G. Trần Đức Anh, O.P.
Đây là buổi tiếp kiến chung đầu tiên trong năm 2021 này. Như thường lễ, tại thư viện, ngoài Đức Thánh cha chỉ có mười linh mục và một vài nhân viên thu hình.
Mở đầu, mọi người đã nghe đọc đoạn thánh vịnh thứ 145 (1-3.21):
Lạy Thiên Chúa là Vua của con, con muốn tôn vinh và chúc tụng danh Chúa đến muôn ngàn đời. Con muốn chúc tụng Chúa mỗi ngày, ngợi khen danh Chúa mãi mãi. Chúa thật cao cả và đáng được mọi lời ngợi khen; sự cao cả của Chúa khôn cùng [...]. Miệng tôi hỡi hãy hát khen mừng Chúa và mọi sinh vật hãy chúc tụng trong thánh danh Chúa đến muôn thuở đời đời”.
Trong phần huấn dụ tiếp đó, Đức Thánh cha tiếp tục loạt bài giáo lý về sự cầu nguyện. Bài thứ 21 Đức Thánh cha trình bày trong buổi tiếp kiến này có tựa đề là: “Kinh nguyện ngợi khen”.
Đức Thánh cha nói: Anh chị em thân mến, chào anh chị em!
Chúng ta tiếp tục bài giáo lý về sự cầu nguyện, và hôm nay chúng ta dành chỗ cho chiều kích ngợi khen.
Chúng ta đi từ một đoạn hệ trọng trong cuộc đời của Chúa Giêsu. Sau những phép lạ đầu tiên và sự can dự của các môn đệ vào việc loan báo Nước Thiên Chúa, sứ mạng của Đức Messia trải qua một cuộc khủng hoảng. Thánh Gioan Tẩy giả nghi ngờ: “Ngài có phải là vị phải đến hay chúng tôi còn phải đợi một vị khác?” (Mt 11,3); có sự đố kỵ trong các làng ven bờ hồ, nơi Chúa Giêsu đã làm bao nhiêu dấu lạ (xc. Mt 11,20-24). Giờ đây, chính trong lúc thất vọng ấy, thánh Matthêu kể lại một sự việc thực là ngạc nhiên: Chúa Giêsu không dâng lên Chúa Cha một lời ta thán, nhưng là một bài ca hân hoan: “Lạy Cha, là Chúa trời đất, con chúc tụng Cha, vì đã giấu những sự này đối với những kẻ khôn ngoan thông thái, nhưng đã tỏ cho những người bé nhỏ” (Mt 11,25). Giữa cuộc khủng hoảng ấy, Chúa Giêsu chúc tụng Chúa Cha, ngợi khen Người. Tại sao vậy?
Trước tiên, Chúa Giêsu chúc tụng Chúa Cha vì thực tại của Người: “Lạy Cha là Chúa trời đất”. Chúa Giêsu vui mừng trong tâm thần vì biết và cảm thấy Cha Ngài là Thiên Chúa của vũ trụ, và đối lại vị Chúa Tể của tất cả những gì hiện hữu chính là Chúa Cha, “là Cha của tôi”. Từ cảm nghiệm mình là “con Đấng Tối Cao”, nảy sinh lời chúc tụng.
Và Chúa Giêsu ngợi khen Chúa Cha vì Người ưu tiên yêu thương những người bé nhỏ. Đó là điều mà chính Ngài cảm nghiệm, khi rao giảng trong các làng mạc: “Những người khôn ngoan và thông thái nghi ngờ và khép kín, trong khi “những người bé nhỏ” cởi mở và đón nhận sứ điệp. Điều này chỉ có thể là ý muốn của Chúa Cha và Chúa Giêsu vui mừng vì điều ấy. Cả chúng ta cũng phải vui mừng và chúc tụng Thiên Chúa vì những người khiêm hạ và đơn sơ đón nhận Tin mừng. Trong tương lai của thế giới và trong những hy vọng của Giáo hội, có những “người bé nhỏ”: những người không nghĩ mình cao trọng hơn những người khác, họ ý thức về những giới hạn và tội lỗi của mình, họ không muốn thống trị trên những người khác, những người mà trong Thiên Chúa Cha, họ nhìn nhận tất cả là anh chị em với nhau.
Vì vậy, trong lúc có vẻ là thất bại như thế, Chúa Giêsu cầu nguyện, ngợi khen Chúa Cha. Và kinh nguyện của Ngài cũng dẫn đưa cả chúng ta, những người đọc Tin mừng, phán đoán một cách khác về những thất bại cá nhân của chúng ta, những hoàn cảnh trong đó chúng ta không thấy rõ sự hiện diện và hoạt động của Thiên Chúa, khi mà sự ác có vẻ lướt thắng và không có cách chặn đứng nó. Chúa Giêsu, cũng là vị rất nhắc nhở về kinh nguyện cầu xin, nhưng chính trong lúc mà Ngài có lý do để xin Chúa Cha giải thích, thì trái lại Ngài chúc tụng Cha.
Vậy lời ngợi khen có lợi cho ai? Cho chúng ta hay cho Thiên Chúa? Một kinh nguyện Thánh Thể mời gọi chúng ta cầu nguyện với Thiên Chúa như thế này; “Chúa không cần những lời chúc tụng của chúng con, nhưng do hồng ân yêu thương của Chúa, Chúa mời gọi chúng con hãy cảm tạ Chúa; những lời ca ngợi chúc tụng của chúng con không gia tăng sự cao cả của Chúa, nhưng xin được cho chúng con ơn thánh cứu độ chúng con” (Sách Lễ Roma, Kinh tiền tụng chung IV).
Kinh nguyện ngợi khen mưu ích cho chúng ta. Sách Giáo Lý định nghĩa kinh nguyện này như sau: “Đó là một sự tham gia vào hạnh phúc của những người có tâm hồn thanh khiết, họ yêu mến Thiên Chúa trước khi thấy Người trong vinh quang” (n. 2639). Điều trái ngược, đó là kinh nguyện ấy phải được thực hành, không những khi cuộc sống làm cho chúng ta được tràn đầy hạnh phúc, nhưng nhất là trong những lúc khó khăn, khi con đường lên dốc quanh co. Đó cũng là lúc chúc tụng ngợi khen. Vì chúng ta học biết rằng qua con đường lên dốc, con đường vất vả, những đoạn đường đòi nhiều cố gắng, chúng ta đến chỗ thấy được một toàn cảnh mới mẻ, một chân trời mở rộng hơn.
Có một giáo huấn quan trọng trong một kinh nguyện từ tám thế kỷ nay không ngừng gây xúc động, kinh mà thánh Phanxicô đã soạn vào cuối đời, đó là “Bài ca của anh mặt trời” hoặc “của các thụ tạo”. Thánh Phanxicô không soạn kinh này trong lúc vui mừng, thoải mái, nhưng trái lại giữa những cơ cực. Thánh Phanxicô lúc ấy hầu như mù, và cảm thấy trong tâm hồn gánh nặng của cô đơn chưa bao giờ cảm thấy: thế giới không thay đổi từ đầu thời rao giảng của ngài, nhưng còn bị xâu xé vì những tranh chấp, và sau đó nữa, thánh nhân cảm thấy cái chết đến gần; có thể đó là lúc thất vọng tột cùng và cảm nhận sự thất bại của mình. Nhưng trong lúc ấy, thánh Phanxicô cầu nguyện: “Lạy Chúa, chúc tụng Chúa...”. Thánh Phanxicô ngợi khen Chúa vì mọi sự, vì tất cả những hồng ân của công trình tạo dựng, và cả cái chết nữa, mà thánh nhân can đảm gọi là “chị”.
Các thánh nam nữ chứng tỏ cho chúng ta thấy rằng chúng ta luôn có thể ngợi khen, khi gặp số phận tốt hay xấu, vì Thiên Chúa là Người Bạn trung tín, và tình thương của Ngài không bao giờ vắng bóng.
Sau bài giáo lý bằng tiếng Ý trên đây, tám linh mục thông dịch viên lần lượt tóm tắt bài huấn giáo và những lời chào thăm của Đức Thánh cha qua các sinh ngữ chính.
Bằng tiếng Ba Lan, Đức Thánh cha nhắc nhở rằng Giáo hội tại Ba Lan tiếp tục thực hiện chương trình mục vụ ba năm, với chủ đề: “Thánh Thể ban sự sống”. Và ngài cầu chúc các tín hữu Ba Lan trong năm mới có thể đào sâu mầu nhiệm Thánh Thể là trung tâm của đời sống Kitô, với một đà tiến mới mẻ.
Bằng tiếng Ý, Đức Thánh cha nhắc nhở các tín hữu hãy đặt Chúa Kitô nơi trung tâm cuộc sống của mình để trở thành những người mang ánh sáng và hy vọng vào trong xã hội.
Sau cùng, Đức Thánh cha nói: tôi nghĩ đến những người già, người trẻ, các bệnh nhân và các đôi tân hôn: Anh chị em hãy kín múc mỗi ngày từ nơi Chúa sức mạnh để tiến bước và làm chứng nhân về hòa bình và tình thương.
Buổi tiếp kiến kết thúc với Kinh Lạy Cha và phép lành Tòa Thánh của Đức Thánh cha.
Ý kiến bạn đọc
Những tin mới hơn
Những tin cũ hơn