Suy niệm - Thứ Bảy sau Lễ Tro

Thứ sáu - 24/02/2023 09:34
sau le tro t7



Tin Mừng: Lc 5, 27-32
 

Khi ấy, Chúa Giêsu trông thấy một người quan thuế tên là Lêvi đang ngồi ở bàn thu thuế, Ngài bảo ông: “Hãy đi theo Ta”. Ông liền bỏ mọi sự đứng dậy theo Người. Lêvi đã dọn một bữa tiệc linh đình thết đãi Người tại nhà ông. Có đông người thu thuế và nhiều người khác cùng ngồi ăn với các ngài. Những người biệt phái và các luật sĩ của họ lẩm bẩm với các môn đệ của Người rằng: “Sao các người lại ăn uống với những người thu thuế và tội lỗi như vậy?” Chúa Giêsu trả lời họ rằng: “Những ai mạnh khoẻ không cần tới thầy thuốc, chỉ những người đau yếu mới cần thôi. Ta đến không phải để kêu mời người công chính, nhưng để gọi kẻ tội lỗi ăn năn hối cải”. 


MỤC LỤC

Suy niệm 1: Một Thầy Thuốc "cần" bệnh nhân -  Nhóm Bạn đường Linh thao (biên dịch)
Suy niệm 2 - Lm. Augustinô
Suy niệm 3: Điều bất ngờ - Lm. Phêrô Nguyễn Trọng Chức
Suy niệm 4: 
TRỞ VỀ - ĐGM. Phaolô Nguyễn Thanh Hoan
Suy niệm 5: ĐƯỢC CHỮA LÀNH VÀ CHỮA LÀNH - Lm. Giuse Nguyễn Trọng Sơn
Suy niệm 6 - Lm. Phêrô Nguyễn  Thiên Cung



Suy niệm 1 : Một Thầy Thuốc "cần" bệnh nhân -  Nhóm Bạn đường Linh thao (biên dịch)

 

Nguồn:    
https://mycatholic.life/books/catholic-daily-reflections-series/lent-and-easter-reflections/1-week-of-ash-wednesday/

 

 “Những ai mạnh khoẻ không cần tới thầy thuốc, chỉ những người đau yếu mới cần thôi. Ta đến không phải để kêu mời người công chính, nhưng để gọi kẻ tội lỗi ăn năn hối cải” (Lc 5,31-32).

 

Các bác sĩ sẽ làm gì nếu không có bệnh nhân? Nếu không có ai mắc bệnh thì sao? Bác sĩ kém sẽ mất việc. Do đó,  theo một nghĩa nào đó, thật công bằng khi nói một bác sĩ cần bệnh nhân để hoàn thành vai trò của mình.

 

Chúng ta cũng có thể nói như vậy về Chúa Giê-su. Ngài là Đấng Cứu độ nhân loại. Nhưng nếu không có người tội lỗi thì sao? Nếu như vậy, sự chết của Chúa Giê-su là vô ích và lòng thương xót của Ngài là không cần thiết. Do đó, theo một nghĩa nào đó, chúng ta có thể kết luận rằng Chúa Giêsu, với tư cách là Cứu Chúa của nhân loại, cần những người tội lỗi. Ngài cần những người đã quay lưng lại với Ngài, vi phạm Luật thánh, xúc phạm phẩm giá của chính họ, xúc phạm phẩm giá của người khác và hành động ích kỷ, tội lỗi. Chúa Giê-su cần những người tội lỗi. Vì sao ư? Bởi vì Chúa Giê-su là Đấng Cứu độ và một Đấng Cứu độ cần làm công việc là cứu độ. Như vậy, Chúa Giê-su cần những người cần được cứu độ.

 

Điều đó thật quan trọng, bởi vì khi chúng ta được cứu độ, chúng ta đột nhiên nhận ra rằng đến với Chúa Giê-su trong sự nhơ bẩn và tội lỗi sẽ mang lại niềm vui lớn lao trong Trái Tim Ngài. Ngài có thể hoàn thành sứ mệnh được Chúa Cha trao phó cho Ngài, thực thi lòng thương xót của Ngài như là Đấng Cứu độ duy nhất.

 

Hãy cho phép Chúa Giê-su hoàn thành sứ mệnh của Ngài! Hãy để Ngài ban lòng thương xót cho bạn! Bằng cách thừa nhận sự khao khát lòng thương xót của mình. Bằng cách đến với Ngài trong thân phận dễ bị tổn thương và tội lỗi, không xứng đáng được lòng thương xót mà chỉ xứng đáng bị nguyền rủa đời đời. Đến với Ngài bằng cách này là cho phép Ngài hoàn thành sứ mệnh được Chúa Cha trao phó. Cho phép Ngài biểu lộ một cách cụ thể Trái Tim đầy lòng thương xót của Ngài. Hãy cho Ngài món quà này và để Ngài là Cứu Chúa nhân từ của bạn.

 

Hôm nay, hãy suy niệm về lòng thương xót của Thiên Chúa từ góc nhìn mới. Hãy nhìn nó trong viễn cảnh Chúa Giê-su là thầy thuốc thiêng liêng mong muốn hoàn thành sứ mệnh chữa lành của mình. Ngài cần bạn thừa nhận tội lỗi của bạn và mở lòng với sự chữa lành của Ngài. Khi làm như vậy, bạn cho phép cảnh cửa của lòng thương xót tuôn tràn trong sự phong phú vào trong thời đại của chúng ta.

 

Kính gửi Đấng Cứu độ và thầy thuốc thiêng liêng, con tạ ơn Ngài đã đến cứu độ và chữa lành. Con tạ ơn Ngài vì Ngài đã mong muốn cháy bỏng thể hiện lòng thương xót của Ngài trên cuộc đời con. Xin cho con khiêm nhường để con có thể mở lòng với sự chữa lành của Ngài, và qua món quà của sự cứu rỗi này, con chấp nhận để Ngài thể hiện lòng thương xót vô biên của Ngài. Lạy Chúa Giê-su, con tín thác vào Chúa.

 

Suy niệm 2 - Lm. Augustinô

Trong suy niệm thứ 4 lễ tro, chúng ta đã nói về trọng tâm của mùa chay không phải là con người nhưng là Đức Ki-tô và Tin Mừng của Người. Chúng ta cũng mong ước để ngày càng giảm đi tới mức có thể độ chênh giữa những gì chúng ta khát khao Chúa làm cho chúng ta trong mùa chay này với những gì Chúa muốn làm cho chúng ta nơi thời gian thánh này.

            Trang Tin Mừng hôm nay khởi đầu là một cuộc gặp gỡ mà dường như của 2 tâm hồn đang tìm kiếm và khao khát được gặp nhau. Lê-vi đang ngồi ở trạm thu thuế để thực hiện công việc của mình. Bề ngoài có vẻ như ông đang thu gom cho mình những của cải trần gian nhiều như có thể, nhưng bên trong chiều sâu tâm hồn, ông muốn được chính Chúa Giê-su giải thoát không khỏi những ràng buộc vô hình như Người đã làm với nhiều người. Lê-vi đã cố gắng vùng vẫy để thoát khỏi nhưng dường như cơ cấu và nhiều yếu tố bên ngoài khiến ông trở nên bất lực. Chiều sâu tâm hồn của Lê-vi chẳng ai thấy được ngoài trừ Giê-su, Đấng thấu suốt mọi bí ẩn và người biết ông đang khát khao tìm người như một Đấng giải phóng.

            “Anh hãy theo Tôi!” lời đề nghị ngắn gọn của Chúa Giê-su như một lời cứu độ, kéo Lê-vi ngay lập tức ra khỏi tất cả những ràng buộc trần thế, và không một chút do dự, ông buông bỏ tất cả mọi sự đứng dậy theo Người. Nhưng cả hai dường như muốn điều gì đó xa hơn một cuộc gặp gỡ cá nhân. Lê-vi mời Chúa về nhà và mở tiệc khoản đãi Người. Ông cũng mời đông đảo những đồng nghiệp của ông và những người khác cùng đi với Người. Đối với Lê-vi, đây không đơn thuần là tiệc chia tay gác kiếm cách công khai mà còn muốn cho những người đồng nghiệp của ông thấy được lý do vì sao ông dám buông bỏ mọi sự theo Chúa Giê-su. Chắc chắn ông cũng muốn những đồng nghiệp của mình nhận ra giá trị của việc làm môn đệ Giê-su, để như mình, đến lượt họ cũng bước theo Chúa Giê-su.

            Chúa Giê-su cũng thế, người không chỉ muốn có Lê-vi mà tất cả mọi người, những người mà dưới con mắt của mọi người, thậm chí chính họ, nghĩ rằng mình không thể thay đổi cứu vớt. Người muốn cho những người dự tiệc hôm ấy thấy rằng, Người sẽ làm cho họ thành một con người mới nếu họ dám buông bỏ như Lê-vi và dẫn bước theo Người. Tóm lại, Lê-vi đã thỏa lòng ước mong vì nhờ ĐGS, ông đã sống một cuộc đời mới; còn ĐGS cũng thỏa mong ước vì qua Lê-vi, Người cho thấy Thiên Chúa không bao giờ thất vọng với nhân loại. Người vẫn chờ đợi, chờ đợi và chờ đợi con người trở về để được sống trong tình cha là Thiên Chúa

            Lạy Chúa Giê-su, nhiều khi chúng con, vì quá tập trung vào mình, nên quên mất mùa chay là mùa Chúa đợi chờ chúng con sám hối trở về. Chúa đâu muốn chúng con, những người có tội phải chết nhưng muốn chúng con ăn năn sám hối và được sống. Đó chính mà mục đích khi Chúa bước vào trần gian theo ý Chúa Cha. Chúng con quên mất rằng sự chai lì của chúng con càng làm Chúa đau khổ như người mục tử khi chiên bị thất lạc. Chúa không tan nát cõi lòng sao được khi thấy chúng con sống giữa bày sói và như con thiêu thần lao vào chỗ chết. Xin cho chúng con hiểu rõ điều này để cố gắng khát khao và mau kíp quay về bên Chúa để được Chúa ban ơn cứu thoát. Lạy Chúa Giê-su, chúng con yêu mến Chúa, chúng con tín thác vào Chúa. Xin hãy đến hãy đến và gọi chúng con theo Chúa. Amen



Suy niệm 3: Điều bất ngờ - Lm. Phêrô Nguyễn Trọng Chức
 

Kính thưa quý ông bà, anh chị em thân mến trong Đức Kitô.

1. Cuộc sống quanh ta muôn vàn điều kỳ diệu khiến ta thật bất ngờ. Điều bất ngờ vĩ đại nhất là Thầy Giêsu, Con Thiên Chúa xuống thế làm người và cứu chuộc nhân loại (x. GLHTCG 517). Cũng thật bất ngờ khi nhiệm vụ của Thầy Giêsu trong công trình Cứu Chuộc các tội nhân, một công trình tuyệt hảo của Thiên Chúa, lại là viên đá gây vấp phạm đối với con người (x GLHTCG 588).

2. Bài Tin Mừng hôm nay được đặt trong bối cảnh Thầy Giêsu thi hành sứ vụ tại miền Galilê. Trong hành trình rao giảng Tin Mừng Nước Thiên Chúa, Thầy Giêsu chữa lành nhiều người khỏi bệnh hoạn tật nguyền, kêu gọi người tội lỗi sám hối ăn năn. Thầy lên tiếng mời gọi một người thu thuế tên là Lêvi: “Anh hãy theo tôi” (Lc 5,27b). Lời mời gọi của Thầy Giêsu đã khiến nhiều người bất ngờ. Làm sao lại không bất ngờ khi Thầy Giêsu, Đấng giảng dạy có uy quyền (x. Mc 1,27; Lc 4,32), chọn một người thu thuế mà những người Pharisêu xếp vào hạng trộm cướp? Làm sao lại không bất ngờ khi Người dùng bữa với những người thu thuế và tội lỗi một cách rất thân mật, giống như với chính những người Pharisêu? Chống lại những người “tự hào cho mình là công chính mà khinh chê người khác” (Lc 18,9), Thầy Giêsu xác quyết: “Tôi không đến để kêu gọi người công chính, mà để kêu gọi người tội lỗi sám hối ăn năn” (Lc 5,32).

3. Trong lời xác quyết của Thầy Giêsu, “sám hối ăn năn” nêu rõ tính cách đòi hỏi trong lời mời gọi của Thầy. Nếu không “sám hối ăn năn”, thì không thể vào Nước Thiên Chúa (x. GLHTCG 545). “Sám hối ăn năn” là một cuộc đổi đời tận gốc rễ để rập khuôn đời mình theo đời Thầy Giêsu, Đấng Giàu Lòng Thương Xót, mà sứ điệp lời Chúa trong bài đọc một đã mời gọi: “Nếu ngươi loại khỏi nơi ngươi ở gông cùm, cử chỉ đe doạ và lời nói hại người, nếu ngươi nhường miếng ăn cho kẻ đói, làm thoả lòng người bị hạ nhục, thì ánh sáng ngươi sẽ chiếu toả trong bóng tối, và tối tăm của ngươi chẳng khác nào chính ngọ” (Is 58,9-10). Đây là cách thức xứng hợp mà con người đáp lại lòng thương xót vô biên của Thiên Chúa. Cũng thế, chúng ta được Thầy Giêsu tỏ lòng thương xót và mời gọi mở lòng sám hối ăn năn trong mùa Chay thánh này. Do đó, như Lêvi, chúng ta cần một sự sám hối thực sự: biết mình đã làm gì, đang làm gì và sẽ phải trở thành con người như thế nào. Chúng ta cũng được mời gọi tránh xa thái độ của những người Biệt phái: khinh người, tự cho mình là những người đạo đức, nên không cần đến lòng thương xót cứu độ của Thiên Chúa. Nhìn vào tận cõi lòng mình, không ai trong chúng ta là công chính trước mặt Chúa. Điều quan trọng là chúng ta biết sám hối thật lòng để đón nhận lòng xót thương của Người.

4. Sau khi được Thầy Giêsu giúp chúng ta sám hối ăn năn, noi gương Thầy, chúng ta cũng biết cách mời người khác hoán cải. Đến với họ, nhìn họ bằng cái nhìn mới, và vui vẻ làm bạn với họ. Muốn được như vậy, chúng ta hãy đến gần họ với thái độ thân thiện. Để khởi sự, chúng ta hãy khám phá những điều tốt ở họ. Khi đã tìm thấy điều tốt, chúng ta sẽ bất ngờ trước sự tử tế và dịu dàng của họ. Trái lại, khi chúng ta đến gần ai với thái độ thô thiển, họ sẽ bận ngay áo giáp tự vệ của thái độ cứng cỏi để đối phó. Nếu chúng ta mắng nhiếc người nào, thì chúng ta đang tiêm nhiễm cho họ tư tưởng sống theo lời mắng nhiếc của chúng ta hoặc là sống theo tiếng xấu mà chúng ta đã gán nhãn cho họ như lời Robert Quillen, một nhà báo người Hoa Kỳ, nói rằng: “Khi gán cho ai một tính xấu, điều nguy hại không phải vì mình không tin cậy họ nữa, mà là chính họ không còn tìn cậy ở chính họ nữa”. Không những thế, nếu như Shakespeare, đại thi sĩ người Anh, từng nói: “Tất cả chúng ta đều là diễn viên trên sân khấu”, thì chúng ta có thể nói tiếp rằng: “Tất cả chúng ta còn có thể là đạo diễn nữa”, tức là, chúng ta có thể tạo cho người khác những vai diễn chính diện hay vai diễn phản diện. Hằng ngày vì thái độ, cử chỉ và cư xử của chúng ta với những người gần gũi chúng ta, chúng ta tạo cho người khác vai diễn mà họ phải đóng. Vậy tại sao chúng ta không là một đạo diễn giỏi mời gọi người khác đóng vai thiên thần, thay vì vai ác quỷ; đóng vai công chính, thay vì vai bất chính; đóng vai thánh thiện, thay vì vai xấu xa; đóng vai đạo đức, thay vì vai tội lỗi. Chúng ta hãy ghi nhớ và thực hành lời Thầy Giêsu nói: “Tôi không đến để kêu gọi người công chính, mà để kêu gọi người tội lỗi sám hối ăn năn” (Lc 5,32).

Lạy Chúa là Đấng giàu lòng xót thương. Xin xót thương chúng con là những kẻ tội lỗi để chúng con biết can đảm đứng lên trở về với Chúa và đón nhận tình yêu cứu độ Ngài ban, bởi vì Ngài là Đấng đến để kêu gọi người tội lỗi sám hối ăn năn (x. Lc 5,32).


Suy niệm 4: TRỞ VỀ - ĐGM. Phaolô Nguyễn Thanh Hoan
 

Nhìn sự lỗi kẻ khác một cách lạc quan, đó là con đường khoan dung Chúa áp dụng để dẫn người đi về nẻo chính. Cho nên ta thấy Chúa gọi ông Lê-vi, ông Gia-kêu, những người mà quần chúng gọi quân thu thuế là tội lỗi. Cả hai đã tỏ ra sẵn sàng trước sự khoan dung của Chúa để làm lại cuộc đời trong công bằng đạo đức.

Hôm nay, Tin Mừng cho ta thấy hình ảnh ông Lê-vi, mà sau này truyền thống Ki-tô giáo từ đầu coi ông là Tông Đồ Mát-thêu. Thấy ông đang ngồi nơi bàn thu thuế, Chúa đã gọi ông cách đột ngột làm ông cũng thấy ngỡ ngàng, Đấng tiên tri, Đấng Thánh lại gọi mình vốn là người bị loại trừ rồi. Ơn trời sắp đặt, làm sao để hôm nay, ngày bình thường biến thành ngày lễ hội. Thiên hạ nhìn ông với thái độ khinh thường bao nhiêu thì Chúa nhìn ông với nét mặt vui tươi, khoan dung gần gũi, và hơn nữa Chúa còn gọi ông hãy theo Người, làm môn đệ Người, hãy đổ đống tiền ấy để đi vào con đường nghèo khó, sống lang thang bất định! Sức nặng của nội dung hai tiếng “Theo tôi” có lẽ Lê-vi chưa đón nhận hết được, ông còn phải qua một quãng đường dài. Nhưng hiện tại trái tim ông phập phồng phấn khởi vì được theo Chúa Giê-su.

 Đây là một kinh nghiệm sống động, ơn gọi của Chúa lấy gì sánh ví được? Đống tiền của cũng không đáng giá trị với ơn gọi. Ta cần xin Chúa cho biết bảo vệ và phát huy ơn gọi của mình, dù phải chiến đấu với bao nghịch cảnh cũng chấp nhận.

Ông Lê-vi đã bỏ lại tất cả vì ông không thấy cái gì quan trọng nữa sánh với tiếng gọi của Chúa. Bạn tự xét mình xem có điều gì còn vướng làm bạn chưa hoàn toàn đi theo Chúa không? Gia đình, tình cảm, những mơ ước ở đời, có cái gì còn giữ bạn lại ở một vị trí nào đó? Có khi là một tật xấu mà bạn chưa thể bỏ đi được, có khi là một thành kiến với ai mà bạn không quên đi chăng? Hãy sẵn sàng từ bỏ để tiếng gọi lớn mạnh lên trong cõi lòng như ngọn đuốc sáng thiêu đốt con tim.

Lê-vi lại còn dọn tiệc, bữa tiệc liên hoan từ giã bạn bè, từ giã gia đình, nghề nghiệp. Đây là một hy sinh từ bỏ thật lớn lao. Tại sao Lê-vi chưa tu trì chi cả mà làm được? Tình yêu Chúa, cái nhìn khoan dung của Chúa đó thôi. Tại sao ta không tìm cái nhìn đó nơi Bí Tích Thánh Thể, nơi đây Người vẫn gọi ta, chờ ta, cánh tay Người sẵn sàng đón lấy ta bất cứ khi nào.


Suy niệm 5: ĐƯỢC CHỮA LÀNH VÀ CHỮA LÀNH - Lm. Giuse Nguyễn Trọng Sơn
 

“Chẳng phải là chia cơm cho người đói,

rước vào nhà những người nghèo không nơi trú ngụ;

thấy ai mình trần thì cho áo che thân,

không ngoảnh mặt làm ngơ trước người anh em cốt nhục?

Bấy giờ ánh sáng ngươi sẽ bừng lên như rạng đông,

vết thương ngươi sẽ mau lành.” (Is 58,7-8)

Một nét vẽ rất đậm trong Mùa Chay là mối nối giữa sự thờ phượng Thiên Chúa đích thực và tình yêu dành cho người khác, nhất là những người thấp bé, bị loại trừ trong xã hội.

Với đoạn trích dẫn ở trên và cả đoạn trích trong bài đọc I hôm nay, tiên tri Isaia cho thấy khi yêu thương và chia sẻ cho người khác thì lúc đó “ánh sáng” của người ấy sẽ tỏa rạng. Có bản dịch dùng thể chủ động: “ánh sáng của ngươi”, bản khác dùng thể thụ động: “ngươi sẽ được chiếu sáng”, nhưng dù dịch thế nào thì bản văn cũng đều làm cho chúng ta hiểu rằng: khi ai yêu thương, ai biết chia sẻ cho người đồng loại, thì ánh sáng thần linh sẽ chiếu sáng trên người ấy và chính người ấy cũng tỏa sáng.

Đoạn trích ở phía trên còn cho chúng ta thêm một chi tiết là khi yêu thương người khác thì chính mình được chữa lành. Đoạn văn Isaia ở chương 58 được viết sau khi hồi hương từ Babilon. Vết thương của một dân tộc bị nô lệ còn đó, nhưng rồi, sau khi hồi hương, lập nghiệp, có khi chính những người này lại gây thương tích cho những người nghèo, những người thấp bé trong xã hội. Isaia cho thấy: khi biết sống yêu thương người khác là chữa lành nỗi đau nơi họ, nhưng đồng thời cũng giúp chữa lành vết thương nơi chính mình. Thù hằn, uất hận là vết thương nơi chính mình. Nếu không biết tha thứ, không biết vượt qua, thì mình sẽ trở thành thủ phạm cho những vết thương nơi người chung quanh. Ngược lại, chính khi biết sống rộng lượng với anh chị em, thì chính mình cũng được chữa lành.

Mùa Chay là thời gian chúng ta được mời gọi cảm nếm sâu xa lòng tha thứ, lòng thương xót của Thiên Chúa, để mình được chữa lành và đồng thời cũng trở nên người làm lan rộng lòng quảng đại thần linh ấy cho người chung quanh. Hãy để mình được chữa lành và trở thành khí cụ của sự chữa lành thần linh cho người khác.



Suy niệm 6 - Lm. Phêrô Nguyễn  Thiên Cung

 

1-      Sứ điệp nguyên thủy :

(1) Khi mời gọi “đọc” Is 58, 9b-14 qua lăng kính Lc 5, 27-32, Phụng vụ Lời Chúa hôm nay cho thấy những điều mang lại niềm vui và hạnh phúc đó là được Thiên Chúa chọn gọi để ở với Ngài và khi người ta thực thi Thánh Ý của Ngài, như được phản ảnh, trước tiên, trong Lc 5, 27-32 : ở đây, Đức Giêsu cho thấy sứ mạng của Ngài là đưa con người quay về làm hòa lại Thiên Chúa, để được sống sự sống tình yêu hạnh phúc như Ngài [“Đức Giêsu đáp lại họ rằng : ‘…Tôi không đến để kêu gọi người công chính, mà để kêu gọi người tội lỗi sám hối ăn năn’.” (5, 31a.32)]…

(2) Thứ đến, trong Is 58, 9b-14 : ở đây, cho thấy hạnh phúc đó là khi con người tìm kiếm và thực thi Thánh Ý của Đức Chúa là Thiên Chúa [“Đức Chúa phán như sau : ‘…Nếu ngươi nhường miếng ăn cho kẻ đói…thì ánh sáng ngươi sẽ chiếu tỏa trong bóng tối…Nếu ngươi giữ chân không vi phạm ngày sabat, và không tìm lợi lộc trong ngày thánh của Ta…thì bấy giờ, ngươi sẽ được Đức Chúa làm niềm vui’.” 58, 9b.10a.13a)]… 

 

2-      Sứ điệp cho ngày hôm nay :

Thế giới tục hóa, vẫn muốn gạt Thiên  Chúa ra bên lề cuộc sống, vì cho rằng Ngài là đối thủ có nguy cơ đánh mất đi tự do, niềm vui và những khát vọng của con người, vốn lầm to vì thực ra, chỉ có Thiên Chúa mới có thể mang lại niềm vui và hạnh phúc đích thực cho con người, mới có thể lấp đầy những khoảng không trống vắng của con người…

Tác giả: Truc Ho Si

  Ý kiến bạn đọc

Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây