suy niệm - Thứ Tư tuần 13 thường niên

Thứ ba - 04/07/2023 08:30
Lời Chúa: Mt 8,28-34

Khi ấy, Chúa Giêsu lên thuyền sang bờ bên kia, đến miền Giêrasa, thì gặp hai người bị quỷ ám từ các mồ mả đi ra, chúng hung dữ đến nỗi không ai dám qua đường ấy. Và chúng kêu lên rằng: "Lạy Ông Giêsu, Con Thiên Chúa, chúng tôi có can chi đến ông? Ông đến đây để hành hạ chúng tôi trước hạn định sao?". Cách đó không xa có một đàn heo lớn đang ăn. Các quỷ nài xin Người rằng: "Nếu ông đuổi chúng tôi ra khỏi đây, thì xin cho chúng tôi nhập vào đàn heo". Người bảo chúng rằng: "Cứ đi". Chúng liền ra khỏi đi nhập vào đàn heo. Tức thì cả đàn heo, từ bờ dốc thẳng, nhào xuống biển và chết chìm dưới nước. Các người chăn heo chạy trốn về thành, báo tin ấy và nói về các người bị quỷ ám.
Thế là cả thành kéo ra đón Chúa Giêsu. Khi gặp Người, Họ xin Người rời khỏi vùng của họ.


Suy Niệm 1: Đi đi
(Lm. Ant. Nguyễn Cao Siêu SJ.)


Theo cha Gabrielle Amorth, vị trừ quỷ chính của giáo phận Rôma,
“số người bị quỷ ám đã gia tăng rất nhiều.”
Trong vòng tám năm, chính cha đã trừ cho hơn hai mươi ngàn trường hợp.
Con số kinh khủng này hẳn là một nhắc nhở cho những ai nghĩ rằng
quỷ vắng bóng trong thế giới của khoa học kỹ thuật,
quỷ chỉ là huyền thoại của thế giới cách đây hai ngàn năm thời Đức Giêsu,
hay quỷ ám thật ra chỉ là bệnh thần kinh vào thời y khoa chưa phát triển.
Trong cuộc hội kiến vào tháng 8-1986, Đức Gioan Phaolô đã nói
sự hiện diện của quỷ trong thế giới “ngày càng trở nên ghê gớm hơn
khi con người và xã hội quay lưng với Thiên Chúa.”
Tin Mừng hôm nay là trình thuật đầu tiên về trừ quỷ của thánh Mátthêu.
Chuyện này đã được Máccô kể lại với nhiều chi tiết hấp dẫn hơn (Mc 5, 1-20).
Nhưng trong Mátthêu, khuôn mặt Đức Giê su lại nổi bật hơn nhiều.
Ngài đã cùng với các môn đệ qua bờ bên kia sau khi gặp cơn bão biển.
Khi Ngài đến vùng đất của người Gađara, ở phía đông nam Hồ Galilê,
hai người bị quỷ ám từ mồ mả đi ra, đến gặp Ngài (c. 28).
Mồ mả là nơi dành cho người chết, nơi bị coi là nhơ uế, nơi của thần dữ.
Có hai nét giúp ta nhận ra sự hiện diện của quỷ nơi những người bị ám.
Họ rất dữ tợn đến nỗi không ai dám qua lại con đường ấy (c. 28).
Họ nhận biết ngay Đức Giêsu là Con Thiên Chúa (c. 29).
Sức mạnh kinh khủng và sự hiểu biết lạ lùng là thế mạnh của thần dữ.
Nhưng đây cũng là điểm yếu của quỷ khi đứng trước Đức Giêsu.
Chính vì thế chúng hoảng sợ khi thấy mình bị đe dọa:
“Chưa tới lúc mà ông đã đến đây hành hạ chúng tôi sao?”
Đức Giêsu đến sớm quá và khiến cho quyền lực của chúng phải sụp đổ.
Khi đọc bài Tin Mừng này, chúng ta thường có nhiều câu hỏi.
Tại sao quỷ lại xin nhập vào đàn heo? Tại sao Đức Giêsu lại đồng ý?
Đàn heo chết đuối thì quỷ ra sao? Phải đền người chủ đàn heo thế nào?
Mátthêu có vẻ không quan tâm đến những câu hỏi ấy.
Điều ông quan tâm là làm nổi bật quyền năng của Đức Giêsu.
Chỉ một lời Ngài phán: “Đi !” là đuổi được quỷ ra khỏi hai người.
Nước Trời đến đem lại bình an cho hai người quỷ ám ở trong mồ mả,
và cho những ai qua lại lối đi ấy.
Không thấy các người dân ngoại chăn heo kêu ca về chuyện mất đàn heo,
nhưng họ lại trở nên những người loan báo cho dân thành về mọi chuyện.
Tiếc là dân thành đã không muốn đón tiếp Ngài.
Quỷ hấp dẫn con người bằng quyền lực và tri thức của chúng.
Nhưng thực sự chúng là kẻ thù không đội trời chung của con người.
Chúng phân ly con người, đẩy người sống vào mộ người chết,
biến con người thành mối đe dọa cho con người (c. 28).
Chúng thích có mặt ở đàn vật ô uế, thích gieo vãi sự ô uế khắp nơi (c. 31).
Xin Chúa cho ta thấy được sự lộng hành của quỷ dữ trong thế giới hôm nay.
Và xin Chúa cứu ta khỏi nanh vuốt của ác thần.
 
Cầu nguyện:
Lạy Cha,
thế giới hôm nay cũng như hôm qua
vẫn có những người bơ vơ lạc hướng
vì không tìm được một người để tin ;
vẫn có những người đã chết từ lâu
mà vẫn tưởng mình đang sống ;
vẫn có những người bị ám ảnh bởi thần ô uế,
ô uế của bạc tiền, của tình dục, của tiếng tăm;
vẫn có những người mang đủ thứ bệnh hoạn,
bệnh hoạn trong lối nhìn, lối nghĩ, lối sống ;
vẫn có những người bị sống bên lề xã hội,
dù không phải là người phong...
Xin Cha cho chúng con nhìn thấy họ
và biết chạnh lòng thương như Con Cha.
Nhưng trước hết, xin cho chúng con
nhìn thấy chính bản thân chúng con.
 
Suy Niệm 2: Thỏa hiệp
(TGM Giuse Ngô Quang Kiệt)


Tại sao ma quỷ vẫn còn hiện diện. Và tiếp tục hoành hành? Vì sự thoả hiệp của ta. Ma quỷ như loài ký sinh trùng. Chỉ sống được nhờ vào cơ thể người khác. Cơ thể đó trở thành đau bệnh. Như hai người bị quỷ ám ở Ga-đa-ra. Họ mất hết nhân tính. Hung hăng như loài thú dữ. Họ ở trong mồ mả. Vì họ thuộc thế giới kẻ chết. Và sẽ phục vụ đắc lực để mở rộng thế giới chết chóc đang phát triển trong chính bản thân họ. Chúa Giê-su đến cứu con người. Xua đuổi ma quỷ. Cho con người trở lại nhân tính. Trở lại sự sống. Bắt ma quỷ phải trở về nơi của chúng. Đó là súc vật. Là dơ bẩn. Là chết chóc. Nhưng buồn thay. Thay vì đón nhận Chúa để xua đuổi ma quỷ. Họ đón nhận ma quỷ nên từ chối Chúa. Họ chấp nhận con cái phải chết. Để bảo vệ được tài sản. Ma quỷ vẫn còn đất dung thân. Vì họ đã thoả hiệp với chúng.
Không thoả hiệp. Đó là điều A-mốt luôn cảnh báo dân. “Hãy tìm điều lành chứ đừng tìm điều dữ”. Tại sao? Vì hai lý do: “Rồi các ngươi sẽ được sống và như vậy Đức Chúa, Thiên Chúa các đạo binh sẽ ở cùng các người”. Và làm điều lành, theo A-mốt, là thực thi công lý: “Hãy ghét điều dữ và chuộng điều lành, nơi cửa công, hãy thiết lập công lý”. Ghét điều dữ. Tìm điều lành. Ở với Thiên Chúa. Như thế mới có sự sống. Thoả hiệp. Sẽ không có Chúa. Sẽ chết. Ma quỷ đang làm điều dữ. Đó là bất công. Gian ác. Hãy làm cho công lý toả rạng. Có Thiên Chúa. Có sự sống (năm chẵn).
Thoả hiệp. Đó là điều ta thường làm. Như tổ phụ Áp-ra-ham. Khi đã có I-xa-ác rồi vẫn muốn giữ Ít-ma-en ở trong nhà. Xa-ra không chịu vì ghen tức. Nhưng Thiên Chúa cũng không chịu thái độ thoả hiệp đó. Vì hai lý do. I-xa-ác đến từ lời hứa của Thiên Chúa. Ít-ma-en là toan tính của con người. I-xa-ác là con của người vợ chính thức trong hôn nhân tự do. Ít-ma-en là con của người nô lệ trong dục vọng của con người. Thiên Chúa dạy Áp-ra-ham phải để Ít-ma-en ra đi. Đó là tôn trọng Thiên Chúa và tin tưởng vào lời hứa của Người. Đó là tách bạch rõ ràng tự do và nô lệ, con chính thức và con ngoại hôn. Không thoả hiệp nhập nhằng. Ý định của Thiên Chúa không thể pha trộn dục vọng của con người. Con cái tự do không thể sống chung với con cái nô lệ (năm lẻ).
Chúng ta sẽ sống thế nào. Chọn Thiên Chúa. Chấp nhận thiệt thòi vật chất. Hay chọn vật chất. Sống chung với ma quỷ. Để Thiên Chúa ra đi?


SUY NIỆM 3: KIÊN NHẪN TRONG GIÁO DỤC − Giuse Nguyễn Trọng Sơn

Hai vợ chồng ông bà Abraham và Sara xem ra có vẻ khác nhau ở điểm này: ông thì rất nhân từ, còn bà thì có vẻ cay nghiệt. Khi bà không thể có con thì phải nhờ đến cô hầu gái. Theo phong tục Do Thái, đứa con của người phụ nữ kia được sinh ra trên đùi của bà Sara sẽ được coi là con của bà này. Nhưng bây giờ, khi đã có con do chính mình sinh ra, thì bà lại sợ đứa trẻ sinh ra bởi người hầu chiếm mất phần thừa kế của con trai mình, và bà đòi ông Abraham đuổi hai mẹ con kia đi! Ra đi không có gì bảo đảm giữa vùng sa mạc, là một đe doạ cho mạng sống của hai mẹ con. Ông Abraham với lòng nhân từ, như thấy rõ trong câu chuyện cầu xin cho thành Sôđôma, bây giờ rất khó chịu về đòi hỏi của bà Sara, “bởi đó là con ông.” (St 21,11). 
Trước đòi hỏi có vẻ độc ác của bà Sara, Thiên Chúa có thể có cách cử xử cứng rắn, nhưng xem ra Ngài cũng rất nhân từ. Ngài hiểu bà Sara làm vậy cũng là vì muốn bảo vệ cho con bà, và Chúa cũng đã hứa dòng dõi sinh ra từ Abraham và Sara mà. Vì thế, Chúa bảo ông Abraham hãy làm theo lời bà Sara, nhưng Ngài cũng có kế hoặch để cứu thoát và phát triển dòng dõi từ người hầu gái kia.  
Không ít khi người ta đối xử với nhau cách cay nghiệt, với một lý lẽ nào đó. Đứng trước những người này, người chung quanh cảm thấy khó chịu và muốn dùng biện pháp cứng rắn để đáp lại, với lý do giáo dục. 
Nhưng người có lòng nhân từ thì đón nhận giới hạn của người khác và tìm cách khác để vượt qua giới hạn của tha nhân. Cách giáo dục của người có lòng nhân từ mang đầy tính kiên nhẫn, không chỉ dựa vào những lý lẽ dựa trên nguyên tắc. Họ không bỏ đi kế hoặch yêu thương của mình, nhưng đầy sáng kiến để tìm phương cách khác hầu thực hiện lòng yêu thương dành cho tha nhân. Giáo dục đòi phải yêu thương, kiên nhẫn và sáng tạo.
Người dân thành Gađara có lý do để mời Chúa Giêsu ra khỏi vùng của họ, bởi vì vụ heo của họ nhảy xuống nước khiến cho họ bị thiệt hại lớn lao. Nhưng đối với Chúa Giêsu thì con người quý hơn hết, dù đó là một người bị quỷ ám, người bị xã hội đặt sang bên lề! Lòng nhân từ vì con người, đôi khi đòi vượt qua những tính toán kinh tế, đòi hỏi những hy sinh lớn lao. 


SUY NIỆM 4: HOẠT ĐỘNG CỦA SATAN - ĐGM. PHAOLÔ NGUYỄN THANH HOAN

Nhiều người tri thức không tin có satan. Nhưng ở đây người ta không chối bỏ chúng được. Từ người đi vào đàn vật, ở đây Satan cũng là nhân tố của hủy hoại, làm mất quân bình nơi sinh vật, ảnh hưởng lên thần kinh và đến cả mạng sống.
Vì là hữu thể thiêng liêng, Satan có tầm hiểu biết hơn con người vốn hạn chế bởi thể chất. Cho nên khi Chúa đi qua, chúng nhận ra Người là Con Thiên Chúa, nghĩa là Đấng Thiên Chúa dùng để thi hành ý Ngài. Qua các phép lạ Chúa làm, Satan thấy Chúa là thù địch không đội trời chung và là Đấng bách chiến bách thắng.Nhất định chúng phải bị tiêu diệt nên chúng phải đầu hàng ngay sau khi Chúa đi qua sào huyệt của chúng, nơi không ai dám đi qua.
Sào huyệt Satan là sào huyệt tử thần, và nó làm lệch hướng đi của con người. Nói cách khác lực lượng của sự dữ chính là Satan. Và ta thấy Chúa Giêsu đã vạch mặt chúng ngay nơi chúng cư trú. Chúng phải rút lui khỏi nạn nhân và sào huyệt tự nhiên của chúng. Uy quyền Chúa tỏ cho chúng thấy không thể đối đầu với Người được. Nguyên sự hiện diện của Ngài cũng đủ cho ta cảm nhận được ngày tàn của vương quốc chúng.
Câu chuyện Satan nhập vào đàn heo lam chúng ta bỡ ngỡ. Nhưng đây cũng là một loại biểu tượng có ý nghĩa. Người Do thái không được ăn thịt heo, vì đó là con vật dơ dáy. Chúa gặp chúng trong đất lương dân. Ta có thể hiểu đây là một bài học cho thấy Sự dữ rồi sẽ bị nhấn chìm dưới biển. Con vật trong  sách Khải Huyền cũng bị ném vào biển lửa ( Kh 19:20). Đây là sự dữ trong đời ta ? và ta phải đối phó ra sao ?.
Điều đáng tiếc là những người lương dân đã coi đàn heo quý hơn sự hiện diện của Đấng cứu độ. Chúa không trách họ, và họ chưa biết Ngài là ai, Ngài ra đi, không có một thái độ bi quan. Nhưng chúng ta phải cầu nguyện “Xin cứu chúng con khỏi mọi sự dữ”.
Cầu nguyện :
 Lạy Chúa hằng ngày chúng con vẫn gặp biết bao sự dữ. Tội lỗi là sự khiếp khủng nhất, nhất là thời đại chúng con. Không ai diệt được sự dữ trừ Chúa ra. Lạy Chúa xin Chúa phá tan bóng tối sự dữ đang bao chùm trên mặt đất này.
     Sự dữ khiến con người bỏ Chúa, xua đuổi Chúa ra khỏi cuộc đời mình. Sự dữ mang theo sự chết, mang theo tàn phá, mang theo tiêu diệt. Sự dữ thâm nhập vào giáo hội, vào các cộng đoàn ưu tuyển, vào  mọi cơ cấu thế gian và đang  biến mặt đất này thành một nạn nhân vô cùng kinh khủng.
Lạy Chúa ước chi con biết loại trừ sự dữ ra khỏi lòng con trước tiên. Bao lâu tâm hồn con còn tội lỗi là con còn mang sự dữ trong mình.
Nhưng sự hiện diện của Chúa cách đặc biệt mỗi lần con rước Chúa vào lòng, con tin rằng Chúa sẽ xua đuổi sự dữ ra khỏi con, nhưng con phải ý thức, phải có niềm tin, phải biết khao khát cầu xin Chúa. Xin Chúa dạy con biết cầu nguyện.
Nguyện xin Chúa thương biến lòng con thành ngai tòa Chúa ngự, làm cho con biết canh phòng mọi thứ tội lỗi có thể xâm nhập vào thần trí con.
Chúa đã từng phán những lời nghiêm khắc : “nếu con mắt con nên dịp tội cho con, hãy móc mắt đó mà quăng đi… nếu tay con nên dịp tội cho con hãy chặt tay đó đi…”.
Sự dữ gây ra bao dịp tội ! Xin Chúa giúp con, xin thương che trở phù trì. Xin Chúa trở nên khiêm che thuẫn đỡ cho con để con được nấp dưới cánh tay uy quyền của Chúa. Amen.

Tác giả: Truc Ho Si

  Ý kiến bạn đọc

Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây