Suy niệm - Thứ Tư tuần 12 Thường Niên

Thứ ba - 27/06/2023 03:08
Lời Chúa: Mt 7, 15-20

Khi ấy, Chúa Giêsu phán cùng các môn đệ rằng: "Hãy coi chừng các tiên tri giả. Họ mặc lốt chiên đến cùng các con, nhưng bên trong, họ là sói dữ hay cắn xé.
Hãy xem quả thì các con sẽ biết được chúng. Nào ai hái được trái nho nơi bụi gai, hoặc trái vả nơi bụi găng sao?
Cũng thế, cây tốt thì sinh trái tốt, còn cây xấu thì sinh trái xấu. Cây tốt không thể sinh trái xấu, và cây xấu không thể sinh trái tốt. Các cây không sinh trái tốt sẽ bị chặt đi và ném vào lửa. Vậy coi trái thì các con sẽ nhận biết được chúng".

Suy Niệm 1: Cứ xem quả thì biết họ
(Lm. Ant. Nguyễn Cao Siêu SJ.)


Thời nào Hội Thánh cũng có những ngôn sứ giả.
Họ mang dáng dấp là người của Chúa, người nói lời Chúa.
Họ hấp dẫn quần chúng và có nhiều người chạy theo.
Đức Giêsu dạy ta phải coi chừng họ (c. 15).
Ngài dùng một hình ảnh quen thuộc để nói lên mối nguy cơ này.
Các ngôn sứ giả đội lốt chiên tốt lành mà đến với dân Chúa.
Nhưng thực chất họ là sói dữ tham mồi.
Cái khó là nhận ra bộ mặt thật của họ để không bị đánh lừa.
Không nhận ra họ là sói, chúng ta có thể dễ làm mồi cho họ.
Đức Giêsu dùng một hình ảnh khác
để chỉ cho ta cách phân biệt chiên với sói: hình ảnh quả và cây.
Cây nào sinh quả ấy: đó là một nguyên tắc bất biến.
“Có ai hái được nho ở bụi gai, hay hái vả trên cây găng không?” (c. 16).
Hẳn là không rồi.
Cây tốt ắt sinh quả tốt, cây bị sâu ắt sinh quả chẳng ra gì (c. 17).
Hơn nữa, Đức Giêsu còn mạnh mẽ khẳng định:
cây tốt không thể sinh quả xấu,
và cây xấu không thể sinh quả tốt được (c. 18).
Chính vì thế cứ nhìn quả thì biết cây.
Cứ nhìn những công việc do một người làm,
ta sẽ biết người ấy là ai (cc. 16. 20).
Những môn đệ đích thực của Đức Giêsu hẳn sẽ sinh quả tốt,
đó là sống công chính như giáo huấn của Bài Giảng trên núi.
Còn những ngôn sứ giả bị lộ mặt nạ qua đời sống bất chính của họ.
Chuyện ngôn sứ giả đã có từ xưa trong Cựu ước.
Ở Côrintô, thánh Phaolô đã phải vất vả đối đầu
với những kẻ mà ngài gọi là tông đồ giả, đội lốt tông đồ của Đức Kitô.
Ngài còn thêm: “Lạ gì đâu!
Vì chính Xatan cũng đội lốt thiên thần sáng láng!” (2 Cr 11, 13-14).
Như thế các tín hữu phải cảnh giác để phân biệt chân và giả,
đặc biệt trong thời Hội Thánh gặp khủng hoảng khó khăn.
Họ phải tỉnh táo để khỏi bị dáng vẻ bên ngoài hay lý luận mê hoặc.
Điều cần lưu tâm là đời sống công chính của vị ngôn sứ.
Trong thư gửi tín hữu Galata, thánh Phaolô cho chúng ta một tiêu chuẩn
để nhận ra hoa quả nào là bắt nguồn từ Thần Khí (5, 22).
Đó là bác ái, hoan lạc, bình an, nhẫn nhục, nhân hậu, từ tâm, trung tín…
Những điều ngược lại, ngài gọi là những hành động của xác thịt,
như hận thù, bất hòa, nóng giận, tranh chấp, chia rẽ, bè phái… (5, 20).
Sống trong một thế giới phẳng và đa nguyên, người Kitô hữu hôm nay
chịu ảnh hưởng mạnh mẽ và nhanh chóng,
bởi nhiều nguồn thông tin, đến từ nhiều người.
Những tiêu chuẩn của Đức Giêsu hay của thánh Phaolô vẫn còn giá trị.
Nhưng chúng ta cần có thời gian để phân định quả xấu, quả tốt.
Và cũng cần có thời gian để nhận ra đâu là sói, đâu là chiên.
 
Cầu nguyện:
Như thánh Phaolô trên đường về Đamát,
xin cho con trở nên mù lòa
vì ánh sáng chói chang của Chúa,
để nhờ biết mình mù lòa mà con được sáng mắt.
Xin cho con đừng sợ ánh sáng của Chúa,
ánh sáng phá tan bóng tối trong con
và đòi buộc con phải hoán cải.
Xin cho con đừng cố chấp ở lại trong bóng tối
chỉ vì chút tự ái cỏn con.
Xin cho con khiêm tốn
để đón nhận những tia sáng nhỏ
mà Chúa vẫn gửi đến cho con mỗi ngày.
Cuối cùng, xin cho con hết lòng tìm kiếm Chân lý
để Chân lý cho con được tự do.
 
Suy Niệm 2: Cây tốt sinh quả tốt
(TGM Giuse Ngô Quang Kiệt)


Cây tốt sinh quả tốt đòi hỏi thời gian. Khi cây chưa ra quả chưa phân biệt được tốt xấu. Có những cây cành lá um tùm nhưng lại không có quả như cây vả bị Chúa chúc dữ. Có những cây khẳng khiu nhưng lại sinh hoa thơm trái ngọt. Vì thế phải kiên nhẫn. Kiên nhẫn chờ đợi và kiên nhẫn vun trồng. Khi ta xét đoán người hãy biết chờ đợi cho đến thời đến buổi, đừng sớm xét đoán. Khi ta xét mình ta hãy biết kiên nhẫn để không nản lòng nhưng vẫn luôn vươn lên dù những yếu đuối khiếm khuyết. Sẽ có ngày Chúa cho sinh hoa quả tốt lành.
Cây tốt sinh quả tốt đòi hỏi đức tin kiên vững như tổ phụ Áp-ra-ham. Ra đi khi tuổi đã cao nhưng vẫn tin lời Chúa hứa. Chưa thấy đất chẩy sữa và mật nhưng vẫn tiến bước trong sa mạc. Chưa thấy con cháu nối dõi, đã phải chọn gia nhân làm người thừa kế theo thói thế gian nhưng vẫn tin vào lời Chúa hứa. Và quả thật Chúa đã giữ lời hứa cho Áp-ra-ham thành tổ phụ những người tin ngày càng đông đúc và kéo dài cho đến tận thế. Đức tin kiên vững là một cây tốt sinh hoa trái xum xuê, như cây trồng bên bờ suối, cho hoa trái quanh năm và cây không bao giờ tàn úa (năm lẻ).
Cây tốt sinh quả tốt đòi hỏi sự trung thành với giao ước. Đã ký kết giao ước rồi Chúa luôn trung thành. Lời Chúa hứa là một thân cây có khi gai góc, có khi khẳng khiu, có khi èo uột tưởng chừng tàn lụi trong mùa đông lạnh giá. Đó là những thử thách từ hoàn cảnh khó khăn, từ những vấp ngã của con người, từ những thế lực trần gian luôn nhũng nhiễu quấy phá. Nhưng rồi đến thời điểm Chúa định, một mùa xuân bừng dậy, cây lời hứa đơm hoa kết trái phúc lộc man vàn. Chỉ cần con người kiên tâm, trung thành vượt qua mùa đông lạnh giá, Chúa trung thành chờ đón tôi trung vào mùa xuân vĩnh cửu.
Cây tốt sinh quả tốt đòi hỏi can đảm dấn thân ký kết giao ước như vua Khít-ki-gia. Biết Thiên Chúa là nguồn mạch sự sống và sức mạnh. Biết tổ tiên đã sai lỗi khi phế bỏ giao ước nên đã đi vào tiêu vong. Vua thống hối và lập tức ký kết giao ước với Thiên Chúa. Đó chính là vun trồng cây tốt. Đó chính là trồng cây trên đất tốt. Đó chính là chọn mặt gửi vàng (năm chẵn).
Xin cho con biết phân biệt cây tốt với cây xấu. Xin cho con đừng trở thành cây xấu sống giả dối. Chỉ có hình thức bề ngoài đẹp đẽ nhưng linh hồn xấu xa. Chỉ có lời nói đẹp đẽ nhưng ý hướng đen tối. Xin cho con trở thành cây tốt. Sống chân thật. Nói lời chân thật. Để sẽ có hoa trái là hạnh phúc đích thật.


Suy niệm 3: THẾ NÀO LÀ HOA QUẢ TỐT ?! - Giuse Nguyễn Trọng Sơn

Một người Công Giáo Pháp nói với tôi về một thống kê làm họ ngạc nhiên mà họ đã đọc được cách đây ít lâu là số tín hữu Pháp còn thực hành đạo, tức là còn lui tới nhà thờ, chỉ ở mức 3%. Không những thế, khuynh hướng chống Kitô Giáo dưới nhiều hình thức khác nhau ngày càng lớn lên trong xã hội Pháp! 
Thế giới đang phát triển. Đúng thế, chúng ta không ác cảm với những tiến bộ ấy, nhưng như cách nhìn của Vaticanô II trong hiến chế Vui Mừng và Hy Vọng (Gaudium et Spes), chúng ta nhìn nhận những điều tích cực cũng như nhìn thấy những giới hạn của sự phát triển ấy, để mang lấy thái độ vừa nhìn ra những hoạt động của Chúa nơi thế giới, nhưng cũng thấy cần phải loan báo Tin Mừng cho thế giới này. Có những điều con người trong thế giới hôm nay cho là thành quả, là tích cực, ngay cả khuynh hướng chống Kitô Giáo cũng có thể được nghĩ theo hướng đó. Tuy nhiên, có thể vì ác cảm của thời Kitô Giới (Christendom/ Chrétienté), lúc mà Kitô Giáo chi phối mọi lãnh vực, khiến cho con người hôm nay mang lấy tâm tư phản kháng! Với cái nhìn của đức tin, chúng ta cần nhận ra đâu là những hoa quả đích thực của Thiên Chúa, tức là của Tin Mừng, của Chúa Kitô. 
Ông Abraham được Đức Chúa hứa cho một dòng dõi, một vùng đất (bài đọc 1). Trong cách nhìn của Kitô Giáo, điều này được thực hiện cách mỹ mãn nơi Đức Kitô. Đức Giêsu Kitô chính là dòng dõi đích thực của ông Abraham và Nước Trời được Đức Kitô rao giảng và thực hiện chính là Đất Hứa viên mãn. Nhìn quả thì biết cây (Tin Mừng). “Cây Abraham” hướng về hoa quả là Đức Kitô. Đức Kitô là điểm quy chiếu. Vì thế, là kitô hữu, hoa quả của đời sống chúng ta cũng phải mang sắc thái kitô. Tiêu chuẩn để đánh giá chính là Đức Kitô và phải tránh lầm lẫn giữa những điều mà thế giới ngày nay cho rằng tiến bộ, nhưng thực sự không mang sắc thái gì của Chúa Kitô và của Tin Mừng cả. Sự quy chiếu này phải được thực hiện trong đời sống hàng ngày của kitô hữu. Sự phát triển, sự lớn lên của cá nhân, gia đình, cộng đoàn đời sống thánh hiến cũng phải luôn quy chiếu về Đức Kitô và coi Ngài như là Gốc Cây để sinh ra những hoa quả đích thực.

Suy niệm 4: CÂY TỐT SINH QUẢ TỐT - ĐGM. Phaolô Nguyễn Thanh Hoan

Chúa Giêsu cảnh giác ta đề phòng những kẻ lừa bịp tự coi mình là ngôn sứ đội lốt chiên nhưng bên trong là sói dữ tham mồi. Sách Khải Huyền cũng nói tới con thú có hai sừng giống sừng chiên để chỉ những ngôn sứ giả gieo rắc các lạc thuyết...( Kh 13:11). Làm thế nào để nhận ra ngôn sứ thật hay giả ?  Nhìn quả để biết cây, nghĩa là những lời nói, việc làm và bản thân cuộc sống : “cây tốt thì sinh quả tốt, cây xấu thì sinh quả xấu”. 
Ngôn sứ là người nói thay cho Chúa, nghĩa là nhân danh và  với sự ủy quyền của Thiên Chúa. Các ngôn sứ thời Cựu Ước rất ý thức ơn gọi của mình phát xuất từ Thiên Chúa, nên bao giờ cũng mở đầu và kết thúc bằng câu : Lời Đức Giavê phán hoặc đây là sấm của Giavê.  Chúa Giêsu là vị ngôn sứ tuyệt hảo vì không những Ngài nói nhân danh Thiên Chúa, mà còn nói với tư cách ngang hàng với Thiên Chúa. Các ngôn sứ được nhận ra là thật hay giả nhờ vào sự tương đồng giữa lời nói và việc làm của họ với lời nói và việc làm của Chúa Giêsu ; họ được nhìn nhận thật hay giả theo họ có dẫn đến Chúa Giêsu hay ngược lại đưa người ta tách rời Chúa Giêsu.
Nhìn quả thì biết cây, những ngôn sứ là những thánh nhân, những người tích cực xây dựng Giáo Hội bằng lời nói và việc làm. Họ là những môn đệ và phát ngôn viên của Chúa Giêsu trong Giáo hội. Ngược lại, các ngôn sứ giả là những kẻ núp dưới dáng bề ngoài đôi khi hấp dẫn, nhưng phá hoại Giáo hội bởi những chủ trương và hành động sai lầm, gây chia rẽ... Hoa quả một bên là làm cho Giáo hội lớn lên trong chân lý, hiệp nhất tình yêu và một bên làm cho Giáo hội hỗn loạn vì những sai lầm, chia rẽ và tranh chấp. 
Khi lãnh nhận bí tích rửa tội để trở thành người Ki tô hữu, tôi được tham dự vào chức vụ : Tư tế, Vương Giả, ngôn sứ của Đức Ki tô.
Khi mang trong mình chức vụ ngôn sứ, tôi phải truyền đạt sứ điệp của Thiên Chúa cho mọi người xung quanh qua lời  nói, hành động và cuộc sống của tôi.
Lắm lúc tôi chỉ là một tiên tri giả. Đó là lúc tôi không hòa hợp được niềm  tin vào cuộc sống ; mang danh Kitô nhưng không sống theo những cam kết của mình ; đóng khung niềm tin của mình trong bốn bức tường cộng đoàn thay vì thể hiện niềm tin ấy qua những tiếp xúc hằng ngày với tha nhân.
Cầu nguyện: 
Giờ đây! lạy Chúa, xin giúp chúng con trở thành những ngôn sứ đích thực của Chúa, luôn biết nói những điều Chúa truyền dạy và sống những điều đó.
Người Ki tô hữu không phân biệt với những người khác ở cách ăn mặc, các phù hiệu hay hình thức đạo đức bên ngoài, nhưng nhờ cách sống phù hợp với Tin mừng và sinh hoa kết quả  bằng những việc lành, bác ái và bằng đời sống hiệp nhất, yêu thương và bác ái.
Đây chính là tiêu chuẩn, là thước đo mà Chúa đã đưa ra để chính mỗi người chúng ta xét mình trong đời sống hằng ngày và cả cộng đoàn chúng con đang sống nữa Amen.

Tác giả: Truc Ho Si

  Ý kiến bạn đọc

Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây