suy niệm - Thứ Hai tuần 12 thường niên

Thứ hai - 26/06/2023 05:11
Lời Chúa: Mt 7, 1-5

Khi ấy, Chúa Giêsu phán cùng các môn đệ rằng: “Các con đừng đoán xét để khỏi bị đoán xét. Các con đoán xét thể nào thì các con cũng bị đoán xét như vậy.
Các con dùng đấu nào mà đong, thì cũng sẽ đong lại cho các con bằng đấu ấy.
Sao ngươi thấy cái rác trong mắt anh em, mà không thấy cái đà trong mắt ngươi? Hoặc sao ngươi bảo anh em: “Để tôi lấy cái rác ra khỏi mắt anh”, và này: cái đà đang ở trong mắt ngươi. Đồ giả hình, hãy lấy cái đà khỏi mắt ngươi trước đã, rồi ngươi sẽ thấy rõ để lấy cái rác ra khỏi mắt anh em ngươi”.


Suy Niệm 1: Lấy xà ra khỏi mắt
(Lm. Ant. Nguyễn Cao Siêu SJ.)


Mỗi ngày chúng ta đưa ra biết bao nhận xét về người khác.
Thầy cô phải nhận xét về học trò, cấp trên phải nhận xét về thuộc hạ.
Việc lượng giá về từng cá nhân thường rất cần thiết và hữu ích.
Trong đời sống tu trì, vẫn có chuyện anh em sửa lỗi cho nhau.
Nói chung, sống thì phải đưa ra những phán đoán về người khác.
Nhưng làm sao để phán đoán ấy không trở nên một xét đoán lệch lạc?
Đức Giêsu dạy ta biết cách xét đoán qua bài Tin Mừng hôm nay.
“Anh em đừng xét đoán”: thật ra Đức Giêsu không cấm mọi thứ xét đoán.
Ngài còn dạy các môn đệ biết cách phân biệt ngôn sứ giả và thật (Mt 7,15),
phân biệt người xứng đáng và người không xứng đáng (Mt 10, 11),
biết cách đề phòng thói xấu của nhóm Xađốc và Pharisêu (Mt 16, 6).
Đức Giêsu chỉ đòi các tín hữu sống trong cộng đoàn huynh đệ
phải tránh lối xét đoán thiếu bao dung, khắc nghiệt,
mà quên chính mình cũng có những lỗi lầm lớn hơn nhiều.
“Anh em xét đoán thế nào, thì cũng bị Thiên Chúa xét đoán như vậy” (c. 2).
Ngài muốn ta nhẹ tay và nhân từ khi cần phải xét đoán người anh em.
Vì cái đấu ta dùng để đong cho họ, Thiên Chúa sẽ dùng để đong cho ta.
Đấu đong đi càng lớn, đấu đong lại càng đầy.
Chỉ cần thay đổi cái đấu ta vẫn quen dùng, là cuộc đời của ta thay đổi.
Đức Giêsu dùng một hình ảnh liên quan đến nghề mộc của Ngài,
để nói về chuyện người đạo đức giả.
Đó là hình ảnh bụi mùn cưa trong mắt người khác và cái xà trong mắt mình.
Một cái thì thật bé, một cái thì to đến độ khó lòng ở trong mắt được.
Hình ảnh phóng đại này hẳn làm ai cũng phải buồn cười.
Tôi thấy lỗi bé nơi anh em, nhưng lại không để ý tới lỗi lớn nơi tôi.
Tôi hăng hái xin được lấy hạt bụi ra khỏi mắt anh em,
nhưng lại rất khoan dung với cái xà trong mắt mình.
Đức Giêsu hóm hỉnh khuyên chúng ta nên lấy xà ra khỏi mắt trước đã,
rồi mới thấy tỏ tường để lấy hạt bụi mùn cưa khỏi mắt anh em.
Điều khó vẫn là thấy được cái xà trong mắt mình.
Lẽ ra tôi phải thấy ngay vì nó quá lộ liễu, ai cũng thấy.
Nhưng nó khó thấy, vì tôi không muốn thấy cái xấu của mình.
Càng có quyền, có chức, có uy tín, có tuổi tác và kinh nghiệm,
càng khó chấp nhận nếp nhăn nơi khuôn mặt mình.
Giá mà tôi thấy được cái xà nơi mắt tôi,
chắc tôi đã không dám đòi lấy hạt bụi nơi mắt người khác,
hay nếu có được ai nhờ lấy đi nữa,
thì cũng chỉ lấy một cách khiêm hạ, nhẹ nhàng.
Trong bài hát “Chúa Hòa Bình” của Phạm Duy có câu:
“Nếu có ai lầm lỡ, rồi sinh ra khắt khe…”
Chỉ mong chúng ta, nhờ thấy mình lầm lỡ và đã được Chúa thứ tha,
nên sinh ra dễ cảm thông với lỗi lầm người khác.
 
Cầu nguyện:
Như người mù ngồi bên vệ đường
xin Chúa dủ lòng thương cho con được thấy.
Xin cho con được thấy bản thân
với những yếu đuối và khuyết điểm,
những giả hình và che đậy.
Cho con được thấy Chúa hiện diện bên con
cả những khi con không cảm nghiệm được.
Xin cho con thực sự muốn thấy,
thực sự muốn để cho ánh sáng Chúa
chiếu dãi vào bóng tối của con.
Như người mù ngồi bên vệ đường
xin Chúa dủ lòng thương cho con được thấy. Amen.
 
Suy Niệm 2: Xét đoán
(TGM Giuse Ngô Quang Kiệt)


Ai cũng thích xét đoán. Nhưng thường sai lầm. Có hai sai lầm cơ bản. Sai lầm vì chủ quan. Không xét mình nhưng luôn xét người. Xét mình thì nặng thành nhẹ. Xét người lại nhẹ thành nặng. “Sao anh thấy cái rác trong con mắt của người anh em, mà cái xà trong con mắt của mình thì lại không để ý tới? Sao anh lại nói với người anh em: ‘Hãy để tôi lấy cái rác ra khỏi mắt bạn’. trong khi có cả một cái xà trong con mắt anh?”. Sai lầm khác nguy hiểm hơn. Đó là quên Thiên Chúa mới có quyền xét đoán. Vì Thiên Chúa là chủ. Không chỉ xét đoán bâng quơ. Nhưng ấn định số phận đời đời của ta. “Anh đừng xét đoán, để khỏi bị Thiên Chúa xét đoán”. Nhưng Thiên Chúa rất công bằng và nhân hậu. Người xét đoán ta theo cách ta xét đoán anh em. “Vì anh em xét đoán thế nào, thì anh em cũng sẽ bị Thiên Chúa xét đoán như vậy; anh em đong đấu nào, thì Thiên Chúa cũng sẽ đong đấu ấy cho anh em”. Chính ta tự tạo thước đo và bàn cân cho mình. Nên hãy cẩn thận.
Tổ phụ Áp-ra-ham không xét đoán ai. Và cũng chẳng coi trọng xét đoán của người đời. Chỉ quan tâm đến Thiên Chúa. Nhất nhất thi hành mệnh lệnh của Chúa không sai chạy. Vững tin vào Lời Chúa hứa. Dù trải qua những giây phút thật khó khăn. Vẫn tin cả khi không còn gì để tin. Luôn để Chúa làm chủ đời mình. Luôn cư xử hoà nhã tốt lành với đồng loại. Vì thế ông được chúc phúc. Và muôn dân cũng nhờ ông mà được chúc phúc. “Ta sẽ chúc phúc cho những ai chúc phúc cho ngươi; Ai nhục mạ ngươi, Ta sẽ nguyền rủa. Nhờ ngươi, mọi gia tộc trên mặt đất sẽ được chúc phúc”. Nhờ trung tín với Chúa, Áp-ra-ham trở thành chuẩn mực. Phúc cho ai chúc phúc cho ông. Thiệt cho ai nguyền rủa ông (năm lẻ).
Ít-ra-en, đặc biệt vào thời vua Hô-sê thì không được như thế. Nên bị thua vào tay Át-sua. Và bị lưu đầy. Vì phản bội Chúa. “Sự việc đó xảy ra, vì con cái Ít-ra-en đã đắc tội với Đức Chúa, Thiên Chúa của họ, là Đấng đã đem họ lên từ đất Ai-cập, đã giải thoát họ khỏi tay Pha-ra-ô, vua Ai-cập, và vì họ đã kính sợ các thần khác”.
Chúa làm chủ lịch sử. Làm chủ thế giới. Làm chủ vận mệnh bản thân ta và dân tộc ta. Chúa mới có quyền phán xét. Và phán xét mới quyết định số phận. Hiểu biết như thế ta sẽ không còn e ngại những bậc quyền cao chức trọng. Sẽ biết kính sợ Thiên Chúa. Vì Chúa sẽ phán xét ta. Nhưng ta cũng tin tưởng. Vì Người phán xét ta theo cách ta đoán xét người khác. Sẽ khoan dung với ta. Nếu ta biết khoan dung với anh em.


Suy niệm 3:  VỚI CÁI NHÌN CỦA THIÊN CHÚA − Giuse Nguyễn Trọng Sơn

“Lấy cái xà ra khỏi mắt anh trước đã, rồi anh sẽ thấy rõ, để lấy cái rác ra khỏi mắt người anh em.” (Mt 7,5). 
Mỗi người thường mang nơi mắt mình một cái xà lớn, và điều này làm ảnh hưởng trầm trọng đến cái nhìn của mình, đến cái nhìn về những gì đang diễn ra, nhất là cái nhìn về tha nhân. Và như thế, chắc chắn là cái nhìn ấy không chính xác và rất nặng nề, có nghĩa là không ngước lên cao được, chỉ thấp “lè tè” dưới mặt đất!
Cái xà ấy là gì? Đó có thể là những ganh tị, ghen ghét, oán thù... Những cảm xúc này có khi mang nặng ảnh hưởng của lịch sử bản thân: điều gì đó trong quá khứ đã khiến tôi có ác cảm, nên bây giờ tôi cũng ác cảm với những điều tương tự! Những điều này khiến người ta nhìn về người khác theo cách nhìn chủ quan, thấy họ đáng ghét, coi họ như “đối thủ”, nhận thấy họ chẳng có gì hay...! Cái xà ấy có thể là những đam mê của bản thân khiến tôi coi những gì khiến tôi không thực hiện được đam mê của mình thì đều là đáng ghét và cần loại trừ! Người ta không thể sống mà không có cảm xúc, nhưng không làm chủ được cảm xúc của mình, không lấy ra khỏi “mắt” mình những cảm xúc không chính xác, sẽ là tôi nhìn mọi sự và người chung quanh với cái nhìn nặng nề của “cái xà”!
“Cái xà” khiến người ta dừng lại ở cái nhìn thấp “lè tè” của con người. Ông Abram được gọi trong tình trạng nạn đói đang xảy ra tại quê hương Kharan của ông (lúc ấy thuộc về Assyria, ngày nay thuộc về Thổ Nhĩ Kỳ) vào thế kỷ 20 trước Công Nguyên. Có thể ông cùng với một số cư dân đã di chuyển để đi tìm lương thực. Nhưng không dừng lại ở đó, Đức Chúa đã gọi ông cho công trình cứu độ của Ngài. Những người đi theo ông, bà vợ Sara, người cháu Lót có những cái nhìn của người phàm của sự ghen ghét, của khát vọng chiếm hữu đất đai, lợi lộc. Còn ông Abram được gọi để khởi đầu cho dân của Chúa, và ông đã đi theo cách nhìn thần linh này. 
Biết vượt trên cái nhìn thiển cẩn, thấp “lè tè”, chúng ta sẽ có cái nhìn khác về những diễn biến, nhất là về người khác. Chúng ta sẽ nhận ra người khác không đáng ghét như vậy đâu, chỉ là một “cái rác” thôi mà, và họ cũng có nhiều điều đáng quý lắm. Và trong tính cách tập thể, nếu cùng vượt qua những cái nhìn nặng nề và dưới thấp, chúng ta có thể mang lấy cái nhìn của Chúa cho những chương trình, những con đường của Ngài. Lúc ấy, sự cộng tác và sự tham gia sẽ đến.


Suy niệm 4:  ĐỪNG XÉT ĐOÁN PHÊ BÌNH - ĐGM. Phaolô Nguyễn Thanh Hoan

Chúng ta sinh ra chưa ai là vị thánh, chưa ai là tên quỷ dữ, mà chúng ta ai cũng như ai, đều có xác phàm yếu đuối đang được tiếng gọi và ân sủng của Ngài hướng tới sự thánh thiện của Tin mừng tình yêu để trở nên tạo vật mới, mang danh hiệu con Thiên Chúa.
 Đạt tới mục đích đó, chúng ta cần khiêm tốn và kiên trì tập sống theo lời Chúa dạy.  Có Thánh linh và Chúa phục sinh vẫn hiện diện kề bên chúng ta để giúp đỡ. Chúa đã hứa : “Phúc thay ai khao khát nên người công chính thánh thiện, vì họ sẽ được no thỏa” ( Mt 5:6 ). Nơi khác Chúa lại nói : “Ai tìm sẽ thấy, ai gõ cửa sẽ mở cho” ( Lc 11:10). Chúng ta hãy sẵn sàng để cho Chúa dạy bảo.
Những lời Chúa dạy hôm nay trong bài Tin mừng là một hướng đi hoàn thiện trong quan hệ giữa mình và anh chị em trong cộng đoàn. Bá nhân bá tính, nhiều người thì nhiều nết, nhiều khuynh hướng, tính tình.  Đó là sự phong phú của tập thể. Và đừng ai coi mình là quan trọng hơn, thánh thiện hơn kẻ khác vì chỉ có Chúa mới biết rõ con người từ bề ngoài đến trong lòng. Còn chúng ta chỉ đánh giá một vài thái độ bên ngoài mà không biết chi trong lòng người khác. Vì thế khi đoán xét anh chị em mình thế này thế nọ, ta tự dành quyền của Thiên Chúa, Đấng công minh chính trực tuyệt đối. Sự đề cao mình như thế đã  tỏ ra sự kiêu căng vô lối. Và Chúa lại kết án chúng ta vì thái độ kiêu căng đó.
Thực ra, Chúa không cần chúng ta phán đoán cách khôn ngoan mọi biến cố, cái gì tốt là tốt xấu là xấu. Sự việc nó có sự thật khách quan, công bằng của nó. Nhưng khi ta phê phán một sự việc có liên quan đến con người là vấn đề quan trọng hết sức. Con người hình ảnh Thiên Chúa , chúng ta  không được quên điều căn bản đó. Bất công với họ là chúng ta trực tiếp xúc phạm đến Ngài . Phao Lô đi bắt bớ, tiêu diệt người có đạo Chúa đã chận ông lại : “Sao lô, Sao lô sao ngươi bắt ta” . Vì thế Chúa đã nói : “Đừng xét đoán”. Câu nói dứt khoát lạ lùng. Chúa không nói :  Đừng xét đoán nghiêm quá, khắt khe quá – đừng xét đoán bất công. Đừng xét đoán cách vu khống áp đặt. Mà Chúa nói : “Đừng xét đoán”. Tại sao ? 
Trước hết nếu ta xét đoán ai thì chúng ta sẽ bị Chúa hỏi tội ngay về việc xét đoán của mình. Hay là Chúa căn cứ vào lỗi ta áp dụng cho kẻ khác để áp dụng cho ta điều ta đã làm sao và đã khiển trách. Chúa yên lặng đấy nhưng số tội của ta đã ghi rồi.
Khi nói về sự tha thứ, Chúa Giêsu luôn so sánh thái độ khoan dung của chúng ta với lòng nhân từ Ngài dành cho chúng ta. Khoan dung với anh em bao nhiêu, ta nhận được lòng khoan dung của Thiên Chúa bấy nhiêu. Nếu ta khe khắt với anh em, sao ta đòi Chúa khoan dung với ta được ?
Thực ra, ai cũng có con người yếu đuối, nếu ta quan tâm đến hạt bụi trong con mắt anh em mà không thấy nó nơi con mắt ta ? đây là lý do thứ hai để ta thấy bất công khi chúng ta xét đoán.
Khi nhìn vào lòng ta, dẫu có thấy khuyết điểm chúng ta vẫn tìm cách bào chữa cho mình. Khi xét đoán anh em ta đâu có nghĩ đến những lý do làm cho họ xem ra là người có lôi. Nào là tính tình tự nhiên có nhiều yếu tố di truyền ảnh hưởng nên con người, rồi ảnh hưởng của môi trường sống, của gió bụi từ thuở nhỏ, những hooc môn hóa chất trong con người...Ôi con người có biết bao điều kiện áp đặt nên mình. Vậy thì ta coi xét đoán của mình về người khác là đúng sao được?
Cầu nguyện 
Lạy Chúa Giêsu, quả thật chính con quá ngu đần khi dám phê phán xét đoán ai. Xin Chúa tha thứ cho những lần con đã xúc phạm đến tha nhân bằng cách đó. Xin Thánh THần Chúa hoán cải con, biến lòng trí con nên khiêm tốn dịu dàng biết tôn trọng Chúa đang ngự nơi anh chị em như Chúa đang ngự nơi con.
Lạy Chúa giờ phút cuối ngày này, nhìn lại một ngày sống con thấy biết bao lúc con ăn nói thiều khôn ngoan, dè dặt, bác ái, khoan dung. Con nguyện ngày mai sẽ áp dụng lời Chúa cách đầy đủ hơn.
Xin Chúa ban bằng an và hợp nhất trong cộng đoàn chúng con. Amen.

Tác giả: Truc Ho Si

  Ý kiến bạn đọc

Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây