Suy niệm - Thứ Năm Tuần 13 thường niên

Thứ tư - 05/07/2023 09:16
Lời Chúa: Mt 9, 1-8.

Khi ấy, Chúa Giêsu xuống thuyền, vượt biển mà về thành của Người. Bấy giờ người ta đem đến cho Người một kẻ bất toại nằm trên giường.
Thấy họ có lòng tin, Chúa Giêsu nói với người bất toại rằng: "Hỡi con, con hãy vững tin, tội con được tha rồi". Bấy giờ mấy luật sĩ nghĩ thầm rằng: "Ông này nói phạm thượng". Chúa Giêsu biết ý nghĩ của họ liền nói: "Tại sao các ngươi suy tưởng những sự xấu trong lòng? Bảo rằng "Tội con được tha rồi", hay nói "Hãy chỗi dậy mà đi", đàng nào dễ hơn? Nhưng (nói thế là) để các ngươi biết rằng trên đời này Con Người có quyền tha tội".
Bấy giờ Người nói với người bất toại: "Con hãy chỗi dậy, vác giường mà về nhà con". Người ấy chỗi dậy và đi về nhà. Thấy vậy dân chúng sợ hãi và tôn vinh Thiên Chúa đã ban cho loài người quyền năng như thế.


Suy Niệm 1: Thấy họ có lòng tin
(Lm. Ant. Nguyễn Cao Siêu SJ.)


Khiêng một người bất toại trên một cái giường là điều không dễ.
Chẳng biết có mấy người khiêng và khiêng bao xa?
Chẳng rõ tương quan giữa họ ra sao, có phải là bạn bè, họ hàng không?
Có điều chắc là anh bất toại không thể tự mình đến với Thầy Giêsu được.
Chân của anh có vấn đề, và thời ấy không có xe lăn như bây giờ.
Anh cần đến sự giúp đỡ của bạn bè quen biết.
Và đã có những người đáp lại vì tình thương đối với anh chịu tật nguyền.
Rồi đã có một cuộc hẹn, và sau đó cả nhóm lên đường.
Tình bạn làm cho đường đến nhà của Thầy Giêsu ở Caphácnaum gần hơn.
Nhưng vất vả, nhọc nhằn thì vẫn không tránh được.
Đưa người bất toại đến với Thầy Giêsu quả là một kỳ công,
vì trong Tin Mừng theo thánh Máccô, họ đã phải đưa người bệnh xuống
qua một lỗ thủng ở trên mái nhà, bởi lẽ không có đường nào khác ! (Mc 2, 4).
Dù sao Thầy Giêsu cũng đã thấy lòng tin của họ (c. 2).
Lòng tin là cái bên trong, nhưng được lộ ra ngoài.
Cả người bất toại lẫn các người khiêng đều có chung một lòng tin.
Tin rằng đến với Thầy Giêsu là thế nào cũng được khỏi.
Họ nuôi một niềm hy vọng lớn: khi trở về không phải khiêng nhau nữa.
Anh bất toại có thể đi được bằng đôi chân của chính mình,
và đi ngang hàng với những người bạn khác.
Tin, yêu và hy vọng là những tâm tình có trong tim của nhóm bạn này.
Không có những điều đó thì cũng chẳng có phép lạ khỏi bệnh.
Ơn Thiên Chúa vẫn đến với con người ngang qua lòng tốt của con người.
Nhưng lạ thay Thầy Giêsu lại có vẻ không màng đến chuyện chữa bệnh.
Thầy nói với người bất toại: “Các tội của anh được tha thứ” (c. 2).
Ơn đầu tiên người bất toại nhận được là một ơn mà anh không xin,
ơn đó không phải nơi thân xác, nhưng nơi linh hồn.
Hẳn Thầy Giêsu không có ý nói rằng anh bị tật là vì đã phạm tội.
Nhưng Ngài muốn cho thấy uy quyền của lời Ngài nói.
Lời này có thể tha tội và lời này cũng có thể chữa lành.
Nếu các kinh sư nghĩ rằng Ngài đã nói phạm thượng (c. 3),
dám tiếm quyền tha tội dành cho một mình Thiên Chúa,
thì Ngài sẽ chứng tỏ cho họ thấy Ngài có quyền tha tội dưới đất.
Ngài bảo anh bất toại: “Đứng dậy, vác chõng mà đi về nhà” (c. 6).
Ngài đã không chọn điều dễ hơn (c. 5), điều khó kiểm chứng.
Anh bất toại đã đứng dậy và đi về nhà cùng với các bạn của anh.
Anh đã được hơn cả điều anh mong ước, đó là hồn an xác mạnh.
Đức Giêsu có quyền giải phóng ta khỏi bệnh tật và tội lỗi.
Tội lỗi cũng làm ta bất toại, không đến được với Thiên Chúa và tha nhân.
Nhưng Đức Giêsu đã muốn chia sẻ quyền này cho “loài người” (c. 8).
Môn đệ của Ngài vẫn làm thừa tác vụ chữa lành và tha tội cho đến tận thế.
 
Cầu nguyện:
Lạy Chúa Giêsu,
Chúa đã giúp cho bao người què đi được trên đôi chân của mình.
Chúa đã làm cho người bất toại
nằm chờ đợi nhiều năm bên hồ nước
bất ngờ trỗi dậy, vác chõng và bước đi.
Chúa đã làm cho người bất toại
mà bạn bè vất vả đưa xuống từ lỗ hổng của mái nhà,
được khỏi bệnh, lòng bình an vì được tha thứ.
Chúa đã cho kẻ bại tay được đưa tay ra
và tay anh trở lại bình thường.
Bất toại trên thân xác thật là điều đáng sợ.
Nhưng đáng sợ hơn là thứ bất toại của tâm hồn.
Có thứ bất toại làm chúng con không đến được với người khác,
dù nhà họ ở kế bên nhà chúng con,
không đến được với Chúa, dù Chúa vẫn luôn chờ đợi.
Có thứ bất toại làm chúng con không thể đưa tay ra
để bắt tay người đối diện hay để chia sẻ một món quà.
Có thứ bất toại làm trái tim chúng con khô cứng,
hững hờ trước nỗi đau của người anh em.
Xin giúp chúng con ra khỏi
những thành kiến và mặc cảm, thù oán và ghen tương,
để chuyển động mềm mại hơn dưới sự tác động của Chúa.
Xin cũng giúp chúng con biết khiêm tốn
nhìn nhận sự bại liệt của mình,
và chấp nhận để người khác đưa mình đến gặp Chúa. Amen.
 

Suy Niệm 2: Tự do
(TGM Giuse Ngô Quang Kiệt)


Người bại liệt bị bệnh tật trói buộc. Không thể cử động chân tay, hoặc di chuyển theo ý muốn. Anh không có tự do. Đó là hình ảnh một tâm hồn tội lỗi. Tội lỗi là sợi dây trói buộc khiến con người mất tự do. Không thể làm điều mình muốn. Giải phóng thể xác thì dễ. Giải phóng tâm hồn thật khó. Giải phóng tâm hồn là khai thông bế tắc giữa con người với Thiên Chúa. Trong Chúa con người mới có tự do. Mới có thể làm được điều tốt. Theo thánh ý Chúa. Như người bại liệt có thể tuân lệnh Chúa. Khi Chúa truyền cho anh: “Đứng dậy, vác giường mà đi về nhả”. Người bại liệt đứng dậy, đi về nhà”.
A-mốt là một người tự do. Ông không sợ nhà vua. Cũng không sợ tiên tri giả A-mát-gia. Thẳng thắn tuyên án phạt với nhà vua Gia-róp-am. “Gia-róp-am sẽ chết vì gươm, và Ít-ra-en sẽ bị đày biệt xứ”. Và lệnh trừng phạt tiên tri giả A-mát-gia. “Vợ ngươi sẽ làm điếm trong thành phố, con trai con gái ngươi sẽ ngã gục dưới lưỡi gươm, lãnh thổ ngươi sẽ bị phân chia từng mảnh, còn ngươi, ngươi sẽ chết trên một miền đất ô uế”. Ông chỉ biết vâng lời Thiên Chúa. “Chính Đức Chúa đã bắt lấy tôi khi tôi đi theo sau đàn vật, và Đức Chúa đã truyền cho tôi: “Hãy đi tuyên sấm cho Ít-ra-en dân Ta”. Ông tự do vì ở trong Chúa. Vì có thể làm theo thánh ý Chúa bất chấp những chướng ngại (năm chẵn).
Tổ phụ Áp-ra-ham là một con người hoàn toàn tự do. Ngài có thể làm theo ý Chúa trong bất cứ hoàn cảnh nào. Tin vào Chúa không đòi điều kiện nào. Tin vô điều kiện. Tin đến độ sẵn sàng tuân hành thánh ý trong cả những hoàn cảnh khó khăn nhất. Đó là sát tế I-xa-ác, người con duy nhất. Dù trong lúc tuổi già, không còn hy vọng sinh con. Dù lời hứa của Chúa cho một dòng dõi đông đúc như cát biển sao trời. Ngài hoàn toàn tự do vì luôn ở trong Chúa. Ý chí của ngài hoà hợp với ý muốn của Thiên Chúa. Vì thế nên ngài được đầy ân sủng. “Bởi vì ngươi đã làm điều đó, đã không tiếc con của ngươi, con một của ngươi, nên Ta sẽ thi ân giáng phúc cho ngươi, sẽ làm cho dòng dõi ngươi nên đông, nên nhiều như sao trên bầu trời, như cát ngoài bãi biển. Dòng dõi ngươi sẽ chiếm được thành trì của địch. Mọi dân tộc trên mặt đất sẽ cầu chúc cho nhau được phúc như dòng dõi ngươi, chính bởi vì ngươi đã vâng lời Ta” (năm lẻ).
Xin cứu con khỏi ách nô lệ tội lỗi. Xin cho con được tâm hồn tự do. Trong sạch. Hoàn toàn tuân theo ý Chúa. Để con được sự sống đời đời.


SUY NIỆM 3: “ĐỨC CHÚA SẼ LIỆU” − Giuse Nguyễn Trọng Sơn

Con người nghĩ theo cách nghĩ của nhân loại, nhưng nhiều khi Thiên Chúa lại có cách nghĩ, có con đường riêng của Ngài. Và điều cần là người ta cần biết đọc ra và đi theo con đường của Ngài. “Đức Chúa sẽ liệu”, Ngài có cách riêng và con đường riêng.
Điều khiến chúng ta dị ứng khi nghe yêu cầu của Đức Chúa với ông Abraham là: hãy hiến tế cho Ta đứa con của ngươi (x. St 22,2). Với tâm thức ngày nay thì đó là điều man rợ, nhưng với thời đó, ông Abraham có cảm thấy như vậy đâu, vì đối với các nền văn hoá-tôn giáo thời bấy giờ, đó là chuyện bình thường. Điều thách thức đối với ông là ở chỗ Isaac là “đứa con duy nhất” của ông. Chính Đức Chúa nêu ra thường xuyên điều này khi thách thức ông: “Hãy đem con của ngươi, đứa con một yêu dấu của ngươi là Isaac...” (22,2); “đối với Ta, con của ngươi, con một của ngươi, ngươi cũng chẳng tiếc!” (22,12); “bởi vì ngươi đã làm điều đó, đã không tiếc con của ngươi, con một của ngươi, nên Ta sẽ thi ân giáng phúc cho ngươi” (22,16-17). Thách thức này lớn lao trước hết bởi vì ông hết mực yêu thương con mình. Còn hơn nữa, ông bà có được đứa con này trong lúc tuổi không còn có thể sinh sản, tức là nếu mất đứa con này, ông bà sẽ không còn bao giờ có đứa con khác nữa. Và điều ấy cũng thật phi lý, khi mà Thiên Chúa đã hứa ban cho ông Abraham một dòng dõi đông đúc từ chính đứa con này!?
Tuy nhiên, Thiên Chúa có cách của Ngài. Khi chặn tay Abraham để ông không sát tế con mình, mà thay bằng một con cừu, Đức Chúa đã phi bác việc dùng con trai nhỏ để hiến tế cho Ngài, điều mà những niềm tin thời đó coi là đạo đức! Ngay cả sau này, đôi khi các tiên tri cũng nói lại sự kinh tởm của điều này khi có ít người vẫn còn ảnh hưởng của niềm tin ngoại giáo còn tồn tại trong đất nước! Đi xa hơn nữa, suy tư của Abraham chỉ dừng lại ở điều trước mắt là con trai Isaac của ông, còn cách nhìn của Thiên Chúa còn dẫn đưa đến mãi về sau. Với Đức Giêsu là dòng dõi ông Abraham, Thiên Chúa sẽ đưa đến một dân đông vô kể, vượt ra ngoài ranh giới chủng tộc Do Thái. Thiên Chúa không bắt con người hy sinh cho Ngài cho bằng chính Ngài hy sinh Con Một Yêu Dấu cho nhân loại! (Ghi chú hình ảnh: con chiên dưới cây sự sống chỉ Chúa Kitô).
Thiên Chúa có cách nhìn và tầm nhìn của Ngài. Hãy tin tưởng bước theo Ngài, nghe theo giáo huấn của Ngài, và để cho “Thiên Chúa liệu” (x. 22,8 và 14).


SUY NIỆM 4: ‌QUYỀN NĂNG CHÚA - ĐGM. PHAOLÔ NGUYỄN THANH HOAN

Chúa tha thứ tội lỗi, một loại sữ dữ ở ngay trong lòng người, và quyền tha thứ là quyền năng của Thiên Chúa. Người luật sĩ vốn cho mình có bổn phận bảo vệ lề luật, cho nên phản ứng đên ngay trong tâm trí họ : “Ông này ăn nói phạm thượng quá !”
Trước đây Chúa Giêsu đã tỏ ra quyền năng Ngài trên bệnh tật, Ngài khống chế thiên nhiên, Ngài dẹp tan ma quỷ. Bây giờ Ngài đi tới chỗ tỏ ra “Ngài có quyền tha tội”. Nghĩa là Ngài ngang hàng Thiên Chúa và cứ để ý đến những diễn tiến sau đó, ta thấy Ngài cố ý cho các ông luật sĩ biết Ngài là ai ?
Tại sao tội lỗi chúng ta lại xúc phạm đến Thiên Chúa và cần ơn tha thứ của Ngài.
Đây là vấn đề tình yêu. Tâm hồn con người chính là ngai tòa Thiên Chúa. Hơn nữa Thiên Chúa yêu thương con người đến nỗi một xúc phạm làm tổn hại con người là xúc phạm đến Thiên Chúa. Nhưng chính khi con người cố tình phạm tội là cố tình để linh hồn mình thành nơi cư trú của ma quỷ. Lúc đó sự xúc phạm thật lớn lao như trường hợp của ông Adam và Eva đã mắc phải.
Hôm nay đứng trước một bệnh nhân nan y, mà  người ta tin là Chúa sẽ chữa lành. Lòng tin của họ đã đem họ đến chỗ đặt hết hy vọng nơi Ngài. Và Chúa có cơ hội để tỏ cho người ta thấy nguồn gốc mọi sự dữ chính là tội lỗi. Cho nên Chúa đặt vấn đề tha tội để một đàng nói nên quyền năng tha thứ của Ngài, đàng khác quyền năng tha tội  một hành động nhiệm mầu của Thiên Chúa cần đến sự chữa lành để chứng minh cho thấy hiệu quả rõ ràng sự tha tội bên trong.
Cầu nguyện :
 Lạy Chúa Giêsu, có lần Chúa đã xác định nguyên nhân bệnh tật khi Chúa chữa người mù từ thuở mới sinh. Các tông đồ hỏi Chúa : “Thưa Thầy ai đã phạm tội khiến người này sinh ra đã bị mù ? Anh ta hay cha mẹ anh ta ? Chúa trả lời : “Không phải anh ta cũng chẳng phải cha mẹ anh ta đã phạm tội” ( Ga 9 :1-4). Nguyên nhân của bệnh tật hay nói chung là mọi sự dữ không phải là hình phạt của Thiên Chúa như người Do thái quan niệm. Vì Chúa là Đấng nhân lành. Chúa là tình yêu và không bao giờ ngừng nghỉ hành vi yêu thương triền miên của mình. Việc Chúa chữa lành nói đến lòng thương yêu đó.
Con thờ lạy Chúa là vua tình yêu. Trái tim Chúa là suối nguồn yêu thương vô tận. Dòng máu Thánh và Nước từ Sườn Chúa chảy ra là nguồn sông thương bất tận. Chúa chết đi để tha thứ, để chữa lành, để tô điểm con người trở nên vinh quang đi vào thế giới mơi.
Ôi lạy Chúa, chúng con biết nguyên nhân sự dữ thật là nhiệm màu. Kể cả những người trong trắng vô tội cũng gặp bao sự dữ. Chính Chúa là Đấng thánh vô cùng, Chúa cũng bị giết oan ! Nhưng chính cuộc đời của Chúa lại chứng tỏ cho chúng con thấy sự dữ là thầy dạy, là bài học cho con người biết tìm về thánh ý Cha. Giữa gian nan thử thách, sống được tinh thần tin yêu tín thác, lúc đó con người được thanh luyện và xứng đáng tham dự vào đời sông vinh quang của Nước Thiên Chúa.
Lạy Chúa, Chúa trải qua bao thử thách giữa cuộc đời đầy châu lụy này, để rồi Chúa thông cảm trọn vẹn kiếp đời với chúng con, và trở nên Đấng bầu chữa cho chúng con hằng ngày trước nhan thánh Cha trên trời.
Lạy Chúa là Đấng gánh tội trần gian, là trung gian nối liền trời đất, chúng con thờ lạy và tạ ơn Chúa muôn đời. Amen

Tác giả: Truc Ho Si

  Ý kiến bạn đọc

Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây