Suy niệm - Thứ Tư Tuần 1 Mùa Chay

Thứ ba - 28/02/2023 22:36
myhn 01 03 2023



Tin Mừng: Lc 11,29-32
 

Khi dân chúng tụ họp đông đảo, Đức Giê-su bắt đầu nói: "Thế hệ này là một thế hệ gian ác; chúng xin dấu lạ. Nhưng chúng sẽ không được thấy dấu lạ nào, ngoài dấu lạ ông Giô-na. Quả thật, ông Giô-na đã là một dấu lạ cho dân thành Ni-ni-vê thế nào, thì Con Người cũng sẽ là một dấu lạ cho thế hệ này như vậy. Trong cuộc Phán Xét, nữ hoàng Phương Nam sẽ đứng lên cùng với những người của thế hệ này và bà sẽ kết án họ, vì xưa bà đã từ tận cùng trái đất đến nghe lời khôn ngoan của vua Sa-lô-môn; mà đây thì còn hơn vua Sa-lô-môn nữa. Trong cuộc Phán Xét, dân thành Ni-ni-vê sẽ chỗi dậy cùng với thế hệ này và sẽ kết án họ, vì xưa dân ấy đã sám hối khi nghe ông Giô-na rao giảng; mà đây thì còn hơn ông Giô-na nữa.


Suy niệm 1: Nhóm Bạn Đường Linh Thao - Biên dịch
 

Bạn có bao giờ nghi ngờ về sự hiện diện của Thiên Chúa không? Trước bao bất công, tai ương và đau khổ đang hoành hành khắp nơi, trước những điều bất hạnh ập đến cho bạn, liệu bạn có chất vấn Ngài: Chúa ơi, Ngài ở đâu? Và, trong cơn nghi ngờ, bạn có từng xin Chúa ban cho một dấu chỉ để tỏ rõ sự hiện diện hoặc ý muốn của Ngài không? Bạn có coi những dấu lạ như là một câu trả lời của Thiên Chúa không?

Nếu bạn được Thiên Chúa ban cho những dấu chỉ rõ ràng, bạn hãy trân trọng như món quà quý giá và cảm tạ vì điều đó. Tuy nhiên, việc được nhận và tìm kiếm dấu chỉ của Thiên Chúa lại là hai điều khác nhau. Trong bài Phúc Âm hôm nay, Chúa Giê-su lên án mạnh mẽ những người đến với Ngài để kiếm tìm phép lạ từ Trời. Tại sao lại vậy? Tại sao Ngài lại phê phán việc tìm kiếm những dấu lạ? Đó là vì Chúa Giê-su muốn chúng ta tìm đến Ngài với duy một mục đích là để được gặp Ngài chứ không phải điều gì khác. Ngài không muốn chúng ta xem Ngài như là một hình ảnh mờ nhạt hiện diện thông qua những phép lạ, nhưng là hiện thân kỳ diệu mà chỉ nơi Ngài ta tìm thấy những điều mới lạ.

Chúa Giê-su đã tuyên bố rằng, sẽ chẳng có dấu lạ nào ngoài dấu lạ ông Gio-na. Dấu lạ ông Gio-na chui ra khỏi bụng cá sau ba ngày, ám chỉ đến việc Chúa Giê-su sẽ chết và phục sinh sau ba ngày nằm trong mộ đá. Tuy nhiên, điểm mấu chốt ở đây là cái chết và sự phục sinh nơi Chúa Giê-su sẽ là dấu lạ lớn lao nhất mà Thiên Chúa ban cho con người. Chúng ta chẳng nên kiếm tìm bất cứ dấu chỉ nào ngoài mầu nhiệm trung tâm đức tin này. Mọi thắc mắc, nan đề, lắng lo, bối rối hay bất kể điều gì đều có thể được giải đáp và đối mặt nếu chúng ta biết đi vào mầu nhiệm sự sống, cái chết và sự phục sinh của Chúa Giê-su. Việc kiếm tìm một dấu chỉ khác là sai trái, bởi khi làm như vậy, mặc nhiên ta tự cho rằng mầu nhiệm cái chết và sự phục sinh của Ngài là chưa đủ. Không những thế, một khi ta đòi hỏi nơi Chúa một dấu chỉ, thì chẳng khác nào ta cũng đang thách thức Thiên Chúa, như các thủ lãnh Do Thái và binh lính khi xưa buông lời thách đố Đức Giêsu trên thập giá vậy (Lc 23,35.37).

Hôm nay, bạn hãy dùng những giây phút hiện tại để suy ngẫm về "dấu lạ" to lớn mà Thiên Chúa đã làm. "Không có tình thương nào cao cả hơn tình thương của người đã hy sinh tính mạng vì bạn hữu của mình." (Ga 15,13) "Đến như chính Con Một, Thiên Chúa cũng chẳng tha, nhưng đã trao nộp vì hết thảy chúng ta. Một khi đã ban Người Con đó, lẽ nào Thiên Chúa lại chẳng rộng ban tất cả cho chúng ta?" (Rm 8,32) Nếu bạn đang hoài nghi về sự hiện diện của Thiên Chúa, hay đang phân vân trước một lựa chọn, đừng đòi hỏi một dấu chỉ, nhưng hãy hướng lòng về dấu chỉ này, đó là, cuộc sống, cái chết và sự phục sinh của Chúa Giê-su - dấu chỉ trung tâm của mầu nhiệm đức tin Ki-tô giáo. Đó là nơi mọi câu hỏi được trả lời và cũng là nguồn mạch của mọi ân ban. Chúng ta không còn cần điều gì khác hơn thế nữa. Đường lối của Thiên Chúa không bao giờ là cung cách của chứng tỏ uy quyền dũng lực, hay rầm rầm rộ rộ thể hiện thần uy. Chúng ta hãy rèn luyện sự kiên định trong đức tin, vững vàng trong đức cậy, và nhẫn nại trong đức mến, để rồi khi gặp được Ngài, ta nhận ra và chân thực cảm nghiệm sự hiện diện sống động cùng thánh ý nhiệm mầu của Ngài nơi cuộc đời ta.

Lạy Chúa Giêsu, sự hy sinh trọn vẹn của Ngài là lời giải đáp cho tất cả và cũng là nguồn mạch tuôn đổ mọi ân sủng. Xin cho con biết chạy đến với Chúa bằng đôi mắt đức tin và con tim sốt mến, để con nên nhạy cảm hơn trước sự hiện diện của Chúa và tinh tế hơn trước ý muốn của Ngài mà không đòi hỏi bất kì dấu lạ điềm thiêng nào khác. Lạy Chúa Giêsu, con tín thác vào Chúa. Amen.



Suy niệm 2 - Lm. Augustinô

 

Đoạn Tin Mừng này tiếp tuc là phần tranh luận của Chúa Giê-su với đám đông theo sau việc Người trừ quỷ của nhưng bây giờ là lời buộc tội thứ hai. Một vài người nói Chúa Giê-su dùng tướng quỷ Bê-en-dê-bul mà trừ quỷ (11, 15), một lời buộc tội mà Chúa Giê-su phản bác (17 – 23). Những người khác yêu cầu Người cho họ một dấu lạ (11, 16). Đáp lại CGS tuyên bố: Thế hệ này là một thế hệ gian ác; chúng xin dấu lạ. Nhưng chúng sẽ không được thấy dấu lạ nào, ngoài dấu lạ ông Giô-na. Quả thật, ông Gio-na đã là một dấu lạ cho dân thành Ni-ni-vê thế nào, thì Con Người sẽ là một dấu lạ cho thế hệ này cũng như vậy. Nói đến dấu lạ Gio-na, chúng ta liên hệ ngay đến việc ông Gio-na bị ném xuống biển vì không muốn rao giảng cho dân hành Ni-ni-vê theo lệnh Chúa. Ông được một chú cá to nuốt vào bụng và ngày thứ ba ông được cá đưa vào bờ.

Bài đọc thứ nhất, trích sách ngôn sứ Gio-na, lại cho chúng ta một kiểu dấu lạ khác. Giona vâng lệnh Chúa ra đi và vào thành Ni-ni-vê, một thành rộng lớn và chắc giàu có để hô cho dân thành biết lời tuyên cáo của Thiên Chúa dành cho thành “Còn 40 ngày nữa, Ni-ni-vê” sẽ bị phá đổ.” Một sứ điệp ngắn gọn được vang lên giữa một thành phố lớn bởi một người từ nơi khác đến, vậy mà, toàn dân Ni-ni-vê, từ người lớn đến trẻ nhỏ, từ vua quan tới thứ dân đều tin vào Gio-na. Niềm tin được cụ thể hóa bằng hành động mang tính quốc gia qua việc công bố và thực hành chay tịnh từ người cho đến súc vật. Đây chẳng phải là một dấu lạ sao. Thực tế, nếu không nhìn Giona như một dấu lạ, một người thay mặt Thiên Chúa nói lời Thiên Chúa, dân thành Ni-ni-vê sẽ chăng bao giờ tin và làm như thế.

Tuy nhiên, tầm mức dấu lạ của ngôn sứ Giona làm sao sánh bằng dấu lạ của Con Người. Giona được chọn giữa loài người, còn Con Người là Đấng từ trời mà đến. Giona chỉ công bố một lời, còn Con Người công bố một đời, nhất là những năm tháng công khai rao giảng. Đức Giê-su khởi đầu công cuộc rao giảng với lời mời gọi: Hãy sám hối vì Nước Trời đã gần đến. Để cho dân thấy rõ Nước Trời đã gần đến, Chúa không chỉ rao giảng mà còn chữa lành bệnh tật, xua trừ ma quỷ, cho kẻ chết sống lại và sau cùng chịu chết và sống lại. Bởi đó, sẽ không có dấu lạ nào lớn hơn dấu lạ của Con Người. Không sám hối theo lời mời gọi của Đức Giê-su, con người sẽ không thể đổ lỗi hay biện minh cho hành động chai lì của mình. Con người đáng bị các thế hệ đi trước lên án và phải chịu hoàn toàn trách nhiệm.

Lạy Chúa Giê-su, chúng con cám ơn Chúa vì đã trở nên dấu lạ cho chúng con về Thiên Chúa và tình thương của Người, nhất là qua cái chết đau thương và sự phục sinh vinh quang của Chúa. Dấu lạ ấy vẫn tiếp tục được chúng con trải nghiệm qua các bí tích trong đời sống của Hội Thánh, nhất là qua bí tích Hòa Giải. Chúng con cám ơn Chúa vì tình yêu không đổi dời Chúa dành cho chúng con. Chúa đã tìm kiếm và đi vào tận âm phủ để cứu chúng con khi chấp nhận chôn táng trong mồ. Chúng con xin lỗi Chúa vì vẫn không nghe lời Chúa qua Hội Thánh để quay về phía Chúa để hưởng niềm vui thứ tha và hòa giải. Chúng con vẫn để những cám dỗ trần đời làm mù đôi mắt, điếc đôi tai, mờ lương tâm, chai cõi lòng khiến chúng con không thể đến với Chúa. Xin hãy mạnh tay kéo chúng con ra khỏi bóng tối tâm linh. Xin giúp chúng con hấp thụ được ánh sáng của chân lý là chính Chúa và tình yêu nồng ấm của Chúa.

Lạy Chúa Giê-su, thời gian 40 ngày chay tịnh sẽ thực sự trở nên ân phúc cho chúng con và cho anh em, nếu chúng con nhận ra dấu lạ của Chúa qua lời mời gọi sám hối của Hội Thánh. Vâng! sẽ là dấu lạ nếu những người thân yêu chúng con nhận ra sự thay đổi theo chiều hướng tốt nơi chúng con. Một lối sống được định hình bởi Tin Mừng rực sáng trên đời chúng con theo nhịp thời gian của mùa chay. Một cuộc biến hình để cuộc sống chúng con tỏ lộ dung nhan của người con Thiên Chúa qua lời ăn tiếng nói, thái độ, cử  chỉ và toàn thể con người chúng con. Xin giúp chúng con nhận ra những gì đang che khuất những điều tốt đẹp mà Chúa đã dùng cái chết của Chúa để tặng ban cho chúng con, phát quang nó bằng ân sủng Chúa và làm nó tỏa rạng ánh vinh quang của Chúa trên chúng con. Amen



Suy niệm 3: KHÔNG PHẢI LÝ LỊCH MÀ LÀ SẴN SÀNG - Lm. Giuse Nguyễn Trọng Sơn
 

Theo các nhà chuyên môn, câu chuyện dân thành Ninivê trở lại với Thiên Chúa và được tha thứ với những chi tiết đầy ngoạn mục, không mang tính chất lịch sử cho bằng tính chất tâm linh. Câu chuyện mượn danh tiên tri Giona là một nhân vật có thật, sống thời vua Gia-róp-am II của vương quốc Israel (786-746 tCN), được nói đến trong 2V 14,25. Cuộc trở lại của dân ngoại, nhất là của dân ở thủ đô Ninivê của nước Assyria, là đế quốc đã từng thống trị Israel, đánh dấu một cách nhìn rất mới của người Do Thái. Ý thức sâu sắc về tội lỗi và sự trở lại của dân ngoại về với Thiên Chúa là Chúa của mọi dân tộc, khiến cho người ta nghĩ rằng cuốn sách này được viết vào thời kỳ lưu đày Babilon (587-538 tCN) hoặc đúng hơn, là sau thời lưu đày. Thiên Chúa được trình bày như là Thiên Chúa của mọi dân tộc, đó là suy tư thần học trong và sau thời lưu đày này. Thái độ của ông Giona vùng vằng không chấp nhận đến Ninivê để nói lời của Chúa cho thấy ông khó chấp nhận chuyện Thiên Chúa đón nhận dân ngoại và tha thứ cho họ!

Lại càng nghịch nhỉ hơn nữa khi trong bài Tin Mừng, Chúa Giêsu lấy dân ngoại là nữ hoàng Phương Nam và dân thành Ninivê, làm gương mẫu cho dân Do Thái về thái độ biết hướng thiện và quay về với Thiên Chúa!

Dân Do Thái ngày xưa có thể cũng đặt câu hỏi như các kitô hữu hôm nay: nếu Thiên Chúa coi trọng dân ngoại như dân đã từng có đạo bao nhiêu năm như thế, thì theo đạo để làm gì?! Vất vả sớm hôm đi lễ, đọc kinh, ăn chay... mà không được ưu tiên gì hơn thì theo đạo để làm gì?! Cách nhìn ấy cho thấy kiểu cách theo đạo rất vị kỷ, chỉ tìm kiếm mối lợi cho mình thôi! Theo đạo thì phải có lợi mới theo! Chỉ tìm kiếm chính mình thôi, nên người ta lưu ý đến lý lịch, gốc gác, thành tích giữ luật lệ!

Theo đạo là tin vào Chúa, tức là đi vào một mối tương giao với thần linh. Tương giao thì phải có hai bên. Chỉ tìm kiếm chính mình thì không có tương giao. Mà khi tương giao có hai bên thì người ta cũng tìm thấy chính mình trong đó.

Khi ý thức sống đạo là sống tương giao như thế, tín hữu không chỉ lo thu tích thành tích của mình, nhưng mở ra với Thiên Chúa, luôn sẵn sàng cho Thiên Chúa. Khi ấy, việc sám hối thì khỏi phải bàn nữa, vì đó là việc đương nhiên; nhưng còn đi xa hơn nữa, tín hữu sẵn sàng cho những dẫn dắt của Chúa cho những con đường mới mẻ, cho những dấn thân. Đó mới là đời sống đạo đích thực.

 

 

Tác giả: Truc Ho Si

  Ý kiến bạn đọc

Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây