G. Trần Đức Anh, O.P.
Lên tiếng vào buổi buổi tiếp kiến chung trực tuyến, sáng thứ Tư 20/1/2021 vừa qua, Đức Thánh cha nói: “Thứ Sáu 22/1 tới đây, Hiệp ước cấm võ khí hạt nhân sẽ có hiệu lực. Đây là Văn kiện pháp lý quốc tế đầu tiên có tính chất bó buộc, minh thị cấm các võ khí này, việc sử dụng chúng có ảnh hưởng bừa bãi, không phân biệt ai: trong khoảnh khắc nó gây hại cho một số đông người và tạo nên những thiệt hại rất lâu dài cho môi trường. Tôi nồng nhiệt khích lệ tất cả các quốc gia và mọi người hãy quyết tâm làm việc để thăng tiến những điều kiện cần thiết để có một thế giới không còn võ khí hạt nhân, góp phần vào việc thăng tiến hòa bình và sự cộng tác đa phương, mà nhân loại ngày nay rất cần đến”.
Hiệp ước cấm võ khí hạt nhân đã được 122 quốc gia, tại trụ sở Liên Hiệp Quốc ở New York thông qua ngày 7 tháng 7 năm 2017, và cho đến nay đã có hơn 80 quốc gia phê chuẩn, trong đó có Tòa Thánh, như một chủ thể riêng theo công pháp quốc tế. Văn kiện này cấm phát triển, thử nghiệm, sản xuất, lưu trữ và chuyển nhượng, sử dụng và đe dọa bằng võ khí hạt nhân.
Đức Thánh cha Phanxicô, trong một hội nghị do Tòa Thánh tổ chức hồi năm 2017, đã khẳng định rằng chủ trương sở hữu võ khí hạt nhân để đối phương nể sợ mà không dám tấn công, đó là điều không còn có thể biện minh được và nó cũng trái ngược với giáo huấn của Công giáo. Ngoài ra, trong cuộc viếng thăm tại thành phố Hiroshima, Nhật Bản hồi tháng Mười Một năm 2019, Đức Thánh cha tái lên án việc sở hữu các võ khí hạt nhân là điều “vô luân”.
Trong thông điệp “Fratelli tutti” công bố ngày 4/10 năm ngoái, Đức Thánh cha Phanxicô khẳng định rằng hoàn toàn giải trừ các võ khí hạt nhân là một nghĩa vụ luân lý và nhân đạo. Ngài cũng cổ võ dùng ngân khoản, lẽ ra cho việc trang bị võ khí hạt nhân, vào một ngân quỹ thế giới để chấm dứt nạn đói một lần cho tất cả và thăng tiến sự phát triển tại các nước nghèo nhất”.
(Rei 20-1-2021)
Ý kiến bạn đọc
Những tin mới hơn
Những tin cũ hơn