Lời Chúa: Ga 1, 29-34
Ngày hôm sau, Gioan thấy Chúa Giêsu đến với mình thì nói: “Đây Chiên Thiên Chúa, đây Đấng xoá tội trần gian. Đây chính là Đấng mà tôi đã nói rằng: ‘Có người đến sau tôi, nhưng cao trọng hơn tôi, vì Người vốn có trước tôi’. Phần tôi, trước tôi không biết Người, nhưng tôi đã đến làm phép rửa bằng nước để Người được tỏ mình ra trong Israel”.
Và Gioan đã làm chứng rằng: “Tôi đã thấy Thánh Thần, như chim bồ câu, từ trời xuống ngự trên Người. Và trước tôi không biết Người, nhưng Đấng đã sai tôi làm phép rửa trong nước bảo tôi: ‘Ngươi thấy Thánh Thần ngự xuống trên ai, thì chính người đó là Đấng làm phép rửa trong Thánh Thần’. Tôi đã thấy và làm chứng rằng: Người là Con Thiên Chúa”.
MỤC LỤC CÁC BÀI SUY NIỆM
Suy niệm 1: Ki-tô giáo không phải là một hệ thống giáo lý hay giới răn nhưng là sống tương quan Ở LẠI trong Chúa Ki-tô - Lm. Augustinô
Suy niệm 2: Sự hoán cải nơi những người tốt lành - Lm. Giuse Nguyễn Trọng Sơn
Suy niệm 3 - Lm. Phêrô Nguyễn Thiên Cung
Suy niệm 4: Nhìn thấy Thiên Chúa - TGM Giuse Ngô Quang Kiệt
Suy niệm 1: Ki-tô giáo không phải là một hệ thống giáo lý hay giới răn nhưng là sống tương quan Ở LẠI trong Chúa Ki-tô - Lm. Augustinô
Anh chị em thân mến! Chúng ta thường phân biệt người có đạo với người ngoại đạo bằng việc lãnh nhận bí tích Thánh Tẩy. Cũng thế, việc sống đạo, giữ đạo cũng căn cứ trên việc tham dự các bí tích, nhất là bí tích Thánh Thể và các việc đạo đức bình dân. Người bị coi là bỏ đạo là những người không còn thực hành các hoạt động mang tính tôn giáo nữa. Chúng ta không phủ nhận những cách phân biệt ở trên. Tuy nhiên, nếu chỉ đơn thuần dựa vào những dấu hiệu này có thể hàm chứa những thiếu sót. Đối với các tôn giáo hay đạo khác, có thể đó là những con đường đưa con người đến với thần linh hoặc tới một cuộc sống hạnh phúc viên mãn. Ki-tô giáo không phải là một con đường, một hệ thống giáo lý đưa con người đến với Thiên Chúa nhưng là một con người – Đức Giê-su Ki-tô, Đấng là Đường, Sự Thật và là Sự Sống. Do đó, Ki-tô giáo là một tương quan giữa con người với Thiên Chúa nhờ Đức Giê-su Ki-tô và trong Thánh Thần. Chính mối tương quan này quyết định phẩm chất, tư cách Ki-tô Hữu của mỗi chúng ta. Tất cả các hoạt động tôn giáo đều nhắm bày tỏ, củng cố và phát triển tương quan của người tin với Thiên Chúa. Do đó, chúng sẽ trở nên vô giá trị nếu không giúp con người lớn lên trong tương quan với Chúa và anh em.
Trong Cựu Ước, Thiên Chúa qua miệng ngôn sứ đã nhiều lần lên án dân Người về một nền phụng tự hình thức, thiếu chiều sâu và nhất là không có tình yêu và lòng nhân từ. Chúa Giê-su cũng cảnh báo lối sống đạo trên môi miệng “lạy Chúa” nhưng lại không tin tưởng, vâng phục và thực hành thánh ý Chúa. Người phê phán “dân này thờ kính ta ngoài miệng nhưng lòng chúng lại rất xa Ta.” Hôm qua, chúng ta đã suy niệm về tầm quan trọng của tương quan giữa người tin với Chúa biểu lộ qua “sự ở lại, sự tương tại, hiệp thông với Chúa và với nhau trong tình yêu.” Đây được coi là đỉnh cao của mối tương quan giữa người tin với Thiên Chúa. Một khi có được tương quan “ở lại trong nhau” như thế, người tin sẽ sinh hoa quả dồi dào và chiến thắng thế gian là những kẻ phản Ki-tô, những tiến sĩ giả, những kẻ lừa dối. Đoạn sách mà chúng ta vừa nghe cho chúng ta hai tiêu chuẩn để xét mình về tư cách con Thiên Chúa của chúng ta với Thiên Chúa Cha; và với Chúa Ki-tô. Thánh nhân viết: Thiên Chúa yêu chúng ta đến nỗi cho chúng ta được gọi là con Thiên Chúa và thực sự là thế. Chúng ta biết rằng, qua Bí Tích Thánh Tẩy, bí tích của đức tin, chúng ta được gọi và thực sự là con Thiên Chúa. Tiêu chuẩn để chứng thực tư cách con Thiên Chúa chính là sống công chính như Thiên Chúa là Đấng Công Chính. Chúa Giê-su của thánh Matthew nói về cuộc sống mới của người môn đệ trong bài giảng trên núi: “các con hãy nên hoàn thiện như Cha trên trời là đấng hoàn thiện.”Chúng ta không thể là con nếu tách rời sự hiệp thông với Chúa Ki-tô vì chính nhờ cái chết và sự phục sinh của Người, chúng ta trở nên “những người con trong Con.” Chúa Giê-su đã khẳng định điều này sau khi sống lại: Thầy lên cùng Cha của Thầy cũng là Cha của anh em, lên cùng Thiên Chúa của Thầy cũng là Thiên Chúa của anh em. Một trong những biểu hiện của mối liên hệ với Chúa Ki-tô theo thánh nhân là “đặt hy vọng vào Chúa Ki-tô qua việc làm cho mình nên thanh sạch như Chúa Ki-tô là Đấng Thanh Sạch.” Cuối cùng, sự biểu lộ của tương quan với Chúa Cha và Chúa Ki-tô trong tư cách một người con trong Con là xa tránh tội lỗi. Thánh nhân dùng kiểu nói “ở lại trong tội” để đối nghịch ở lại trong Chúa. Ở lại trong tội là một tình trạng thường tồn không chịu sám hối quay về bên Chúa, Đấng giàu lòng thương xót và thứ tha. Tóm lại, tiêu chuẩn để chứng thực tư cách con Chúa của chúng ta chính là xa tránh tội lỗi thay vì ở lại trong nó; sống công chính như Thiên Chúa và thanh sạch như chính Đức Ki-tô, Đấng gánh tội trần gian và dùng cái chết của Người để thanh tẩy chúng ta sạch mọi tội lỗi.
Lạy Chúa Giê-su giáng sinh, chúng con thường bằng lòng và coi đó là biểu hiện sống đạo qua việc xưng tội và rước lễ Đêm Giáng Sinh, trong khi tâm hồn chúng con chẳng có chỗ cho Chúa ở lại trong chúng con và chắng có giờ để chúng con ở lại với Chúa trong tình yêu. Mùa vọng trải dài với 4 tuần lễ và 2 tuần giáng sinh cũng chẳng thể thay đổi cuộc sống vốn đã trở nên cằn khô sỏi đá và đầy gai nhọn trước Chúa và ân sủng của Chúa. Xin cho Lời Chúa hôm nay thay đổi cách sống đạo nơi chúng con, để không chỉ chú trọng tới các nghi lễ hay việc đạo đức hàng ngày, mà còn là và nhất là chú tâm tới việc xây dựng lối sống xa tránh tội lỗi, sống công chính và thanh sạch như Chúa đã dạy và nêu gương. Amen
Trong diễn văn với giáo triều Roma vào ngày 22/12/2022, Đức Thánh Cha Phanxicô nói về sự hoán cải nơi những người được coi là tốt lành. Những người được coi là tội lỗi, là “bỏ nhà ra đi” (như dụ ngôn người con trai hoang đàng) thì dễ nhận ra và người ta lên án những người đó; nhưng người ta không nhận ra rằng những người tốt lành “vẫn ở lại trong nhà” cũng cần được hoán cải, mà nhiều khi tình trạng này còn đáng sợ hơn, như Đức Thánh Cha dùng lại hình ảnh của Tin Mừng để nói rằng, đó là tình trạng của những tâm hồn đã được trừ quỷ, nhưng nay con quỷ ấy lại rủ thêm bảy con quỷ nữa trở lại chiếm lấy tâm hồn này! Tình trạng này khó nhận biết, vì người trong cuộc luôn nghĩ mình đã thánh thiện nên không nhận ra tình trạng mới của mình! Đức Thánh Cha muốn nói về tình trạng của những người “cầm tù sứ điệp của Chúa Kitô”, không đọc được cách đầy đủ và cách mới mẻ sứ điệp của Tin Mừng cho hoàn cảnh hiện tại, và do đó, họ không hoán cải (x. Diễn văn số 3).
Ông Gioan Tẩy Giả, một con người thánh thiện được những người đương thời trân trọng, nhưng chính ông cũng phải khám phá cách thức thực hiện ơn cứu độ của Chúa Giêsu Kitô để thay đổi suy nghĩ của mình, và như thế có thể nói rằng chính ông cũng phải hoán cải. Ông nói về Đấng Kitô là “Chiên Thiên Chúa” (Ga 1,29), tức là như con chiên hiến tế, nhưng ông cũng chưa hiểu, vẫn rao giảng về một Đức Kitô phán xử. Và vì thế, khi ở trong tù, ông sai môn đệ đi hỏi Đức Giêsu, ông phải thay đổi cách suy nghĩ của mình và ông đã hoán cải.
Các tội nhân gây khó khăn cho người khác và làm tổn thương cho Giáo Hội, nhưng ngay cả những người tưởng mình tốt lành theo kiểu “bất động” (x. Diễn văn số 3), không để cho Thánh Thần đưa vào “sự thật toàn vẹn” (x. Ga 16,13) thì còn làm khốn khổ người khác với những phê phán, những lời lên án gắt gao và còn làm thiệt hại cho Giáo Hội, cho các cộng đoàn đức tin gấp nhiều lần như tác hại của bảy con quỷ vậy!
1- Sứ điệp nguyên thủy :
(1) Khi mời gọi “đọc” 1 Ga 2, 29 – 3, 6 qua lăng kính Ga 1, 29-34, Phụng vụ Lời Chúa hôm nay cho thấy tình trạng hạnh phúc hay bất hạnh, “là mình” hay “không còn là mình”, tùy thuộc vào việc con người “có” Thiên Chúa trong mình hay không, như được phản ảnh, trước tiên, trong 1 Ga 2, 29 – 3, 6 : ở đây, cho thấy Đức Giêsu-Kitô hằng luôn yêu Cha, vì thế, hằng luôn “có” và “ở trong” Cha và Chúa Thánh Thần, do đó, hằng luôn “thấy” và “biết” Cha và Chúa Thánh Thần; vì thế, Đức Giêsu-Kitô không chỉ là Đấng Thánh, “Đấng thanh sạch” (3, 3), nơi Ngài không có tội lỗi (3, 5), mà còn chính là Đấng “xoá bỏ tội lỗi” (3, 5) và ai đặt niềm hy vọng nơi Ngài, được ở trong Ngài, được “nên giống như Ngài” (3, 2b), “làm cho mình được nên thanh sạch” (3, 3)…
(2) Thứ đến, trong Ga 1, 29-34 : ở đây, cho thấy Đức Giêsu-Kitô, Đấng mà nơi Ngài có Thần Khí hiện diện, chính là “Chiên Thiên Chúa” không chỉ gánh mà còn khử trừ tội trần gian, bằng phép rửa trong Thánh Thần, từ đó, khôi phục lại sự sống tình yêu vĩnh hằng trong Thiên Chúa-Ba Ngôi cho toàn thể nhân loại [“Gioan liền nói : ‘Đây là Chiên Thiên Chúa, đây Đấng xóa bỏ tội trần gian’.” (1, 29)…
2- Sứ điệp cho ngày hôm nay :
“Là thánh” có nghĩa là được “ở trong Thiên Chúa-Ba Ngôi” qua Đức Giêsu-Kitô, vốn là Đấng Thánh…
“Phúc cho ai có lòng trong sạch vì họ sẽ nhìn thấy Thiên Chúa”. Thánh Gioan Tẩy giả có tâm hồn trong sạch nên Ngài đã nhìn thấy Thiên Chúa. Ngài trong sạch vì không vướng mắc tội lỗi. Được khỏi tội từ khi còn trong lòng mẹ. Và từ khi sinh ra cho tới khi qua đời, Ngài luôn giữ tâm hồn trong sạch. Trong sạch trong đời sống khổ hạnh. Sống trong sa mạc, ăn châu chấu và mật ong, mặc áo da thú. Sự phấn đấu trong đời sống khổ hạnh làm chứng một tâm hồn mạnh mẽ. Một tâm hồn mạnh mẽ như thế không để tội lỗi len lỏi vào được. Trong sạch không để tâm hồn ô nhiễm thói đời. Khiêm nhường dù lúc đã nổi danh và được nhiều người mến mộ. Không nhận những gì không phải của mình. Nói sự thật để người khác đừng gán cho mình những danh hiệu và những vinh dự không phải thuộc về mình.
Vì thế nên Ngài đã nhìn thấy Thiên Chúa. Nhìn Thấy Thiên Chúa kể cả khi Thiên Chúa ẩn thân trong xác phàm, ẩn mình trong đám đông, ẩn mình xếp hàng giữa những người tội lỗi đến xin chịu phép rửa. Ngài nhìn thấy Thiên Chúa theo lời Chúa Cha đã hứa: “Tôi đã không biết Người. Nhưng chính Đấng sai tôi đi làm phép rửa trong nước đã bảo tôi: ‘Ngươi thấy Thần Khí xuống và ngự trên ai, thì người đó chính là Đấng làm phép rửa trong Thánh Thần’. Tôi đã thấy, nên xin chứng thực rằng Người là Đấng Thiên Chúa tuyển chọn”. Vì thế khi Đức Ki-tô đến, ngài có thể giới thiệu một cách chính xác: “Đây là Chiên Thiên Chúa, đây Đấng xoá bỏ tội trần gian”.
Thánh Gio-an Tẩy giả sống công chính vì được Thiên Chúa sinh ra. Như thư Gio-an dạy: “Phàm ai sống công chính thì đã được Thiên Chúa sinh ra”. Đức Ki-tô xuất hiện và ngài nhận biết. Vì ngài thanh sạch. Như thư Gio-an dạy: “Phàm ai đặt hi vọng như thế vào Đức Ki-tô thì làm cho mình nên thanh sạch như Người là Đấng thanh sạch”. Thánh Gio-an nhận biết Chúa vì luôn ở trong Chúa và thanh sạch. “Phàm ai ở lại trong Người thì không phạm tội. Còn ai phạm tội thì đã không thấy Người, và cũng chẳng biết Người”.
Hãy sống trong sạch, ta sẽ được nhìn thấy Chúa. Sẽ được biết Chúa. Sẽ được ở trong Chúa. Đó là điều quan trọng nhất đời ta.
MỤC LỤC CÁC BÀI SUY NIỆMTác giả: Truc Ho Si
Ý kiến bạn đọc
Những tin mới hơn
Những tin cũ hơn