Suy niệm - Thứ Sáu tuần 5 Thường Niên

Thứ năm - 09/02/2023 18:35
myhn 10 02 2023





Tin Mừng: Mc 7,31-37

 

Đức Giê-su lại bỏ vùng Tia, đi qua ngả Xi-đôn, đến biển hồ Ga-li-lê vào miền Thập Tỉnh. Người ta đem một người vừa điếc vừa ngọng đến với Đức Giê-su, và xin Người đặt tay trên anh. Người kéo riêng anh ta ra khỏi đám đông, đặt ngón tay vào lỗ tai anh, và nhổ nước miếng mà bôi vào lưỡi anh. Rồi Người ngước mắt lên trời, rên một tiếng và nói: “Ép-pha-tha”, nghĩa là: hãy mở ra! Lập tức tai anh ta mở ra, lưỡi như hết bị buộc lại. Anh ta nói được rõ ràng. Đức Giê-su truyền bảo họ không được kể chuyện đó với ai cả. Nhưng Người càng truyền bảo họ, họ lại càng đồn ra. Họ hết sức kinh ngạc, và nói: “Ông ấy làm việc gì cũng tốt đẹp cả: ông làm cho kẻ điếc nghe được, và kẻ câm nói được.”



MỤC LỤC

Suy Niệm1  - Nhóm Bạn Đường Linh Thao (biên dịch)
Suy niệm 2: HƯỚNG VỀ LƯƠNG DÂN - Gm. Phaolô Nguyễn Thanh Hoan

Suy niệm 3: TRẦN TRỤI VÀ ĐI NÚP THIÊN CHÚA ! − Lm. Giuse Nguyễn Trọng Sơn
Suy niệm 4: Lm. Phêrô Nguyễn Thiên Cung



 

Suy Niệm 1 - Nhóm Bạn Đường Linh Thao (biên dịch)

Nguồn:

https://mycatholic.life/books/catholic-daily-reflections-series/ordinary-time-weeks-1-17/fifth-week-in-ordinary-time/

 

“Ép-pha-tha”, nghĩa là: hãy mở ra! Lập tức tai anh ta mở ra.” (Mc 7, 34-35)

 Có lần nào bạn nghe thấy Chúa Giêsu nói điều ấy với mình chưa? “Ép-pha-tha! Hãy mở ra!” Hay có lần nào bạn thấy Chúa nói với bạn như một mệnh lệnh như vậy hay chưa?

Qua Tin Mừng hôm nay, Chúa muốn trao gửi một thông điệp sâu sắc và cụ thể : Hãy mở ra. 

 

Chúa Giêsu đến giúp con người sống sung mãn cương vị làm người của mình, mà khả năng tương quan qua lời nói thật quan trọng. Lời nói, tương quan là một trong những biểu lộ sống động nhất của sự sống con người. Khi con ngời không “nói” được, không diễn được nỗi lòng của mình, hoặc không có khả năng lắng nghe người khác, thì họ có vấn đề và sự sống nơi họ không thực sự sung mãn. 

Chúa Giê-su nói: Epphata – hãy mở ra, và đây cũng là khao khát của nhiều người để chống lại căn bệnh câm điếc thể xác và cả thiêng liêng. Có khi trong cộng đoàn, gia đình, xóm làng, trong nhóm, người ta không nói chuyện với nhau được; không có khả năng nghe nhau. Có không ít người với lòng ích kỷ, đã đóng lòng, đóng cửa, đóng mắt, đóng tai, đóng tay trước anh chị em mình. Căn bệnh ‘đóng lòng’ này khiến người ta sống bên cạnh nhau mà không hề để ý tới nhau, không nghe nhau và không quan tâm, cảm thông cho nhau. 

Hãy mở ra. Lời nói ấy thật mạnh mẽ, là một yêu cầu phải hành động. Lời nói ấy không đặt trước người nghe bất cứ chọn lựa nào khác, nhưng chỉ có một, thật rõ ràng và dứt khoát. “Hãy mở ra” không phải là một câu hỏi, cũng không là một lời mời, nhưng là một mệnh lệnh. Và đây là điều quan trọng.

Lời nói trên thể hiện Chúa Giêsu đã quyết định để hành động. Ngài không do dự chút nào trong lựa chọn của mình. Ngài đã quyết định và Ngài nói ra ý định ấy. Điều đó thể hiện Chúa Giêsu không phải là người thiếu quyết đoán khi nói. Người cũng không e dè hay hờ hững nhưng rõ ràng và mạnh mẽ.

Hiểu được như thế, chúng ta sẽ thấy vui mừng trước mệnh lệnh của Chúa, vì ta hiểu được Người sẵn sàng và sẵn lòng sử dụng uy quyền toàn năng của Ngài vì chúng ta. Ngài có tất cả sức mạnh và nếu Ngài muốn, Ngài không sợ sử dụng uy quyền đó. Quan trọng nhất là Ngài muốn sử dụng quyền năng để mang đến điều tốt đẹp nhất cho cuộc đời chúng ta.

 

Khi chúng ta nhận ra rằng Thiên Chúa không chỉ toàn năng mà còn giàu tình yêu thương và lòng nhân ái cùng hiện diện trong chúng ta, chúng ta nên thở phào nhẹ nhõm và tín thác trọn vẹn vào Chúa. 

Ngày hôm nay, hãy nghe lại Lời Ngài nói: “Hãy mở ra”. Hãy để uy lực thánh của Ngài làm chủ trên cuộc sống chúng ta. Nếu bạn đang đóng lòng, hãy mở ra. 

 

Lạy Chúa, con tin tưởng Ngài và con biết Ngài có thể làm được mọi sự. Xin cho con biết mở lòng ra với anh chị em con. Biết lắng nghe, cảm thông và chia sẻ với anh chị em con để cùng nhau chúng con sống hạnh phúc. Xin cho Lời của Ngài – Hãy mở ra – chữa lành và giải phóng chúng con.

 

Suy niệm 2: HƯỚNG VỀ LƯƠNG DÂN - Gm. Phaolô Nguyễn Thanh Hoan
 

Chúa từ Tia sang Si-đôn, vẫn là vùng đất dân ngoại và một lần nữa người lương dân được ơn phép lạ.

Đây là một người nói năng khó khăn, diễn tả ý mình bằng cử chỉ hơn là lời nói. Lại còn bị điếc nữa, cho nên càng khó tiếp lời kẻ khác nữa, đây đúng là người vừa điếc vừa ngọng. Và lời tung hô khen ngợi của dân chúng làm người ta nhớ lại những lời của tiên tri Isaia: “Ông làm việc gì cũng tốt đẹp cả, ông làm cho kẻ điếc nghe được và kẻ câm nói được”.

Hình ảnh chữa lành này có một ý nghĩa tượng trưng rất quan trọng. Con người vốn là tạo vật biết dùng trí tuệ để suy tư, dùng lời nói để ca tụng mọi công trình do bàn tay Chúa làm nên, cho nên việc làm cho một người câm nói được là loan báo một công trình tạo dựng mới. Người Do Thái thường nhạo báng lương dân là thần tượng của chúng toàn là câm điếc, có miệng mà không nói, có tai mà không nghe, có mắt mà không thấy.

Cho nên ơn cứu độ Chúa Giêsu đang đến cho con người chính là việc hoàn tất công trình tạo dựng nơi con người, sửa chữa lại quán năng. Và với đức tin con người sẽ có những giác quan mới để tham dự Nước Thiên Chúa.

Chúa đã dẫn người câm điếc ra khỏi đám đông, và một cách tự nhiên Chúa lấy nước miếng của mình bôi vào lưỡi bệnh nhân, lấy tay sờ vào lỗ tai anh. Chúa còn có một cử chỉ khác đặc biệt : Người ngửa mặt lên trời thở dài rồi phán : “Hãy mở ra”. Tất cả đều nói lên tính nhân bản sâu xa của Chúa trong vụ việc chữa lành này, Ngài làm gì cũng vì con người, dầu người đó là tàn tật hay lành mạnh.

Chúa đòi người ta yên lặng, vì người thực hiện phép lạ vì tình thương và vì đức tin của họ, không vì khoa trương, danh tiếng. Điều quan tâm của Ngài là kêu gọi lòng tin và đón nhận Tin mừng Nước Thiên Chúa, trái lại với mong ước của dân chúng là Ngài đứng lên phất cờ khởi nghĩa, chiếm ngai vàng  họ không còn chờ đợi ai khác.

Ngài muốn làm gì mà chẳng được, nhưng khuôn mặt trần thế đang qua đi. Mọi hình thức chính trị, kinh tế và mọi thể hiện khác của cuộc sống dù hoàn hảo đến đâu cũng đang qua đi. Vì thế với quyền năng của Ngài, Ngài đang mời gọi mọi người đi về thế giới mới.

Phần chúng ta, bỏ đời đi tu, không phải là chán đời, ghét đời, mà là cùng Chúa Ki-tô đưa nhân loại vào thế giới mới. Chúng ta là chứng nhân đã từng cảm nhận và tin vào hạnh phúc bất diệt đó.



Suy niệm 3: TRẦN TRỤI VÀ ĐI NÚP THIÊN CHÚA ! − Lm. Giuse Nguyễn Trọng Sơn

 

Con rắn, tượng trưng của Satan, là loài xảo quyệt, như mô tả của sách Sáng Thế (3,1). Nó là vua “tiếp thị” nên dụ dỗ Adam-Eva về trái cây “biết điều lành, điều dữ”: nhìn thì đẹp mắt, ăn vào sẽ ngon lắm đây, và nhất là ăn vào thì sẽ trở nên khôn ngoan, được trở nên thần linh như Thiên Chúa, không cần đến Thiên Chúa nữa, có thể làm bất cứ gì theo ý mình! Đó chỉ là “tiếp thị”, nhưng hai ông bà đã bị choáng ngợp bởi sự hào nhoáng bên ngoài, bởi những lời nói “có cánh”! Sự thật mà họ nhận được sau đó chỉ là sự trần trụi của chính mình!

Kẻ lừa đảo ngày nay vẫn tiếp tục làm cho con người bị choáng ngợp bởi sự hào nhoáng bên ngoài. Nhưng tồi tệ hơn, kẻ lừa đảo ngày nay không dừng lại ở ma quỷ, mà có khi lại là chính con người! Người ta vẫn bị choáng ngợp bởi sự giàu có, quyền lực của người khác, bởi vẻ đẹp của thân xác nhiều khi được chỉnh sửa, phẫu thuật, toàn “đồ giả”! Người ta đánh giá nhau dựa trên những dáng vẻ bên ngoài ấy, đến với nhau trong đời sống hôn nhân cũng theo những tiêu chuẩn chọn lựa ấy. Và vì thế, đời sống hôn nhân trồi sụt, dễ tan vỡ, chóng qua tuỳ thuộc vào tài sản, chức quyền, sắc đẹp, tính dục! Thật chênh vênh và chóng vánh! Tương quan giữa người với người tuỳ theo lợi ích có được! Khi những điều ấy sụp đổ, người ta thấy mình và người khác đều “trần trụi”!

Nói cách khác, khi người ta cắm đầu đi tìm kiếm những điều hào nhoáng bên ngoài là do người ta, từ trong vô thức, so85 hãi về “sự trần trụi” của mình nên tìm cách che đậy. Đứng trước Thiên Chúa, người ta thấy mình không thể che đậy được, nên “đi núp” Thiên Chúa. Ngay cả nơi những người đầy hăng hái làm việc trong Giáo Hội, nhưng lại tìm kiếm chức vị, danh dự, lợi ích vị kỷ, quyền lực, ảnh hưởng, thì đó cũng là một thứ chạy trốn sự trần trụi của chính mình qua những dáng vẻ hào nhoáng bên ngoài! Họ đâu dám đối diện cách trần trụi với Thiên Chúa, nên đi trốn Thiên Chúa qua những chức vị, để tự nhủ rằng mình cao quý!

Hãy trở về với sự thật của bản thân, đối diện với nó cách bình an nơi một tâm hồn khiêm tốn và đi tìm kiếm những gì thực sự làm mình phát triển dựa trên sự thật của mình. Thánh nữ Scolastica, trong đời sống đan tu của mình, đã đi tìm kiếm thực tại và vinh quang nơi Thiên Chúa.



Suy niệm 4: Lm. Phêrô Nguyễn Thiên Cung

 

1-      Sứ điệp nguyên thủy :

(1) Khi mời gọi “đọc” St 3, 1-8 qua lăng kính Mc 7, 31-37, Phụng vụ Lời Chúa hôm nay cho thấy mọi sự Thiên Chúa tạo dựng nên, tự nó, đều tốt đẹp, kể cả tự do của con người, vốn là con dao hai lưỡi, vì con người có thể tự do để chọn lựa Thiên Chúa hay khước từ Ngài để khẳng định mình cách sai lầm, như được phản ảnh, trước tiên, trong St 3, 1-8 : ở đây, cho thấy ngay từ nguyên thủy, với tự do của mình, con người đã bỏ qua lời Thiên Chúa, mà nghe theo sự xúi quẩy của ma qủi với mơ ước hảo huyền tự khẳng định mình, không cần Thiên Chúa, và mọi đổ vỡ bắt nguồn từ đó [“Rắn nói với người đàn bà : ‘Chẳng chết chóc gì đâu ! Nhưng Thiên Chúa biết ngày nào ông bà ăn trái cây đó, mắt ông bà sẽ mở ra, và ông bà sẽ nên như những vị thần biết điều thiện điều ác’.” (3, 4-5)]…

(2) Thứ đến, trong Mc 7, 31-37 : ở đây, cho thấy bệnh điếc và ngọng thể lý cũng như thuộc linh khiến con người bị hạn chế trong những tương quan với Thiên Chúa và với nhau, không nghe được nhau, không tâm tình, chia sẻ, chuyện vãn được với nhau, vì thế, cần được chữa lành [“Ông ấy làm việc gì cũng tốt đẹp cả : ông làm cho kẻ điếc nghe được, và kẻ câm nói được” (7, 37)]…

 

2-      Sứ điệp cho ngày hôm nay :

Lạy Chúa, trong tương quan tình yêu với Chúa, với nhau, có lẽ chúng con cũng đang là những người điếc và câm…

 

Tác giả: Truc Ho Si

  Ý kiến bạn đọc

Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây