Suy niệm - Thứ Sáu Tuần 6 Thường Niên

Thứ năm - 16/02/2023 09:15
myhn 17 02 2023



 

Tin Mừng: Mc 8-34, 9-1
 

Khi ấy, Chúa Giêsu tập họp dân chúng cùng các môn đệ lại, và phán: "Ai muốn theo Ta, hãy từ bỏ mình, vác thập giá mình mà theo Ta.

Quả thật, ai muốn cứu mạng sống mình, thì sẽ mất. Còn ai chịu mất mạng sống mình vì Ta và vì Phúc Âm, thì sẽ cứu được mạng sống mình.

Vì chưng được lời lãi cả thế gian mà mất mạng sống mình, thì nào được ích gì? Và người ta lấy gì mà đánh đổi mạng sống mình? Ai hổ thẹn vì Ta và vì lời Ta trong thế hệ ngoại tình và tội lỗi này, thì Con Người cũng sẽ hổ thẹn từ khước nó, khi Người đến trong vinh quang của Cha Người cùng với các thần thánh". Và Ngài nói với họ: "Quả thật, Ta bảo các ngươi: trong số những kẻ có mặt đây, có người sẽ không phải nếm cái chết, trước khi thấy Nước Thiên Chúa đến trong quyền năng".



MỤC LỤC

Suy niệm 1: ĐÁNH CƯỢC ĐỜI MÌNH - Nhóm Bạn Đường Linh Thao
Suy niệm 2: “LÀM CHO DANH TA LẪY LỪNG !” – Lm. Giuse Nguyễn Trọng Sơn
Suy niệm 3: ĐƯỜNG THẬP GIÁ - Gm. Phaolô Nguyễn Thanh Hoan
Suy niệm 4 - Lm. Phêrô Nguyễn Thiên Cung



 

Suy niệm 1: ĐÁNH CƯỢC ĐỜI MÌNH - Nhóm Bạn Đường Linh Thao
 

Câu hỏi đơn giản nhất khiến chúng ta dừng lại ở đoạn trích Tin Mừng này là: “Bạn có lòng ao ước theo Chúa Giê-su không?” Nếu bạn không trả lời được câu hỏi này trước tiên, thì những điều còn lại mà Chúa Giê-su nói sẽ chẳng có ích gì. Vậy, hãy suy ngẫm câu hỏi ấy.

 

Nói theo trí hiểu, nhiều người đọc đoạn Tin Mừng này và cho rằng đó là câu trả lời. Mỗi khi chúng ta đi nhà thờ tham dự thánh lễ, dành thời gian để cầu nguyện, hay đọc những bài Thánh Kinh, hoặc với bất kì phương cách nào, chúng ta đều có thể dõng dạc tuyên bố rằng “Vâng, con muốn theo Ngài, lạy Chúa.” Nhưng trong nhiều trường hợp cụ thể, chúng ta dâng lên Chúa những lời cầu nguyện mà qua đó, chúng ta gửi gắm ý riêng của mình, hòng lựa chọn đi theo Chúa Ki-tô. Nhưng qua bản văn Tin Mừng này, chúng ta sẽ thấy điều đơn giản hơn là một lựa chọn.

 

Cụm từ “bất kì ai muốn” biểu lộ một điều gì đó lớn hơn 1 sự quyết định, nó bày tỏ lòng khát khao. Khát khao theo Chúa Ki-tô không phải là bước đầu tiên trên hành trình theo Ngài, đó là bước cuối cùng. 

Điều đầu tiên, chúng ta cần đi đến sự hiểu biết về sự thật, và tuyên xưng nó. 

Điều thứ hai, chúng ta phải quyết tâm với những việc chúng ta lựa chọn.

Điều thứ ba, một ơn lành làm việc trên chúng ta để biến đổi chúng ta, chúng ta bắt đầu “ao ước”, và “khát khao” tất cả những gì Chúa Giê-su muốn nơi chúng ta, và tất cả những gì Ngài mời gọi chúng ta ôm lấy.

 

Để có lòng ước muốn yêu và được yêu là điều đơn giản lắm. Với tình yêu, bất kể cho đi hay nhận lại, ai trong chúng ta cũng mong muốn được hưởng nếm niềm vui của những lời nói ân cần quan tâm và dịu dàng chăm sóc. Nhưng với tình yêu đích thực của Chúa Ki-tô thì khác, tình yêu ấy đòi hỏi chúng ta vị tha và hy sinh từ bỏ mình, một tình yêu không tính toán thiệt hơn, vượt lên trên cả những nhu cầu cá nhân, ngay cả khi đớn đau hay thử thách.

 

Phản tỉnh: Bạn có ao ước đến với Chúa Giê-su? Bạn có sẵn sàng và quyết tâm ôm lấy tất cả mọi điều mà khao khát ấy đòi hỏi. Thiên Chúa đặt để khao khát nơi con tim bạn. Bạn phải đưa ra lựa chọn. Hãy thưa “Vâng” với Ngài và thập giá của Ngài. Cuối cùng, bạn sẽ được ân thưởng muôn đời theo những gì bạn đã làm

 

Suy niệm 2: “LÀM CHO DANH TA LẪY LỪNG !” – Lm. Giuse Nguyễn Trọng Sơn

 

Câu chuyện về tháp Babel được gợi hứng từ những cái tháp gọi tên là ziggurat bên Babilon. Những cái tháp này diễn tâm tình tôn giáo đáng quý, bởi vì dân địa phương thấy cần đến thần thánh trợ giúp, nhưng trời lại xa đất quá, nên họ làm những ngôi nhà nhiều tầng lớn nhỏ khác nhau, như chồng lên nhau, cao vút để tiếng kêu cầu của con người có thể lên tới thần linh và thần linh cũng có thể qua những cái tháp ấy mà xuống trợ giúp con người! Nhưng khi dân Do Thái bị lưu đày bên đó, thấy những công trình vĩ đại này của con người, họ lại nghĩ về sự vĩ đại của con người. Khi đưa vào sách Sách Thế, những người viết sách đặt vào mạch văn sau trận đại hồng thuỷ, con người bị tiêu diệt, nên con người muốn tìm cách tránh bị huỷ diệt bởi đại lụt một lần nữa, nên xây những tháp cao, và như thế, đó cũng là một khẳng định về sức mạnh của con người. Con người liên kết lại để tạo nên sức mạnh và để chống trời!

“Họ nói: ‘Nào! Ta hãy xây cho mình một thành phố và một tháp có đỉnh cao chọc trời. Ta phải làm cho danh ta lẫy lừng, để khỏi bị phân tán trên khắp mặt đất.’ ” (St 11,4).

Nhưng với lòng ngạo mạn, chống lại Thiên Chúa, khẳng định chính mình, thì người ta lại chống lại nhau, chia rẽ nhau và phân tán đi khắp nơi! Đó là ý nghĩa tác giả muốn gán cho hiện tượng khác biệt về ngôn ngữ giữa các dân tộc trên thế giới.

Chúa Giêsu dạy chúng ta một con đường khác: “Được cả thế giới mà phải thiệt mất mạng sống, thì người ta nào có lợi gì?” (Mc 8,36). Từ bỏ chính mình, vác thập giá của mình và đi theo Chúa Giêsu thì được sự sống đích thực và đời đời. Thấy có vẻ nghịch lý lắm, nhưng kinh nghiệm cuộc đời khiến chúng ta có thể xác nhận sự đúng đắn của những điều ấy. Con người không tìm thấy chính mình khi tự đề cao mình và gạt bỏ người khác, gạt bỏ Thiên Chúa, nhưng ngược lại.


Suy niệm 3: ĐƯỜNG THẬP GIÁ - Gm. Phaolô Nguyễn Thanh Hoan
 

“Với Chúa Ki-tô tôi cùng chịu đóng đinh với Người. Tôi sống mà không phải là tôi sống mà là Đức Ki-tô sống trong tôi” ( Gl 2:20). Thánh Phao-lô sau bao ngày rao giảng miệt mài, gặp bao khó khăn đau khổ, Ngài cảm nhiệm được thế nào là thập giá Chúa gửi đến cho đời truyền giáo của mình. Nhưng dầu cho có bao nhiêu thử thách, Ngài vẫn chịu đựng dễ dàng nhờ ân sủng và tình yêu, Chúa Ki-tô thập giá quả là vinh quang.

Vì thế mà Ngài mới tuyên xưng sức mạnh đó nơi mình và để khích lệ bao người ngại ngùng, sợ hãi thập giá.

Khi Phê-rô muốn can Chúa dời khỏi con đường thập giá để cứu lấy mình, thì Chúa lại khẳng định cho Phê-rô và các môn đệ hay : “Ai muốn theo tôi hãy từ bỏ chính mình,vác thập giá mình mà theo”.

Một giá trị lớn của tình yêu Chúa, đó là vì tình yêu Chúa mà giám từ bỏ những đòi hỏi, những lý luận, những mơ ước theo kiểu người đời, nghĩa là làm gì thì người ta cũng làm cho mình, cho sự sống trần gian này thôi. Thiên Chúa còn có một kế hoạch kì diệu, siêu vượt trên mọi mơ ước của con người đó là cuộc sống của Trời mới Đất mới. Đó là bàn tay tái tạo của Ngài làm lại cuộc sống mới kỳ diệu cho con người…cuộc sống ấy đúng giá với cái chết của Chúa để làm của lễ, và nó sẽ cấu tạo cho địa vị của ta ở đó bằng những chất liệu của tình yêu và những hy sinh vì tình yêu đó. Ai theo Chúa trên đường từ bỏ mình là đạt tới sự sống đó, tất cả phải dừng lại, con người phải bỏ đi. Đó là kết liệu cho cuộc sống này.

Chúa mời gọi và chỉ dẫn cho ta một lộ trình mới, lộ trình thập giá cũng là lộ trình của tình  yêu. Đau khổ không phải là cái Chúa tạo ra, mà chính con người mất Chúa, mất cả cuộc sống vinh quang, mà cuộc sống đi vào cuộc đời tăm tối.

Điều kỳ diệu là Chúa lại dùng chính những đau khổ không ai tránh được đó để tạo nên sự sống mới. Cái khổ sẵn có và cả cái đau khổ phát sinh từ sự từ bỏ. Đau khổ không phải cái đi tìm để phạt xác, nhưng là kho tàng của hạnh phúc đang chờ sẵn trong cuộc đời, thi sĩ thánh vịnh từng hát lên:

“Tôi sẽ lấy gì dâng về cho Chúa

Vì muôn ơn lành Chúa đã  ban cho !

Tôi sẽ nâng chén cứu độ và tôi

Kêu cầu danh Người (Tv 115:12)

Chén cứu độ đây chính là chén đắng chính Chúa Ki-tô, đã hớp cạn và cùng với chúng ta mỗi ngày, Chúa tiếp tục cuộc khổ nạn của mình.

Bạn ơi ! Không ai ghét thập giá như Phao-lô,nhưng Ngài đã tỏ ra sung sướng vô cùng khi rao giảng đạo thập giá mà gọi là “Vinh quang ta là thập giá Chúa Ki-tô”

Không thể có một đời sống gọi là công giáo mà lại không có sự từ bỏ chính mình. Không thể là người môn đệ nếu không sống sự từ bỏ này.



Suy niệm 4 - Lm. Phêrô Nguyễn Thiên Cung
 

1-      Sứ điệp nguyên thủy :

(1) Khi mời gọi “đọc” St 11, 1-9 qua lăng kính Mc 8, 34 – 9, 1, Phụng vụ Lời Chúa hôm nay cho thấy muốn khẳng định mình thì phải tự hủy mình đi, chứ không phải tìm cách để đề cao mình bằng cách loại trừ Thiên Chúa và tha nhân, như được phản ảnh, trước tiên, trong  Mc 8, 34 – 9, 1 : ở đây, Đức Giêsu cho thấy rõ điều đó qua chính cả cuộc đời của Ngài [“Khi ấy, Đức Giêsu gọi đám đông cùng với các môn đệ lại. Ngài nói với họ rằng : ‘…Quả vậy, ai muốn cứu mạng sống mình, thì sẽ mất; còn ai liều mất mạng sống mình vì tôi và vì Tin Mừng, thì sẽ cứu được mạng sống ấy.” (8, 34-35)]…

(2) Thứ đến, trong St 11, 1-9 : ở đây, cho thấy khi con người muốn tự mình khẳng định mình không cần gì Thiên Chúa, đó chính là lúc con người chia rẽ nhau và tự hủy hoại chính mình và anh em mình [“Họ bảo nhau : ‘Nào ! Ta đúc gạch và lấy lửa mà nung !’…Họ nói : ‘Nào ! Ta hãy xây cho mình một thành phố và một tháp có đỉnh cao chọc trời. Ta phải làm cho danh ta lẫy lừng, để khỏi bị phân tán trên khắp mặt đất’…Đức Chúa phán : ‘…Nào ! Ta xuống và làm cho tiếng nói của chúng phải xáo trộn, khiến chúng không ai hiểu ai nữa’.” (11, 3-4.7)]…

 

2-  Sứ điệp cho ngày hôm nay:

Con người chỉ thực sự sống khi con người yêu, chỉ thực sự là mình khi tự xóa nhòa mình đi trước Thiên Chúa...

 

 

Tác giả: Truc Ho Si

  Ý kiến bạn đọc

Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây