Tin Mừng: Mc 8,1-10
Trong những ngày ấy, lại có rất đông dân chúng, và họ không có gì ăn, nên Đức Giê-su gọi các môn đệ lại mà nói: “Thầy chạnh lòng thương đám đông, vì họ ở luôn với Thầy đã ba ngày rồi mà không có gì ăn! Nếu Thầy giải tán, để họ nhịn đói mà về nhà, thì họ sẽ bị xỉu dọc đường. Trong số đó, lại có những người ở xa đến. Các môn đệ thưa Người: “Ở đây, trong nơi hoang vắng này, lấy đâu ra bánh cho họ ăn no?” Người hỏi các ông: “Anh em có mấy chiếc bánh?” Các ông đáp: “Thưa có bảy chiếc.” Người truyền cho họ ngồi xuống đất. Rồi Người cầm lấy bảy chiếc bánh, dâng lời tạ ơn, và bẻ ra, trao cho các môn đệ để các ông dọn ra. Và các ông đã dọn ra cho đám đông. Các ông cũng có mấy con cá nhỏ. Người đọc lời chúc tụng, rồi bảo các ông dọn cả cá ra. Đám đông đã ăn và được no nê. Người ta nhặt lấy những mẩu bánh còn thừa: bảy giỏ! Mà đám đông có khoảng bốn ngàn người. Người giải tán họ. Lập tức, Đức Giê-su xuống thuyền với các môn đệ và đến miền Đan-ma-nu-tha.
MỤC LỤC
Suy Niệm 1 - Nhóm Bạn Đường Linh Thao (biên dịch)
Suy niệm 2: “TRỞ THÀNH NHƯ MỘT KẺ TRONG CHÚNG TA” - Lm. Giuse Nguyễn Trọng Sơn
Suy niệm 3 - Lm. Phêrô Nguyễn Thiên Cung
Suy niệm 4: BÁNH HÓA NHIỀU - Gm. Phaolô Nguyễn Thanh Hoan
Suy Niệm 1 - Nhóm Bạn Đường Linh Thao (biên dịch)
Nguồn: https://mycatholic.life/books/catholic-daily-reflections-series/ordinary-time-weeks-1-17/fifth-week-in-ordinary-time/
Bài Tin Mừng hôm nay bao gồm ba chi tiết khá thú vị. Chúng ta hãy cùng đọc và suy ngẫm chúng.
Đầu tiên là về dân chúng say mê theo Chúa Giê-su. Họ được Chúa Giê-su thu hút đến độ sẵn sàng dành ra tới ba ngày để nghe Người thuyết giảng. Không những thế, họ đi theo Người đến tận sa mạc cằn cỗi, nơi không có gì để ăn. Họ đã chọn Đức Giê-su và lời giảng dạy của Người trên cả những nhu cầu hằng ngày và sự thoải mái tiện nghi quen thuộc. Điều đó nói lên sự thu hút đáng ngạc nhiên của Đức Giê-su đối với dân chúng. Họ đến với Người mà không mang gì cả; họ đến với Người chỉ vì lòng yêu mến Người.
Điều thứ hai đáng chú ý là lòng quan tâm của Đức Giê-su dành cho dân chúng. Trái tim Người ngập tràn nỗi thương cảm dành cho họ. Người rất vui vẻ với sự hiện diện của họ, và quan tâm đến sức khoẻ của họ.
Điều thứ ba là đoạn Tin Mừng này cũng nói đến một vấn đề khác tuy khá tế nhị nhưng cũng rõ ràng. Khi Đức Giê-su thấy dân chúng nhịn ăn quá lâu, Người không giải quyết vấn đề ngay lập tức nhưng lại để các môn đệ suy nghĩ trước. Người không hề nói cho các môn đệ cách làm ngay lập tức, nhưng chỉ giải thích cho họ. Tại sao Người lại làm như vậy?
Có lẽ, một trong những lý do Người làm vậy là để khơi gợi lên trong lòng các Tông đồ tình yêu thương và sự quan tâm dành cho dân chúng. Có lẽ đây chỉ là một trong những thử thách nho nhỏ Người dành cho các ông, để từ đó các ông có thể yêu thương dân chúng và cảm thấy thương cảm cho họ như Người vậy.
Tôi mong bạn có thể đọc lại và suy ngẫm ba điều trên trong ngày hôm nay. Thứ nhất, bạn có giống như dân chúng ngày đó, được Chúa thu hút đến mức đặt Người thành trung tâm của đời mình không? Niềm khao khát Chúa có ngập tràn trong lòng bạn mỗi ngày không? Thứ hai, bạn có bao giờ nhận ra lòng quan tâm cháy bỏng mà Chúa luôn dành cho bạn? Bạn có nhận ra trái tim Người luôn chạnh lòng thương bạn mỗi ngày không? Và cuối cùng là, bạn có nhận ra khó khăn của những người xung quanh? Và nếu có, bạn có làm điều gì cho họ không? Hãy để những câu hỏi trên vang vọng trong tâm trí bạn suốt ngày sống hôm nay, suy tư về chúng và hãy dâng lên Chúa những câu trả lời của bạn.
Lạy Chúa, xin giúp con để con được Ngài thu hút với sự chờ mong và nồng nhiệt như đám đông vậy. Xin giúp con có thể nhìn thấy Chúa như yếu tố cần thiết con phải có trong cuộc đời. Xin để cho con chọn Ngài trên hết mọi điều khác. Và cuối cùng, xin cho con ngập tràn tình thương mến dành cho anh chị em con, như lòng Chúa dành cho chúng con vậy. Lạy Chúa Giê-su, con tín thác vào Ngài, Đấng là tình yêu của con. Amen.
Suy niệm 2: “TRỞ THÀNH NHƯ MỘT KẺ TRONG CHÚNG TA” - Lm. Giuse Nguyễn Trọng Sơn
Điều trớ trêu của bản văn sách Sáng Thế hôm nay là một đàng mô tả con người cảm thấy xấu hổ vì mình trần trụi, đàng khác, Thiên Chúa lại nói về tham vọng của con người là trở thành “một kẻ ở giữa chúng ta” (St 3.22)! Con người muốn trở thành thần linh bằng cách loại trừ Thiên Chúa thì lại nhận ra thân phận thấp hèn của mình qua biểu tượng của sự trần trụi.
Khi đọc bản văn ấy, chúng ta thường lưu tâm đến sự trừng phạt của Thiên Chúa! Thật ra, những điều gọi là Thiên Chúa trừng phạt chỉ là những điều mà con người làm cho chính mình: chính con người tự loại mình ra khỏi sự sống thần linh. Thiên Chúa đã báo trước, và con người đã không chọn cây sự sống, nhưng chọn cây sự dữ, họ chọn cái chết!
Con người có tham vọng muốn trở thành “một kẻ ở giữa” Thiên Chúa, tức là trở thành thần linh và gạt bỏ Thiên Chúa ra khỏi cuộc đời mình. Thật ra, từ khi được dựng nên, con người đã mang nơi mình tính chất thần linh rồi, vì Thiên Chúa đã dựng nên con người “theo hình ảnh” của Ngài. Dù như thế, con người vẫn luôn là thụ tạo nên không thể tự mình hiện hữu, mà phải hiệp thông với Thiên Chúa là Đấng tự hữu. Thiên Chúa toàn năng nhưng không thể làm ra một thụ tạo không phải là thụ tạo!!! Vì thế, con người là một thụ tạo thần linh thông phần với tính thần linh của Thiên Chúa.
Thiên Chúa muốn con người là “một kẻ ở giữa” Thiên Chúa theo nghĩa thông phần với Ngài. Nhưng con người đã tự loại mình ra. Phần Thiên Chúa, Ngài vẫn không từ bỏ ý định ban đầu, nên Ngài đã trở thành một người ở giữa loài người, trở thành Emmanuel, Thiên Chúa ở cùng chúng ta! Thật là một tình yêu diệu kỳ, trong khi con người cao ngạo đòi bằng Thiên Chúa, thì Thiên Chúa lại muốn hạ mình xuống bằng con người, sống như con người, để cứu con người! Thiên Chúa đã mang lấy thân xác yếu đuối của con người với sự đói khát, đau đớn, bệnh tật và cả cái chết nữa! Làm sao chúng ta có thể diễn tả hết được điều này nhỉ?!
Và nếu Thiên Chúa lại muốn trở nên bé nhỏ để ở giữa những người mà mình yêu mến, thì tại sao trong cuộc sống của các cộng đoàn đức tin, người này, người kia lại muốn tỏ ra ta đây, tỏ ra quyền thế để ở trên người khác nhỉ?! Phải chăng họ thiếu tình yêu nên không muốn ở giữa những người chung quanh? Họ chỉ yêu bản thân nên muốn “ngồi trên” người khác!
1- Sứ điệp nguyên thủy :
(1) Khi mời gọi “đọc” St 3, 9-24 qua lăng kính Mc 8, 1-10, Phụng vụ Lời Chúa hôm nay cho thấy khi đối diện với những khó khăn, phản ứng của Thiên Chúa và của con người thường khác nhau, Thiên Chúa chấp nhận trách nhiệm giải quyết vấn đề, còn con người có khuynh hướng thoái thác, đùn đẩytrách nhiệm cho người khác, như được phản ảnh, trước tiên, trong Mc 8, 1-10 : ở đây, cho thấy đứng trước tình hình đám đông có thể đói lả dọc đường về nhà, Đức Giêsu muốn giải quyết chuyện ăn uống cho họ, còn các môn đệ của Ngài lại có vẻ ngại ngùng, muốn tránh né [“Đức Giêsu nói : ‘Thầy chạnh lòng thương dân chúng, vì họ ở luôn với Thầy đã ba ngày rồi mà không có gì ăn !’…Các môn đệ thưa Ngài : ‘Ở đây, trong nơi hoang vắng nầy, lấy đâu ra bánh cho họ ăn no’ ?” (8, 1b-2.4)]…
(2) Thứ đến, trong St 3, 9-24 : ở đây, cho thấy khi đối diện với những gì đã xãy ra, Ađam đổ lỗi cho Eva, còn Eva thì lại đổ lỗi cho con rắn, chẳng ai trong ba nhân vật nầy dám lãnh nhận trách nhiệm về phần mình cả [“Con người thưa : ‘Người đàn bà Ngài cho ở với con, đã cho con ăn trái cây ấy, nên con ăn’…Ngưới đàn bà thưa : ‘Con rắn đã lừa dối con, nên con ăn’.” (3, 12-13b)]…
2- Sứ điệp cho ngày hôm nay :
Lạy Chúa, khi yêu, người ta nhận hết phần lỗi, thiệt thòi về mình, khi không yêu, người ta đổ hết lỗi cho nhau…
Có lẽ đối với Chúa 5.000 người dự bữa tiệc phép lạ này không bao giờ quên được những giây phút tuyệt vời khôn tả của buổi chiều có một không hai đây.
Suốt mấy ngày đường mệt mài theo Chúa, người ta quên ăn, quên ngủ. Càng nghe Chúa giảng càng muốn nghe thêm, càng thấy Chúa làm phép lạ càng say sưa với quyền năng và uy tín tuyệt vời của Chúa. Lòng tin của họ sôi lên như lửa bốc. Vậy mà để kết thúc một chiến dịch loan báo Tin mừng, Chúa còn ban tặng cho họ một bữa tiệc lạ lùng. Ai cũng được dự bữa tiệc phép lạ. Ai cũng được no nê thỏa mãn mà không mong chi hơn nữa. Tình hình sôi động đến nỗi người ta đồng loạt bầu Chúa lên làm vua, khiến Ngài phải lánh mình lên núi. Các môn đệ thì Ngài ra lệnh đi ngay sang bờ biển bên kia ngay lập tức.
Điều bày tỏ của Chúa cho các môn đệ là : “Thầy chạnh lòng thương đám đông, vì họ ở luôn với Thầy đã ba ngày rồi mà không có gì ăn”.
Ai đi theo Chúa lúc này cũng như suốt dòng lịch sử Giáo hội, ngay cả hôm nay Chúa cũng không bao giờ bỏ quên họ. Bạn đi theo Chúa không phải ba ngày, ba tuần, ba tháng mà suốt cả cuộc đời người, hãy luôn nhớ lấy: bạn đang ở trong trái tim Ngài đấy. Bạn có tin như vậy không ? Và đó có phải niềm vui lớn nhất cho đời mình không?. “Vui lên anh em hãy vui lên trong Chúa” thánh Phao-lô đã chia sẻ với chúng ta đầy xác tín.Vì Ngài đã cảm nhận sâu xa rằng: “Không có gì tách khỏi chúng ta ra khỏi tình yêu Chúa Ki-tô”.
Nhưng dầu Ngài quyền năng vô biên, Ngài còn muốn các môn đệ tham dự vào quyền năng đó, cho nên Ngài nói với họ : “Chính anh em hãy cho họ ăn”. Họ có thể cho được cái gì giữa sa mạc hoang vu ấy. Có chứ, Chúa đã nói rồi: “Ta chạnh lòng thương dân này quá”. Trước hết các môn đệ đã đồng cảm, đồng thương với Ngài. Ai mà không có phím đàn lòng dành cho điệu ca yêu thương. “Hãy cho họ ăn”, hãy thương họ thực sự đi, cần cõi lòng cái đã, mọi sự Chúa lo liệu cho.
Trên con đường lý tưởng bác ái xã hội của chúng ta, tình thương vẫn là nền tảng, là ánh sáng, là động lực, ta đừng quên điều đó. Đừng nhìn thực tế vượt quá sức mình để rồi ngại ngùng. Chúa ở đây, Chúa biết khả năng của chúng ta bao nhiêu. Chúng ta chỉ thấy cái vật chất và tình thế trước mắt, nhưng không thấy được bàn tay và sung mãn giàu có của Ngài đâu. Cứ tin đi, Ngài đang ra lệnh : “Anh em hãy cho họ ăn”.
Tác giả: Truc Ho Si
Ý kiến bạn đọc
Những tin mới hơn
Những tin cũ hơn