CHÚA NHẬT IV MÙA VỌNG NĂM A
“Chúa Giêsu sinh ra bởi Ðức Maria, đính hôn với Thánh Giuse con vua Ðavít”.
Phúc Âm: Mt 1, 18-24
“Chúa Giêsu sinh ra bởi Ðức Maria, đính hôn với Thánh Giuse con vua Ðavít”.
Chúa Kitô giáng sinh trong hoàn cảnh sau đây: Mẹ Người là Maria đính hôn với Giuse, trước khi về chung sống với nhau, đã thụ thai bởi phép Chúa Thánh Thần. Giuse, bạn của bà, là người công chính, không muốn tố cáo bà, định tâm lìa bỏ bà cách kín đáo.
Nhưng đang khi định tâm như vậy thì thiên thần Chúa hiện đến cùng ông trong giấc mơ và bảo: “Hỡi Giuse, con vua Ðavít, đừng ngại nhận Maria về nhà làm bạn mình, vì Maria mang thai là bởi phép Chúa Thánh Thần: bà sẽ hạ sinh một con trai mà ông sẽ đặt tên là Giêsu: vì chính Người sẽ cứu dân mình khỏi tội”.
Tất cả sự kiện này đã được thực hiện để làm trọn lời Chúa dùng miệng Tiên tri phán xưa rằng: “Này đây một trinh nữ sẽ mang thai và hạ sinh một con trai, người ta sẽ gọi tên con trẻ là Emmanuel, nghĩa là Thiên-Chúa-ở-cùng-chúng-ta”.
Khi tỉnh dậy, Giuse đã thực hiện như lời thiên thần Chúa truyền: ông tiếp nhận bạn mình, nhưng không ăn ở với nhau cho đến khi Maria sinh con trai đầu lòng, thì Giuse đặt tên con trẻ là Giêsu.
MỤC LỤC CÁC BÀI SUY NIỆM
Suy niệm 1: Thánh Giuse, mẫu gương đức tin - Lm. Phêrô Nguyễn Trọng Chức
Suy niệm 2: Thiên Chúa có thể vẽ đường thẳng từ những nét cong nhân loại - Lm. Augustinô
Suy niệm 3: Thánh Giu-se, người công chính - Lm. Giacôbê Tạ Chúc
Suy niệm 4 - Lm. Phêrô Nguyễn Thiên Cung
Suy niệm 1: Thánh Giuse, mẫu gương đức tin - Lm. Phêrô Nguyễn Trọng Chức
“Ông Giuse đang toan tính như vậy, thì kìa sứ thần Chúa hiện đến báo mộng cho ông. Khi tỉnh giấc, ông Giuse làm như sứ thần Chúa dạy và đón vợ về nhà. ” (Mt 1,20.24).
Kính thưa cộng đoàn phụng vụ.
1. Hầu như ai trong chúng ta cũng ít nhất một lần trong đời rơi vào một hoàn cảnh nào đó tiến thoái lưỡng nan. Đơn cử một ví dụ là giữa giữ Ngày Chúa Nhật và bỏ Ngày Chúa Nhật để đi làm được lãnh mười triệu hoặc số tiền còn cao hơn thế nữa, chúng ta sẽ chọn điều nào? Trong tình cảnh như thế, chúng ta phải đưa ra quyết định lựa chọn về một điều gì đó quan trọng. Trong thâm tâm, chúng ta biết rằng chúng ta sẽ không trung thành với Chúa nếu chúng ta đi theo con đường do chính chúng ta vạch ra.
2. Bài đọc thứ nhất cho chúng ta biết rằng vua Akhát của nước Giuđa đã chối bỏ Thiên Chúa. Vào thời Vua Akhát trị vì nước Giuđa, đế quốc Átsua đã gây sức ép trên nước Ítraen ở phương bắc và nước Giuđa ở phương nam. Để chống lại đế quốc Átsua, vua Ítraen liên quân với vua Xyri và họ muốn vua Akhát gia nhập liên quân với họ, nhưng Vua Akhát đã từ chối. Vì vậy, liên minh Xyri – Ítraen đã tấn công nước Giuđa để gây sức ép lên vua Akhát. Trong hoàn cảnh này, Vua Akhát đã bất trung với Thiên Chúa ở chỗ này là thay vì tin tưởng vào Thiên Chúa, ông đã tin tưởng các thần linh của dân ngoại khi tế lễ và đốt hương ở các tế đàn của họ (x. 2 V 16,3-4).
3. Trước đức tin chao đảo của vua Akhát, ngôn sứ Isaia yêu cầu ông hãy xin Chúa một dấu lạ để xác nhận lời tiên báo của ngôn sự về sự thất bại của liên quân. Vua Akhát đã không xin. Thế nhưng điều quan trọng hơn mà bài đọc một muốn nói với chúng ta là bất chấp sự bất trung của vua Akhát, Thiên Chúa đã chủ động ban cho Vua Akhát một dấu hiệu được gọi là “Emmanuen”: “Vì vậy, chính Chúa Thượng sẽ ban cho các ngươi một dấu: Này đây người thiếu nữ mang thai, sinh hạ con trai, và đặt tên là Em-ma-nu-en” (Is 7,14).
4. Đến với bài Tin Mừng, chúng ta tìm thấy một nhân vật trái ngược với vua Akhát, đó là thánh Giuse. Thánh nhân được gọi là “người công chính” (Mt 1,19). Theo quan niệm của người Do Thái, sự công chính là sống đúng theo mọi điều răn và mệnh lệnh của Chúa như hai ông bà Dacaria và Ê-li-sa-bét (x. Lc 1,6). Chúa Giêsu đòi hỏi các môn đệ của mình phải sống công chính hơn các thầy thông luật và những người Pharisêu (x. Mt 5,20), nghĩa là công chính không dừng lại ở việc tuân giữ luật Chúa, mà còn tiến xa hơn nữa là sống theo tinh thần của Chúa Giêsu (x. Mt 5,45; 10,41; 25,37.46).
5. Sự công chính của thánh Giuse liên quan đến Chúa Giêsu Kitô là Con Một Thiên Chúa bởi phép Đức Chúa Thánh Thần mà Người xuống thai sinh bởi Bà Maria Đồng Trinh (x. Mt 1,18). Tin Mừng hôm nay cho chúng ta biết rằng Đức Maria là một trinh nữ, đã thành hôn với thánh Giuse, và cả hai chưa về chung sống với nhau (x. Mt 1,18), nghĩa là chưa chính thức nên vợ nên chồng. Đó là lý do tại sao khi thấy Đức Maria có thai, thánh Giuse “mới định tâm bỏ bà cách kín đáo” (x. Mt 1,19). Sự công chính của thánh Giuse nằm ở đâu trong tình cảnh này?
6. Một đàng, thánh Giuse có quyền nhận Đức Maria là vợ của mình và đứa con mà nàng cưu mang là con của mình. Đàng khác, ngài cũng tôn trọng công việc của Thiên Chúa ở nơi Đức Maria mà cho đến lúc này thánh nhân không được Thiên Chúa mời gọi dự phần vào.[1] Thánh Giuse như đứng giữa ngã ba đường, không biết phải chọn theo con đường nào: toan tính của bản thân hay là ý định của Chúa. Toan tính của thánh Giuse là âm thầm rút lui, hiến dâng tình yêu của mình đối với Đức Maria cho ý định của Chúa. Tuy nhiên, sứ thần của Chúa đã hiện ra với thánh Giuse trong một giấc mơ để giải thích cho thánh nhân hiều ý định của Thiên Chúa dành cho ngài. Ngài sẽ được đặt tên cho con trẻ là “Giêsu” nghĩa là “Thiên Chúa cứu độ”, “vì chính Người sẽ cứu dân Người khỏi tội lỗi của họ” (Mt 1,21). Thánh Giuse đã để ý Chúa được thể hiện trên cuộc đời mình, như lời thánh Luca nói: “Khi tỉnh giấc, ông Giuse làm như sứ thần Chúa dạy và đón vợ về nhà” (Mt 1,20.24).
7. Quả thật, có một sự khác biệt giữa vua Akhát và thánh Giuse. Nếu vua Akhát từ chối dấu hiệu “Emmanuel”, thì thánh Giuse đã đón nhận Đấng Emmanuel. Thánh vịnh đáp ca khuyên chúng ta hãy đón nhận Chúa chứ đừng từ chối Người như vua Akhát đã làm: “Chúa sẽ ngự vào: chính Người là vua vinh hiển” (Tv 23,7.10). Nếu chúng ta đón nhận Chúa, thì Người sẽ ban phúc lành và cứu độ chúng ta. Bài đọc thứ hai cho chúng ta biết Chúa Giêsu là con vua Đavít theo xác thịt, nhưng theo thần khí, Người là Con Thiên Chúa nhờ quyền năng Chúa Thánh Thần. Ngài đã sống lại từ cõi chết và đã ban ân sủng và sứ mạng cho Thánh Phaolô rao giảng Tin Mừng của Thiên Chúa cho muôn dân, để tất cả mọi người tin theo và nhận lãnh ân sủng và bình an của Ngài.
8. Cũng như Mẹ Maria, thánh Giuse là mẫu gương đức tin cho chúng ta. Ngài là một tôi tớ trung tín cho kế hoạch cứu độ của Thiên Chúa đang diễn ra. Mỗi người chúng ta đều có một thực tại linh thánh để gìn giữ và bảo vệ. Đức tin là điều quý giá của người Kitô hữu. Chúng ta đã bảo vệ, nuôi dưỡng và phát triển đức tin như thế nào? Chẳng hạn, có người cảm thấy hài lòng khi chỉ cần tham dự thánh lễ Ngày Chúa Nhật, không tham lam bất cứ cái gì của ai, không gian dối lừa lọc ai, không ngoại tình, không giết người, không làm những điều trái với luân thường đạo lý. Nói cách khác đời sống đạo của họ chỉ ở mức tối thiểu. Thế nhưng, Chúa đòi hỏi chúng ta không dừng lại phải ở “lánh điều dữ” mà phải tiến xa hơn ở “làm điều thiện”.
9. Đứa con mà Đức Maria cưu mang là điều quý giá đối với cả nhân loại. Tương tự, con cái là điều quý giá đối với cha mẹ. Cha mẹ có bận tâm giáo dục con cái mình hay là phó mặt con cái cho thầy cô ở trường, cho ông bà ở nhà, cho quý cha, quý thầy, quý soeurs hay anh chị giáo lý viên ở giáo xứ? Vai trò giáo dục của cha mẹ không ai thay thế được và cũng không nhường cho ai được, nên không thể nào khoán trắng cho người khác hoặc để người khác chiếm đoạt.[2] Vì vậy, cha mẹ là người trực tiếp dạy dỗ và uốn nắn con cái mình để nên người và nên thánh.
10. Tóm lại, Thiên Chúa đã không bỏ rơi chúng ta một mình, nhưng đã ban cho chúng ta Con Một của Ngài là Đức Giêsu Kitô. Ngài là Emmanuel: “Thiên-Chúa-ở-cùng-chúng-ta”. Ngài là “Thiên Chúa cứu độ” đã đến thế gian để cứu chúng ta khỏi tội lỗi. Chúng ta hãy canh tân niềm tin và hy vọng vào Thiên Chúa và vào công trình cứu độ của Người như thánh Giuse.
Lạy Chúa Giêsu, Chúa đến để cứu chúng con khỏi tội lỗi và quyền lực sự chết. Xin cho chúng con luôn vui mừng trong ơn cứu độ của Chúa và tin tưởng vào kế hoạch thiêng liêng của Chúa dành cho cuộc đời chúng con. Amen.
[1] https://giaophannhatrang.org/vi/news/PHUNG-VU/suy-niem-chua-nhat-iv-mua-vong-nam-a-lm-inhaxio-ho-thong-24902.html
[2] https://www.simonhoadalat.com/hochoi/giaoluat/honnhangiadinh/Bai18.htm#_ftnref2
MỤC LỤC CÁC BÀI SUY NIỆM
Suy niệm 2: Thiên Chúa có thể vẽ đường thẳng từ những nét cong nhân loại - Lm. Augustinô
Thiên Chúa luôn có những cách thức để vượt qua những rào cản từ phía con người để hoàn thành kế hoạch yêu thương đã được Người hoạch định từ muôn đời. Con người qua những bất trung bội tín, lỗi tội, vô tín hoặc những biến cố lịch sử ...tạo nên những nét cong trong kế hoạch yêu thương nhân loại của Thiên Chúa. Thiên Chúa tiếp tục vẽ nên những đường thẳng của tình yêu bằng quyền năng, sự kiên nhẫn, bằng những dấu chỉ thời điềm và bằng con đường khiêm nhường tự hủy của chính mình, cao điểm trong Đức Giê-su Ki-tô
Cũng như những câu đầu (7, 1 – 2) của chương 7 trong sách Isaia thiết lập ngữ cảnh cho những hành động mang tính biểu tượng và sấm ngôn của Đức Chúa qua miệng ngôn sứ (Is 7, 7 – 9), những câu đầu trong bài đọc thứ nhất (Is 7, 10 – 17) cũng đặt ngữ cảnh cho việc ban dấu về Đấng Emmanuen được sinh ra bởi một trinh nữ. Ngữ cảnh của những câu này vừa là những đe dọa bên ngoài của vua A-ram là Rơ-xin và vua Israel là Pe-các muốn lên đánh Giê-ru-sa-lem, vừa là sự sợ hãi tột cùng của vua A-khát và toàn dân. Hoàn cảnh ở đây được trình bày trong hình thức một cuộc đối thoại giữa Đức Chúa và vua A-khát “Đức Chúa phán với vua A-khát rằng: Ngươi cứ xin Đức Chúa là Thiên Chúa của ngươi ban cho ngươi một dấu dưới đáy âm phủ hoặc trên chốn cao xanh.” Dấu ở dây không nhất thiết là một dấu lạ hay một phép lạ. Dù được yêu cầu “cứ xin một dấu lạ” hay bất cứ một dấu nào trong thiên nhiên vũ trụ nhưng vua A-khát đã từ chối. Ẩn đằng sau lời từ chối mang dáng vẻ đạo đức “Tôi sẽ không xin vì tôi không dám thử Chúa” là sự thiếu lòng tin vào Thiên Chúa ( x. Xh 17, 2; Đnl 6, 16 và Thp 6, 17). Dâng tặng của Thiên Chúa về một dấu liên hệ tới một sự trấn an của Người trước nỗi sợ hãi của vua và toàn dân vì những đe dọa bên ngoài và đến từ phàm nhân. Dựa trên ngữ cảnh đáp trả của A-khát trước yêu cầu của Thiên Chúa, chúng ta nhận ra sự từ chối xin dấu như một thất bại của đức tin, một sự không không sẵn sàng để được Thiên Chúa trấn an. A-khát nghĩ rằng, trước tình thế ngàn cân treo sợi tóc của quốc gia như thế, có kêu cầu Thiên Chúa cũng chỉ làm phiền lòng Thiên Chúa thôi. Ông quay sang cậy dựa vào các thế lực trần gian vốn được tạo thành bởi các liên minh quân sự. Thiên Chúa qua miêng ngôn sứ đáp trả cách giận dữ: “Nghe đây hỡi nhà Đa-vit, các người làm phiền lòng thiên hạ chưa đủ ư, mà còn muốn làm phiền lòng Thiên Chúa nữa.” Nhưng dù vậy, Thiên Chúa vẫn vượt qua thái độ cứng tin của vua và toàn dân, ban cho họ một dấu để chứng thực lời loan báo của ngôn sứ: Này đây người trinh nữ sẽ thụ thai, sẽ sinh một con trai và đặt tên là Emmanuen. Những câu sau đó (Is 7, 15 – 17) giải thích rằng đứa trẻ này, cho đến thời trưởng thành, “thời biết bỏ cái xấu để chọn điều tốt” sẽ đem lại cho vua và cho dân, cho thân phụ của vua những ngày chưa từng có. Theo các nhà Kinh Thánh, đó là một thời kỳ phồn vinh thịnh đạt, thời phục hưng quốc gia và tôn giáo sau lưu đày. Đây không phải là doạn văn duy nhất trong Isaia nói về sự sinh hạ của một em bé như dấu chỉ của niềm hy vọng (Is 9, 1 – 7). Ở đây Tin Mừng được ngôn sứ mang tới không phải bởi việc một trinh nữ mang thai và sinh con nhưng bởi tên của đứa trẻ “Emmanuen” - nghĩa là Thiên Chúa ở cùng chúng ta. Sự cứu thoát sẽ đến, dù ngôn sứ không cho một thời gian nhất định, nhưng chắc chắn không qua những liên minh nhân loại hay sức mạnh quân đội nhưng qua sự can thiệp thần linh, bởi một vị Thiên Chúa đã hứa và luôn giữ lời. [1]
Thánh Matthew trình thuật về việc thụ thai sinh ra của Chúa Giê-su theo quan điểm của thánh Giuse. Sau khi giải thích cho Giuse trong giấc mơ về sự thu thai bởi Thánh Thần của Maria và đề nghị ông đón Maria về nhà làm vợ của mình, sứ thần không quên mạc khải về sứ mạng của Hài Nhi “chính Người sẽ cứu dân mình khỏi tội.” Thánh Matthew chú giải thêm “Tất cả sự việc xảy ra là để ứng nghiệm lời Thiên Chúa phán xưa qua miệng ngôn sứ: Này đây trinh nữ sẽ thụ thai và sinh hạ một người con trai, người ta sẽ gọi tên con trẻ là Emmanuen, nghĩa là Thiên Chúa ở cùng chúng ta.” Điều gây bất ngờ với Giuse và với mọi người qua dòng lịch sử không phải chỉ là sự trung thành với lời hứa cứu độ của Thiên Chúa nhưng là cách Thiên Chúa thực hiện lời hứa đó. Một cách thế đầy rủi ro và dường như tùy thuộc vào quyết định của một chàng trai thợ mộc bình thường như Giuse. Vâng! chỉ cần một phút nóng vội, mất kiểm soát bản thân; chỉ cần một phút Giuse để cho sự ghen tuông và cảm giác bị bội phản chiến thắng; chỉ cần một chút để cho óc nệ luật chiến thắng tình yêu; và chỉ cần một chút Giuse đặt quyền lợi, danh dự của mình lên trên danh dự và mạng sống của hai mẹ con Maria, thì kế hoạch mà Thiên Chúa chuẩn bị cách công phu sẽ phá sản. Trong nghĩa này, Thiên Chúa dám liều mất tất cả vì tình yêu với con người. Sự liều lĩnh của Thiên Chúa không những không giảm bớt mà có vẻ con gia tăng trong Đức Ki-tô và nơi Hội Thánh của Người. Để hoàn thành kế hoạch yêu thương của mình, Thiên Chúa Cha không chỉ sai Con đến trần gian để thực hiện một cuộc dạo mát hay một cuộc viếng thăm với tiền hô hậu ủng mà để hiến mạng sống làm giá chuộc nhân loại qua cái chết trên thập giá. Chính nơi cái chết thập giá của Con Mình, Thiên Chúa Cha đã đẩy Con Mình đến tận cùng của nỗi đạu và sự cô đơn để một khi “tiếng vâng” được công bố và hoàn tất nơi cái chết của Con, sẽ không còn bất cứ đau khổ, thử thách và nguy hiểm nào có thể khiến những ai thuộc về Người nói tiếng “không như tổ tiên trong vườn địa đàng nữa.” Thánh Phaolo quả quyết “dù sự chết hay sự sống...dù hiện tại tương lai hay bất cứ quyền năng kể cả cái chết, không gì có thể tách chúng ta ra khỏi tình yêu Thiên Chúa trong Đức Ki-tô.”
Bài đọc thứ hai, trích thư thánh Phaolo Tông Đồ gởi tín hữu Roma cũng cho thấy cách thức yêu thương cứu độ đặc biệt của Thiên Chúa trong Đức Ki-tô khi chọn Phaolo làm tông đồ của dân ngoại. Như tất cả chúng ta đã biết: Phaolo được gọi để làm tông đồ cho Đức Ki-tô trong khi chính ông đang tìm bắt và tiệu diệt những ai thuộc về Người. Lịch sử nhân loại hôm qua hôm nay chắc hiếm có ai dùng những đối thủ thậm chí kẻ thù cho những công việc của mình hoặc có dùng cũng ở trong sự cảnh giác cao độ. Chính những nhà lãnh đạo Hội Thánh buổi đầu cũng dè dặt và lo lắng khi Phaolo trở lại và thành người rao giảng Tin Mừng. Thiên Chúa trong Đức Ki-tô thì ngược lại: Người biến Phaolo thành khí cụ săc bén của mình. Phaolo được trao sứ mạng tông đồ mà không cần phải đáp ứng những tiêu chuẩn của một ứng viên làm tông đồ: cùng sống với Chúa Giê-su từ lúc người chịu phép rửa cho đến ngày Người lên trời và là chứng nhân cuộc khổ nạn và phục sinh của Chúa. Phaolo được trao ban Tin Mừng ĐGSKT để loan báo cho dân ngoại cũng không theo đường lối tông truyền nhưng trực tiếp từ Đức Ki-tô Phục Sinh. Người không học từ bất cứ tông đồ nào nhưng từ chính Chúa Ki-tô. Thiên Chúa đã không lầm, chính nhờ Phaolo, mà Tin Mừng được loan báo vượt ra khỏi biên giới Giê-ru-sa-lem, Giu-đêa, Samaria để đến tận cùng thế giới mà Roma chính là biểu tượng. Sách Công Vụ Tông Đồ kết thúc với việc Phaolo đã tới Roma để gặp gỡ và loan báo Tin Mừng. Cũng nhờ Phaolo, qua các lá thư gởi cho các giáo đoàn do thánh nhân thiết lập trong các hành trình truyền giáo mà chúng ta có được một sự hiểu biết sâu rộng hơn về giáo huấn của Chúa Ki-tô cũng như mầu nhiệm về chính Người.
Lạy Thiên Chúa Ba Ngôi toàn năng chí thánh, xin ban cho chúng con đôi mắt tâm hồn để chúng con nhận ra những đường lối yêu thương bất ngờ của Chúa trong đời mình, nơi anh em và cả thế giới này. Xin giúp chúng con biết kiểm soát tốt con người cùng với những phản ứng tiêu cực và nguy hiểm bằng sự bình tĩnh, thinh lặng, khôn ngoan suy xét trong cầu nguyện và hướng dẫn của Thần Khí trong những nghịch cảnh. Xin giúp chúng con dám vượt qua những lỗi lầm quá khứ nơi mình và nơi anh em để đón nhận và thực thi ý Chúa trong những trang huống cụ thể của cuộc đời. Lạy Chúa Giê-su, mùa vọng sắp kết thúc, giáng sinh gần kề, xin giúp chúng con nhận diện và loại trừ những yếu tố khiến lời Chúa bị chết ngạt và khộng hạ sinh nơi cuộc sống của chúng con. Xin giúp chúng con biết dành thời gian còn lại của mùa vọng để chăm chút Lời đã được gieo vào trong tâm hồn chúng con, để ngày giáng sinh của Chúa cũng trở thành ngày lời Chúa được giáng sinh trong đời chúng con và thành Tin Mừng cho những anh chị em của chúng con. Lạy Chúa xin ban thêm niềm tin và lòng trông cậy cho chúng con. Amen
[1] Gene M. Tucker, “The Book of Isaiah 1–39,” in New Interpreter’s Bible, ed. Leander E. Keck, vol. 6 (Nashville: Abingdon Press, 1994–2004), 112.
MỤC LỤC CÁC BÀI SUY NIỆM
Suy niệm 3: Thánh Giu-se, người công chính - Lm. Giacôbê Tạ Chúc
Sống trong cuộc đời thiếu gì những hoàn cảnh éo le, đôi khi làm cho chúng ta không biết phải giải quyết thế nào, cho hợp tình hợp lý. Đứng trước những thực tại mà có khi người trong cuộc, bị đẩy vào con đường tưởng như không lối thoát. Thánh Giuse, trước khi về chung sống với Đức Trinh Nữ Maria, thì lại rơi vào cảnh huống dở khóc, dở cười, Maria đã mang thai.
Làm sao lý giải được, dẫu cho đó là việc sắp đặt của thánh ý Thiên Chúa, qua quyền năng của Chúa Thánh Thần, nhưng cứ đặt vào hoàn cảnh của Ông Giuse, thì liệu chúng ta có dễ dàng đón nhận bao miệng tiếng thị phi, và có đủ tỉnh táo mà dằn lòng lại, vì nghĩ rằng, người bạn đời đã chơi khăm mình không. Kinh Thánh luôn đặt để cho Giu-se một danh xưng là: người công chính. Công chính tức là người kính sợ Thiên Chúa, và luôn thực thi những điều Người truyền dạy. Khác hẳn mọi suy nghĩ, cũng như tính toán của con người. Giuse đã có những quyết định của một con người khiêm nhu, và tôn trọng sự thánh thiện của người bạn đời. Có lẻ nên: “Đào vi thượng sách”, cho dù ý định này cũng không phải là tích cực, nhưng thà như vậy, rút êm và cứ để lại mọi chuyện của Thiên Chúa, thì chắc Ngài cũng sẽ lo liệu. Nhưng không phải vậy, vì: “Áo mặc đâu qua khỏi đầu”, trong lúc toan tính như thế, thì Sứ thần Chúa, hiện đến báo mộng cùng ông rằng: “Này ông Giuse, con cháu Đa-vít, đừng ngại đón nhận bà Maria vợ ông về, vì người con bà cưu mang là do quyền năng Chúa Thánh Thần”(Mt 1,20). Thoạt nghe có vẻ đơn giản quá, việc đại sự mà Thiên Chúa giải quyết một cách chóng vánh thế ư? Thánh Giuse đang định tâm bỏ đi, vì ông không muốn lên án bạn mình, cũng như không muốn chịu cảnh: “Ách giữa đàng lại quàng vào cổ”. Hẳn không như vậy, những người như Thánh Giu-se, chắc phải có một nhạy bén rất tinh tế, của tiếng nói xuất phát tận đáy lòng, và nhất là có thể biện phân được đâu là tiếng nói đến từ Thiên Chúa. Việc báo mộng cho Giu-se không phải xảy ra một lần này, mà sau này, cũng chính sứ thần Chúa hiện đến báo mộng cho Thánh Giu-se, đang đêm chỗi dậy, đem Hài Nhi và mẹ người trốn sang Ai-cập (Mt 2,13-15). Từ đó có thể thấy được, mối tâm giao giữa Giu-se và Thiên Chúa, mật thiết là dường nào, đến nỗi trong những hoàn cảnh có tính chất quyết định, thì Giu-se đã rất tỉnh táo, và khôn ngoan để dìu dắt gia đình mình, đi theo đúng với ý định của Thiên Chúa. Đừng lầm tưởng với những giấc mơ của trần gian: mơ nhà cao cửa rộng, vợ đẹp con xinh, công thành danh toại. Giấc mơ bé bỏng của những người công chính, như Thánh Giu-se, là sao cho thánh ý Chúa được thực hiện. Và công trình cứu độ của Đấng Thiên sai, không bị trở ngại, hay chậm trễ, để Đấng là Em-ma-nu-el mau ngự đến với con người.
Cánh cửa của mùa Vọng dần khép lại, và cửa mở lối dẫn đến hang đá Bê-lem cũng đã sáng lên, những con người chuẩn bị cho Đấng Cứu Thế ngày giáng lâm cũng đã được các Thánh ký, những người ghi chép Tn mừng, giới thiệu hầu như gần hết. Thánh Giu-se và Mẹ Maria như là một hành trình của niềm trông đợi, nơi dân Do Thái, được cô đọng lại trong biến cố lớn lao của một đêm Giáng sinh tràn đầy ơn thánh.
MỤC LỤC CÁC BÀI SUY NIỆM
Suy niệm 4 - Lm. Phêrô Nguyễn Thiên Cung
1- Sứ điệp nguyên thủy :
(1) Khi mời gọi “đọc” Is 7, 10-14 và Rm 1, 1-7 qua lăng kính Mt 1, 18-24, Phụng vụ Lời Chúa Chúa Nhật IV Mùa Vọng A hôm nay cho thấy khi sáng tạo nên các thụ tạo, Thiên Chúa-Ba Ngôi đã có một kế hoạch tình yêu cho chúng, vốn được diễn ra tuần tự, qua từng giai đoạn, qua nhiều trung gian, và khi thời gian đến hồi viên mãn, Ngài sai chính Con của Ngài làm người, qua trung gian Đức Maria, một trinh nữ, con của loài người, như được phản ảnh, trước tiên, trong Is 7, 10-14 : ở đây, cho thấy việc Đức Giêsu, Con và Ngôi Lời Thiên Chúa làm người đã được loan báo trước bởi các ngôn sứ từ xa xưa, theo như kế hoạch của Thiên Chúa [“Ông Isaia bèn nói : ‘Nghe đây, hỡi nhà Đavit, các ngươi làm phiền thiên hạ chưa đủ sao, mà còn muốn làm phiền cả Thiên Chúa của tôi nữa ? Vì vậy, chính Chúa Thượng sẽ ban cho các ngươi một dấu : Này đây người trinh nữ sẽ mang thai, sẽ sinh hạ con trai, và đặt tên là Emmanuen’.” (7, 13-14)]…
(2) Thứ đến, trong Rm 1, 1-7 : ở đây, cho thấy Đức Giêsu-Kitô mang trong mình nguồn gốc “kép”, do tự nguồn gốc Thiên Chúa, Ngài là Con Thiên Chúa và là Thiên Chúa thật, do tự nguồn gốc nhân loại, Ngài là con của Đức Maria, và thuộc dòng dõi vua Đavit, và là con người thật [“Tôi là Phaolô, tôi tớ của Đức Giêsu-Kitô, được gọi làm Tông Đồ, và dành riêng để loan báo Tin Mừng của Thiên Chúa, mà xưa Ngài đã dùng các ngôn sứ của Ngài mà hứa trước trong Kinh Thánh. Đó là Tin Mừng về Con của Ngài là Đức Giêsu-Kitô, Chúa chúng ta. Xét như một người phàm, Đức Giêsu-Kitô xuất thân từ dòng dõi vua Đavit. Nhưng xét như Đấng đã từ cõi chết sống lại nhờ Thánh Thần, Ngài đã được đặt làm Con Thiên Chúa với tất cả quyền năng.” (1, 1-4)]…
(3) Sau cùng, trong Mt 1, 18-24 : ở đây, cho thấy Đức Giêsu-Kitô chính là Con và là Ngôi Lời của Thiên Chúa làm người, và là Đấng mà các ngôn sứ đã từng loan báo, là “Thiên Chúa ở cùng chúng ta” (Emmanuen), là “Thiên Chúa siêu độ” (Jesus), là Đấng Thiên Sai của Thiên Chúa [“Sứ thần liền nói : ‘…Này đây bà sẽ thụ thai, sinh hạ một con trai, và đặt tên là Giêsu. Ngài sẽ nên cao cả, và sẽ được gọi là Con Đấng Tối Cao.’ Sứ thần đáp : ‘Thánh Thần sẽ ngự xuống trên bà, và quyền năng Đấng Tối Cao sẽ toả bóng trên bà; vì thế, Đấng Thánh sắp sinh ra sẽ được gọi là Con Thiên Chúa’.” (1, 31-32a.35)]…
2- Sứ điệp cho ngày hôm nay :
(1) Mọi vương quyền dựa trên bạo lực và sức mạnh phàm nhân đều sẽ có ngày sụp đổ [kể cả vương triều của Đavít], chỉ vương quyền dựa trên tình yêu và tự do mới vững bền thiên thu…
(2) Triều đại của Đức Giêsu-Kitô, Con Đấng Tối Cao “sẽ vô cùng vô tận”, vì thế, chính Ngài là Đấng đáng cho con người đặt trọn vẹn niềm tin, niềm hy vọng và lòng mến của mình, mà không sợ gì phải hối tiếc…
(3) “Xin hãy đến! Lạy Đức Giêsu-Kitô!” (Kh 22, 20)…
MỤC LỤC CÁC BÀI SUY NIỆM