THỨ BA TUẦN XXX THƯỜNG NIÊN
Lc 13,18-21
Tin Mừng Chúa Giê-su Ki-tô theo thánh Luca.
18 Vậy Người nói: “Nước Thiên Chúa giống cái gì đây ? Tôi phải ví Nước ấy với cái gì ? 19 Nước Thiên Chúa giống như chuyện một hạt cải người nọ lấy gieo trong vườn mình. Nó lớn lên và trở thành cây, chim trời làm tổ trên cành được.”
20 Người lại nói: “Tôi phải ví Nước Thiên Chúa với cái gì ? 21 Nước Thiên Chúa giống như chuyện nắm men bà kia lấy vùi vào ba thúng bột, cho đến khi tất cả bột dậy men.”
SUY NIỆM: HẠT CẢI VÀ NẮM MEN
Thật đời thường. Thật kỳ diệu. Nhưng cũng thật thâm sâu. Như hạt cải và nắm men Nước Trời khởi đầu thật bé nhỏ. Hạt cải li ti chẳng ai nhìn thấy. Nắm men nhỏ bé chẳng ai quan tâm. Hạt cải gieo xuống chìm sâu trong đất. Nắm men biến mất trong thúng bột khổng lồ. Tan biến đi. Nhưng không tàn lụi. Mà phát triển mạnh mẽ không ngờ. Cây cải mọc lên cao lớn. Chim chóc tìm đến trú ẩn. Cả thúng bột dậy men. Trở thành bánh thơm ngon cho người đời.
Có một biến đổi sâu xa. Nhỏ bé trở thành lớn lao. Yếu đuối trở thành mạnh mẽ. Có những đau xót âm thầm. Hạt cải vùi chôn và mục nát. Nắm men phân huỷ tan tành. Không còn là mình nữa.. Mất chính thân mình. Mất căn tính mình. Chẳng còn hiện diện. Không còn hạt cải. Không còn nắm men. Đem lại lợi ích lớn lao. Không cho mình nhưng cho tha nhân. Cho chim chóc đến trú ngụ. Cho người đời có bánh ăn.
Thư Rô-ma giải nghĩa hiện tượng chuyển hoá bằng thời kỳ người phụ nữ chuyển dạ. Cả thế giới đang chuyển dạ. Muôn vật đang rên siết đau đớn. Hạt cải và nắm men đang mục nát tan biến. Muôn loài phải trải qua kinh nghiệm hư vô. “Cho đến bây giờ, muôn loài htuj tạo cùng rên siết và quằn quại như sắp sinh nở. Không phải muôn loài mà thôi, cả chúng ta cũng rên siết trong lòng”. Hạt cải Thần Khí đã gieo vào lòng ta. Đã gieo vào lòng thế giới. Để con người xác thịt tan biến đi. Để thế giới được Thần Khí hoá. Đau đớn lắm. Nhưng thánh Phao-lô xác quyết “những đau khổ chúng ta chịu bây giờ sánh sao được với vinh quang mà Thiên Chúa sẽ mặc khải nơi chúng ta” (năm lẻ). Qua đau khổ sẽ đến hạnh phúc. Qua tủi nhục sẽ hưởng vinh quang.
Từ bỏ chính mình vì người khác. Hạt cải tan biến để chim chóc có chỗ nương thân. Nắm men tan biến để con người có tấm bánh thơm ngon. Con người cũng phải sống mầu nhiệm Nước Trời. Huỷ mình vì người khác. “Người đàn ông sẽ lìa cha mẹ mà gắn bó với vợ mình, và cả hai sẽ thành một xương một thịt”. Đó là mầu nhiệm tự huỷ mà Chúa Giê-su đã làm gương. Chúa Giê-su đã là hạt cải gieo vào lòng đất. Đã là nắm men vùi vào thúng bột thế giới. Chúa đã trở nên bé nhỏ. Đã tan biến đi. Trở thành cây cao bóng cả cho chúng ta trú ngụ. Trở thành tấm bánh thơm ngon nuôi sống chúng ta (năm chẵn).
Chúng ta hãy đi theo con đường của Chúa. Hãy chịu rên siết đớn đau. Để sinh ra một thế giới mới. Để Nước Trời ngự trị. Đó là vinh quang ta hằng ngong ngóng đợi chờ.
TGM Giuse Ngô Quang Kiệt
SUY NIỆM: NHỎ NHƯNG CÓ VÕ
Trong bài Tin mừng hôm nay, Chúa Giêsu đã dùng 2 dụ ngôn để mạc khải cho chúng ta biết về mầu nhiệm Nước Trời, đó là dụ ngôn “Hạt cải” và dụ ngôn “Nắm men trong bột”. Hai dụ ngôn này có 2 chi tiết làm cho người ta vô cùng ấn tượng: Một là tính nhỏ bé của Nước Trời, nhỏ bé như hạt cải, nhỏ bé như chút men; hai là tuy nhỏ bé nhưng lại có một sức mạnh vô cùng lớn lao. Và thưa anh chị em, “hạt cải” ấy, “nắm men” ấy là hình ảnh nói về chính Chúa Giêsu. Chúa Giêsu chính là hiện thân của Nước Trời ở trần gian.
Ngài đến trần gian trong thân phận của một hài nhi bé nhỏ. Suốt 30 năm đầu, Ngài âm thầm lớn lên cả về phương diện thể xác lẫn đạo đức và khôn ngoan. Banăm sau cùng, Ngài lại âm thầm làm cho Giáo Hội tại trần gia được lớn lên và rộng mở, khi Ngài chọn nhóm 12 làm tông đồ và cả nhóm 72 môn đệ. Nhờ đó, ta có được một Giáo Hội lớn mạnh như ngày hôm nay.
Tựa như một “nắm men”, Chúa Giêsu đã làm cho cả dân tộc Do Thái “dậy men”. Ngài đã đem yêu thương vào nơi oán thù, đem thứ tha vào nơi lăng nhục, đem an hòa vào nơi tranh chấp, đem chân lý vào chốn lỗi lầm; Ngài đã đem tin kính vào nơi nghi nan, chiếu trông cậy vào nơi thất vọng, dọi ánh sáng vào nơi tối tăm, và đem niềm vui đến chốn u sầu.
Và cho đến hôm nay, “nắm men” mang tên Giêsu ấy vẫn còn mang một tầm ảnh hưởng không nhỏ cho nhân loại này. Những việc mà Chúa Giêsu đã làm, những lời mà Chúa Giêsu rao giảng, và cả những bất công mà Chúa Giêsu đã chịu, luôn khiến cho người ta ngỡ ngàng và thán phục.
Thưa anh chị em, Thiên Chúa đặt để chúng ta vào thế gian này cũng tựa như hạt cải và nắm men: âm thầm, nhỏ bé. Chúng ta tựa như hạt cát giữa sa mạc, tựa như giọt nước giữa biển khơi. Nhiều lúc chúng ta nghĩ mình chẳng là gì. Nhưng đối với Thiên Chúa thì không phải thế. Ngay cả một con chim sẻ hay bông huệ ngoài đồng còn có giá trị trước mặt Chúa, huống gì chúng ta còn quý hóa hơn muôn vàn chim sẻ.
Do đó, chúng ta được mời gọi hãy sống có ích cho đời và cho người, đó là cách thức chúng ta góp phần làm cho Nước Trời được lớn lên và lan tỏa đến nhiều người. Việc làm ấy tuy nhỏ bé, tuy âm thầm nhưng lại vô cùng quan trọng và cần thiết.
Tóm lại, lời Chúa hôm nay nhắn nhủ đến chúng ta 2 điều:
Điều thứ nhất, Chúa Giêsu chính là Nước Trời ở trần gian. Những ai gắn bó đời mình với Chúa Giêsu, thì sẽ được Ngài cho vào hưởng hạnh phúc Nước Trời với Ngài mai sau.
Và điều thứ hai, là những ki-tô, mỗi người hãy trở nên muối cho đời và ánh sáng cho trần gian, để mọi người nhận biết Chúa Giêsu là đường là sự thật và là sự sống. Amen.
Lm. Antôn
SUY NIỆM
Chức năng của Nước Trời, của Hội Thánh, của Dân Thiên Chúa là phải lớn lên và trở thành bóng mát cho đời, cho mọi người nương ẩn giữa bão táp mưa sa của cuộc đời. Chân lý Nước Trời – tức là bản chất Hội Thánh phải thấm nhập vào nhân loại và thế giới trong mọi hoàn cảnh và môi trường. Đó là nội dung của hai dụ ngôn (Hạt cải và men trong bột) mà Chúa Giêsu dạy trong bài Tin Mừng hôm nay:
1. Sự tăng trưởng của Nước Trời.
Hình ảnh cây cải ở xứ Palestin chắc chắn khác cây rau cải ở Việt Nam, hạt cải thuộc lớp hạt rất nhỏ khi gieo xuống, nhưng khi mọc lên cây cải cao lớn, mà chim trời có thể đến nương náu dưới tán lá nó được.
Nước Trời ban đầu thật bé nhỏ trên dưới vài chục người với Chúa Giêsu và các môn đệ quanh quẩn trong xứ Palestin nhỏ bé, nhưng trải qua lịch sử thăng trầm, đến bây giờ Hội Thánh có trên một tỷ người có mặt khắp nơi trên thế giới.
Chức năng của Nước Trời, của Hội Thánh, của Dân Thiên Chúa là phải lớn lên và trở thành bóng mát cho đời, cho mọi người nương ẩn giữa bão táp mưa sa của cuộc đời:
– Lớn lên: Mọi thành viên trong “Nước Trời” là chúng ta đều có nghĩa vụ truyền giáo và sống chứng nhân để làm cho Nước Trời lớn mạnh. Xét về phương diện cá nhân, chính mỗi người chúng ta cũng phải lớn lên trong Đức Tin, trong Thánh Thần và trong đời sống đạo, từ đó làm cho Hội Thánh từ địa phương đến hoàn vũ cũng được lớn lên.
– Bóng mát che chở: Nước Trời, Hội Thánh, Kitô hữu chúng ta phải là bóng mát cho đời, là nơi đáng tin tưởng cho mọi người tìm lại được an bình nội tâm. Chúng ta có bổn phận làm cho thế giới thêm bình an và xoa dịu mọi đau thương của nhân loại.
2. Sự thâm nhập của Nước Trời làm biến đổi con người và thế giới
Nếu ai đã từng xem cách thức ủ bột, ủ cơm hay ủ trái cây để làm rượu, thì sẽ không lạ gì về công dụng của men.
Men là một loại chất xúc tác, hai công dụng của nó là: thấm nhập và biến đổi những gì men được trộn vào:
– Thấm nhập: Chân lý Nước Trời, bản chất Hội Thánh là phải thấm nhập vào nhân loại và thế giới trong mọi hoàn cảnh và môi trường. Ngay nơi bản thân Kitô hữu phải chấp nhận được trộn lẫn vào mọi ngõ ngách của cuộc sống, để nhờ đời sống chứng nhân, chúng ta sẽ giúp mọi thứ biến đổi theo Tin Mừng. Chứ không phải như cục men nằm yên sẽ chỉ là vô dụng.
– Biến đổi: Chân lý Nước Trời là Lời Chúa, có sức biến đổi tâm hồn mọi người, từ đó biến đổi thế giới theo nền văn minh tình thương. Mỗi Kitô hữu được mời gọi sống chứng nhân, nghĩa là bằng đời sống đạo tốt lành của mình làm lay độn và biến đổi những tâm hồn nguội lạnh, cũng như có sức thu hút lương dân trở về với Chúa, để cả thế giới cũng được “dậy men” Tin Mừng.
Tóm lại:
Nước Trời được ví như Hội Thánh do Chúa Kitô thiết lập, là một sự tăng trưởng không ngừng và trở thành bóng mát cho mọi tâm hồn đến trú ẩn. Hội Thánh đó hiện diện mọi nơi trên thế giới để biến đổi thế giới và làm dậy men Tin Mừng khắp thế giới.
Lạy Chúa Giêsu, xin cho chúng con ý thức về sứ vụ của mình là làm cho Nước Chúa ngày càng được lớn lên và thấm nhập được vào mọi nơi trên dương gian này. Amen.
Lm. Hiền Lâm
SUY NIỆM:
1. Ngôn ngữ dụ ngôn
Trước khi lắng nghe dụ ngôn, chúng ta nên hình dung ra cung cách giảng dạy rất gần gũi của Đức Giê-su. Ngài là Ngôi Lời Thiên Chúa và Ngài đến để nói Lời Thiên Chúa cho chúng ta, nhưng, như thánh sử Mát-thêu tường thuật, Ngài ra khỏi nhà và đến ngồi ở ven Biển Hồ; rồi người ta đến với Ngài rất đông. Đứng ở bờ hồ và có rất đông người đến với mình, thì sẽ có nguy cơ bị xô đẩy té xuống hồ. Chính vì thế, Ngài phải xuống thuyền mà ngồi (13, 1-2)[1]. Chúng ta hay nghĩ Đức Giê-su ngự trên ngai hay trên tòa; nhưng ở đây, Ngài hiện diện thật là bình dị và thật là gần gũi giữa chúng ta. Và Đức Giê-su thích hiện diện ở giữa chúng ta như thế đó: ngay trong môi trường sống của chúng ta, ngay trong cuộc sống bình thường của chúng ta, ngay trong Giáo Xứ của chúng ta, ngay gia đình của chúng ta, ngay ở giữa những vấn đề cuộc sống của chúng ta, và thậm chí, ngay trong lòng của chúng ta, qua Lời của Ngài và bí tích Thánh Thể, được ban cho chúng ta hằng ngày.
Ngoài ra, Đức Giê-su còn trở nên gần gũi với chúng ta trong lời giảng dạy nữa, bởi vì Ngài dùng dụ ngôn mà giảng dạy; và chúng ta nên biết rằng kể dụ ngôn là cách thức giảng dạy đặc trưng nhất của Đức Giêsu, bởi vì theo các tác giả Tin Mừng: “Người không nói gì với họ mà không dùng dụ ngôn” (Mt 13, 34; Mc 4, 34). Và như chúng ta đều đã biết, những dụ ngôn mà Đức Giêsu kể luôn là một câu chuyện đến từ kinh nghiệm cuộc sống, chẳng hạn dụ ngôn muời cô mang đèn đi đón chàng rể, dụ ngôn những yến bạc, dụ ngôn chiên và dê, dụ ngôn người cha nhân hậu, dụ ngôn nắm men, dụ ngôn hạt cải, và nhất là dụ ngôn Hạt Giống và Người Gieo Giống. Dụ ngôn là những câu chuyện đến từ kinh nghiệm đời thường, nhưng khi được Đức Giê-su kể, lại nói cho chúng ta những điều kín ẩn: kín ẩn về Thiên Chúa, kín ẩn về con người, kín ẩn về mối tương quan giữa Thiên Chúa và con người và giữa con người với nhau, kín ẩn về chương trình cứu độ của Thiên Chúa, kín ẩn về Nước Trời.
Hơn nữa, dụ ngôn còn có một đặc điểm tuyệt vời nữa là có nhiều nghĩa, giống như một bức tranh; và vì thế, dụ ngôn rất tôn trọng ngôi vị và tự do của người nghe, như chính Đức Giê-su hay kết thúc dụ ngôn bằng câu nói: “Ai có tai thì nghe”. Người nghe có thể tự do chú ý đến bất cứ chi tiết nào, hay tự do đặt mình vào bất cứ nhân vật nào trong dụ ngôn, và tự mìmh khám phá ra ý nghĩa tùy theo kinh nghiệm sống, vấn đề và tâm trạng hiện có của mình. Đức Giêsu thích dùng dụ ngôn là vì vậy, Ngài tôn trọng ngôi vị và tự do của chúng ta, dù chúng ta là ai và đang ở trong tình trạng nào. Và đó chính là trường hợp dụ ngôn Người Gieo Giống mà chúng ta vừa nghe.
2. Dụ ngôn hạt cải và nắm men
Hai dụ ngôn hạt cải và nắm men, mà Đức Giêsu dùng để diễn tả Nước Trời, rất nhỏ bé (cả ở bình diện bản văn, nghĩa là rất ngắn gọn, lẫn trong thực tế) và rất tự nhiên (nghĩa là không có những yếu tố “lạ thường” mà các dụ ngôn thường có). Tuy nhiên, niềm hy vọng mà hai dụ ngôn này có thể khơi dậy nơi tâm hồn người nghe thì rất to lớn và rất siêu nhiên:
Niềm hy vọng to lớn. Bất chấp tất cả, bất chấp những hoàn cảnh khó khăn hay bất lợi, bất chấp những giới hạn, yếu đuối, tội lỗi của loài người, của người khác, của anh em, của chị em và của chính chúng ta, bất chấp sự khởi đầu và hoàn cảnh nhỏ bé mong manh, so với những thực tại trần thế khác trong thế giới, Nước Trời mà chúng ta đón nhận và làm cho lớn lên, và có nhiều người trong chúng ta hy sinh cả đời để xây dựng, tất yếu sẽ tồn tại, lớn mạnh và đạt tới sự viên mãn. Hình ảnh cây cải cành lá sum suê đến độ chim trời làm tổ trên cành được và hình ảnh cả ba thúng bột dậy men diễn tả sự viên mãn tất yếu của Nước Trời.
Niềm hy vọng siêu nhiên. Bởi vì đó chỉ có thể là công trình của Thiên Chúa, công trình kì diệu diễn ra trước mắt chúng ta. Thật ra, ngay trong tiến trình lớn lên tự nhiên của hạt cải, tiến trình dậy men tự nhiên trong ba thúng bột, đã có điều gì đó là siêu nhiên rồi, trong mức độ con người không thấu suốt và làm chủ được hoàn toàn.
3. Hạt giống “Lời Chúa”
Hai dụ ngôn Đức Giêsu nói trong bài Tin Mừng đã và đang được thực hiện cho cộng đoàn chúng ta, cho từng người chúng ta mỗi ngày ngang qua việc đọc và cầu nguyện với Lời Chúa, ngang qua Thánh Lễ được cử hành và ngang ngày sống được nuôi dưỡng bằng Lời và Mình của chính Đức Ki-tô. Từng ngày và từng ngày, dù bất cứ điều gì đã xẩy ra trong nội tâm của chúng ta, tất cả chúng ta, từng người và cả cộng đoàn, đã được Chúa gieo hạt giống và tất cả đã được Chúa vùi vào một nắm men. Hạt giống và nắm men thật nhỏ bé và mong manh, nhưng tất yếu sẽ trở nên to lớn và bền vững. Bởi vì đó là sức mạnh tất yếu của Lời Chúa. Hạt giống và nắm men chính là Lời Chúa.
Lời Ta, một khi xuất phát từ miệng ta, sẽ không trở về với Ta nếu chưa đạt kết quả, chưa thực hiện ý muốn của Ta, chưa chu toàn sứ mạng Ta giao phó
(Is 55, 11)
Trong bữa tiệc li, theo Tin Mừng Gioan, Đức Giêsu nói: « Anh em là bạn của Thầy » và « Không có ai có tình yêu lớn hơn người từ bỏ sự sống cho những người bạn của mình » (Ga 15, 13-14). Qua qua hành vi rửa chân của các Tông Đồ và hành vi trao chính Mình và Máu Người cho các ông, Đức Giê-su muốn thánh Phê-rô, các Tông Đồ và tất cả chúng ta hiểu ra rằng, Ngài không chỉ muốn gieo lời của Ngài, nhưng còn muốn gieo chính sự sống của Ngài. Vì Lời của Ngài và Ngôi Vị của Ngài là một.
Hạt giống và nắm men chính là sự sống và ngôi vị của Đức Ki-tô, chính vì vậy mà sự viên mãn của Nước Trời là tất yếu.
Lm Giuse Nguyễn Văn Lộc
SUY NIỆM : SỨC MẠNH NỘI TẠI CỦA NƯỚC CHÚA
Qua bài Tin Mừng hôm nay, Giáo Hội mời gọi chúng ta suy niệm hai dụ ngôn về Nước Trời: hạt cải và nắm men. Cả hai dụ ngôn làm nổi bật khởi điểm khiêm tốn nhỏ bé của Nước Chúa so với sự hoàn thành cuối cùng.
Dụ ngôn hạt cải nhấn mạnh sự phát triển theo chiều rộng: từ hạt cải nhỏ bé trở thành cây to, đến độ chim trời có thể đến làm tổ được. Dụ ngôn nắm men được đem trộn vào bột nhấn mạnh đến chiều sâu, tức phẩm chất của Nước Chúa: từ một chút men có thể làm dậy cả khối bột. Cả hai dụ ngôn đều nhấn mạnh đến sức mạnh nội tại của Nước Chúa, một sức mạnh chỉ được nhìn thấy bằng đức tin mà thôi. Thật thế, khi kể hai dụ ngôn này, Chúa Giêsu không nhằm đến diễn tiến Nước Chúa đang xảy ra như thế nào trong lịch sử, mà chỉ nhằm nhấn mạnh đến tình trạng hoàn tất chung cuộc vào lúc cuối lịch sử: mặc cho những thử thách, những ngăn trở, Nước Chúa dù được bắt đầu một cách khiêm tốn nhỏ bé, nhưng chắc chắn sẽ đạt đến mức phát triển trọn vẹn.
Hai dụ ngôn: Hạt Cải và Nắm Men trong bột, gởi đến chúng ta một sứ điệp hy vọng, nhất là khi phải đương đầu với trở ngại, thử thách trong đời sống đức tin. Nhìn thấy những điều tiêu cực luôn xảy ra trong Giáo Hội và trên thế giới, chúng ta có thể tự hỏi: Những hạt cải giá trị Kitô liệu còn có thể mọc lên và phát triển trong một thế giới ngày càng bị tục hóa và bị nhiễm tinh thần đối nghịch với Thiên Chúa không? Một chút men Lời Chúa có đủ sức thu hút và biến đổi con người nên tốt hơn không? Ðã hơn 2.000 năm kể từ khi Con Thiên Chúa nhập thể làm người và thực hiện công cuộc cứu chuộc nhân loại qua cái chết trên Thập giá, nhưng thử hỏi nhân loại ngày nay có tốt đẹp hơn ngày xưa không?
Nếu suy nghĩ theo lý luận tự nhiên, chúng ta có thể dễ dàng rơi vào thất vọng. Tuy nhiên, những lời của Chúa Giêsu qua hai dụ ngôn trên đây không cho phép chúng ta bi quan ngã lòng. Chúng ta không nhìn thấy tương lai Nước Chúa sẽ như thế nào nhưng Chúa muốn chúng ta cộng tác vào đó, bằng sự cầu nguyện và dấn thân làm những gì có thể với ơn soi sáng của Chúa Thánh Thần.
Xin Chúa mở rộng con mắt đức tin chúng ta, để chúng ta nhìn thấy tác động âm thầm của tình yêu Chúa trong những biến cố hằng ngày. Xin cho chúng ta luôn kiên trì trong thử thách và luôn hy vọng vào Chúa trong mọi sự.
(Trích trong ‘Mỗi Ngày Một Tin Vui’)
SUY NIỆM: LÀM DẬY MEN
Nước Thiên Chúa là nội dung mạc khải của Chúa Giêsu cho con người. Nước Thiên Chúa là gì? ở đâu? như thế nào? vẫn là những những câu hỏi không dễ trả lời. Trong bài Tin Mừng hôm nay, Chúa Giêsu dùng những hình ảnh quen thuộc trong đời sống để mạc khải về Nước Trời.
“Nước Thiên Chúa giống cái gì đây? Tôi phải ví Nước ấy với cái gì?” (Lc 13,18).
Chúa Giêsu đã dùng hai hình ảnh rất cụ thể và thiết thực trong đời sống là hạt cải và nấm men, để nhằm diễn tả cho con người hiểu về Nước Trời. Hạt cải và nấm men tuy nhỏ bé tầm thường thế nhưng lại có một sức mạnh nội tại. Đối với hạt cải nó phát triển thành một cây lớn cho chim trời cư ngụ và làm tổ, còn với nấm men thì làm dậy men những khối bột lớn.
Là những Kitô hữu, chúng ta được mời gọi mặc lấy sứ vụ làm dậy men bằng chính đời sống chứng tá của chúng ta, nhằm thức tỉnh con người của thời đại hôm nay đang sống trong lối sống hưởng thụ. Để làm được điều đó chúng ta cần nêu gương trước, qua sự từ bỏ việc yêu bản thân và khát vọng vật chất, hướng về tinh thần, hướng về Thiên Chúa, và sống hy sinh.
Những “hạt cải” và “nắm men” nho nhỏ mà chúng ta gieo vào đời sẽ có cơ may làm cho đời nở hoa. Những hy sinh, từ bỏ vì lợi ích của tha nhân là phương thế diễn tả tình yêu, và làm lan rộng Nước Thiên Chúa ở trần thế này. Những vòng tay thân ái mở ra với những người nghèo, bất hạnh, bị loại trừ … sẽ dần làm cho Nước Trời thêm rộng mở.
Lạy Chúa, xin cho chúng con trở nên những khí cụ hữu dụng, trở nên cánh tay nối dài của Chúa mà dẫn đưa người khác đến với bến bờ của hạnh phúc thật là chính Chúa. Amen.
Tu sĩ Micae Trần Quốc Thạch, SVD
Ý kiến bạn đọc
Những tin mới hơn
Những tin cũ hơn