G. Trần Đức Anh, O.P.
Trong bài huấn dụ ngắn trước khi đọc kinh, Đức Thánh cha diễn giải ý nghĩa bài Tin mừng Chúa nhật thứ III Thường niên Năm B và mời gọi các tín hữu hãy đón nhận lời mời gọi theo Chúa, như các môn đệ đầu tiên.
Đức Thánh cha nói: Anh chị em thân mến, chào anh chị em!
Có thể nói đoạn Tin mừng Chúa nhật hôm nay (Xc Mc 1,14-20) tỏ cho chúng ta “sự chuyển tiếp chứng nhân”, từ thánh Gioan Tẩy giả sang Chúa Giêsu. Ông Gioan là vị tiền hô của Chúa, đã dọn đất và dọn đường cho Ngài: bây giờ Chúa Giêsu có thể khai mạc sứ mạng của Ngài và loan báo ơn cứu độ nay đang hiện diện. Lời rao giảng của Chúa có thể cô đọng trong những lời này: “Thời gian đã mãn và nước Thiên Chúa đến gần; anh em hãy hoán cải và tin vào Tin Mừng” (v.15). Đó là một sứ điệp mời gọi chúng ta hãy suy tư về hai đề tài thiết yếu: thời gian và sự hoán cải.
Trong đoạn văn này của thánh sử Marco, thời gian cần được hiểu như trọn lịch sử cứu độ do Thiên Chúa thực hiện; vì vậy, thời gian “đã mãn” là thời gian, trong đó hoạt động cứu độ này tới mức tột đỉnh, được thực hiện viên mãn: đó là một thời điểm lịch sử, trong đó Thiên Chúa đã sai Con của Người xuống trần thế và Nước của Người nay đã “đến gần” hơn bao giờ hết. Tuy nhiên, ơn cứu độ không có tính chất máy móc, tự động; cứu độ là một hồng ân tình thương, và với tư cách đó, ơn cứu độ tự do và đòi hỏi một câu trả lời tự nguyện: đòi sự hoán cải. Nghĩa là thay đổi não trạng và thay đổi cuộc sống: không còn theo những kiểu mẫu của thế gian này nữa, nhưng theo kiểu mẫu của Thiên Chúa, là Chúa Giêsu. Đó là một sự thay đổi quyết liệt cái nhìn và thái độ. Thực vậy, tội lỗi đã đưa vào thế gian một não trạng có xu hướng tự khẳng định mình chống lại những người khác và chống Thiên Chúa, và vì để đạt mục đích đó, người ta không do dự lường gạt và sử dụng bạo lực.
Sứ điệp của Chúa Giêsu đi ngược với tất cả những điều đó. Ngài mời gọi chúng ta nhìn nhận mình cần Thiên Chúa và ơn thánh của Chúa; hãy có một thái độ quân bình đối với những của cải trần thế; hiếu khách và khiêm tốn đối với tất cả mọi người; nhìn nhận và thực hiện bản thân trong cuộc gặp gỡ và phục vụ tha nhân. Đối với mỗi người chúng ta, thời gian trong đó có thể đón nhận ơn cứu chuộc thật là ngắn ngủi: đó là khoảng thời gian cuộc sống của chúng ta trên trần thế này. Khoảng thời gian ấy là một hồng ân tình thương vô biên của Thiên Chúa, nhưng cũng là thời gian kiểm chứng tình yêu của chúng ta đối với Chúa. Vì thế mỗi lúc, mỗi giây phút trong cuộc sống chúng ta là một thời gian quí giá để yêu mến Thiên Chúa và tha nhân, và nhờ đó đi vào đời sống vĩnh cửu.
Lịch sử đời sống chúng ta có hai nhịp độ: một nhịp có thể đo lường được, gồm giờ, ngày, tháng năm; và nhịp thứ hai gồm những giai đoạn trong sự phát triển của chúng ta: sinh ra, thời thơ ấu, niên thiếu, trưởng thành, tuổi già và cái chết. Mỗi thời gian, mỗi giai đoạn có giá trị riêng của nó và có thể là lúc ưu tiên để gặp gỡ với Chúa. Đức tin giúp chúng ta khám phá ý nghĩa thiêng liêng của những thời điểm ấy; mỗi lúc trong thời điểm ấy chứa đựng một lời kêu gọi đặc thù của Chúa: chúng ta có thể đón nhận hay chối bỏ. Trong Tin mừng, chúng ta thấy các ông Simon, Anrê, Giacôbê đã trả lời như thế nào: họ là những người trưởng thành, đã có nghề chài lưới, đời sống gia đình. Vậy mà khi Chúa đi qua và kêu gọi họ, “họ liền bỏ ngay lưới và đi theo Ngài” (Mc 1,18).
Và huấn dụ của Đức Thánh cha kết luận với lời nguyện: “Xin Đức Trinh Nữ Maria giúp chúng con sống mỗi ngày, mỗi lúc như thời điểm cứu độ, trong đó Chúa đi qua và kêu gọi chúng con đi theo Ngài. Xin Mẹ giúp chúng con hoán cải, từ bỏ não trạng của thế gian và đón nhận não trạng yêu thương và phục vụ.”
Sau khi đọc kinh Truyền tin và ban phép lành cho các tín hữu, Đức Thánh cha còn nhắn nhủ các tín hữu một số điều.
Trước hết, Đức Thánh cha mời gọi mọi người hãy chăm chỉ học hỏi và suy niệm Lời Chúa, sống và phổ biến Lời Chúa, vì như thánh Giêrônimô đã nói: “Không biết Kinh thánh là không biết Chúa Kitô”. Mỗi người nên mang trong người, trong túi, cuốn Phúc âm nhỏ để đọc khi thuận tiện.
Kế đó, Đức Thánh cha nói: Hôm 20/1 vừa qua, người ta tìm thấy cạnh quảng trường thánh Phêrô một người Nigeria vô gia cư, 46 tuổi, tên là Edwin, chết vì giá lạnh. Vụ này thêm vào bao nhiêu trường hợp những người vô gia cư chết vì lạnh ở Roma này, trong hoàn cảnh bi thảm. Chúng ta hãy cầu nguyện cho Edwin. Thánh Gregorio Cả đã nói trước tình trạng một người hành khất chết vì lạnh, ngài đã quả quyết là không cử hành thánh lễ, vì giống như một Ngày Thứ Sáu Tuần Thánh. Chúng ta hãy nghĩ đến Edwin bị mọi người không biết đến và bỏ rơi, cả chúng ta nữa.
Rồi Đức Thánh cha cũng mời gọi mọi người hiệp ý với các đại diện các cộng đoàn Kitô và Giáo hội khác trong Kinh Chiều ngày 25/1 này, bế mạc tuần hiệp nhất để cầu cho sự hiệp nhất các tín hữu Kitô.
Tiếp đó, Đức Thánh cha nhắc đến lễ kính thánh Phanxicô đệ Salê, 24/1, bổn mạng các ký giả. Hôm 23/1 ngài đã công bố sứ điệp nhân Ngày Thế giới truyền thông xã hội, với chủ đề: ‘Hãy đến mà xem. Truyền thông bằng cách gặp gỡ con người tại nơi họ sống’. Đức Thánh cha nói: Tôi nhắn nhủ tất cả các ký giả và những nhà truyền thông hãy đi và xem tại nơi mà không ai muốn đến và làm chứng cho sự thật.
Sau cùng, Đức Thánh cha chào thăm mọi người qua các phương tiện truyền thông, đặc biệt cầu nguyện cho các gia đình gặp khó khăn trong thời điểm này. Đức Thánh cha cũng không quên mời gọi mọi người cầu nguyện cho ngài.
Ý kiến bạn đọc
Những tin mới hơn
Những tin cũ hơn