NGÀY 19/12 - MÙA VỌNG
"Thiên Thần Gabriel báo trước việc Gioan Tẩy Giả sinh ra".
Tin Mừng: Lc 1, 5-25
Vào thời Hêrôđê làm vua xứ Giuđêa, có một tư tế tên là Giacaria, thuộc phiên ban Abia, và vợ ông bởi dòng dõi Aaron, tên là Elisabéth.
Cả hai là người công chính trước mặt Thiên Chúa, ăn ở theo mọi giới răn và lề luật của Chúa, không ai trách được điều gì.
Nhưng họ lại không con, vì Elisabéth son sẻ, và cả hai đã đến tuổi già.
Xảy ra khi Giacaria chu toàn chức vụ tư tế trước mặt Thiên Chúa, theo lượt của phiên mình như tục lệ hàng tư tế, ông bắt thăm và trúng việc vào cung thánh Chúa mà dâng hương.
Ðang lúc toàn thể đám đông dân chúng cầu nguyện bên ngoài, trong giờ dâng hương.
Bấy giờ Thiên Thần Chúa hiện ra cùng ông, đứng bên phải hương án.
Giacaria thấy vậy hoảng hốt, sự kinh hoàng đột nhập vào ông.
Nhưng Thiên Thần nói với ông rằng: "Giacaria, đừng sợ, vì lời ngươi cầu nguyện đã được nhậm rồi.
Elisabéth vợ ngươi sẽ hạ sinh cho ngươi một con trai, và ngươi sẽ gọi tên trẻ là Gioan.
Ngươi sẽ được vui mừng hân hoan, và nhiều người cũng sẽ vui mừng, vì việc trẻ sinh ra.
Vì trẻ nầy sẽ nên cao trọng trước mắt Chúa, sẽ không uống rượu và thức có men, sẽ được tràn đầy Thánh Thần ngay từ lòng mẹ, sẽ đem nhiều con cái Israel trở về cùng Chúa là Thiên Chúa.
Trẻ nầy sẽ đi trước Người, trong thần trí và quyền lực của Elia, để đổi lòng dạ cha ông về với con cháu, kẻ ngổ nghịch về lại với lương tri của những người công chính, dọn cho Chúa một đoàn dân chuẩn bị.
Giacaria thưa với Thiên Thần rằng: "Làm sao tôi biết được, vì tôi đây đã già, và vợ tôi cũng đã cao niên?"
Thiên Thần liền đáp: "Ta là Gabriel, ta đứng chầu trước mặt Thiên Chúa, ta được sai đến nói với ngươi, và báo cho ngươi tin lành nầy.
Thì đây, ngươi sẽ nín câm và không nói được, cho đến ngày các điều ấy xảy ra; bởi vì ngươi đã không tin lời ta, là những lời sẽ nên trọng khi đến thời của chúng".
Dân chúng đang trông đợi Giacaria, lấy làm lạ vì ông ở lâu trong cung thánh.
Nhưng lúc ra, ông không nói được, và họ biết ông đã thấy điềm lạ trong cung thánh.
Còn ông thì chỉ làm hiệu cho họ, và vẫn bị câm.
Khi những ngày thánh vụ của ông đã mãn, ông trở về nhà.
Sau những ngày ấy, Elisabéth vợ ông thụ thai, và bà ẩn mình trong năm tháng, bà nói rằng: "Chúa đã làm cho tôi thế nầy, trong những ngày Người đoái thương, cất nổi khổ nhục tôi khỏi người đời.
MỤC LỤC CÁC BÀI SUY NIỆM
Suy niệm 1 - Lm. Augustinô
Suy niệm 2 - Lm. Phêrô Nguyễn Thiên Cung
Suy niệm 3: Thiên Chúa "nhúng tay" vào lịch sử - Lm. Giuse Nguyễn Trọng Sơn
Suy niệm 1 - Lm. Augustinô
Anh chị em thân mến! cả hai bài đọc lời Chúa hôm nay như một phác họa nhằm giúp chúng ta chuẩn bị tâm hồn tiếp cận mầu nhiệm giáng sinh của Con Thiên Chúa làm người – một can thiệp mang tính chung cuộc và dứt khoát trong chương trình cứu độ của Thiên Chúa, không phải qua một trung gian nhân loại nhưng là người Con của Thiên Chúa. Sự can thiệp của Thiên Chúa trong cả hai câu chuyện truyền tin được nhấn mạnh qua một vài yếu tố
Trước hết là sự thụ thai của những người nữ bị coi là son sẻ và dĩ nhiên cần có sự can thiệp của Thiên Chúa. Sau những lời giới thiệu về gia đình, trình thuật đều nhấn mạnh tới sự son sẻ của hai người nữ. Trình thuật truyền tin thứ nhất chỉ đề cập đến tên của cha của Samson là Ma-nô-ác thuộc chi tộc Đan, còn người mẹ thì được nói đến là một người son sẻ và không sinh con. Cũng thế, trình thuật truyền tin thứ hai tuy có một lời giới thiệu khá dài về Gia-ca-ria và E-li-sa-bet được lồng vào khung cảnh chính trị và tôn giáo, (Tl 13, 2 – 3; Lc 1, 5 – 10) cùng với việc đề cao tư cách của họ là người công chính trước mặt Chúa, sống đúng theo mọi điều răn và mệnh lệnh của Đức Chúa, không ai chê trách được điều gì,” Luca vẫn không quên chi tiết quan trong “nhưng họ không có con vì bà Ê-li-sa-bet là người hiếm hoi và cả hai đều đã cao niên.” Thụ thai và sinh con vì thế, đối với hai người nữ này là không thể với con người. Chính Gia-ca-ria đã đưa ra điều này như lý do của việc từ chối tin vào lời của sứ thần “Dựa vào đâu mà tôi biết được điều ấy? Vì tôi đã già, và nhà tôi cũng đã cao niên.” Tình trạng của Gia-ca-ria và Ê-li-sa-bet do vậy còn khó khăn hơn so với cha mẹ Samson “không những vợ son sẻ mà cả hai đã quá tuổi để sinh con.” Thế nhưng Thiên Chúa đã biến điều không thể thành có thể qua sự can thiệp của Người.
Những dặn dò mang tính chỉ thị liên quan đến sứ mạng của con trẻ. Đối với đứa bé mang tên Samson, sứ thần chỉ thị cho mẹ cậu (1) bà phải kiêng cữ trong thời kỳ mang thai: không uống rượu và thức có men, cũng đừng ăn mọi thứ không thanh sạch; (2) đối với đứa bé, vì là một Na-dia của Thiên Chúa từ trong lòng mẹ, nghĩa là người thánh hiến cho Chúa và là người sẽ cứu Israel khỏi tay người Philitinh nên dao cạo không được lướt trên đầu của nó. Còn với Gioan Tẩy Giả, sứ thần chỉ thị cho Gia-ca-ria (1) phải đặt tên cho con trẻ là Gioan; (2) tỏ cho ông biết sự xuất hiện của Gioan sẽ đem lại niềm vui hoan hỉ cho nhiều người vì em sẽ nên cao cả trước mặt Chúa, sẽ được đầy Thánh Thần ngay khi còn trong lòng mẹ; (3) và cuối cùng tỏ cho Gia-ca-ria biết về sứ mạng của con trẻ “em sẽ đưa nhiều con cái Israel về với Đức Chúa là Thiên Chúa của họ. Được đầy Thần Khí và quyền năng của ngôn sứ Ê-li-a, em sẽ đi trước mặt Chúa, để đưa tâm hồn cha ông quay về với con cháu, để làm cho tâm tư kẻ ngỗ nghịch lại hướng về nẻo chính đường ngay, và chuẩn bị một dân sẵn sàng đón Chúa.”
Kết quả của lời loan báo cũng là sự can thiệp của Thiên Chúa. Vợ của Ma-nô-ác có thai và sinh được một con trai và đặt tên là Samson...Thần Khí Đức Chúa bắt đầu tác động trên Samson. Lịch sử cứu độ cũng cho thấy Samson đã cứu dân Israel khỏi tay người Philitinh như Thiên Chúa đã hứa. Ông là trung gian nhân loại mà Thiên Chúa dùng để cứu thoát dân của Người khỏi thảm họa diệt vong. Còn Gia-ca-ri-a trở về nhà sau ngày truyền tin, ít lâu sau Ê-li-sa-bet có thai và ẩn mình trong tâm tình tạ ơn Chúa đã cất nỗi khổ nhục của bà trước mặt người đời và chờ đợi ngày con trẻ chào đời. Không như Samson, Gioan không được trao sứ mạng cứu dân mà là tiền hô, người dọn đường, chuẩn bị dân đón Đấng Cứu Thế. Ông là người làm chứng cho Chúa Ki-tô là Ánh Sáng, là Con Yêu Dấu của Chúa Cha, Đấng được xức dầu Thánh Thần và là người chỉ cho mọi người Đấng Cứu Thế là Chiên Thiên Chúa, Đấng gánh tội trần gian. Chúa Giê-su tuyên bố Gioan còn hơn một ngôn sứ và là người cao trọng nhất trong những phàm nhân lọt lòng mẹ.
Khi cho con cái mình chiêm ngắm hành động cứu độ của Thiên Chúa qua hai câu truyện truyền tin, một cho người cứu Israel khỏi tay người Philitinh và người kia là tiền hô Đấng Cứu Thế, Mẹ Hội Thánh muốn con cái mình chuẩn bị tâm hồn để chiêm ngắm cuộc truyền tin có một không hai, một hành động cứu độ có tính chung cuộc của Thiên Chúa được thực hiện giữa sứ thần Gabriel với cô trinh nữ thuộc làng quê Nagiaret, để qua đó, NGÔI HAI CON THIÊN CHÚA XUỐNG THẾ LÀM NGƯỜI THÀNH EMMANUEN, THÀNH NGÔI LỜI XÁC PHÀM ĐỂ CỨU ĐỘ TOÀN THỂ NHÂN LOẠI THOÁT ÁCH TỬ THẦN VÀ THÀNH CON THIÊN CHÚA.
Lạy Chúa Thánh Thần, xin hãy đến mở tâm trí và cả con người chúng con để quy hướng về hành động cứu độ dứt khoát của Thiên Chúa. Xin ban cho chúng con đôi mắt biết sững sờ kinh ngạc trước kỳ công cứu độ của Chúa nơi mầu nhiệm nhập thể, để yêu mến, tin tưởng và hy vọng vào Chúa trong những cảnh huống khó khăn của cuộc đời của chúng con và thế giới. Maranatha! Lạy Chúa Giê-su, chúng con đã sẵn sàng, xin ngự đến cứu chúng con. Amen
MỤC LỤC CÁC BÀI SUY NIỆM
Suy niệm 2 - Lm. Phêrô Nguyễn Thiên Cung
1- Sứ điệp nguyên thủy :
(1) Khi mời gọi “đọc” Tl 13, 2-7.24-25a qua lăng kính Lc 1, 5-25, Phụng vụ Lời Chúa hôm nay vừa cho thấy sự hiện diện tình yêu của Thiên Chúa trong lịch sử loài người, vừa cho thấy vai trò của con người trong kế hoạch mặc khải và siêu độ của Thiên Chúa-Tình Yêu, như được phản ảnh, trước tiên, trong Tl 13, 2-7.24-25a : ở đây, cho thấy việc cưu mang Samson nơi “người mẹ son sẻ và không sinh con” là do có sự can thiệp của Thiên Chúa, với mục đích thực thi kế hoạch cứu độ của Ngài [“Đứa bé lớn lên, và Đức Chúa chúc lành cho nó. Thần Khí Đức Chúa bắt đầu tác động trên Samson.” (13, 24-25a)]…
(2) Thứ đến, trong Lc 1, 5-25 : ở đây, cũng vậy, việc cưu mang Gioan Tẩy Giả bởi một người mẹ vô sinh và tuổi đã cao niên là do có sự can thiệp của chính Thiên Chúa, nhằm thực thi kế hoạch của Ngài là dọn đường cho Con của Ngài đến [“Được đầy Thần Khí và quyền năng của tiên tri Êlia, em sẽ đi trước mặt Chúa, để đưa tâm hồn cha ông quay về với con cháu, để làm cho tâm tư kẻ ngỗ nghịch lại hướng về nẻo chính đường ngay, và chuẩn bị một dân sẵn sàng đón Chúa.” (1, 17)…
2- Sứ điệp cho ngày hôm nay :
Lạy Chúa, xin cho chúng con luôn cảm nghiệm được sự hiện diện của Chúa trong cuộc đời nầy !
MỤC LỤC CÁC BÀI SUY NIỆM
Suy niệm 3: Thiên Chúa "nhúng tay" vào lịch sử - Lm. Giuse Nguyễn Trọng Sơn
Câu chuyện về hai cặp vợ chồng trong các bài đọc hôm nay cho thấy một Thiên Chúa can thiệp vào lịch sử con người. Ông Manôác và vợ son sẻ không có con, ông Dacaria và bà vợ Êlisabét cũng thế, già cả mà không có con. Thiên Chúa đã can thiệp vào và làm cho họ có con không theo cách thức thông thường. Ông Dacaria bị câm đã trở thành dấu chỉ làm cho dân chúng nhận biết rằng Thiên Chúa đã can thiệp, đã có một cuộc thần hiện! Ở đây, ơn cứu độ được nhìn cách rất cụ thể: Thiên Chúa xoá nỗi tủi nhục không con của họ.
Tôi muốn dùng cách nói Thiên Chúa đã “nhúng tay vào” để chỉ một sự can thiệp tích cực của Thiên Chúa. Và tôi cũng muốn từ đó mà nói đến sự cộng tác của con người. Chính con người cũng phải “vén tay áo lên”, cũng phải “nhúng tay vào” để hoàn thành ơn cứu độ của mình.
Hai mẹ con Samson phải kiêng khem trong ăn uống. Samson trở thành “nadia” (nazir) tức là người được Chúa chọn để làm công việc của Ngài. Người ấy phải có những kiêng khem thích hợp. Ông Gioan Tẩy Giả cũng phải sống nếp sống kham khổ trong sa mạc.
Thiên Chúa là một Thiên Chúa lịch sử, có nghĩa là Ngài tỏ mình trong dòng lịch sử và để hướng dẫn lịch sử ấy đi về sự hoàn tất của nó. Vì thế, để nhận biết Thiên Chúa, chúng ta cũng phải biết nhìn và suy tư về lịch sử chung cũng như cá nhân, và để “làm công việc của Thiên Chúa” thì cũng không gì khác hơn là “nhúng tay” vào cuộc sống hàng ngày. Không biết nhìn thì sẽ không nhận ra Thiên Chúa và hành động của Ngài. Không biết “xăn tay áo lên” thì cũng không có ơn cứu độ và không có sự thánh thiện. Không biết nhìn ra sự thiêng thánh của đời thường, nhiều khi người ta phá hoại công trình của Thiên Chúa khi gây ra bất hoà, loại trừ nhau. Khi “ươn lười”, chỉ ngồi than vãn, chỉ “bàn ra”, mà không tham gia tích cực vào cuộc sống, thì đánh mất cuộc sống của mình và của người khác, thì đánh mất ơn cứu độ.
MỤC LỤC CÁC BÀI SUY NIỆM