Suy niệm - Thứ Sáu tuần 12 thường niên

Thứ năm - 29/06/2023 18:45
Lời Chúa: Mt 8, 1-4

Khi Chúa Giêsu ở trên núi xuống, đám đông dân chúng theo Người.
Có một người cùi đến lạy Người mà thưa rằng: "Lạy Ngài, nếu Ngài muốn, Ngài có thể chữa tôi được sạch".
Chúa Giêsu giơ tay ra chạm đến anh ta và phán: "Ta muốn. Anh hãy lành bệnh".
Tức thì anh ta liền lành khỏi bệnh phong cùi.
Chúa Giêsu phán bảo anh ta: "Hãy ý tứ, đừng nói với ai. Hãy đi trình diện với tư tế và dâng của lễ theo luật Môsê để minh chứng cho họ biết".


Suy Niệm 1: Nếu Ngài muốn
(Lm. Antôn Nguyễn Cao Siêu, S.J.)


Sau Bài Giảng trên núi thì đây là phép lạ đầu tiên của Đức Giêsu
trong chuỗi mười phép lạ ở chương 8 và 9 của Tin Mừng Mátthêu.
Người phong chẳng rõ từ đâu đã dám lại gần Đức Giêsu,
dù lẽ ra anh không được phép làm như thế (Lv 13, 45-46).
Ai đã nói cho anh về Ngài, ai đã dạy anh bái lạy và khấn xin?
‘Thưa Ngài, nếu Ngài muốn, Ngài có thể làm tôi được sạch” (c. 2).
Một lời cầu xin mẫu mực đáng chúng ta suy nghĩ.
“Nếu Ngài muốn”: anh đặt ý muốn của Đức Giêsu lên trên ý muốn của anh.
Dù rất muốn được khỏi, nhưng anh vẫn để Ngài tự do làm theo ý của Ngài.
Chữ “nếu” thật đơn sơ, nhưng nói lên sự phó thác trọn vẹn của anh
cho ý muốn tốt lành của Đức Giêsu.
Ngài được tự do muốn hay không muốn, làm hay không làm.
Đức Giêsu không thấy mình bị áp lực phải chiều theo ý muốn của anh.
Sau này trong Vườn Dầu, Đức Giêsu cũng dùng chữ “nếu”
khi nài xin Cha cất chén đắng cho mình.
“Lạy Cha, nếu có thể được…” (Mt 26, 39. 42).
Nhưng trong trường hợp này, Cha đã không cất chén Khổ nạn của con.
“Ngài có thể làm cho tôi được sạch.”
Anh tin vào quyền năng phi thường từ nơi Ngài,
quyền năng có thể làm cho những nhơ uế trên người anh biến mất,
và da thịt anh phút chốc được lành sạch.
Khi con người tin vào Thiên Chúa như một đứa con thơ phó thác,
Thiên Chúa sẽ chọn cho con người điều tốt nhất.
Thái độ phó thác, tuy có vẻ liều lĩnh, vì Thiên Chúa có thể nói không,
nhưng thật ra lại rất khôn ngoan, vì biết mình sẽ được điều tốt hơn cả.
“Tôi muốn, anh hãy được sạch” (c. 3).
Đức Giêsu được tự do để muốn, thoải mái để bày tỏ lòng quảng đại.
Ngài chẳng những chữa lành bằng ý muốn được nói ra lời,
Ngài còn làm một điều không cần thiết và bị cấm (Lv 5, 3),
đó là đưa tay đụng đến người phong.
Cả tình yêu của Ngài diễn tả qua cái đụng nhẹ đó.
Da thịt của Ngài chạm vào da thịt không lành lặn của anh.
Ngài không bị nhiễm uế, trái lại Ngài làm cho anh được sạch.
Rõ ràng người phong ở rất gần Đức Giêsu và không làm Ngài kinh tởm.
Đức Giêsu muốn anh trở về với đời sống bình thường,
hội nhập trở lại với Đền thờ, gia đình và xã hội.
Vì thế Ngài sai anh đi trình diện với các tư tế và dâng của lễ (c. 4).
Dù không là người phong, nhưng ai trong chúng ta tránh được ô nhơ?
Ai trong chúng ta lại không có lần xin Chúa tẩy mình cho sạch?
Thân xác người phong bị tàn phá và làm cho dị dạng, đáng sợ.
Chỉ mong tâm hồn chúng ta tránh được bệnh phong.          
 
Cầu nguyện:
Lạy Chúa
in ban cho chúng con ánh sáng đức tin
để nhận ra Chúa hôm nay và hằng ngày,
nơi khuôn mặt khốn khổ
của tất cả những người bị thử thách:
những kẻ đói, không chỉ vì thiếu của ăn,
nhưng vì thiếu lời Chúa
những kẻ khát không chỉ vì thiếu nước,
nhưng còn vì thiếu bình an, sự thật,
công bằng và tình thương
những kẻ vô gia cư,
không chỉ tìm kiếm một mái nhà,
nhưng còn tìm một con tim hiểu biết, yêu thương,
những kẻ bệnh hoạn và hấp hối,
không chỉ trong thân xác,
nhưng còn trong tinh thần nữa,
bằng cách thực thi lời hy vọng này:
“Điều mà ngươi làm
cho người bé mọn nhất trong anh em
là làm cho chính ta.”  (Mẹ Têrêxa Calcutta)
 
Suy Niệm 2: Tôi muốn
(TGM Giuse Ngô Quang Kiệt)


Người “mắc bệnh phong tiến lại, bái lạy Người và nói: “Thưa Ngài, nếu Ngài muốn, Ngài có thể làm cho tôi được sạch”. Bệnh phong là bệnh nan y thời ấy. Không ai có thể chữa lành. Bệnh phong giống như người chết. Vì bị khai trừ ra khỏi cộng đoàn. Người bệnh phong này có đức tin mãnh liệt. Chỉ có Chúa mới có thể chữa ông. Chúa Giê-su “giơ tay đụng vào anh và bảo: “Tôi muốn, anh hãy được sạch”. Chúa là Thiên Chúa của sự sống. Chúa dựng nên sự sống. Không dựng nên sự chết. Chúa muốn sự sống cho con người. Chúa giơ tay đụng vào người bệnh. Bàn tay yêu thương đụng đến chỗ đau yếu nhất. Ngón tay thần linh ban sự sống. Như ngón tay Thiên Chúa chạm vào ngón tay A-đam. Thiên Chúa ban sự sống. Kỳ diệu hơn nữa. Thiên Chúa trả lại sự sống.
Thiên Chúa muốn sự sống. Nên đã tuyển chọn Ít-ra-en. Nhưng các vua chúa lại phản bội. Làm điều dữ trước mặt Chúa. Nên đi vào con đường sự chết. Xít-ki-gia-hu cũng đi vào đường tội lỗi như vua cha. Nên dẫn đến cái chết. Cái chết của một dân tộc. Tất cả phải đi lưu đày. Chỉ còn “lại một phần dân cùng đinh trong xứ để trồng nho và canh tác”. Vua chết dần mòn vì “vua Ba-by-lon đâm mù mắt vua Xít-ki-gia-hu, lấy hai dây xích đồng xiềng vua lại và điệu về Ba-by-lon”. Chết cả dòng họ. Tuyệt tự. “Chúng cắt cổ những người con của vua Xít-ki-gia-hu trước mắt vua cha”. Không còn sự sống (năm chẵn).
Áp-ra-ham thờ phượng Chúa nên Chúa ban sự sống qua dòng dõi trường tồn. Ông đã nản lòng. Vì chín mươi chín tuổi mà chưa có con. Ông muốn người quản gia thừa kế. Chúa không đồng ý. Ông muốn đứa con của nữ tỳ thừa kế. “Ước chi Ít-ma-en được sống trước nhan Ngài”. Chúa cũng không chịu. Vì Chúa sẽ ban cho ông người con chính ông sinh ra. “Không đâu! Chính Xa-ra, vợ ngươi, sắp sinh cho ngươi một con trai, và ngươi sẽ đặt tên cho nó là I-xa-ác. Ta sẽ lập giao ước của Ta với nó; đây sẽ là giao ước vĩnh cửu cho dòng dõi nó sau này” (năm lẻ).
Chúa là Thiên Chúa của sự sống. Chúa muốn ta được sống. Và sống đời đời. Nhưng sự sống chỉ có ở trong Chúa. Hãy ở lại trong Chúa. Bằng tuân giữ Lời Chúa. Như tổ phụ Áp-ra-ham. Ta sẽ ở trong sự sống. Sự sống yêu thương. Sự sống sung mãn. Sự sống trường cửu.


Suy niệm 3: DÒNG DÕI CỦA SỰ SỐNG BỊ SÁT HẠI − Giuse Nguyễn Trọng Sơn

Việc sinh ra của Isaac bị nghi ngờ, vì cha mẹ là Abraham và Sara đã quá già! Ông Abraham nghe Chúa bảo sẽ có con và có một dòng dõi đông đúc, thì không tin. Ông đã cười thầm và nghĩ Chúa nói về đứa con của ông với người hầu vừa mới sinh ra (x. St 17,17). Bà Sara sau đó cũng nghe báo tin ấy, bà cũng cười và không tin (x. St 18,12-1). Cuối cùng thì lời Chúa cũng ứng nghiệm. Thiên Chúa là sự sống và Ngài yêu thích làm trổ sinh sự sống.
Sự sống là ân ban thần linh cho muôn loài và cho con người cách riêng, nhưng khốn thay, con người lại là những kẻ sát sinh! Chiến tranh giữa các nước vẫn đang diễn ra khốc liệt. Để củng cố quyền lực, người ta cũng tìm cách thủ tiêu người này, giam cầm người nọ, phe này loại trừ phe kia. Quyền lực và chính trị đã khiến vị bạo chúa giết hại vô số tín hữu của giáo đoàn Roma thời ban đầu (năm 64), mà có người cho rằng thánh Phêrô cũng bị giết trong thời kỳ đó. Bạo lực và giết chóc vẫn đang xảy ra trong xã hội hôm nay. Và quen thuộc hơn nữa, có những bậc cha mẹ đã giết con mình ngay khi chúng còn trong bào thai vì nhiều lý do khác nhau, có những chủ trương mang tầm vóc quốc gia về việc phá thai! 
Chúa Giêsu ra ngoài thành, đến với những người phong cùi bị loại ra khỏi xã hội theo quy định của luật lệ. Ngài chữa lành và đưa họ hội nhập trở lại với cộng đồng. Đó là tượng trưng cho nhiều cách thức khác nhau trong việc loại trừ sự sống. Ngài đến để người ta được sống và sống dồi dào (x. Ga 10,10).
Giáo Hội ở Châu Âu đang “cạn kiệt” ơn gọi. Các dòng tu đóng cửa vì không có ơn gọi! Nhưng người ta tôn trọng cuộc sống của mỗi người. Giáo Hội Việt Nam có nhiều ơn gọi, nhưng người ta có đủ lòng tôn trọng từng người theo ơn gọi, lắng nghe và giúp họ lớn lên như họ là hay không? Tương quan trong các giáo xứ có làm cho mọi tín hữu “đứng thẳng lưng” vì mình đáng trân trọng; họ có được làm cho tự tin để dấn thân hay không? Trong các gia đình, cha mẹ có khám phá giá trị của từng người con để làm cho chúng tự tin phát triển điều gì là của chúng hay không?
Tôn trọng sự sống và cuộc sống cũng cần được tôn trọng và làm cho lớn lên như nó là, không phải là một thứ bonsai đâu!


Suy niệm 4:  ‌NGƯỜI PHONG CÙI ĐƯỢC SẠCH - ĐGM. PHAOLÔ NGUYỄN THANH HOAN

Qua đoạn Tin mừng hôm nay, Thánh sử Mathêu đã thuật lại cho chúng ta câu chuyện của Chúa Giêsu và một người phong cùi, để cho chúng ta thấy.
Bệnh phong cùi đây là ám chỉ tội nhân trước Thiên Chúa, Thánh kinh cho biết mọi người đều đã phạm tội qua Adong và tội riêng. Tất cả chúng ta trước mặt Thiên Chúa đều là những tội nhân cần tới lòng thương xót của Chúa. Một tội nhân giống như một bàn tay đã bẩn thì sờ vào đâu cũng bẩn như vậy. Một linh hồn phạm tội trọng làm việc gì đi nữa cũng không có giá trị cứu rỗi nữa. Họ phải đến với Chúa Giêsu. Chỉ khi nào chạy đến với Chúa trong sự khiêm nhường như người phong cùi hôm nay, chúng ta mới được hưởng lòng nhân lành của Ngài.
Trong phép lạ chữa lành  người phong cùi, Chúa Giêsu không chỉ làm cho thân xác người đó được lành lặn bình thường, mà còn hồi phục danh dự người đó trong xã hội loài người. Đó là ý nghĩa của việc Ngài bảo người được chữa lành hãy đi trình diện với tư tế. Hãy đi trình diện với tư tế có nghĩa là trở lại với cuộc sống bình thường với một phẩm giá được nhìn nhận và tôn trọng. Nhưng người phong cùi chỉ có thể trở lại với cộng đồng của mình, khi cộng đồng biết mở rộng cánh cửa đón nhận. Bao lâu cánh cửa không mở ra, thì bấy lâu người phong cùi vẫn tiếp tục bị đẩy ra bên lề xã hội.
Hình ảnh người phong cùi được tiếp nhận trong cộng đồng có thể khơi dậy nơi chúng ta cánh cửa luôn rộng mở của Giáo Hội. Giáo hội là một gia đình, trong đó không có bất cứ phân biệt đối xử nào. Giáo hội là nơi gặp gỡ và giao hòa giữa mọi khác biệt. Giáo hội là hình ảnh và hiện thực của một nhân loại, trong đó không có sự đố kỵ nào loại trừ lẫn nhau.
Mỗi Ki tô hữu là một cánh cửa của căn nhà Giáo hội. Cánh cửa đó rộng mở thì người người mới hân hoan bước vào.
Chúa Giêsu nói với người phong cùi : “Tôi muốn anh được lành bệnh”. Ngài cũng nói với mỗi người chúng ta những câu nói tương tự khi Ngài đến trần gian này, bởi sứ mạng của Ngài khi đến trần gian này là gì, nếu  không phải là để mưu cầu hạnh phúc cho con người. Chúa Giêsu chính là một mẫu gương về việc lo cho hạnh phúc của người khác.
Không ai trong chúng ta lại không khát khao hạnh cho mình. Nhưng có một điều chúng ta thường quên đó là : Hạnh phúc chỉ đến với chúng ta khi chúng ta đem hạnh phúc đến cho người khác. Mà làm thế nào để có thể làm được công việc ấy ?
Chung quanh chúng ta hiện có biết bao nhiêu người đang cần đến một lời an ủi, một lời hỏi han, một bàn tay chăm sóc, một nụ cười cảm thông của chúng ta. Trao gởi những thứ đó cho họ, là chúng ta đang đem hạnh phúc đến cho họ và cũng là cho chúng ta nữa.
Cầu nguyện : 
Lạy Chúa Giêsu, xin cho con biết khiêm tốn nhìn nhận những yếu đuối hư hỏng của mình và tin tưởng chạy đến với Chúa để được ơn tha thứ chữa lành.
Xin cho con được nên hoàn thiện hơn bằng đời sống quảng đại, luôn biết quan tâm đến người khác. Đó cũng là một cách để biểu lộ lòng mến Chúa yêu anh em.
Xin cho con biết nhìn lên mẫu gương Giêsu, Đấng đã không chỉ muốn mà còn dấn thân trong việc lo tìm hạnh phúc cho người khác, không trừ một người nào, để học lấy ở nơi Ngài, bài học Bác ái, hầu chu toàn bổn phận của con. Amen. 

Tác giả: Truc Ho Si

  Ý kiến bạn đọc

Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây