Thứ Hai 03/07/2023 – Thứ Hai tuần 13 thường niên – Thánh TÔMA, TÔNG ĐỒ. Lễ kính

Chủ nhật - 02/07/2023 20:51
Lời Chúa: Ga 20, 24-29

Bấy giờ trong Mười Hai Tông đồ, có ông Tôma gọi là Điđymô, không ở cùng với các ông, khi Chúa Giêsu hiện đến. Các môn đệ khác đã nói với ông rằng: “Chúng tôi đã xem thấy Chúa”. Nhưng ông đã nói với các ông kia rằng: “Nếu tôi không nhìn thấy vết đinh ở tay Người, nếu tôi không thọc ngón tay vào lỗ đinh, nếu tôi không thọc bàn tay vào cạnh sườn Người thì tôi không tin”.
Tám ngày sau, các môn đệ lại họp nhau trong nhà, và có Tôma ở với các ông. Trong khi các cửa vẫn đóng kín, Chúa Giêsu hiện đến đứng giữa mà phán: “Bình an cho các con”. Đoạn Người nói với Tôma: “Hãy xỏ ngón tay vào đây và hãy xem tay Thầy; hãy đưa bàn tay con ra và xỏ vào cạnh sườn Thầy; chớ cứng lòng, nhưng hãy tin”. Tôma thưa rằng: “Lạy Chúa con, lạy Thiên Chúa của con!” Chúa Giêsu nói với ông: “Tôma, vì con đã thấy Thầy nên con đã tin. Phúc cho những ai đã không thấy mà tin”.


SUY NIỆM 1: Đừng cứng lòng nữa--Lm. Ant. Nguyễn Cao Siêu SJ.

Chẳng rõ vì lý do gì mà ông Tôma đã không ở với nhóm môn đệ
khi Đức Giêsu phục sinh hiện ra gặp các ông.
Có vẻ có một sự xa cách nào đó giữa Tôma và mười ông kia.
Chuyện này trở nên rõ hơn khi ông Tôma từ chối tin vào lời của họ:
“Chúng tôi đã thấy Chúa!” (c. 25).
Ông đòi tự mình kiểm chứng, thấy tận mắt, sờ tận tay.
Thấy dấu đinh nơi bàn tay Thầy, xỏ ngón tay mình vào lỗ đinh,
thọc bàn tay vào cạnh sườn Thầy: đó là những điều kiện ông đòi để tin.
Tôma không đứng dưới chân thập giá như người môn đệ Chúa yêu,
nhưng ông đã được nghe chuyện Thầy bị đóng đinh, bị đâm nơi cạnh sườn.
Đối với ông, nếu Thầy thực sự phục sinh,
thì thân xác Thầy vẫn còn phải mang những vết thương đó.
Phục sinh không làm mất đi những vết sẹo của tình yêu cứu độ.
Đấng phục sinh lại có ý chiều ông, đó mới là chuyện lạ.
Ngài biết óc thực tiễn của ông, và Ngài không muốn mất ông (Ga 17, 12).
Ngài dám thỏa mãn những đòi hỏi táo bạo và cụ thể của ông,
để đưa ông về với đức tin, về với cộng đoàn.
Một tuần sau, cũng vào ngày thứ nhất trong tuần,
Đức Giêsu phục sinh đến như thể cho một mình ông thôi,
và mời ông làm những điều ông đòi hỏi.
Chẳng rõ Tôma có dám thực hiện hay không,
nhưng chính thái độ bao dung và yêu thương của Thầy đã chinh phục ông.
Môi ông bật lên lời tuyên xưng đức tin cao nhất trong Tân Ước:
“Lạy Chúa của tôi; lạy Thiên Chúa của tôi” (c.28).
Lời tuyên xưng này vượt quá những gì giác quan ông có thể cảm nhận.
“Vì đã thấy Thầy, nên anh tin. Phúc thay những ai không thấy mà tin!”
Chúng ta ngày nay tuy không được hưởng kinh nghiệm như thánh Tôma,
nhưng chúng ta lại được hưởng một mối phúc mà ngài không có được.
Đó là mối phúc của người tin, không phải nhờ thấy tận mắt,
mà nhờ nghe lời chứng của các môn đệ (Ga 17, 20), trong đó có Tôma.
Xin cám ơn sự cứng lòng của thánh Tôma, cám ơn lời chứng của ngài.
Chính sự cứng cỏi của ngài làm chúng ta mềm mại hơn để tin,
vì chúng ta biết chuyện Chúa phục sinh không do một ảo giác tập thể.
Tôma là một người hoàn toàn tỉnh táo.
Trong tập thể chúng ta đang sống, vẫn có những Tôma:
hoài nghi, bướng bỉnh, đòi hỏi, xa cách với cộng đoàn…
Thầy Giêsu dạy chúng ta bao dung và nhẫn nại, chứ không kết án.
Quanh chúng ta vẫn có nhiều người chưa biết Chúa,
họ cũng đòi thấy và đụng chạm đến Thiên Chúa.
Kitô hữu chúng ta phải có kinh nghiệm sâu xa như các tông đồ xưa,
để làm chứng được rằng: “Chúng tôi đã thấy Chúa” (c. 25).
 
Cầu nguyện:
Lạy Chúa Giêsu phục sinh
lúc chúng con tìm kiếm Ngài trong nước mắt,
xin hãy gọi tên chúng con
như Chúa đã gọi tên
chị Maria đứng khóc lóc bên mộ.
Lúc chúng con chán nản và bỏ cuộc,
xin hãy đi với chúng con trên dặm đường dài
như Chúa đã đi với hai môn đệ Emmau.
Lúc chúng con đóng cửa vì sợ hãi,
xin hãy đến và đứng giữa chúng con
như Chúa đã đến đem bình an cho các môn đệ.
Lúc chúng con cố chấp và xa cách anh em,
xin hãy kiên nhẫn và khoan dung với chúng con
như Chúa đã không bỏ rơi ông Tôma cứng cỏi.
Lúc chúng con vất vả suốt đêm
mà không được gì,
xin hãy dọn bữa sáng cho chúng con ăn,
như Chúa đã nướng bánh và cá cho bảy môn đệ.
Lạy Chúa Giêsu phục sinh,
xin tỏ mình ra
cho chúng con thấy Ngài mỗi ngày,
để chúng con tin là Ngài đang sống, đang đến,
và đang ở thật gần bên chúng con. Amen.


SUY NIỆM 2: Lễ kính thánh Tôma tông đồ -- Lm Giuse Nguyễn Văn Tuyên

Thường khi nói tới ông Tôma, mọi người nghĩ ngay tới người môn đệ cứng lòng tin. Sở dĩ, người ta nghĩ như vậy, là vì vị Tông Đồ này đã nhất quyết không chịu tin Thầy mình là Đức Giêsu sống lại và hiện ra với nhóm Mười Hai, cho dù tất cả Tông Đồ đoàn đều khẳng định như thế. Lý do mà vị Tông Đồ này đưa ra là: “Vì tôi chưa thấy nên tôi chưa tin”.
Chúng ta có thể thông cảm cho Tôma, vì vào thời bấy giờ, những khái niệm như: Kẻ chết sống lại, Phục Sinh… là một điều quá xa lạ đối với người đương thời. Chúng ta đừng đòi hỏi Tôma phải có một đức tin chắc chắn về việc thân xác sống lại như chúng ta ngày hôm nay. Chính các Tông Đồ cũng chỉ có thể hiểu được màu nhiệm Tử Nạn và Phục Sinh của Đức Giêsu sau khi Ngài sống lại và Chúa Thánh Thần hiện xuống.
Điểm tiếp theo, nếu chúng ta chỉ gán Tôma với danh hiệu “Vị Tông Đồ cứng tin” thì e rằng hơi oan uổng cho ngài. Chúng ta biết rằng, chính vì việc không tin của Tôma mà Đức Giêsu đã mạc khải cho chúng ta biết một điều quan trọng, một mối phúc mới, đó là: “Phúc cho những ai không thấy mà tin”.
Hơn thế nữa, chúng ta nhận thấy ở đây có sự tiến triển vượt bậc về cách nhận biết Đức Giêsu của ông Tôma. Từ chỗ không tin Đức Giêsu đã sống lại thật, ông đã đi đến chỗ tin nhận Đức Giêsu là “Chúa” và là “Thiên Chúa” - một cách hiểu hoàn toàn mới mẻ đối với ngay cả các Tông Đồ. Đến như Phêrô cũng chỉ tuyên xưng: “Thầy là Đức Kitô, Con Thiên Chúa hằng sống”, trong khi Tôma lại tuyên xưng Đức Giêsu là “Chúa” và là “Thiên Chúa”.
Niềm tin cần phải được kiểm chứng, đó cũng là thái độ của con người ngày hôm nay. Có lẽ do ảnh hưởng của lối sống thực dụng, nên người ta đòi mọi sự đều phải được kiểm chứng, phải được cân đong đo đếm. Thế nhưng, họ không biết được rằng, trong cuộc sống, không phải bất cứ thứ gì cũng có thể chứng minh một cách rạch ròi, đó là chưa kể đến những lãnh vực nhạy cảm như: tình cảm, tình yêu, sự hy sinh, lòng vị tha, sự quảng đại…
Niềm tin vào Chúa phục Sinh đã giúp ông biến đổi cuộc đời. Từ việc ông đòi hỏi phải được nhìn thấy bằng mắt, phải sờ được bằng đôi tay, thì giờ đây, bằng đôi mắt của đức tin và sự cảm nghiệm thiêng liêng, ông đã trở nên một Tông Đồ nhiệt thành cho Chúa. Tương truyền rằng, ngài đã đi sang tận miền Ấn Độ xa xôi để truyền giảng Tin Mừng ơn cứu độ và chịu tử đạo ở đó.
Khi chiêm ngắm đời sống và gương sáng của thánh nhân, chúng ta có dịp nhìn lại đức tin của chúng ta. Kể từ khi chịu phép Rửa tội, chúng ta được gọi là người Kitô hữu (người có Chúa Kitô), hay người tín hữu (người tin vào Chúa Kitô), đáng lý ra, chúng ta là những người được hưởng lời chúc phúc của Chúa Giêsu như lời Ngài nói trong Bài Tin Mừng hôm nay: “phúc cho những ai không thấy mà tin”. Thế nhưng thử hỏi, chúng ta đã và đang thực hành niềm tin đó ra sao?
Chúng ta hạnh phúc hơn Tôma, bởi vì mỗi khi tham dự thánh lễ, chúng ta không chỉ được đụng, được chạm, mà còn được đón Chúa ngự vào trong tâm hồn chúng ta, nhưng, mấy người cảm nghiệm được sự hiện diện đích thực của Chúa?
Lạy Chúa, xin ban thêm lòng tin cho chúng con!


SUY NIỆM 3: NGƯỜI NHÀ, KIÊN NHẪN VÀ ĐÓN NHẬN NHAU − Giuse Nguyễn Trọng Sơn

Con người ta sống với nhau, ngay cả giữa những người trong cùng một gia đình, dễ nghiêng về lý lẽ của công bằng. Người ta đong lường trong tương quan với nhau khi nói tha thứ 3 lần là quá đủ rồi! Nhưng đó là lối cư xử với người ngoài. Với những người thuộc về mình thì không phải là như vậy. Cha mẹ vẫn cứ mãi là mẹ cha, vẫn cứ tha thứ cho con cái và tha mãi.
Thánh Phaolô viết cho các tín hữu Êphêsô rằng: “anh em không còn phải là người xa lạ hay người tạm trú, nhưng là người đồng hương với các người thuộc dân thánh, và là người nhà của Thiên Chúa” (2,19). Tại sao phải nói thế? – Vì người Do Thái cho rằng chỉ có họ mới là dân của Chúa mà thôi. Thánh Phaolô nói: không, anh chị em tín hữu ở Êphêsô bây giờ đã thuộc về Dân Thánh, mà còn hơn nữa, là người nhà của Thiên Chúa. Thánh nhân chưa nói đến ý niệm là con cái Thiên Chúa ở đây vì đang so sánh giữa người ở ngoài Dân Thánh và người ở trong, mà còn hơn nữa, các tín hữu gốc dân ngoài Do Thái còn là người trong nhà nữa!
Người nhà thì kiên nhẫn với nhau. Thiên Chúa muốn cư xử với con người như người nhà chứ không phài như Chúa, như quan toà đối với con người. Chúa Giêsu đã kiên nhẫn với ông Tôma không chịu tin vào chứng từ của anh em môn đệ của mình. Chúa Giêsu bảo ông đừng cứng lòng nữa khi hiện ra lần thứ hai. Tuy nhiên, Ngài vẫn chấp nhận đòi hỏi muốn chạm đến Đấng Phục Sinh thì mới tin của ông, nên Ngài đã hiện ra lần thứ hai. Và từ sự cứng lòng của ông Tôma, với sự kiên nhẫn của Chúa Giêsu, Ngài lại đưa câu chuyện đi xa hơn: theo các trình thuật Tân Ước, có lẽ ông Tôma là người đầu tiên tuyên xưng Đức Giêsu là “Chúa” (Kyrios) là tước hiệu mà các tín hữu dành cho Đấng Phục Sinh, và là “Thiên Chúa” (Theos). Ông còn dùng từ “của con” cho cả hai tước hiệu ấy. Một tuyên xưng đức tin của các tín hữu đồng thời cũng mang tính cá vị nữa.
Với những người sống chung, sự kiên nhẫn trước những khác biệt có thể dẫn chúng ta khám phá và cảm nhận những điều xa hơn về nhau và về Thiên Chúa nữa. Thiên Chúa có thể dẫn chúng ta đi những con đường khác, nhưng đó là con đường của Chúa cho công trình của Ngài. Cần có niềm tin khởi đầu là: chúng ta là người nhà của Chúa nên thuộc về Chúa và cũng thuộc về nhau cách sâu xa nữa.

SUY NIỆM 4: Lễ thánh Tôma--tonggiaophanhanoi.org

Trong một căn phòng hậu phẫu, có nhiều bệnh nhân với những bệnh lý khác nhau. Các bệnh nhân thường hay kêu la đau đớn và tỏ vẻ khó chịu với thân nhân của mình. Tuy nhiên, những người hiện diện ở đó thật ngỡ ngàng khi nhìn thấy và chứng kiến một bệnh nhân trạc tuổi 60, ông không kêu ca, không trách móc, nhưng có lúc lại nở nụ cười tươi. Hỏi thăm, mới biết ông là người Công Giáo và phải mổ để cắt thận vì sỏi quá nhiều.
Trong lúc trò chuyện, có một người hỏi thăm ông: “Tại sao các bệnh nhân khác thì đau đớn và kêu la, còn ông thì không?” Trong tiếng nói nhỏ nhẹ, ông nói: “Mỗi lần cơn đau đến với tôi, tôi nhớ đến Chúa chịu đóng đinh. Ngài còn đau đớn hơn tôi nhiều, vì thế, tôi luôn cầu xin Chúa giúp sức để vượt qua cơn đau và tôi cũng xin Chúa cho mình được thông phần đau khổ với Ngài”. Thật tuyệt vời, Đức Giêsu là điểm tựa của ông, và cuộc thương khó, cái chết của Ngài đã làm cho ông can đảm, vui vẻ đón nhận đau đớn vì lòng yêu mến Chúa.
Tin Mừng hôm nay trình thuật cuộc đối thoại giữa thánh Tôma và các Tông đồ khác, hẳn ai cũng biết ngài là người cứng lòng tin, bởi vì thánh nhân đã từng nói: “Nếu tôi không nhìn thấy vết đinh ở tay Người, nếu tôi không thọc ngón tay vào lỗ đinh, nếu tôi không thọc bàn tay vào cạnh sườn Người thì tôi không tin”. Như vậy, với ngài, không thấy là không tin. Thấy thì mới tin. Niềm tin của Tôma chính là: tay phải sờ, mắt phải thấy thì mới có sự thuyết phục. Niềm tin của thánh nhân là niềm tin của lý trí.
Tuy nhiên, Đức Giêsu muốn Tôma, các Tông đồ khác và cả chúng ta ngày hôm nay phải đạt tới mức độ vượt lên trên những gì là khả giác của đời thường, để tiến tới một đức tin trưởng thành, tức là không thấy mà vẫn tin: “Phúc cho những ai không thấy mà tin”.
Mong thay lời tuyên tín của thánh Tôma khi xưa: “Lạy Chúa con, lạy Thiên Chúa của con!” cũng là lời cầu nguyện và xác tín của mỗi chúng ta, và, lời chúc phúc của Đức Giêsu cho Tôma: “Phúc cho những ai đã không thấy mà tin” cũng là lời chúc phúc cho chúng ta hôm nay.
Lạy Chúa Giêsu, đức tin của chúng con còn non yếu, xin Chúa giúp cho đức tin của chúng con được lớn mạnh và trưởng thành. Xin cho chúng con tin tưởng vào Lời Chúa và những lời dạy của Giáo Hội. Xin cho chúng con biết luôn tìm đến Chúa như là điểm tựa của cuộc đời chúng con. Amen.

Tác giả: Truc Ho Si

  Ý kiến bạn đọc

Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây