng phúc vẫn hằng mong đợi, ngày Đức Kitô Giêsu là Thiên Chúa vĩ đại và là Đấng cứu độ chúng ta, xuất hiện vinh quang” (Tt 2,13); là Đấng các thiên thần ca tụng: “Vinh danh Thiên Chúa trên trời, bình an dưới thế cho loài người Chúa thương” (Lc 2,14). Một phần thách thức trong mùa Giáng Sinh là việc nhận ra Chúa Giêsu sinh ra ở đâu trong thế giới ngày nay. Hang đá Bêlem ngày nay ở đâu để chúng ta tìm đến Ngài mà tôn kính? Ở nhiều nơi lắm: đó có thể là mọi phòng sinh trên khắp thế giới, nơi đó các em chào đời với niềm mong đợi của mẹ cha; đó còn có thể là những mái nhà của những gia đình nghèo, nơi đó những số phận khốn khổ phải sống nương tựa vào nhau. Đến những nơi đó chúng ta gặp được dung mạo của Chúa Giêsu Hài Đồng hiển hiện nơi những người yếu thế, những người dễ chịu tổn thương, những người đau khổ, hơn là nơi những người quyền thế trên thế giới này.
6.  Hang đá Bêlem còn ở tâm hồn của mỗi người, ở mỗi gia đình, ở mỗi giáo xứ. Tâm hồn của mỗi chúng ta là hang đá Bêlem khi chúng ta đón rước Chúa với long thanh sạch. Gia đình của mỗi chúng ta là hang đá Bêlem khi mỗi thành viên sống chan hòa yêu thương. Giáo xứ của chúng ta là hang đá Bêlêm khi mỗi người sống hiệp nhất với nhau. Chúng ta cũng sẽ trở thành hang đá Bêlem cho nhau nếu biết quan tâm đến nhau. Lối sống sau đây như là lời minh họa cho điều vừa nói. Sadio Mane, một cầu thủ bóng đá nổi tiếng người Senegal đang chơi cho đội bóng Bayern Munich tại Đức, có mức thu nhập 22 triệu EUR, đã từng trả lời khi một số người hâm mộ phát hiện ra anh vẫn sử dụng một chiếc iPhone có màn hình bị nứt: “Tại sao tôi phải có 10 chiếc Ferrari, 20 chiếc đồng hồ kim cương và 2 chiếc máy bay phản lực? Điều đó sẽ giúp ích gì cho thế giới? Tôi đã từng không đủ ăn, phải làm việc trên các cánh đồng, chơi bóng với đôi chân trần và tôi không được đi học. Nhưng bây giờ tôi có thể giúp đỡ mọi người. Tôi muốn xây dựng trường  học, mang tới cho người nghèo thức ăn hoặc quần áo. Tôi đã xây trường học và các sân bóng, cung cấp quần áo, giày dép và thực phẩm cho những người nghèo cùng cực. Ngoài ra, tôi tặng 70 euro mỗi tháng cho tất cả  những người đến từ vùng rất nghèo ở Senegal để họ có thể phát triển kinh tế gia đình. Tôi không cần phải trưng bày xe sang, nhà sang, những chuyến du lịch và thậm chí cả máy bay. Tôi muốn người dân của đất nước tôi nhận được một phần nào đó từ những gì mà cuộc sống đã ban tặng cho tôi”.[4] Sadio Mane đã trở thành hang đá Bêlem cho người khác để họ có thể tìm thấy ở nơi anh hơi ấm của tình người.
7.  Tóm lại, Hài Nhi Giêsu là “Thiên Chúa ở cùng chúng ta” và là “Thiên Chúa cứu độ”. Việc nhận ra nơi Chúa Giêsu sinh ra và nơi dung mạo Người tỏ hiện sẽ luôn là điều mới mẻ dưới ánh mắt trời này cho chúng ta, nếu chúng ta cưu mang trong lòng mình một niềm mong chờ Người. Khi ấy, chúng ta cũng sẽ gặp được dung mạo của Chúa Giêsu Hài Đồng trong mùa Giáng Sinh hiển hiện nơi những người yếu thế, những người dễ chịu tổn thương, những người đau khổ, hơn là nơi những người quyền thế trong thế giới. Hơn hai ngàn năm sau khi Chúa Giêsu hạ sinh, chúng ta có thể đến với những người bất hạnh để thăm lại hang đá Bêlem, nhìn Hài Nhi vừa hạ sinh, và rung động trước uy quyền của sự ngây thơ và sự mỏng manh từ trời cao.
Lạy Chúa Giêsu Hài Đồng,
những tổn thương chúng con phải chịu đựng
đang đẩy bình an và niềm vui ra xa chúng con.
Chúng con biết Chúa vẫn mãi ở bên chúng con,
nhưng lại không cảm thấy Chúa ở gần bên.
Giữa những thử thách của cuộc đời này,
xin Chúa cùng đi với chúng con.
Giữa những long đong và bấp bênh của phận người,
xin Chúa vực dậy tâm hồn tan nát của chúng con.
Giữa cảnh nghèo khó và trơ trụi,
xin Chúa nhận lấy nỗi đau của chúng con.
Giữa những âu lo hằng ngày,
 xin cho chúng con được thấy sự bình an của Chúa.
Giữa bao điều không vừa ý,
xin giúp chúng con hướng nhìn lên Chúa, Đấng là Emmanuel,
vì Chúa sẽ lau khô mọi giọt lệ của chúng con. Amen.


[1] https://vi.wikipedia.org/wiki/C%C3%B4_b%C3%A9_b%C3%A1n_di%C3%AAm
[2]http://www.vietcatholicnews.net/News/Home/Article/264227
[3]http://phanxico.vn/2020/12/19/hong-y-cantalamessa-giang-sinh-la-dieu-moi-la-duy-nhat-duoi-anh-mat-troi/
[4]https://www.facebook.com/vh.ungxu/posts/pfbid02CAU1qUosxgQj65kJyJ9UGFQUqfTpYXprEAAtoGZx6zV1PSEufAgLyEXvEwXEvmgfl

MỤC LỤC CÁC BÀI SUY NIỆM

Suy niệm 4: Máng cỏ - Lm. Giuse Nguyễn Hữu An


Đức Thánh Cha Phanxicô đã viết Tông thư ”Dấu chỉ Tuyệt vời”, nêu ý nghĩa của Hang Đá và Máng Cỏ: Dấu chỉ lạ lùng của hang đá máng cỏ, rất được các tín hữu Kitô quý chuộng, luôn gợi lên sự ngưỡng mộ và ngạc nhiên. Diễn tả biến cố Chúa Giêsu giáng sinh cũng có nghĩa là loan báo mầu nhiệm Nhập Thể của Con Thiên Chúa một cách đơn sơ và vui mừng. Thực vậy, hang đá máng cỏ, giống như một Tin Mừng sống động, trào ra từ những trang Kinh Thánh. Trong khi chúng ta chiêm ngắm cảnh tượng Giáng Sinh, chúng ta được mời gọi lên đường trong tâm trí, bị thu hút vì lòng khiêm tốn của Đấng đã nhập thể làm người để gặp gỡ mỗi người. Và chúng ta khám phá thấy Chúa yêu thương chúng ta đến độ kết hiệp với chúng ta để chúng ta cũng có thể kết hiệp với Chúa.
Bên Hang Đá, thinh lặng chiêm ngắm Hài Nhi Giêsu giang đôi tay chúc lành; Máng Cỏ Bêlem tỏ bày nhiều ý nghĩa.

1/ Máng Cỏ tỏ bày một Thiên Chúa yếu đuối

Hài nhi nằm trong máng cỏ biểu thị sự yếu đuối của Thiên Chúa. Một sự yếu đuối mà Người đã tự ý chọn lựa. Thiên Chúa trong hình hài một bé thơ. Một Thiên Chúa yếu đuối. Trí khôn con người không thể nào hiểu và chấp nhận nổi. Mọi lý luận đều bất lực trước nghịch lý thần linh này. Thiên Chúa Đấng khôn tả của triết học bỗng dưng trở thành diễn tả được.Thiên Chúa Đấng vô hình của tôn giáo đã chọn cho mình một thể thức xuất hiện hữu hình. Thiên Chúa Đấng cứu độ đã mạc khải qua các ngôn sứ giờ đây ngỏ lời trực tiếp với con người qua Hài Nhi bé bỏng nắm trong Máng Cỏ. Chúng ta hãy từ bỏ ngôn ngữ của lý tính ở đây và thinh lặng để cho con tim thán phục. May chi ngôn ngữ tình yêu có thể bập bẹ đuợc điều gì đó chăng? Quả thực, sự yếu đuối của Thiên Chúa là sự yếu đuối của tình yêu. Tình yêu Thiên Chúa được biểu lộ dưới những hình thức khác nhau, như lòng thương xót, lòng trắc ẩn và sự âu yếm. Một Thiên Chúa uy quyền trong sự yếu đuối của tình thương…Chúa Giêsu, Vua Vũ Trụ lên ngôi trên thập giá.Thành công cuối cùng của Chúa Cứu Thế là sự phục sinh nằm bên kia cái chết, và con đường dẫn tới đó phải khởi đi từ Máng Cỏ đến Núi Sọ. (Lm Nguyễn Hồng Giáo).
Tại miền Nam nước Pháp, có một máng cỏ khá nổi tiếng. Trong số các nhân vật đứng và quì nơi máng cỏ này, du khách thường chú ý tới một con người nhỏ bé với hai bàn tay trống trơn và mở rộng, nhưng gương mặt lại để lộ một vẻ ngạc nhiên khó mà diễn tả nổi. Vì thế, người ta đã đặt cho nhân vật này cái tên gọi là Ngạc Nhiên. Dân địa phương thường giải thích về sự ngạc nhiên của anh bằng một mẩu chuyện như sau.
Hôm đó, tất cả các nhân vật nơi máng cỏ, kể cả mấy chú bò lừa đều tỏ ra khó chịu đối với anh, bởi vì anh không có gì để mang tặng cho Chúa Hài Nhi, ngoài hai bàn tay trống trơn của mình. Và thế là họ bắt đầu xỉ vả anh:
- Mày không biết xấu hổ hay sao? Mày đến thăm Chúa Hài Nhi mà không mang theo gì cả ư?
Thế nhưng, anh không để lộ một phản ứng nào, ngoài cặp mắt mở to và chăm chú nhìn vào Hài Nhi Giêsu. Những lời rủa xả vẫn cứ tiếp tục trút xuống trên anh, đến nổi Mẹ Maria phải lên tiếng bênh vực cho anh.
Quả thực, mặc dù đã đến với Chúa Hài Nhi bằng đôi bàn tay trắng, thế nhưng anh đã mang tới một món quà cao đẹp nhất, đó là sự ngạc nhiên của anh. Điều này có nghĩa là Tình Yêu bao la của Thiên Chúa đã chiếm trọn tâm tư anh. Và Mẹ Maria đã kết luận như sau:
- Thế giới này sẽ kỳ diệu biết bao nếu như luôn có những người giống anh, biết ngây ngất và ngạc nhiên trước quyền năng và tình thương vô biên của Thiên Chúa.
Trước Máng Cỏ Bêlem, thật ngạc nhiên, chúng ta sẽ khám phá ra tình thương bao la của Thiên Chúa. Lời hứa từ thuở ban sơ, hôm nay đã được thực hiện. Thiên Chúa tỏ bày tình thương bằng cách trao ban chính Con Một của Ngài cho nhân loại. Thánh Phaolô diễn tả: Thiên Chúa bước xuống phận con người, để con người tiến lên ngôi Thiên Chúa.

2/ Máng Cỏ tỏ bày một Thiên Chúa Tình Yêu

Trong đêm Giáng Sinh, Sứ thần loan báo cho các mục đồng: “Này tôi báo cho anh em một tin mừng trọng đại, cũng sẽ là tin mừng cho toàn dân: Hôm nay, Đấng Cứu Thế đã sinh ra cho anh em trong thành vua Đavít, Người là Đấng Kitô, là Đức Chúa“ (Lc 2, 11). Khung cảnh thật đơn sơ, thanh bạch, nghèo hèn: “Anh em cứ dấu này mà nhận ra Người: anh em sẽ gặp thấy một trẻ sơ sinh bọc tã, nằm trong máng cỏ.” (Lc 2,12).
Mẹ Maria và Thánh Giuse vất vả một hành trình xa xôi từ Nadarét về Bêlem để kê khai nhân hộ khẩu. Các quán trọ khinh người nghèo hất hủi. Hài Nhi Giêsu chào đời nơi đồng hoang giá lạnh. Chẳng có ai thân thích. Chỉ có các mục đồng và bò lừa sưởi ấm.
Chẳng có gì kỳ diệu, không có gì ngoại thường, không có gì huy hoàng được trưng dẫn như một dấu chỉ cho những mục đồng. Tất cả những gì họ thấy chỉ là một Hài Nhi bọc tã, một hài nhi như bao hài nhi khác, cần sự chăm sóc của người mẹ; một Hài Nhi sinh ra trong chuồng súc vật, và như thế, không nằm trong nôi nhưng là trong máng cỏ. Dấu chỉ của Thiên Chúa là một hài nhi cần sự trợ giúp và đang sống trong nghèo khó. Chỉ bằng con tim, những mục đồng mới có thể thấy nơi hài nhi này sự viên mãn lời hứa của tiên tri Isaia: “Một trẻ thơ đã chào đời để cứu ta, một người con đã được ban tặng cho ta. Người gánh vác quyền bính trên vai” (Is 9,5).
Dấu chỉ của Thiên Chúa thật là đơn sơ. Đó là một Hài Nhi mới sinh. Dấu chỉ của Thiên Chúa là Ngài trở nên bé nhỏ vì chúng ta. Ngài không đến với quyền lực và một bề ngoài xa hoa. Ngài đến như một hài nhi cần sự giúp đỡ của chúng ta. Ngài không muốn choáng ngợp chúng ta với sức mạnh của Ngài. Vì thế, Ngài đã hóa chính mình thành nhỏ bé. Ngài không muốn điều gì khác nơi ta ngoại trừ tình yêu, qua đó chúng ta phải học biết cách tiếp cận với cảm giác, tư duy và ý chí của Ngài. Chúng ta học biết sống với Ngài và thực hành với Ngài sự khiêm hạ từ bỏ mình là điều tinh túy nhất của tình yêu. Ngài đã hóa thành nhỏ bé để chúng ta có thể hiểu Ngài, chào đón Ngài, và yêu thương Ngài.

3/ Máng Cỏ tỏ bày một Thiên Chúa Cứu Độ

Theo Thánh Kinh, biến cố lớn nhất đánh dấu lịch sử nhân loại là Thiên Chúa làm người vì tình yêu. Hài Nhi Giêsu ra đời trong cảnh nghèo hèn chính là một vị Thiên sai. Ngài đã cắt đôi dòng lịch sử loài người thành hai phần: trước công nguyên và sau công nguyên. Em bé ấy không phải là một nhà bác học, không phải là một nhạc sĩ mà chính là Thiên Chúa, là Ngôi Lời vĩnh cửu của Chúa Cha, Đấng cao sang, quyền năng, Đấng sáng tạo vũ trụ, hôm nay đã làm người. Ngài giáng sinh làm người trong thân phận một em bé yếu ớt nằm trong máng cỏ hang lừa chứ không phải trong một cung điện sang trọng lầu son gác tía.
Thiên Chúa làm người trong thân phận một bé thơ yếu ớt nhưng chất chứa một tình yêu lớn lao. Một trẻ thơ sinh ra vào một đêm đông giá rét trong hang đá bò lừa ngoài đồng hoang nghèo hèn. Dưới con mắt người đương thời không những bình thường mà còn tầm thường hơn những trẻ thơ khác. Nhưng sự chào đời của Hài Nhi Giêsu là một niềm vui cao cả, trọng đại, đặc biệt. Một niềm vui khởi điểm cho mọi niềm vui và vượt lên trên mọi niềm vui.
Hài Nhi giáng sinh là một sự kiện đặc biệt của lịch sử nhân loại, là sự “hoàn tất” Lời Hứa của Thiên Chúa, là trung tâm của nhiệm cuộc cứu độ của Thiên Chúa, là đỉnh cao và là chủ đích của Thánh Kinh.
Chính nơi Ngôi Lời Nhập Thể, Thiên Chúa đã hoàn toàn tỏ mình và ban chính mình cho nhân loại. Ngôi Lời Nhập Thể là tuyệt đỉnh thời gian viên mãn đối với Ba Ngôi Thiên Chúa.
Hài Nhi Giêsu đã trở nên một sự tái tạo mới. Tái tạo khởi đi từ tha thứ và yêu thương của Thiên Chúa Ba Ngôi.
Mầu nhiệm Nhập Thể và mầu nhiệm Cứu Độ làm nên trọng tâm sứ điệp của đức tin Kitô giáo. Từ thế kỷ này đến thế kỷ khác, Giáo Hội công bố niềm tin ấy dọc dài thời gian giữa những thách đố của thế giới. Giáo Hội uỷ thác cho con cái mình như kho tàng quí giá để gìn giữ và chia sẻ cho người khác. Nơi Đức Giêsu Kitô, Đấng sinh ra tại Bêlem, Thiên Chúa nhận lấy thân phận con người, để chúng ta có thể đến được với Thiên Chúa và để thiết lập giao ước với loài người và con người giao ước liên đới với nhau.
Giáng Sinh trở thành một đại lễ của nhân loại. Giáng Sinh là ngày hội lớn duy nhất trên trái đất được đón mừng bởi mọi quốc gia, mọi sắc tộc, mọi tầng lớp xã hội. Từ núi cao, trong rừng sâu, xuống đồng bằng, vào thị tứ giàu sang….Qua đủ mọi hình thức: nhóm vài cây củi trên rừng, thắp ngọn nến đơn sơ trong ngôi nhà thờ bé nhỏ nghèo nàn vùng quê hẻo lánh, hay trăm ngàn ánh đèn muôn mầu rực rỡ chốn đô hội văn minh tráng lệ, khắp nơi đón mừng và cùng hát lên tâm tình:
“Vinh danh Thiên Chúa trên trời
Bình an dưới thế cho loài người Chúa thương” (Lc 2,14)
Giáng Sinh, đất trời giao duyên trong hôn phối nhiệm mầu của tình yêu cứu độ.Thiên Chúa làm người, nối nhịp cầu tương giao giữa Thiên Chúa và nhân loại, bắc nhịp cầu nối liền giữa con người với nhau.Thiên Chúa yêu thương con người và muốn mọi người đáp lại bằng lòng yêu mến Ngài và yêu thương nhau. Máng Cỏ luôn làm cho con người thổn thức bùi ngùi xúc động, vì đối diện với một Tình Yêu khiêm tốn. Máng Cỏ mang ý nghĩa của thập giá và hướng về mầu nhiệm Thánh Thể. Qua Hài Nhi Giêsu trong Máng Cỏ Bêlem, chúng ta hiểu được phần nào tâm tình của Thiên Chúa muốn ngỏ với loài người.Qua Máng Cỏ Bêlem, Thiên Chúa trở nên thật gần gũi và đáng yêu. Từ suối nguồn yêu thương của Thiên Chúa “tất cả chúng ta đã lãnh nhận hết ơn này đến ơn khác.” (Ga 1,16).Tình yêu thương ấy là ánh sáng soi đường và là ngọn lửa sưởi ấm tâm hồn chúng ta. Niềm vui giáng sinh không nhất thiết phải đến từ những bữa tiệc thịnh soạn hay khung cảnh huy hoàng lộng lẫy bên ngoài. Niềm vui giáng sinh đến từ nội tâm khi chiêm ngắm Máng Cỏ Bêlem. Noel này, bạn hãy dừng lại nơi hang đá máng cỏ, dành thời gian thinh lặng để ngắm nhìn và suy niệm, bạn sẽ khám phá thật nhiều sự kỳ diệu của tình yêu Thiên Chúa nhập thể làm người và ở cùng chúng ta.



MỤC LỤC CÁC BÀI SUY NIỆM

 

Tác giả: Truc Ho Si

  Ý kiến bạn đọc

Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây