Tin Mừng: Mc 9, 2-13
Sáu ngày sau, Đức Giê-su đem các ông Phê-rô, Gia-cô-bê và Gio-an đi theo mình. Người đưa các ông đi riêng ra một chỗ, chỉ mình các ông thôi, tới một ngọn núi cao. Rồi Người biến đổi hình dạng trước mắt các ông. Y phục Người trở nên rực rỡ, trắng tinh, không có thợ nào ở trần gian giặt trắng được như vậy. Và ba môn đệ thấy ông Ê-li-a cùng ông Mô-sê hiện ra đàm đạo với Đức Giê-su. Bấy giờ, ông Phê-rô thưa với Đức Giê-su rằng: "Thưa Thầy, chúng con ở đây, thật là hay! Chúng con xin dựng ba cái lều, một cho Thầy, một cho ông Mô-sê, và một cho ông Ê-li-a." Thực ra, ông không biết phải nói gì, vì các ông kinh hoàng. Bỗng có một đám mây bao phủ các ông. Và từ đám mây, có tiếng phán rằng: "Đây là Con Ta yêu dấu, hãy vâng nghe lời Người." Các ông chợt nhìn quanh, thì không thấy ai nữa, chỉ còn Đức Giê-su với các ông mà thôi.
Ở trên núi xuống, Đức Giê-su truyền cho các ông không được kể lại cho ai nghe những điều vừa thấy, trước khi Con Người từ cõi chết sống lại. Các ông tuân lệnh đó, nhưng vẫn bàn hỏi nhau xem câu "từ cõi chết sống lại" nghĩa là gì. Các ông hỏi Đức Giê-su: "Tại sao các kinh sư lại nói ông Ê-li-a phải đến trước?" Người đáp: "Đúng thế, ông Ê-li-a đến trước để chỉnh đốn mọi sự. Vậy sao có lời chép rằng Con Người phải chịu nhiều đau khổ và bị khinh chê? Nhưng Thầy nói cho anh em biết: ông Ê-li-a đã đến, và họ đã xử với ông theo ý họ muốn, như Sách Thánh đã chép về ông."
MỤC LỤC
Suy niệm 1: Nhóm Bạn Đường Linh Thao - biên dịch
Suy niệm 2: NIỀM TIN LÀM CHO THẤY VÀ DÁM TRẢ GIÁ - Lm. Giuse Nguyễn Trọng Sơn
Suy niệm 3: CHÚA BIẾN HÌNH - Gm. Phaolô Nguyễn Thanh Hoan
Suy niệm 4: Lm. Phêrô Nguyễn Thiên Cung
Suy niệm 1: Nhóm Bạn Đường Linh Thao - biên dịch
Nguồn: https://mycatholic.life/.../sixth-week-in-ordinary-time/
Bản văn trên mô tả biến cố Chúa Hiển Dung. Phê-rô, Gia-cô-bê và Gio-an đi lên một ngọn núi cao cùng với Đức Giê-su. Đức Giê-su đột nhiên biến đổi chân dung với y phục rực rỡ trắng tinh trước mặt họ và đàm đạo với Mô-sê và Ê-li-a.
Ba môn đệ chứng kiến sự kiện kì diệu lạ lùng này trở nên choáng ngợp và thích thú đến nỗi Phê-rô đã thốt lên những lời đầy bộc phát và ngây ngô. Kinh Thánh viết lại rằng: “Ông không biết phải nói gì.”, thế nhưng ông vẫn mạnh dạn đề nghị rằng các ông sẽ dựng ba cái lều, một cho Đức Giê-su, một cho ông Mô-sê và một cho ông Ê-li-a. Dĩ nhiên Đức Giê-su không đáp lại thỉnh cầu này bởi Người biết Phê-rô quá sốt sắng đến nỗi không thể suy nghĩ cho chín chắn được. Còn ông Mô-sê và ông Ê-li-a thì đã hẳn không cần đến những túp lều đó rồi.
Từ bản văn này, ta có thể thấy được một sự thực rất tinh tế trong đời sống thiêng liêng: khi ta có những kinh nghiệm đầy sốt mến và an ủi trước sự hiện diện của Thiên Chúa, ta dễ bị cám dỗ đi vào tình trạng “thánh thiện quá đà”. Phê-rô sốt sắng đến độ ông muốn ở lại luôn trên núi đó, và dĩ nhiên điều này không thực tế và hợp lý chút nào. Chuyện Phê-rô phản ứng như thế không có gì lạ, nhưng điều này đáng làm ta lưu ý và rút ra bài học cho đời sống thiêng liêng của mình.
Đôi khi ta thấy mình gắn bó thật thiết thân với Chúa và được gợi hứng sâu xa bởi cách này hay cách khác. Ta có thể thấy rằng phản ứng đầy cảm xúc đó một cách nào đó có thể đưa ta đi quá đà. Đó không phải là sự quá đà trong tình yêu ta dành cho Thiên Chúa, nhưng là sự quá đà trong nhiệt huyết của ta, nhiệt huyết dựa trên cảm xúc của mình hơn là dựa trên ý Chúa. Đây là thí dụ điển hình của tình trạng “quá sốt mến thiêng liêng”. Hẳn nhiên ta phải nỗ lực để gắn bó mật thiết với Thiên Chúa, nhưng ta cũng cần phải đảm bảo rằng những cảm xúc sốt mến sẽ không làm cho ta bước đi trên đường riêng của mình cho bằng bước đi trong thánh ý Thiên Chúa.
Mời bạn cùng phản tỉnh xem liệu mình có đang rơi vào trong tình trạng đó hay không. Đích đến của đời sống tốt lành đạo đức là sự cân bằng đích thức giữa các thái cực. Mặc dù ta cần phải gắn kết 100% với Chúa và ý của Người, nhưng ta cũng cần lưu ý rằng ta không được để mình nghiêng chiều về một phía là ý riêng của mình. Xin Chúa giữ gìn bạn để bạn kiên vững trên bước đường của mình, để làm đẹp lòng Chúa và đi trong Thánh Ý Người.
Lạy Chúa, con ao ước thuộc trọn về Ngài trong mọi đường nẻo của con. Con ao ước yêu Ngài và phục vụ Ngài bằng hết trí khôn, linh hồn và sức lực của con. Xin giúp con luôn luôn bước theo ý Ngài và duy chỉ ý Ngài mà thôi. Xin đừng bao giờ để con lìa xa nẻo đường Ngài dành cho con. Xin cho con biết sống cân bằng và hướng tới một cuộc đời thánh thiện tốt lành. Lạy chúa Giê-su, con tín thác vào Chúa.
Sau cuộc biến hình trên núi, Chúa Giêsu dặn các môn đệ đừng tiết lộ những điều ấy cho đến khi Người từ cõi chết sống lại. Marcô cho biết lời căn dặn này khiến các ông thắc mắc:
“Các ông tuân lệnh đó, nhưng vẫn bàn hỏi nhau xem câu ‘từ cõi chết sống lại’ nghĩa là gì.” (Mc 9,9).
Các ông thắc mắc về điều ấy bởi vì sống lại từ cõi chết là một chuyện hoàn toàn mới mẻ với các ông. Các ông chưa nghe nói và chưa có kinh nghiệm về điều ấy bao giờ! Như thế, tuy dù ba môn đệ này đã chứng kiến Thầy mình biến hình sáng láng, nhưng các ông chỉ hiểu chuyện ấy như là vinh quang mà các ông đã thấy trước mắt thôi, chứ chưa hiểu được về cuộc thương khó rồi cái chết của Thầy Giêsu và sự sống lại của Người sau đó, mặc dù trước đó, Chúa Giêsu đã nói với họ về cuộc Vượt Qua này.
Chỉ có đức tin mới có thể thấy được sự phục sinh đàng sau cái chết, thấy được vinh quang đàng sau cuộc khổ nạn. Tác giả thư Hipri viết:
“Thưa anh em, đức tin là bảo đảm cho những điều ta hy vọng, là bằng chứng cho những điều ta không thấy.” (Hr 11,1)
Như vậy, khi chúng ta chưa dám chọn lựa con đường của Tin Mừng, chưa dám dấn bước vào con đường của mầu nhiệm Vượt Qua, tức là chúng ta chưa đủ lòng tin, lòng tin ấy chưa đủ sống động để có thể chi phối cuộc sống, chi phối cuộc đời chúng ta! Nếu theo đạo chỉ là một thủ tục hành chánh, chỉ là tuân thủ một số nghi lễ và luật buộc, thì chúng ta sẽ không đủ can đảm để đi con đường thập giá. Phải là một mối tương giao thân tình với Chúa Kitô, hàng ngày chiêm ngắm Người và con đường của Người, thì các kitô hữu mới ngày một thêm can đảm để trả giá cho niềm tin của mình.
Suy niệm 3: CHÚA BIẾN HÌNH - Gm. Phaolô Nguyễn Thanh Hoan
Sau khi Chúa loan báo cuộc khổ nạn của Ngài, các tông đồ rất hoang mang về kế hoạch sinh tử đó. Không ai hiểu được chết rồi ba ngày chỗi dậy - tức là sống lại, cho nên lời loan báo cuộc khổ nạn là thử thách lớn đối với họ .
Để làm an lòng phần nào và để cho họ thấy thế nào là mầu nhiệm Phục Sinh, Chúa đã chọn ba vị môn đệ nòng cốt để đem lên núi biến hình để cho họ thấy trước thân thể Phục sinh vinh quang của Người. Chính ba môn đệ này được chứng kiến phép lạ Chúa làm cho con gái ông Gia-ca-ri-a sống lại, cuối cùng ba vị này cũng tham dự vào cuộc hấp hối tại vườn Cây Dầu.
Đối với thánh Maccô thuật lại câu chuyện lạ lùng này, ông lại muốn đem vào một mầu nhiệm đó là “Chỉ có vinh quang khi người ta hiến mạng sống mình”.
Chúa đã biến hình trước mặt ba môn đệ : Y Phục sáng ngời và trắng như tuyết. Khuôn mặt Chúa lại rạng rỡ vô cùng. Bên cạnh Chúa là hai nhân vật Cựu ước đầy uy tín là Môi-sen và Êlia; Môi sen là nhà lập luận- Êlia là tiên tri lừng danh chiến đấu bảo vệ tôn giáo chân chính. Các Ngài hiện diện với Chúa Giêsu trong giờ phút oai nghiêm trang trọng để bàn về cuộc thương khó Chúa từng loan báo.
Khung cảnh trở lên vô cùng hoan lạc, đã khiến Phê-rô đề nghị chọn núi biến hình làm chốn kinh đô của Nước Chúa. Nhưng chỉ có giây lát chỉ để chứng kiến một thoáng mầu nhiệm phục sinh. Các ông còn phải cùng Chúa trở lại cuộc sống bình thường, tiếp tục cuộc hành trình cứu độ.
Điều các ông không bao giờ quên được là tiếng Chúa Cha phán từ trời xuống : “Đây là Con Ta yêu dấu, hãy nghe lời Người”.
Còn gì bảo đảm cho lời loan báo của Chúa cho bằng lời phán đó của Chúa Cha. Đức Giêsu là con của Cha, mầu nhiệm lạ lùng. Đây là mạc khải vĩ đại nhất.
Tuy nhiên, Chúa vẫn dạy các tông đồ phải bảo mật mầu nhiệm họ chứng kiến. Muốn biết Đức Ki-tô là ai, con Thiên Chúa là ai, Đấng Thiên Sai là người như thế nào ? người ta phải tham dự biến cố thập giá của Ngài, một biến cố yêu cầu người phải hướng lòng về một thế giới mới. Nước Ngài không phải là nước trần gian, mà là một thực tại siêu việt, vượt quá mọi quy luật của cuộc đời này. Đó là nước của tình yêu vô tận.
1- Sứ điệp nguyên thủy :
(1) Khi mời gọi “đọc” Dt 11, 1-7 qua lăng kính Mc 9, 2-13, Phụng vụ Lời Chúa hôm nay cho thấy Đức Giêsu-Kitô, Con và là Ngôi Lời Thiên Chúa làm người chính là đối tượng của niềm tin, niềm hy vọng và tình yêu của tất cả mọi người, và mọi thụ tạo, như được phản ảnh, trước tiên, trong Mc 9, 2-13 : ở đây, tường thuật biến cố biến hình dạng trên núi cho thấy Đức Giêsu không đơn giản chỉ là một con người, mà còn là một “Ai đó” còn hơn thế nữa (9, 2-3); còn chính Thiên Chúa-Cha thì phán dạy [“…Và từ đám mây, có tiếng phán rằng : ‘Đây là Con Ta yêu dấu, hãy vâng nghe lời Ngài’.” (9, 7)]…
(2) Thứ đến, trong Dt 11, 1-7 : ở đây, cho thấy vai trò quan trọng của niềm tin, niềm hy vọng và lòng mến trong tương quan giữa con người và Thiên Chúa [“Thưa anh em, đức tin là bảo đảm cho những điều ta hy vọng, là bằng chứng cho những điều ta không thấy…Nhờ đức tin, chúng ta hiểu rằng vũ trụ đã được hình thành bởi lời của Thiên Chúa; vì thế những cái hữu hình là do những cái vô hình mà có…Mà không có đức tin, thì không thể làm đẹp lòng Thiên Chúa, vì ai đến gần Thiên Chúa, thì phải tin là có Thiên Chúa…” (11, 1.3.6)]…
2- Sứ điệp cho ngày hôm nay :
Vì Đức Giêsu-Kitô là người và là Thiên Chúa, nên khi tin vào Ngài là tin vào Thiên Chúa…
Tác giả: Truc Ho Si
Ý kiến bạn đọc
Những tin mới hơn
Những tin cũ hơn