suy niệm - Thứ Ba Tuần 12 thường niên

Thứ hai - 26/06/2023 05:16
Lời Chúa: Mt. 7, 6. 12-14

Khi ấy, Chúa Giêsu phán cùng các môn đệ rằng: "Đừng lấy của thánh mà cho chó, và đừng vất ngọc trai trước mặt heo, kẻo chúng giày đạp dưới chân, rồi quay lại cắn xé các con.
"Vậy tất cả những gì các con muốn người ta làm cho các con, thì chính các con hãy làm cho người ta như thế! Đấy là điều mà lề luật và các tiên tri dạy.
"Các con hãy vào qua cửa hẹp, vì cửa rộng và đường thênh thang là lối đưa đến hư mất, và có nhiều kẻ đi lối ấy; cửa và đường đưa tới sự sống thì chật hẹp, và ít kẻ tìm thấy".

Suy Niệm 1: Cửa hẹp và đường chật
(Lm. Ant. Nguyễn Cao Siêu SJ.)


Bài Tin Mừng hôm nay gồm những câu rời rạc.
Câu đầu tiên là một câu khó hiểu đối với chúng ta ngày nay (c.6),
tuy có thể rất dễ hiểu đối với những người trực tiếp nghe Đức Giêsu.
“Của thánh, đừng quăng cho chó; ngọc trai chớ liệng cho heo…”
Heo là con vật nhơ uế, chó thường được dùng để chỉ dân ngoại.
Vào khoảng đầu thế kỷ thứ hai,
sách Điđakhê coi của thánh ở đây là Mình Thánh Chúa,
từ đó xác định rằng chỉ tín hữu mới được rước lễ (9, 5).
Tuy nhiên, có thể hiểu của thánh hay ngọc trai là Tin Mừng Nước Trời.
Tin Mừng này có thể được đón nhận hay bị từ chối một cách thô bạo.
Không hẳn chỉ dân ngoại mới có người từ chối và chà đạp viên ngọc quý.
Cả người Do thái cũng có kẻ bách hại những ai rao giảng (Mt 10, 17).
Thái độ của người môn đệ là không dừng lại, nản lòng khi bị chối từ.
nhưng là tiếp tục mang sứ điệp ấy đến cho người khác.
Câu 12 thường được coi là khuôn vàng thước ngọc.
Nó xuất hiện trong nhiều tôn giáo và văn hóa từ xưa.
“Làm cho người khác mọi điều mình muốn họ làm cho mình.”
Đây là một thái độ tích cực đòi chúng ta một chút tưởng tượng.
Tôi thử nghĩ xem mình muốn gì nơi người khác.
Cảm thông, bao dung, yêu mến, kính nể, trung thành, nâng đỡ…
Rồi tôi tìm cách trao cho họ những điều tốt lành mà tôi ước mong,
vì giữa con người với nhau, vẫn có chung những khát vọng.
Trong một thế giới mà người ta chỉ tìm làm điều tốt cho nhau,
thì thế giới đó là địa đàng, nơi sự dữ không còn đất đứng.
Như thế người Kitô hữu không chỉ yêu anh chị em trong cộng đoàn,
yêu người thân cận như chính mình (Mt 22, 39),
mà còn yêu mọi người đau khổ cơ nhỡ (Mt 25, 31-46),
thậm chí yêu cả kẻ thù (Mt 5, 44).
Cộng đoàn Kitô hữu là cộng đoàn yêu bằng hành động tích cực:
“chính anh em hãy làm cho người ta” (c. 12).
Người ta ở đây là mọi người, vượt quá mọi thứ biên giới.
Con đường mà Đức Giêsu đã đi là con đường hẹp, khó đi.
Nó hẹp vì nó là con đường tình yêu, mà yêu thì không dễ.
Ít ai tìm thấy con đường này, mà cũng ít người muốn đi (c. 14).
Chúng ta được mời chọn đi con đường Giêsu,
con đường tình yêu đòi hy sinh mạng sống,
con đường đòi ra khỏi mình để sống cho và sống với tha nhân.
Và chúng ta tin mình sẽ gặp được hạnh phúc.
 
Cầu nguyện:
Lạy Chúa Giêsu, Tình Yêu của con,
nếu Hội Thánh được ví như một thân thể
gồm nhiều chi thể khác nhau,
thì hẳn Hội Thánh không thể thiếu
một chi thể cần thiết nhất và cao quý nhất.
Đó là Trái Tim, một Trái Tim bừng cháy tình yêu.
Chính tình yêu làm cho Hội Thánh hoạt động.
Nếu trái tim Hội Thánh vắng bóng tình yêu,
thì các tông đồ sẽ ngừng rao giảng,
các vị tử đạo sẽ chẳng chịu đổ máu mình...
Lạy Chúa Giêsu,
cuối cùng con đã tìm thấy ơn gọi của con,
ơn gọi của con chính là tình yêu.
Con đã tìm thấy
chỗ đứng của con trong Hội Thánh:
nơi Trái tim Hội Thánh, con sẽ là tình yêu,
và như thế con sẽ là tất cả,
vì tình yêu bao trùm mọi ơn gọi trong Hội Thánh.
Lạy Chúa, với chỗ đứng Chúa ban cho con,
mọi ước mơ của con được thực hiện. Amen.
(dựa theo lời của thánh Têrêxa)
 
Suy Niệm 2: Vào cửa hẹp
(TGM Giuse Ngô Quang Kiệt)


Chúa chỉ cho ta con đường dẫn đến sự sống đó là phải vào qua cửa hẹp.
Cửa hẹp là chế ngự được thú tính. “Đừng quăng của thánh cho chó; đừng liệng ngọc trai cho heo”. Trong ta có của thánh và ngọc quí. Đó là đức tin, là ơn thánh, là tước hiệu con cái Chúa. Quí giá vì quyết định hạnh phúc đời đời. Vì thế phải bảo vệ trân trọng bằng bất cứ giá nào. Bằng cả mạng sống ta. Nhưng trong ta cũng có những con thú. Thú dữ như chó. Thú dơ bẩn như heo. Nếu ta không kềm chế, thả lỏng những con thú này. Chúng sẽ chà đạp hết những gì cao quí trong con người ta rồi quay lại cắn xé ta tan nát. Chế ngự thú tính là bắt mình đi vào cửa hẹp, không cho thú tính tự do tung tác. Như thế mới bảo vệ được ơn thánh và ngọc quí trong ta.
Cửa hẹp là biết quan tâm đến tha nhân sống chung quanh ta. Quan tâm để phục vụ: “Tất cả những gì anh em muốn người ta làm cho mình, thì chính anh em cũng hãy làm cho người ta”. Đó là yêu người như mình. Khi muốn làm vui lòng tha nhân, phải từ bỏ mình. Phải chịu hẹp một chút. Đó là vào cửa hẹp yêu thương. Cửa hẹp này sẽ mở rộng cánh cửa tâm hồn của ta và của tha nhân.
Như Áp-ra-ham biết giữ những giá trị tinh thần cao quí. Giá trị đó là đức tin vào Chúa một cách tuyệt đối. Giá trị đó cũng là tình gia tộc. Phải phân chia nơi ở để gìn giữ hòa khí. Trong phân chia, Áp-ra-ham đã đi vào cửa hẹp là nhường nhịn. Dành cho Lót quyền ưu tiên chọn lựa. Dù Lót là phận dưới. Lại chỉ là người ăn theo lời hứa. Lót đã chọn thành Xô-đô-ma là một thành phố giầu sang thịnh vượng. Vừa dễ làm ăn vừa vui tươi. Còn Áp-ra-ham theo lời hứa đã chọn hướng ngược lại, vào sa mạc cắm lều dưới rặng sồi Măm-rê. Ông đã giữ được của thánh và ngọc quý. Ông được Chúa thưởng công gấp bội (năm lẻ).
Như Khít-ki-gia. Không cậy dựa vào sức mạnh của nhân loại. Cũng không hèn nhát hàng phục. Nhưng phó thác cho Chúa. Trước sức hung hãn của Át-sua. Giống như chó dữ. Và như heo dơ bẩn. Muốn cắn xé đức tin của ông. Muốn chà đạp sự linh thiêng của Chúa. Khít-ki-gia đi vào cửa hẹp. Lên Đền Thờ tỏ bày với Chúa. Và ông đã được Chúa cứu thoát khỏi ách xâm lược của Át-sua. “Chính đêm ấy, thiên sứ của Đức Chúa ra đánh chết một trăm tám mươi lăm ngàn người trong trại quân Át-sua. Vua Át-sua là Xan-khê-ríp nhổ trại và lên đường. Ông rút về Ni-ni-vê” (năm chẵn).
Đường rộng thênh thang muôn lối nhưng dẫn đến diệt vong. Xin Chúa cho con biết đi vào đường hẹp, chỉ có một lối duy nhất của Chúa dẫn đến sự sống.


Suy niệm 3: ĐƯỜNG CHẬT HẸP NHƯNG LÒNG RỘNG LỚN  − Giuse Nguyễn Trọng Sơn

Đường phố ở một số nơi hẹp. Không phải vì không có đất để mở đường, chắc cũng không phải là không có tiền để làm đường, nhưng dường như đó là chủ trương, bởi vì họ cũng làm nhiều gờ giảm tốc nữa để giảm tốc độ xe và người lái luôn tỉnh táo với những con đường hẹp và ngoằn ngoèo. Thành thử, đường hẹp cũng có cái hay của nó. Đường rộng thì dễ mất mạng!
Ai cũng thích thoải mái, tự do, nhưng từ đó cũng sinh ra lắm đam mê và hư hỏng! Ông Abraham là người có tấm lòng rộng rãi. Khi các đầy tớ  của hai bên có tranh cãi, ông cho người cháu là ông Lót được chọn trước vùng đất để định cư và chăn nuôi, còn ông sẽ lấy phần đất còn lại. Ông Lót thấy vùng đất phì nhiêu vùng sông Gorđan thì chọn ngay, nhưng dân vùng đó lại ăn chơi đàng điếm, cuối cùng thì, dù gia đình ông Lót được cứu thoát, nhưng dân vùng Sôđôma ấy thì bị tiêu diệt! Phần ông Abraham thì nhận phần đất còn lại, dù có ít màu mỡ hơn, nhưng ông vẫn luôn ca tụng Chúa và Chúa đã chúc phúc cho ông.
Con đường hẹp mà Chúa mời gọi bước vào được thể hiện qua việc làm cho người khác điều mình thấy là tốt, là hay. “Vậy tất cả những gì anh em muốn người ta làm cho mình, thì chính anh em cũng hãy làm cho người ta, vì Luật Môsê và lời các ngôn sứ là thế đó.” (Mt 7,12). Cho nên, để bước vào con đường hẹp phải có tấm lòng rộng, tấm lòng lớn dành cho người chung quanh. 
Tuy nhiên, để có thể sống hân hoan với tấm lòng lớn biết nghĩ đến người khác, thì cần có tâm hồn như ông Abraham, là luôn cảm thấy hài lòng và thấy muốn tạ ơn Chúa vì những gì mình có.


Suy niệm 4: NHỮNG LUẬT VÀNG - ĐGM. Phaolô Nguyễn Thanh Hoan

Tin mừng hôm nay đem ra ba lề luật quý giá cho những ai sống đời hoàn thiện. Ba luật vàng đó là : Đừng vứt của thánh cho chó.
Hãy làm những gì chính mình muốn người ta làm cho mình và hãy vào cửa hẹp.
Lề luật quan trọng đầu tiên trong cách hành xử của chúng ta trong khi loan báo Tin mừng : “Đừng đem của thánh vứt cho chó, đừng quẳng hạt ngọc vào giữa đàn heo” . Đây là một câu tục ngữ ở đời. Khi dạy một điêu khôn ngoan dạy cho người  không hiểu biết gì cũng vô ích. Cũng vậy, Tin mừng là sự thánh thiện, Nước Thiên Chúa là viên ngọc quý, khi ta rao giảng phải có sự khôn ngoan đồng thời  đúng lúc , đúng môi trường. Khi bắt đầu rao giảng Tin mừng , chính Chúa đã chọn đối tượng là những “Người nghèo khó” , vì họ chính là mảnh đất tốt để Tin mừng và tình yêu được đón nhận.
Ngày nay Giáo hội đang chú ý nhiều đến cách rao giảng  bằng làm chứng, bằng bác ái và tình thương cụ thể. Lời Chúa dạy hãy làm cho người ta, vì luật Môise và lời các ngôn sứ là thế đó. Đây là luật vàng của đức thương yêu. 
Ý nghĩa lời dạy này không khác gì sự khôn ngoan ở đời. Ông Khổng Tử, nhà hiền triết Trung Quốc cũng có cách nói tương tự : “Điều bạn không muốn kẻ khác làm cho mình thì cũng đừng làm điều đó cho người ta”. Nhưng hai chiều hướng thật khác nhau – Đức tin Kitô giáo tin vào tình yêu Thiên Chúa là tình yêu vượt khỏi chính mình để đi tới kẻ khác, hãy yêu, hãy thực hành tình yêu, hãy chia sẻ nỗi niềm và hoàn cảnh kẻ khác, hãy giúp đỡ, hãy bỏ qua những xúc phạm, hãy tôn trọng kẻ khác. Ông Khổng Tử tuy muốn cổ vũ hòa bình, nhưng kêu gọi người ta tránh điều ác, điều chia rẽ, điều nội bộ kẻ khác...Đây là tránh điều ác, tình yêu Chúa Kitô thì phục vụ tích cực. Khi xét mình ta cũng quen xét đều cấm làm, điều tội lỗi. Quả thật tội lỗi là điều phải tránh, nhưng để trở nên thánh thiện còn phải biết yêu mới làm cho ta giống với Thiên Chúa tình yêu. Ngày phán xét Chúa căn cứ vào tình yêu để thưởng  ban nước trời cho chúng ta. Kho tàng thiêng liêng của chúng ta chính là tình yêu- tất cả vì tình yêu – Chúa Kitô đến trần gian để phục vụ
Luật vàng thứ ba là : “Con đường hẹp”
Con đường đi thênh thang ai chẳng thích, đỡ kẹt, đỡ gặp tai nạn. Sao Chúa mời ta đi con đường ta con đường hẹp? Thực ra đây là con đường thiêng liêng, con đường bác ái khác với con đường xa lộ ta dùng hằng ngày tìm sự an toàn cho chính mình.
Con đường thiêng liêng của Tin mừng, đưa ta vào thế giới mới vốn là con đường Chúa mạc khải cho chúng ta, con đường bác ái ra khỏi chính mình nó ngược chiều, mâu thuẫn với con người xác thịt đang đối phó với cuộc sống gian truân và nhất là đang bị tội lỗi làm nhục nhằn hằng ngày và con đường thênh thang nhưng chỉ có Chúa giải quyết cho cuộc sống này thôi.
Con đường hẹp thiêng liêng dẫn ta tới cuộc sống đời đời trong Thiên Chúa, con đường của Thần Khí. Khi Thần Khí xung khắc với xác thịt – xác thịt thì ích kỷ giận hờn, dối trá, đam mê chuyện xấu. Trái lại, Thần Khí thì quảng đại, khoan dung, vị tha, chân thành...đi theo đường Thần Khí là từ bỏ chính mình vác thập giá mình mà theo Chúa, cần có Đức Tin, Đức Cậy, Đức Mến đối với Chúa ta mới vươn lên được.
Cầu nguyện:
 Lạy Chúa Giêsu, hằng ngày Chua mời gọi con theo Chúa qua con đường để tới nơi vinh quang đời đời với Chúa. Nhưng xác thịt lại nặng nề. Xin Chúa nâng đỡ sự yếu hèn, Đức Tin, Đức Cậy, Đức Mến còn nhỏ bé của con .
Lạy Chúa, xin cho con say sưa yêu mến Tin mừng của Chúa con đường hẹp Chúa đã đi qua bằng cách yêu thương phục vụ cho đến hiến cả mạng sống mình, nhưng đó là con đường chân thật duy nhất cho cả đời con người để đạt tới sự sống đời đời như Chúa phán : “ Ta là đường là sự thật và là sự sông”. Amen.

Tác giả: Truc Ho Si

  Ý kiến bạn đọc

Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây