Suy niệm - Thứ Sáu tuần 13 thường niên

Thứ năm - 06/07/2023 09:35
Lời Chúa: Mt 9, 9-13

Khi ấy, Chúa Giêsu đi ngang qua, thấy một người ngồi ở bàn thu thuế, tên là Matthêu. Người phán bảo ông: "Hãy theo Ta". Ông ấy đứng dậy đi theo Người. Và xảy ra là khi Người ngồi dùng bữa trong nhà, thì có nhiều người thu thuế và tội lỗi đến ngồi đồng bàn cùng Chúa Giêsu và các môn đệ của Người. Những người biệt phái thấy vậy, liền nói với các môn đệ Người rằng: "Tại sao Thầy các ông lại ăn uống với những người thu thuế và tội lỗi như thế?"
Nghe vậy, Chúa Giêsu bảo rằng: "Người lành mạnh không cần đến thầy thuốc, nhưng là người đau yếu! Các ông hãy đi học xem lời này có ý nghĩa gì: "Ta muốn lòng nhân từ, chứ không phải là hy lễ". Vì Ta không đến để kêu gọi người công chính, nhưng kêu gọi người tội lỗi".


Suy Niệm 1: Đứng dậy đi theo
(Lm. Ant. Nguyễn Cao Siêu SJ.)


Thầy Giêsu gọi bốn môn đệ đầu tiên khi họ đang làm việc.
Người thì đang quăng lưới ngoài khơi,
kẻ thì đang vá lưới trong thuyền (Mt 4, 18-22).
Khi Thầy gọi Mátthêu, anh cũng đang làm việc ở trạm thu thuế.
Anh đang ngồi, vững vàng trong nghề nghiệp của mình,
dù nghề của anh thường bị coi là nghề rất xấu.
Thầy Giêsu như tình cờ đi ngang qua bàn làm việc của anh.
Ngài chỉ nói một câu rất ngắn: “Anh hãy theo tôi!”
Mátthêu không đáp lại, nhưng anh trả lời bằng hành động.
Từ vị thế đang ngồi, anh bỏ dở công việc để đứng lên và theo Thầy.
Từ vị thế vững vàng, anh bắt đầu bước vào cuộc phiêu lưu bấp bênh.
Từ vị thế của tội nhân, anh trở thành người môn đệ thân thiết.
Mátthêu nằm trong danh sách nhóm Mười Hai (Mt 10, 3).
Thầy Giêsu không sợ mất tiếng khi nhận anh vào nhóm.
Nhóm của Thầy không chỉ gồm những người thánh thiện,
nhưng có cả những tội nhân giàu lòng hoán cải.
Mátthêu có đóng góp gì cho nhóm Mười Hai không?
Nghề thu thuế với giấy bút có giúp gì cho các ngư phủ ít học không?
Trong nhóm Mười Hai, Mátthêu có chỗ đứng đặc biệt,
người thu thuế trở nên Tác giả sách Tin Mừng.
Mátthêu làm nghề bị đồng bào của ông khinh miệt,
vì nghề này dễ dẫn người ta đến chỗ lạm thu, bỏ tiền vào túi riêng.
Nghề này còn là một sỉ nhục vì cộng tác với ngoại bang bóc lột dân,
đụng chạm đến đồng tiền ô uế và tiếp xúc với dân ngoại.
Khi trở nên môn đệ của Thầy, Mátthêu đã trở nên người phục vụ đồng bào.
Ông dùng khả năng của mình mà viết sách Tin Mừng.
Đây là Tin Mừng lớn mà ông loan báo: Đức Giêsu chính là Đấng Mêsia.
Không phải chờ gì nữa, Đấng Mêsia đã đến rồi!
Ngài làm trọn những lời đã được loan báo trong Cựu Ước.
Mátthêu đã tìm ra ngôn ngữ để nói với Dân Chúa, sao cho họ hiểu được.
Ông đã trình bày dung mạo Đức Giêsu cho người cùng thời với ông.
Chúng ta cũng phải có khả năng giới thiệu Đức Giêsu cho người thời nay,
nghĩa là biết, hiểu và nói được ngôn ngữ của thế giới,
để thế giới nghe và hiểu được.
Chúng ta vẫn phải tiếp tục viết các sách Tin Mừng cho thời đại hôm nay,
phù hợp với não trạng và tâm thức của họ, với nền văn hóa đương đại.
Đâu là khuôn mặt Đấng Cứu độ mà con người hôm nay ngóng chờ?
Con người thời nay khỏe mạnh về nhiều mặt,
nhưng vẫn là người đau ốm cần đến thầy thuốc (c. 12).
Họ mong mình được giải phóng khỏi điều gì?
Đức Giêsu Kitô có thể đáp ứng được những khao khát đó không?
Lời rao giảng và cuộc sống của chúng ta phải cho thấy
Đức Giêsu có thể chữa lành và đem lại một thế giới hạnh phúc.
Ước gì chúng ta có lòng nhân và sự bao dung như Đức Giêsu,
dám đồng bàn với con người hôm nay để dẫn họ đến bàn tiệc thiên quốc.
 
Cầu nguyện:
Lạy Chúa Giêsu,
xin sai chúng con lên đường
nhẹ nhàng và thanh thoát,
không chút cậy dựa vào khả năng bản thân
hay vào những phương tiện trần thế.
Xin cho chúng con làm được những gì Chúa đã làm:
rao giảng Tin Mừng, trừ quỷ,
chữa lành những người ốm đau.
Xin cho chúng con biết chia sẻ Tin Mừng
với niềm vui của người tìm được viên ngọc quý,
biết nói về Ngài như nói về một người bạn thân.
Xin ban cho chúng con khả năng
đẩy lui bóng tối của sự dữ, bất công và sa đọa.
Xin giúp chúng con lau khô những giọt lệ
của bao người đau khổ thể xác tinh thần.
Lạy Chúa Giêsu,
thế giới thật bao la
mà vòng tay chúng con quá nhỏ.
Xin dạy chúng con biết nắm lấy tay nhau
mà tin tưởng lên đường,
nhẹ nhàng và thanh thoát. Amen.
 
Suy Niệm 2: Dòng dõi A-bra-ham
(TGM Giuse Ngô Quang Kiệt)


Áp-ra-ham là người trung tín với lời Chúa hứa. Chúa đã hứa cho ông một dòng dõi đông như sao trên trời như cát dưới biển. Ông không dám chung đụng với dân ngoại. Vì thế phải tìm vợ cho I-xa-ác trong dòng họ của ông. Thật là một sự trung tín đáng trân trọng. Ông vẫn nghĩ dòng dõi Chúa hứa là theo phương diện huyết thống thể lý. Nhưng ông cũng đã hiểu phải có một dòng dõi mới sống theo Lời Chúa Hứa. Nên bằng mọi cách phải đưa cô dâu đến. “Coi chừng, đừng có đưa con trai tôi về đó” (năm lẻ).
Quan niệm đó dần dần được Thiên Chúa thanh luyện. Khi dân Do thái không trung thành với Lời Chúa, lời hứa theo phương diện huyết thống thể lý mất hiệu nghiệm. A-mốt cho thấy dân phạm tội nên đánh mất lời hứa. “Chúng sẽ thất thểu từ biển này qua biển nọ, từ phương bắc đến phương đông, chúng sẽ lang thang để kiếm tìm lời Đức Chúa mà không gặp được”. Lòng họ trở nên thửa đất bờ ruộng, nơi chim trời đến tha mất Lời Chúa. Lòng họ trở nên gai góc sỏi đá bóp nghẹt Lời Chúa (năm chẵn).
Chúa Giêsu đến mở ra một chân trời mới, thiết lập dòng dõi mới của Áp-ra-ham. Biệt phái và Luật sĩ, Kinh sư tự hào mình là dòng dõi Áp-ra-ham nhưng lại đóng chặt cửa lòng không nghe Lời Chúa. Những kẻ tội lỗi lại mở lòng đón nhận. Một lời kêu gọi, lập tức Lê-vi chỗi dậy theo Chúa. Bỏ bàn thu thuế đầy tiền bạc. Bỏ nghề thu thuế nhiều lợi nhuận. Bước theo Chúa vào con đường phiêu lưu vô định.
Đây quả là dòng dõi mới của Áp-ra-ham. Biệt phái, Luật sĩ, Kinh sư tự hào là con cháu Áp-ra-ham nhưng không nối tiếp truyền thống thiêng liêng của tổ phụ. Chính Mát-thêu và những người tội lỗi nối tiếp truyền thống này. Như Abraham vừa nghe Lời Chúa đã từ bỏ quê hương, gia đình, tài sản, Lê-vi vừa nghe Lời Chúa đã từ bỏ tiền của, nghề nghiệp. Như Áp-ra-ham lên đường đến miền đất Chúa hứa, Lê-vi và các bạn lên đường theo Chúa Giê-su. Như Áp-ra-ham chỉ biết vâng lời Chúa không tính toán so đo, kể cả sát tế I-xa-ác dâng hiến Chúa, Lê-vi không tính toán, theo Chúa mà chẳng có gì thủ thân. Đây đích thực là dòng dõi mới của Áp-ra-ham. Dòng dõi theo đức tin chứ không còn theo huyết thống.
Tôi thuộc dòng dõi cũ hay dòng dõi mới của Áp-ra-ham? Tôi khép kín hay mở rộng tâm hồn lắng nghe, đón nhận và thực hành Lời Chúa?


SUY NIỆM 3: ĐI TỚI TRƯỚC HAY ĐI LÙI ?! Giuse Nguyễn Trọng Sơn

Ông Abraham được gọi là “người cha trong đức tin” không những vì đức tin mạnh mẽ mà còn vì đức tin kiên cường. Ông đã tin vào Đức Chúa để đến một vùng đất xa lạ; đã tin mình sẽ có một dòng dõi đông đúc tuy dù mình và vợ đã già cả. Và bây giờ, đến cuối đời, ông cũng diễn tả một đức tin kiên cường qua việc cưới vợ cho con trai. Ông dặn lão bộc đừng cưới cho con mình những người con gái xứ Canaan nơi họ đang ở, có lẽ vì thấy việc tôn thờ các thần linh ở đây không ổn. Ông dặn lão bộc tìm vợ cho con nơi quê cũ là thành Ur, xứ Canđê, nhưng phải đưa cô dâu về đất Canaan, nơi Chúa đã hứa cho dòng dõi ông, chứ không đưa con trai về quê và ở lại đó! Đã ra đi theo lời mời gọi của Chúa thì ông không trở lại nơi cũ nữa.
Trong đời sống đạo, việc trở về “chỗ cũ” được nói về những người tội lỗi, sau thời gian sám hối và trở lại đàng ngay, thì sau đó lại trở về tình trạng cũ! Điều đó dễ hiểu và dễ nhận ra. Còn trường hợp khác khó nhận ra hơn nhiều, đó là những người vẫn mang danh là đạo đức, có khi còn nhiều chức vị trong Giáo Hội nữa, nhưng thực ra là họ đang sống “con người cũ”, theo cách nói của thánh Phaolô, là sống theo “xác thịt”, theo một thứ đạo đức của luật lệ, của danh vọng, của quyền lợi trần thế! Họ không biết sống theo Thánh Thần, tức là theo những soi sáng, những thúc đẩy trước những tình huống của cuộc sống, trước những diễn biến trong xã hội. Họ sợ thay đổi vì sợ mất những lợi ích đang có; họ không dám phiêu lưu vào những con đường mới lạ; họ muốn tìm chỗ đứng an toàn và được quý trọng trong các sinh hoạt của Giáo Hội. Tóm lại, họ đang tìm kiếm một lối sống đạo theo quan niệm của con người, không hề có bóng dáng của Thiên Chúa! Họ đang sống “đời sống cũ” mà họ không biết. Họ đang đi lùi, đi trở lại phía sau mà họ tưởng mình đang đi tới trước, đang lớn lên trong đời sống đạo đức! Họ tưởng mình hơn người, nên khinh khi và gạt bỏ người có những giới hạn bên ngoài (x. Tin Mừng)! Người đi tới trước là người bước theo Thánh Thần.


SUY NIỆM 4:  CHÚA GỌI - ĐGM. PHAOLÔ NGUYỄN THANH HOAN

Matthêu là một người thu thuế, ông còn có tên gọi là Lêvi. Tên Lêvi gợi ý ông thuộc dòng dõi những ca viên chuyên hiệp của đoàn hội Israen. Nhưng bước sang cuộc đời làm nghề thu thuế ông đã đánh mất căn tính của một người ngoan đạo. Trái lại ông bị đồng hóa với phường trộm cướp đĩ điếm chuyên nghề tội lỗi. Và ông bị mọi người gét bỏ, loại trừ.
Nhưng Chúa Giêsu có cái nhìn khác về con người. Con người dù tội lỗi bao nhiêu vẫn mang hình ảnh Thiên Chúa,  vẫn có thể trở về làm con Thiên Chúa.  Ngài không loại trừ ai, vì tất cả đều là con của Ngài. Tất cả đều có quyền hưởng tình thương và ơn cứu độ của Ngài.
Tất cả chúng ta đều là tội nhân, mang tội từ khi mẹ mới hoài thai, như thánh vịnh 50 đã nói tới. Nhưng Chúa đến trần gian để tạo cơ hội cho mọi người đón nhận lòng thương xót của Thiên Chúa.
Những người Do thái chưa hiểu được tình thương đó và đang quan niệm rằng phải loại trừ phường tội lỗi, vì Thiên Chúa là Đấng Thánh, không thể nào dung hòa được với phường tội lỗi. Trái lại Chúa Giêsu ví Ngài như thầy thuốc đi tìm con bệnh. Đó là trái tim Chúa, trái tim của Người Cha nhân từ sẵn sàng và vui mừng đón đứa con hoang đàn trở về. Trái tim Ngài là trái tim người chủ chăn bỏ 99 con chiên lại đi tìm một con chiên lạc.
Hôm nay đón nhận một người thu thuế, một tâm hồn tuy đang sống giữa tiền của, nhưng lại sẵn sàng từ bỏ tất cả khi nghe Chúa gọi  mình. Tình thương Chúa muôn đời trường cửu vì Ngài cần cứu độ hết mọi người.
Cầu nguyện :
 Lạy Chúa là Đấng đầy lòng thương xót và hay tha thứ. Chúa chỉ muốn người tội lỗi biết trở về và sám hối ăn năn. Chúa còn bênh vực một phụ nữ bắt gặp quả tang phạm tội ngoại tình. Chúa cầu xin Chúa Cha tha tội cho những kẻ phạm tội tầy đình là đã giết oan Chúa.
Chúng con nguyện xin Chúa cho kẻ có tội biết ăn năn trở lại, cho tất cả những ai chưa biết đến lòng nhân từ vô biên của Chúa, được nghe rao giảng Tin mừng, được Thánh Thần ban ơn tha thứ, được giao hòa với Chúa Cha và cùng chúng con ca ngợi tạ ơn Chúa muôn đời.
Lạy Chúa, Chúa đã phán rằng : “Cả thiên đàng vui mừng vì một người trở lại”. Chúa cũng gọi chúng con mang sứ điệp Tin mưng đó đến cho mọi người lương dân. Xin Chúa cho chúng con trở thành người chiến sĩ Phúc âm, say sưa Tin mừng, say sưa tình yêu Chúa và sẵn sàng dấn thân làm chứng cho tình yêu đó, và những hoạt động cộng đoàn chúng con đã trọn lựa.
Lạy Chúa xin giúp chúng con biết tha thứ và thông cảm cho nhau, khi người này có lời nói, cử chỉ làm mất lòng người kia. Xin làm cho con tim chúng con trở nên quảng đại, khoan dung và không quan trọng hóa  mọi lỗi lầm của anh chị em trong nhà đối với mình.
     Mỗi khi  bất bình với ai, thay vì buồn giận, xin Chúa cho chúng con biết nhìn lên Chúa vừa là nạn nhân của thù gét, vừa là nhân chứng của tình thương, vừa đổ cho đến cạn kiệt giọt máu trong tim, ngõ hầu đem lại nguồn ơn tha bất tận cho nhân loại. Amen

Tác giả: Truc Ho Si

  Ý kiến bạn đọc

Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây