SUY NIỆM THỨ 6 TUẦN VIII THƯỜNG NIÊN - LỄ ĐỨC MẸ ĐI VIẾNG

Thứ năm - 30/05/2024 06:28


SUY NIỆM
THỨ 6 TUẦN VIII THƯỜNG NIÊN

LỄ ĐỨC MẸ ĐI VIẾNG
Lc 1,39-56

Tin Mừng Chúa Giê-su Ki-tô theo thánh Luca

39 Hồi ấy, bà Ma-ri-a vội vã lên đường, đến miền núi, vào một thành thuộc chi tộc Giu-đa.
40 Bà vào nhà ông Da-ca-ri-a và chào hỏi bà Ê-li-sa-bét.
41 Bà Ê-li-sa-bét vừa nghe tiếng bà Ma-ri-a chào, thì đứa con trong bụng nhảy lên, và bà được đầy tràn Thánh Thần, 42 liền kêu lớn tiếng và nói rằng: “Em được chúc phúc hơn mọi người phụ nữ, và người con em đang cưu mang cũng được chúc phúc.
43 Bởi đâu tôi được Thân Mẫu Chúa tôi đến với tôi thế này?
44 Vì này đây, tai tôi vừa nghe tiếng em chào, thì đứa con trong bụng đã nhảy lên vui sướng.
45 Em thật có phúc, vì đã tin rằng Chúa sẽ thực hiện những gì Người đã nói với em.”
46 Bấy giờ bà Ma-ri-a nói:
“Linh hồn tôi ngợi khen Đức Chúa,
4 thần trí tôi hớn hở vui mừng
vì Thiên Chúa, Đấng cứu độ tôi.

48 Phận nữ tỳ hèn mọn,
Người đoái thương nhìn tới;
từ nay, hết mọi đời
sẽ khen tôi diễm phúc.

49 Đấng Toàn Năng đã làm cho tôi
biết bao điều cao cả,
danh Người thật chí thánh chí tôn !

50 Đời nọ tới đời kia,
Chúa hằng thương xót những ai kính sợ Người.

51 Chúa giơ tay biểu dương sức mạnh,
dẹp tan phường lòng trí kiêu căng.

52 Chúa hạ bệ những ai quyền thế,
Người nâng cao mọi kẻ khiêm nhường.

53 Kẻ đói nghèo, Chúa ban của đầy dư,
người giàu có, lại đuổi về tay trắng.

54 Chúa độ trì Ít-ra-en, tôi tớ của Người,
55 như đã hứa cùng cha ông chúng ta,
vì Người nhớ lại lòng thương xót
dành cho tổ phụ Áp-ra-ham
và cho con cháu đến muôn đời.”

56 Bà Ma-ri-a ở lại với bà Ê-li-sa-bét độ ba tháng, rồi trở về nhà.

SUY NIỆM 1:
Anh chị em thân mến, những bước chân vội vã của người thôn nữ tên Maria tìm đến với người chị họ Êlisabet năm xưa, đã trở nên một câu chuyện tuyệt đẹp và chứa đựng nhiều ý nghĩa, để rồi hôm nay Giáo Hội mời gọi chúng ta hãy chiêm ngắm lại cuộc gặp gỡ tình sử ấy và rút ra những bài học cho chính bản thân mình.
Trước hết là qua hình ảnh của Mẹ Maria. Tin mừng cho biết, ngay sau khi nói lời “Xin vâng” với Sứ thần, Đức Maria đã tìm đến với bà Êlisabet. Mẹ ra đi trong vội vã và háo hức. Niềm vui xen lẫn chữ tình đã giúp Mẹ vượt qua bao ngăn trở của địa lý, vượt qua những yếu đuối của phận nữ nhi, để mong sớm gặp được người chị mà mình thương quý.Trong cuộc gặp gỡ ấy, Mẹ chia sẻ với người chị họ về cảm nghiệm đức tin của bản thân, về những điều cao cả mà Chúa vừa thực hiện cho Mẹ. Cũng trong cuộc gặp gỡ này, Mẹ đã giúp đỡ bà Êlisabet trong những tháng ngày bụng mang dạ cha.
Ngày nay chúng ta đang rất cần những cuộc gặp gỡ đầy p tình người như thế thưa anh chị em. chúng ta đang bị chi phối quá nhiều bởi các phương tiện tân tiến. Tân tiến đến nỗi tạo nên một khoảng cách quá rộng và quá sâu giữa người với người. Cần thì gọi điện, cần thì nhắn tin, cứ tưởng như gần nhưng lại rất xa! Ngay cả vợ với chồng, cha mẹ với con cái trong cùng một gia đình đôi lúc cũng có quá ít những lần ngồi lại để đối thoại, trao đổi và chuyện trò. Còn các thanh niên nam nữ ngày nay thì thích ở ngoài đường nhiều hơn thích ở nhà, thích nhắn tin với bạn bè nhiều hơn là thích nói chuyện với ba mẹ, thích ăn cơm một mình hơn thích ăn chung với gia đình. Rồi tình làng nghĩa xóm giờ đây cũng ít mặn nồng hơn xưa. Chúng ta được mời gọi hãy vượt qua những khoảng cách ấy để tạo nên những cuộc gặp gỡ đầy p tình người.
Tin mừng cho biết, bà Êlisabet rất đỗi vui mừng vì được thân mẫu của Chúa viếng thăm. Vui mừng vì bà nhận ra sự hiện diện của Mẹ Maria đã mang ơn lành của Chúa đến cho gia đình và cho chính bản thân bà.
Chúng ta vừa kết thúc tháng hoa dâng kính Mẹ, tháng mà chúng ta mời Đức Mẹ lần lượt viếng thăm từng gia đình của mỗi chúng ta. Khi viếng thăm như thế, chắc chắn Mẹ cũng mang ơn lành của Chúa đến cho mỗi người và mỗi nhà. Ước gì chúng ta nhận ra được điều đó để tâm hồn chúng ta cũng dâng trào niềm hạnh phúc như bà Êlisabet xưa, và luôn biết gắn bó cuộc đời của mình với Mẹ.
Như vậy, chiêm ngắm lại cuộc thăm viếng của Mẹ Maria trong Thánh lễ hôm nay, chúng ta được mời gọi tâm niệm 2 điều sau: Thứ nhất, đừng quên mời Mẹ Maria đến và ở lại trong nhà mình, vì sự hiện diện của Mẹ sẽ làm cho đời sống đức tin của mỗi người và gia đình mình luôn tươi mới và thắm đượm sắc hương. Thứ hai, mỗi người hãy noi gương Mẹ để sống tình người với nhau sao cho thật ấm áp. Tình người trước tiên phải nói đến đó là tình gia đình. Vợ với chồng, con cái với cha mẹ hãy xích lại gần nhau hơn nữa. Đừng để sống chung một nhà mà cứ tưởng đâu là người xa lạ. Đừng biến tổ ấm yêu thương thành phòng trọ ở ghép. Đừng để cách xa nhau, vì xa mặt thì sẽ dẫn đến cách lòng.
Tóm lại, những ai noi gương Mẹ Maria, gắn bó đời mình với Mẹ thì người đó sẽ có một đời sống luôn đầy p tình Chúa và ấm áp tình người. Amen.
Lm. Antôn

SUY NIỆM 2:
A- Phân tích (Hạt giống...)
Đức Mẹ Maria được bà Êlisabét gọi là người có phúc nhất trong tất cả các phụ nữ. Qua đoạn Phúc Âm này, ta có thể thấy được một số lý do khiến Đức Mẹ diễm phúc như thế:
- Vì Mẹ có đức tin vững mạnh: “Em thật có phúc vì đã tin rằng Chúa sẽ thực hiện những gì Ngài đã nói với em”.
- Vì Mẹ luôn có Chúa Giêsu trong mình
- Vì Mẹ biết quan tâm mang hạnh phúc đến cho người khác
- Vì Mẹ biết sống như một “người nghèo của Thiên Chúa”: “Kẻ đói nghèo Ngài ban của đầy dư, người giàu có lại đuổi về tay trắng”.
B- Suy gẫm (... nẩy mầm)
1. Nhà vua bị bệnh nặng. Quan ngự y lo lắng, nhưng đành bó tay. Một nhà chiêm tinh đến bảo vua chỉ khỏi bệnh khi nào được mặc chiếc áo của một người hạnh phúc nhất.
Quan quân đổ xô đi khắp nước để tìm người hạnh phúc nhất. Cuối cùng thì họ cũng tìm được một người hạnh phúc thực sự. Nhưng khổ thay, người ấy quá nghèo, chẳng có lấy một chiếc áo! (Góp nhặt)
2. “Bà Maria lên đường, vội vã đến miền núi, vào một thành thuộc chi tội Giuđa. Bà vào nhà ông Dacaria và chào hỏi bà Êlisabét.” (Lc 1,39-40)
Mẹ Maria ơi! Ngày xưa Mẹ thật đơn sơ và dễ thương khi hăng hái lên đường giúp bà Êlisabét. Những bước chân nhẹ nhàng, đầy niềm vui phục vụ. Rồi ngày Mẹ lo lắng sợ hãi đem trẻ Giêsu trốn sang Ai cập. Những bước chân nặng nề, cuống cuồng vì tai họa trần gian… Và con không cảm nhận hết tâm trạng của Mẹ khi theo sau Chúa Giêsu trên đường lên núi Sọ. Nhìn những giọt máu của con mình cùng cái chết dành cho loại tử tội xấu xa, những bước chân nhục nhã, đau khổ… Thánh giá Mẹ vác quá nặng mà Mẹ vẫn vượt qua và bước tới.
Con cũng biết “Tin” là “Bước đi”. Nhưng nhiều khi con chới với, con ngã lòng, con chưa có sức bước trong sự dẫn dắt tuyệt vời của Thiên Chúa. Con chưa tin đủ.
Lạy Mẹ Maria, xin giúp con xác tín rằng những bước chân vui buồn khấp khểnh ở đời này, từng bước đường sướng khổ gập ghềnh hôm nay sẽ làm nên lối nhỏ dẫn lên Trời nếu con bước với lòng phó thác, tin yêu. (Hosanna)
Lm. Carôlô Hồ Bạc Xái

SUY NIỆM 3:

Hôm nay, chúng ta mừng lễ Đức Mẹ thăm viếng bà Elizabeth. Mừng lễ Đức Mẹ, chúng ta có cảm nhận và rút ra được gì qua sự kiện Đức Mẹ đi thăm bà chị họ không? Như thánh Giáo Hoàng Phaolô VI viết trong Marilis Cultus số 7: “Lễ Đức Mẹ thăm viếng nhắc lại sự kiện Đức Maria cưu mang Chúa Con đến thăm và giúp đỡ bà Elizabeth, đồng thời công bố lòng nhân hậu của Thiên Chúa Cứu Chuộc”. Hẳn thật, trong cuốn “KINH KÍNH MỪNG- một suy tư mới của Đức Giáo Hoàng Phanxico”, ngài viết: “Mẹ Maria là công trình của Chúa Cha, “Đấng đầy ân sủng” (Lc 1, 28); nơi Mẹ, chúng ta nhận thấy hoa trái việc làm của Thiên Chúa, có nghĩa là điều xảy đến với một con người khi con người đó đón nhận trọn vẹn Thánh Thần. Mẹ trở thành mẫu gương sáng trong sự tốt lành của tình yêu, của vẻ đẹp: Mẹ “được chúc phúc hơn mọi người nữ” (Lc 1, 42)… Đức Maria là người mẹ kiện toàn: LƯU TÂM, SĂN SÓC VÀ GẦN GŨI. Đó cũng là ba điểm con muốn chia sẻ qua bài Tin Mừng lễ Đức Mẹ hôm nay.
LƯU TÂM
Trong tiệc cưới Cana (Tin Mừng Gioan đoạn 2), khi đám tiệc còn vui vẻ, thì đột nhiên hết rượu. Mẹ là người tế nhị và lưu tâm đến đôi bạn trẻ của ngày vui hôm đó, nên nói với Chúa Giêsu: “họ hết rượu rồi” (Ga 2, 3). Một lời cầu xin tế nhị và cũng là một lời bầu cử cho đôi tân hôn trong ngày vui. Mẹ nói với Chúa cách kín đáo và sau đó mẹ nói với gia nhân: “Người bảo gì, các anh cứ việc làm theo” (Ga 2, 5). Trong khi Mẹ nói với Con mình, Mẹ gởi gắm tới Thiên Chúa và tới con người. Nhờ Mẹ, chúng ta nhận ra rằng yêu mến Thiên Chúa có nghĩa là thực sự yêu mến anh chị em và ngược lại… Như vậy, khi chúng ta hướng về Mẹ, Mẹ sẽ giúp chúng ta và luôn luôn dạy chúng ta hướng về Thiên Chúa (trích lời Đức Thánh Cha Phanxico về Kinh Kính Mừng qua sự kiện Đức Mẹ đi viếng).
Trong đời sống của các đan sĩ, chúng ta có lưu tâm đến nhu cầu của anh chị em chăng? Chúng ta có thấu hiểu những thiếu thốn, ốm đau, buồn tủi và bất hạnh không? Xin Đức Mẹ ban cho chúng ta một con tim như Mẹ, biết lưu tâm đến mọi nhu cầu của anh chị em đang sống cùng chúng ta.
SĂN SÓC
Đức Mẹ luôn săn sóc Thánh Gia, cũng như săn sóc con cái Mẹ. Điều đó cũng dễ hiểu vì Mẹ là Mẹ Chúa Cứu Thế, đấng bầu cử tuyệt vời: Fatima, Lộ Đức và các trung tâm hành hương Đức Mẹ trên khắp thế giới luôn có người đến xin ơn bầu cử qua trung gian của Mẹ, như Đức Thánh Cha Phanxicô nói về thái độ của Mẹ Maria trong biến cố thăm viếng: “Mẹ Maria, bất chấp những khó khăn và bình phẩm chỉ trích Mẹ nhận được bởi việc Mẹ quyết định rời nhà lên đường, không ngừng lại trước bất cứ sự gì… Mẹ Maria không hấp tấp, không để mình bị lôi cuốn trong chốc lát. Thế nhưng khi Mẹ cảm thấy rõ ý Chúa muốn nơi Mẹ, những gì Mẹ cần làm, thì Mẹ không chần chờ, không thoái lui mà là lên đường ‘cách vội vã’. Đôi khi chúng ta chúng ta còn ngưng lại ngay cả ở chỗ chỉ lắng nghe, chỉ suy tư về những gì chúng ta cần phải làm, có lẽ chúng ta còn rõ ràng về cả những gì chúng ta cần phải quyết định, nhưng chúng ta không ra tay tác hành. Nhất là chúng ta không dấn thân bắt tay vào việc, không tiến hành ‘một cách vội vã’ đối với những người khác để mang đến cho họ sự trợ giúp của chúng ta, niềm cảm thông của chúng ta, hay đức bác ái của chúng ta”. Vì thế, thánh Anphong Ligôri bình phẩm: “Vừa đặt chân vào nhà Gioan Tẩy Giả, Mẹ Maria đã rộng ban cho gia đình nào là ân trạch trời cao, nào là hồng ân thiên quốc. Do đó, lễ Đức Mẹ Thăm Viếng thường được gọi là lễ Đức Mẹ Ban Ân Sủng”. Ôi, thật kỳ diệu và thú vị biết bao!
Cuộc sống của đan sĩ với bảy giờ kinh và các công việc, chúng ta có cảm nhận được sự gần gũi với Mẹ khi lần chuỗi mân côi? Khi Chầu Thánh Thể? Trong đời sống chúng ta có cảm nhận được “Chúa viếng thăm”, anh chị em hỏi thăm nhau, quan tâm nhau, nở nụ cười thân ái, chia sẻ đồ ăn hay giúp nhau chu toàn bổn phận đến đâu?
GẦN GŨI
Mẹ luôn gần gũi chúng ta, bên cạnh ta mỗi khi ta kêu cầu. Kinh nghiệm mỗi đan sĩ ai cũng cảm nghiệm được điều đó. Hơn ai hết, thánh Gioan Tông đồ đã kinh nghiệm và đón nhận Mẹ: “Khi thấy mẹ và bên cạnh có môn đệ Người yêu, Chúa Giêsu nói với mẹ rằng: “Thưa Bà, này là Con Bà”. Rồi Người nói với môn đệ: “Này là Mẹ con”. (Ga 19, 27). Khi gần chết, Chúa Giêsu đã trao cho chúng ta Đức Maria như một người Mẹ, vì Mẹ đích thực là Mẹ và chính Chúa Giêsu là người anh đích thực của chúng ta. Như thế, nơi Đức Maria, Mẹ Thiên Chúa và Mẹ của tất cả chúng ta, Mẹ của Đấng Phục Sinh và của tất cả những ai trong chúng ta sẽ phục sinh trong Người bằng phép rửa.
Đời sống đan tu đụng chạm đến Chúa, đến những thực tại thánh thiêng, nhưng cũng không thiếu những đụng chạm nhau, hiểu lầm nhau. Đôi lúc, những đụng chạm ấy làm tổn thương, tổn hại và đau nhức trong tâm hồn. Ước gì qua bài Tin Mừng hôm nay, các tâm hồn bị tổn thương ấy biết chạy đến Mẹ như liều thuốc chữa lành: vì được Mẹ yêu thương, săn sóc và gần gũi. Không phải vì tình cảm mau qua, nhưng là những hoa trái của Thánh Thần, của yêu thương, chia sẻ và đồng hành, của bác ái và phục vụ trong tình yêu Thiên Chúa.
   Trong thông điệp về lòng tôn sùng rất thánh Nữ Maria, Đức thánh Giáo hoàng Phaolô VI nói rằng: “Lời kinh Magnificat của Mẹ đã là một lời công bố tuyệt hảo những hồng ân của lòng nhân nhậu Chúa. Nhưng riêng các diễn biến xảy ra việc này cũng cho thấy lòng nhân hậu của Chúa thế nào. Nghe lời Đức Maria chào, Hài Nhi trong lòng đã được ơn thánh hóa, được nâng lên hàng phẩm chức cao vượt các tiên tri do ơn được tiền dự vào công việc cứu chuộc. Con trẻ đã nhận biết Đấng đến thăm mình và bày tỏ bằng sự nhẩy mừng, tình yêu và niềm kính trọng đối với sự hiện diện của Thiên Chúa”.
Lạy Mẹ Maria từ ái, xin cho con cảm nhận được sự chở che từ Mẹ và tin tưởng vào lời cầu bầu của Mẹ trong những lời thỉnh cầu của con. Xin cho con thêm vững tin để không thử thách và cám dỗ nào làm con gục gã, vì tin tưởng Mẹ luôn đồng hành, săn sóc và gần gũi với con trong đời sống. Cho dù trong những lúc nguy hiểm hay hoàn cảnh khắc nghiệt, con sẽ quay bước về với Mẹ và nương tựa vào trái tim từ ái của Mẹ, vì con biết rằng con sẽ không bao giờ phải thất vọng. Amen.
 F.m Đaminh Minh Nguyễn Quốc Khánh, Đan Viện Thiên Phước

SUY NIỆM 4:
 Mầu nhiệm Đức Mẹ đi viếng Bà thánh Isave đã được Đông phương mừng kính từ lâu đời trước. Bên Tây phương lần đầu thấy nghi lễ này trong qui chế của nhà thờ Mans năm 1247. Các tu sĩ dòng Phanxicô bắt đầu mừng lễ từ năm 1263. Khi Giáo hội bên Tây phương bị phân rẽ trầm trọng và bị thử thách nặng nề, ý tưởng của Đức Giáo Hoàng hướng về Đức Maria Mẹ Thiên Chúa đến thăm viếng và mang lại cho gia đình Giacaria bao nhiêu là niềm an ủi, Giáo Hội cũng đang cần đến sự an bình hiệp nhất và sức mạnh. Cảm biết nhu cầu của Giáo Hội và tin tưởng vào Đức Maria.
Ngày 06 tháng 4 năm 1389, Đức Urbariô VI đã ra một sắc lệnh. Và ngày 09 tháng năm ấy, Đức Bônifaciô XI ban bố việc mừng lễ Đức Mẹ đi thăm viếng. Việc thiết lập mừng lễ phát xuất từ cuộc phân rẽ, đã được hội đồng Bale xác quyết để kỷ niệm việc Giáo hội được bình an trở lại. Đức Piô IX đã nâng lên bậc Lễ kính ngày 31 tháng 5 năm 1850, để kỷ niệm việc giải phóng thành Rôma (Gaete) và cuộc trở về của ngài. Biến cố này đã xảy ra năm trước, trùng vào đúng ngày lễ Đức Mẹ đi thăm viếng.
Mừng kính mầu nhiệm Đức Mẹ đi viếng bà thánh Isave Đức Phaolô VI viết : “Lễ thăm viếng nhắc lại sự kiện Maria cưu mang Chúa Con đến thăm và giúp đỡ bà Isave, đồng thời công bố lòng nhân hậu của Thiên Chúa Cứu chuộc”
Sự kiện Đức Mẹ đi thăm viếng bà thánh Isave đã khởi sự từ lời loan báo của sứ thần Gabriel ở trong buổi lễ truyền tin như để xác quyết về quyền năng của Thiên Chúa:
– “Kìa Isave trong hàng thân thích của Người cũng đã mang thai trong lúc tuổi già, cái thai này đã sáu tháng, nơi một kẻ đã từng mang tiếng là son sẻ hiếm hoi”
Với niềm vui riêng và nhất là sự thúc đẩy của đức bác ái, Maria đã lên đường thăm viếng người bà con may mắn của mình. Thánh kinh tiếp tục kể lại cuộc thăm viếng này :
“Chỗi dậy. Maria đon đả đi lên miền sơn cước, đến một thành xứ Giudêa, bà vào nhà Giacaria và chào Isave. Và xảy ra là thoạt nghe lời Maria chào thì hài nhi nhảy mừng trong dạ mẹ”.
Tiếp theo sau là những lời trao đổi giữa Đức Maria và bà thánh Isave. Bà được Chúa Thánh Thần soi sáng cho biết ân huệ của cuộc viếng thăm này. Còn Đức Maria đã không tự kiêu vì đặc ân đã lãnh nhận, Mẹ khiêm tốn dâng lời tạ ơn Thiên Chúa với lời kinh Magnificat.Trong thông điệp về lòng tôn sùng rất thánh Nữ Maria, Đức giáo hoàng Phaolô VI đã ghi rằng:
“Công bố lòng nhân hậu của Thiên Chúa Cứu Chuộc”.
Thực vậy, lời kinh Magnificat của Mẹ đã là một lời công bố tuyệt hảo những hồng ân của lòng nhân nhậu Chúa.
Nhưng riêng các diễn biến xảy ra việc này cũng cho thấy lòng nhân hậu của Chúa thế nào. Nghe lời Đức Maria chào, hài nhi trong lòng đã được ơn thánh hóa, được nâng lên hàng phẩm chức cao vượt các tiên tri do ơn được tiền dự vào công việc cứu chuộc. Con trẻ đã nhận biết Đấng đến thăm mình và bày tỏ bằng sự nhảy mừng, tình yêu và niềm kính trọng đối với sự hiện diện của Thiên Chúa.
Ngoài ra Mẹ Maria đã được Chúa dùng làm dụng cụ chuyển thông ơn phúc của Thiên Chúa, như muốn chỉ cho chúng ta thấy rằng mẹ thực sự là máng thông chuyển ơn và chúng ta có thể tin tưởng chạy đến sự cầu bầu của Mẹ.
Theo Vết Chân Người – Lm. Phaolô Phạm Quốc Tuý

SUY NIỆM 5: "MẸ SỐNG ĐỂ PHỤC VỤ, MẸ ĐI ĐỂ TRAO GIÊSU"
Con Thiên Chúa, từ ngày truyền tin, lại còn là con Đức Maria. Hồng ân ấy, Đức Maria không giữ cho riêng mình, Người đã vội vã lên đường, đi thăm người bà con để chia sẻ cho nhau.
Biến cố gặp gỡ giữa Maria và Elisabeth đã làm nổi bật lên hai đặc trưng: Đức tin và sự trao ban - phục vụ.
 
* Đặc trưng niềm tin
Với khoảng cách giữa Nazareth và Ain Carem (khoảng 100km) với liên lạc thời đó, tin tức về một phụ nữ mang thai ở cách xa nhau như thế, Maria chỉ biết được nhờ tin vào Lời Chúa qua miệng thiên sứ Gabriel mà thôi. Niềm tin của Đức Maria được khẳng định khi Mẹ thưa “xin vâng” một cách dứt khoát và điều này được chính bà Elisabeth đã thốt lên lời ca ngợi “phúc cho bà là kẻ đã tin…” (Lc 1, 45).
Từng câu từng chữ trong lời ca tụng của bà Elisabeth đều mang đầy ý nghĩa, nhưng điều bà nói cuối cùng mới thực quan trọng: “Em thật có phúc, vì đã tin…” (Lc 1, 49) . Câu nói này có thể đặt cận kề với tước hiệu “đầy ơn phúc” trong lời chào của thần sứ.
Qua lời chào của thiên sứ Gabriel và lời tán dương của bà Elisabeth dành cho Đức Maria, cho thấy chân lý về Đức Maria hiện diện trong mầu nhiệm Chúa Kitô, chỉ vì Mẹ đã tin . Công đồng Vaticano II dạy: “Phải bày tỏ sự vâng phục của đức tin (Rm 16, 26; 2Cr 10, 5-6) đối với Thiên Chúa mạc khải, nhờ đó con người hoàn toàn tự nguyện phó thác vào Thiên Chúa” . Cách diễn tả đức tin này đã được Đức Maria thực hiện nơi bản thân mình cách trọn vẹn. Giây phút quyết định là lúc truyền tin, và các lời của bà Elisabeth: “Em thật có phúc vì đã tin” được áp dụng vào giây phút chính xác đó . Với cả lý trí và ý chí, Đức Maria đã đáp lại tiếng Chúa bằng cả con người trọn vẹn đầy nhân tính và nữ tính, và lời đáp trả của đức tin nàybao một sự cộng tác hoàn hảo với hồng ân trợ lực của Thiên Chúa và một sự sẵn sàng trọn vẹn cho hoạt động của Chúa Thánh Thần, Đấng không ngừng dùng hồng ân của mình làm cho đức tin luôn hoàn hảo.
 
* Đặc trưng đức ái (trao ban và phục vụ)
Việc Đức Maria vội vã ra đi đến Ain Carem khi vừa được báo tin là người chị họ trong lúc tuổi già đã mang thai được sáu tháng, được thôi thúc bởi ba động lực là để chia sẻ niềm vui, trao ban “ân sủng” và tinh thần đức ái: Đức Maria đến chia sẻ niềm vui kép đôi vì vừa được cưu mang Chúa Giêsu, vừa vui mừng cho bà Elisabeth được Thiên Chúa cất đi nỗi nhục son sẻ của bà; Đức Maria đến để đem Chúa Giêsu đến cho Gioan được nhảy mừng và bà Elisabeth được tràn đầy Chúa Thánh Thần; và Đức Maria đến để giúp đỡ bà Elisabeth trong thời kỳ thai nghén. Tất cả được gói gọn trong một động lực duy nhất là đức ái tuyệt hảo của Mẹ Con Thiên Chúa.
Niềm vui trước hết và trên hết mà Đức Maria muốn chia sẻ chính là niềm vui được Thiên Chúa cứu độ. Được cứu độ là niềm vui lớn nhất mà bao thế hệ đợi chờ, chính vì thế mà Đức Maria, người được cứu độ đầu tiên, tràn ngập niềm vui, vừa cất tiếng chào thì Gioan trong dạ bà Elisabeth cũng nhảy lên vui sướng vì ơn cứu độ đã đến. Đức Maria mang đến cho gia đình bà Elisabeth ân sủng của Thiên Chúa, vì Mẹ tràn ngập ân sủng, nên ân sủng đó trào tràn trên bà Elisabeth làm cho bà cất lớn tiếng và ca ngợi Mẹ Thiên Chúa.
Đức Maria mang trong mình Đấng là ân sủng và được bao quanh bằng ân sủng của Thánh Thần, Mẹ hiểu rõ bản chất của ân sủng không cho phép tích trữ và giữ lấy như của riêng, mà cần phải trao ban, ân sủng không dừng lại nơi Mẹ mà được tặng ban cho con cái loài người. Thật vậy, nếu ân sủng là để phân phát, thì người làm đầu chỉ có thể là để phục vụ (x. Mt 23, 11), và thế giới ân sủng còn là thế giới của tình thương.
Tình thương bao la và cao thượng vốn được xây dựng trên hy sinh và dâng hiến. Nơi đó, không chờ đợi để nhận lãnh hay để được phục vụ, mà là luôn tìm cách trao ban, chia sẻ và hiến tặng.
Tóm lại, qua biến cố Đức Maria thăm viếng bà Êlizabeth, Chúa muốn dạy chúng ta sống tinh thần của Mẹ Maria là sống trong ơn nghĩa của một tâm hồn đầy Chúa, cưu mang Chúa trong trái tim mình, để rồi mau mắn đem Chúa đến cho tha nhân. Đặc biệt cụ thể hoá việc làm chứng cho Chúa qua chính đời sống phục vụ.
 Lạy Chúa Giêsu, xin ban cho chúng con niềm tin phó thác, để chúng con biết xin vâng như Mẹ; xin cũng tăng thêm cho chúng con đức ái, để chúng con biết sống trao ban và phục vụ như Mẹ. Nhờ đó, cùng với Mẹ Maria, chúng con xứng đáng là những người con thảo của Cha trên trời. Amen.
Hiền Lâm

SUY NIỆM 6: MẸ MARIA GẶP GỠ CHỊ HỌ ELISABETH
Vào một buổi chiều hôm đó trong nhà thờ, đầy nghẹt những người cùi hủi. Đức cha Maigret đứng bên bàn thờ quay xuống hỏi họ:
Các con thân mến, các con hằng mong ước có một linh mục đến ở cùng và phục vụ các con. Thì đây tôi xin giới thiệu: cha Đamien (Joseph Damien de Veuster 1840-1889 người Bỉ. Ngài đã đến và sẽ ở lại để chăm sóc, phục vụ và chia sẻ với các con từ nay cho đến chết. Các con có vui mừng không?
Cả nhà thờ xôn xao, thì thầm to nhỏ. Cha Đamien đứng bên cạnh Đức giám mục mà chẳng hiểu tí gì! Rồi họ từ từ tiến lên cung thánh, họ đến bên cha, sờ vào mặt, vào tay và vào áo cha…Cha hỏi Đức giám mục: Họ làm gì vậy?. Đức cha giải thích: Họ nói họ không thể tưởng tượng được một người từ nơi phương xa, chẳng có bà con huyết thống gì với họ, còn trẻ và lại đẹp trai nữa, không bệnh tật gì mà tự nguyện đến phục vụ họ trên mảnh đất khốn cùng này. Họ không tin vào mắt mình nên họ mới xúm lại sờ mó vào người cha xem thử cha có thực sự bị bệnh phong cùi như họ không? Rồi họ nói với nhau rằng: “ Không, cha không bệnh tật gì và cha đẹp trai quá!”.
Vào năm 1873, cha Đamien đã tự tình nguyện ra đảo Molokai, nơi mà chính quyền Hawaii thời đó “thu gom” những người  bất hạnh bị bệnh cùi hủi ra sống ở đảo nhằm cách ly, tránh sự lây lan cho xã hội. Vì thế họ bị bỏ mặc, sống lạc loài và cô đơn trên đảo, không nhận được bất cứ một sự chăm sóc nào về thể xác cũng như tâm linh!
Cha Đamien đã đến và biến đổi một trại cùi hiu quạnh bị cô lập hoàn toàn với thế giới bên ngoài thành một trung tâm sinh hoạt yên vui như một gia đình lớn.
Và rồi sau mười sáu năm tận tình phục vụ những anh chị em cùi, cha đã bị lây bệnh và qua đời vào năm 1889. Vì thế cha được mệnh danh là “Tông Đồ người cùi”.
(Ngài được phong chân phước ngày 04/06/1995 và được phong hiển thánh ngày 11/10/2009).
 
Hôm nay Giáo Hội mừng lễ Đức Mẹ đi thăm viếng gia đình bà Elisabet. Chúng ta thấy theo tường thuật của Phúc Âm, thì ngay sau khi nói lời “xin vâng” để chương trình cứu thế của Thiên Chúa được bắt đâu thực hiện thì Đức Mẹ đã “vội vã” lên đường đên thăm gia đình người chị họ. Đây không phải là một cuộc thăm viếng bình thường, mà là chuyến đi mang niềm vui của ơn cứu độ đến cho tha nhân. Niềm vui này thật quan trọng và lớn lao đến nỗi bà chủ nhà Elisabet, khi thấy Đức Maria đến đã phải thốt lên rằng: “Bởi đâu tôi được Mẹ Thiên Chúa đến thăm viếng tôi”. Và Gioan tuy chỉ là một thai nhi cũng đã vui mừng mà nhảy lên trong dạ mẹ. Như vậy chúng ta thấy, khi nhận được niềm vui của Tin Mừng cứu độ, Mẹ đã không giữ lại cho riêng mình mà đã vội vã lên đường đi chia sẻ niềm vui ấy cho mọi người.
Với tư cách là Mẹ Đấng Cứu Thế, thì lẽ ra người phải đến chăm nom, phục vụ và ngợi khen Đức Mẹ phải là bà Elisabet. Nhưng vì lòng khiêm nhường, Đức Mẹ đã không quản ngại đường xá xa xôi vất vả, và không phải là không có những mối nguy hiểm trên đường! Nhưng Mẹ vẫn đến để thăm viếng phục người chị em này.
Noi gương Đức Mẹ, chúng ta là những người được mệnh danh là “người có Chúa” tức những Ki-tô hữu thì cũng phải có bổn phận đem Chúa đến giới thiệu cho tha nhân. Nhưng trước hết hãy học nơi Mẹ nhân đức khiêm nhường và yêu thương. Bởi chỉ có thực sự khiêm tốn và yêu thương chân thành chúng ta mới có thể đem Tin Mừng cứu độ cho tha nhân được.
Trong cuộc sống hằng ngày, chúng ta biết thể hiện những hành động yêu thương quí mến mọi người mà chúng ta gặp gỡ, trong gia đình cũng như ngoài xã hội. Chúng ta có thể trao cho họ những nụ cười tươi thắm, những lời nói nhỏ nhẹ chân thành, những ánh mắt thiện cảm nhân từ… Như thế là chúng ta đã mang niềm vui, an bình đến cho mọi người, và nhất là chúng ta đã thể hiện được là người có Chúa Kitô đang ngự trị nơi tâm hồn của chúng ta.
Cầu Nguyện:
Lạy Chúa, còn biết bao người chưa nhận biết Chúa. Xin ban Thánh Thần thức tỉnh tâm hồn họ để nhờ đó họ nhận ra chỉ có Chúa là Đấng Cứu Độ trần gian mà họ phải tôn th, kính mến để cuộc sống dương gian này mang lại ý nghĩa thực sự cho họ, và cũng xin ban cho mỗi người chúng con luôn biết bổn phận mình là Kitô hữu, thì phải đem Chúa đến cho mọi người và đem mọi người về cho Chúa, bằng đời sống yêu thương, bác ái, hy sinh và phục vụ của mình. Amen.
Sống Lời Chúa:
Mỗi ngày cố gắng hy sinh làm việc thiện, có ý cầu nguyện cho công cuộc truyền giáo.
Đaminh Trần Văn Chính.

SUY NIỆM 7: ĐƯỢC CHÚC PHÚC
Sau khi được sứ thần cho biết bà Elisabeth đã mang thai, Mẹ Maria đã mau mắn lên đường để thăm viếng và chăm sóc cho bà. Sự gặp gỡ giữa hai người phụ nữ không chỉ chia sẻ với nhau niềm vui sắp làm mẹ, mà còn biểu lộ ơn phúc đã lãnh nhận từ Thiên Chúa. Cả hai bà đều là những người được Thiên Chúa chúc phúc. Bà Elisabeth được sinh con trong lúc tuổi già, còn Mẹ Maria được tuyển chọn làm Mẹ Đấng Cứu Thế. Cả hai bà đều cảm nghiệm tất cả những gì mình có đều là ân sủng của Thiên Chúa. Ngài đã tuôn đổ tình yêu xuống trên cuộc đời của hai bà và hai bà đã làm cho ơn Chúa ban triển nở khi luôn sống đẹp lòng Chúa trong mọi sự.
Chúng ta cũng được Thiên Chúa chúc phúc qua biết bao nhiêu ân sủng Ngài ban cho. Tuy nhiên, chúng ta không dám nói tôi là người được Thiên Chúa chúc phúc, vì không sử dụng ơn Chúa ban theo đúng ý Chúa. Khi chúng ta không biết trân trọng và dùng ơn Chúa theo ý Chúa thì đang tự đánh mất ơn Chúa ban. Chúa ban cho chúng ta hết ơn này đến ơn khác nhưng chúng ta lại để cho ý riêng và tội lỗi nhấn chìm ơn Chúa. Chúng ta đã tự đánh mất và phá hủy những dự định mà Thiên Chúa muốn thực hiện trên cuộc đời mình.
Lạy Chúa, xin cho chúng con luôn biết trân trọng và sử dụng mọi ân huệ Chúa ban theo ý Chúa, ngõ hầu chúng con không đánh mất cơ hội làm đẹp lòng Chúa và đem lại nhiều hoa trái thiêng liêng cho phần rỗi của chúng con. Amen.
Lm. Laurenso Quốc Huy
SUY NIỆM 8:
Hồi ấy, bà Ma-ri-a lên đường, vội vã đi đến miền núi, vào một thành thuộc chi tộc Giu-đa.
•      Ngắm nhìn Mẹ Maria vội vã lên đường. Sứ điệp Tin Mừng luôn là sự vội vã nhưng không vội qua. Đường đồi núi không làm cản bước chân của Mẹ. Mẹ muốn chia sẻ niềm vui với người chị họ của mình. Chỉ thế là đủ.
•      Mẹ đi thăm chị họ của mình với một hành trang đủ chất. Hành trang mang Giêsu bé bỏng đi cùng Mẹ. Hành trình thăm viếng của Mẹ không lẻ loi vì Mẹ có Giêsu, mang Giêsu và cùng với Giêsu đến với người chị em của mình.
•      Hành trình thăm viếng của con người hôm nay cũng có nhiều mục đích nhưng điều quan trọng là chúng ta có đem Chúa vào trong cuộc đời của chúng ta hay không. Thăm viếng vẫn là một nhu cầu lớn của thời đại hôm nay.
Tôi được mời gọi vội vã lên đường như Mẹ Maria năm xưa không? Tôi sẽ đem theo hành trang gì khi thăm viếng con người?
Lạy Chúa, xin cho con tiếp tục sứ mạng như Mẹ Maria sẵn sàng đem Chúa đến cho mọi người.

Br. Vincent SJ
 

  Ý kiến bạn đọc

Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây