Suy niệm - LỄ THÁNH PHÊRÔ VÀ THÁNH PHAOLÔ, TÔNG ĐỒ

Thứ tư - 28/06/2023 03:14
Lời Chúa: Mt 16, 13-19

Khi ấy, Chúa Giêsu đến địa hạt thành Cêsarêa Philipphê, và hỏi các môn đệ rằng: “Người ta bảo Con Người là ai?” Các ông thưa: “Người thì bảo là Gioan Tẩy Giả, kẻ thì bảo là Êlia, kẻ khác lại bảo là Giêrêmia hay một tiên tri nào đó”. Chúa Giêsu nói với các ông: “Phần các con, các con bảo Thầy là ai?” Simon Phêrô thưa rằng: “Thầy là Đức Kitô, Con Thiên Chúa hằng sống”.
Chúa Giêsu trả lời rằng: “Hỡi Simon con ông Giona, con có phúc, vì chẳng phải xác thịt hay máu huyết mạc khải cho con, nhưng là Cha Thầy, Đấng ngự trên trời. Vậy Thầy bảo cho con biết: Con là Đá, trên đá này Thầy sẽ xây Hội Thánh của Thầy, và cửa địa ngục sẽ không thắng được. Thầy sẽ trao cho con chìa khoá nước trời. Sự gì con cầm buộc dưới đất, trên trời cũng cầm buộc; và sự gì con cởi mở dưới đất, trên trời cũng cởi mở”.


SUY NIỆM 1: 1.Anh Là Tảng Đá--Lm Antôn Nguyễn Cao Siêu SJ.

Trong ngày lễ kính thánh Phêrô và thánh Phaolô,
chúng ta được mời gọi chiêm ngắm hai khuôn mặt,
rất khác nhau mà cũng rất giống nhau.
Phêrô, một người đánh cá ít học, đã lập gia đình.
Ông theo Thầy Giêsu ngay từ buổi đầu sứ vụ.
Còn Phaolô là người có nhiều điều để tự hào,
về gia thế, về học thức, về đời sống đạo hạnh.
Ông chưa hề gặp mặt Đức Giêsu khi Ngài còn sống.
Nhưng hai ông có nhiều nét tương đồng.
Cả hai đều được Đức Giêsu gọi.
Phêrô được gọi khi ông đang thả lưới bắt cá nuôi vợ con.
Phaolô được gọi khi ông hung hăng tiến vào Đamát.
Cả hai đã từ bỏ tất cả để theo Ngài.
Tất cả của Phêrô là gia đình và nghề nghiệp.
Tất cả của Phaolô là những gì ông cậy dựa vênh vang.
Bỏ tất cả là chấp nhận bấp bênh, tay trắng.
Cả hai đều đã từng có lần vấp ngã.
Vấp ngã bất ngờ sau khi theo Thầy như Phêrô,
trong một phút giây quá tự tin vào sức mình.
Ngã ngựa bất ngờ và trở nên mù lòa như Phaolô,
trong lúc tưởng mình sáng mắt và đi đúng hướng.
Vấp ngã nào cũng đau và in một dấu không phai.
Vấp ngã bẻ lái đưa con người đi vào hướng mới.
Phêrô và Phaolô đều yêu Đức Giêsu cách nồng nhiệt,
vì họ cảm nhận sâu xa mình được Ngài yêu.
"Này anh Simon, anh có mến Thầy không?
Thưa Thầy có, Thầy biết con yêu mến Thầy." (Ga 21, 16)
Cả Phaolô cũng yêu Đấng ông chưa hề chung sống,
vì Ngài là "Con Thiên Chúa,
Đấng đã yêu mến tôi và hiến mạng vì tôi." (Gl 2, 20).
Phaolô đã không ngần ngại khẳng định:
Không gì có thể tách được chúng ta
ra khỏi Tình Yêu của Đức Kitô (x. Rm 8, 35.39)
Tình yêu Đức Kitô là linh hồn của đời truyền giáo,
vì nói cho cùng truyền giáo chính là giúp người khác nhận ra và yêu mến
Đấng đã yêu tôi và yêu cả nhân loại.
Cả hai vị tông đồ đều hăng say rao giảng,
bất chấp muôn vàn nguy hiểm khổ đau.
Phêrô đã từng chịu đòn vọt ngục tù (x. Cv 5, 40).
Còn nỗi đau của Phaolô thì không sao kể xiết (x. 2C 11, 23-28).
"Tôi mang trên mình tôi những thương tích của Đức Giêsu" (Gl 6, 1-7)
Cả hai vị đã chết như Thầy.
Phêrô bị dẫn đến nơi ông chẳng muốn (x. Ga 21, 18).
Phaolô đã chiến đấu anh dũng cho đến cùng,
và đã đổ máu ra làm lễ tế (x. 2Tm 4, 6).
Hội Thánh hôm nay vẫn cần những Phêrô và Phaolô mới,
dám bỏ, dám theo và dám yêu,
dám sống và dám chết cho Đức Kitô và Tin Mừng.
Hội Thánh vẫn cần những chiếc cột và những tảng đá.
Gợi Ý Chia Sẻ
Bạn biết gì về thánh Phêrô và thánh Phaolô? Có nét nào nơi hai vị thánh làm bạn ưa thích?
Bạn nghĩ gì về Đức Thánh Cha? Bạn biết gì về những hoạt động của Ngài cho giới trẻ?
Cầu Nguyện
Lạy Chúa, chúng con không hiểu tại sao Chúa chọn Simon,
một người đánh cá ít học và đã lập gia đình,
để làm vị Giáo Hoàng đầu tiên của Giáo Hội.
Chúa xây dựng Giáo Hội trên một tảng đá mong manh,
để ai nấy ngất ngây trước quyền năng của Chúa.
Hôm nay Chúa cũng gọi chúng con theo Chúa, sống cho Chúa,
đặt Chúa lên trên mọi sự: gia đình, sự nghiệp, người yêu.
Chúng con chẳng thể nào từ chối viện cớ mình kém đức kém tài.
Chúa đưa chúng con đi xa hơn,
đến những nơi bất ngờ, vì Chúa cần chúng con ở đó.
Xin cho chúng con một chút liều lĩnh của Simon,
bỏ mái nhà êm ấm để lên đường,
hạnh phúc vì biết mình đang đi sau Chúa. Amen.


SUY NIỆM 2: Phêrô và Phaolô, tượng đài hiệp nhất--Lm Giuse Nguyễn Hữu An

Giáo hội mừng kính hai thánh Tông Đồ, hai cột trụ Giáo hội cùng chung một ngày. Hai con ngưòi khác nhau từ cá tính đến thân thế nhưng cùng chung một ơn gọi từ Chúa Kitô, cùng chung một niềm tin vào Chúa Kitô, chung một sứ mạng Chúa Kitô trao phó và cuối đời cùng chịu tử đạo vì Chúa Kitô tại Roma. Cùng chia sẽ một niềm tin, cùng thi hành một sứ mạng, Chúa Kitô đã đã đưa hai Ngài đến một cùng đích, một vinh quang đội triều thiên khải hoàn.
Bản tin Zenit.org tháng 7 năm 2010 kể về “Ngục thất nơi giam hai thánh Phêrô và Phaolô: Từ tăm tối trở thành ánh sáng”.
Sau một năm trời khai quật, Nhà ngục Mamertine, nơi Thánh Phêrô và Phaolô phải giam giữ trước khi bị hành hình, đã được tân trang và mở cửa lại.
Địa điểm nhà ngục nằm cạnh Quần thể Cổ Roma (Ancient Roman Forum), tạc sâu vào vách đá của đồi Capitol (Capitoline Hill) và nhìn xuống ngôi nhà dùng làm Nghị viện thời đó. Người ta vẫn tin là nhà ngục này – còn có tên gọi là Carcer Tullianum – được hoàng đế Roma Servius Tullius xây vào thế kỷ thứ 6 trước Công nguyên, gồm có hai phòng giam chồng lên nhau. Phòng giam dưới là một khoảng chật hẹp ẩm thấp, chỉ xuống được qua một lỗ hổng trên sàn phòng giam trên, được sử dụng suốt thời kỳ Cộng hoà và Đế quốc Roma để làm tù ngục giam giữ và hành quyết.
Chính tại phòng giam này viên tướng chỉ huy quân đội người Gaule là Vercingetorix bị xiết cổ chết sau trận chiến thắng của Julius Caesar, và cũng tại nơi đây, trong tù ngục âm u, Jugurtha, vua người Numidians đã bị để cho chết đói. Vào thế kỷ thứ nhất trước Công nguyên, Sallust một văn sĩ Roma đã mô tả nhà ngục này “sâu 12 feet, chung quang là tường và trên là mái vòm bằng đá. Khung cảnh thật ghê tởm và đáng sợ vì bị bỏ bê, tối tăm và hôi thối.”
Một thế kỷ sau lời mô tả như trên của Sallust, Thánh Phêrô và Phaolô đã phải đến cư ngụ trong phòng giam dưới cực kỳ ghê tởm này, trong những ngày cuối đời trước khi tử vì đạo, bị cầm tù theo lệnh của hoàng đế Nero. Sự hiện diện của hai vị tông đồ đã chuyển biến địa điểm thất vọng này thành nơi chỗ hy vọng, khi các ngài rao giảng đức tin cho lính canh ngục là Processus và Martinianus. Hai người lính Roma xin được rửa tội, nhưng không có nước trong phòng giam để cử hành bí tích này, vì thế Thánh Phêrô dùng gậy đập trên nền phòng và nước phun ra từ tảng đá. Địa điểm nơi dòng nước của phép lạ này chảy ra nay còn được ghi nhớ nơi phòng giam dưới.
Những người giam giữ Phêrô giúp ông vượt ra khỏi nhà ngục tồi tệ này, nhưng sau khi gặp được Chúa Kitô trên con đường Appian, Thánh Phêrô quay trở lại và tự ý nhận lấy cái chết là bị đóng đinh vào thập giá tại đấu trường của Nero trên đồi Vatican.
Tuần qua, văn phòng của vị giám sát khảo cổ tại Roma loan báo rằng công việc khai quật đã khám phá ra những phần còn lại của các bích họa cho biết việc chuyển đổi nơi này thành một không gian tôn kính của người Kitô giáo đã xảy ra ngay tận đầu thế kỷ thứ 7, cùng thời gian với việc Curia (Nghị viện) được biến đổi thành một thánh đường cũng như nhiều cấu trúc khác trong khu vực Quần thể. Cuộc khai quật dõi tìm được dấu vết nhiều giai đoạn khác nhau của khu vực này, từ lúc còn là khu mỏ đá cổ cho đến khi trở thành nhà ngục cho đến lúc “biến đổi rất nhanh”thành một trung tâm tôn kính Thánh Phêrô.
Ngày nay, ngục giam này nằm dưới ngôi Thánh đường San Giuseppe dei Falegnami xây vào thế kỷ 17, nhưng địa điểm là do Tòa giám quản giáo phận Roma sở hữu và sẽ được Opera Romana Pellegrinaggi mở cửa cho công chúng vào thăm viếng có thể là từ đầu tháng 7 này. Ở đó khách hành hương có cơ hội tỏ lòng tôn kính hai thánh Phêrô và Phaolô. Hai thánh nhân đã từng nhìn ra ngoài Quần thể nơi có nhiều đền đài thờ phượng những con người phàm đã biến thành thần nhân, và các ngài đã có dũng cảm tuyên xưng Tin Mừng của Thần Chúa đã sinh hạ làm người phàm. (x.VietCatholic News, 03-7-2010).
Hai Thánh Tông Đồ: Phêrô – Phaolô, hai vì sao sáng ngời chiếu toả ánh sáng Chúa Kitô cho nhân loại.
Bài ca nhập lễ ngày Lễ Trọng hôm nay vang lên hùng tráng: “Hai vì sao sáng chói, lấp lánh trên bầu trời, ngời sáng đêm trường, rực rỡ soi đường sưởi ấm yêu thương.Hai tình yêu chiến thắng, ngất ngây trong cuộc đời, từ trái tim nồng dòng máu anh hùng ngời sáng muôn trùng”. Hai Thánh Tông Đồ là hai con người xuất thân khác nhau, tính cách khác nhau nhưng cùng một niềm tin, cùng một sứ mạng và cùng một vinh quang được đội triều thiên vinh hiển để trở thành hai vì sao sáng cho Giáo hội.
“Còn nhớ hôm nào người ba lần chối Giêsu. Còn nhớ ngày nào người bắt Chúa trong căm thù”. Lời ca ngắn đúc kết phần một trong cuộc đời hai Ngài: chối Thầy, bắt Thầy. Nhưng cuộc đời phần hai đã viết nên những trang hào hùng oanh liệt. Nhờ tình yêu Chúa dẫn lối, hai Ngài cầm đuốc Tông đồ rao truyền Tin mừng Chúa Giêsu Kitô cho thế giới.
Đọc lại cuộc đời của hai Thánh Tông đồ để nhận thấy sự quan phòng kỳ diệu của Thiên Chúa. Ơn Gọi Tông Đồ quả là một mầu nhiệm lạ lùng.
1. Thánh Phêrô
Cuộc đời Phêrô có nhiều sôi nổi. Gồm lại những sôi nổi, ta có thể chia đời ông ra làm hai: cuộc đời phần một, từ khi theo Thầy ở biển hồ Galilê đến lúc chối Thầy; phần hai, từ khi theo Thầy ở biển hồ Tibêria cho đến cuối đời chết ở Roma. Trong cuộc đời phần một của Phêrô, ông đi từ lỗi lầm này sang lỗi lầm khác.Cuối đời của Chúa, Chúa đã bị ông từ chối thê thảm (Mc 14, 66-72). Gom nhặt những đoạn phúc âm nói về Phêrô, ta thấy mãnh đời của ông có nét chân dung thế này:Là tông đồ bị Chúa mắng nhiều nhất. – Mắng lần đầu tiên: Quân yếu tin ( Mt 14, 31) – Lần thứ hai: Ngu tối ( Mt 15, 16) – Lần thứ ba: Satan ( Mc 8, 33) Khi Chúa bị bắt, bị kết án, Phêrô đã chối Thầy 3 lần. Phêrô chối Chúa vì quá yếu đuối chứ không phải vì không yêu Thầy.Trước cái chết, Phêrô rùng mình chối bỏ, tìm đường chạy trốn.Thế nhưng trước yếu đuối ấy, Phêrô đã khóc lóc nhớ lại lời Chúa nói về thân phận mình, ông oà khóc nức nở như một đứa bé với dòng lệ sám hối. Chúa đã nhìn ông bằng ánh mắt thứ tha trìu mến. Đời ông là giằng co giữa yếu đuối và dũng mảnh, giữa trọn vẹn và dang dỡ, giữa xa và gần, giữa trời và đất. Trái tim ông có u tối đi tìm ánh sáng, có nuối tiếc đi tìm lý tưởng. Đời ông có tự tin gặp vấp ngã, có phấn đấu gặp thất bại. Trong sự vấp ngã yếu đuối cuộc đời phần một của người môn đệ này vẫn có một tâm hồn chân thành. Phần hai cuộc đời ông là một thiên anh hùng ca.Thiên anh hùng ca được mở đầu bằng những lời chứng của Gioan(Ga 21, 2-3). Lời chứng nói về một đêm đen mờ mịt của biển hồ Tibêria, rồi đưa đời ông từ đếm đen mờ mịt ấy về một cõi trời phiêu bạt mịt mù sương gió cho Nước Trời. Sứ mạng theo Đức Kitrô khởi đầu từ đây khi bảy anh em ra đi đánh cá, vất vả cả đêm mà không được gì. Đức Giêsu Phục sinh đến với họ ban cho họ mẻ cá lạ lùng.Chính Đấng Phục sinh đã hỏi Ông: Phêrô, con có yêu mến thầy không? Phêrô đáp: Thưa Thầy, Thầy biềt rõ mọi sự, thầy biết con yêu mên Thầy. Sau khi Phêrô trả lời câu hỏi ấy với tất cả chọn lựa cân nhắc , Chúa nói với ông rằng: Thầy bảo cho anh biết lúc còn trẻ anh tự thắt lưng lấy và đi đâu tuỳ ý.Nhưng khi đã về già, anh đã phải giang tay ra cho người khác thắt lưng và dẫn tới nơi anh chẳng muốn. Phúc âm Gioan cắt nghĩa rõ con đường này là: Người nói như vậy có ý ám chỉ ông phải chết cách nào.Thế rồi Chúa bảo ông: hãy theo Thầy. Chỉ chờ đợi lời mời gọi này, Phêrô lập tức lên đường thực thi sứ mạng Thầy trao.Từ đây trên tảng đá này Thầy xây Giáo hội của Thầy, cửa hoả ngục sẽ không thắng được.Từ đây, những trang sử vẻ vang của giáo hội sơ khai được viết nên bởi vị Tông đồ có lòng yêu mến Chúa thiết tha.
2. Thánh Phaolô
Đọc Công vụ Tông tồ từ chương 8 trở đi, chúng ta bắt gặp một Saolô, ở Tac-xô, là người Do thái, trí thức, thông thạo nhiều thứ tiếng miền Do thái – Hy lạp, rất sùng đạo theo môn phái Ga-ma-li-ên ở Giê-ru-sa-lem. Cuộc đời phần một của Phaolô là biệt phái nhiệt thành đi lùng sục bắt bớ Đạo Chúa, tham gia vào vụ giết Tê-pha-nô và trên đường Đa-mát truy lùng các Kitô hữu.
Được ơn trở lại trên đường Đa-Mat, Saolô được biến đổi để trở nên chứng nhân vĩ đại là Phaolô, Tông Đồ dân ngoại. Cuộc đời phần hai của Phaolô đã viết nên thiên anh hùng ca. Sách Công vụ tông đồ kể lại: trên đường Đa-mat, Phaolô rong ruổi trên yên ngựa hăng say truy bắt các Kitô hữu thì thình lình ánh sáng từ trời loé rạng bao lấy ông. Không bao giờ Phaolô còn thoát được ra ngoài ánh sáng đó. Từ đó trở đi, Chúa Kitô đã trở thành tất cả đối với Phaolô. Từ đó trở đi, chỉ có Chúa Kitô là đáng kể. Khi đã biết Chúa Kitô thì “những gì xưa kia tôi cho là có lợi, thì nay, vì Đức Kitô, tôi cho là thiệt thòi. Hơn nữa tôi còn coi tất cả mọi sự là thiệt thòi, so với mối lợi tuyệt vời là được biết Đức Giêsu Kitô, Chúa của tôi. Vì Ngài, tôi đành mất hết, và tôi coi tất cả như đồ bỏ, để được Đức kitô và được kết hợp với Người. Được như vậy, không phải nhờ sự công chính của tôi, sự công chính do luật Mô-sê đem lại, nhưng nhờ sự công chính do lòng tin vào Đức Giêsu ( Pl 3, 7-9). Từ đó trở đi Phaolô hiên ngang vì tư cách làm môn đệ Chúa Kitô và với tư cách ấy Ngài tuyên xưng sự duy nhất, sự bình đẳng, tình huynh đệ thực sự giữa tất cả mọi người:”Vì anh em, phàm ai đã được thanh tẩy trong Đức Kitô, thì đã được mặc lấy Đức Kitô: không còn Do thái hay Hy lạp;không còn nô lệ hay tự do;không còn nam hay nữ; vì anh em hết thảy là một trong Đức Kitô Giêsu (Gal 3, 27-28).Vì Đức Kitô là “tất cả mọi sự và trong mọi người”( Col 3, 11). Phaolô hiên ngang được sống và được chết cho Chúa Kitô.Các mối phúc thật được kết tinh nơi cuộc đời Phaolô. Biết mình đã tin vào ai, Phaolô đã sung sướng sống nghèo, lấy việc lao động mà đổi miếng ăn, không để giáo hữu phải cung phụng mình (1Cor 9, 3-18;2Cor11, 8-10), sung sướng vì đã mất tất cả và chịu đủ thứ khốn khổ vì Chúa Kitô. Phaolô không ngại trở nên hùng hồn kể về những”… lao tù đòn vọt, bao lần suýt chết, năm lần bị người do thái đánh bốn mươi roi bớt một, ba lần bị đánh đòn, một lần bị ném đá, ba lần bị đắm tàu, một đêm một ngày lênh đênh giữa biển khơi.Phải chịu đủ thứ nguy hiểm bởi “phải thực hiện nhiều cuộc hành trình, gặp bao nguy hiểm trên sông, nguy hiểm do trộm cướp, nguy hiểm do đồng bào, nguy hiểm vì dân ngoại, nguy hiểm ở thành phố, trong sa mạc, ngoài biển khơi, nguy hiểm do những kẻ giả danh là anh em;phải vất vả mệt nhọc, thường phải thức đêm, bị đói khát, nhịn ăn nhịn uống và chịu rét mướt trần truồng ( 2 Cor 11 23-27). Phaolô ra vào tù thường xuyên, có lần Ngài viết từ ngục thất cho Ti-mô-thê, người môn đệ, có khi không khỏi nao núng:”anh đừng hổ thẹn làm chứng cho Chúa chúng ta, cũng đừng hổ thẹn vì tôi, là kẻ bị tù vì Ngài”.Phaolô không hổ thẹn”vì tôi biết tôi đã tin vào ai …”(2 Tim 1, 8-12).Vì Đức Kitô “tôi phải lao đao khốn khó đến cả xiềng xích như kẻ gian phi, nhưng Lời Thiên Chúa không bị xiềng xích”(2Tim 2, 9). Phaolô đã sung sướng tự hào cả khi ý thức những yếu đuối của mình “Ơn Ta đủ cho con vì chưng quyền năng trong yếu đuối mới viên thành”(2 Cor 12, 9).Không gì có thể làm nao núng lòng tin mãnh liệt ấy “chúng tôi bị dồn ép tư bề nhưng không bị đè bẹp;hoang mang nhưng không tuyêt vọng;bị ngược đãi nhưng không bị bỏ rơi;bị quật ngã nhưng không bị tiêu diệt”( 2cor 4, 8-9) Vị Tông đồ dân ngoại đã nhiệt thành loan truyền Chúa Kitô với tất cả thao thức “Khốn thân tôi, nếu tôi không rao giảng Tin mừng”( 1Cor 5, 14). Ngài luôn sống trong niềm tin tưởng yêu mến vào Đấng đã kêu gọi Ngài “tôi sống trong niềm tin vào Con Thiên Chúa, là Đấng yêu mến tôi và thí mạng vì tôi”( Gal 2, 20). Vì Đức Kitô và vì Tin mừng thánh nhân đã sống và chết cho sứ mạng. Cuộc sống buôn ba vì Nước trời được điểm tô muôn ngàn vạn nét đẹp của Phaolô mãi mãi được hát lên như một bài ca khải hoàn “Ai có thể tách chúng ta ra khỏi tình yêu của Đức Kitô? Phải chăng là gian truân, bắt bớ , đói khát, trần truồng , nguy hiểm, gươm giáo? … Vì tôi thâm tín rằng sự chết hay sự sống, dù thiên thần hay thiên phủ, dù hiện tại hay tương lai, hay bất cứ sức mạnh nào, trời cao hay vực thẳm hay bất cứ tạo vật nào khác, không có gì có thể tách chúng ta ra khỏi tình yêu Thiên Chúa thể hiện cho chúng ta trong Đức Giêsu Kitô, Chúa chúng ta “( Rm 8, 35-39).
3. Phêrô và Phaolô, tượng đài hiệp nhất.
Giáo hội mừng kính hai thánh Tông đồ, hai cột trụ Giáo hội cùng chung một ngày. Hai con ngưòi khác nhau từ cá tính đến thân thế nhưng cùng chung một ơn gọi từ Chúa Kitô, cùng chung một niềm tin vào Chúa Kitô, chung một sứ mạng Chúa Kitô trao phó và cuối đời cùng chịu tử đạo vì Chúa Kitô tại Roma. Cùng chia sẽ một niềm tin, cùng thi hành một sứ mạng, Chúa Kitô đã đã đưa hai Ngài đến một cùng đích, một vinh quang đội triều thiên khải hoàn. Hai con người khác biệt ấy laị có những điểm tương đồng lạ lùng.Chúa Kitô đã nối những điểm tương đồng ấy để tất cả được nên một ở trong Người. Thánh Phêrô, trước đây hèn nhát, sợ hãi, chối Chúa, về sau yêu Chúa nồng nàn thiết tha. Thánh Phaolô, trước kia ghét Chúa thậm tệ, sau này yêu Chúa trên hết mọi sự. Trước kia hai vị rất khác biệt, bây giờ cả hai nên một trong tình yêu Chúa.
Sự nghiệp Tông đồ tiếp bước Chúa Kitô, hai vị hiệp nhất trong cùng một lòng chân thành tuyên xưng, hiệp nhất trong một tâm huyết nhiệt thành rao giảng để rồi mãi mãi hiệp nhất trong cùng một đức tin minh chứng. Mặc dù có nhiều khác biệt về thành phần bản thân, về ơn gọi theo Chúa về hướng truyền giáo, nhưng cả hai vị đã tạo nên sự hiệp nhất trong đa dạng. Cùng chịu tử đạo. Cùng trở thành nền móng xây toà nhà Giáo hội. Cùng trở nên biểu tượng hiên ngang của niềm tin Công Giáo. Hai Vì Sao Sáng được Giáo hội mừng chung vào một ngày lễ 29 tháng 6. Hai Tông Đồ cột trụ đã trở nên tượng đài của sự hiệp nhất trong Giáo hội. Hiệp nhất là một công trình được xây dựng với nhiều nổ lực của con người dưới sự hướng dẫn của Chúa Thánh Linh. “Khác nhau trong điều phụ, hiệp nhất trong điều chính, yêu thương trong tất cả”, đó là khuôn vàng thước ngọc cho tinh thần hiệp nhất trong Giáo hội (x. Làm nụ hoa trắng. ĐGM Vũ Duy Thống).
Đón nhận ánh sáng từ nơi Chúa Kitô, hoạt động truyền giáo theo sự dẫn dắt của Chúa Thánh Linh, hai Thánh Tông đồ Phêrô, Phaolô đã nên hai vì sao sáng ngời, trở nên nền tảng hiệp nhất. Xin hai Ngài luôn nâng đỡ Giáo hội hiệp thông.


SUY NIỆM 3: Hai viên đá tảng diệu kỳ--Lm. Giuse Nguyễn Thành Long

Sau một thời gian rao giảng Tin Mừng cứu độ, Chúa Giêsu muốn biết xem người ta nhận định thế nào về thân thế và sứ mạng của Người, nên Người mới hỏi các môn đệ: "Người ta bảo con người là ai?" (Mt 16, 13). Câu hỏi này như một hình thức trắc nghiệm về niềm tin. Dân chúng trả lời mỗi người mỗi cách, nhưng tất cả đều không chính xác. Chỉ có lời tuyên tín của Phêrô, "Thầy là Đức Kitô Con Thiên Chúa hằng sống" (Mt 16, 16) là câu trả lời làm Chúa Giêsu hài lòng nhất. Nếu cho điểm, có lẽ Phêrô đã đạt điểm tuyệt đối, điểm 10. Ngay sau đó Chúa Giêsu đã cúi xuống để nâng Phêrô lên một địa vị đặc biệt. Chúng ta biết lúc ấy Phêrô đang mang cái tên cúng cơm, tên thường gọi là Simon. Đây là cái tên rất phổ biến đối với dân Dothái. Ngay trong Tân ước, cũng có tới 3 nhân vật cùng có tên Simon được nhắc đến, đó là Simon nhiệt thành - một trong nhóm Mười Hai, Simon thành Kyrênê và Simon Phêrô.
Chúa Giêsu đã long trọng đặt tên mới cho ngài là Phêrô, tiếng Dothái là Kêpha, nghĩa là đá. Simon, cái tên đang đẹp như vậy, giờ được đổi thành đá (Nguyễn văn Đá!). Chắc hẳn Phêrô đã rất ngạc nhiên vì cha mẹ mình đặt tên như vậy, sao giờ Thầy mình lại đặt cho cái tên lạ lùng như thế. Tại sao lại là Đá? Là đá có ý nghĩa gì? Là đá, bởi vì chúng ta biết rằng trong Cựu Ước, hình ảnh đá là hình ảnh hết sức kiêu hùng, hết sức cao vượt. Đá ở đây không phải là đá lăn đá lộn ngoài đường; đá ở đây chính là hình ảnh, là biểu tượng của Thiên Chúa. Bởi thế mà người Dothái mỗi lần cầu nguyện, họ thường nói với Chúa rằng: Lạy Chúa, Ngài là Đá Tảng con nương nhờ; Ngài là Thạch Động, là Núi Đá cho con ẩn mình; Ngài là Đá Cứu Độ.... Được Chúa lấy tên đó mà đặt cho mình, hẳn là Simon Phêrô rất hãnh diện. Và cũng chính qua tên đó mà Phêrô được gởi cho một căn tính mới, một lý lịch mới. Vì chưng đối với người Dothái, cái tên luôn gắn liền một sứ mạng. Cái tên mới đồng nghĩa với sứ mạng mới (x. Lm. Nguyễn Thế Toàn, CD Bài Giảng). Sứ mạng mới ở đây là làm nền tảng cho Giáo hội Chúa Kitô: "Con là Đá, trên đá này, Thầy sẽ xây Hội thánh của Thầy" (Mt 16, 18). Nói theo ngôn ngữ ngày hôm nay thì ngài là Đức Giáo Hoàng cơ đấy!
Thế còn thánh Phaolô thì sao? Một số bạn trẻ lý luận vui rằng tại sao Chúa Giêsu không đặt cho ngài cái tên là Phao-rin, phao xịn, mà lại đặt tên là Phao-lô, vì Phao-lô nghĩa là phao dỏm. Mà phao dỏm thì ai mà xài! Thực sự thì Chúa Giêsu không đặt tên cho Phaolô. Phaolô là cái tên Hylạp của ngài; còn Saolê là tên gọi theo tiếng Dothái. Tuy nhiên, một điều cần ghi nhận là ngài được chính Chúa Giêsu trực tiếp chọn gọi trên đường đi Đamas, và đích thân Chúa Giêsu trao sứ mạng cho ngài, một sứ mạng cao cả là làm tông đồ cho dân ngoại. Như vậy thánh Phaolô đã cùng với thánh Phêrô giữ vai trò là hai trụ cột, hai viên đá sống động làm nền cho Giáo hội Chúa Kitô.
Thế nhưng một điều ngỡ ngàng là khi đọc lại các sách Tin mừng và sách Công vụ Tông đồ, chúng ta thấy cả hai Tảng Đá này đều bị nứt (một bị nứt trước khi xây và một bị nứt sau khi xây). Trước khi đặt xây thì tảng đá Phaolô đã bị nứt (x. Giọt Nước Mắt Hồng, Lm. Đỗ Văn Thiêm, NXB Tôn Giáo 2005). Những lần bắt bớ Giáo hội, và giết hại các Kitô hữu là những vết nứt. Là một người nhiệt thành với Giavê Thiên Chúa và trung thành với luật Môisê, Phaolô đã không ngần ngại tiêu diệt những ai xưng mình là môn đệ Đức Kitô. Đối với Chúa Giêsu, Phaolô là một viên đá tảng kiên vững của đạo Dothái, song là tảng đá đầy góc cạnh, ngang ngược, kiêu căng, tự mãn và cũng quá nhiều đường nứt. Tuy thế, Chúa Giêsu sẽ sử dụng viên đá này trong công trình mở mang ngôi nhà Giáo hội của Người. Chúa Giêsu sẽ sửa lại, gọt đẽo lại bằng lòng thương xót của Người, cùng với cả những thập giá khổ đau mà thánh nhân phải chịu, như bị mù lòa, bị bắt bớ, bị tù đày, bị đánh đòn, bị ném đá, bị trộm cướp, bị đắm tàu, bị đói khát...(x. 2Cr 11, 23-27). Chính tình yêu của Đức Kitô và những đau khổ mà thánh nhân chịu đã biến luyện ngài trở thành một viên đá trơn tru lành lặn, và nhất là luôn gắn kết với Đá Tảng Góc Tường là Đức Kitô, như lời ngài xác nhận: "Không có gì tách tôi ra khỏi lòng yêu mến của Đức Kitô" (Rm 8, 35.39).
Thưa quý Ông bà anh chị em.
Nếu tảng đá Phaolô bị nứt trước khi xây thì tảng đá Phêrô, đá chính hiệu, không bị nứt bể ngay từ đầu, mà lúc đặt xây rồi mới bị nứt. Không phải nứt một đường mà là ba đường. Mỗi lần chối Chúa là một đường nứt; đường nứt sau lớn hơn đường nứt trước, và có nguy cơ tách lìa khỏi Đức Kitô là Viên Đá Góc.
Nhiều người vẫn thắc mắc: liệu Chúa Giêsu có biết trước những điều này không, mà sao Ngài vẫn chọn tảng đá này. Ngài vẫn chọn vì chính ngài sẽ giúp Phêrô hàn gắn lại tảng đá đời mình. Hàn gắn bằng gì? Thưa đối với Phêrô là bằng ánh mắt bao dung khoan thứ của Chúa Giêsu. Chính ánh mắt dung thứ ấy đã làm cho vết nứt nơi tâm hồn ông liền lại. Hơn nữa ngài còn sửa chữa bằng nước mắt. Kỳ lạ ở chổ, đá mà biết khóc, tảng đá mà biết rơi lệ. Tương truyền rằng thánh nhân đã khóc lóc ăn năn (khóc như mưa mấy ngày qua vậy), khóc đến độ nước mắt chảy làm mòn cả hai gò má. Nước mắt ấy được các nhà tu đức gọi là nước mắt hồng. Gọi là nước mắt hồng vì là nước mắt chảy ra từ trái tim sám hối. Như thế, tảng đá Phêrô chẳng những đã trở nên lành lặn mà còn cứng rắn hơn, vững chắc hơn. Chính Chúa Giêsu đã xác nhận điều này: "Dầu sức mạnh hỏa ngục có nổi lên cũng không làm gì được" (Mt 16, 18). Nhưng đồng thời tảng đá ấy cũng "khiêm tốn" hơn, vuông đẹp hơn trước rất nhiều.
Giờ đây, Chúa Giêsu có thể hoàn toàn yên tâm trước sứ mạng mà Người đã giao phó cho hai vị. Nhờ đá tảng Phêrô mà tòa nhà Giáo hội được nên kiên vững; nhờ đá tảng Phaolô mà Hội thánh Chúa Kitô được mở rộng cho muôn dân nước.
Kính thưa quý Ông bà anh chị em
Qua Bí tích Rửa tội, mỗi người chúng ta cũng được mang một danh xưng mới, danh xưng Kitô hữu. Danh xưng này nói lên một sứ mạng đặc biệt, sứ mạng xây dựng Hội thánh Chúa ở trần gian. Nếu chúng ta không là đá tảng như Phêrô hay Phaolô, thì chúng ta cũng được mời gọi làm một viên gạch góp phần xây nên tòa nhà Giáo hội. Thế thì chúng ta phải khiêm tốn đặt câu hỏi cho mình: Viên gạch đời tôi đang trong tình trạng nào? Có thể là nó quá méo mó, cong queo và nhiều góc cạnh khi con người của mình còn đầy những tính hư nết xấu, đầy những đam mê tội lỗi chăng? Có thể là bị nứt bể và mất hiệp thông với Viên Đá Góc là Đức Kitô, khi đời sống của chúng ta thiếu cầu nguyện, thiếu lòng yêu mến Chúa chăng? Và cũng có thể là không còn gắn kết với các viên gạch khác là anh chị em mình, khi sống thiếu tình liên đới và lòng bác ái yêu thương chăng?... Nếu viên gạch đời tôi còn cong queo méo mó, xin Chúa giúp uốn nắn lại cho ngay thẳng; nếu còn quá nhiều góc cạnh, xin Chúa gọt đẽo cho vuông vức; nếu bị nứt bể, xin Chúa hàn gắn; và nếu tách lìa với Đức Kitô và Giáo hội, thì xin Thánh Thần Nguồn Tình Yêu nối kết lại, để cuộc đời chúng ta luôn là những viên gạch thật đẹp trong bàn tay Người Thợ Xây là chính Chúa.
Vậy hôm nay, trong ngày lễ mừng hai thánh Quan Thầy Phêrô và Phaolô, chúng ta cùng nguyện xin Chúa, qua lời cầu bầu của các ngài, giúp mỗi người chúng ta luôn biết ý thức về sứ mạng của mình và nổ lực chu toàn sứ mạng ấy trong việc cộng tác xây dựng ngôi nhà chung của Giáo Hội ngày một tươi đẹp và lớn mạnh hơn. Amen.

SUY NIỆM 4: Hai con người, một con đường--Lm. Giuse Đinh Tất Quý

A. Nhìn vào đời sống tự nhiên, ta thấy hai Thánh Tông đồ Phêrô và Phaolô có nhiều dị biệt.
+ Thánh Phêrô có thân thể to lớn vạm vỡ trong khi Thánh Phaolô là một nguời bé nhỏ, gân guốc. Thánh Phêrô là một ngư phủ quen làm việc trên biển.
+ Thánh Phaolô là một nhà trí thức quen làm việc với sách vở. Thánh Phêrô thuộc tầng lớp bình dân. Thánh Phaolô thuộc tầng lớp biệt phái. Thánh Phêrô là một trong những Tông đồ đầu tiên trong khi Thánh Phaolô là Tông đồ cuối cùng được Chúa kêu gọi.
B. Nhưng hành trình tâm linh của các ngài có nhiều điểm tương đồng.
Ðiểm tương đồng thứ nhất là: Chúa đã huấn luyện các ngài bằng cách để cho các ngài trải qua một kinh nghiệm hư vô.
Thánh Phêrô là con người tự tin. Trong nhóm 12, ngài là người mạnh dạn phát biểu truớc mỗi câu hỏi mà Ðức Giêsu đặt ra. Ngài tin tưởng vào khả năng, vào đức tin, vào sự trung tín của mình. Ngài mạnh dạn nói với Ðức Giêsu: “Dù mọi người có bỏ Thầy, con quyết liều mạng vì Thầy”(mt 26, 33). Ðể huấn luyện ngài, Chúa đã để ngài trải qua nhiều thất bại: suốt đêm đánh cá mà không được gì; đang đi trên mặt nuớc thì bị chìm xuống; nhưng thất bai ê chề đau đớn nhất là ngài đã hèn nhát chối Thầy trước mặt một người thị nữ tầm thuờng. Qua thất bại đó, ngài mới biết rõ con người thực của mình là yếu hèn, khả năng của mình là bé nhỏ, sự trung tín của mình là mong manh, và đức tin của mình là bọt bèo. Thất bại đã khiến ngài thấy mình chẳng là gì, chẳng có gì ngoài một vực thẳm hư vô. Thất bại đã giúp ngài biết hạ mình khiêm nhường thẳm sâu cho đúng với sự thực của mình.
Thánh Phaolô cũng trải qua một kinh nghiệm tương tự. Ngài rất tự hào, tự tin vào dòng dõi, khả năng, và đạo đức của mình. Ngài đã nói: “Nếu ai khác có lý do để cậy vào xác thịt, thì tôi càng có lý do hơn: tôi chịu cắt bì ngày thứ tám, thuộc dòng dõi Israel, họ Bengiamin, là người Hípri, con của người Hípri; giữ luật thì đúng như một người Pharisêu; nhiệt thành đến mức ngược đãi Hội Thánh; còn sống công chính theo Lề Luật, thì chẳng ai trách được tôi”(Phil 3, 4b). Nhưng trên đường đi Ðamas, khi Phaolô bị ngã từ trên lưng ngựa xuống đất thì niềm tự tin tự hào kia cũng biến mất. Bị ngựa hất xuống đất Phaolô chợt nhận ra rằng niềm tự hào của mình chỉ là què quặt. Bị ánh sáng từ trời chiếu loá mắt, Phaolô chợt nhận ra rằng ánh sáng trí thức nơi mình chỉ là bóng tối. Bị ngựa hất xuống đất, Phaolô mới hiểu rằng sức riêng của mình cùng với những phương tiện trần gian chẳng đưa mình đi tới nơi. Bị mù mắt Phaolô mới hiểu rằng không có ánh sáng của Chúa, chẳng có ai nhìn ra chân lý. Và ngài đã nhận ra: chỉ còn một con đuờng duy nhất là phải hạ mình xuống thật sâu thì mới có thể nhận ra sự yếu hèn và hư vô của mình.
Ðiểm tương đồng thứ hai là cả hai ngài đều có cảm nghiệm sâu xa về tình yêu Thiên Chúa.
Phêrô được sống bên Ðức Giêsu trong 3 năm trời. Trong 3 năm đó, ngài đã được Chúa yêu thương, chăm sóc, dậy dỗ. Nhưng cảm nghiệm sâu xa về tình yêu của Ðức Giêsu chỉ đến với ngài khi ngài phạm tội. Sau khi ngài chối Chúa 3 lần, gà liền gáy, và từ trong dinh Caipha, Ðức Giêsu đưa mắt nhìn Phêrô (Lc 22, 61). Suốt đời Phêrô sẽ không quên được ánh mắt ấy. Ánh mắt đau đớn của một tình yêu bị phản bội. Ánh mắt trách móc sự vô tình. Nhưng ánh mắt cũng mở ra một trời bao dung tha thứ. Ánh mắt ấy cho Phêrô nhận thức được tội lỗi vô cùng nặng nề của mình, nhưng đồng thời cũng bộc lộ cho ngài tình yêu vô cùng lớn lao của Ðức Giêsu. Cảm nghiệm về tình yêu Thiên Chúa đã giúp ngài tin tưởng ăn năn trở về. Cảm nghiệm về tình yêu Thiên Chúa đã đưa ngài tiến một bước rất dài trên hành trình tâm linh. Từ nay ngài mới thực sự gắn bó với Ðức Giêsu, sẵn sàng làm mọi sự, kể cả chịu chết vì Danh Thầy chí thánh.
Còn Thánh Phaolô, tuy ngài không nói ra, nhưng ta biết chắc ngài đã được tiếp xúc thân mật với Ðức Kitô phục sinh, được Ðức Kitô trực tiếp dạy dỗ, và được đưa lên tầng trời thứ 3. Chắc chắn ngài đã cảm nghiệm được tình yêu vô biên của Thiên Chúa nên ngài luôn kết hợp mật thiết với Ðức Kitô đến độ ngài không còn sống nữa mà “chính Ðức Kitô sống trong ngài”. Sự kết hợp ấy mật thiết và sâu xa đến độ “dù sự sống hay sự chết, dù hiện tại, tương lai, dù thiên thần, thiên phủ, dù hiểm nguy, khốn khó, dù trần truồng đói khát, dù khổ cực cay đắng, “không có gì có thể tách ngài ra khỏi lòng mến của Thiên Chúa, trong Ðức Kitô.(Rm 8, 38)
Ðiểm tương đồng thứ ba là các ngài cùng bị nung đốt bởi một ngọn lửa: lửa nhiệt tâm truyền giáo.
Ðời các ngài là một hành trình truyền giáo không mệt mỏi. Các ngài ra đi, ra đi không ngừng để đem Tin Mừng đến tận cùng thế giới. Các ngài dùng mọi dịp, mọi hoàn cảnh để loan báo Ðức Kitô. Bị đe doạ, bị đánh đòn, bị bắt bớ, bị hiểm nguy, các ngài vẫn kiên trì, hiên ngang, vui tươi rao giảng Lời Chúa. Ta hãy nghe Thánh Phaolô kể: “Năm lần bị đánh đòn, mỗi lần thiếu một roi đầy bốn chục, ba lần bị tra tấn, một lần bị ném đá, ba lần bị đắm tầu…”. Các ngài chịu đủ mọi thứ nguy hiểm: “Nguy hiểm vì sông ngòi, nguy hiểm vì trộm cuớp, nguy hiểm vì người đồng chủng, nguy hiểm vì dân ngoại, nguy hiểm nơi thành thị, nguy hiểm chốn hoang vu, nguy hiểm trên biển cả, bởi thao thức thuờng ngày, bởi đói khát, bởi nhịn ăn, bởi lạnh giá, bởi mình trần”(2Cr 11, 23-27). Ngọn lửa ấy thiêu đốt các ngài mãnh liệt đến độ Thánh Phaolô phải thốt lên: “Khốn cho tôi nếu tôi không rao giảng Tin Mừng”(1Cr 9, 16). Lửa nhiệt tâm truyền giáo đã đưa các ngài tới điểm tương đồng cuối cùng là dâng hiến chính mạng sống làm chứng cho Ðức Kitô.
Hành trình tâm linh của các ngài cũng là hành trình mà mọi nguời phải theo nếu muốn tiến bước trên đường thánh đức. Khởi điểm của hành trình là nhận thức mình tội lỗi yếu hèn, cần ăn năn trở về, cần được ơn cứu độ. Nhận thức sự hư vô của mình để bám chặt vào Thiên Chúa, phó thác cho Thiên Chúa tất cả cuộc đời mình. Nhận thức ấy đưa ta đến khiêm nhường sâu xa. Một toà nhà càng muốn xây cao, nền móng càng phải chìm sâu. Một sự khiêm nhường càng sâu xa càng giúp ta tiến xa trên con đuờng tìm Chúa và gặp Chúa. Một khi đã cảm nghiệm được tình yêu của Thiên Chúa trong đời mình, ta sẽ bị tình yêu Chúa thiêu đốt. Ngọn lửa yêu mến ấy sẽ thúc bách ta hăng say làm việc tông đồ.
Tạ ơn hai thánh tông đồ Phêrô và Phaolô đã mở cho ta con đường tìm đến tình yêu Chúa và đến với anh em. Xin hai Thánh Tông đồ giúp chúng con biết tiến bước theo các ngài trên con đường theo Chúa. Amen

SUY NIỆM 5: MỘT GIÁO HỘI “ĐONG ĐƯA” GIỮA THÁNH THIÊNG VÀ PHÀM TỤC ! - Giuse Nguyễn Trọng Sơn

Đối diện với một Giáo Hội đang gặp nhiều điều tiêu cực, do những chống đối đầy ác cảm từ bên ngoài và cả những gương xấu từ bên trong Giáo Hội nữa! Trước tình trạng ấy, người Công Giáo phải củng cố lại xác tín về tính chất thánh thiêng của Giáo Hội, là Hội Thánh, bởi vì Hội Thánh do chính Chúa Kitô thiết lập và thuộc về Ngài là Đấng Thánh; nhưng đồng thời, họ cũng khiêm tốn nhìn nhận tính chất phàm tục nơi các thành viên, nơi chính bản thân mỗi người. Giáo Hội như “đong đưa” giữa tính chất thánh thiêng và tính chất phàm tục. Tôi gọi là “đong đưa” bởi vì, tuy dù Giáo Hội được đặt trên nền đá vững vàng là chính Chúa Kitô, thì các thành viên lại đang sống cuộc đời trần thế, với hành trình còn nhiều thách thức, khi thì vững tin, khi thì yếu đuối.
Chính thánh Phêrô, mới vừa được Thầy Giêsu khen là nhận được mạc khải từ Chúa Cha, coi ông là nền đá cho Giáo Hội do Ngài thiết lập (x. Mt 16,17), thì liền sau đó, ông đã bị Ngài rầy là theo thói của Satan, suy nghĩ theo kiểu người phàm (x. Mt 16,23)! Chính bản thân ông này cũng “đong đưa” giữa thần thiêng và phàm tục. Nhưng cho dù thế nào, chúng ta vẫn xác tín rằng Thiên Chúa đang ở cùng mình. Đời sống của Giáo Hội thời ban đầu được xây dựng trên xác tín đó. Trong cảnh tù tội, cả ông Phêrô và Phaolô đều luôn tin tưởng vào điều đó (bài đọc 1 và 2).
Từ tình trạng “đong đưa” này, các thành viên của Giáo Hội ý thức rằng mình có nền móng, có cột trụ vững chắc để không thất vọng khi gặp những gương xấu trong Giáo Hội. Đã có những người bỏ đạo vì gương xấu của các thành viên trong Giáo Hội, nhưng như thế là chưa đủ xác tín vào nền tảng, vào cột trụ này. Nhìn từ mặt khác, tình trạng “đong đưa” này mời gọi các tín hữu củng cố sự gắn bó với Chúa Kitô. Sự vững chắc không đến từ thành tích đạo đức của bản thân, nhưng đến từ chính Chúa Kitô. Biết như thế, các tín hữu sẽ không rơi vào tình trạng tự phụ. Chính nơi tâm hồn khiêm tốn mà Thiên Chúa tự mạc khải cho chúng ta. Bao lâu chúng ta còn khiêm tốn, thì cơ may đứng vững vẫn còn. Đó là điều nghịch lý, nhưng lại dựa trên nền tảng là chính Chúa Kitô mới là Đá Tảng của Hội Thánh. 

Tác giả: Truc Ho Si

  Ý kiến bạn đọc

Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây